ANH VŨ HUY CƯƠNG
Nhanh quá, mới gặp anh ngày nào ở Hà Nội, giờ đã 13 năm anh xa bạn bè, người thân (23/11/2000 – 23/11/2013).
Dẫu xa ngần ấy năm, hình ảnh của anh Vũ Huy Cương không thể nào quên trong tôi.
Nhớ dáng anh, gầy, nhỏ, ăn mặc lúc nào của giản dị, không thể giản dị hơn. Thậm chí có lúc tôi nghĩ, có khi anh Vũ Huy Cương không biết diện. Khuôn mặt khắc khổ, cam chịu nhưng điều tôi biết rõ về anh, là sự rộng lòng. Với anh, tất cả những nhà văn, nhà thơ ở trạc tuổi của anh, đều là những người bạn chí thiết. Anh hay kể cho tôi nghe những người bạn của anh khi còn trong tù. Khổ , truy bức nhưng không hề oan than: “Xã hội mình nó thế, còn hoang dã lắm, vì thế, chuyện xảy ra với anh cũng là bình thường, kể lại làm gì.” Anh nói với tôi như vậy, khi tôi muốn nghe anh kể những ngày tháng anh ở trong tù, một án tù mà như nhiều người nói: “Không hiểu vì sao mình lại bị tù?”. Nhưng có một lần tôi với anh đến nhà họa sỹ Văn Sáng chơi, không hiểu sao anh lại kéo tôi đi một con đường chạy dọc theo bờ tường nhà giam Hỏa Lò, tự nhiên nét mặt anh trầm ngâm, tư lự, giọng nhỏ lại, đủ cho tôi nghe: “Anh đã từng ở trong kia, cố lắng nghe tiếng động ngoài này để tin rằng mình còn sống, còn về lại với đời…”.
Có lẽ đó là lần duy nhất anh nói với tôi chuyện tù tội. Anh Vũ Huy Cương trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm*, sau này tôi nghe một số người kể, anh cũng không làm điều gì “to tát”, hình như là một chức nhỏ nhất là biên tập một tập tạp chí của nhóm này. Công việc chính của anh, cũng lại … hình như chỉ là cán bộ bình thường trong xưởng phim truyện. Xin lỗi, tôi nhớ điều này không chính xác, một phần vì anh Vũ Huy Cương rất ít kể cho tôi nghe chuyện quá khứ, mà hay nói chuyện về văn học, thời thế. Ra tù gần như mọi chế độ chính sách không còn, vợ con không có, anh Vũ Huy Cương sống một mình trong căn nhà hẹp ở 52 Bà Triệu. Gọi là nhà, thực ra trông giống như một căn bếp tập thể, mái lợp bằng tôn cũng có, gạch cũng có và thậm chí… giấy dầu cũng có, diện tích hẹp vừa đủ kê một cái giường đơn, một bộ bàn ghế , một cái tủ nhỏ đựng thức ăn, bếp dầu… khi bạn bè anh đến căn phòng nhỏ của anh lại rộn tiếng cười, bởi những chuyện tiếu lâm, chuyện thời sự có thêm tý “mắm, muối”, chuyện yêu đương của ông này, bà kia, “lỗ chỗ này, lãi chỗ khác.”…
Anh Vũ Huy Cương tôi quen cũng là một sự tình cờ. Biết tôi biên tập chính cuốn “Miền hoang tưởng” của Đào Nguyễn (bút danh nhà văn Nguyễn Xuân Khánh), anh Cương đến gặp tôi ở 56 Bà Triệu, lúc đó là văn phòng đại diện NXB Đà Nẵng tại Hà Nội. Anh cho tôi biết, anh đã đọc bản thảo này của nhà văn Xuân Khánh lâu rồi, hơn nữa giữa anh và nhà văn Xuân Khánh là bạn bè chí thiết nên việc xuất bản được cuốn “Hoang tưởng trắng” (Tên ban đầu của cuốn “Miền Hoang Tưởng”) không phải chỉ tác giả mừng mà đó cũng là nỗi mừng của anh và của rất nhiều độc giả chân chính – Như lời anh nói với tôi. Từ đó, cứ chiều chiều, hết việc làm tôi lại sang nhà anh, có lúc anh lại đến chỗ tôi, hai anh em ngồi nói chuyện. Quả thực lúc đó tôi không biết chuyện “tù” của anh, chỉ biết mình nói chuyện với anh rất hợp. Có lúc tôi ngạc nhiên, sao không thấy ông này làm chức vụ gì cả, ở thì khổ, con người không thấy dáng sướng, sống một mình trong cái góc “bà tó” mà sao ông ấy biết lắm chuyện thế? Điều tôi ngạc nhiên hơn là bạn bè của anh toàn những người mà tôi nể trọng như nhà văn Vũ Bão, nhà văn Xuân Khánh, vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân – Dạ Ngân, nhạc sỹ Hồng Đăng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà nghiên cứu Hà Sỹ Phu, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà dịch thuật Dương Tường… Sau này khi anh Cương mất, tôi đọc bài văn của nhà văn Vũ Thư Hiên khóc anh, càng hiểu và lý giải được vì sao anh Vũ Huy Cương được bạn bè, những nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ chân chính quý trọng. Không riêng các nhà văn, nhà thơ … thậm chí một người thợ Bát Tràng quá quý trọng anh, đã tạc chân dung anh thành một bức tượng với chất liệu làm bằng đất nung. Bức tượng đó anh để trong góc nhà, nếu chú ý lắm mới biết, có hỏi anh mới nói. Tôi còn được biết họa sỹ Văn Sáng rất quý anh Vũ Huy Cương. Một lần tôi, họa sỹ Văn Sáng cùng anh Vũ Huy Cương ngồi uống bia cùng mấy gói lạc rang ở vỉa hè. Văn Sáng vừa đi câu cá về, nhiều người đến gặp Văn Sáng để đặt bìa, nhất định Văn Sáng từ chối, vì một lý do đơn giản: “Ông thông cảm nhé, để lúc khác, tôi đang ngồi hầu chuyện với anh Vũ Huy Cương…”.
Có một tối, anh rủ tôi đến thăm một bậc lão thành cách mạng – Như lời anh giới thiệu - trình độ uyên thâm, nặng lòng với hiện tình đất nước. Tôi đi theo anh, đến giờ nhớ mang máng, hình như bậc trí thức già đó ở trong một căn hộ tập thể. Tiếp hai anh em với một phong cách lịch sự là một người trí thức già, người gầy, ăn vận giản dị. Tôi một kẻ đi theo, có chăng ngồi nghe hóng hớt không biết gì, chỉ lặng lẽ quan sát. Trên tường nhà của bậc trí thức này là tấm lịch in rõ “Tạp chí Cộng Sản”. trên bàn làm việc cũng một chồng “ Tạp Chí Cộng Sản”, sau bàn làm việc thì toàn trước tác của Mác, Lê Nin, Hồ Chí Minh… Tôi thầm nghĩ, anh Cương quen cả những ông cộng sản “ gộc”. Suốt cuộc nói chuyện của hai người, tôi lắng nghe, hai người toàn nói chuyện “ lớn” như bàn đến hiện tình đất nước, rồi làm thế nào để phát huy quyền dân chủ, trước hết ở trong Quốc Hội, cả vấn đề đảng với dân, với dân tộc phải như thế nào? Đặc biệt cần có những việc làm cụ thể đoàn kết anh em trí thức… đều là những vấn đề hệ trọng… Tôi thầm đoán, bậc trí thức già kia phải là một người giữ chức vụ rất to trong đảng, nhà nước hoặc là chuyên viên cao cấp của một Viện nào đó, ai nói “chống đảng” thì ông ấy “ đập cho bỏ mẹ”!!!. Khi đi với tôi, anh Cương ít khi nói chuyện này, nhưng khi nói chuyện với người trí thức già kia, anh nói say sưa, hình như quên cả tôi đang ngồi đó, quên cả thì gian. Lúc về, anh Cương hỏi tôi: “Em có biết anh vừa nói chuyện với ai không?”. Tôi lắc đầu không biết. Anh nói: “Cụ Hoàng Minh Chính đấy! Một con người yêu nước nhiệt thành”. Tôi giật mình, thầm nghĩ, tại sao những con người như thế này đảng và nước lại nói là “phản động” rồi bị tống vào tù nhỉ? Sau này tôi đọc nhiều bài báo “lề phải” kết “tội” cụ Hoàng Minh Chính, tôi thấy thương cho cụ hơn. Giá như các vị lãnh đạo đảng cộng sản thành tâm, biết lắng nghe, cùng chân thành trao đổi với những nhà văn, nhà tri thức lớn có ý kiến, kiến nghị phản biện, tìm hướng đi mới cho dân tộc thì đảng cộng sản vẫn giữ được uy tín, dân ủng hộ và như vậy làm gì phải lo đối phó với “luận điệu tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch”, rồi cứ phải thanh minh, thanh nga về “tù chính trị” trước dư luận quốc tế. Mà những người gọi là “bất đồng chính kiến” với đảng bị đi tù, theo nhận xét của tôi, đó là những người trí thức lớn, có tâm, dám nói, làm theo lẽ phải mà anh Vũ Huy Cương là một ví dụ.
Ngày ông Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn mất ở bên Pháp, một hãng thông tấn lớn quốc tế có điện phỏng vấn anh về sự kiện này. Anh Vũ Huy Cương đã trả lời, đại ý, một cựu hoàng đế của một triều đại từng để lại nhiều dấu ấn lớn trong lịch sử Việt Nam, là người Việt Nam, tôi xin gửi lời chia buồn đến gia quyến của cựu hoàng đế Bảo Đại. Điều thứ hai tôi vẫn kính trọng ông Bảo Đại, vì những năm ông sống xa tổ quốc, lưu lạc nơi đất khách, quê người, ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, khẳng định mình là người Việt Nam. Điều nữa tôi kính trọng ông Bảo Đại, đang ở đỉnh cao quyền lực nhưng trước yêu cầu của lịch sử, của dân tộc, nếu thấy việc làm của mình có lợi cho tương lai dân tộc, đất nước ông sẵn sàng thoái vị, nhường quyền lãnh đạo cho một chính thể mới. Đó là một điều không dễ dàng của một vị hoàng đế, không dễ có trong lịch sử, nhưng ông Bảo Đại đã làm được. Sau ông Bảo Đại, hình ảnh sẵn sàng thoái vị của một vị lãnh đạo, hay một chính thể , khi cả dân tộc nhìn thấy vị lãnh đạo đó, chính thể đó trở thành vật cản của lịch sử, ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, không lặp lại. Vì thế tôi kính trọng và nghiêng mình trước cái chết của cựu hoàng Bảo Đại.
Phải đến mấy ngày sau, sau cuộc trả lời phỏng vấn của anh Vũ Huy Cương về cái chết của cựu hoàng đế Bảo Đại với hãng thông tấn nước ngoài thì Bộ ngoại giao Việt Nam mới gửi lời chia buồn đến gia quyến của cựu Hoàng!!!
Ngày anh Vũ Huy Cương mất, tôi đã về lại cơ quan cũ ở Đà Nẵng. Nhận được tin này tôi sững sờ, vì trước đó ít lâu tôi còn nhận được thư anh và tấm ảnh anh chụp chung với nhà nghiên cứu Hà Sỹ Phu ngay trước cửa nhà anh. Anh còn hẹn với tôi, cố gắng ra lại Hà Nội cùng với anh xuống Hải Phòng thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Không thể ra được, tôi gửi vòng hoa ra viếng. Sau này họa sỹ Văn Sáng gặp tôi có kể lại đám tang này, một đám tang cũng “không yên ổn” vì chuyện “thế sự” vì có nhiều người gọi là “bất đồng chính kiến” tham dự. Dẫu thế, tình người vẫn lớn, ngoài người thân, đi theo xe tang của anh là rất đông các bạn văn, thơ kính trọng anh, họ bất chấp tất cả, đưa anh đến tận nơi an nghỉ cuối cùng.
Anh Vũ Huy Cương sống đẹp và đến bây giờ, tôi tin, vẫn còn rất nhiều người nhớ anh.
* Vũ Huy Cương hình như không nằm trong số nhân vật Nhân văn-Giai phẩm, mà có thể nằm trong số Vụ án xét lại chống đảng, có bao gồm Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, và cả Tuân Nguyễn.
No comments:
Post a Comment