Saturday 9 November 2013

mật vụ Tiệp Khắc và hoạt động đáng lên án

Những hành động bá đạo kiểu này đã từng xảy ra ở nhà nước công-nông tự nhận được xây dựng và hình thành trên những nền tảng tốt đẹp vì những lý tưởng tốt đẹp.

TỘI ÁC CỦA MẬT VỤ TIỆP KHẮC

Tabea Rossol
Phan Ba dịch
Một nhân viên của mật vụ StB, giả trang là một người Mỹ đang phỏng vấn công dân Tiệp Khắc Jaroslav Hakr. Theo một ghi chú ở mặt sau, hình này được dùng làm bằng chứng trước tòa. Hình: abscr.cz
Người được cho là điệp viên của Hoa Kỳ với bí danh “Johnny” nhất định không chịu thua. Ông cố thuyết phục Jan và Jirina Prosvic. Ông có thể bí mật đưa đôi vợ chồng người Tiệp qua biên giới sang Tây Đức an toàn, bảo đảm. Nhưng đó là một lời nói dối: “Johnny” không phải là điệp viên Mỹ. Ông ta tên thật là Josef Janousek. Và nhiệm vụ của ông không phải là mang vợ chồng Prosvic qua biên giới, mà là vào tù.
Xuân 1948: Đảng Cộng sản Tiệp Khắc (KPT) đã nắm lấy quyền kiểm soát chính trị qua lần lật đổ vào tháng Hai và đang thanh toán các đối thủ chính trị. Để làm việc đó thì với họ bất kể phương kế nào đều tốt. Lấy ý tưởng từ những biện pháp của Xô viết và Quốc Xã, cơ quan mật vụ Statni Bezpecnost (StB – An ninh Quốc gia) đã tiến hành một mưu kế: Chiến dịch “Cột mốc biên giới”.
Người của mật vụ StB cố tình gọi điện thoại tới những người bị tình nghi là đối lập. Lấy cớ  là được Counter Intelligence Corps (CIC), một cơ quan tình báo của Lục quân Mỹ gởi tới, họ hứa sẽ giúp những người kia vượt biên bỏ trốn. Điều phi lý ở đây: nhiều người bị tình nghi hoàn toàn không thuộc giới đối lập và họ vẫn được thuyết phục bỏ trốn. Hàng trăm người đã rơi vào cái bẫy xảo trá này từ 1948 cho tới 1951.
Thuyết phục bỏ trốn – vào trong cạm bẫy

Doanh nhân Jan Proscvic và vợ Jirina là các nạn nhân được ghi nhận đầu tiên của chiến dịch “Cột mốc biên giới”. Hình: abscr.cz
Pavel Bret gọi vụ việc này là “đốm trắng” trong lịch sử của Tiệp Khắc. Bret là người lãnh đạo Phòng Điều tra Tội phạm Cộng sản trong Bộ Nội vụ của Praha. Hơn một năm nay, phòng này hoạt động để xem xét lại các tội ác của cơ quan mật vụ thuộc Đảng Cộng sản, những cái đã được ghi nhận rất chi tiết trên 10.000 trang hồ sơ. Mới đây, những cuộc điều tra hình sự về các nghi phạm lần đầu tiên đã được tiến hành. Qua đó, lần đầu tiên ánh sáng đã soi rọi tới những cạm bẫy xảo trá này của StB.
Theo hồ sơ, gia đình Prosvic nằm trong số những nạn nhân đầu tiên của An ninh Quốc gia Tiệp. Vợ chồng này không hoạt động chống lại sự thống trị của Cộng sản, cũng không muốn rời bỏ đất nước ra đi. Jan và Jirina Prosvic đã có hai con gái nên việc sống tạm bợ trong trại tỵ nạn và phải bắt đầu cuộc sống ở nơi lưu vong là một việc không thể được. Thế nhưng Janousek không bỏ cuộc: “Vì tôi biết là sẽ nhận được nhiều tiền nên tôi đã cố thuyết phục họ”, ông ta khai báo sau này.
Ông cũng không dừng lại ở những cố gắng thuyết phục vợ chồng Prosvic nhận những cú điện thoại nặc danh, cảnh báo họ trước là họ có thể bị bắt giam. Do áp lực này, Jan Prosvic cuối cùng đã nhượng bộ. Cùng với vợ con, ông để cho Janousek chở tới Kdyne, một thành phố nhỏ gần biên giới. Từ đó, một người trung gian tháp tùng họ tới biên giới, sau khi Prosvic trả một khoản tiền.
Một trạm biên giới giả được ngụy trang toàn hảo
Họ phải dừng lại ở nhiều chốt chặn, những nơi họ đi qua mà không gặp vấn đề gì. Vợ chồng Prosvic có ấn tượng mạnh tính cách chủ động của người dẫn đường: “Ông ấy lúc nào cũng biết rõ là phải nói những gì”, Prosvic khai báo sau này. Lúc đó đêm đã khuya và người của StB dẫn họ đi xuyên qua rừng tới nơi được cho là biên giới. Biên giới thật cách đó 50 kilômét nữa về phía Tây.
Trong ngôi nhà nhỏ được cho là trạm biên giới, “người Mỹ” Tony lộ rõ vẻ hồi hộp, tên thật của anh ta là Amon Tomasoff, đón họ với thuốc lá phương Tây, Lucky Strike. Cũng có cả sôcôla Thụy Sĩ. Căn phòng được trang bị một lá cờ Mỹ và chân dung tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt và Truman, tạo một phông cảnh giống như thật. Cơ quan mật vụ còn đưa ra một chai Whiskey nữa.
Mặc dù vậy, Proscvic vẫn nghi ngờ, khi Tomasoff hỏi quan điểm của ông về chủ nghĩa cộng sản và mối liên hệ với những người hoạt động bí mật, và cuối cùng ông phải ký tên vào một biên bản – “Guestionaire”. Và Prosvic đã kí tên mình trên tờ giấy đó. Khi ông ngửng lên, Tomasoff rút khẩu súng ngắn của hắn ra và nói: “Chúng tôi không quan tâm tới người Tiệp cộng sản”. Trạm biên giới, “Johnny” hảo tâm giúp đỡ, các cuộc gọi nặc danh – tất cả đều là lừa dối. Với chữ ký của mình, Prosvic đã tự định đoạt số phận của ông: với biên bản có chữ ký đó, sau này quan tòa đã có cơ sở kết tội về một lần bỏ trốn.
Vô tình phản bội bạn bè và gia đình

Oldrich Malac bị tuyên án 15 năm lao động cưỡng bức sau lần bị dụ dỗ bỏ trốn. Hình: abscr.cz
Ân mưu lập ra biên giới giả tạo là việc gian dối hiểm độc nhất mà ông đã từng gặp trong công việc xét định các tội phạm cộng sản, trưởng phòng Bret nói. Công cuộc điều tra được sử gia người Séc Igor Lukas khởi xướng, sau khi ông tình cờ quen biết với một trong những nạn nhân thời đó. Ông bắt đầu điều tra và phát hiện ra rằng hai nghi phạm vẫn còn sống, “Đó là một tương phản lớn với sự khốn cùng của những nạn nhân trước đây của họ – vì vậy mà tôi đã nộp đơn tố cáo”.
Thế nhưng nhiều nạn nhân cho tới nay vẫn không dám nói về các tội phạm này. Thời đó, nhiều người chạy trốn đã trả lời tỉ mỉ tất cả các câu hỏi của nhân viên biên phòng và qua đó đã vô tình phản bội bạn bè, gia đình. Ví dụ như họ được hỏi rằng, trong trường hợp xấu nhất thì ai trong số những người họ quen biết sẽ giúp người Mỹ lật đổ chế độ cộng sản. Những người chạy trốn tưởng rằng với thông tin của họ, họ đã giúp cho những người được nêu danh. Thế nhưng tất cả những người được nêu tên sau đó đều đã bị theo dõi, bị bắt và bị kết án, Bret xác nhận.
Những nạn nhân khác không bao giờ biết được sự thật về những gì đã xảy ra với họ. Sau khi ký tên vào bản câu hỏi, nhân viên StB ngụy trang yêu cầu những người chạy trốn tiếp tục đi về hướng Tây: “Anh bây giờ đang ở trong một đất nước tự do, chúng tôi không tháp tùng theo anh nữa. Anh hãy đi 200 mét về hướng này, ở đó anh sẽ thấy một ngôi nhà và cảnh sát Đức, họ sẽ tiếp tục giúp đỡ anh.” Họ đi được một vài mét thì bị cảnh sát Tiệp bắt giữ lại. Phần lớn đều tin rằng họ bị bắt cóc từ đất Đức.
Phản đối yếu ớt từ nước ngoài
Việc các nạn nhân hoàn toàn không hề hay biết còn bị lạm dụng ở một hình thức khác. Những người được cho là nhân viên biên phòng Mỹ từ chối đơn xin tỵ nạn của những người chạy trốn và trực tiếp bàn giao họ cho cảnh sát Tiệp Khắc. Tin tức này từ nhà tù lọt ra ngoài, và tạo nên hiệu ứng như chính quyền mong muốn: cam chịu. Việc Hoa Kỳ dường như khước từ những người bỏ trốn đã bóp ngẹt tia hy vọng cuối cùng về tự do và trốn thoát.
Do chiến dịch “Cột mốc biên giới” hoạt động tốt nên StB tiếp tục dựng biên giới giả, trang bị thanh chắn và bảng báo. Chúng có ở gần Cheb (Eger), Marianske Lazne (Marienbad), Svaty Kriz (từ 1960 Chodsky Ujezd, Heiligenkreuz) và Domazlice (Taus). Khi Hoa Kỳ biết được, họ đã chính thức phản đối việc lạm dụng quân phục và quốc huy Mỹ. Chính phủ Tiệp Khắc phản bác lời lên án đó. Họ khẳng định một cách bất chấp rằng, một cuộc điều tra hết sức kỹ lưỡng đã không tìm thấy “bất cứ một dấu vết hay sự nghi ngờ nào cho thấy có sự lạm dụng quốc huy hay hình ảnh chính khách Mỹ”.
Chiến dịch “Cột mốc biên giới” hoạt động ba năm, từ 1948 cho tới 1951. Bẫy này theo ước lượng của các sử gia đã dẫn tới 300 án tù. 16 người chạy trốn bị xử tử hình. Nhiều người đã tự tử.
Jan Prosvic bị tòa án xử phải đi lao động cưỡng bức. Ngày nay, sử gia Igor Lukas phỏng đoán là ĐCS Tiệp Khắc đã nhắm vào ngôi biệt thự của gia đình Prosvic khi tiến hành hoạt động này. Prosvic là một doanh nhân thành đạt trước đó và tài sản của ông bị chính quyền cộng sản quốc hữu hóa. Nhưng gia đình ông vẫn còn căn hộ ở Praha và một biệt thự lớn ở ngoại ô. Sau khi StB đẩy gia đình Prosvic vào tù, Antonin Zapotocky đã dọn tới đó ở. Người hưởng lợi từ tội phạm này là một nhân vật cao cấp của ĐCS Tiệp, trở thành chủ tịch CSSR năm 1953.
Tabea Rossol
Phan Ba dịch từ Spiegel Online
http://einestages.spiegel.de/s/tb/29645/falsche-grenze-zur-tschechoslowakei.html

No comments:

Post a Comment