Saturday 25 March 2023

CÔNG DÂN VS. THẦN DÂN

 Bao giờ thì người Việt có tâm thức của công dân, thay vì tâm thức của thần dân?

Hỏi mà không mong có câu trả lời.

Vì việc dự đoán tương lai là bất khả, hơn nữa không có nhiều chỉ dấu cho thấy sự chuyển dịch khả dĩ nào có thể cho thấy một tương lai có thể nhìn thấy được cho sự lột xác đó.

Vậy tâm thức CÔNG DÂN là gì, và tâm thức THẦN DÂN là gì? Tại sao cần phải có một tâm thức công dân thế chỗ cho tâm thức thần dân?

Nói ngắn gọn và dễ hiểu, thì công dân là thành viên của một xã hội dân sự, tuân thủ theo pháp luật. Và khi viết bài này, thì lại nghĩ thật trùng hợp khi mình đặt tên trang của mình là CÔNG DÂN và XÃ HỘI DÂN SỰ. Người công dân là người có ý thức tuân thủ luật pháp, và chỉ tuân thủ theo luật pháp, mà không chịu uốn mình trước bất cứ thế lực nào, cường quyền, bạo quyền hay tà quyền. Người công dân không tôn ai làm chủ, không cúi mình phục tùng bất cứ cá nhân nào chỉ vì địa vị của người đó.

Còn thần dân, đó là thành viên của một xã hội tổ chức theo mô hình của chế độ quân chủ. Trong một chế độ xã hội theo mô hình quân chủ (monarchy), người đứng đầu xã hội là một quân chủ (monarch) như vua hay hoàng hậu, hoặc các thể chế khác tuy không gọi nhà lãnh đạo của mình là vua, quốc vương hay hoàng hậu nhưng cách thức tôn sùng người lãnh đạo khoong khác gì với một quân vương, thì tôi cũng xếp đó là xã hội theo thẻ chế quân chủ, cho dù là quân chủ trá hình. Trong xã hội đó, thành viên của xã hội thay vì là một công dân có vị thế xứng đáng, chỉ là một THẤN DÂN (subject) có nghĩa vụ phải tuân thủ theo mọi phán quyết, ý muốn của nhà lãnh đạo.

Người công dân khi chỉ tuân theo luật pháp, không có một ông chủ hiện hình nào dưới hình dạng con người chỉ tôn thờ luật pháp là chủ, nhờ đó có một sự độc lập tương đối nhưng khá rộng rãi trong suy nghĩ và hành động, miễn là suy nghĩ và hành động đều trong khuôn khổ pháp luật.

Trái lại, thần dân khi tôn thờ một vị quân chủ hoặc một vị lãnh đạo với quyền hành như của một quân chủ sẽ không để ý đến luật pháp mà chỉ để ý đến ý chí của vị lãnh đạo đó như là tói thượng. Trong trường hợp này, thần dân không phải chỉ có một người chủ duy nhất là vị lãnh đạo tối thượng đó, vì trong một xã hội có tổ chức phức tạp, thần dân sẽ không chịu sự lãnh đạo TRỰC TIẾP của vị lãnh đạo cao nhất đó, mà qua sự uỷ trị của hệ thống tầng bậc (hierarchy) các cấp lãnh đạo từ cao cấp, trung cấp từ trung ương đến địa phương vì họ được coi là thể hiện cụ thể của ý chí của lãnh đạo tối cao.

Trong khi người công dân có một địa vị tương đối độc lập khi chỉ buộc mình tuân thủ pháp luật, thần dân, trớ trêu thay, tự ràng buộc mình trong hệ thống đến mức tự coi mình là bản thân hệ thống và đồng nhất mình với hệ thống đó trong khi thực chất anh ta chỉ không được là cái đinh ốc, hay là cái đinh ốc có thể bị thay thế, thải loại trong cái cỗ máy xã hội khổng lồ đó.

Chính cái thái độ đồng nhất mình với hệ thống, coi mình chính là hệ thông đó mà anh ta chỉ là một thần dân. Khi nào anh ta tự ý thức mình chỉ tuân thủ theo pháp luật, anh ta sẽ chuyển mình thành con người công dân. Nhưng khi nào điều đó sẽ xảy ra, đó là một tương lai không thể nào tiên đoán được.