Monday 30 September 2013

Tin vào hoa hồng

Bài hay, thế mà mấy hôm nay không để ý, mạn phép bưng về đây, từ Quê Choa.

Thêm ba con số không

Nguyễn T Bình
Đầu mùa hè 1979 từ U Minh Thượng tôi đeo cái bòng chỉ đựng mấy gói thuốc lá Nông Nghiệp, hai cái quần xà lỏn “quốc doanh” khứ hồi cố quận Sài Gòn. Lúc bước vô nhà má nhận không ra. Vì ngày đi da dẽ trắng trẻo, cân nặng đúng 60 kí. Ngày về đen thui, cân nặng chỉ còn 45 kí. Nhỏ em gái út hỏi “bộ anh bị chết đói hả”. Tôi trả lời “đất nước mình đã hòa bình, thống nhất, độc lập rồi, làm gì có chuyện bị chết đói em, chỉ có đói đến chết mà thôi”. Cả nhà tâm đắc cười ồ lên “vui sao nước mắt lại trào”.



 Má tôi tóc bạc trắng, lưng còng sâu hơn, vội vàng xuống bếp nhóm lữa, bắt nồi luộc khoai mì, vì nhà hết gạo nhưng chưa tới kỳ được mua. Tôi ngồi nhìn ngắm nội thất ngôi nhà mình từng gắn bó hai mươi mấy năm. Toàn bộ plafond đã bị tháo gở mang bán lấy tiền mua gạo, nhu yếu phẫm chợ đen sống đắp đổi qua ngày. Bộ salon cũng cùng chung số phận. Tất cả gần như trụi lũi. Giải phóng dân tộc giải phóng luôn những gì dân tộc đã đổ mồ hôi công sức tạo lập được. Nồi khoai mang từ bếp lên để dưới nền nhà xi măng, cả gia đình ngồi bẹp xuống bóc từng củ nhai nuốt trệu trạo. Tội nghiệp má tôi. Sự rắn rõi từng trải qua bao phong ba thời cuộc hình như đã tới mức cuối cùng khi nhìn các con ăn khoai mì già chát thay cơm. Thấy tôi ăn chậm rãi, má hỏi “sao hồi đó con ăn nhanh, giờ ăn chậm vậy”. Tôi thưa thiệt “vì con quen ở đơn vị là cấp chỉ huy không được ăn trước, ăn nhiều, ăn ngon, ăn khác lính”. Nhỏ em thứ 11 vọt miệng “dzậy sao” !
 
Sáng hôm sau tôi mượn chiếc xe đạp duy nhất trong nhà đạp đi nhận quyết định chuyển ngành. Chỉ nhìn đường xá thôi, tôi biết quê nhà đã trở thành nhà quê. Hai ngôi trường trung học danh tiếng bậc nhất là trường Petrus Ký bị / được đổi tên thành trường Lê Hồng Phong và trường Gia Long bị / được đổi tên thành trường Nguyễn Thị Minh Khai. Vô lý quá. Ông Petrus Ký là một nhà sư phạm tài danh, biết hơn 20 thứ tiếng trên thế giới. Vua Gia Long là vị vua khai sáng triều Nguyễn, có công mỡ cõi về phương Nam, vựa lúa trọng điểm của cả nước. Xét về nhiều phương diện, làm sao vợ chồng Lê Hồng Phong – Nguyễn Thị Minh Khai sánh bằng – nhất là về phương diện sư phạm, công trạng đối với dân với nước. 

 Kết quả nhận quyết định chuyển ngành khiến tôi nổi dóa chữi um tại bộ chỉ huy. Vì trước đó người ta gởi giấy hỏi nguyện vọng tôi muốn chuyển ngành về đâu, tôi viết trả lời rành rọt “muốn chuyển về Thành đoàn Tp.HCM”. Vậy mà, người ta lại ra quyết định chuyển tôi về  “Đội bảo vệ Tổng công ty cao su”. Mấy chiến hữu ở các đơn vị khác cũng đang chờ nhận quyết định chuyển ngành nghe tôi chửi bèn bỏ nhỏ “ông đã chung cho mấy thằng ở phòng quân lực chưa mà sao kỳ vậy”. Tôi buộc miệng thiệt lớn “chung, chung cái con c. tui nè, cách mạng cũng có hối lộ sao, hả”

Rồi tôi không ký nhận quyết định, bỏ ra về, đạp xe lang thang qua các con đường “Nam Kỳ Khởi Nghĩa Tiêu Công Lý”, “Đồng Khởi Vùng Lên Mất Tự Do”. Bất ngờ trời xui đất khiến chú 2T ngồi trong chiếc Fancon “chiến lợi phẩm” (nghe nói của nhà văn Duyên Anh) đi họp thành ủy về nhìn thấy tôi. Hai chú cháu tay bắt mặt mừng. Thế là sau đó mươi ngày tôi đi tuốt vô bót Catinat cũ gặp anh 7H nhận quyết định về đơn vị công tác đóng tại nhà gia đình Hui Bon Hoa (quen được gọi là Chú Hỏa). 

Việc đầu tiên tôi được phân công làm là tham gia biên tập đề cương hình ảnh, nội dung 2 cuộc triển lãm lớn” rất quan trọng” – theo phổ biến của thủ trưởng. Đó là cuộc triển lãm mang tên “Lê nin với thời đại” và cuộc triển lãm “Chống quân Trung Quốc xâm lược”. Tôi nhớ toàn bộ hình ảnh cuộc triển lãm “Lê nin với thời đại” do Bộ Văn Hóa Liên Xô cung cấp trực tiếp và đều là hình màu. Trong khi cuộc triển lãm “Chống quân Trung Quốc xâm lược” toàn hình đen trắng, do ta thực hiện, sưu tầm, sao chép lại. Dỉ nhiên chất lượng làm sao bằng “anh cả đỏ” được !

 Tôi nhớ lúc đó Hà Nội quan tâm đặc biệt “Lê nin với thời đại”. Ngày nào người ngoài Bộ cũng gọi vào lưu ý, nhắc nhở, đôn đốc đủ thứ. Trong khi thành ủy thì quan tâm “Chống quân Trung Quốc xâm lược” nhiều hơn. Bộ phận biên tập tụi tôi phải làm việc tất tả với bên tuyên huấn thành ủy. Vui nhất là khi sử dụng hình ảnh toàn cảnh đoàn chủ tịch Đại Hội IV phải chờ xin ý kiến BCT, BBT. Vì tấm hình này, dù do bất kỳ tay máy nào chụp đều có ông Hoàng Văn Hoan ngồi lù lù gần các ông Lê Duẫn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp – tứ trụ triều ca. Trong khi ông Hoàng Văn Hoan đã vù qua Trung Quốc. Nếu loại bỏ tấm hình toàn cảnh đoàn chủ tịch Đại Hội IV thì coi như đứt mạch nội dung tư tưởng chính trị. Chưa nói ông Hoàng Văn Hoan dáng dấp cao lêu khêu, thiếu điều cao hơn ông Lê Duẫn, nên càng phóng to, mặt mũi ông càng nhìn thấy rỏ. Cuối cùng, lệnh ban ra“không được thiếu ảnh đoàn chủ tịch ĐH IV, phải tìm mọi cách khéo léo xóa hình Hoàng Văn Hoan”. Tổ ảnh tuân lệnh nhưng chửi thề, vì biết chắc dù xóa khéo cách mấy đi nữa cũng nhìn thấy chướng, huống chi lịch sử là lịch sử, không thể và không nên tẩy xóa, bóp méo

 Cuộc triển lãm “Lê nin với thời đại” được tổ chức khai mạc đình đám tại ngôi nhà chính của cụm dinh thự Chú Hỏa số 97 đường Phó Đức Chính Q1. Ban đầu triển lãm dự kiến kéo dài 30 ngày, sau thêm 15 ngày vì….rất ít ai vô coi. Hết 45 ngày, anh 8V Trưởng phòng TTCĐ phân công tôi viết báo cáo kết quả gởi Bộ. Tôi gặp chị ML(con một cán bộ cao cấp ngành ngoại giao), tổ trưởng trực triển lãm lấy số liệu người vào xem. Chị ML lật sổ, nói “tổng cộng trước sau chỉ có 30 người mà thôi”. Anh 8V đọc bản nháp báo cáo, nhíu mày bóp trán hỏi lại tôi “cậu có viết lộn con số không đó, chỉ có 30 người vào xem thì Sài Gòn khó thở với Hà Nội, nghe nói triển lãm này tổ chức ngoài Hà Nội cả trăm ngàn người vào xem”. Tôi khẳng định viết đúng con số tổ trực triển lãm cung cấp. Rồi tôi tranh thủ đế vào “sự thể có sao mình nói vậy, nếu Hà Nội đặt vấn đề, anh cứ giải thích vì Sài Gòn mới được giải phóng năm 1975, trình độ giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê của người dân Sài Gòn làm sao bằng trình độ giác ngộ của người dân Hà Nội đã được giải phóng từ năm 1954”. Anh 8V khoát tay, nói “để tôi tính với anh Long bí thư chi bộ, cậu cứ đem bản nháp báo cáo xuống đưa tổ văn phòng đánh máy”.

 Hơn tháng sau, tôi đang ngồi hút thuốc lá vặt ở băng đá kê gần bụi tre lớn phía tay trái cổng ra vào cơ quan, chị ML chân ngắn chân dài (vì tật bẫm sinh) từ chổ bộ phận văn thư đánh máy tiến ra hỏi tôi “Ê ông, sao tôi cung cấp số liệu tổng cộng chỉ có 30 móng vào xem “Lê nin với thời đại” mà ông lại viết báo cáo gởi Bộ tới 30.000 người vào xem”. Lúc đó tôi chỉ mĩm cười, im lặng. Nếu 30 năm sau chị ML còn sống chắc chị sẽ kinh hoàng khi có lần người ta  đã công khai thông báo cho cả nước và toàn thế giới biết có tới 99% cử tri đã hồ hởi, phấn khởi đi bầu cử Quốc Hội (!?).

Tác giả gửi Quê Choa

Friday 27 September 2013

chuyện thiên nga

Chuyện thiên nga, của Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư đại học Toulouse, đã đăng từ lâu trên trang zetamu của anh, nay đăng lại đọc cho vui.

Buôn chuyện Việt Nam (tin thiên nga)

 
(03/09/2012: bổ sung thêm 1 khúc phía cuối)
Trong đợt công tác ngắn hạn ở Việt Nam vừa qua, đi suốt từ Nam ra Bắc, gặp người này người nọ, tôi cũng ngồi buôn chuyện được một ít tin thiên nga (xuất xứ mù mờ như tin vịt, nhưng không hẳn là tin vịt). Nhân có một số người hỏi “về Việt Nam có thấy chuyện gì hay không”,  bèn đem ra đây “khuyến mại” vài tin. Tên các nhận vật đã được thay bằng xxx hay gì đó cho khỏi “phạm húy”.
Săp toi rồi !
Chuyện “đại gia” xxx bị ung thư do ăn chơi trác táng quá, tôi đã có nghe từ trước. Một lần ngồi xe cạnh một GS liên quan kinh tế tài chính, tôi hỏi “xxx sắp toi rồi hả anh”, ý nói sắp chết theo nghĩa đen rồi. Anh bạn của tôi lại hiểu từ “sắp toi” theo nghĩa khác, và trả lời đại ý “đúng đấy, lần này chúng nó đang chuẩn bị đánh nhau, thể nào cũng đánh xxx để đánh lên xyz”.
Quả nhiên, mấy hôm sau, một loại các đại gia ngân hàng, trong đó có cả xxx, có tin đã bị bắt hoặc đang bỏ trốn hoặc sắp bị bắt hoặc đã bị bắt rồi mà báo chí chưa được phép công bố vị sợ dân hoảng loạn. Tình hình tài chính VN đang vào kỳ “cháy nhà” nên nếu “ra mặt chuột” vài con chuột nhỏ thì cũng không đáng ngạc nhiên mấy. Mặt khác cũng ít hy vọng “các anh” sẽ choảng nhau thật to, vì các anh chắc còn sợ bị sập tiệm hết cả. Hồi sau sẽ rõ.
Các báo chí của đất nước “dân chủ vạn lần hơn” không hề ho he đả động 1 dòng nào đến thư ngỏ của 71 nhân sĩ trí thức tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên theo tin thiên nga thì thư đó và một số thứ khác cũng có ảnh hưởng đến “mấy cụ nhà ta”. Các cụ đang rất bí, nhưng cũng muốn làm gì đó để cứu con tầu khỏi đâm đầu xuống đáy.Vấn đề thật là nan giải. Ngày xưa có câu thơ: “đêm ngày bác nghĩ bác suy, đánh xong giặc Pháp lấy gì nuôi dân”. “Bác” ngày nay chắc cũng phải nghĩ suy “lấy gì thay đây” cho cái hệ thống đang sắp sập tiệm ?!
Hầu hết mọi người tỏ ra bi quan về tình hình VN hơn là những lần trước tôi gặp. Nói riêng về tài chính thì nợ xấu rất nhiều, tuy anh thống đốc cũng chẳng biết được là bao nhiêu, vì số liệu ở VN không đáng tin cậy.  Có 1 thằng em quen nghề bói toán, nó bói thế quái nào ra là đến quãng năm 2915-2016 sẽ còn xấu thê thảm  nữa, ngay như công ty FPT đến lúc đó cũng có nguy cơ sập tiệm. Tuy nhiên cậu em này đang còn vất vưởng với mức lương 7 triệu, nên tin từ nó có thể là tin vịt.
Bang thứ 51 ?!
Đọc báo thấy các tít “tự sướng” như kiểu “TQ là một cường quốc cô độc”, tôi mới nói đùa với mọi người là “thế VN gọi là gì, là nhược tiểu cô độc à ?”. Một lần ngồi ăn hoa quả cùng mấy vị “cây đa cây đề” cấp bậc cũng phải vụ trưởng trở lên, có một anh nói  “bây giờ chỉ còn cách biến VN thành bang thứ 51 của Mỹ”. Nói bắt chước Trịnh Công Sơn thì là “VN ơi đừng tuyệt vọng”, dù ta có bị o ép, khốn nạn đến mấy, vẫn còn một “cửa” là Mỹ ?! Nhưng khổ nỗi, đời nào Mỹ tin vào VN, đặc biệt khi vẫn có những anh Cù bị ngồi tù. Trong con mắt của các nước khác, thì chính quyền TQ và chính quyền VN đều “khốn nạn” cả. Đã mất công chơi với “khốn nạn” thì chọn “khốn nạn” có lợi (tức TQ) mà chơi chứ ai sức mấy lại đi chọn “khốn nạn” bất lợi.
Lính ta ngã núi trên đất bằng
Một lần uống cafe với một anh bạn liên quan nhiều đến quốc phòng. Nghe kể  người nhái TQ thỉnh thoảng ban đêm lại lên bờ cắt cổ chiến sĩ VN trên mấy hòn đảo tranh chấp. Đă có hàng trăm lính bị “giết trộm” như vậy. Giấy báo tử gửi về đều đại loại “leo núi bị tai nạn ngã chết”. Thế nên phải tăng cường cài đặt camera ở các nơi, từ hải đảo đến đường bộ, để đề phòng bị đánh lén hay bị tuồn hàng lậu. Các bí mật quân sự VN thì rất dễ lọt tay TQ, cứ như là có nội gián cấp cao (các ví dụ nhạy cảm không dám kể lại đây).
Ung thư khắp nơi
Về VN mấy hôm kịp nghe kể chuyện mấy người họ hàng thân quen của bạn bè bị ung thư mới chết hoặc sắp chết. Hệ quả của một môi trường và thực phẩm ô nhiễm độc hại và cách sống thiếu lành mạnh suốt ngày ăn nhậu.
Ăn nhậu ở VN thì có lẽ “nhất thế giới”. Khoản bia rượu thì “thôi rồi”. Giản dị thì làm đầy bụng bia. Còn để “thể hiện đẳng cấp”, dân ta ăn nhậu cứ phải chuốc cho nhau thật nhiều rượu mạnh, rồi ai cũng say bét nhè. Một người kể, chồng khổ lắm chứ sướng gì đâu, nhưng mỗi lần đi nhậu là trung bình một người  phải làm hết 1 chai có giá 4 triệu (nếu tự mua) hay 8 triệu (nếu mua tại quán). Tất nhiên, đấy cũng phải là loại “nướng tiền dân” rồi mới có mỗi tối 4-8 triệu tiền uống rượu.
Giáo sư thì không bị bắt giữ
Tôi không có thói xuyên tạc nói xấu ai hay chế độ nào, mà chỉ nói lên sự thật thôi. Nhưng ở nơi nào đó, chỉ cần nói lên sự thật đã có thể bị xếp vào loại “phản động” và bị bắt bớ tù đầy rồi. Bởi thế, mỗi khi tôi đi công tác VN là thủ trưởng lại lo không biết sẽ bị gây khó dễ gì không, và tôi thì nói đùa là đã viết sẵn tuyên ngôn, để nếu bị gây khó dễ thì thủ trưởng chỉ việc mang ra đọc cho thiên hạ biết. Tuy nhiên, tôi chưa được “vinh dự” anh an ninh nào “hỏi thăm” ở VN, hoặc là họ có “đi theo bảo vệ” ngầm thì tôi không biết. Một lần tình cờ nói chuyện mới biết, đã phàm mang danh GS ở VN thì không bị bắt, hoặc ít ra là chưa có GS nào bị “cho đi bóc lịch” vì bày tỏ quan điểm của mình. Có một số TS, nhưng chưa có GS nào, được  chính thức trở thành “phần tử phản động”.
Trong các đợt biểu tình chống TQ, các vị GS, hay nhân sĩ có tên tuổi như Nguyên Ngọc, đều được đám an ninh theo dõi ghi băng chụp ảnh, nhưng không bao giờ bị bắt. Một lần, GS yyy Viện Toán đi biểu tình, cùng với cả vợ và bạn của vợ. Bạn của vợ bị hốt lên xe buýt. Vợ thấy vậy chạy ra xe, cũng bị hốt lên luôn, GS yyy thấy vậy chạy ra cửa xe, thì an ninh không cho lên xe. GS nhất quyết đòi lên, bảo vợ tôi lên thì tôi cũng phải lên, họ đành cho lên. Về đến đồn, mấy anh an ninh liền xum xoe “để tụi em cử xe chở GS về”. GS yyy không chịu, bảo “phải thả hết những người ở đây ra thì tôi mới về”. Ít lâu sau thì đám người cũng được giải tán khỏi đồn. Mục đích của đám an ninh lúc đó không phải là giữ đám người này lại làm gì, mà chỉ cốt để họ khỏi tạo thành biểu tình ở trung tâm thành phố thôi.
Khi tôi gặp một người thân, trước làm công nhân nay đã về hưu non và làm dân phòng, mới biết hóa ra anh hay được giao nhiệm vụ hót người biểu tình lên xe buýt vào cuối tuần ! Anh kể đại loại: “Bọn đấy là bọn ô-xin hay đánh giầy ấy mà, có biết gì đâu, cứ được cho 50-100 nghìn thì đi biểu tình, anh hót chúng nó lên xe buýt ra ngoại ô rồi thả chúng nó ở đó”. Anh nói hệt báo chí chính thống vậy, mà  anh không cố tình nói sai vì là anh em trong nhà, nếu có sai là từ cấp trên thôi. Vậy thực hư ra sao, ngoài các nhân sĩ và những người khác đi biểu tình thực sự, có ô sin hay đánh giầy nào đi biểu tình vì được cho tiền không ? Nếu có thì ai cho tiền ? Tôi chẳng biết. Nhưng nếu giả sử có người cho tiền thật, thì người đó chưa chắc đã phải là “phản động” mà có khi lại là “phe ta”, vì trước nay “phe ta” lắm mẹo lắm, vừa muốn lại vừa sợ, vừa ủng hộ lại vừa chống đối biểu tình, và cũng có thể “phe ta” làm vậy để “phá thối” ?!
Có 500 lạng việc này mới xong
Chuyện GS zzz đã được bầu làm hiệu trưởng đại học nhưng bị bộ gạt đi gây xôn xao dư luận giới đại học cả năm trời. Bộ GD&ĐT trước nay vẫn “mang danh khốn nạn”, vụ này chỉ là một ví dụ chứng tỏ thêm sự khốn nạn. Một hôm ngồi cạnh một cây đa của ngành đại học, cây đa kể: “Tụi nó bảo zzz phải đặt cọc trước 100K USD thì mới giải quyết, và giải quyết xong thì con số phải lên gấp 5 lần thế nữa”. GS zzz, một người có trình độ thực sự và mấy chục năm cống hiến thực sự cho ngành giáo dục và nghiên cứu chứ không giỏi nghề tham nhũng, thì tất nhiên lấy đâu là “500 lạng”, thế là toi chức hiệu trưởng. Tụi xấu miệng thì kể chuyện (về việc vào đảng của GS để ứng cử hiệu trưởng) như sau: “Có một con bồ câu tự nhuộm lông mình đen đi để có thể chơi với tụi quạ, nhưng tụi quạ vẫn không chịu chơi cùng”.
10 triệu một suất anh hùng núp một tối
Một trong các nghề ăn tiền “vô tội vạ” ở VN ngày nay là nghề cao quí “còn đảng còn mình”. Một anh bạn kể, một suất anh hùng núp ở một điểm giao thông quan trọng có giá 10 triệu VND cho một tối (chiến sĩ nào muốn đứng đó thì phải nộp cấp trên như vậy). Sau khi đã nộp 10M thì tất nhiên phải “làm luật” cho đủ số xe để mà còn lấy lại vốn và có lãi. Thử hình dung có bao nhiêu điểm giao thông như vậy, và các chức quản lý ngành này sẽ có giá bao nhiêu. Một anh bạn khác kể, bán đồ cho ngành này là bị đòi hỏi kick back nhiều nhất. Dưới 30% là không thèm nói chuyện. Tất nhiên, người bán chẳng chịu thiệt, mà chỉ có giá trong hóa đơn sẽ cao vống lên thôi. Đảng thì còn, nhưng dân thì có bị móc ví suốt ngày ?!
Chuyện thiên nga lần này thế đủ rồi, lúc nào quá liều champagne sẽ kể tiếp sau :D

đầu tư vào đâu

mình biết đầu tư vào đâu rồi.


an toàn giao thông

cấm có sai.




Đồng chí Ngô Thời Nhiệm

Đồng chí Ngô Thời Nhiệm vào đảng năm nào? Bao nhiêu tuổi đảng? Sao không thấy sử sách nào ghi về điều này.


Đơn đặt hàng mua thuốc D.E.P.

Đây không phải ấn phẩm ĐẸP trong hàng loạt ấn phẩm giấy tốt, in đẹp, hình ảnh đẹp ngày nay.

Đó là tên một loại thuốc, chỉ đơn thuần gọi là D.E.P., dùng để trị ghẻ.

Thuở xa xưa, ai đã qua thời sinh viên, sống cuộc sống tập thể mà không bị ghẻ. Con ghẻ nó bé tí tẹo, ăn theo các kẽ tay, kẽ chân người ta, không khiến ta đau đớn nhưng gây ngứa ngáy khó chịu, không gãi thì bồn chồn bứt dứt không yên, mà gãi ghẻ sồn sột giữa chốn bá quan thì rất mất thể diện. Chẳng ai muốn mắc cái bệnh khó nói ấy, nhưng chốn tập thể, ăn ở tập trung, giường chiếu bẩn, nước dùng thiếu, nhiều bạn (nhất là bạn nam) còn dùng chung quần áo của nhau, thì việc truyền bệnh và lây bệnh gảy đàn là hầu như không thể tránh khỏi. Con ghẻ bé tí mà có cách ký sinh khôn ngoan nên không dễ diệt. Cho đến một ngày, xí nghiệp dược phẩm tung ra một sản phẩm mới tên là thuốc D.E.P. Bôi vào chỗ vết ghẻ thì xót da xót thịt, hình như có chất acid hay sao ấy, vì tay còn dính thuốc mà cầm bút có vỏ nhựa thì vỏ nhựa thể nào cũng như bị tan chảy, nhưng rất hiệu nghiệm, lũ ghẻ chết ngay, thói quen xấu nhờ đó mà biến mất. Chỉ cần vào trạm y tế của trường, không cần nói tên căn bệnh xấu hổ đó, mà nói cho xin lọ D.E.P. là ai cũng hiểu.

Ngày nay nghe nói tham nhũng như ngứa ghẻ và từ trên xuống dưới đều một lòng một dạ quyết tâm chống tham nhũng, có lẽ nên đặt hàng một lượng lớn thuốc D.E.P.

Much Ado About Nothing

Có lẽ thời sự, chính trị trở nên lĩnh vực 'nhạy cảm' khiến báo chí không đăng tải được chuyện gì khiến người dân quan tâm còn người dân trở nên lãnh đạm với mọi sự nhạt nhẽo.

Thế nên, có những người rỗi hơi nhảy dựng lên và nhảy xổ vào nhau trong chuyện lời qua tiếng lại giữa chàng ca sĩ nọ và người viết ca khúc kia. Lại có kẻ sẵn sàng xâu xé một cô gái chỉ vì cô đã viết lại những trải nghiệm đường xa của mình.

Tệ hơn, có kẻ muốn biểu diễn lập trường và moi ra trong hàng ngàn vạn luận văn của hàng trăm, ngàn cơ sở đào tạo trên cả nước để tế thần bản luận văn đã được chấm và thông qua từ cách đây những ba năm.

Ngẫu sự.

Thursday 26 September 2013

nền kinh tế tâm linh

có một nền kinh tế gọi là nền kinh tế tâm linh.

tuy nhiên, có vẻ như chưa ai định danh nó như thế và nghiên cứu về nó như một đối tượng cụ thể.

mặc dù vậy, nó đã và đang tồn tại, với những biểu hiện sống động.

đó là việc đi lễ, hành hương đầu năm của đông đảo 'thiện nam tín nữ', là sự quảng bá rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng về các lễ hội này, vừa núp dưới danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng cũng có thể đội danh văn hóa, lịch sử. là việc nảy sinh các loại hình 'dịch vụ' và 'chặt chém' khách thập phương.

đó là việc xây dựng mới, trùng tu, đại tu các cơ sở thờ tự thuộc các loại tôn giáo khác nhau, với các kỷ lục mới được thiết lập, từ những khoản tiền khổng lồ không chỉ là tiền 'nhang đèn/hương khói' của khách thập phương hay một số nhà hảo tâm mà còn của các doanh nghiệp và các nguồn bí hiểm khác.

những lễ hội mới ra đời, những cơ sở thờ tự mới xây dựng được quảng cáo, một số đình, chùa, miếu, mạo cũ được khoác cho ánh hào quang mới và công nhận là những di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng tổng hợp. các tour du lịch tâm linh phát đạt. đường xá mở mang.

chỉ để mang lại tiền của cho một số người nào đó, một vài người làm nghề 'dịch vụ' có thể ăn theo, còn đa số người dân không thấy mở mang thêm về đầu óc, tâm trí hay khoan dung hơn sau các tour du lịch này.

tán nhảm.

Wednesday 18 September 2013

Mein Kampf

Ai cũng biết tên cuốn hồi ký này của tên trùm phát xít Hitler, kẻ thù của nhân loại, kẻ đã khơi mào cuộc Đại chiến thế giới lần thứ 2 (1939-1945) lôi kéo không chỉ các cường quốc mà cả một số quốc gia 'thuộc phạm vi ảnh hưởng' (trong đó có Việt Nam, khi đó là thuộc địa và lãnh thổ bảo hộ của Pháp thuộc phe Đồng Minh, bị Nhật thuộc phe Trục xâm chiếm nhằm vừa để đánh Pháp, vừa để đánh ngược lên phía Bắc thành một gọng kìm vào miền Nam Trung Hoa hay sang Tây Bắc để đến Miến Điện và Ấn Độ khi đó thuộc Anh) vào cuộc, tàn phá cả thế giới, cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người (riêng Liên Xô hơn 20 triệu người, và Việt Nam có từ 1-2 triệu người chết đói năm 1945), là kẻ bài Do Thái, diệt Cộng, gây ra nạn diệt chủng Do Thái (The Holocaust), là tác giả của các trại tập trung và lò thiêu người khét tiếng trên khắp châu Âu.

Thế giới đã hành xử như thế nào đối với thi thể, nếu có, của Adolf Hitler? Không có tung tích. Mục đích để tránh biến mộ phần của những kẻ tội đồ của nhân loại trở thành nơi hành hương của những kẻ điên rồ mới đã muốn sớm quên đi lịch sử. Đó cũng là cách tương tự khi Mỹ xử lý với thi hài của Osama bin Laden, để tránh cho các kẻ tôn sùng khủng bố biến đây thành đất thánh. Còn 'trước tác' của Adolf Hitler, Mein Kampf, vốn được coi là kinh thánh của chủ nghĩa quốc xã Đức, liệu thế giới có tìm cách tán dương hay quảng bá cho nó, thay vì cho lưu hành hạn chế cho các nhà nghiên cứu?

Thế mà nghe nói rằng mấy trang thông tin 'chính phái' trên mạng, mang toàn tên các nhà lãnh đạo đất nước hiện nay lại đang quảng bá cho cuốn sách này. Liệu đây có phải là một biểu hiện khá đặc biệt của chủ nghĩa phát xít mới (neo-fascism)?

Sunday 15 September 2013

Suy nghĩ nhân ngày khai trường

Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Hồ Chủ tịch đã viết như vậy trong bức thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường vào những ngày đầu tiên của nước nhà được độc lập. Lưu ý: ngày ấy cụ Hồ chưa là 'Bác' và cụ gọi học sinh là 'các em'. Còn từ khi cụ Hồ là 'Bác', thì về sau chúng ta còn có cả 'Bác' (Tôn Đức) Thắng v.v. và 'bác' (Trương Tấn) Sang.

Ai ở miền Bắc sinh sau thời điểm này, hoặc không phân biệt Bắc-Nam từ sau năm 1975, nếu có đi học đều biết đến bức thư này và đoạn trích trên đây, tuy nhiên đoạn trích trên cũng đã từng có những 'khảo dị' khác có vẻ như có người muốn 'biên tập' câu chữ mà Hồ Chủ tịch đã dùng.

Lịch sử nước Singapore hiện đại chỉ bắt đầu từ năm 1965. Ngày nay ai cũng thừa nhận vị thế kinh tế và vai trò là một trung tâm tài chính khu vực của Singapore, nhưng Singapore trước 1965 thì chắc không thể hơn Sài Gòn, 'hòn ngọc của Viễn Đông' từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 1960 chắc chắn là có vị thế cao hơn Singapore hay Bangkok trong khu vực (nên nhớ cho đến 1975 thì 'hub' của khu vực được ICAO, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, xác định là Sài Gòn, chỉ từ sau 1975 do trình độ quản lý của Việt Nam không đảm nhận được trách nhiệm thì cả trách nhiệm về FIR (Flight Information Region) Việt Nam cũng không tự đảm đương được mà phải do nước ngoài thực hiện mà sau đó khá lâu Việt Nam mới giành lại quyền của mình đối với FIR trên lãnh thổ và bầu trời Việt Nam, và một cách tự nhiên Bangkok dần dần trở thành 'hub' của khu vực thay cho vị trí của Sài Gòn xưa). Như vậy, vào thời điểm 1945, cả Singapore (thời đó quen gọi là Tân Gia Ba) hay Bangkok (Vọng Các) 

Vậy nếu ở miền Nam từ khoảng 1945-1965, cường quốc đối với người dân miền Nam có thể là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, đại loại là những nước tư bản chủ nghĩa đã trải qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Còn ở miền Bắc, đối với những người dân chịu ảnh hưởng của ý thức hệ XHCN thì các nước tiên tiến chỉ gói gọn trong vài nước: Liên Xô, CHDC Đức (Đông Đức), Tiệp Khắc, và có thể thêm Hungary.

Như vậy, ở thời điểm 1945, và cho đến tận 1965 trước khi cuộc chiến leo thang lên mức độ ác liệt mới, thì các cường quốc, hoặc các nước tiên tiến hơn để người dân và quốc gia hình chữ S này phấn đấu để 'sánh vai' cùng trên thế giới chỉ có chừng trên dưới 10 nước.

Nhưng rồi đất nước chìm sâu vào cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, rồi lại tiếp hơn 10 năm chống Mỹ (chỉ cần tính từ 1964-1975) thì cả miền Bắc và miền Nam đều không có cơ hội phát triển kinh tế, biết bao máu xương đã đổ, trong khi các nước trong khu vực tăng trưởng kinh tế ngoạn mục để trở thành những 'con rồng châu Á' NIC's, và sau khi Việt Nam thắng cả hai 'đế quốc to' là Pháp và Mỹ, rồi lại tiếp tục phải chiến đấu bảo vệ độc lập, lãnh thổ và chủ quyền trên cả hai phía Bắc và Tây Nam, thì về kinh tế, Việt Nam đã tụt dài trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Nếu ngày xưa chỉ nghe cụm từ 'chuyên gia' Liên Xô hoặc 'chuyên gia' CHDC Đức, 'chuyên gia' Tiệp Khắc', hoặc 'cố vấn' Mỹ, thì ngày nay chúng ta phải học hỏi, kể cả việc bắt voi rừng, từ chuyên gia Malaysia.

Đã đành là không biết thì phải học, và tinh thần cầu thị là đáng quý. Nhưng ai mà chẳng buồn trước cảnh 'phú quý thụt lùi' và khi cuộc chiến Việt Nam đã lùi xa, Việt Nam không còn là cái tên để gọi cuộc chiến thì thế giới ngày nay không còn biết đến Việt Nam nữa. 

Saturday 14 September 2013

Lưu Quang Vũ

Người ta đang kỷ niệm rầm rộ ngày mất của Lưu Quang Vũ, mà lại quên mất Xuân Quỳnh, và con chung của hai người đã cùng thiệt mạng trong tai nạn thảm khốc cách đây 20 năm.

Đã có những đồn đoán, những nghi vấn về nguyên nhân cái chết.

Giá mà được nghe lại chuyện từ những người cùng đi trên chuyến xe định mệnh đó: người lái xe, hay họa sĩ (Đỗ) Doãn Châu (anh/em với nhân viên BBC Tiếng Việt một thời: Đỗ Văn).

Ngày xưa, xem kịch Lưu Quang Vũ thật hào hứng. Vì có hy vọng.

Ngày nay, kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông, người ta tổ chức Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ. Không biết có ai đến xem. Tôi thì không. Kịch có nói thế chứ nói nữa cũng chẳng để làm gì.

Friday 13 September 2013

Lê Đạt

Không phải là người biết thẩm thơ, nên thường là bỏ qua mục thơ ca, nhưng nay nhờ bạn Nhã Thuyên nên có thể tìm hiểu thơ Lê Đạt qua bình luận của Nhã Thuyên.

Bài đăng trên Tia Sáng.

Nỗi bồn chồn Lê Đạt
Nhã Thuyên


Thủ bút của Lê Đạt (sưu tập của Minh Đăng)

Lê Đạt trong tôi trước hết là một nhà thơ thân thiện. Thân thiện với môi trường - người, đã đành, nụ cười của ông đã nhiều giai thoại, nhưng hơn hết là thân thiện với môi trường - chữ. Không chỉ bởi cách ông lựa chọn đoản ngôn hay haikâu để chống lãng phí chữ hay thực hiện mùa khem, mà quan trọng hơn là bởi, tôi cảm nhận, chữ nghĩa của ông hầu như không, hay rất ít khi, hục hặc gây sự lẫn nhau.

1

Thơ Lê Đạt như một ngôi nhà luôn rộng cửa cho gió, cho những vị khách vô hình, cho những bước chân vô ý, cho cả sự thanh vắng trống không gõ cửa. Thơ Lê Đạt thường không tự đến với tôi mỗi khi tôi tha thiết một an ủi thơ ca. Nhưng khi đủ thư thả cho một thưởng ngoạn, đủ lặng lẽ cho một sự dạo chơi quạnh vắng, đủ điềm tĩnh cho một ngẫm ngợi riêng lẻ thì tôi có thể tự tìm đến thơ ông, như tìm đến một chốn thanh thơi xanh mát chữ nghĩa:

Nắng tạnh heo mày hoa lạnh
Mimoza chiều khép cánh mi môi xa
(Mimoza – Bóng chữ)

Cả khi thơ ông làm tôi thoáng rùng mình ớn lạnh, thì bù lại, cái cảm giác thơ bé gọi về, buổi đêm một mình qua nghĩa trang, vừa đi vừa run vừa hát trong gió rười rượi cũng có thể trở thành một sự thưởng thức:

Một mình huýt gió nghĩa trang khuya (Thương - U75 Từ tình)

Sự hiện diện như đợi chờ [người đọc] thưởng thức, với tôi, làm nên cái đẹp của thơ Lê Đạt. Một cái đẹp đồng thời là cái đẹp đạo đức, hay nói khác đi, ông dường như ý thức nghiêm ngặt về đạo đức của sự lựa chọn mĩ học. 

Thursday 12 September 2013

Thái Bình 1997 & 2013

Thời chiến:
Thái Bình có chiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, chiến sĩ cắm cờ, hay là đã xông vào hầm bắt tướng De Castrie đầu hàng tại trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Trước đó, trong những năm 1930, tiếng trống ở Tiền Hải, Thái Bình cũng báo hiệu cho một mùa xuân mới.

Trong chiến tranh chống Mỹ, chị Hai 'năm tấn' quê ở Thái Bình cũng đã góp phần tích cực của người ở hậu phương hỗ trợ cho tiền tuyến.

Thái Bình có phi công Phạm Tuân lái máy bay bắn cháy pháo đài bay B52 của Không lực Hoa Kỳ.

Thái Bình có chiến sĩ Bùi Quang Thận, lái xe tăng húc đổ cổng và cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập năm 1975, kết thúc cuộc chiến 30 năm.

Thời bình:
Thái Bình có nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân là người châu Á đầu tiên chân đi dép lốp (thơ Tố Hữu) mang bèo hoa dâu lên vũ trụ rồi không thấy mang về.

Thái Bình có Trung tướng Trần Độ (tên thật Tạ Ngọc Phách), Phó Chủ tịch Quốc hội hết lòng trăn trở, suy nghĩ về tình hình đất nước.

Năm 1997 nông dân ở nhiều xã, huyện ở Thái Bình biểu tình phản đối việc thu nhiều loại phí dẫn đến người dân phải đóng góp quá sức trong khi những người có trách nhiệm quản lý các loại quỹ ở xã chi tiêu không minh bạch.

Tháng 9.2013 nông dân Đặng Ngọc Viết nổ súng vào 5 viên chức rồi tự tử liên quan đến những bất bình về đất đai.

con gà mái là vợ con gà trống - con cừu đực là chồng con cừu cái hay cuộc tranh cãi con cừu đực là chồng của cô hay của em

Nhân đọc được chuyện 'con gà mái là vợ con gà trống', kể lại chuyện học ngoại ngữ của thời xưa vì thấy sao mà có những tư duy giống nhau và việc học ngoại ngữ cũng có những chuyện khá buồn cười.

Thời đó học trò thì giỏi lắm được sử dụng từ điển dịch (bilingual dictionary), ví dụ tiếng Anh thì lần đầu tiên có quyển từ điển tương đối đầy đủ và có uy tín (tháng 8.1975) là quyển Từ điển Anh-Việt do Viện Ngôn ngữ học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội biên soạn (với tập thể 28 tác giả) và Nhà xuất bàn Khoa học xã hội xuất bản. Quyển từ điển này in đợt đầu và mấy đợt tái bản sau nghe nói do Trung Quốc in giúp hoặc nếu không cũng dùng giấy do Trung Quốc viện trợ, giấy mỏng (pellure) nên có bạn chẳng học mà đem từ điển lên vùng trồng thuốc lá để bà con tẩy 2kg giấy mỏng thành trắng tinh để cuốn thành những điếu thuốc lá từ thuốc lá do bà con tự trồng, đổi lại cho cuốn từ điển bạn đó nhận được vài đồng chỉ đủ để ăn, uống trong vài ngày. Thầy cô thì được mượn từ điển giải nghĩa (monolingual dictionary), thường là Merriam-Webster Collegiate Dictionary hoặc Random House Webster's Dictionary.

Các bạn được yêu cầu phải chuẩn bị bài trước khi lên lớp. Để chuẩn bị bài cho môn Ngữ văn, thường là một bài khóa (text) với dạng đọc hiểu (reading comprehension) và các điểm ngữ pháp (grammtical points), bạn cần phải tra từ điển những từ mà bạn chưa biết. Khổ nỗi, khi chuẩn bị bài thì bạn tra từ điển Anh-Việt, nhưng khi lên lớp thày (hay cô) kiểm tra xem bạn đã chuẩn bị bài như thế nào, có biết từ mới không thì bạn lại phải dùng tiếng Anh để giải thích, tức là làm một quy trình 'dịch ngược', thay vì việc chỉ dùng một cuốn tự điển Anh-Anh là xong. Thế mới có chuyện cười chảy cả nước mắt.

Ngày nay với thời đại thông tin, các bạn quen sử dụng máy tính hẳn đã biết RAM (Random-Access-Memory) nghĩa là gì, công dụng như thế nào trong chiếc máy tính, nhưng chắc cũng ít bạn để ý ram lại là một từ có nghĩa: nó là con cừu đực. Nếu bạn có trong tay một quyển từ điển giải nghĩa thì tưởng không có gì đơn giản hơn nữa, nếu bạn đã biết sheep là con cừu nói chung (hay kể cả bạn biết them lamb là con cừu non, giống như cách gọi con bê là con bò non hay con nghé là con trâu non vậy), thì bạn chỉ cần giải thích it's a male sheep (nó là con cừu đực), đối với con cừu cái thì nói it's a female sheep (nó là con cừu cái). Đơn giản như đan rổ.

Nhưng như kể ở trên vì không có một từ điển giải thích, và không biết những từ như malefemale, nên bạn đó cũng tìm giải pháp là nói con cừu đực là chồng con cừu cái. Cái từ ram là cái từ hóc búa ít người mới học biết, bạn lại lấy một từ con cừu cái cũng là một từ hóc búa khác nữa, đó là một thao tác lấy một cái chưa biết để giải thích cho một cái chưa biết khác. Ngoài ra, giống vật thì cho dù có loài sống chung thủy và thành xã hội có tổ chức nhưng không thể so với trình độ phát triển của loài người nên người ta không dùng từ chồng-vợ (vì mối quan hệ chồng-vợ còn liên quan đến hôn nhân với các nghi thức và các ràng buộc về nghĩa vụ và trách nhiệm v.v.) mà chỉ dùng từ đực-cái, trừ trường hợp trong văn học muốn nhân cách hóa. Điều buồn cười ở đây chính ở chữ con cừu cái, trong tiếng Anh là ewe, đọc theo phiên âm quốc tế là /ju:/, tức là không khác gì cách đọc của từ you /ju:/, nghĩa là anh/các anh hoặc chị/các chị, tức là ngôi thứ 2 (số ít hoặc số nhiều).

Và sau đây là đoạn hội thoại:

Teacher: What does 'ram' mean?
Student: It's a husband of ewe.
Teacher: Of you-u-u-u-u.
Ha ha ha.

Cô giáo: Từ ram có nghĩa là gì?
Học sinh: Là chồng của con cừu cái (ý của bạn ấy muốn nói như thế), nhưng do hiện tượng đồng âm khác nghĩa như đã giải thích nên câu đó cũng có thể hiểu là: Nó là chồng của cô.
Cô (phản ứng): (là chồng) Của em ấy (tình cờ bạn này lại là bạn nữ).

Ha ha ha.

Hết chuyện.

Wednesday 11 September 2013

biết một mà chẳng biết hai

có bạn tìm cách phân tích văn bản để chỉ ra ông A, ông B, ông C, bà D, bà E, bà F v.v. với các chức danh, nghề nghiệp, hay cương vị xã hội khác nhau ở làng nọ, thôn kia, bản này, sóc khác, hay thị trấn này, thị tứ nọ, đất nước này, lãnh thổ kia để chứng minh rằng các ông bà đó thực ra chỉ là ông A, ông A' (theo cách nói miền Bắc thì là 'A phẩy', còn bà con miền Nam thì nói là 'A phết'), ông A'' ('A hai phẩy' hoặc 'A hai phết), "bà" A''' ('A ba phẩy' hoặc 'A ba phết'), "bà" A'''' ('A bốn phẩy' hoặc 'A bốn phết') hay "bà" A'''' ('A năm phẩy' hoặc 'A năm phết'), hay tóm gọn lại là chỉ là một mình ông A phóng bút ra các nơi.

mình đồ rằng các bạn ấy mới chỉ biết một mà không biết hai, ba, mà có khi cả bốn, năm nữa.

Monday 9 September 2013

ngẫu sự (4)

yêu cầu một người được đào tạo theo các nội dung, đặc điểm của môi trường A 'thích nghi' với môi trường B thì có gì đó 'tréo ngoe', không tưởng, nếu không nói là phi logic và phi thực tiễn, vì điều đó về thực chất là phủ nhận các kết quả đào tạo theo các nội dung, đặc điểm của môi trường A, một sự lãng phí cả về thời gian và nguồn lực. thay vì đó các 'đương sự' chỉ cần sao chép (copy) lại các nội dung, đặc điểm của môi trường B mà thôi. xét cho cùng, đó là sự bào mòn mọi ý tưởng sáng tạo, cách tân hay thay đổi, nói cách khác là một sự 'dậm chân tại chỗ' trong một thế giới toàn cầu hóa biến chuyển nhanh chóng đến chóng mặt hiện nay (this fast-changing global world) thì cũng chẳng khác gì là lạc hậu, tụt lùi so với thế giới.
các bạn trẻ ạ, các bạn được đào tạo những kiến thức, phương pháp, kỹ năng tiên tiến thì hãy áp dụng chúng, chứ đừng để chúng bị bào mòn vì không sử dụng do các bạn tìm cách 'thích nghi' thay vì các bạn tìm cách thay đổi để đổi mới, cách tân. nếu các bạn không tìm cách áp dụng những kiến thức, phương pháp, kỹ năng tiên tiến mà bạn được đào tạo thì phí cả thời gian và công sức của bạn và thầy, cô của bạn cũng như tiền, của của bố mẹ bạn cho bạn ăn học.

status đáng chú ý của Bill Gates

cái này liệu có giống như phim Bụi đời Chợ Lớn không được phép chiếu hay tiểu thuyết Đại Gia bị thu hồi vì đã phản ánh sai lệch đầy đen tối về xã hội Việt Nam không?

hay là chẳng qua Bill Gates đang thăm dò khả năng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam?

bill-gate-1378698877.jpg

Điều gì đang xảy ra? What's happening?

Chuyện gì đang/đã/sẽ còn xảy ra ở Mỹ Yên, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An?

Các thông tin thật mâu thuẫn?

Ai sẽ là người giúp kiểm chứng thông tin?

Friday 6 September 2013

OXFORD BLUES

Vui một chút.

Super form: Oxford's best athletes line up in the nude for the charity calendar

Báo chí (mạng) Việt Nam đưa tin về cái lịch ảnh nude làm từ thiện này của sinh viên đại học Oxford, mà chẳng chịu đăng ảnh dưới đây, cho nó 'máu'.

Streaking has a whole new meaning! The running team take to the track with trainers sparing their blushes

và đây nữa.

Goal! Oxford University's lacrosse team ought to score a few extra fans with this photo

ngẫu sự (3)

cấp báo! cấp báo!

chí nguy! chí nguy!

quỹ lương hưu sắp cạn.

ơi các cụ về hưu.

ới những người sắp về hưu.

hãy làm gì để bảo vệ đồng lương hưu.

hiu hiu.

còm còm.

ngẫu sự (2)

xét ra mọi đại hội chẳng bằng quyết định của một kỳ họp của một ủy ban thường vụ/trung ương.

mà mọi quyết định đều thua bố cu Tèo.

Nhật ký trong tù

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Nhật ký trong tù (1943-2013), có nhiều hoạt động kỷ niệm trong đó có hội thảo khoa học về quyển sách này. Theo tiểu sử chính thức của Hồ Chí Minh, trong khi sang Trung Quốc để tìm kiếm sự giúp đỡ cho cách mạng Việt Nam, ông bị chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) bắt và giam giữ từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943. Trong thời gian đó Hồ Chí Minh đã ghi lại cuốn Nhật ký trong tù (bìa dưới đây).

ngẫu sự

trông ra thằng thộn

khuôn mặt trì độn

đầu óc đần độn

nói năng lộn xộn

thân hình phì nộn

tài sản ngồn ngộn.


Tuesday 3 September 2013