Thursday 12 September 2013

con gà mái là vợ con gà trống - con cừu đực là chồng con cừu cái hay cuộc tranh cãi con cừu đực là chồng của cô hay của em

Nhân đọc được chuyện 'con gà mái là vợ con gà trống', kể lại chuyện học ngoại ngữ của thời xưa vì thấy sao mà có những tư duy giống nhau và việc học ngoại ngữ cũng có những chuyện khá buồn cười.

Thời đó học trò thì giỏi lắm được sử dụng từ điển dịch (bilingual dictionary), ví dụ tiếng Anh thì lần đầu tiên có quyển từ điển tương đối đầy đủ và có uy tín (tháng 8.1975) là quyển Từ điển Anh-Việt do Viện Ngôn ngữ học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội biên soạn (với tập thể 28 tác giả) và Nhà xuất bàn Khoa học xã hội xuất bản. Quyển từ điển này in đợt đầu và mấy đợt tái bản sau nghe nói do Trung Quốc in giúp hoặc nếu không cũng dùng giấy do Trung Quốc viện trợ, giấy mỏng (pellure) nên có bạn chẳng học mà đem từ điển lên vùng trồng thuốc lá để bà con tẩy 2kg giấy mỏng thành trắng tinh để cuốn thành những điếu thuốc lá từ thuốc lá do bà con tự trồng, đổi lại cho cuốn từ điển bạn đó nhận được vài đồng chỉ đủ để ăn, uống trong vài ngày. Thầy cô thì được mượn từ điển giải nghĩa (monolingual dictionary), thường là Merriam-Webster Collegiate Dictionary hoặc Random House Webster's Dictionary.

Các bạn được yêu cầu phải chuẩn bị bài trước khi lên lớp. Để chuẩn bị bài cho môn Ngữ văn, thường là một bài khóa (text) với dạng đọc hiểu (reading comprehension) và các điểm ngữ pháp (grammtical points), bạn cần phải tra từ điển những từ mà bạn chưa biết. Khổ nỗi, khi chuẩn bị bài thì bạn tra từ điển Anh-Việt, nhưng khi lên lớp thày (hay cô) kiểm tra xem bạn đã chuẩn bị bài như thế nào, có biết từ mới không thì bạn lại phải dùng tiếng Anh để giải thích, tức là làm một quy trình 'dịch ngược', thay vì việc chỉ dùng một cuốn tự điển Anh-Anh là xong. Thế mới có chuyện cười chảy cả nước mắt.

Ngày nay với thời đại thông tin, các bạn quen sử dụng máy tính hẳn đã biết RAM (Random-Access-Memory) nghĩa là gì, công dụng như thế nào trong chiếc máy tính, nhưng chắc cũng ít bạn để ý ram lại là một từ có nghĩa: nó là con cừu đực. Nếu bạn có trong tay một quyển từ điển giải nghĩa thì tưởng không có gì đơn giản hơn nữa, nếu bạn đã biết sheep là con cừu nói chung (hay kể cả bạn biết them lamb là con cừu non, giống như cách gọi con bê là con bò non hay con nghé là con trâu non vậy), thì bạn chỉ cần giải thích it's a male sheep (nó là con cừu đực), đối với con cừu cái thì nói it's a female sheep (nó là con cừu cái). Đơn giản như đan rổ.

Nhưng như kể ở trên vì không có một từ điển giải thích, và không biết những từ như malefemale, nên bạn đó cũng tìm giải pháp là nói con cừu đực là chồng con cừu cái. Cái từ ram là cái từ hóc búa ít người mới học biết, bạn lại lấy một từ con cừu cái cũng là một từ hóc búa khác nữa, đó là một thao tác lấy một cái chưa biết để giải thích cho một cái chưa biết khác. Ngoài ra, giống vật thì cho dù có loài sống chung thủy và thành xã hội có tổ chức nhưng không thể so với trình độ phát triển của loài người nên người ta không dùng từ chồng-vợ (vì mối quan hệ chồng-vợ còn liên quan đến hôn nhân với các nghi thức và các ràng buộc về nghĩa vụ và trách nhiệm v.v.) mà chỉ dùng từ đực-cái, trừ trường hợp trong văn học muốn nhân cách hóa. Điều buồn cười ở đây chính ở chữ con cừu cái, trong tiếng Anh là ewe, đọc theo phiên âm quốc tế là /ju:/, tức là không khác gì cách đọc của từ you /ju:/, nghĩa là anh/các anh hoặc chị/các chị, tức là ngôi thứ 2 (số ít hoặc số nhiều).

Và sau đây là đoạn hội thoại:

Teacher: What does 'ram' mean?
Student: It's a husband of ewe.
Teacher: Of you-u-u-u-u.
Ha ha ha.

Cô giáo: Từ ram có nghĩa là gì?
Học sinh: Là chồng của con cừu cái (ý của bạn ấy muốn nói như thế), nhưng do hiện tượng đồng âm khác nghĩa như đã giải thích nên câu đó cũng có thể hiểu là: Nó là chồng của cô.
Cô (phản ứng): (là chồng) Của em ấy (tình cờ bạn này lại là bạn nữ).

Ha ha ha.

Hết chuyện.

No comments:

Post a Comment