Friday 13 September 2013

Lê Đạt

Không phải là người biết thẩm thơ, nên thường là bỏ qua mục thơ ca, nhưng nay nhờ bạn Nhã Thuyên nên có thể tìm hiểu thơ Lê Đạt qua bình luận của Nhã Thuyên.

Bài đăng trên Tia Sáng.

Nỗi bồn chồn Lê Đạt
Nhã Thuyên


Thủ bút của Lê Đạt (sưu tập của Minh Đăng)

Lê Đạt trong tôi trước hết là một nhà thơ thân thiện. Thân thiện với môi trường - người, đã đành, nụ cười của ông đã nhiều giai thoại, nhưng hơn hết là thân thiện với môi trường - chữ. Không chỉ bởi cách ông lựa chọn đoản ngôn hay haikâu để chống lãng phí chữ hay thực hiện mùa khem, mà quan trọng hơn là bởi, tôi cảm nhận, chữ nghĩa của ông hầu như không, hay rất ít khi, hục hặc gây sự lẫn nhau.

1

Thơ Lê Đạt như một ngôi nhà luôn rộng cửa cho gió, cho những vị khách vô hình, cho những bước chân vô ý, cho cả sự thanh vắng trống không gõ cửa. Thơ Lê Đạt thường không tự đến với tôi mỗi khi tôi tha thiết một an ủi thơ ca. Nhưng khi đủ thư thả cho một thưởng ngoạn, đủ lặng lẽ cho một sự dạo chơi quạnh vắng, đủ điềm tĩnh cho một ngẫm ngợi riêng lẻ thì tôi có thể tự tìm đến thơ ông, như tìm đến một chốn thanh thơi xanh mát chữ nghĩa:

Nắng tạnh heo mày hoa lạnh
Mimoza chiều khép cánh mi môi xa
(Mimoza – Bóng chữ)

Cả khi thơ ông làm tôi thoáng rùng mình ớn lạnh, thì bù lại, cái cảm giác thơ bé gọi về, buổi đêm một mình qua nghĩa trang, vừa đi vừa run vừa hát trong gió rười rượi cũng có thể trở thành một sự thưởng thức:

Một mình huýt gió nghĩa trang khuya (Thương - U75 Từ tình)

Sự hiện diện như đợi chờ [người đọc] thưởng thức, với tôi, làm nên cái đẹp của thơ Lê Đạt. Một cái đẹp đồng thời là cái đẹp đạo đức, hay nói khác đi, ông dường như ý thức nghiêm ngặt về đạo đức của sự lựa chọn mĩ học. 



Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, sinh ngày 10/9/1929, mất ngày 21/4/2008, quê ở Á Lữ, Bắc Giang. Ông tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm vào những năm 50 rồi vắng bóng trên văn đàn suốt hơn 30 năm.

Đã xuất bản:

- Bài thơ trên ghế đá (1957)
- Cửa biển (In chung với Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, 1958)
- 36 Bài Thơ Tình (chung với Dương Tường, 1989)
- Trường ca Bác (thơ) (1990)
- Thơ Lê Đạt - Sao Mai (chung với Sao Mai, 1991)
- Bóng chữ (Thơ, 1994) và Hèn Đại Nhân (Tập truyện ngắn, 1994).
- Ngó lời (thơ, 1997)
- Từ tình Epphen (Thơ, 1998)
- Mimoza (Thơ, 2006)
- Truyện cổ viết lại (Tập truyện ngắn, in chung với Lê Minh Hà, 2006)
- Mi là người bình thường (tập truyện ngắn, 2007)
- U75 Từ tình (thơ và đoản ngôn, 2007).
- Lê Đạt, Đối thoại với đời và thơ (2008)
- Lê Đạt, Đường Chữ (2009)
Năm 2007, cùng với Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Hệ lụy của cái đẹp đạo đức là nó có thể ngăn trở lòng đồng cảm. Tôi hiểu khả năng khơi cảm của thơ ca không tách rời việc xác lập và trình diễn các quan hệ tương tác lẫn nhau: quan hệ của thi sĩ với thơ ca của họ, của thơ ca với người đọc. Sự chung sống của thi sĩ với thơ hiện diện trước chúng ta ra sao? Ta cảm nhận sự hiện diện đó như thế nào? Tôi không nghĩ Lê Đạt ít độc giả, nhưng tôi không hình dung người ta dễ dàng bị thơ Lê Đạt làm cho choáng ngợp hay ngây ngất. Ít nhất với tôi: suốt nhiều năm, tôi chưa bao giờ nghĩ mình yêu thơ Lê Đạt, như một “nhà thơ của tôi”, và vẫn cứ đinh ninh rằng, sự đồng cảm xôn xao lúc đây lúc đó mà tôi dành cho thơ ông chỉ là sự xôn xao của tôi khi chạm vào thơ ca nói chung, khi thưởng thức một cái đẹp “má má môi mà mỗi mỗi xa” mà thôi. Các nhà thơ giãi bày và các thi sĩ phất cờ tiền phong có thể dễ quyến rũ ta hơn. Ở Lê Đạt, sự trình diễn cái tôi thi sĩ dường như cứ muốn giấu mãi giấu mãi sau con chữ và nhà thơ dường như cam kết chung tình với lựa chọn đó. Người đọc đi tìm thơ hầu như khó gặp người. Đôi khi đọc Lê Đạt, tôi cứ như lạc vào một cõi Đường thi hiện đại, dẫu không có mây dày thăm thẳm tứ bề, không có vị thiền sư đắc đạo nào thì người thơ vẫn cứ ở đâu đó lơ lắc. Một thứ thơ phi-tôi? Đúng hơn, tôi tưởng tượng, Lê Đạt tự mình lặn dần trong sự chơi với chữ, nơi quá trình phi-tôi diễn ra không cần xúc tác, chỉ cần sự thí nghiệm công phu và nặng tình: cảm xúc khởi sinh bài thơ có thể cứ được lọc đi lọc lại qua những thí nghiệm chữ kì khu và dần bay hết những sắc màu trần thế, rút cục đồng nhất làm một với con chữ trong dạng thức tinh khiết, kết đọng nhất. Cái tôi Lê Đạt trong những bài thơ, do đó, có thể là một cái tôi đã được edit liên tục, được thanh lọc, ở độ kĩ lưỡng đôi khi đến hoàn hảo và trong vắt đến mức hầu như người đọc khó có cơ may được diện kiến sự xù xì thô tháp (thuở ban đầu, nếu có) của nó. Làm thơ, với Lê Đạt dường như là một quá trình thanh-lọc chữ liên tục, một cuộc thí nghiệm kiên nhẫn và đam mê như người mài đá đã nhìn thấy vẻ ngọc thấp thoáng ngay kia. 


Tuổi lú lẫn ngược nhầm ga trẻ dại
Hay u ơ quên mất lối về già
Tha thẩn chữ ngã ba
        (Lú lẫn - U75-từ tình)

2

Tôi vẫn nghĩ rằng, cách Lê Đạt tự họa chân dung mình, khá rõ ràng trong các tiểu luận, các phát biểu về thơ, như một phu chữ, một kẻ chống tài tử, một kẻ cam kết gắn mình với (việc dụng) chữ dễ bị hiểu lầm, thậm chí làm những người đọc ưa dạo chơi lang bang ái ngại: ông hẳn là nặng nhọc, thực tế và đặc tuyển. Nhưng chưa biết chừng, Lê Đạt lại chỉ đơn giản là một kẻ mộng, đã sinh ra chính từ những cơn mộng chữ của mình: những con chữ ủ, ấp, sinh, thành không nghỉ, tạo thành một “lối bìa da mộng phủ”. “Bóng chữ” là phần chập chờn tỉnh mê của cơn mộng đang say ấy: “Bóng chữ có thể coi là phần tiền kiếp không được hóa giải của chữ. Nó như bóng con thuyền Trương Chi thiếu nợ hò khoan mãi lòng chén nước Mỵ Nương” (“Vân chữ”). Lụy tình chữ, cho nên, như lời Lê Đạt, “hành trình vô dụng lần tìm vô thức thông qua việc giải phóng ngôn ngữ” có thể được hiểu như một cuộc chơi nghiêm túc lần tìm những tiền kiếp của chữ. 

Lần tìm cơ chế sinh sôi chữ-nghĩa, hay cách tạo “bóng chữ” của Lê Đạt, tôi không thấy những cuộc đụng độ bùng nổ giữa các chữ, kiểu như đôi khi va phải chữ Trần Dần. Hầu như là những va chạm chủ ý hòa bình, cộng hưởng chứ không phá hoại nhau. Sự cộng hưởng này làm suy yếu hay thậm chí triệt tiêu khả năng quy chiếu tới sự vật đồng thời thăm dò năng lượng mở nghĩa của ngôn ngữ thơ. Câu thơ Lê Đạt do đó, có thể sống những đời hư cấu tự do trong mỗi người đọc nó. Thực tế nó cũng từ chối tương thích với cách đọc diễn giải và quy về hình dung rõ nghĩa. Những nỗ lực cắt - ghép nghĩa thơ ông, nỗ lực phân tích các thi pháp, thủ pháp câu từ Lê Đạt luôn đồng thời phô ra giới hạn của diễn đạt, của “kinh nghiệm văn xuôi”, của thi ca diễn nghĩa. Sự viết phi quy chiếu, thậm chí đôi khi như thể chỉ bày những vật thể “tự nó” của Lê Đạt có thể làm nảy nở những tưởng tượng và niềm đam mê tưởng tượng bất tận.

Người đẹp lẩn khe hai dòng chữ tối
Thủ thư mù
        lần lẻ một lối mê
(Borges – Ngó lời)
Có khoảnh khắc đọc thơ may mắn, tôi hân hưởng cảm giác nôn nao say chữ. Đó là khi tôi đọc được nỗi bồn chồn Lê Đạt. Là lúc Lê Đạt dường buông chứ không thắt, tài tử hơn là thợ thồ. Bồn chồn nhất là những bài tình, nhưng đúng hơn, là những tình chữ bồn chồn. Cái dục tình nồng nàn trong thơ Lê Đạt khó mà phân biệt được là tình trai gái hay tình chữ, khó mà phân biệt tình trai gái làm nên chữ hay ngược lại.

Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày 
Nông nỗi heo may từ đó
Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đường cốm đồi thon ngõ nhỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió
Tóc em hong mùi ca dao
Thu rất em 
và xanh rất cao
(Thu nhà em – Bóng chữ)

Bài “Thu nhà em” này, với tôi, không chỉ là một bức tranh trừu tượng đẹp lạ lùng, mà còn là một bài tình chữ nôn nao. 

Nắng rũ áo mộng đò neo bến nhổ 
Lá bỏ cành trời rứt én xanh lìa cây
Chiều ngậm mãi một nỗi chim rời tổ
Ga Vọng
    thu khuya ai xổ một hồi còi
(Anh ở lại – Bóng chữ)

Tôi không muốn lạm dụng cảm xúc của mình khi đọc thơ, mà vẫn đau nỗi lá lìa cành, thấy màu xanh rớt từng hột phiêu bồng trước mặt, thấy chữ nghĩa liên tục bị biến dạng bởi ánh sáng đổi chiều hay chao đảo khi gió xoay hướng…

Có nhiều khi tôi thấy rõ: Lê Đạt trìu mến ngôn ngữ hơn là trìu mến người yêu. Trú ngụ trong thiên nhiên và chữ nghĩa, cả anh, cả em dường như quen nết Đào Nguyên mà quên nỗi bận bịu con người. Vẫn có gì nơi tình yêu đi vắng mãi. Cũng bởi thế đôi khi tôi xa cách. Thậm chí hơi khó chịu. Và tôi hoài nghi: tôi không tin một thứ tình quá chừng đinh ninh và ít thương tổn. Lê Đạt có dỗi hờn, cũng là dỗi hờn với chữ “Chữ nhất tâm nghĩa lại nhị tình”. Và thi sĩ thì ngoan cố, không phải với tình yêu, mà với cách yêu của mình, một sự lạc quan ngoan cố:

Ngoan cố thất tình xuân vẫn mải
Khờ biết bao giờ hết dại yêu 
(Dại yêu- U75 Từ tình)

Cũng bởi cái ngoan cố ấy, dường như Lê Đạt không phải tạng người du mục. Ông lúc nào cũng mải mê canh tác vùng đất của mình, chăm bẵm miệt mài thứ đặc sản mà ông đã tìm thấy hạt giống trên hoang đảo. Và bởi vì lựa chọn gieo trồng chỉ một thứ đặc sản, kiên định, nhiệt thành, bất chấp, nên cả khi đã được “chính thống hóa”, truyền tụng rộng rãi, thứ thơ đặc sản của ông vẫn cứ kén chọn người thưởng thức. Cũng nhiều khi, ngoan cố một hành trình chủ động chơi với chữ nghĩa, nên chữ của Lê Đạt ít có cơ hội cợt đùa phản trắc lại người thơ. Tôi đã xem bản thảo viết tay của ông, những chữ (có lẽ chực phản trắc) đã bị gạch xóa, bôi đen, tôi băn khoăn không biết chúng sẽ tái sinh nơi nào. Không ít bài thơ tình của ông, những sự kĩ lưỡng quá mức làm cái nông nỗi bồn chồn dường như cũng “tự kiểm soát” khắt khe hơn.

3

Làm sao tôi thoát được việc đọc thơ tìm người? Làm sao tôi thoát được nỗi băn khoăn về “kiếp nhân văn” khi đọc thơ Lê Đạt?

Lê Đạt của “36 Bài tình”, in chung với Dương Tường, của “Lê Đạt - Sao Mai”, in chung với Sao Mai, thậm chí của “Bóng chữ”, “Ngó lời” chủ yếu là một Lê Đạt “phi chính trị”. Tôi hình dung, đó có thể là một cách giữ mình. Tôi tưởng tượng những cuộc nói chuyện riêng tư, rì rào, nôn nao, bất tận của những lá vàng, những đèo nắng, của những tiếng chim dị hình, của gió mưa, của sương... từ chỗ như một niềm an ủi nương náu đã trở thành bạn đồng hành thân thiết và luôn trìu mến người thơ suốt một chặng đường dài. 

Trang vắng mưa đêm về sớm
Heo may rải đồng giấy non
Anh vực tay em
Be bé nét đòng
Ai có biết lòng mẫu tự?
(Thuở đầu dòng - Bóng chữ)

Tâm thái phi chính trị nơi Lê Đạt, gắn với thời điểm chiến tranh, dường như là một lựa chọn kiên định đứng về phía thơ ca. Lê Đạt viết về Trường Sơn, tôi không khỏi nghĩ tới một đứa bé nhìn đoàn xe:

Bom bi bom bi
Bom bi 
    Bi bom
Xe đi 
    Xe đi 
Cầu mở phao sông
Phà à à sóng 
Bom bi
bi bom
Xe đi
xe đi
Bom bom
bom bom
Dáng xoan một con
(Trường Sơn – Lê Đạt - Sao Mai)

Thơ về chiến tranh của Lê Đạt mang ít nhiều bi kịch của người cảm nhận được nỗi tan nát của cái đẹp, chỉ có thể được viết với tâm thế của kẻ ít nhiều (bị) đứng ngoài, tách bạch với những yêu cầu tuyên truyền cho cuộc chiến:

Hầm cỏ Nguyễn Du 
            trời tên lửa
Bia hồ liêu liễu mới Đường thi
(Hà Nội B.52 - Bóng chữ)

Hình dung tâm thế “phi chính trị” xuyên suốt trong thơ Lê Đạt, tôi lại thấy bớt khó chịu với từ “tuyên truyền”: hẳn là ít hay nhiều chúng ta đã tự/bị tuyên truyền. “Trường ca Bác” của Lê Đạt hẳn là một bài thơ tuyên truyền có chủ ý, có thể là lần duy nhất của đời thơ ông (?): trong lời bạt, Khương Hữu Dụng viết “Lê Đạt viết bài trường ca từ sau ngày Bác mất (1969) cho đến tháng 5/1970 để kịp giỗ đầu Bác trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về tinh thần và gian truân về vật chất”. Lời bạt viết năm 1989, cuốn sách ra đời năm 1990, ngủ hai mươi năm mới dậy, một bản thơ tuyên truyền ca ngợi Hồ Chí Minh vẫn có thể mang số phận “một bản trường ca lận đận”. Tôi không biết có bí mật lịch sử nào lẩn khuất quanh tập thơ này, nhưng sự ra đời lận đận của nó tôi nghĩ cần được tính đến để nhìn cả hành trình thơ Lê Đạt.

Vì bị đẩy ra ngoài lề, Lê Đạt đã có cơ may “phi chính trị” với các vấn đề thời sự, nhưng còn quá khứ Nhân Văn? Có người nói Lê Đạt “quên” vì nhìn bề ngoài, dường như thơ Lê Đạt không đeo mang số phận đời Lê Đạt, ngoài những đường nối mỏng manh. Nụ cười bất chấp của “ông Di Lặc” có thể gây khó hiểu, bởi nó không vừa với diễn giải thông thường của chúng ta về một kẻ chịu nạn. Hay thơ Lê Đạt đã tự tạo nên một số phận khác của ông? Mà cả khi cho rằng thơ và đời là chuyện tách bạch, có thể chúng ta vẫn không hết ngạc nhiên: chữ-nghĩa có ái lực đến thế nào để cái số phận đời mà ta tưởng phải trùm phủ thơ ca, rút cục lại như thể nằm ngoài thơ ca, hay chỉ còn là cái bóng vương vất như một trận gió xám xòa qua không đủ làm xạm mặt người? Ở điểm này, tôi muốn đề xuất một biện minh cho thơ. Dẫu không mang định kiến về sự đọa đày trong đời phải hằn khắc trong thơ, tôi không nghĩ ông xem khinh trọng lượng của bất hạnh. Ai dám chắc mình hiểu được gánh nặng của kẻ tự mang? Dấu vết những tháng ngày Nhân Văn còn xót đắng ẩn trong chữ.

Vườn nắng mắt gió bay mùa hoa cải
Bóng lá răm ngày Phả Lại đắng cay 
(Phả Lại – Ngó lời)

Tôi không biết có cần phải hiểu đời Lê Đạt để hiểu những câu thơ này và nhiều câu thơ “Lão Núi”. Tôi không biết nếu tôi hiểu biết ít nhiều về đời Lê Đạt thì việc nhìn thơ ông sẽ rộng rãi hơn hay sẽ hẹp hòi đi. Người ta có thể minh oan, minh bạch tiểu sử một con người, nhưng chữ nghĩa thì vẫn còn lại đó, không thể minh oan hay tự giải oan, ngoài việc đợi chờ người đọc tìm đến. Mà người đọc thì, tôi cảm thấy, thường dễ rộng lượng với lỗi lầm lịch sử mà ít kiên nhẫn rộng lượng với thơ ca. Sự đọc và đọc lại lịch sử, hành xử của con người và sự đọc lại thơ ca dường như đòi hỏi những liều lượng nghiêm khắc hay rộng rãi không thể đánh đồng, mà ta lại thật dễ đánh đồng. Dẫu thế nào, thơ ca vẫn phải tự nhận về mình sự tổn thương riêng lẻ của nó chăng? 

Mọi tham vọng diễn giải một cách khái quát về lịch sử thường không động tới được, hay luôn xét đoán vội vàng lịch sử của một cá nhân, nơi những điều nhỏ bé mới là thiết yếu. Chúng ta không có cơ hội đọc một hồi kí Nhân Văn của Lê Đạt, nhưng trước hết, ông đã chọn một cách giải trình đẹp, một lựa chọn mà người đọc thơ khó có thể nào đành lòng phán xét, bởi nó có cái lí – tình không bao giờ có thể thấu suốt, minh giải. Tôi không nghĩ rằng nó không chứa nhiều thương tổn, nhưng cũng như quá trình thanh lọc chữ, đó có thể là kết quả một hành trình tu tâm và dưỡng chữ mà đôi khi, cái hiện diện trước mắt ta dường như chặn đường mọi giải mã, vì nó đã hủy quy chiếu. 

Tim gió táp mảnh thuyền thương sóng rạt
Phơi tình ven vạt cát giải trình trăng
(Giải trình - U75 Từ tình)

 4

Ai cũng có thể làm thơ. Nhưng dường như người ta phải lựa chọn để làm nhà thơ.
Ai cũng có thể đọc thơ. Nhưng dường như phải đến lúc nào đó, ta mới bị vướng víu bởi một nhà thơ. Tôi có ý hướng tuyên truyền cho việc đọc thơ như là một gặp gỡ làm ta ngẫm ngợi, một giao tiếp hết mực riêng tư, một va chạm phần nhiều không chủ ý. Nó nằm ngoài những phán xét hay dở, những xếp loại nhất nhì. Người ta không ai biết mình lúc nào yêu hay ghét bỏ thơ, và không ai biết lúc nào thơ bỏ ta.

Thư đài lửa nước sông Hồng buông mát
Chữ tro bềnh tình siêu thoát nổi chăng 
(Siêu thóa - Ngó lời)

Lê Đạt có nhiều fan chìm nổi, tôi không có ý tranh quyền tỏ lòng yêu của những bạn đọc thực sự đã yêu ông, những người lưu giữ bản thảo thơ, chép tay những bản thơ ông đánh mất. Nhờ một cơ may run rủi mà tôi có dịp ngồi đọc và đọc lại phần nào Lê Đạt, sau rất nhiều năm thờ ơ. Tôi biết mình không thuộc vào những người trẻ làm thơ cứ đeo đẳng gánh nặng của những cái bóng lớn trong quá khứ, cũng không bị ám ảnh bởi quá khứ những thi sĩ ấy đã đeo mang. Nhưng lúc này, tôi cảm kích lựa chọn của ông: một lựa chọn khó có thể so đo sự thiệt thòi phần đời khi lầm lũi khai quang nẻo vắng của thơ, thậm chí tôi nghĩ, một người duy mĩ như ông đã vì cái đẹp của thơ mà chấp nhận trả giá, chấp nhận cả những điều tiếng không đẹp.

Có những lúc, một câu thơ nào đó chợt đến, khi lòng tĩnh vắng, khi nỗi bồn chồn của tình yêu hay sự thất tình đã được lọc và lắng xuống, để chỉ còn là vẻ đẹp hơn là nỗi đau, là trìu mến hơn là nôn nao đòi hỏi, là cô quạnh bình yên hơn là chuếnh choáng say, khi đó tôi có thể nằm dưới gốc thông mà đùa chơi với việc minh bạch hay diễn xuôi Lê Đạt:

Không tận xanh thơ thở trắng trời
(Lý Bạch - Bóng chữ)

Những bài thơ sổ bụi đã an nhiên thở mấy chục năm, có lúc người đọc vô tâm tưởng đã không còn (phải) vướng bận cả nỗi đau cát bụi.

Nhận ra tôi
    chỉ gốc cây gạo cụt
Tạm ứng nửa trời hoa trước đón nhau
(Thuở xanh hai)

Thế kỷ đinh ninh tình cặp bến
Ghé nhầm một điểm đến trùng tên
(Cặp bến)

Những người xưa bóng hoa thường trở lại
Hương khuya huyền thoại truyện trăng thề
(Người xưa)

Bạc đầu mải đăm chiêu tự vị
Chữ nhất tâm nghĩa lại nhị tình
(Tự vị)

Cổ nhân lạnh, nhu cầu đối thoại hơn sùng bái, một hiện tượng khác của độc thoại […]
(Đối thoại)

Tôi trọng những nhà thơ sinh sự với văn phạm để tạo ra sự sinh của ngôn ngữ.
(Văn phạm)

Hiền tài, hay “hỗn” tài đều là nguyên khí quốc gia. Các nghệ sĩ nòi đều ít nhiều dính một trọng tội: Tội kháng chỉ.
(Hiền tài)

Thơ hay bao giờ cũng có tiếng thầm thì: đó là tiếng gọi nhau của chữ.
(Thầm thì)

Cái nguy hại nhất của sự độc đoán không chỉ ở chỗ cấm nói mà ở chỗ buộc mọi người phải nói theo một kiểu đã định sẵn. Thời trang của nó là đồng phục.
(Đồng phục)

Một câu ngạn ngữ Phi Châu đáng nhớ: Một ông già chết đi là một thư viện bị cháy.
(Thư viện bị cháy)

Tâm phân học có một nhận xét hết sức cơ bản: Con người là một động vật tâm thần chung thân nhu cầu sự trìu mến.
(Tâm phân học)

No comments:

Post a Comment