Tuesday 29 November 2011

Trên giá sách (4)





Bạn này mà vào đây sẽ thấy là mình yêu bạn ấy thế nào.

Thế mà bạn ấy quảng cáo sách mới ra của bạn ấy từ mấy tuần nay, mà cho đến giờ vẫn chưa thấy ở hiệu sách. Quyển này.

Mặt trái của chuyển giao công nghệ (1)

Cầu Thăng Long

Bạn có thể thắc mắc làm sao chuyển giao công nghệ nơi chỉ có điều tốt lại có thể có mặt trái. Bạn trách tôi lẩm cẩm, nhầm lẫn lung tung, bạn nghi tôi tạo scandal cho giật gân nhằm câu page view. Nhưng blog này tôi lập chỉ để ghi lại những suy nghĩ bất chợt nảy ra trong đầu và hầu như chẳng quảng bá mời mọc ai nên mục đích page view không đặt ra. Nhưng "giật tít" khác thường cũng nhằm gây chú ý mặc dù ("tít" không phải không có lý.

Thuật ngữ chuyển giao công nghệ (technology transfer) xuất hiện ở Việt Nam khoảng đầu những năm 1990, trong trường hợp Việt Nam bắt đầu là các tổ chức, công ty (gọi chung là pháp nhân) có yếu tố nước ngoài (liên doanh hay 100% vốn, loại hình 100% vốn này đầu những năm 1990 thì chưa được phép) đưa vào những công nghệ có thể là mới ở Việt Nam vì trước nay chưa từng có nhưng ở nước ngoài đã áp dụng từ mấy chục năm nay rồi, dần dần những công nghệ này được áp dụng rộng rãi tại các tổ chức, doanh nghiệp hoàn toàn Việt Nam, quá trình chuyển giao công nghệ được hoàn tất, khi người Việt Nam làm chủ tất cả các khâu của công nghệ mới.

Một ví dụ đầu tiên của chuyển giao công nghệ này là việc xây dựng cầu.Thăng Long. Khởi đầu, đây là dự án do Trung Quốc tài trợ (chắc là viện trợ không hoàn lại - grant), thiết kế của Trung Quốc, và chắc là do chuyên gia Trung Quốc giám sát, thực hiện thi công. Bắt đầu từ đầu những năm 1970 nhưng cho đến cuối những năm 1970 khi quan hệ Việt Nam - Trung Hoa xấu đi, dẫn đến việc Trung Quốc ngưng viện trợ và rút chuyên gia về nước đế đến đầu năm 1979 tấn công toàn diện trên tuyến biên giới phía bắc Việt Nam (cuộc chiến mà Trung Quốc gọi là "dạy cho Việt Nam một bài học" chỉ kéo dài hơn 1 tháng và phải rút quân trên toàn tuyến sau nhiều thiệt hại về người, nhưng xung đột và căng thẳng kéo dài đến hơn 10 năm sau Việt Nam - Trung Quốc mới bình thường hóa quan hệ.), thì dự án vẫn chưa hoàn tất. Liên Xô tiếp quản dự án với một số thay đổi về thiết kế, nhưng đến tháng 5.1985 (tức là trải qua chừng 15 năm kể từ khi dự án được hình thành) cầu mới được khánh thành (xem hình ở trên).

Có lẽ quá trình thực hiện dự án lâu như vậy đã giúp việc chuyển giao công nghệ được hoàn thành, bởi gần cuối giai đoạn hoàn thành cầu Thăng Long, Việt Nam khởi công xây dựng cầu Chương Dương cũng bắc qua sông Hồng, nhưng chỉ sau 1 năm 9 tháng là khánh thành (xem hình dưới đây), chỉ sau khi khánh thành cầu Thăng Long chừng một tháng. Nghe nói, số sắt thép, xi-măng để xây cầu Chương Dương có được là do "rút ruột" (dùng từ ngày nay cho nó hợp thời) từ dự án xây cầu Thăng Long (vì thế, có lý do để dự án cầu Thăng Long có thể kéo dài dường như bất tận như vậy). Cũng nghe nói, khi cầu Thăng Long khánh thành, về phía Việt Nam cấp cao nhất là Phó Thủ tướng dự, trong khi với cầu Chương Dương sau đó một tháng thì Thủ tướng Chính phủ (ông Đỗ Mười thì phải, hồi ấy theo mô hình Liên Xô gọi là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng) đến khánh thành. Hình như vì những lý do đó mà phía bạn Liên Xô có vẻ không khoái ông bạn Việt Nam lắm.


Cầu Chương Dương

Như vậy, từ khi cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội là cây cầu Doumer (đặt theo tên của viên Toàn quyền Pháp thời ấy, nay vẫn gọi là cầu Long Biên) vào đầu thế kỷ 20 thì đến những năm 1980 cuối thế kỷ, có thêm hai cây cầu bắc qua sông Hồng tại Hà Nội.

Cầu Long Biên (Doumer)

Và chỉ vài năm nay lại có thêm hai cây cầu Thanh Trì cầu Vĩnh Tuy, và cầu Nhật Tân đang được xây dựng, bắc qua sông Hồng ở khu vực Hà Nội.

Cầu Vĩnh Tuy

Xuôi về hạ lưu là cầu vượt sông Hồng nối hai tỉnh Nam Định - Thái Bình đưa vào sử dụng từ mấy năm nay, ngược lên phía bắc gần đây có cầu Phú Thọ. Rồi cầu Bãi Cháy ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, vào miền Trung có những cây cầu mới xây ở Quảng Bình (Quán Hàu), qua sông Hương ở Huế, ngang sông Hàn, Đà Nẵng (cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước và sắp tới là cầu Rồng và cầu Nguyễn Văn Trỗi - Nguyễn Thị Lý), Thị Nại (Bình Định), vùng đồng bằng sông Cửu Long là cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ.

Cuộc chuyển giao công nghệ xây cầu ở Việt Nam có thể nói là đã hoàn tất. Việt Nam đã có nhiều cây cầu đẹp, hòanh tráng, tuy nhiên, nhiều vùng như ảnh dưới đây người dân vẫn phải bò qua những "cây cầu" bằng que gác tạm hay học sinh vẫn phải đi đò, hoặc bơi qua nước lũ để đến trường. Đến bao giờ công nghệ xây cầu mới được chuyển giao đến đây?





Tuy nhiên, công nghệ xây cầu không phải là chủ đề chính của mà chỉ là mở đầu cho nhận định về mặt trái của chuyển giao công nghệ.

Vì entry đã khá dài, nên mời bạn đọc entry sau để xem mặt trái mà tôi muốn bàn là gì.
Enhanced by Zemanta

Sunday 20 November 2011

Lời con trẻ

Dưới đây là nguyên văn lời con trẻ, con trẻ thực vì người phát ngôn ra chúng mới 10 tuổi, còn đang học lớp 5 tiểu học:

 ‎* Bố cháu nổi tiếng hay cháu nổi tiếng hơn?
- Cái này phải hỏi đài truyền hình ạ.

* Cháu có nghĩ rằng cháu giỏi hơn bố cháu?

- Bố cháu làm việc ở lĩnh vực khác nên không thể so sánh được ạ.

* Cháu hãy giới thiệu về bố mẹ cháu?

- Bố mẹ cháu trải qua rất nhiều chuyện nên thôi để bố mẹ cháu tổng kết lại sau ạ.

* Cháu thích nhất quyển sách nào?

- Cháu đọc nhiều nhưng khổ nỗi không thích quyển sách nào nhất. Nhưng mà hiện tại thì 

cháu… cũng không thích nhất quyển nào.

* Tại sao là cuộc chiến với hành tinh Fantom mà không phải thám hiểm hay truy tìm kho


báu?


- Vì khó mà nghĩ ra lý do cho việc đi thám hiểm hay là đi kiếm kho báu.

Cầu cho các đại biểu quốc hội phát biểu ở nghị trường cũng có cái thông minh dí dỏm  của cháu bé 10 tuổi này.

TRẦN HUY LIỆU

Trước nay cứ thắc mắc về nhân vật này, làm sao từ một chính trị gia lẫy lừng lại kết thúc sự nghiệp làm nhà sử học, cũng như trường hợp Trần Văn Giàu. Trần Văn Giàu sẽ phải biết ơn cuộc chiến thắng 30.4.1975 nhờ đó những người biết đến ông ở miền Nam đã đưa ông trở lại công chúng, chứ ở miền Bắc XHCN trước ngày 30.4 chẳng ai biết đến Trần Văn Giàu, trừ giới dạy và học Sử, tên tuổi những Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyễn Giáp đến Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị át hết tất cả. Chỉ sau năm 1975, những người trẻ tuổi ở miền Bắc mới biết đến một Trần Văn Giàu có vai trò quan trọng ở miền Nam những ngày tháng 8.1945. Như vậy, ông đã sống để được thấy ngày có người nhớ đến mình, mà không chỉ thế, còn sống thọ đến 100 tuổi vượt qua hầu hết các đối thủ chính trị khác để tiếng nói của ông trong Hồi ký được là tiếng nói sau cùng.

Về Trần Huy Liệu, tôi cũng có quá ít tư liệu, chỉ đoán một vài lý do: là đảng viên Quốc dân đảng trước khi là đảng viên cộng sản, có vấn đề trong vụ tước ấn kiếm, chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại, ngoài ra không có tư liệu gì thêm, vì thế thông tin mới đây tìm thấy trên mạng đã bổ khuyết rất nhiều cho thắc mắc đó.

http://www.viet-studies.info/TranHuyLieu_TranChien.htm

Nhớ một thời chưa xa

Mấy hôm trước gặp bạn cũ, (bạn làm nghề dạy học, bỏ dạy theo chồng đang làm tiến sĩ ở nước ngoài để buôn bán kiếm ít vốn vừa đủ xây được cái nhà, xây nhà xong hết tiền lại quay về nghề dạy học nhưng không còn biên chế nên chỉ dạy hợp đồng + ở trường bán công), bạn nói đọc trên mạng thấy có thầy cô nhận quà mừng (hiểu ngầm là nhân ngày 20.11) mua được chiếc xe (máy - LX125, trị giá tối thiểu cũng 61 triệu đồng), mình buột miệng "nhiều thế ư?". Bạn cười, bảo sao mà mình dễ tin, và nói thêm, khi kể điều này với ai thì phản ứng cũng là câu giống mình "nhiều thế ư."

Đột nhiên, ký ức về những ngày đi dạy lại hiện về. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được "phân công công tác" (đúng từ dùng thời đó chứ không phải đi xin việc như các bạn trẻ bây giờ) ở một trường cao đẳng sư phạm. Trong hệ thống giáo dục sau phổ thông (higher education) của nước nhà, hệ chính quy của các trường đại học áp dụng chương trình đào tạo 4-5-6 năm (sư phạm + tổng hợp v.v. 4 năm, ngoại ngữ + bách khoa v.v. 5 năm, còn y khoa 6 năm), trong khi hệ chính quy của các trường cao đẳng áp dụng chương trình đào tạo 3 năm (Những năm về sau, một số học sinh của tôi sau khi tốt nghiêp cao đẳng lựa chọn học tiếp 2 năm tại một trường đại học cùng ngành nghề ở một thành phố khác và có bằng đại học, một hình thức khá phổ biến ngày nay được gọi là "liên thông"). Học sinh học cao đẳng sư phạm không gọi là sinh viên, (đã lâu quá nên quên họ được gọi là gì, hình như là "giáo sinh"), sau khi ra trường sẽ giảng dạy ở các trường phổ thông cấp 2 - tương đương các trường trung học cơ sở hiện nay - trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm thì giảng dạy ở các trường phổ thông cấp 3 - tương đương trung học phổ thông hiện nay - hoặc các trường cao đẳng, kể cả ở lại trường làm "cán bộ giảng dạy" - đúng theo nghĩa "cơm chấm cơm" - vừa mới học ở trường ra quay lại dạy chính sinh viên trong trường, những người mà mới mùa hè năm trước họ đã cùng chen nhau trong nhà ăn sinh viên. Thời ấy, hầu như các tỉnh đều có các trường cao đẳng sư phạm đào tạo giáo viên cấp 2 cho tỉnh, nhưng cũng có tỉnh không có nên học sinh của các tỉnh này phải theo học ở các trường gần nhất trong khu vực, ngày nay hầu như mọi trường cao đẳng sư phạm ngày ấy đều lần lượt được nâng cấp lên đại học (chỉ điểm mặt 2 trường lớn là Đại học Hà Nội và Đại học Sài Gòn), chỉ còn số ít trường vì chưa chạy được nên vẫn còn phải đeo tên cao đẳng, còn các trường trung cấp, dạy nghề (hệ 2 năm) thì dần dần được đôn lên thành cao đẳng.

Bọn mình, tức là mình và một số đồng nghiệp cùng lứa, cùng về trường công tác trước nhau 1-2 năm, vẫn thường gọi đùa trường cao đẳng sư phạm là trường phổ thông cấp 4. Bởi vì vừa thoát thân khỏi trường đại học, nên phong cách đại học vẫn còn tươi mới trên người, bọn mình thấy nhiều thứ ở trường cao đẳng không giống ai - tức là khá xa lạ so với ở trường đại học, ví dụ như buổi sáng chào cờ đầu tuần toàn trường (ở đại học khó mà có một buổi tập trung toàn khoa, may lắm thì cả năm học có một vài buổi tập trung toàn khối, tức các lớp cùng một năm học và ngành học, ở đại học cũng không có buổi khai trường vì năm học mới bắt đầu vào các ngày khác nhau với các khoa và khối khác nhau, thay vào đó chỉ có ngày tiếp nhận sinh viên năm thứ nhất), và chế độ giáo viên chủ nhiệm ở trường cao đẳng phải lo mọi thứ cho giáo sinh trong khi ở đại học giáo viên chủ nhiệm chỉ là hình thức, sinh viên hầu như tự quản và tự chịu trách nhiệm về mọi hành động. Chỉ tạm liệt kê hai lý do mà bọn mình goi trường cao đẳng sư phạm hồi ấy là phổ thông cấp 4. Còn một điều nữa, hồi đó điểm xét tuyển - mà bây giờ gọi là đầu vào - khá là thấp, ở đại học có khi chỉ 13,14 đến 15, 16 điểm tùy theo khối, nên hệ cao đẳng, ít nhất như ở trường mình dạy, điểm xét tuyển có năm chỉ 10, và thậm chí còn hạ xuống 9 điểm (cho 3 môn) nên có tình trạng có học sinh nhập trường với mức kiến thức, kể cả kiến thúc chung, rất thấp. Hy vọng là mọi chuyện đã được cải thiện và tình trạng này không còn.

Viết những điều ở trên để các bạn làm quen với tình hình của cái thời chưa xa (hay đúng ra là đã quá xa) đó. Nhưng hôm nay nhân ngày nhà giáo, vậy chỉ giới hạn entry này về suy nghĩ của mình về nghề giáo.

Nói thật, mình rất tôn trọng thầy, cô giáo, những người đã dạy mình từ các cấp học 1, 2, 3 (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ngày nay) và đại học tuy thực ra ở đại học có thầy mình rất phục, nhưng cũng có thầy, cô thì mình chẳng học được gì, mà đành phát huy phương châm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Ở trường đại học điều chủ yếu là dạy và học phương pháp, vì thế không học được ở thầy, cô thì mình đành phải tự lực mà học lấy và tự học đã trở thành phương châm của mình từ ấy đến nay.

Tuy nhiên, khi bản thân bước vào nghề giáo, thì mình quan niệm nghề giáo chỉ là một nghề như mọi nghề khác, tức là cũng cần thiết, cũng có ích, nhưng không hẳn là cao quý hơn các nghề khác. Mình không dám nhận là người kỹ sư tâm hồn, mà chỉ là người đi trước, có thể được trang bị một chút kiến thức, nay truyền lại kiến thức đó cho người học. Vì quan niệm như thế, mình chỉ đảm nhận công việc dạy chữ, còn không dám nhận chức trách dạy người. Với học sinh, mình tôn trọng như những người trưởng thành có trách nhiệm, nên không bao giờ tự nhận là thày của ai, mà chỉ chọn cách xưng hô "tôi - các anh/chị". Tôi nghĩ đây là cách xưng hô tôn trọng đối với những người mà tôi lên lớp, tôi cũng không bằng vai phải lứa hay cùng chí hướng để gọi họ là "các đồng chí" (như một vài cô giáo ở đại học gọi chúng tôi) hoặc "các bạn".

Theo lệ đến ngày 20.11, nhà trường thường tổ chức tập trung toàn trường để nói về ý nghĩa của ngày nhà giáo, của nghề giáo, và tuyên dương các thày cô giáo, sau đó các lớp sẽ làm công việc tương tự ở phòng học nơi các giáo viên được chia về tham dự với từng lớp. Tôi thường chọn cách là không tham dự cả hai hoạt động, vì tôi không muốn ngồi trên hàng ghế phía trước của buổi tập trung toàn trường hoặc tham dự cùng những lớp mà tôi dạy để nghe người ta ca tụng công ơn mình, một kiểu tế sống mà tôi không bao giờ dám nhận. Trong những ngày ấy, học sinh muốn chúc mừng tôi mà không được, họ tìm đến căn phòng tập thể thì may ra gặp tôi ở đó, thày trò ngồi nói chuyện ít phút, rồi tôi nhận quà, thường là những quyển sổ tay làm thủ công có bán tại các hàng tạo hóa, hoặc cây bút bi. Buổi tối có thể có liên hoan/hội diễn văn nghệ, vốn kém khoản hát hò tôi thường không lên sân khấu biểu diễn cùng đồng nghiệp tuy trước đó phải tham dự các buổi tập hát rất đều đặn (giống hệt một chuyện vui tiếng Anh khi cha xứ khen một con chiên tham gia đều đặn các buổi tập của dàn đồng ca, thì vị con chiên kia xin cha thứ lỗi mà rằng vì bưa dàn đồng ca biểu diễn thì vị đó không thể có mặt). Rồi sau đó thì mọi chuyện trở lại bình thường như trước ngày 20.11.

Hè vừa rồi đưa gia đình đến thăm thành phố nơi có trường cao đẳng mà tôi đã từng dạy năm xưa cũng muốn để người thân trong nhà biết trường cũ ngày xưa tôi dạy như thế nào, và muốn thăm lại mấy căn phòng tập thể tôi đã từng ở. Nhưng thành phố thì đẹp lên với nhiều công trình, nhà hàng khách sạn mới, trường cũ cũng có một số thay đổi nhưng quan trọng nhất là những căn phòng tập thể tôi đã từng sống thì đã không còn, trong số đồng nghiệp ngày xưa thì cũng chỉ còn gặp lại 4 - 5 người, lại nghe nói nhiều đồng nghiệp cũ tuy tuổi chưa cao mà đã mất. Đúng là cái tinh thần xưa đã không còn nữa, lại nghe tin trường sẽ phải chuyển dời địa điểm để nhường chỗ cho khách sạn, nhà hàng, nếu một vài năm nữa quay trở lại chắc là chẳng còn gì thân thuộc, chỉ thấy buồn thêm.

Thursday 17 November 2011

Bảng phong thần

Hết nghị IQ Trần Tiến Cảnh năm ngoái phát biểu về đường sắt cao tốc, năm nay bảng phong thần có vẻ được mùa với nghị lạm phát rau muống Đỗ Văn Đương, nghị luật nhà thơ chữa hôi nách hẹp bao quy đầu Nguyễn Minh Hồng, đến mới nhất là nghị chống biểu tình Hoàng Hữu Phước.


Chỉ biết dùng ngôn ngữ hậu hiện đại thời nay là "vãi".

Monday 14 November 2011

World7Cities

Bernard Weber, nhà sáng lập New7Wonders, khi công bố kết quả tạm thời việc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, đã thừa thắng trước thắng lợi của đợt bình chọn vừa rồi, xốc tới công bố việc bình chọn 7 thành phố của thế giới.

Phát huy thành tích, và bài học kinh nghiệm của đợt bầu chọn Vịnh Hạ Long vừa qua, bất chấp các ý kiến trái chiều có thể có, thiết nghĩ các cấp của Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch và hành động để bình chọn các thành phố của Việt Nam có tên trong danh sách này.

Trước hết, là việc phải lựa chọn danh sách (tốt nhất là nhiều hơn 7, để trong bình chọn được bầu cả 7 thì tốt, bằng không cũng phải được 3,4 lọt vào danh sách được bình bầu). Tôi mạo muội đề cử danh sách gồm mấy thành phố sau:

1. Thủ đô Hà Nội: 1,100 năm tuổi (trên thế giới hiếm có thành phố nào hơn 1000 năm tuổi), có bề dày lịch sử, văn hóa, là thủ đô có diện tích tầm cỡ lớn nhất trên thế giới sắp tới được thể chế hóa bằng Luật Thủ đô, là thành phố vì hòa bình (City for Peace).

2. Thành phố Hồ Chí Minh: hơn 310 năm tuổi. Là trung tâm kinh tế của Việt Nam, từng được tôn vinh là Hòn ngọc của Viễn Đông, có nhiều công trình tầm cỡ khu vực và thế giới (hầm Thủ Thiêm, v.v. sẽ bổ sung thêm cho đầy đủ khi làm hồ sơ).

3. Huế: Kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam. Di sản văn hóa UNESCO.

4. Hội An: Di sản văn hóa UNESCO.

5. Điện Biên: Gắn với chiến tích Vang dội năm châu Chấn động địa cầu.


6. Cần Thơ: Thủ đô của miền Tây Nam bộ. Có cầu Cần Thơ tầm cỡ khu vực.

7. Thanh Hóa: Gốc tích của mấy triều đại quân chủ và dòng dõi tại Việt Nam.

Mời các bạn bổ sung thêm.

Tiếp đó, cần mời Bernard Weber sang thăm Việt Nam, tiến hành việc đăng ký tham gia, và cuối cùng là huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động, cổ động, động viên, kể cả các sáng kiến khác (coercion: đe dọa đuổi việc, phạt danh hiệu thi đua, trừ lương v.v.) nhằm làm cho cuộc bầu chọn này mang lại thắng lợi trọn vẹn cho Việt Nam để một lần nữa nâng cao vị thế đất nước và góp phần phát triển kinh tế, giảm nguy cơ lạm phát, suy thoái, mau chóng đưa Việt Nam thoát nghèo.

Sunday 13 November 2011

Lẩn thẩn

Lẩn thẩn vì không có gì để viết, không tập trung vào một nội dung, vào một sự kiện, sự việc cá biệt nào, mà chỉ ghi lại những suy nghĩ về một số sự việc tai nghe, mắt đọc được.

1. Quốc hội đang tranh cãi các dự án luật, trong đó thấy đưa tin về tranh cãi liên quan đến bảo hiểm tiền gửi ngân hàng. Có vẻ như các vị đại biểu của ai này tranh cãi mà không hiểu là mình nói chuyện về vấn đề gì nữa. Nguyên tắc mà các vị này đưa ra cho việc không bảo hiểm tiền gửi đối với tài khoản tiết kiệm bằng ngoại tệ, hay vàng, là nhà nước (CHXHCN) Việt Nam không thể bảo hiểm/bảo đảm cho đồng tiền không phải của nước mình, thế còn vàng, có lẽ cũng vì cùng một lý do vì từ trước đến nay chỉ nghe nói Việt Nam nhập vàng chứ chưa nghe Việt Nam khai khoáng vàng như thế nào.

Sở dĩ nói các vị này tranh cãi về vấn đề mà mình không hiểu biết là vì ở đây không đặt ra vấn đề Việt Nam có quản lý được sức khỏe đồng ngoại tệ hay thị trường vàng thế giới hay không, mà đây chỉ là vấn đề bản chất của bảo hiểm - bảo hiểm nhằm bảo vệ người mua bảo hiểm trước rủi ro, vậy nếu ngân hàng chấp nhận nhận tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ hoặc bằng vàng thì phải chấp nhận bảo hiểm cho người gửi cho những tài khoản tiết kiệm này trong trường hợp ngân hàng vỡ nợ, chứ không phải là bảo hiểm cho đồng ngoại tệ hay vàng khi nền kinh tế của các nước phát hành ngoại tệ bị vỡ nợ hoặc thị trường vàng trên thế giới đổ vỡ. Bằng không, nếu ngân hàng không nhận bảo hiểm thì ngân hàng hãy loại ngoại tệ và vàng ra khỏi danh mục sản phẩm tiết kiệm của mình, như thế mới công bằng.

Ngoài ra, hạn mức bảo hiểm, ở mức 30 triệu đồng cũng là một điều nực cười. Hãy tưởng tượng số đông khách hàng không chỉ gửi tiết kiệm ở mức 30 hoặc 50 triệu đồng mà là hàng trăm triệu cho đến cả tỷ đồng, một khi rủi ro xảy ra, họ chỉ được chi trả bảo hiểm mức 30 triệu cho hàng trăm triệu hoặc mấy tỷ đồng, tức là thực tế chẳng được bảo hiểm gì cả, mà chỉ là một sự đền bù chiếu lệ nhằm an ủi, vậy đặt ra bảo hiểm tiền gửi để làm gì khi thực chất nó không còn là bảo hiểm tiền gửi nữa. (Hãy so sánh bảo hiểm nhân thọ, một khách hàng có thể trả mấy triệu đồng/năm phí bảo hiểm (premium) nhưng khi rủi ro xảy đến cho khách hàng đó thì bản thân khách hàng hoặc gia đình sẽ nhận được khoản tiền đền bù lên đến hàng trăm triệu, hoặc có thể cả tỷ đồng).

2. Sự suy tàn của ngôn ngữ Việt hiện đại:

+ Ở đây không bàn đến chuyện việc liện quan đến chuyện phát hành sách Sát thủ đầu mưng mủ (mà tôi đã xem trên mạng) hoặc việc thu hồi và phạt hành chính đối với việc phát hành cuốn truyện của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Có thể thấy sự suy tàn này hiện diện nhan nhản trong đời sống thường nhật hiện nay, một ví dụ mới nhất là khi bình luận về một trận đấu quần vợt (tennis) bình luận viên của đài truyền hình khi thấy ống kính truyền hình hướng về phía một số khán giả nào đó, đã nói các bạn có thể thấy XYZ, phu nhân của (cây vợt) ABC đang ngồi trên khán đài. Lạy trời, sao mà ngày nay những từ như phu nhân, phu quân, hay ngài lại hay được dùng đến như vậy trong phim ảnh, báo chí, truyền hình.

+ Một ví dụ khác là việc sử dụng từ nhà đầu tư, không phải có ý coi thường nhưng đúng ra họ là những nhà đầu cơ, hoặc con buôn, (nghĩa tương đương như chữ con phe, xuất phát từ chữ affaire, thịnh hành ở miền Bắc XHCN những năm trước 1975 và ở cả nước từ sau 1975 đến đầu 1990 khi chế độ mua hàng bằng tem phiếu được áp dụng, con phe là những người mua bán lại tem phiếu, hoặc mua bán lại những mặt hàng bán theo tem phiếu, hoặc trên thị trường không tem phiếu nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt lớn của thị trường mà nền thương nghiệp XHCN không thể đáp ứng được: Con phe sục khắp ga tàu bến cảng - Nguyễn Trọng Tạo). Ngày nay cứ xem các bản tin kinh tế trên truyền hình thì các nhà buôn chứng khoán, và bất động sản đều được gọi bằng từ cao đẹp là nhà đầu tư, trong khi theo đúng nghĩa nhà đầu tư (investor) nên được dùng để chỉ người bỏ tiền, nguồn lực tài chính để thực hiện một dự án đầu tư (investment project) nào đó, ví dụ phát triển đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay v.v. về thực chất là những nhà tư bản. Những người buôn bán kể cả đầu cơ cổ phiếu, và bất động sản thì không phải là nhà đầu tư vì họ thực chất không đầu tư gì cả mà chỉ làm việc buôn bán, kể cả đầu cơ, kiếm lời.

Tuesday 8 November 2011

DOCTOROW - VƯƠNG HỒNG SỂN - NABOKOV

Có sự liên quan gì giữa E.L. Doctorow, Vương Hồng Sển, và V. Nabokov? Thực tế danh sách này có thể còn dài hơn một chút chút nữa (như S. Bellow, G. Grass, N. Kazantzakis, J. Updike...)?

Câu trả lời khách quan là không?

Nhưng có bạn, tôi không nhớ là bạn này hay bạn này, vì tôi chưa tìm lại được URL chính xác khi có sẽ bổ sung ngay, có viết thắc mắc, đại ý là văn chương Mỹ ít được dịch tại Việt Nam trước 1975, cho dù ở miền Bắc hay miền Nam, và chê một số nhà văn Mỹ được dịch nhiều, ví dụ như O. Henry, là tầm thường, đồng thời ca ngợi các nhà văn như Bellow, Doctorow là tài năng (nhưng lại hầu như không được dịch ở Việt Nam). Nabokov cũng trong dòng ấy, như vậy là bạn thấy sự liên hệ, dù là gián tiếp, giữa Doctorow và Nabokov ở đây rồi. Tôi sẽ viết thêm về liên hệ Doctorow-Nabokov ở dưới đây.

Còn cụ Vương?

Số là ngoài thú chơi cổ ngoạn (từ của cụ), cụ còn mê sách, và tôi đọc được ở cụ về tình yêu đối với sách như với người bạn cũ, không bao giờ thay đổi. Sẽ nói thêm về cụ Vương ở dưới.

Vậy là tôi đã đọc xong quyển RAGTIME, của Doctorow, người mà bác kia đánh giá cao, là quyển tôi có trên giá sách ít ra từ 14-15 năm nay từ một người bạn Mỹ, mà nay sau mấy tháng kiên trì tôi đã đọc xong.


Văn phong của Doctorow thật giản dị, đúng ra ông không làm văn, không dùng nhiều tính từ (adjectives) hay trạng từ (adverbs), dùng nhiều động từ (verbs) và kể cả phân từ (participles). Nhiều câu tối giản. Như một sự mô tả, một người kể chuyện lạnh lùng (khá giống Nguyễn Huy Thiệp nhưng không có ẩn chứa sự chua cay của Thiệp mà chỉ làm người quan sát khách quan), mới đầu đọc khá là mệt vì cảm giác hơi đơn điệu, nhàn nhạt, nhất là những phát triển nhân vật thuộc từng tuyến riêng biệt (như về Houdini chẳng hạn) tạo cảm giác không ăn nhập với nhau. Nhưng càng đọc về sau càng thấy sự phát triển của các tuyến và có sự hội tụ đan xen lẫn nhau và người đọc hiểu qua cách viết của tác giả như sự việc tất yếu sẽ phải diễn ra như vậy, như ở phần gần cuối kể về những sự việc liên qua đến Coalhouse Walker.

Nhưng viết thêm nữa thì sẽ là thừa, bởi vì trên bìa 4 của sách này tôi đọc được:"It is a novel so original, so full of imagination and subtle pleasure, that to describe it further would only dilute  the pure joy of reading. Turn to the first page. Begin. You will never have read anything like Ragtime before. Nothing quite like it has ever been written before." Tôi chỉ muốn thêm: a must-read for those who wish to learn and understand America, especially in the beginning of the 20th century.

Còn mối liên hệ về cụ Vương và Nabokov? Như trên đã viết, tôi được một người bạn Mỹ gửi tặng Ragtime từ 14-15 năm nay và bây giờ tôi mới đọc. Ragtime như là một người bạn cũ nằm trên giá sách, mời mọc.

Sách của cụ Vương (Hơn nửa đời hư) tôi mua năm 1999 tại Sài Gòn và một quyển khác tôi mua trong chuyến về thăm thành phố quê hương (Sài Gòn Tạp pín lù) nhân dịp kỷ niệm 300 năm, thế mà Hơn nửa đời hư tôi cũng ngâm gần 12 năm nay và vừa mới đọc xong, thu lượm được nhiều chi tiết thú vị (Thời xưa khi tôi còn đi dạy, tôi cứ mua sách và để trên giá, coi là sách của mình đọc lúc nào cũng được, và tranh thủ đọc trước những quyển tôi không có mà phải đi mượn từ thư viện trường, thư viện tỉnh, hay từ bạn bè, vì thế có nhiều quyển để dành lâu thật lâu).

Nabokov, giống như bác này, tôi đã nhiều lần khởi sự đọc Lolita nhưng chưa lần nào đọc quá mấy chục trang đầu, bây giờ đã đọc xong cụ Vương (tất nhiên tôi còn thiếu nhiều quyển của cụ, và Ragtime, tôi dự định sẽ chinh phục Lolita.

NHÂN VẬT CỦA NĂM - 2011


Ứng viên cho Nhân vật của năm - 2011 lần này, cạnh tranh cùng bác Đỗ Văn Đương, là bác Nguyễn Minh Hồng, thi sĩ, hội viên Hội Nhà văn, bác sĩ (chữa hôi nách, hẹp bao quy đầu, hì, toàn bệnh khó nói), đại biểu quốc hội khóa 13 khi bác đề xuất sự cần thiết phải có luật Nhà thơ. Cư dân mạng đồng loạt truy tìm nhân thân của bác thì được biết nhiều chuyện thú vị, và đặt cho bác biệt danh là đại biểu làm nghề vuốt đuôi.