Mấy hôm trước gặp bạn cũ, (bạn làm nghề dạy học, bỏ dạy theo chồng đang làm tiến sĩ ở nước ngoài để buôn bán kiếm ít vốn vừa đủ xây được cái nhà, xây nhà xong hết tiền lại quay về nghề dạy học nhưng không còn biên chế nên chỉ dạy hợp đồng + ở trường bán công), bạn nói đọc trên mạng thấy có thầy cô nhận quà mừng (hiểu ngầm là nhân ngày 20.11) mua được chiếc xe (máy - LX125, trị giá tối thiểu cũng 61 triệu đồng), mình buột miệng "nhiều thế ư?". Bạn cười, bảo sao mà mình dễ tin, và nói thêm, khi kể điều này với ai thì phản ứng cũng là câu giống mình "nhiều thế ư."
Đột nhiên, ký ức về những ngày đi dạy lại hiện về. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được "phân công công tác" (đúng từ dùng thời đó chứ không phải đi xin việc như các bạn trẻ bây giờ) ở một trường cao đẳng sư phạm. Trong hệ thống giáo dục sau phổ thông (higher education) của nước nhà, hệ chính quy của các trường đại học áp dụng chương trình đào tạo 4-5-6 năm (sư phạm + tổng hợp v.v. 4 năm, ngoại ngữ + bách khoa v.v. 5 năm, còn y khoa 6 năm), trong khi hệ chính quy của các trường cao đẳng áp dụng chương trình đào tạo 3 năm (Những năm về sau, một số học sinh của tôi sau khi tốt nghiêp cao đẳng lựa chọn học tiếp 2 năm tại một trường đại học cùng ngành nghề ở một thành phố khác và có bằng đại học, một hình thức khá phổ biến ngày nay được gọi là "liên thông"). Học sinh học cao đẳng sư phạm không gọi là sinh viên, (đã lâu quá nên quên họ được gọi là gì, hình như là "giáo sinh"), sau khi ra trường sẽ giảng dạy ở các trường phổ thông cấp 2 - tương đương các trường trung học cơ sở hiện nay - trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm thì giảng dạy ở các trường phổ thông cấp 3 - tương đương trung học phổ thông hiện nay - hoặc các trường cao đẳng, kể cả ở lại trường làm "cán bộ giảng dạy" - đúng theo nghĩa "cơm chấm cơm" - vừa mới học ở trường ra quay lại dạy chính sinh viên trong trường, những người mà mới mùa hè năm trước họ đã cùng chen nhau trong nhà ăn sinh viên. Thời ấy, hầu như các tỉnh đều có các trường cao đẳng sư phạm đào tạo giáo viên cấp 2 cho tỉnh, nhưng cũng có tỉnh không có nên học sinh của các tỉnh này phải theo học ở các trường gần nhất trong khu vực, ngày nay hầu như mọi trường cao đẳng sư phạm ngày ấy đều lần lượt được nâng cấp lên đại học (chỉ điểm mặt 2 trường lớn là Đại học Hà Nội và Đại học Sài Gòn), chỉ còn số ít trường vì chưa chạy được nên vẫn còn phải đeo tên cao đẳng, còn các trường trung cấp, dạy nghề (hệ 2 năm) thì dần dần được đôn lên thành cao đẳng.
Bọn mình, tức là mình và một số đồng nghiệp cùng lứa, cùng về trường công tác trước nhau 1-2 năm, vẫn thường gọi đùa trường cao đẳng sư phạm là trường phổ thông cấp 4. Bởi vì vừa thoát thân khỏi trường đại học, nên phong cách đại học vẫn còn tươi mới trên người, bọn mình thấy nhiều thứ ở trường cao đẳng không giống ai - tức là khá xa lạ so với ở trường đại học, ví dụ như buổi sáng chào cờ đầu tuần toàn trường (ở đại học khó mà có một buổi tập trung toàn khoa, may lắm thì cả năm học có một vài buổi tập trung toàn khối, tức các lớp cùng một năm học và ngành học, ở đại học cũng không có buổi khai trường vì năm học mới bắt đầu vào các ngày khác nhau với các khoa và khối khác nhau, thay vào đó chỉ có ngày tiếp nhận sinh viên năm thứ nhất), và chế độ giáo viên chủ nhiệm ở trường cao đẳng phải lo mọi thứ cho giáo sinh trong khi ở đại học giáo viên chủ nhiệm chỉ là hình thức, sinh viên hầu như tự quản và tự chịu trách nhiệm về mọi hành động. Chỉ tạm liệt kê hai lý do mà bọn mình goi trường cao đẳng sư phạm hồi ấy là phổ thông cấp 4. Còn một điều nữa, hồi đó điểm xét tuyển - mà bây giờ gọi là đầu vào - khá là thấp, ở đại học có khi chỉ 13,14 đến 15, 16 điểm tùy theo khối, nên hệ cao đẳng, ít nhất như ở trường mình dạy, điểm xét tuyển có năm chỉ 10, và thậm chí còn hạ xuống 9 điểm (cho 3 môn) nên có tình trạng có học sinh nhập trường với mức kiến thức, kể cả kiến thúc chung, rất thấp. Hy vọng là mọi chuyện đã được cải thiện và tình trạng này không còn.
Viết những điều ở trên để các bạn làm quen với tình hình của cái thời chưa xa (hay đúng ra là đã quá xa) đó. Nhưng hôm nay nhân ngày nhà giáo, vậy chỉ giới hạn entry này về suy nghĩ của mình về nghề giáo.
Nói thật, mình rất tôn trọng thầy, cô giáo, những người đã dạy mình từ các cấp học 1, 2, 3 (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ngày nay) và đại học tuy thực ra ở đại học có thầy mình rất phục, nhưng cũng có thầy, cô thì mình chẳng học được gì, mà đành phát huy phương châm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Ở trường đại học điều chủ yếu là dạy và học phương pháp, vì thế không học được ở thầy, cô thì mình đành phải tự lực mà học lấy và tự học đã trở thành phương châm của mình từ ấy đến nay.
Tuy nhiên, khi bản thân bước vào nghề giáo, thì mình quan niệm nghề giáo chỉ là một nghề như mọi nghề khác, tức là cũng cần thiết, cũng có ích, nhưng không hẳn là cao quý hơn các nghề khác. Mình không dám nhận là người kỹ sư tâm hồn, mà chỉ là người đi trước, có thể được trang bị một chút kiến thức, nay truyền lại kiến thức đó cho người học. Vì quan niệm như thế, mình chỉ đảm nhận công việc dạy chữ, còn không dám nhận chức trách dạy người. Với học sinh, mình tôn trọng như những người trưởng thành có trách nhiệm, nên không bao giờ tự nhận là thày của ai, mà chỉ chọn cách xưng hô "tôi - các anh/chị". Tôi nghĩ đây là cách xưng hô tôn trọng đối với những người mà tôi lên lớp, tôi cũng không bằng vai phải lứa hay cùng chí hướng để gọi họ là "các đồng chí" (như một vài cô giáo ở đại học gọi chúng tôi) hoặc "các bạn".
Theo lệ đến ngày 20.11, nhà trường thường tổ chức tập trung toàn trường để nói về ý nghĩa của ngày nhà giáo, của nghề giáo, và tuyên dương các thày cô giáo, sau đó các lớp sẽ làm công việc tương tự ở phòng học nơi các giáo viên được chia về tham dự với từng lớp. Tôi thường chọn cách là không tham dự cả hai hoạt động, vì tôi không muốn ngồi trên hàng ghế phía trước của buổi tập trung toàn trường hoặc tham dự cùng những lớp mà tôi dạy để nghe người ta ca tụng công ơn mình, một kiểu tế sống mà tôi không bao giờ dám nhận. Trong những ngày ấy, học sinh muốn chúc mừng tôi mà không được, họ tìm đến căn phòng tập thể thì may ra gặp tôi ở đó, thày trò ngồi nói chuyện ít phút, rồi tôi nhận quà, thường là những quyển sổ tay làm thủ công có bán tại các hàng tạo hóa, hoặc cây bút bi. Buổi tối có thể có liên hoan/hội diễn văn nghệ, vốn kém khoản hát hò tôi thường không lên sân khấu biểu diễn cùng đồng nghiệp tuy trước đó phải tham dự các buổi tập hát rất đều đặn (giống hệt một chuyện vui tiếng Anh khi cha xứ khen một con chiên tham gia đều đặn các buổi tập của dàn đồng ca, thì vị con chiên kia xin cha thứ lỗi mà rằng vì bưa dàn đồng ca biểu diễn thì vị đó không thể có mặt). Rồi sau đó thì mọi chuyện trở lại bình thường như trước ngày 20.11.
Hè vừa rồi đưa gia đình đến thăm thành phố nơi có trường cao đẳng mà tôi đã từng dạy năm xưa cũng muốn để người thân trong nhà biết trường cũ ngày xưa tôi dạy như thế nào, và muốn thăm lại mấy căn phòng tập thể tôi đã từng ở. Nhưng thành phố thì đẹp lên với nhiều công trình, nhà hàng khách sạn mới, trường cũ cũng có một số thay đổi nhưng quan trọng nhất là những căn phòng tập thể tôi đã từng sống thì đã không còn, trong số đồng nghiệp ngày xưa thì cũng chỉ còn gặp lại 4 - 5 người, lại nghe nói nhiều đồng nghiệp cũ tuy tuổi chưa cao mà đã mất. Đúng là cái tinh thần xưa đã không còn nữa, lại nghe tin trường sẽ phải chuyển dời địa điểm để nhường chỗ cho khách sạn, nhà hàng, nếu một vài năm nữa quay trở lại chắc là chẳng còn gì thân thuộc, chỉ thấy buồn thêm.
No comments:
Post a Comment