Tuesday 29 November 2011

Mặt trái của chuyển giao công nghệ (1)

Cầu Thăng Long

Bạn có thể thắc mắc làm sao chuyển giao công nghệ nơi chỉ có điều tốt lại có thể có mặt trái. Bạn trách tôi lẩm cẩm, nhầm lẫn lung tung, bạn nghi tôi tạo scandal cho giật gân nhằm câu page view. Nhưng blog này tôi lập chỉ để ghi lại những suy nghĩ bất chợt nảy ra trong đầu và hầu như chẳng quảng bá mời mọc ai nên mục đích page view không đặt ra. Nhưng "giật tít" khác thường cũng nhằm gây chú ý mặc dù ("tít" không phải không có lý.

Thuật ngữ chuyển giao công nghệ (technology transfer) xuất hiện ở Việt Nam khoảng đầu những năm 1990, trong trường hợp Việt Nam bắt đầu là các tổ chức, công ty (gọi chung là pháp nhân) có yếu tố nước ngoài (liên doanh hay 100% vốn, loại hình 100% vốn này đầu những năm 1990 thì chưa được phép) đưa vào những công nghệ có thể là mới ở Việt Nam vì trước nay chưa từng có nhưng ở nước ngoài đã áp dụng từ mấy chục năm nay rồi, dần dần những công nghệ này được áp dụng rộng rãi tại các tổ chức, doanh nghiệp hoàn toàn Việt Nam, quá trình chuyển giao công nghệ được hoàn tất, khi người Việt Nam làm chủ tất cả các khâu của công nghệ mới.

Một ví dụ đầu tiên của chuyển giao công nghệ này là việc xây dựng cầu.Thăng Long. Khởi đầu, đây là dự án do Trung Quốc tài trợ (chắc là viện trợ không hoàn lại - grant), thiết kế của Trung Quốc, và chắc là do chuyên gia Trung Quốc giám sát, thực hiện thi công. Bắt đầu từ đầu những năm 1970 nhưng cho đến cuối những năm 1970 khi quan hệ Việt Nam - Trung Hoa xấu đi, dẫn đến việc Trung Quốc ngưng viện trợ và rút chuyên gia về nước đế đến đầu năm 1979 tấn công toàn diện trên tuyến biên giới phía bắc Việt Nam (cuộc chiến mà Trung Quốc gọi là "dạy cho Việt Nam một bài học" chỉ kéo dài hơn 1 tháng và phải rút quân trên toàn tuyến sau nhiều thiệt hại về người, nhưng xung đột và căng thẳng kéo dài đến hơn 10 năm sau Việt Nam - Trung Quốc mới bình thường hóa quan hệ.), thì dự án vẫn chưa hoàn tất. Liên Xô tiếp quản dự án với một số thay đổi về thiết kế, nhưng đến tháng 5.1985 (tức là trải qua chừng 15 năm kể từ khi dự án được hình thành) cầu mới được khánh thành (xem hình ở trên).

Có lẽ quá trình thực hiện dự án lâu như vậy đã giúp việc chuyển giao công nghệ được hoàn thành, bởi gần cuối giai đoạn hoàn thành cầu Thăng Long, Việt Nam khởi công xây dựng cầu Chương Dương cũng bắc qua sông Hồng, nhưng chỉ sau 1 năm 9 tháng là khánh thành (xem hình dưới đây), chỉ sau khi khánh thành cầu Thăng Long chừng một tháng. Nghe nói, số sắt thép, xi-măng để xây cầu Chương Dương có được là do "rút ruột" (dùng từ ngày nay cho nó hợp thời) từ dự án xây cầu Thăng Long (vì thế, có lý do để dự án cầu Thăng Long có thể kéo dài dường như bất tận như vậy). Cũng nghe nói, khi cầu Thăng Long khánh thành, về phía Việt Nam cấp cao nhất là Phó Thủ tướng dự, trong khi với cầu Chương Dương sau đó một tháng thì Thủ tướng Chính phủ (ông Đỗ Mười thì phải, hồi ấy theo mô hình Liên Xô gọi là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng) đến khánh thành. Hình như vì những lý do đó mà phía bạn Liên Xô có vẻ không khoái ông bạn Việt Nam lắm.


Cầu Chương Dương

Như vậy, từ khi cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội là cây cầu Doumer (đặt theo tên của viên Toàn quyền Pháp thời ấy, nay vẫn gọi là cầu Long Biên) vào đầu thế kỷ 20 thì đến những năm 1980 cuối thế kỷ, có thêm hai cây cầu bắc qua sông Hồng tại Hà Nội.

Cầu Long Biên (Doumer)

Và chỉ vài năm nay lại có thêm hai cây cầu Thanh Trì cầu Vĩnh Tuy, và cầu Nhật Tân đang được xây dựng, bắc qua sông Hồng ở khu vực Hà Nội.

Cầu Vĩnh Tuy

Xuôi về hạ lưu là cầu vượt sông Hồng nối hai tỉnh Nam Định - Thái Bình đưa vào sử dụng từ mấy năm nay, ngược lên phía bắc gần đây có cầu Phú Thọ. Rồi cầu Bãi Cháy ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, vào miền Trung có những cây cầu mới xây ở Quảng Bình (Quán Hàu), qua sông Hương ở Huế, ngang sông Hàn, Đà Nẵng (cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước và sắp tới là cầu Rồng và cầu Nguyễn Văn Trỗi - Nguyễn Thị Lý), Thị Nại (Bình Định), vùng đồng bằng sông Cửu Long là cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ.

Cuộc chuyển giao công nghệ xây cầu ở Việt Nam có thể nói là đã hoàn tất. Việt Nam đã có nhiều cây cầu đẹp, hòanh tráng, tuy nhiên, nhiều vùng như ảnh dưới đây người dân vẫn phải bò qua những "cây cầu" bằng que gác tạm hay học sinh vẫn phải đi đò, hoặc bơi qua nước lũ để đến trường. Đến bao giờ công nghệ xây cầu mới được chuyển giao đến đây?





Tuy nhiên, công nghệ xây cầu không phải là chủ đề chính của mà chỉ là mở đầu cho nhận định về mặt trái của chuyển giao công nghệ.

Vì entry đã khá dài, nên mời bạn đọc entry sau để xem mặt trái mà tôi muốn bàn là gì.
Enhanced by Zemanta

No comments:

Post a Comment