Tuesday 8 November 2011

DOCTOROW - VƯƠNG HỒNG SỂN - NABOKOV

Có sự liên quan gì giữa E.L. Doctorow, Vương Hồng Sển, và V. Nabokov? Thực tế danh sách này có thể còn dài hơn một chút chút nữa (như S. Bellow, G. Grass, N. Kazantzakis, J. Updike...)?

Câu trả lời khách quan là không?

Nhưng có bạn, tôi không nhớ là bạn này hay bạn này, vì tôi chưa tìm lại được URL chính xác khi có sẽ bổ sung ngay, có viết thắc mắc, đại ý là văn chương Mỹ ít được dịch tại Việt Nam trước 1975, cho dù ở miền Bắc hay miền Nam, và chê một số nhà văn Mỹ được dịch nhiều, ví dụ như O. Henry, là tầm thường, đồng thời ca ngợi các nhà văn như Bellow, Doctorow là tài năng (nhưng lại hầu như không được dịch ở Việt Nam). Nabokov cũng trong dòng ấy, như vậy là bạn thấy sự liên hệ, dù là gián tiếp, giữa Doctorow và Nabokov ở đây rồi. Tôi sẽ viết thêm về liên hệ Doctorow-Nabokov ở dưới đây.

Còn cụ Vương?

Số là ngoài thú chơi cổ ngoạn (từ của cụ), cụ còn mê sách, và tôi đọc được ở cụ về tình yêu đối với sách như với người bạn cũ, không bao giờ thay đổi. Sẽ nói thêm về cụ Vương ở dưới.

Vậy là tôi đã đọc xong quyển RAGTIME, của Doctorow, người mà bác kia đánh giá cao, là quyển tôi có trên giá sách ít ra từ 14-15 năm nay từ một người bạn Mỹ, mà nay sau mấy tháng kiên trì tôi đã đọc xong.


Văn phong của Doctorow thật giản dị, đúng ra ông không làm văn, không dùng nhiều tính từ (adjectives) hay trạng từ (adverbs), dùng nhiều động từ (verbs) và kể cả phân từ (participles). Nhiều câu tối giản. Như một sự mô tả, một người kể chuyện lạnh lùng (khá giống Nguyễn Huy Thiệp nhưng không có ẩn chứa sự chua cay của Thiệp mà chỉ làm người quan sát khách quan), mới đầu đọc khá là mệt vì cảm giác hơi đơn điệu, nhàn nhạt, nhất là những phát triển nhân vật thuộc từng tuyến riêng biệt (như về Houdini chẳng hạn) tạo cảm giác không ăn nhập với nhau. Nhưng càng đọc về sau càng thấy sự phát triển của các tuyến và có sự hội tụ đan xen lẫn nhau và người đọc hiểu qua cách viết của tác giả như sự việc tất yếu sẽ phải diễn ra như vậy, như ở phần gần cuối kể về những sự việc liên qua đến Coalhouse Walker.

Nhưng viết thêm nữa thì sẽ là thừa, bởi vì trên bìa 4 của sách này tôi đọc được:"It is a novel so original, so full of imagination and subtle pleasure, that to describe it further would only dilute  the pure joy of reading. Turn to the first page. Begin. You will never have read anything like Ragtime before. Nothing quite like it has ever been written before." Tôi chỉ muốn thêm: a must-read for those who wish to learn and understand America, especially in the beginning of the 20th century.

Còn mối liên hệ về cụ Vương và Nabokov? Như trên đã viết, tôi được một người bạn Mỹ gửi tặng Ragtime từ 14-15 năm nay và bây giờ tôi mới đọc. Ragtime như là một người bạn cũ nằm trên giá sách, mời mọc.

Sách của cụ Vương (Hơn nửa đời hư) tôi mua năm 1999 tại Sài Gòn và một quyển khác tôi mua trong chuyến về thăm thành phố quê hương (Sài Gòn Tạp pín lù) nhân dịp kỷ niệm 300 năm, thế mà Hơn nửa đời hư tôi cũng ngâm gần 12 năm nay và vừa mới đọc xong, thu lượm được nhiều chi tiết thú vị (Thời xưa khi tôi còn đi dạy, tôi cứ mua sách và để trên giá, coi là sách của mình đọc lúc nào cũng được, và tranh thủ đọc trước những quyển tôi không có mà phải đi mượn từ thư viện trường, thư viện tỉnh, hay từ bạn bè, vì thế có nhiều quyển để dành lâu thật lâu).

Nabokov, giống như bác này, tôi đã nhiều lần khởi sự đọc Lolita nhưng chưa lần nào đọc quá mấy chục trang đầu, bây giờ đã đọc xong cụ Vương (tất nhiên tôi còn thiếu nhiều quyển của cụ, và Ragtime, tôi dự định sẽ chinh phục Lolita.

No comments:

Post a Comment