Lẩn thẩn vì không có gì để viết, không tập trung vào một nội dung, vào một sự kiện, sự việc cá biệt nào, mà chỉ ghi lại những suy nghĩ về một số sự việc tai nghe, mắt đọc được.
1. Quốc hội đang tranh cãi các dự án luật, trong đó thấy đưa tin về tranh cãi liên quan đến bảo hiểm tiền gửi ngân hàng. Có vẻ như các vị đại biểu của ai này tranh cãi mà không hiểu là mình nói chuyện về vấn đề gì nữa. Nguyên tắc mà các vị này đưa ra cho việc không bảo hiểm tiền gửi đối với tài khoản tiết kiệm bằng ngoại tệ, hay vàng, là nhà nước (CHXHCN) Việt Nam không thể bảo hiểm/bảo đảm cho đồng tiền không phải của nước mình, thế còn vàng, có lẽ cũng vì cùng một lý do vì từ trước đến nay chỉ nghe nói Việt Nam nhập vàng chứ chưa nghe Việt Nam khai khoáng vàng như thế nào.
Sở dĩ nói các vị này tranh cãi về vấn đề mà mình không hiểu biết là vì ở đây không đặt ra vấn đề Việt Nam có quản lý được sức khỏe đồng ngoại tệ hay thị trường vàng thế giới hay không, mà đây chỉ là vấn đề bản chất của bảo hiểm - bảo hiểm nhằm bảo vệ người mua bảo hiểm trước rủi ro, vậy nếu ngân hàng chấp nhận nhận tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ hoặc bằng vàng thì phải chấp nhận bảo hiểm cho người gửi cho những tài khoản tiết kiệm này trong trường hợp ngân hàng vỡ nợ, chứ không phải là bảo hiểm cho đồng ngoại tệ hay vàng khi nền kinh tế của các nước phát hành ngoại tệ bị vỡ nợ hoặc thị trường vàng trên thế giới đổ vỡ. Bằng không, nếu ngân hàng không nhận bảo hiểm thì ngân hàng hãy loại ngoại tệ và vàng ra khỏi danh mục sản phẩm tiết kiệm của mình, như thế mới công bằng.
Ngoài ra, hạn mức bảo hiểm, ở mức 30 triệu đồng cũng là một điều nực cười. Hãy tưởng tượng số đông khách hàng không chỉ gửi tiết kiệm ở mức 30 hoặc 50 triệu đồng mà là hàng trăm triệu cho đến cả tỷ đồng, một khi rủi ro xảy ra, họ chỉ được chi trả bảo hiểm mức 30 triệu cho hàng trăm triệu hoặc mấy tỷ đồng, tức là thực tế chẳng được bảo hiểm gì cả, mà chỉ là một sự đền bù chiếu lệ nhằm an ủi, vậy đặt ra bảo hiểm tiền gửi để làm gì khi thực chất nó không còn là bảo hiểm tiền gửi nữa. (Hãy so sánh bảo hiểm nhân thọ, một khách hàng có thể trả mấy triệu đồng/năm phí bảo hiểm (premium) nhưng khi rủi ro xảy đến cho khách hàng đó thì bản thân khách hàng hoặc gia đình sẽ nhận được khoản tiền đền bù lên đến hàng trăm triệu, hoặc có thể cả tỷ đồng).
2. Sự suy tàn của ngôn ngữ Việt hiện đại:
+ Ở đây không bàn đến chuyện việc liện quan đến chuyện phát hành sách Sát thủ đầu mưng mủ (mà tôi đã xem trên mạng) hoặc việc thu hồi và phạt hành chính đối với việc phát hành cuốn truyện của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Có thể thấy sự suy tàn này hiện diện nhan nhản trong đời sống thường nhật hiện nay, một ví dụ mới nhất là khi bình luận về một trận đấu quần vợt (tennis) bình luận viên của đài truyền hình khi thấy ống kính truyền hình hướng về phía một số khán giả nào đó, đã nói các bạn có thể thấy XYZ, phu nhân của (cây vợt) ABC đang ngồi trên khán đài. Lạy trời, sao mà ngày nay những từ như phu nhân, phu quân, hay ngài lại hay được dùng đến như vậy trong phim ảnh, báo chí, truyền hình.
+ Một ví dụ khác là việc sử dụng từ nhà đầu tư, không phải có ý coi thường nhưng đúng ra họ là những nhà đầu cơ, hoặc con buôn, (nghĩa tương đương như chữ con phe, xuất phát từ chữ affaire, thịnh hành ở miền Bắc XHCN những năm trước 1975 và ở cả nước từ sau 1975 đến đầu 1990 khi chế độ mua hàng bằng tem phiếu được áp dụng, con phe là những người mua bán lại tem phiếu, hoặc mua bán lại những mặt hàng bán theo tem phiếu, hoặc trên thị trường không tem phiếu nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt lớn của thị trường mà nền thương nghiệp XHCN không thể đáp ứng được: Con phe sục khắp ga tàu bến cảng - Nguyễn Trọng Tạo). Ngày nay cứ xem các bản tin kinh tế trên truyền hình thì các nhà buôn chứng khoán, và bất động sản đều được gọi bằng từ cao đẹp là nhà đầu tư, trong khi theo đúng nghĩa nhà đầu tư (investor) nên được dùng để chỉ người bỏ tiền, nguồn lực tài chính để thực hiện một dự án đầu tư (investment project) nào đó, ví dụ phát triển đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay v.v. về thực chất là những nhà tư bản. Những người buôn bán kể cả đầu cơ cổ phiếu, và bất động sản thì không phải là nhà đầu tư vì họ thực chất không đầu tư gì cả mà chỉ làm việc buôn bán, kể cả đầu cơ, kiếm lời.
No comments:
Post a Comment