Friday 22 November 2013

JFK

Hôm nay, không chỉ nước Mỹ, mà cả Việt Nam, cũng kỷ niệm 50 năm (22.11-1963-2013) vụ ám sát Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, John F. Kennedy, thường vẫn được gọi bằng 3 chữ cái đầu JFK.

John F. Kennedy, White House color photo portrait.jpg

Thuở không còn bé nhưng cũng chưa hẳn là lớn lắm, tôi tin vào thuyết âm mưu (conspiracy theory), mà một trong những thuyết đó, có lẽ tại tôi là người Việt Nam, sinh sống tại Việt Nam nên bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh cũng là điều dễ hiểu, là do JFK cảm thấy sẽ sa lầy tại Việt Nam nên tìm cách đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến trước khi cuộc chiến đến cao trào khó có thể vãn hồi, nhưng ở Mỹ có những thế lực, tạm gọi là tổ hợp quân sự-quốc phòng (the military-industrial complex) đã trở thành nổi tiếng kể từ khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower, đề cập đến, muốn nước Mỹ dính líu hơn nữa vào cuộc chiến tại Việt Nam. JFK bị giết, theo Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống Lyndon Baines Johnson (LBJ) trở thành Tổng thống và cuộc chiến tại Việt Nam được leo thang lên mức cao nhất. Bởi vì tại Việt Nam, người ta tính đến sự dính líu của Mỹ kể từ cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) với sự viện trợ ngày càng tăng của Mỹ, sự thị sát của các tướng lĩnh Mỹ, kể cả Phó Tổng thống Richard Nixon, tại Việt Nam, tải qua các thởi Tỏng thống từ Harry S. Truman qua Eisenhower. (Còn nhớ câu mở đầu trong bài 'thơ' châm biếm thời chiến tranh đổ tội cho sự dính líu của Mỹ, 'Hám chất uranium, Ách (tức Ike, hay Eisenhower) nhảy vào...' (nhưng Mỹ vào Việt Nam có lẽ vì ám ảnh bởi 'thuyết domino' chứ đâu phải vì Việt Nam có giàu tài nguyên, nhất là uranium như trong bài này). Bài thơ có tính điểm mặt tất cả các Tổng thống Mỹ đã từng dính líu đến Việt Nam, nên thuyết âm mưu dựa trên suy luận về JFK muốn chấm dứt sự dính líu của Mỹ trong khi LBJ muốn gia tăng các hành động chiến tranh tại Việt Nam cũng phần nào dựa trên suy luận này. Tuy nhiên, nghĩ cho kỹ thì nếu người Việt Nam có xu hướng lấy nước mình làm tâm điểm thế giới (Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa..., v.v.) nhưng nếu nhìn từ góc độ nước Mỹ trong chiến lược hóa thì Việt Nam chỉ đóng vai trò thứ yếu, châu Âu (nhất là nước Đức) đóng vai trò quan trọng hơn nhiều, nên người Mỹ ắt sẽ không giết một Tổng thống vì Việt Nam.


Đến mấy chục năm sau được xem phim JFK của đạo diễn Oliver Stone, với Kevin Kostner thủ vai Jim Garrison, người công tố viên hạt (district attorney) thuộc bang New Orleans muốn lật lại vụ ám sát JFK cũng dưới ánh sáng của một thuyết âm mưu. Xem phim xong, thì cũng quá lâu nên không còn nhớ về thuyết âm mưu mà Garrison trong phim muốn chứng minh là gì, mà chỉ thấy cảm phục. Không cảm phục người đạo diễn (Oliver Stone) vì đã làm bộ phim với giả thuyết gây tranh cãi, không cảm phục Garrison nếu quả thật ông đã một mình làm cả cuộc chiến lật lại vụ án, mà lại thấy cảm phục Kostner, vì đã 'dũng cảm' đóng phim đó. Sau này ngẫm nghĩ lại mới thấy ngố, ở nước Mỹ có đạo diễn như Stone, thì việc Kostner đóng vai đó có gì là dũng cảm chứ. Chẳng qua là mình quen hình dung hoàn cảnh Việt Nam, có gì đó khá đặc thù, với lại hoàn cảnh của nước khác, nhất là Mỹ, đúng là khác nhau một trời một vực.

Cho đến bây giờ mình vẫn không rõ ai là người đã giết JFK, và vì mục đích gì, liệu có hay không một thuyết âm mưu.

Có lẽ bí ẩn đó là một lý do khiến người Mỹ tưởng nhớ đến ông, ngoài ra ông còn là một Tổng thống khá trẻ (đắc cử khi mới 43, nhậm chức 44), điển trai, lãnh đạo một chính quyền gồm toàn những người trẻ và tài năng (kể cả Robert McNamara), với người vợ trẻ xinh đẹp Jacqueline, và có các mối tình với những người đẹp (trong đó có cô đào bạc mệnh Marilyn Monroe), và khi chết mới 46 tuổi, đều là những điều khiến người ta tưởng nhớ đến ông.

No comments:

Post a Comment