Friday 22 November 2013

Hồi ký Gia Lai

Nguyên văn, của Gia Lai cà kê, trên blog Văn Công Hùng.

GIA LAI CÀ KÊ (1)

Quả thật giờ nằm nghĩ mãi vẫn không ra, tại sao mình lại chọn Gia Lai để lập nghiệp?

Hồi mới lên nhận công tác, cũng có mấy ông cán bộ trong cơ quan, nguyên là sĩ quan bộ đội tăng cường, những lúc sau lưng mình, bĩu môi: không học dốt thì cũng quậy phá, chứ người bình thường ai lên đây. Mà lại xung phong lên.

Mình không học dốt cũng không quậy phá.

Nhà mình là nhà cũng "có điều kiện". Ba mẹ là cán bộ về hưu, nuôi 2 ông con trai cùng học đại học, có vất, nhưng là cái vất chung của xã hội, chứ nhìn xuống, cũng khối nhà khổ hơn nhà mình.


Tớ hồi 2 tuổi
Đến năm thứ 3 đại học mình cũng vẫn nghĩ sẽ ở Huế hoặc Nha Trang, 2 nơi đã nhận mình khi mình đi thực tế.

Hồi ấy bọn mình một nhóm chơi với nhau rất thân. Trong nhóm lớn 5 thằng lại chia 2 nhóm nhỏ, nhóm kia là 3 thằng học Lý, nhóm mình 2 thằng học Văn. Đầu tiên quyết cả nhóm 5 thằng khi ra trườn sẽ cùng về 1 nơi để tiếp tục chơi với nhau. Mà muốn về được một nơi thì chỉ có xung phong đi Tây Nguyên, dù lúc ấy chưa ai biết Tây Nguyên nó thế nào?


Có nàng, nó và tớ trong ảnh này. Ảnh chụp năm thứ 4 đại học, 1981. Tớ thứ 3 hàng trước từ trái sang, áo trắng cộc tay quần loe cười tươi như nghé.

Nhưng sau đấy bàn thì 3 thằng kia chọn đi Đăk Lăk. Mình với cu cùng lớp lấy bản đồ ra xem, thấy Gia Lai - Kon Tum gần Huế hơn bèn chọn. Nó là người trực tiếp viết thư, lấy tên 2 thằng gửi cho lãnh đạo tỉnh, cái thư ấy hình như vẫn còn trong bì hồ sơ công chức của mình.

Cho đến khi ấy, cả 2 thằng mình đều còn... trong veo. Ăn đói (dù nhà nó ở ngay thành phố, nhà mình ở quê nhưng nhà mình có điều kiện hơn vì chỉ 2 anh em, nhà nó đến 4), chơi thể thao và vào thư viện. Thi thoảng chủ nhật mình giúp nó ra sông Hương lấy rong cho lợn. Nó đá bóng và chạy thì thần sầu. Chạy luôn nhất trong các cuộc thi điền kinh sinh viên toàn quốc. Đá bóng thì như... Maradona vì nó nhỏ nhưng rất khéo. Chính nhờ đá bóng mà nó được một em rất xinh mê. Em kia xinh lắm, mê nó mà nó không biết. Một hôm nó thấy có một đứa con gái đưa cho một mẩu giấy, hẹn giờ ấy giờ ấy ra cổng trường Vĩnh Lợi có người gặp. Trường Vĩnh Lợi sát cổng ký túc xá bọn mình. Nó ra và... người ấy đang ngồi trên yên xe đạp đợi nó. Và nó vô cùng bất ngờ đến hốt hoảng, bởi nó không nghĩ người hẹn là em này, hoa khôi và là mong ước của biết bao thằng hoành tránh trong trường. Nàng đưa nó, chính xác là đưa, chứ nó lúc này như thắng chết rồi, vừa run vừa tái vừa lập cập vừa ngu ngơ..., lên cái cầu trượt của trẻ con, ngồi chễm chệ trên ấy. Nó thu lu tay vào ngực, run rẩy ngó xung quanh, thì thấy cũng có rất nhiều đôi trong sân trường đang nhập một. Nó lờ mờ hiểu, lờ mờ sung sướng, nhưng vẫn run. Nói đủ chuyện, ngắt quãng xen giữa những hơi thở cố nén nhưng vẫn phì ra như rắn hổ mang. Cuối cùng thì... phải thua Bờm thôi, nàng... cầm tay nó. Chao ơi, điện giật cũng đến thế mà thôi. Mân mê một lúc thì nàng... đưa tay nó lên ngực, cái ngực căng nhức cứ như đập vào mặt bọn con trai ký túc xá mỗi khi nàng xuống nhà bếp ăn cơm giờ đang thun thút oằn oèo trong tay nó. Nhưng nó vẫn ngu ngơ, cứ để tay như thế, cứng đơ như thế, sống sít thế, như tay bằng nhựa thế. Nàng cáu quá, bật cúc ra, chìa hẳn cỗ oản trắng ởn chắc nịch vào mặt nó: ngốc ạ, xem đi, đẹp nhất trường đấy, không có cái thứ 2 đâu. Lúc này thì nó mới bừng tỉnh, mới làm cái việc lẽ ra là làm từ nãy. Tất nhiên "làm" cũng chỉ là kiểu sinh viên thôi, chứ không như bọn đàn ông lão luyện sau này...


Có tớ và nó và không có nàng ở trong này, hehe. Tớ thứ 3 từ phải sang, vẫn áo trắng quần loe và không cười. ảnh này chụp năm thứ 3 đại học.
Tối nó về ngủ chung giường với mình, mãi không ngủ, cứ trăn qua trở lại, hút thuốc, cuối cùng lôi mình dậy, và... kể.

Mình đã chết lặng khi nghe nó kể, vì... ghen. Nhưng không phải là cái sự ghen thông thường, mà là sự ghen vì cái đẹp bị tổn thương, bị xúc phạm. Mình cho rằng, những cái đẹp như thế thì không ai được phép xâm phạm, vân vo, chỉ nghĩ u ám thôi đã tội lỗi rồi, huống gì còn này nọ. Những cái đẹp như thế chỉ được phép ngắm, và nghĩ về nó với tất cả sự thánh thiện nhất. Tất cả những ý nghĩ vẩn đục đều không được xuất hiện. Nó cứ phải trong veo, tinh khiết, thơm tho sạch sẽ. Nói thật là hồi ấy mình nghĩ bọn con gái đẹp nó thánh thiện đến mức nó không... đái, không ị, không ăn mắm ăn muối, không có những ý nghĩ đen tối... tức là nó cứ trong ngằn ngặt thế, huhu. Mình nhớ mình chửi nó rất ghê. Và nó cứ ngồi cúi đầu, có vẻ... ân hận.

Tối sau mình và nó đang đánh bóng bàn ở ngay cổng, nàng phóng xe qua, mình ở phía bàn quay vào trong nên thấy, còn nó quay lưng lại. Xe qua bàn nàng tằng hắng một cái, nó chỉ kịp thấy cái lưng vút qua, vội bỏ vợt: tao đi đây. Tôi kịp nhìn trên xe đạp của nó có... 2 quả ổi gói trong tờ giấy, nhưng lại bị lòi ra một góc. Đã nói mình và nó rất thân nhau, nó hay ăn cơm với mình, mình cũng hay chiêu đãi nó mỗi khi nhận lương tháng từ mẹ, thế mà giờ có 2 quả ổi, nó giấu trên xe...

Tối về nó lại ngủ với mình. Nhưng mình không nói gì, im lặng và... thức.


Lớp tớ sau này, không có nàng và nó

(Hehe đến đây đã, mai tiếp. Là bởi cái lão bạn Nguyễn Xung Kích tận Hà Giang nhắn trên fb của mình: "Làm chuỗi lịch sử Gia Lai đi bác, nó bõ tức, tụi em lại có dịp tìm hiểu và nếu cần vẫn bán cho báo nhà nước được". Là hắn thấy mình than nhiều nên nói thế. Và cái trường thiên này ra đời từ gợi ý ấy...)

GIA LAI CÀ KÊ (2)

Lớp mình hồi ấy sau khi ra trường, có 3 cặp lấy nhau, và ơn giời, cho đến bây giờ vẫn còn... ở với nhau.

Không có cặp nó và nàng. Thế mới tài.

Nhưng mình tin, trong tim của cả 2 đứa vẫn còn luôn nhỏ máu về nhau (mượn Tự lực văn đoàn tí cho nó diễm lệ).

Rốt cuộc cái nhóm 5 đứa thề sống chết với nhau ấy, thề cùng lên Tây Nguyên với nhau ấy, chỉ có tôi lên Pleiku và ông Song Cuộc học Lý về Buôn Ma Thuột. 3 thằng còn lại "đào ngũ" trước ngày đi.


Mới lên TN đấy
Vì là xung phong lên Tây Nguyên nên cái quyết định phân công công tác của tôi được đánh số 10, tức là gần đầu, cả khóa ấy cũng phải dăm bảy trăm sinh viên ra trường. Khóa I nên rất oách, gần như muốn đi đâu thì đi, có những tỉnh cử cán bộ về trường, năn nỉ xem hồ sơ để chấm người trước. Như đã nói, tôi có 2 chỗ nhận, là Bình Trị Thiên (tức Huế) và Khánh Hòa, tức Nha Trang. Nhưng lòng đã quyết, tình bạn là thiêng liêng cao cả, tôi vẫn một lòng một dạ lên Tây Nguyên với nó.

Trong 10 người được đại diện lên nhận chứng nhận tốt nghiệp trong hội trường 3 Lê Lợi (thời tôi, sau 3 năm thì phải, có chứng nhận của cơ quan công tác mới quay lại trường nhận bằng chứ không như bây giờ mũ mão nhận ngay rất oách), quyết định phân công công tác, ngoài tôi, tôi nhớ có một em nữa cũng người Huế, trông mỏng manh lắm, da ngăm có cái nốt ruồi rất ấn tượng. Em này về Thuận Hải, một nơi còn xa hơn, có vẻ kinh hơn Tây Nguyên nữa. Giờ nhờ fb mình biết em này là ai rồi, nhưng nhìn ảnh trên fb thì... không đẹp như ngày xưa, hihi... Em đã bà nội bà ngoại chi đó rồi...

Đến tận hôm đăng ký xe để đi tôi vẫn chưa biết nó đào ngũ. Tối ấy nó bảo ông bà già bảo về nhà ăn cơm để mai đi thì ông già nó mới nói là thôi cháu đi một mình, thằng con bác không đi với cháu được. Chao ơi là mình buồn. Đổ vỡ hơn phe XHCN đổ vỡ, hơn tường Béc-lin đổ. Và hốt hoảng nữa. Chết cha, đường xa thế, mịt mù thế, đã biết Tây Nguyên với Tây không nguyên nó ra làm sao đâu. Duy nhất có một cái thư của mẹ viết bỏ trong túi, gửi cho ông trưởng phòng tổ chức ty Văn hóa nơi mình sẽ về nhận công tác. Mẹ xem hồ sơ, thấy có thư của ông này gửi mình, nói chú đọc hồ sơ của cháu, thấy mẹ cháu như thế như thế, thì ra ngày trước mẹ cháu là sếp của chú. Thế là mẹ viết một cái thư đưa mình dù mẹ cũng không nhớ ông này là ai, hẹn lên thì đưa cho ông ấy. Cái thư ấy mình đã không bao giờ đưa, nhưng trước khi ông trưởng phòng ấy về hưu về lại Thanh Hóa thì mình có kể cho ông ấy về cái thư và ông ấy nói, có như thế mới là... VCH hehe...

Tôi giận nó kinh khủng, nhưng cả nể nên vẫn ăn bữa cơm có thịt con gà trống già ninh nhừ ăn bún. Sáng sau mưa tầm tã, tôi đeo ba lô ra bến xe An Cựu lên cái xe Rờ-nôn (Renault) vào Quy Nhơn. 12 giờ đêm thì đến Quy Nhơn, tôi xếp hàng mua vé lên Pleiku thì hết, về nhà trọ nghỉ nguyên buổi sáng, trưa lại tiếp tục ra xếp hàng mua vé. Giờ từ Pleiku xuống Quy Nhơn chỉ hơn 2 tiếng, thậm chí giữa chiều hứng, rủ nhau chạy xuống Quy Nhơn nhậu, xong 9-10h đêm về ngon lành, mà sao hồi ấy nó khổ thế. Đã thế suýt bị lừa. Là mình ở cùng cái nhà trọ với một ông bộ đội. Ông này nói chuyện rất có duyên và kể chuyện Pleiku rất hấp dẫn. Thì ra ông là lính ở trên ấy. Mình mời ông này ăn cơm và ăn sáng mấy bữa. Đến bữa tối ấy ông ngỏ ý mượn tiền mình. Mình OK, sinh viên trong sáng lắm, sẵn sàng giúp người. Về phòng trọ, chưa kịp lấy tiền đưa thì thấy quân cảnh ập vào, bắt anh này. Mình cũng không hiểu lý do tại sao, chỉ thấy anh ta ngoan ngoãn đi. Hồi ấy nhà trọ bến xe không như bây giờ, nó là một cái phòng, tất nhiên, và giường, cũng tất nhiên, nhưng là rất nhiều giường, mỗi người một giường. Đồ đạc nếu nhiều thì gửi chủ nhà. Mình ở đấy đến ngày thứ 3 mới mua được vé lên Pleiku.

Đường đẹp, rất buồn nhưng vẫn nhận thấy bướm rất nhiều, và rất nhiều kỳ hoa dị thảo. Con đèo An Khê thực sự thu hút mình. Và may mắn nữa là giữa đèo thì xe hỏng, tha hồ ngắm, tha hồ buồn, bởi hoàn toàn không hình dung ngày mai của mình nó sẽ như thế nào. Mình nhớ trên xe có một ông diễn viên điện ảnh rút ví ra khoe ảnh chụp chung với Thẩm Thúy Hằng. Cũng nhớ những đàn dê lững thững trong chiều. Nhưng nhớ nhất là những người đàn bà dân tộc cởi trần đeo gùi đi hàng một trên quốc lộ. Nhưng cặp vú - lần đầu mình thấy - teo tóp, chứ không căng mẩy chắc nịch cong vút lên như của nàng. Đặc biệt là nó đen hoặc nâu chứ không trắng đến ghê răng như nó tả nàng của nó.


Tết đầu tiên ở Tây Nguyên,
ba thằng, một thằng văn, một thằng Toán, một thằng Lý

Bến xe Pleiku hồi ấy hiu quạnh trong một khu rất nhiều cây cổ thụ. Mình xuống xe và suýt... khóc. Nhưng rồi cũng đeo ba lô đi, sau khi hỏi một cô gái đi xe honda xuống đón người nhà đường vào phố. Xuống một con dốc rồi lên một con thì thấy một khách sạn, nó là KS Hùng Vương bây giờ. Một quyết định lóe lên: vào đây ở đã, xem thế nào rồi tính. Xiền đang căng. Hồi ấy khi nhận công tác, nhà trường căn cứ vào quyết định cấp tiền tàu xe, rồi có 120đ tiền miền núi (lương hồi ấy của mình 65đ), mẹ cho 100đ nữa. Ấm no hạnh phúc mà, lo gì.

Vào KS việc đầu tiên là tắm. Cha mẹ ơi, không có nước. Len lén bỏ cái nắm cơm nhà nó nắm cho từ Huế vào lavabo, mình khóa cửa và đi dạo Pleiku, đến cái nơi mình sẽ nhận công tác. Nói thêm, trong quyết định ghi rõ: Ngày 25/11/1981 phải có mặt tại Ty VHTT Gia Lai - Kon Tum nhận nhiệm vụ. Mình con nhà cán bộ, ba mẹ đều "bôn sệt", nên cái sự chấp hành nó là đương nhiên. Lần đầu tiên mình... không chấp hành là lần này, bởi khi mình xuống xe là xế chiều ngày 25/11, nhưng mình không vào cơ quan.

Đi loanh quanh thì thấy, Pleku đúng là... Pleiku thật. Cái gì cũng đỏ, vì bụi. Và khô, không khốc khô. Thì đến khách sạn còn không có nước tắm, huống gì. Thị xã rất tiêu điều so với Huế. Chỉ nhiều thông và bướm. Những con dốc nữa. Qua Ty VH thấy đang có... đám ma. Té ra là có một ông trưởng phòng tài vụ đột tử. Hồi này cán bộ của Ty Văn hóa chủ yếu là bộ đội tăng cường, chỉ có hai ông có bằng đại học, một là người dân tộc Jrai, một là người Hà Nội, sau về HN làm báo, có dính vào vụ gì đấy, bị đi tù mấy năm, giờ chắc ra rồi, một ông Cao đẳng Mỹ thuật, còn lại là tay ngang, có nhiều người chưa tốt nghiệp cấp 3, vì thế, chả mấy người ưa cái gã tóc dài quần loe áo chẽn ria con kiến, là tôi, về nhận việc...


Năm thứ 3 ở Tây Nguyên, được mời đi đọc thơ

Ngày đầu tiên nhận việc, ông phó phòng tổ chức kêu vào căn dặn như... bố dặn con, nào là phải khiêm tốn, phải sinh hoạt quy củ, phải biết trên biết dưới... rồi ông dẫn tôi xuống giao cho phòng Văn Nghệ. Ông trưởng phòng nhìn tôi như nhìn quái vật, rồi không nói không rằng ra lấy xe đạp phóng thẳng. Tôi lơ ngơ đứng không ra đứng ngồi không ra ngồi, may có một chị, khá xinh, xách ghế ra bảo anh ngồi đây, rồi hỏi chuyện rất thân thiện. Chị này nếu đi theo đường văn chương thì sẽ rất nổi tiếng, nhưng sau khi học gần xong khóa 3 Nguyễn Du thì chị bỏ, giờ trở thành đại gia ở Sài Gòn. Sau tôi với chị này khá thân, và may là có chị chứ không buổi đầu tiên nhận việc của tôi nó bẽ bàng đến thế nào. Sau tôi mới biết, ông trưởng phòng nguyên là trung úy bộ đội biên phòng, có lần cơ quan cử ông đi học chính trị ở Hà Nội, lớ ngớ thế nào ông lạc vào cái lớp viết văn của quân đội mở cũng trong khu ấy. Thế là ông có cái chứng chỉ... nhà văn dù ông này cố rặn nó cũng không ra chữ. Thế nên khi giải phóng, trong số bộ đội tăng cường ông là người duy nhất biết "viết văn". Nhưng ông này rất lạ, rất ghét, đến mức thù, trí thức. Ông GS TS Tô Ngọc Thanh và PGS TS Phạm Hùng Thoan hồi ấy hay vào làm folklore đến là khốn khổ với ông này. Ngay trưởng ty hồi ấy, một người rất trọng chữ nghĩa, trọng trí thức cũng bị ông này khủng bố hàng ngày. Không ủng hộ thì chớ lại còn toàn phá ngang. Nhưng mãi sau này tôi mới biết, chứ thời gian đầu tôi cứ ngây thơ lễ phép, rất lễ phép với tất cả. Hôm sau ông phó phòng người Jrai kêu tôi lên hẹn rất cẩn thận, nói là trưởng phòng ủy quyền tôi làm việc với Hùng, sau 7 giờ tối không được ra khỏi cơ quan vì an ninh, cách cơ quan 500 m là có FULRO, không được ra khu Diệp Kính vào ban đêm vì khu ấy gái điếm rất nhiều, không được để tóc dài quần loe, không được thức khuya, sáng 5h phải dậy tập thể dục, chiều phải tăng gia, không được tụ bạ nhâu nhẹt... Sáng  mai lại một ông phó phòng khác kêu tôi lên, lại căn dặn...

(Huhu họp đã, rỗi mần tiếp...)

GIA LAI CÀ KÊ 3

Hồi ấy khắp tỉnh Gia Lai chỗ nào cũng có cái khẩu hiệu: Cơ quan (gia đình) tôi không tiếp những người quần loe, tóc dài.

Cái ông phó phòng thứ hai kêu mình lên căn dặn, huấn thị là người sản xuất ra cái khẩu hiệu ấy. Và mình được ông giao nhiệm vụ... theo dõi. Ông nhấn đi nhấn lại mình là cán bộ văn hóa cách mạng, phải gương mẫu, đầu cắt ngắn, quần áo đàng hoàng. Hồi này ở Quảng Bình có những đội hồng vệ binh đi đầy đường để cắt tóc và xé quần những ai tóc dài quần loe. Khổ thân mấy ông giáo sư người Huế đưa sinh viên ra đấy thực tập, bị bắt hết, tóc bị cắt nham nhở, quần xé tanh bành...

Quần mình cũng loe, là của sinh viên mang lên, đang còn mới. Tóc mình cũng dài. Nó không dài đến vai, nhưng so với số cán bộ của ty văn hóa thời ấy thì là dài. Mình cũng không ngủ sớm, không dậy sớm được. Vì tối thì đọc sách, sáng lạnh nằm co trong chăn cho sướng. Bên ngoài phó ty đi từng phòng đánh thức bắt dậy tập thể dục và vệ sinh, quét sân. Hồi ấy hầu như tất cả cán bộ đều ở trong cơ quan, ở ngay trong phòng làm việc hay cái dãy phía sau, chung một cái bể nước đầy lá thông và... sâu róm. Mình ở với tay họa sĩ, có hôm phó ty xô cửa xông vào, lấy cái chổi quét nhà của hai thằng, vừa quét vừa chửi như đàn bà, hai thằng vẫn kệ, quấn chăn như không nghe, vì không thể dậy lúc ấy. Ông quét được mấy nhát thì vất chổi, chạy ra giữa sân... chửi tiếp. Tuyệt đại bộ phận cán bộ của ty thời ấy không phân biệt được Ta-Go (Tagore), Pi-Ta-Go (Pythagore) và Pi-Cát-Xô (Picasso), nhưng rất hăng hái trong công việc, vì thế rất nhiều chuyện vừa ấu trĩ vừa khốn khổ đã xảy ra. Mình không biết hết, nhưng những điều sơ đẳng thì biết, và biết thì cãi, cãi thì bị ghét...



Hồi ấy đang có mấy bác của Viện Văn hóa vào sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian. Việc này là do trưởng ty xử ra, nhưng bị các phó ty chống, nhất là ông phó ty hay chửi và ông trưởng phòng văn nghệ. Khốn khổ khốn nạn những cuộc họp nảy lửa và cả những trò trẻ con để chống lại việc này, nhưng trưởng ty vẫn quyết làm, và thực tế là việc làm này quá đúng. Những gì làm được thời ấy đến giờ vẫn có giá trị. Nó chứng minh rằng văn hóa không phải là cờ đèn kèn trống, không phải là bề nổi nhất thời, mà là phải nghiên cứu tìm hiểu để đề ra những chiến lược văn hóa, những vấn đề thuộc về chiều sâu con người, thuộc về đời sống tinh thần của cả xã hội chứ quyết không phải xanh đỏ tím vàng nghênh ngang ngoài phố...



Cứ ngột ngạt thế, một hôm GS Tô Ngọc Thanh hỏi mình: ông có biết ai biết dùng máy nổ giới thiệu để đoàn thuê, đi xuống làng chục ngày, mỗi ngày mấy đồng đấy, không nhớ nữa. Mình về hỏi họa sĩ: mày biết chạy máy nổ không? Nó bảo dễ ợt. Thế là mình bàn với nó đi... làm thuê cho ông Tô Ngọc Thanh. Nó đồng ý thì phải lên xin trưởng phòng. May sao hôm ấy ông này hớn hở điều gì nên đồng ý cho cả 2 thằng đi, tại vì mình bảo: tụi em đi không thanh toán công tác phí, xuống cơ sở như đi thực tế.

Thế là chuyến xuống làng đầu tiên của mình với tư cách người chạy máy nổ, làm thuê  cho viện văn hóa, do GS Tô Ngọc Thanh trưởng đoàn.

Tối nhù nhờ thì đến làng, nó chính là cái làng của ông Núp, thuộc xã Nam thời ấy. Hồi ấy đi vào vất lắm, và còn rất nhiều FULRO. Đoàn của viện ở trong trụ sở ủy ban, 2 thằng mình theo ông Y Vin, diễn viên múa vào một nhà dân. Leo lên sàn thì tối, chỉ thấy leo lét đống lửa giữa nhà, và mùi hôi, rất hôi. Giờ thì quen rồi, chứ hồi ấy quả là rất khó chịu. Nhưng biết làm sao. Mình cứ to hó ngồi quan sát. Đồng bào kéo đến, ghè rượu mang ra, uống và nhổ nước bọt, sàn nhà bằng le, có kẽ hở, và mọi người nhổ rất chính xác vào các lỗ ấy, mà có không chính xác thì... mông lại di vào. Tất cả mọi người đều đóng khố, mông chai hơn gì nữa. Lát nữa thì cơm dọn ra. Hồi ấy cán bộ xuống làng còn được dân cho ăn, tất nhiên sau mình cũng tìm cách đưa lại cho họ cái gì. Bọn mình chỉ ăn của họ tối ấy, từ hôm sau thì tự nấu. Thấy một nồi cơm to oạch, một nồi canh cà đắng lõng bõng nước, và một bát muối giã ớt. Không đũa bát, sa ngo, dùng tay bốc. Sau này có người chế ra câu "Người Kinh nửa dại nửa khôn, ăn cơm bằng đũa sờ... mồm bằng tay" bảo là của đồng bào nói, chắc chắn là một ông Kinh chế tác...



Hôm sau thì bắt đầu làm việc. Có dân làng khiêng máy nổ, mình và họa sĩ chỉ đi không, đến nơi làm thì đổ xăng vào, kéo dây, giật máy nổ, xong là chơi.  Và nhờ thế mà lang thang khắp làng... Chứng kiến làng săn được một con nai, khiêng về, mổ ra và chia rất đều, ai cũng có phần, từ bé tí đến già rụng răng. Khách cũng có phần. Chiều ấy mình đang hí hửng với món nai xào với bắp chuối (độn vào  chứ thịt ít lắm) thì thấy dân làng rùng rùng chạy ra hướng suối. Mình chạy theo ra thì, trời ạ, một người tự tử. Lần đầu tiên mình thấy một người chết vì treo cổ. Mặt bành ra, lưỡi thè, mắt lồi... rất kinh.

Lý do tự tử rất đơn giản: nhà anh này nghèo, ở tít ngoài rìa làng. Khi cầm miếng thịt được chia về, anh cảm thấy nó có vẻ nhỏ hơn của nhà khác. Thế là để bảo vệ lẽ công bằng, anh treo cổ chết.

Ấn tượng Tây Nguyên đầu tiên của mình đấy, nó cứ ám ảnh đến tận bấy giờ.

Anh này chết, dân làng lại... say, vì lại đập heo, bò để... liên hoan. Cứ để anh ta nằm đấy, mọi người làm heo, bò, đánh chiêng, nhảy múa, và tu rượu. Đoàn công tác được ủy ban xã cử cho một tốp du kích bảo vệ, một ông say lên đạn cái roạt, chĩa về phía mấy ông anh ta được giao bảo vệ. Huhu tất cả cứng người, đứng im như tượng, mặt xanh hơn đít nhái nữa. Ông Y Vin cũng ngà ngà rồi, rất nhanh đánh bật tay cầm súng của anh du kích, đoạt súng y như trong phim. Sau ông kể, ông nguyên là bộ đội nên việc ấy dễ như thò tay vào nồi bốc cơm. Cũng ông Y Vin kể: Làng ông có một con hổ thọt rất hay vào bắt heo. Một hôm uống rượu say thì ông hổ lại mò vào, nó đứng ở đầu làng... ngắm trăng. Ông Vin cởi trần lao ra, cách chừng mười mấy mét thì dừng lại, chống nạnh nói: này con hổ kia, mày là đàn ông tao cũng đàn ông, có giỏi thì đánh tay đôi, chứ đừng vào làng mà dọa đàn bà con nít. Hẹn mày tối mai ra suối Chơ Pâu, chứ giờ tao say rồi. Tối mai nhé, trăng lên nhé, tạo đợi mày ở đấy. Con hổ gục gặc đầu một lúc rồi... lững thững đi. Mình hỏi tối mai anh có ra không, ông Vin nói tỉnh rượu sợ sun chim, nhưng đã hẹn thì không thể nuốt lời, tối sau ông vẫn ra, ngồi trên tảng đá chờ, nhưng, may thay, con hổ đã không đến, và cũng từ đấy, nó không vào làng bắt bò lợn nữa...

(Đến cái đoạn chôn ông tự tử mới kinh, nhưng thôi, mai tiếp, giờ gõ bài tết kiếm xiền đã...)


GIA LAI CÀ KÊ 4

Té ra với người Tây Nguyên, chết không phải là hết, mà chết là sự bắt đầu, nó sẽ tái sinh ở cõi A tâu. Nên mọi người rất hay tự tử, chả có lý do gì cũng tự tử. Bởi họ tin sẽ sang bên kia, có lẽ công bằng, có hạnh phúc, có những thứ mà ở cuộc đời này không có...

Mình thì nghĩ là, họ sống ở cuộc đời này khổ quá, chết có khi sướng hơn. Ngay bây giờ thôi, động tí là họ tự tử.

Trở lại cái anh chết tự tử kia.

Mọi người để anh nằm đấy và ăn uống nhảy múa, rất vui vẻ. Thi thoảng có người cầm miếng thức ăn đến quẹt vào miệng anh ta, ý là cho anh ăn.

Là bởi họ nghĩ anh ấy mới nằm đấy nghỉ ngơi, chứ chưa chết. Phải đến khi làm lễ bỏ ma thì mới chết hẳn, mới sang thế giới người âm. Vì thế, bây giờ và ba bốn năm nữa, anh này vẫn thường xuyên được "thăm nuôi", hàng ngày mọi người vẫn mang cơm nước ra mộ bón cho anh ta ăn, qua 1 cái lỗ thông hơi trên miệng quan tài. Ngoài ra khi mang đi chôn, anh ta vẫn được chia của cải, tất nhiên những đồ được chia, vì nó là của người chết, nên được làm cho hỏng đi, như chiêng, ghè thì đục thủng, các thứ khác cũng làm cho méo cho dẹp đi...


Lẽ ra thì anh này "được nằm" cả tuần kia, cho dân làng ăn uống no say càng lâu càng tốt, nhưng có đoàn công tác nên xã vận động gia đình chôn sớm. Và gia đình chấp thuận.

Anh này được đưa ra khu nhà mồ, chọn cái mộ của gia đình, là một cây gỗ đã đục bộng bên trong. Người ta mở nắp cái quan tài nguyên cây rất to ấy ra, và... bên trong đã có 3 xác, có một xác mới chôn mấy tháng.

Tôi suýt nôn tại chỗ vì cái mùi xộc ra từ quan tài. Lùi ra mấy bước tôi lấy khăn mùi xoa nhúng vào nước rượu cần rồi khéo léo kẹp vào tay che mũi, và lại xán vào, bởi tôi biết, sẽ hiếm khi nào được chứng kiến lại, và đây chính là cách để tôi tiếp cận Tây Nguyên, là cách mình nuôi vốn sống. Tiếc là hồi ấy chưa có máy ảnh.


Họ đặt anh này vào, nhưng không đủ chỗ vì thế anh ta cứ vồng lên trên quan tài. Lại lôi ra rồi 2 người nhảy vào quan tài... nhún. Nước từ cái thi thể mới chôn phòi ra, xẹp bớt đi, và người ta lại cố gắng nhét anh này vào. Và sau nhiều loay hoay thì anh ta cũng nằm trọn vẹn được trong ấy. Như thế là trong cái quan tài ấy hiện có 4 xác người cùng huyết thống hoặc trong cùng gia đình, chắc là đầy rồi, sẽ không bỏ thêm ai nữa, chỉ chờ bỏ ma (pơ thi) thôi. Nhưng không phải, sau tôi hỏi chuyện một người già, ông ta bảo: để thời gian nó xẹp đi, mình lại cho thêm người mới vào được mà! Càng đông càng vui mà. Ra thế.

Và tôi để ý, những người vừa khiêng vác, vừa nhét người vào quan tài kia, họ lại tiếp tục bốc thức ăn ăn, như chưa từng làm việc ấy. Không chỉ thế, họ còn bốc đút cho người khác. Và không ai được nhè ra. Sau này tôi có quen một ông người Giẻ Triêng, lãnh đạo rất to, ông này cũng hay nhậu tê tê rồi bốc thức ăn bỏ vào mồm khách, bắt ăn bằng được. Có ông ọe ngay tại chỗ vì miếng thức ăn to quá, trong khi ông quan niệm, miếng càng to càng quý khách. Hôm rồi ngồi với ông anh Đỗ Quang Hoàn, nhà báo mới về hưu, nhắc lại, ông Hoàn kể rất nhiều người, toàn tây học, trí thức, hàm vụ trưởng thứ trưởng... sửng cồ với ông này khi bị nhét thức ăn như thế. Nhưng thực ra đấy là phong tục hiếu khách của người Tây Nguyên. Ông này có tật vừa ăn vừa xỉ mũi, có khi vừa lấy tay vắt mũi lại thò tay bốc thức ăn cho vào miệng khách. Vì ăn bốc từ nhỏ, nên người Tây nguyên bốc rất khéo, và nhét vào mồm cũng rất khéo, chứ cánh ta, bốc cái gì cũng lòa xòa, trừ 1 thứ, hehe...


Thì ở đây tôi cũng xơi mấy nắm thức ăn, có cơm, có thịt, có lá mì, đầy mồm. Tôi ngậm một lúc rồi tìm chỗ... nhả, tất nhiên nước thì nó đã kịp vào bụng mình rồi. Đồng bào có vài món chín, còn lại là những món rất khó ăn, như thịt bạc nhạc băm nhuyễn rồi trộn với phân, tiết... thành một thứ lệt xệt như ta dùng để nhồi vào nhồi ấy, nhưng ta thì luộc, xong rồi còn nướng hoặc rán, đây đồng bào để thế và... bốc ăn. hay những miếng thịt gói vào lá gì ấy, rồi vùi trong tro ấm, chỉ tro ấm chứ không than, khi mở ra miếng thịt chỉ hơn âm ấm, và cũng ăn.

Một thời, tôi đã lăn lộn dưới làng, ăn như thế, uống như thế, và cái hay là, không đau ốm gì. Tất nhiên trong túi luôn có Tétracycline hoặc chlorocid, loại kháng sinh thời ấy, đắng đến nôn ọe. Thế mà một lần tôi dã cứu 1 cháu bé 7 ngày tuổi bằng chính chlorocid ấy, nếu không có viên thuộc tôi nghiền nhỏ rồi vắt sữa mẹ nó vào dốc cho nó lúc nửa đêm ở cái làng biên giới xa xôi ấy, đứa bé chắc chắn chết vì mất nước, vì cứ 5 phút nó lại xoẹt một lần, tôi nằm mà xót ruột, và sau khi hội ý với mấy sư phụ Tô Ngọc Thanh, Phạm Hùng Thoan...  tôi đã dậy cho cháu uống như thế, và như một phép tiên, nó cầm đi ỉa, và sáng sau ngủ như chó con... Té ra đồng bào ít dùng thuốc, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, nên mình cho thuốc gì cũng rất dễ khỏi. Tôi đã nhiều lần làm bác sĩ và đã thành công là vì thế...

Cũng chuyến đi ấy, lần đầu tiên tôi biết cách ông Núp đánh chông thò, biết chỗ ông ngồi rình để... bắn Pháp chảy máu...

(Bận quá các bác ạ, mỗi ngày nhà cháu gõ ít chữ, cố gắng hết năm thì... hết luôn)

Cà kê 1 Ở ĐÂY
Cà kê 2 Ở ĐÂY
Cà kê 3 Ở ĐÂY 

GIA LAI CÀ KÊ 5

Mình cứ trong sáng phơi phới mà không biết rằng, cuộc đời không đơn giản như thế. Té ra trong nội bộ cơ quan họ rất ghét mấy thằng trí thức, mà cầm đầu là... mình. Đã bảo hồi ấy mình là đứa thứ hai có bằng đại học trong cơ quan, người kia là một anh người Jrai. Vài đứa cao đẳng, trung cấp, còn đâu là tay ngang, bộ đội chuyển ngành. Mình rất vô tâm, tung tăng chơi, tung tăng làm, và tung tăng... hứng...

Ngay tuần đầu tiên, trưởng phòng giao cho mình một cái bao tải rất to, trong ấy toàn... thơ. Thì ra Ty văn hóa đang có cuộc thi thơ, ông này bảo mình đọc chọn ra mấy chục bài hay trình ông ấy, sau đấy viết một bài nhận xét cho số tạp chí đang thực hiện. Mình vô tư đọc, và vô tư viết. Đại bộ phận là thơ... dở, rất nhiều vè và văn xuôi sai ngữ pháp. Có mấy cây đa cây đề hồi ấy nhưng mình cũng không biết, cứ đọc trên văn bản rồi... phang. Bây giờ nghĩ lại thấy mình cũng liều. Bài ấy in ra và mình hứng búa rìu. Mọi người xôn xao: Văn Công Hùng là cu nào mà dám chê người này người kia. Ngay khen cũng bị mắng, bảo nó là ai mà dám khen. Mình suốt ngày len lén như rắn mùng 5. Chính ông trưởng phòng là người sai mình viết và đọc sửa thì lại là người chê nhiều nhất. Chê và kích động, bảo thằng ấy láo, không biết trên biết dưới, sinh viên mới ra trường mà dám nhận xét cha chú, huuhu. Có hôm mình ngồi bên phòng này, thấy một ông dong dỏng cao vào, ngồi ở phòng Hồng Vân, nói chuyện khá lâu, rồi loáng thoáng nhắc đến mình. Mình dỏng tai nghe thì ông nay cũng đang chê mình. Khi ông về mình hỏi Hồng Vân thì biết đấy là ông Nguyễn Lưu, ở Hội Văn học Nghệ thuật Đắc Lắc nhưng được trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai mời sang dạy toán. Ông Lưu giờ là bạn rất thân với mình dù ông hơn mình gần hai chục tuổi. Đấy là một người đa tài, là nhạc sĩ, nhà báo, viết văn nữa, bình luận thể thao, vận động viên bóng rổ, bóng bàn cấp quốc gia... con ông Nguyễn Xiển (?), vì ái tình mà bỏ Hà Nội vào Đắc Lắc, và chìm ở đấy, sau lại trở ra Hà Nội thì mới gặp đất dụng võ, phát tiết tài năng. Đại loại ông hỏi Hồng Vân về mình, rồi chê bài mình là huếnh, huhu, mình ngồi bên này chết lặng. Chả biết ông Lưu  có nhớ không, chứ mình nhớ rất rõ, nhưng quả là nhờ thế mà mình lớn lên.

Năm sau thì mình được giao biên tập cuốn truyện cổ Gia Lai-Kon Tum. Cuốn này sau được tái bản rất nhiều lần với số lượng rất lớn. In ra cả tháng, bán đầy hiệu sách thì một hôm ông phó ty đi họp về, quát ầm ầm từ cổng: Ông Hùng ơi ông giết tôi rồi. Ông đi thu hồi ngay cuốn sách về cho tôi. Làm ngay lập tức. Mình đang xách bát xuống nhà ăn tập thể ăn trưa, tái mặt đứng đần ra. Nghe ầm ầm quát một hồi thì mình mới thủng là cái ông bí thư thị xã (hồi ấy đang là thị xã) trong cuộc họp nói Ty văn hóa nói xấu, bôi bác, làm nhục Pleiku khi trong cái tập truyện cổ ấy in ngay ở trang đầu tiên truyện "Sự tích Pleiku". Pleiku tức là làng đuôi, nó lý giải tại sao lại là làng đuôi, bởi có con lợn cúng nhưng cứ mang lên là tụi thanh niên lại ăn vụng mất đuôi. Ôi giời. Ông phó ty là người chịu trách nhiệm xuất bản mà giờ ông cứ làm như vô can. Mình bình tĩnh nói: thưa chú, thu hồi sách là phải có quyết định. Chú làm quyết định cháu thực hiện ngay. Nhưng theo cháu việc này không sai, vì nó là truyện cổ tích mà, chứ cháu có phịa ra đâu. Nếu muốn thu hồi chú phải họp cả ban giám đốc chứ mình chú cũng chưa đủ thẩm quyền, vì chú là người chịu trách nhiệm xuất bản. Ông vẫn quát ầm ầm, bảo ông giết tôi đi, cử nhân với chả cử vỏ... Cái ông mà bảo truyện bôi nhọ Pleiku ấy, sau là thường vụ tỉnh ủy, bí thư thành phố rồi giám đốc sở nông lâm, còn kiện mình một trận ra trò nữa, gửi đơn ra tận Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Khoa Điềm, huhu.

Mình vô tư và tung tăng đến nỗi, một hôm thấy một tổ ong rất lớn, to bằng cái rổ, làm ngay trên cái cây trước cửa phòng hành chính. Có một đứa xui mình lấy đá ném, hehe mình tương nguyên một cục gạch vào, thế là nó bay tóe loe ra đuổi đốt mọi người. Mình xanh mặt chui vào phòng... trốn. Một thằng bị đốt sưng mặt giật cửa xông vào phòng đòi đấm mình. Thiếu nước mình lạy nó. Một ông phó ty khác chạy ra quát: Trói thằng Hùng lại, trói ngay vào gốc cây có ong ấy. Mình lẩy bẩy và... té đái luôn. Kết cục có hơn chục người bị ong đốt, trong đó có hai chị phải cấp cứu vì ngất tại chỗ (hồi ấy bệnh viện tỉnh trên đường Trần Hưng Đạo, sát cơ quan). Một chị cấp cứu một lúc thì về được, vác cái mặt sưng vù về, anh chồng chị ấy gặp mình bảo: em ở xuôi lên nên không biết ong nguy hiểm thế nào, nhất là ong này là ong lỗ, lần sau rút kinh nghiệm nhé. Mình lí nhí xin lỗi. Còn chị nữa nằm viện cấp cứu mấy ngày. Mình nhờ Hồng Vân đi mua nải chuối rồi rủ Vân vào bệnh viện thăm. Mọi người bàn tán bảo: chị này bị nặng, khả năng không hồi phục, khéo chồng nó bỏ, thằng Hùng phải chịu trách nhiệm. Mình nói với Vân: Nếu chồng chị Ng bỏ thì mình sẽ... lấy chị. Cái hồi ấy nó trong veo thế. Vào viện mình không dám bước, cứ đẩy Vân đi trước. Nhưng chị lại cười rất tươi, bảo đừng sợ, chị đỡ rồi. Mày có tiền đâu mà mua chuối thăm chị. Thôi về đi, không phải thăm nom gì nữa nhé...

GIA LAI CÀ KÊ 6

Ngày xưa, là cũng chưa xưa lắm, cái thời mình mới lên ấy, Pleiku rất đẹp. Cây cổ thụ phủ đầy phố, đường mát và xanh. Nắng giữa trưa chỉ lỗ đỗ xuống vai xuống tóc khách bộ hành. Những con đường uốn lượn, những con dốc trữ tình, và sương mù, và bướm đủ màu suốt ngày dập dờn.

Mình làm bài thơ "Gặp Huế trên Cao Nguyên" là từ một buổi chiều đang lững thững trên đường, bỗng đột ngột hiện ra một tà áo dài trắng, một mái tóc thả ngang lưng, và tiếng guốc cập kênh trên đường. Thời này cả nước đói, Pleiku đói hơn. Các lề đường được lật tung để trồng khoai lang, su su chống đói. Áo dài được sửa thành áo cụt để mặc, gội đầu bằng xà phòng 72 của Liên Xô... thế mà lại có một cái áo dài trắng phất phơ như thế. Tôi lập cập đi theo, cứ nửa nhởn nhớ nửa lập cập, và đích là... nhà thờ Thăng Thiên. Về cứ thẫn thờ không ngủ, rồi gần sáng vùng dậy viết, thay cái cô gái đi nhà thờ ấy thành một cô giáo người Huế, thành bài thơ.

Nhưng mình không nói về bài thơ ấy, ai thích đọc nó, vào hỏi cụ Gúc, "Gặp Huế trên cao nguyên - Văn Công Hùng", chắc có đấy.

Mà mình nói về cái chiến dịch triệt hạ cây xanh đường phố để... mở đường.

Ví dụ con đường đẹp nhất Pleiku là đường Trần Hưng Đạo, người ta mở rộng nó bằng cách chặt hết hàng cây cổ thụ hàng trăm năm giao tán, thay vì giữ nguyên, mở thêm một con đường phía bên các công sở nhà nước, vừa giữ được cả hai hàng cây, vừa không phải đền bù vì toàn bộ bên kia là cơ quan nhà nước. Nhưng người ta lại chọn phương án chặt cây để mở cả hai phía đường, và sau đó thì trồng... bàng thay thế. Con đường đẹp thứ nhì là đường Lê Lợi cũng cùng chung số phận. Con đường này còn có những thảm thông cổ thụ, người ta phá đi để cấp đất xây nhà, kiểu nhà ống 15 mét chiều dài, 4,5 mét chiều rộng, như đồng phục thế...


 
Pleiku thời chưa chặt cây

Hồi ấy có lần mình đi công tác, ở cùng một bác lãnh đạo thành phố. Mình chứng kiến ông này đi... tè, và khi vào tè thì cái xí bệt nhưng bác cứ để nguyên cái nắp giữa mà đứng tương vào, nước của bác ấy vàng khè văng tung tóe lên nắp và hình dung một em xinh đẹp nào đấy lại... ngồi vào đấy. Về mình nói với bạn bè, nếu có quyền, tao sẽ chọn lãnh đạo thành phố, trước hết là phải biết ị biết đái một cách văn minh và vệ sinh. Chứ đây các bác mang phong thái nếp sống kiểu cách sinh hoạt nông thôn áp vào thành phố là toi thanh phố rồi, là lôi thành phố thành nông thôn rồi, mang cách tắm ao ỉa ruộng lên thành phố là xong rồi... 

Mình xót hơn ghẻ gặp nước muối khi chứng kiến những hàng cổ thụ đẹp thế bị chặt. Nhưng thấp cổ bé họng, biết nói vào đâu, với ai, bèn làm... thơ. Bài thơ tên là "Gửi những cây thông thời quá khứ", đến giờ không nhớ hết nữa, vì viết tay nên đã thất lạc, kể chịu khó tìm thì cũng ra, nhưng giữa hàng vạn số báo, biết nó ở số nào. Hồi ấy mình đang cộng tác ruột cho bản tin Ngân hàng Gia Lai, hàng tháng có thêm khoản phụ lương từ tờ này. Ông giám đốc kiêm tổng biên tập rất thân. Thằng biên tập chính thì cật ruột. Nó rất khoái bài thơ của mình, bảo để tôi in. Nhưng tay giám đốc Tổng biên tập kia tưởng lơ mơ nhưng y tinh lắm, y gọi cho mình: sợ thì tao chả sợ, nhưng chủ tịch tỉnh mới lên, in bài này như mắng lão à, thôi mày gửi đi đâu đi, tao xin lỗi vì không in được. Không in bài này như một cách tao ủng hộ ông ấy làm việc.

Xin cảm ơn thành phố có em

Mình lại gửi cho... Báo Gia Lai dù trong bụng vẫn nghĩ nó sẽ không dám in. Cái thời này kinh lắm, hở ra tí là ăn đòn, là kêu lên gọi xuống. Thế mà không ngờ, báo Gia Lai in. Thế mới oách, dù nó nằm khiêm tốn ở một góc rất nhỏ, ai không để ý sẽ không thấy. Đại loại bài thơ nói về những cây thông cổ thụ, đã hàng trăm năm chứng kiến vật đổi sao giời, nhưng giờ vì sự tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc để bằng... miền xuôi mà nó đành hy sinh, đành để cho ai đến Pleiku giờ chỉ còn thấy thông trong quá khứ, và bài thơ này cũng là một bức thư gửi những cây thông thời quá khứ, thời Pleiku từng có thông. Nhớ mỗi câu cuối rất đểu: "để thị xã mình tiến kịp miền xuôi". Nghe nói sau đó báo này bị chủ tịch gọi điện. Ông chủ tịch này, sau, trong một vụ khác, kêu mình lên trước rất nhiều quan chức khác tại phòng làm việc của ông ấy hỏi mình học lớp mấy, trong khi mình đang rất tự hào là hồi ấy, mình trong số hiếm hoi người tốt nghiệp đại học chính quy lên đây. Mình đã không run sợ mà nói ngay: thưa anh đủ chữ để làm việc. Thằng bạn mình cục phó cục thống kê có mặt hôm ấy ra ngoài cứ thì thào: mày gan thế, nguy rồi đấy Hùng ơi (chuyện này mình sẽ kể sau, ở cà kê khác).

Con dốc đổ cồn cào nỗi nhớ
Dáng Huế trong em phố núi sau mưa
Gặp Huế trên cao nguyên

Bây giờ về cơ bản Pleiku đã gần hết cây cổ thụ. Người ta liên tục trồng cây rồi thay cây, tức chặt bỏ cây đã trồng, có khi đã được chục năm, trồng cây mới. Hiện tại thấy trồng nhiều cây Viết, không biết có phải loại cuối cùng được trồng hay lại một bác nào đó, một hôm cao hứng nào đó, lại lệnh nhổ đi trồng cây khác...

No comments:

Post a Comment