Sunday, 13 October 2013

Võ Nguyên Giáp: Ngọn núi lửa phủ tuyết / Le Mont sur la Neige

Theo Lê Mai trên lemaiblog:

Ngọn núi lửa phủ tuyết


“Trong một túp lều mái lá lẫn với cây rừng, một người đàn ông im lặng nghiên cứu tấm bản đồ tỷ lệ 1/400.000 được trải đứng dưới tầm mắt ông ta. Qua những bức điện được gửi đến, ông đang thử đo lường ý nghĩa sự kiện mà Navarre vừa tạo ra ở Điện Biên Phủ, ngày 20 tháng 11. Mắt không rời bản đồ, ông hỏi ý kiến các sỹ quan trong bộ tham mưu của mình rồi tiếp tục im lặng. Chung quanh ông không ai sốt ruột. Người ta biết ông có thể trầm tư mặc tưởng như vậy trong nhiều ngày, cho đến khi ông bừng tỉnh đột ngột vào một buổi sáng. Lúc ấy ông gọi những người phụ tá đến và đọc các mệnh lệnh, vừa đọc thỉnh thoảng ông vừa đấm tay xuống chiếc bàn dài kê trên giá gỗ mà ông đang đi quanh. Đó là Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân”.
Tôi thường đọc đi đọc lại đoạn mô tả chân dung Võ Nguyên Giáp ở trên của Jules Roy trong cuốn sách Trận Điện Biên Phủ. Một chân dung tĩnh mà động. Võ Nguyên Giáp – một “ngọn núi lửa phủ tuyết”. Từ khi ông bỏ phòng họp Hội nghị Đà Lạt, sau khi đã đóng cánh cửa cái “sầm”, 9 năm đã trôi qua và nay ông đang chuẩn bị vạch kế hoạch kết liễu số phận hai vạn quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Với trận Điện Biên Phủ, ông Giáp thực sự đã đóng sập cánh cửa với người Pháp, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Nhớ lại Hội nghị trù bị Đà Lạt giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Pháp chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau đã không thỏa thuận được một vấn đề nào, ngoài việc hai bên hiểu biết lập trường của nhau hơn. Dường như sự thất bại của Hội nghị cũng báo hiệu các cuộc đọ sức tiếp theo, cả về ngoại giao và quân sự mà hai bên biết rõ là không thể tránh khỏi. Báo chí Pháp xuất bản tại Hà Nội lúc bấy giờ cho rằng, nguyên nhân Hội nghị Đà Lạt tan vỡ là do “một Bộ trưởng Cộng sản” gây nên. Không nghi ngờ gì nữa, chính thái độ khi cứng rắn, khi mềm dẻo của Võ Nguyên Giáp, Phó Trưởng đoàn Việt Nam đã khiến báo chí phương Tây đặt cho ông biệt hiệu “Ngọn núi lửa phủ tuyết”.
Ngày 11.5.1946 – ngày cuối cùng của Hội nghị Đà Lạt, phái đoàn Pháp chịu đem vấn đề thống nhất ba Kỳ ra hội nghị. Phái đoàn Việt Nam nhận thấy rõ Chính phủ Pháp không chịu để Việt Nam độc lập. Còn vấn đề thống nhất, Pháp vẫn muốn “chia để trị” – chính sách thực dân quen thuộc của họ. Các thành viên phái đoàn Việt Nam đều buồn và tư lự vì kết quả của cuộc điều đình.
Đại diện phái đoàn Pháp nói, hôm nay bàn hai vấn đề: dân thiểu số và trưng cầu dân ý. Một viên công sứ cũ đứng dậy giảng giải lâu vấn đề dân nào là thiểu số, có phong tục riêng, không thuộc Việt Nam, nước Pháp phải bảo hộ, che chở. Thâm ý của Pháp là muốn tách đất Tây Nguyên thành nước riêng thuộc Pháp.
Võ Nguyên Giáp:
- Việc ấy là việc nội trị của chúng tôi. Chính phủ đã có chương trình và đã thi hành chương trình ấy.
- Việc này là bổn phận của nước Pháp. Nước Pháp có trách nhiệm trước mặt hoàn cầu. Việt Nam cũng phải nhận có cuộc trưng cầu dân ý riêng về các dân tộc thiểu số.
Đại diện Pháp tiếp tục:
- Nước Việt Nam không phải gồm ba xứ. Thành phần nó là tùy theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Cuộc trưng cầu dân ý sẽ chỉ tổ chức ở Trung Kỳ và Nam Kỳ. Chính phủ Việt Nam không được dự vào chính trị của hai xứ ấy trước khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ấy thuận. Phái bộ Việt Nam không có quyền bàn gì đến nội trị các xứ ấy. Nước Pháp sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý và sẽ rất công bằng.
Các thành viên phái đoàn Việt Nam rất tức giận, nhất là khi nghe đại diện Pháp nói “các anh không có điều gì được nói trong vấn đề này”. Không khí cuộc họp hết sức căng thẳng. Võ Nguyên Giáp bỗng đứng phắt dậy, dõng dạc tuyên bố:
- Nếu các ông cố tình phá hoại cuộc thương thuyết để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành mảnh đất buộc người Pháp các ông phải đền tội!
Nói xong, ông cắp cặp bước nhanh ra khỏi phòng họp trước con mắt sửng sốt của các thành viên hai phái đoàn. Ra khỏi phòng, Võ Nguyên Giáp quay lại đóng cửa đánh “sầm”. Nhiều thành viên của phái đoàn Pháp, trong đó có tướng Salan kinh ngạc.
Người Pháp đã biết thế nào là cơn giận dữ của “Ngọn núi lửa phủ tuyết”. Cũng trong Hội nghị ấy, ông đã nghiêm khắc cảnh cáo họ: Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố kết liễu vĩnh viễn thời đại của các quan toàn quyền!
Trước đó, vào ngày 26.8.1945, Võ Nguyên Giáp đã có cuộc gặp với Sainteny – đại diện Chính phủ Pháp. Cuộc gặp đã được L.A. Patti, một sỹ quan tình báo Mỹ, kể lại rất thú vị trong cuốn sách Tại sao Việt Nam (Why Vietnam?).
Ông Giáp tới trên một chiếc xe mui kín đen bóng, có vệ sỹ đi kèm. Ông mặc bộ đồ trắng thường ngày, cà vạt sẫm. Đường hoàng, trang nghiêm và tự tin, ông Giáp tiến vào cửa chính, ở đó có một sỹ quan Pháp đang chờ.
L.A. Patti nhận xét, đối diện với ông Giáp, tài ngoại giao của Sainteny chắc chắn đang ở trong chiều hướng suy tàn tầm thường nhất. Ông ta lên giọng bằng một bài diễn văn gia trưởng về sự xử sự của người An-na-mit, rằng tại sao Việt Minh đã liều lĩnh làm cho thế giới biết sự có mặt của người Pháp ở Đông Dương từ lâu đã không được hoan nghênh nữa. Sainteny nói, ông ta sẽ theo dõi một cách cảnh giác các hoạt động của cái gọi là Chính phủ lâm thời và sẽ tự mình đánh giá công sức của các nhân viên chính phủ đó trong việc cai trị Đông Dương sau chiến tranh.
Trong không khí như vậy, ông Giáp có thể hiên ngang bước ra khỏi phòng bất cứ lúc nào. Song, Võ Nguyên Giáp – “Ngọn núi lửa phủ tuyết” đã tự kiềm chế một cách tuyệt đối và bằng một thứ tiếng Pháp hoàn hảo, ông nói ông đến đây không phải để nghe diễn thuyết, cũng không phải để biện minh cho các hoạt động của Việt Nam mà ông đến là theo lời mời mà ông cho là đại diện của “Chính phủ Pháp mới”, do đó ông sẵn sàng tham gia một cuộc trao đổi thân mật. Lần đầu tiên trong đời mình, Sainteny đối mặt với một người Việt Nam đã dám dũng cảm đương đầu với người Pháp, thái độ của ông ta nhụt hẳn đi. Lúc ấy, ông ta không hề biết là đã đụng đầu với người mà sau này lịch sử ghi nhận con người ấy đã làm tan rã một cách cơ bản chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương.
Khi Hồ Chí Minh cử ông đi Hải Phòng gặp tướng Leclerc nhằm thảo luận về các biện pháp thi hành điều khoản quân sự Hiệp định 6.3, ông không muốn đi, vì không muốn gặp mặt Leclerc và ông đề nghị cử Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Hồ Chí Minh không đồng ý và nói:
- Chú làm chính trị không phải việc nào thích mới làm. Đại diện Chính phủ ta phải là chú.
Thế là ông chuẩn bị đi Hải Phòng, song vẻ mặt không vui. Thấy vậy, Hồ Chí Minh cười nói:
- Chú Văn, sao chuẩn bị đi ngoại giao mà bộ mặt cứ lầm lỳ thế kia. Chú nhìn vào gương, thử cười lên xem nào!..
Và ông đã nói với viên tướng Pháp:
- Chúng ta đều là quân nhân, vậy ông có muốn nghe những lời nói thẳng không?
- Đồng ý.
- Các ông luôn miệng nói đến hòa bình và hợp tác, vậy mà dưới con mắt của người Việt Nam chúng tôi, việc làm của các ông không thể đánh giá gì khác hơn là hành động của những kẻ xâm lược…
Võ Nguyên Giáp – “Ngọn núi lửa phủ tuyết”. Lời nói của ông cho đến nay vẫn mang tính thời sự.

No comments:

Post a Comment