Sunday 13 October 2013

Ngô Minh: Tướng Giáp trong tôi

Bài của Ngô Minh:

VÌ SAO TÔI VIẾT “TƯỚNG GIÁP TRONG TÔI” ?
Ngô Minh
Tướng Giáp trong tôi là cuốn truyện ký tôi viết riêng về Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Quân dội nhân dân Việt Nam, do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tháng 6/2013. Từ năm 1995, sau Đaị hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V, tôi bắt đầu viết hàng chục bài về Đại tướng. Khi thì một truyện ký, ghi chép, khi thì bài thơ, hay bài giới thiệu trường ca đầu tiên về Tướng Giáp của Hoàng Bình Trọng, bài bình về hai câu thơ cách tân của nhà thơ Bút Tre: Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên / Giáp ta thắng trận Điên Biên trở về…”, hay vai trò của Đại tướng là linh hồn của Đường Hồ Chí Minh trên biển v.v. Tôi là người khái tính, không quen viết những cái ngoài mình. Tôi chưa bao giờ làm thơ ca ngợi bất cứ một vị lãnh tụ Việt Nam nào ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau tết âm lịch Quý Tỵ, tôi bỗng có linh cảm Đại tướng sẽ đi xa mãi mãi không biết lúc nào, vì ông đã 103 tuổi, đại thượng thọ, vị tướng còn sống duy nhất trong 50 vị tướng thiên tài mọi thời đại của nhân loại, đã nằm Bệnh viện quân y 108 suốt mấy năm nay. Vì thế tôi đã sửa chữa, nâng cấp các bài viết, thơ, tập hợp lại thành cuốn sách Tướng Giáp trong tôi. Lúc đầu tôi lấy tên sách là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tôi, nhưng như thế nghe khách sáo quá. Thực tình thì tôi đã hai lần gặp Đại tướng, đã đến thăm nhà, chụp ảnh chung với Đại tướng và đã đọc thơ cho ông nghe. Tôi coi Đại tướng như một người Chú (Đại tướng thua ba tôi 8 tuổi), hơn nữa tôi là một người lính của ông, nên lấy tên sách Tướng Giáp trong tôi sẽ gần gụi, thân mật hơn. Tôi phải ấn hành cuốn sách khi ông đang còn sống, nếu không người ta sẽ nghĩ rằng: ”Người chết rồi thì nói thế nào mà chẳng được!”. Cuốn sách này đã được giới thiệu kỹ trên 2 blog Quà tặng xứ mưa: ngominh.vnweblogs.com và ngominhblog.wo rdpress.com trong tháng 6 và tháng 7-2013.

Trong nhận thức của tôi, nước Việt Nam thế kỷ XX có nhiều biến cố và nhân vật quan trọng góp phần làm nên diện mạo lịch sử đất nước và ảnh hưởng đến cả lịch sử thế giới. Nhưng rồi tất cả sẽ chỉ còn trong ghi chép lịch sử, đối với tôi, chỉ có hai con người vĩ đại sống mãi, không chỉ trong sách vở mà cả trong lòng người dân Việt Nam và thế giới. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó rất nhiều nhà sử học uyên bác, học giả lớn của thế giới khẳng định, mặc dù có nhiều người trong họ nhiều năm là người đối địch với hai nhân vật vĩ đại trên. Nhận thức đó tôi đã trình bày rõ trong Lời thưa đầu sách và đã được biên tập viên và Tổng biên tập NXB Thuận Hóa đồng tình.
Tôi biết, đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những lúc bị những thế lực cực đoan trong lãnh Đảng Cộng sản cô lập, mưu toan loại ông ra khỏi vai trò Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam để họ điều khiển cuộc chiến theo ý mình, như cuộc Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968. Nhưng tất cả họ đã thất bại. Cuối cùng Cuộc Tổng tấn công Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn phải do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của ông chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, xốc tới, quyết chiến, quyết thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Sau năm 1975, họ còn bày ra cả vụ án “Năm Châu-Sáu Sứ” để mưu triệt hại ông, loại ông ra khởi guồng máy chính trị đất nước. Họ cho ông là người phản quốc, làm tay sai cho thực dân Pháp. Những tháng ngày đó, tôi cứ tự hỏi: Một vị Tổng tư lệnh đã chỉ huy quân đội đánh thắng cả hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ, sao lại là tay sai cho chúng được? Thậm vô lý. Điều tệ hại là những người mưu hãm hại Đại tướng đều là những người lính xưa, dưới trướng của ông. Nhưng rồi mọi việc cũng được sáng tỏ đôi phần và những kẻ mưu hại ông một lần nữa thất bại. Giá mà lãnh đạo đảng Công sản các khóa sau này, xét lại vụ án này cho rõ trắng đen như thư của Đại tướng đề nghị mấy lần lúc sinh thời thì minh bạch biết bao nhiêu.
Trong tập sách Một trăm ngày vượt Trường Sơn, viết về những ngày vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc của tôi, tôi đã xúc động viết một đoạn về Tướng Giáp khi gặp một bức hình của Đại tướng dán ở một binh trạm. Đó là tấm hình Đại tướng ngồi võng đung đưa trên đường Trường Sơn khi vào thị sát để chỉ huy chiến dịch Đường 9- Nam Lào năm 1970. Vì vậy trong tập sách đó tôi về Đại tướng. Sau này, đọc tài liệu tôi mới biết chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tác giả của Nghị quyết 15 trình Bộ Chính Trị về tiến hành đấu tranh quân sự chính trị để giải phóng miền Nam năm 1960; cũng chính Đại tướng đề xuất với Bác Hồ mở đường Hồ Chí Minh với việc thành lập “Đoàn vận tải quân sự Quang Trung”, tiền thân của Binh Đoàn 559 và cử ông Võ Bẩm, là cán bộ quân sự trưởng thành ở chiến trường Liên khu 5, đã từng vượt Trường Sơn thời chống Pháp, làm đoàn trưởng. Đại tướng cũng là người ra lệnh mở đường vận tải trên biển từ năm 1960, mà sau này thường gọi “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, chính Đại tướng sau chuyến đi thị sát chiến trường vùng Nam Khu Bốn năm 1969 bằng máy bay trực thăng, đã quyết định mở đường lên Tây Trường Sơn và sử dụng cả ô tô để vận tải, nhằm đưa nhanh hàng đến với các chiến trường miền Nam. Hồi mới giải phóng tôi rất ngạc nhiên khi đọc sách “Đại thắng mùa Xuân” của tướng Văn Tiến Dũng không thấy dòng nào nói về về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả. Năm 2000, đọc sách Đại thắng mùa xuân ở Tổng hành dinh của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, mới hay tướng Giáp là người Tổng chỉ huy toàn bộ cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Năm 1975, ông đã tán thành ý kiến đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược và cử tướng Văn Tiến Dũng vào Nam để đánh đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột. Đại tướng đã đề xuất Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh và cử tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, các tướng Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân gồm 20 sư đoàn giải phóng Sài Gòn. Võ Nguyên Giáp hết lòng yêu thương chiến sĩ và không ít lần Người đã khóc trước thương vong của bộ đội, nhân dân trong chiến tranh. Thượng tướng Trần Văn Trà viết rằng: ”Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếc đến từng giọt máu của lính”. Bởi ông đã từng khóc người cha Võ Quang Nghiêm bị bọn Pháp đày đoạ đến chết ở nhà lao Thừa Phủ, Huế, vì ông không chịu khuyên con trai của mình về cộng tác với bọn thực dân xâm lược. Ông đã từng khóc thương người vợ Nguyên Thị Quang Thái bị giặc Pháp (bắn) chết (trong tù) bỏ lại đứa con mới mười tháng tuổi. Ông có những nỗi đau mất mát lớn như rất nhiều gia đình Việt Nam, nên ông hiểu nỗi đau của người lính. Đó là chất người rất đậm đặc trong tâm hồn Đại tướng. Đó là sự thật lịch sử mà không có bất cứ ai xoá mờ được. Theo hồi ức của tướng Lê Trọng Tấn, tháng 3- 1975, sau khi ở Buôn Ma Thuột giặc bị thất thủ, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố quyết tử thủ ở Đà Nẵng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh cho Trung tướng Lê Trọng Tấn phải gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày, không cần chờ chiến dịch tấn công Huế thắng lợi. Vì nếu kéo dài, địch co cụm sẽ gây tổn thất lớn cho chiến sĩ ta. Trung tướng Lê Trọng Tấn giải trình là đánh 3 ngày rất khó, Võ Nguyên Giáp đã “nổi giận”. Tướng Lê Trọng Tấn kể lại: ”Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp tôi thấy anh Văn nổi giận với tôi” . Và Đà Nẵng đã được giải phóng chưa tới 3 ngày. Ông dặn các tướng lĩnh dưới quyền: ”Một người chỉ huy giỏi là một người đánh thắng kẻ thù nhưng ta thương vong thấp nhất, đổ xương máu ít nhất. Sinh mạng của con người là vô giá và không gì có thể bù đắp được nỗi đau mất mát trong chiến tranh”, Đại tướng tâm sự với hoạ sĩ Cù Huy Hà Vũ khi hoạ sĩ vẽ chân dung cho mình rằng: ”Tựu trung lại là phải giành thắng lợi tối đa với xương máu tối thiểu. Tôi là Võ nhưng lại là Văn vì tôi thương người, thương anh em chiến sĩ lắm”. Vâng, Võ mà Văn. “Anh Văn” là cái tên thân mật của Đại tướng mà quân và dân cả nước thường trìu mến gọi. “Văn” . Văn tức là “Nhân văn” – Đó là cội nguồn của Thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp!
Qua các binh trạm Trường Sơn bộ đội thường nhắc đến những câu nói nổi tiếng của tướng Giáp “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Võ Nguyên Giáp là một vĩ nhân, một thiên tài quân sự không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới trong mọi thời đại, nên không thế lực nào che mờ được hình ảnh vị Tổng Tư lệnh trong lòng nhân dân. Mỗi người lính như tôi luôn ngưỡng mộ Đại tướng. Tôi coi bức ảnh Đại tướng thăm bộ đội Trường Sơn là một niềm an ủi lớn đối với những người vượt Trường Sơn một thời. Võ Nguyên Giáp thiên tài, từng đánh bại hàng chục đại tướng của Pháp và Mỹ, chưa kể đám tướng lĩnh quân đội Sài Gòn và trung với nước như thế, sao lại một thời có kẻ mưu xoá tên ông, hình ảnh ông khỏi lịch sử?. Có lúc ông không còn được tin dùng. Có lần ở Huế, không hiểu được lệnh ai, một tay tự xưng là nhà văn quân đội từ Hà Nội vào và được tỉnh tổ chức tập trung hàng trăm cán bộ cốt cán (cả đương chức cả về hưu) để cho hắn nói xấu đại tướng Võ Nguyển Giáp suốt buổi liền, gây xôn xao trong dư luận nhân dân. Trong dân gian lúc đó có câu ca dao “Nhà thơ làm kinh tế, Thống chế đi đặt vòng”. Đó là chuyện bi hài và đau xót của dân tộc trong thời tao loạn. Những lúc như thế Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn ung dung bình tĩnh, đặt quyền lợi của Đất nước và của Đảng lên trên hết. Nhưng Đại tướng là Tổng tư lệnh của lòng dân. Mà nhân dân chính là chủ nhân của lịch sử. Cỏ làm sao che được mặt trời!”. Cứ đọc sách Bên thắng cuộc của nhà báo Huy Đức (Phần 2: Quyền Bính, chương 15) thì sẽ rõ hơn những điều tôi đã viết.
Thế mà, ngay cả sau này, năm 2010, trong lễ Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, trong báo cáo tổng kết lịch sử của Bộ Tư lệnh Hải quân không một lần nhắc đến tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả cuốn sách Huyền thoại tàu không số của nhà văn Đình Kính viết theo đơn đặt hàng của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân cũng không có một dòng nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lẽ nhà văn khả kính mà tôi rất nể trọng này đã viết theo ý của người đặt hàng chăng? Vì việc đó mà trong cuốn sách Cổ tích tàu không số (NXB Hội Nhà văn năm 2011), tôi đã có hai chương viết về vai trò của Đại tướng Tổng tư lệnh tối cao. Đó là chương Linh hồn của đoàn tàu không số và chương Giải phóng Trường Sa. Rõ ràng không có Võ Nguyên Giáp thì không thể có thắng lợi vang dội của những con tàu không số bí mật vận chuyển vũ khi vào Nam trên biển Đông. Cũng không thể có việc nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa trước con mặt thèm khát của giặc ngoại bang. Tư tưởng và đánh giá của tôi về Đại tướng đã được NXB Hội Nhà văn đồng thuận .
Sau này làm sách Tướng Giáp trong tôi, tôi cũng đưa lại hai chương này vào sách để cho người đọc hiểu rõ hơn về sự thiên tài của vị tướng kiệt xuất của dân tộc. Cho đến hôm nay, đã 4 tháng sau khi phát hành, kể cả Cục xuất bản của Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch qua thẩm định, không ai có ý kiến gì về những nhận định, đánh giá chủ quan của tôi về Đại tướng Tổng Tư lệnh tối cao Võ Nguyên Giáp. Mới hay, viết sách là để nói lên sự thật lịch sử, chứ không phải để “đánh bóng danh tiếng”. Tôi đã cho ấn hành cuốn Tướng Giáp trong tôi với mục đích tối hậu đó.


No comments:

Post a Comment