Nhân cái chết mới đây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người ta tìm đủ mọi cách để suy tôn ông, có người đòi phong ông là Nguyên soái, hay Đại nguyên soái, có người muốn truy tặng ông là Anh hùng dân tộc, rồi những bàn luận về chọn đường nào để đặt tên Đại tướng. Rồi người ta phát hiện ra tên tuổi của Đại tướng không hề được nhắc đến trong sách giáo khoa phổ thông, cứ như sách này mới in ra sau khi Đại tướng mất chứ không phải sách được sử dụng từ nhiều năm nay. Điều mỉa mai là một số kiến nghị của chính Đại tướng khi Người còn sống thì không ai xem xét để trả lời. Ngoài Hồ Chí Minh là người thầy của Đại tướng đã ban tặng quân hàm Đại tướng cho ông năm 1948, ai là người xứng đáng để truy tặng ông các danh hiệu này khác đây. Hãy dừng các việc vô bổ lại để giải quyết các việc cấp thiết hơn của quốc kế dân sinh.
Chợt liên hệ đến V.I. Lenin, khi đọc bài này, N. Krupskaya, vợ Lenin đã bất lực kêu gọi như sau: "Tôi có đề nghị lớn đến các đồng chí. Đừng xây dựng những đài tưởng niệm cho ông, đừng lấy tên ông đặt cho những cung điện, đừng tổ chức những lễ hội tưởng nhớ ông. Các đồng chí đừng quên chúng ta còn thiếu thốn đến mức nào, còn phải chấn chỉnh biết bao nhiêu điều. Nếu muốn kính trọng tên tuổi Vladimir Ilyich, các đồng chí hãy xây nhà cửa, bệnh viện, nhà dưỡng lão cho những người tàn tật, và điều quan trọng nhất: hãy thực hiện di chúc của ông trong mọi việc."
Sao mà nó giống với những gì xảy ra cái chết của Hồ Chí Minh năm 1969, và gần đây hơn Võ Văn Kiệt năm 2008, những ý nguyện cuối cùng của người đã mất không được tôn trọng, người ta lấy tên người đã mất để đặt cho thành phố, quốc lộ, đại lộ, đường phố, người ta lập những bảo tàng, những khu lưu niệm quy mô, và người ta tổ chức các buổi lễ kỷ niệm, những buổi 'hội thảo khoa học'.
Nhược bằng gia đình không thể chống lại các quyết định mang tính hành chính của chính quyền, đừng lấy tên Đại tướng để đặt một con đường, con đường nào rồi cũng dễ xảy ra tệ nạn đã thành phổ biến trong xã hội ngày nay như cướp giật, buôn bán ma túy v.v. đừng để tên Đại tướng phải gắn với tệ nạn đáng xấu hổ đó. Nếu không thể từ chối, hãy lấy tên Đại tướng để đặt cho một có sở giáo dục: một học viện, một trường đại học, một trường trung học, hay kể cả một trường trung học cơ sở, tiểu học, ngày xưa trước khi là Đại tướng, Người đã từng là một giáo viên (bộ môn Sử học ở trường Thăng Long), và nhà trường luôn gắn với một ý nghĩa, một mục đích tốt đẹp: mang đến nền học vấn, nhân cách, đào tạo con người cho xã hội.
No comments:
Post a Comment