05/10/2013
Đại tướng Võ Nguyên Giáp như tôi đã biết
Lê Phú Khải
Đầu năm 1994, tôi đang làm giảng viên cho một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Đài Phát thanh tỉnh Sóc Trăng thì Tuất Việt Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng nhắn tôi cố về sớm để giúp anh đi Điện Biên, chuẩn bị bài vở nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994).
Lúc tôi đứng chờ làm thủ tục để ra sân bay, có tiếng một người đàn ông đứng sau hỏi:
- Anh cũng biết đại tướng đi chuyến này à?
Tôi quay lại thì thấy một người đàn ông đeo lon thiếu tướng và sau ông là mấy vị đeo lon đại tá, cuối cùng là một cô đầm trẻ và rất đẹp, mắt xanh biếc. Thấy vị thiếu tướng mặt khó đăm đăm, nhìn tôi vẻ soi mói, tôi trả lời ông nửa đùa nửa thật: Có lẽ đại tướng thấy tôi đi chuyến này nên ông cũng đi (!). Sau câu trả lời của tôi, mấy vị quân nhân đứng đó đều tỏ ra bất bình. Có lẽ mấy vị ấy cho tôi là “phạm thượng”! Sau này tôi mới biết, vị đeo lon thiếu tướng đó là ông Cao Pha, Cục phó Cục Quân báo, đã cùng Đại tướng chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên năm xưa. Các vị Đại tá kia đều là các cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Cô đầm xinh đẹp kia là Catherine Karnow, phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng Mỹ, tất cả đều đi tháp tùng Đại tướng trong chuyến máy bay lên thăm Điện Biên nhân sắp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lúc lên máy bay thì rộng thênh thang. Chiếc Airbus hơn 70 chỗ ngồi này chỉ chở có vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mấy vị tôi vừa gặp, ngoài ra còn mấy người khác là đạo diễn Trí Việt, quê Bến Tre, một trong ba người Nam Bộ dự trận Điện Biên năm xưa, nhà văn Triều Dương ở báo Văn nghệ, Hội Nhà văn và hai bố con một ông già. Đây là chuyến chuyên cơ đăc biệt do chính Tổng cục trưởng Hàng không Việt Nam Nguyễn Hồng Nhị lái chở vợ chồng Đại tướng lên thăm lại chiến trường xưa sau 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Những người đi tháp tùng là quân nhân và nhà báo thì không có gì đáng ngạc nhiên. Còn ông già để râu dài, đeo kính râm và người thanh niên đi cùng là ai khiến tôi phải đến hỏi. Ông cụ hóm hỉnh nói, tôi là Dư Văn Tư, đã 76 tuổi, là “tư lệnh một khẩu pháo” trong chiến dịch Điện Biên Phủ (khẩu đội trưởng một khẩu pháo). Sau chiến dịch Điện Biên, cụ Tư ở lại làm công nhân nông trường Điện Biên và định cư ở chiến trường cũ này. Nay cụ về Hà Nội mổ mắt nên có anh con rể đi theo. Vì là chiến sĩ Điện Biên năm xưa nên cụ được ưu tiên mua vé để đi chuyến chuyên cơ đặc biệt này, nếu không phải nằm chở ở Hà Nội 3 ngày nữa vì lúc đó chỉ hàng tuần chỉ có 2 chuyến bay dân dụng Hà Nội-Điện Biên Phủ. Vậy là tôi cũng là người được “ưu tiên” mua vé đi chuyên cơ này. Và, một điều thú vị là trên máy bay hôm đó có đến hai vị tư lệnh, một Tổng Tư lệnh của cả chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và một “tư lệnh một khẩu pháo”! Còn gì thú vị hơn cho một nhà báo mà trên một chuyến bay được gặp hai vị tư lệnh cùng một lúc như thế. Sau khi phỏng vấn “tư lệnh một khẩu pháo”, chụp hình vị tư lệnh râu dài, đeo kính đen và cậu con rể đi tháp tùng, tôi còn được biết địa chỉ của người cựu chiến binh này ở Phường Him Lam để “đến chơi làm ly quốc lủi” như lời mời của chủ nhân. Rời hàng ghế của “tư lệnh một khẩu pháo” tôi đến chào Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Gíap và phu nhân Đặng Thị Hà. Sau khi trình Đại tướng thẻ đặc phái viên báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi nói: Thay mặt Tổng biên tập Sài Gòn Giải Phóng Vũ Tuất Việt, tôi kính mời Võ Đại tướng đến thăm tòa soạn báo dịp 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng niềm nở cười. Tôi không ngờ lại thực hiện được lời mời của Tổng biên tập Vũ Tuất Việt sớm như thế. Theo lời dặn của ông, sau chuyến đi Điện Biên tôi phải đến nhà riêng Đại tướng để mời dùm ông. Nhưng câu trả lời của Đại tướng phu nhân hôm đó làm tôi bất ngờ và suy nghĩ. Bà Hà nói: “Đã là báo Đảng mời thì nhất định anh Văn phải tới!”.
Tôi rất bất ngờ về chữ “phải”. Sao lại có sự khiêm tốn đến quá mức như thế? Sao lại “phải” tới đôi với một vị tướng lừng danh thế gian này! Và quả thật sau đó Đại tướng có vô Thành phố Hồ Chí Minh, thăm tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng khiến Tuất Việt rất phấn khởi.
Rời hàng ghế của Đại tướng, tôi đến ngồi bên cạnh cô đầm xinh đẹp. Cô này nói được tiếng Pháp bập bẹ như tôi. Qua cuộc đối thoại có sự “giúp đỡ” của tay chân, điệu bộ, tôi được biết cô là một phóng viên nhiếp ảnh tự do của Mỹ và vừa nhận 100 cuộn phim để sẽ chụp trong 1 ngày! Thời kỳ đó có một hãng phim ảnh quảng cáo, tiếp thị bằng cách biếu các phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng các nước 100 cuộn phim và phải chụp hết trong 1 ngày về bất cứ đề tài gì và gửi về cho họ. Sau đó họ sẽ tùy ý sử dụng những tấm ảnh đó và trả công cho các phóng viên. Catherine là một phóng viên đã nhận 100 cuộn phim như thế. Và, cô ta sang Việt Nam, chọn đề tài Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này, các bức hình về Đại tướng được đăng trên các báo Phương Tây, kể cả ở Việt Nam, tôi đọc thấy tên Catherine ở bên dưới và nhận ra là các tấm hình ấy cô đã chụp trong chuyến đi đó. Cũng không ngờ tôi trở thành “địch thủ” của Catherine trong những ngày sau. Đó là ngày đầu tiên ở Điện Biên, các nhà báo chúng tôi đi theo tướng Gíap thăm lại chiến trường xưa. Khi thăm và làm việc với Bảo tàng Điện Biên, tướng Giáp ngồi nói chuyện với cán bộ bảo tàng, có cả Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu dự. Ngày hôm đó cũng là ngày Catherine thực hiện chụp 100 cuộn phim, có nghĩa là phải bấm máy 3.600 lần trong ngày. Vì thế cô bấm máy liên tục. Tướng Giáp chỉ đi ba bước là cô bấm một kiểu ảnh. Có lẽ tướng Giáp biết chuyện này nên ông luôn miệng hỏi: “Quelle couronne?” (cuộn thứ mấy rồi?). Khi tướng Giáp ngồi nói chuyện với cán bộ công nhân viên bảo tàng, tôi đứng sau, luồn tay đưa cái máy ghi âm ra phía trước để ghi âm lời ông nói, Catherine đã xông lên, giằng tay tôi ra để cô chụp cho đẹp. Tôi đâu có chịu, khi Catherine chạy lại phía trước thì tôi lại luồn tay đưa cái máy ghi âm ra. Cô ta lại chạy tới hất tay tôi ra. Chuyện giằng co như thế làm mọi người rất khó chịu, kể cả tướng Giáp. Tôi quyết định phải “dậy cho Catherine một bài học”, và cũng để chấm dứt cảnh giằng co này. Vì thế, lần thứ ba cô chạy đến giơ tay định làm như lần trước, tôi đã giơ thẳng tay, đánh mạnh vào cánh tay của cô, khiến cô phải kêu á lên một tiếng rồi lùi lại… Sự việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ khiến mọi người sửng sốt, nhưng sau đó lại đâu vào đấy. Từ đó, các cú bấm máy của Catherine đều có hình tôi đứng sau, luồn tay ra phía trước cầm cái máy ghi âm đưa ra trước mặt đại tướng.
Tối hôm đó, chúng tôi lại sang nhà khách mà Tướng Giáp nghỉ để hàn huyên vì khách sạn các nhà báo chúng tôi thuê đối diện ngay với nhà khách Tướng Giáp ở. Đúng như tôi đã dự đoán, Tướng Giáp hỏi tôi: “Sao lại xử sự như vậy lúc ban chiều?”. Tôi đã trả lời vị tướng tài ba này rất “đúng lập trường”: Thưa anh Văn – Tôi bắt chước các tướng lĩnh đi tháp tùng Đại tướng, gọi ông là “anh Văn” – Catherine là phóng viên một nước tư bản, cô ta chụp ảnh để bán lấy tiền, tôi là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi ghi âm để phát cho đồng bào cả nước nghe đài biết là Đại tướng nói gì về việc gìn giữ di tích Điện Biên Phủ. Tôi và Catherine ‘égal’ (bình đẳng) trong việc hành nghề, cô ta làm như thế là coi thường người khác, tôi phải dậy cho cô ta một bài học. Hơn nữa, tôi cũng muốn nói với các đồng nghiệp Việt Nam của mình là: không việc gì phải sợ phóng viên nước ngoài cả. Tất cả đều bình đẳng!. Tướng Giáp đã vỗ vai tôi nói: “Très bien!” (rất tốt).
Từ hôm đó trở đi, mỗi khi gặp tôi ở hành lang khách sạn mà chúng tôi thuê, Catherine đều đi né sang một bên, tránh đối diện với tôi. Kể cũng tội nghiệp cho cô, một cô gái đẹp (!). Tấm hình Trí Việt chụp cho tôi và Catherine khi ngồi trên máy bay chuyện trò vui vẻ tôi vẫn còn giữ đến bây giờ để “nhớ” một kỷ niệm … không vui trong đời làm báo.
Thế là trong suốt ba, bốn ngày ở Điện Biên, tôi và các đồng nghiệp luôn ở bên Tướng Giáp, từ sớm cho đến chiều tối để đi thăm các chiến địa xưa: đồi Him Lam, đồi D1, A1, nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1, các tượng đài mới dựng lên ở Điện Biên v.v., tối về lại quây quần bên ông ở nhà khách để hỏi han, ghi chép. Có một sự kiện như là một điểm nhấn của chuyến đi năm đó là khi Tướng Giáp và chúng tôi vào thăm lại hầm de Castries, Đại tướng xem rất kỹ di tích này. Bất chợt ông chỉ tay vào sát bức tường của một ngách hầm và hỏi: “cái étagère lớn của de Castries ở chỗ này đâu rồi?”. Không ai trả lời. Đại tướng hỏi lại lần nữa, vẫn không ai trả lời. Đại tướng lại hỏi một lần nữa, nói gần như quát (!). Tôi vội đỡ lời: Đại tướng hỏi cái giá sách của de Castries ở đây bây giờ đâu rồi?. Có tiếng đáp ngập ngừng: Thưa… đốt rồi ạ !!!. Tất cả lại lặng im . Đại tướng căn dặn phải giữ gìn tất cả những hiện vật của trận Điện Biên năm xưa. Nhưng “điểm nhấn” là câu hỏi cuối cùng của ông: “Hầm tướng giặc thì được ta tạo làm di tích lịch sử để thăm quan, còn hầm của tướng ta thì bây giờ ra sao? Nhân dân sẽ hỏi các đồng chí, hầm của tướng ta đâu, không lẽ chỉ có hầm tướng giặc thôi à?”. Tất cả mọi người có mặt trong hầm de Castries hôm đó đều lặng đi. Mọi người thấy Đại tướng nói đúng quá, có lý quá!.
Sáng hôm sau người ta tổ chức để Đại tướng đi thăm lại hầm Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, cách thung lũng Điện Biên 10 km đường chim bay, đi đường bộ mất 25 km, nhưng đường bộ đã bị “lãng quên”, hư hại, xe ô tô đi rất khó khăn. Nghe tin Đại tướng đi Mường Phăng, sáng sớm hôm sau hai phóng viên Hãng Truyền hình Nhật Bản đã thuê 1 xe U-Oát (UAZ) lên đường từ sớm. Catherine cũng đã thuê được một xe đi từ sớm. Tôi không có tiền thuê xe đành bám theo Đại tướng để xin đi trực thăng. Nhưng thật “đau khổ”, trực thăng của quân khu nổ máy mấy lần mà cánh quạt vẫn… đứng yên (!). Người ta phải đem kìm, búa ra chữa. Tiếng búa đập vang dội cả một góc rừng (!), vậy mà máy bay trực thăng vẫn ì ra, không chịu nhúc nhích cánh quạt (!). Đến quá trưa vẫn chưa chữa xong máy bay (!), trong khi đó thì đồng bào Mường Phăng đã dậy từ sớm chờ Đại Tướng lên thăm! Nản quá, tôi về khách sạn nằm, đọc tiếp cuốn “Lịch sử Đảng bộ Điện Biên” do Phó Ban Tuyên huấn Huyện ủy Ngô Phong, người biên soạn cuốn sách tặng tôi hôm trước.
Đến 2 giờ chiều thì máy bay trực thăng của không quân từ Hà Nội bay lên, và đến 4 giờ chiều hôm đó thì đồng bào Mường Phăng hân hoan đón Đại tướng.
Nguyễn Trí Việt, dân Bến Tre dự trận Điện Biên Phủ, anh là Chính trị viên Đại đội xung kích 245, Tiểu đoàn 11 Phủ Thông, Trung đoàn 141 Ba Vì, Đại đoàn 312, từng chỉ huy kéo pháo vào kéo pháo ra ở Điện Biên Phủ năm đó. Từ sớm hôm đó anh đã thuê được một chiếc mô tô Minsk, thứ xe mô tô do Liên Xô sản xuất leo đồi rất tốt để lên Mường Phăng. Anh kể, từ sáng sớm đồng bào Mường Phăng đã tập hợp trên một bãi đất rộng mà xưa kia Đại Tướng từng duyệt binh sau chiến thắng Điện Biên để đón Đại tướng. Nhiều người mang theo trứng gà và mật ong để biếu Đại tướng. Đồng bào đã kiên trì đứng từ sáng tới 4 giờ chiều dưới nắng để chờ, ai cũng sợ bỏ đi thì không kịp quay lại để nhìn thấy Đại tướng. Hai phóng viên truyền hình Nhật Bản đã đứng cả ngày, cởi áo để che nắng cho máy quay phim chở Đại tướng đến là bấm máy… Trí Việt nói một hơi rồi anh vén quần lên, chỉ vào vết thương ở đầu gối nói: Tao ngồi sau xe Minsk, gặp cái ổ gà lớn quá, xe xóc, văng tao té xuống đất, đầu gối va vào cục đá, máu túa ra… Vậy là hai lần tao bị thương trong đời đều ở Điện Biên, cách nhau 40 năm, trước là ở đồi Him Lam, sau là trên đường vào Mường Phăng!
Vậy là cho đến năm 1994, khi bước lên chiếc chuyên cơ đi Điện Biên, thấy vợ chồng Tướng Giáp ngồi thủ thỉ nói chuyện với nhau ở hàng ghế giữa máy bay, người am hiểu chính trường ở Việt Nam mới hết lo cho số phận của ông tướng nổi danh cả thế giới này.
Vì, các đối thủ nổi danh của ông đã chết hết, hoặc còn sống thì cũng không còn đủ thế lực để tác oai, tác quái với ông nữa. Những người yêu mến ông trong bộ máy quyền lực đã hết sợ ‘mang vạ” vào thân nên đã mỉm cười với ông. Hiển nhiên là ông đang ngồi trên chuyến chuyên cơ này để về thăm lại chiến trường xưa.
Kể từ sau 1975, khi Lê Duẩn, Lê Đức Thọ nắm toàn bộ quyền lực trong tay thì số phận của“ Vainqueur de Điện Biên Phủ” (người chiến thắng Điện Biên Phủ) như báo chí Phương Tây thường gọi là vô cùng cay nghiệt. Nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ 5, ông bị loại hẳn ra khỏi Bộ Chính trị, cho đến năm 1983 được Hội đồng Bộ trưởng phân làm “Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch”, thì sự cay đắng đã được đẩy đến tận cùng.
Nhưng ông đã tôn thờ chữ “nhẫn” để tồn tại và… thời gian đã ủng hộ ông.
Tôi nhớ, vào đầu năm 1991, một nhân vật của kịch Lưu Quang Vũ trên sân khấu nói một câu rất bình thường: - Vậy là những kẻ khốn nạn cuối cùng cũng phải chết! Cả rạp đã vỗ tay rần rần. Đó là khán giả Hà Nội đã vỗ tay mừng cho Tướng Giáp vì năm 1990 “kẻ khốn nạn” luôn hãm hại Tướng Giáp vừa qua đời.
Trong suốt một thời gian dài tôi đã đọc biết bao thông tin về sự trù úm, hãm hại Tướng Giáp. Người ta hãm hại ông không phải vì sợ ông tranh quyền, cướp vị mà vì sự tồn tại của ông làm lu mờ họ. Khi ông là Đại tướng thì có kẻ mới là viên đại tá vô danh. Vì thế, dù có mưu mô cơ cấu cấp dưới của ông lên đến vị trí cao ngất thì cũng không thể vì thế mà tỏa hào quang. Thôi thì, bôi đen hào quang đi vậy! Vụ án “Bà Sáu Sứ” do Tổng cục II dựng lên là một âm mưu bôi đen không thành đối với Tướng Giáp. Nhờ một ông họ Võ khác là Võ Viết Thanh đã hành động theo lẽ phải và đạo lý… Sẽ còn nhiều bút mực đổ ra để các nhà sử học sau này bàn luận về cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ, hiệu là Hà Sỹ Phu đã có bài thơ tặng Đại tướng nhan đề:
Trăm năm NGUYÊN GIÁP
Tính sổ trời cho đã bách niên
Thử cân hạnh phúc với ưu phiền
Tiếc trang độc lập còn dang dở
Thương chữ quyền DÂN chửa đáp đền
Một đời ái quốc VĂN thành VÕ
Chưa cởi chiến bào GIÁP vẫn NGUYÊN
Nhưng cũng có người đưa ra ý kiến rằng, với Võ Nguyên Gíap thì lịch sử có những “tiêu chuẩn riêng của nó”. Tôi hiểu tác giả viết trên trang mạng Bauxite này muốn nói, độc lập phải đi liền với tự do và dân chủ.
Riêng tôi, chỉ muốn cung cấp cho bạn đọc những điều mắt thấy tai nghe về những điều trắng trợn đến vô lý mà người ta đã đối xử với Đại tướng. Những điều mà chỉ có thể xầy ra trong một thể chế độc tài, chuyên chế của một vài cá nhân mà thôi. Và, trong một thể chế như thế thì dù một người có tài, có đức, hào quang cùng mình như Võ Nguyên Gíap vẫn không thoát được hiểm họa. Một thể chế đem đến bi kịch cho tất cả mọi người.
…Vào những năm tám mươi ở Tiền Giang, Giám đốc xí nghiệp dược liệu Quân khu 9, trong đó có Trại nuôi rắn Đồng Tâm nổi tiếng khắp vùng là Trần Văn Dược, tức Tư Dược. Một lần Đại tướng đến thăm Trại rắn Đồng Tâm, phóng viên nhiếp ảnh của Phân xã Tiền Giang là anh Thái, sau cuộc viếng thăm của Đại tướng, có đem một tấm hình Đại tướng và Tư Dược phóng to để biếu Trại Đồng Tâm làm kỷ niệm. Tư Dược đem tấm hình ấy trưng bày ở phòng khách của Trại. Cái tin này đã được báo về Quân khu 9. Lệnh của Quân khu đưa về là Tư Dược phải cất gỡ cái hình đó xuống (!). Tư Dược gỡ xuống và đem về phòng làm việc riêng của mình treo. Ông tuyên bố: “Đứa nào vào phòng ông gỡ tấm hình này xuống thì ông nổ sung liền!” Khi tôi đưa nhà báo Hữu Thọ - Báo Nhân Dân và nhà báo Thái Duy – Báo Đại Đoàn kết đến Trại rắn tham quan, Tư Dược kể lại chuyện này với hai nhà báo ở Trung ương. Thái Duy, tức nhà văn Trần Đình Vân, tác giả cuốn sách “Sống như Anh” viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi – đã nổi nóng đập bàn quát: “Đứa nào ra cái lệnh ấy, anh nói tên nó cho tôi, tôi sẽ đưa nó lên mặt báo!”
Khi tôi đưa đoàn cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh xuống tham quan Trại rắn nhân cuốn sách “Rắn độc trong tay người” của tôi viết chung với một người bạn, được Nhà xuất bản Trẻ phát hành viết về người giám đốc tài ba này thì… ông vừa bị cách chức. Tôi kể lại câu chuyện tấm hình có hình Đại tướng… mọi người đã khuyên tôi: là một nhà báo anh phải ghi chép để viết về câu chuyện bẩn thỉu này!
Trước lúc ra đi, Tư Dược có nhắn tôi và nhà báo Hải Bình ở Phân xã Tiền Giang đến gặp ông… để trăn trối… về tấm lòng của một chiến sĩ với vị Tổng Tư lệnh của mình.
Ở tận phía Nam của Đất nước thì câu chuyện về Tướng Giáp là thế. Còn ở miền núi xa xôi Tây Bắc thì Ngô Phong tâm sự với tôi, dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên, anh nhận được chỉ thị là không được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Điện Biên. Anh và các cán bộ lãnh đạo của huyện Điện Biên buồn lắm nhưng không biết làm sao cả. Vì thế, đợt kỷ niệm 40 năm này, không thấy có chỉ thị đó nên anh, với tư cách là Ban Tuyến huấn huyện Điện Biên đã về tận Hà Nội, đến tận nhà riêng Đại tướng để mời ông lên thăm lại chiến trường xưa. Ngô Phong là người rất “dễ thương” theo cách nói của Nam Bộ. Anh chính là con đẻ của chiến thắng Điện Biên Phủ theo đúng nghĩa “con đẻ”. Bố anh là bộ đội đánh trận Điện Biên sau đó ở lại xây dựng Nông trường Điện Biên và lấy mẹ anh là người Thái. Anh ra đời sau 1954. Đến dịp kỷ niệm này, anh cũng tròn 40 tuổi mụ! Anh cũng chính là người chấp bút cuốn “Lịch sử Đảng bộ Điện Biên” vừa mới phát hành nhân dịp 40 năm. Anh dẫn tôi đi nhiều nơi quanh huyện Điện Biên. Anh tâm sự, cán bộ tuyên huấn ở huyện vất vả lắm. Địa bàn của huyện còn rộng hơn một tỉnh dưới xuôi. Có xã như xã Háng – Lìa chót đầu huyện, cách Mường Thanh, trung tâm của Điện Biên đến 93 km, và …. chỉ có thể đến đó bằng ngựa. Vậy mà anh vẫn phải tháng nào cũng đến thăm cán bộ, đồng bào ở một xã như thế. Anh cho tôi hay, các giáo sĩ đạo Tin Lành đã đến ở đó và giảng đạo thì cán bộ tuyên huấn phải đến tận nơi là đương nhiên. Anh rủ tôi ở lại để cùng anh lên thăm Háng Lìa, nhưng phải mất ba ngày đi bộ ròng rã!!! Ngô Phong còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện cảm động ở Điện Biên. Như ở Mường Phăng, tuy là Nhà nước không có chủ trương (hay nói đúng hơn là những người ở trên cao muốn xóa đi mọi dấu tích về Tướng Giáp), vậy mà nhân dân Mường Phăng vẫn tự giác giữ gìn di tích lịch sử này. Có cụ già đã 40 năm nay tình nguyện trông coi hầm chỉ huy của Đại tướng, hàng ngày quét dọn, chăm sóc như nhà của mình.
Sau chuyến đi Điện Biên mùa xuân 1994, về đến Hà Nội, tôi có viết một cái tin cho Đài Tiếng nói Việt Nam về chuyến trở lại Mường Phăng của Đại tướng, nhưng Đài không phát. Và tôi còn được biết không có một đài báo của TW nào ở Hà Nội, kể cả Báo Quân đội Nhân dân cử phóng viên đi chuyến ấy. Vậy là còn thua cả tờ “Mực Tím” chuyên viết cho thiếu nhi ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng cử phóng viên lên tận Điện Biên dịp đó.
Tôi đến tá túc ở Cơ quan đại diện Báo Sài Gòn Giải Phóng ở Hà Nội tại đường Lê Văn Hưu và viết ngay tin bài gửi về Thành phố Hồ Chí Minh như chỉ đạo của Tổng Biên tập Tuất Việt là “làm một vệt dài” về Điện Biên Phủ cho tới ngày kỷ niệm chính 7.5.1994. Tối hôm ấy thì nhà văn Triều Dương lò dò tới. Anh nói với tôi với vẻ mặt rất nghiêm túc: Ông Văn – tức Đại tướng – bảo tôi đến dặn anh rằng, Đại tướng rút lui ý kiến hôm chỉ đạo về cái tượng hai người phụ nữ ở Điện Biên. Anh về Sài Gòn khi viết nhớ là không đưa ý kiến đó của Đại tướng vào bài viết. Tôi hỏi Triều Dương vì sao vậy, hôm đó Đại tướng nói rất mạnh mẽ, quyết liệt cơ mà! Triều Dương nói: Nhưng vè đến Hà Nội ông Văn biết được rằng Bộ Chính trị đã duyệt cái tượng đó rồi, nên ông rút lui ý kiến đó. Ông Văn dặn tôi, nhớ dặn kỹ cậu Phú Khải đề nó đừng viết cái ý đó. Trước khi ra về, Triều Dương còn bảo tôi: Tôi đi đến đây chỉ có mỗi việc đó, anh nhớ đừng quên.
Tôi nhớ lại, lúc đứng trước cái tượng đài khá lớn, dựng hình tượng hai người phụ nữ, một người mặc áo cánh, búi tóc, tượng trưng cho phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ, đứng sát là một phụ nữ chít khăn piêu, mặc áo của phụ nữ dân tộc Thái, tượng trưng cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc … Đại tướng giận dữ nói: Tôi đã chỉ đạo các anh rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là công lao của cả nước. Cả nước chia lửa với Điện Biên Phủ, cả nước căng địch ra mà đánh nên chúng không thể điều quân đến cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Vì thế khi dựng tượng đài ở Điện Biên Phủ phải có hình ảnh của ba miền Trung – Nam – Bắc. Mai kia đồng bào Khu 5, đồng bào Nam Bộ… ra đây thăm Điện Biên, người ta hỏi hình ảnh của chúng tôi đâu trong chiến thắng này thì các anh sẽ trả lời làm sao? Điện Biện Phủ chỉ có công của Bắc Bộ và Tây Bắc thôi à?
Đại Tướng đã nói rất gay gắt: Tôi đã dặn kỹ các anh rồi sao không thực hiện , sao lại làm thế này? Tất cả các bộ ngành bảo tàng ở Điện Biên lúc đó đều có mặt nhưng không ai nói gì cả (!), không một lời giải thích, vì thế Đại Tướng càng tỏ ra giận dữ, xem như mọi người đã chống lại ông.
Vậy mà ….bây giờ Triều Dương đến…lại nói thế ….?
Đêm hôm đó tôi nằm thao thức mãi… nghĩ về sự cẩn trọng của Đại Tướng !. Bộ Chính trị là cái gì? Đại tướng chỉ đạo như vậy là quá đúng với sự thật về chiến thắng Điện Biên Phủ, là công bằng lịch sử. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy Tướng Giáp có lý! Ông đã chịu quá nhiều những âm mưu thủ đoạn chĩa vào ông trong nhiều năm qua từ những “đồng chí” của mình. Chỉ một sơ suất nhỏ, người ta có thể vin vào đó để vu cho ông là chống lại tập thể Bộ Chính trị, chống đảng… và… và…
Nhờ có sự cẩn trọng đến từng... chi tiết… của đời sống mà ông mới tồn tại được đến cái ngày gặp lại đồng bào, đồng chí của ông ở Điện Biên Phủ như tôi đã thấy. Kể từ sau vinh quang chói lọi “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, ông sống trong thiên la địa võng của những hiềm tị và mưu mô. Trên đỉnh cao thì bao giờ dưới chân nó cũng là vực thẳm. Đỉnh càng cao thì vực dưới chân càng sâu. Tướng Giáp đã đứng bên bờ vực thẳm đó biết bao tháng năm mà không bị nạn nhờ ông biết cẩn trọng. Ngay khi các đối thủ của ông không còn trên cõi đời này, nhưng ông hiểu rằng tay chân của họ còn đó. Ông thận trọng là có lý. Các cụ ta xưa nói “anh hùng đa nạn” là như thế. Tôi càng nhận ra điều này về sau khi kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tôi lại từ Sài Gòn ra Hà Nội, được ông tiếp tại nhà riêng gần một tiếng đồng hồ, sau đó tôi lại lên Điện Biên… Nhưng bài tôi viết về ông và trận Điện Biên để kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tờ báo đáng phải đăng nhất là tờ Quân đội Nhân dân mà tôi gửi tới thì lại từ chối không đăng (?!). Báo Cần Thơ số ra ngày 6.5.2004 đã đăng bài đó. Đó là bài báo tôi viết mất nhiều công sức nhất sau hai lần lên Điện Biên Phủ, hai lần gặp Đại tướng, sau nhiều thời gian đọc hàng chục cuốn sách do ta và tây viết về trận Điện Biên Phủ, sau nhiều lần gặp nhà văn Hữu Mai, người chấp bút các hồi ký của Tướng Giáp để hỏi chuyện… Tôi phải cám ơn Báo Cần Thơ và Tổng Biên tập Trần Huy đã đăng bài báo nhan đề “Võ công Điện Biên Phủ và thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp”. Đó là lần đầu tiên cụm từ “thiên tài quân sự” được gắn với tên tuổi Võ Nguyên Giáp mà đài báo, sách vở của chế độ từ trước đến nay vẫn “thực hành tiết kiệm” với Đại tướng.
Trong bài đó tôi viết: “… Công bằng mà nói, Tướng Giáp được chỉ huy một quân đội cách mạng sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sức mạnh vô địch của đội quân đó là lòng yêu nước nồng nàn và rực lửa căm thù. Căm thù bọn người đã đốt nhà, giết vợ con, cha mẹ họ, đã đày đọa cả dân tộc họ trong một thế kỷ ôm mối hận làm dân nô lệ, làm kẻ mất nước… Vì thế khi có thời cơ họ đã chiến đấu không tiếc xương máu để rửa mối hận đó! Và, người chỉ huy đội quân không tiếc xương máu đó lại là người biết tiết kiệm từng giọt máu của đồng đội, biết nuôi dưỡng sức mạnh từ việc chăm sóc bát cơm nóng cho quân lính dưới chiến hào. Những giọt máu hào hùng và những giọt máu được tiết kiệm… đã làm nên màu đỏ rực ánh mặt trời chiến thắng chiều 7.5.1954 ở Điên Biên Phủ.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Tướng Giáp đã thành công ở Điện Biện Phủ. Đó là những sư đoàn chân đất, như cách nói của giặc Pháp, biết giấu mình trong chiến hào đánh lấn, nương mình vào lòng đất mẹ quê hương để đương đầu với bom đạn sắt thép bạo tàn của kẻ thù mà đánh “trận địa chiến hào tấn công” chưa hề có trong lịch sử quân sự. Đó là sáng tạo của những người du kích đồng bằng Bắc bộ có kinh nghiệm đào hầm bí mật chống càn giữ làng, là cách đánh du kích chỉ Việt Nam mới có; người chỉ huy đề ra phương châm chiến lược, người lính đề xuất cách đánh đào xuyên hàng rào kẽm gai. Đó là dân chủ Điện Biên Phủ! “Trận địa chiến hào xiết vòng vây lửa” ở Điện Biên Phủ là võ công hiển hách của quân dân ta ở thế kỷ 20. Là một cống hiến cho khoa học lịch sử quân sự thế giới, là thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp, là “thiên biến vạn hóa” của tư tưởng quân sự cha ông ta được vận dụng ở thời đại Hồ Chí Minh.
Thông thường trong chiến tranh, phía tấn công phải có lực lượng gấp 5 lần trở lên so với phía phìng ngự. Nhưng so sánh lực lượng hai bên ở Điện Biện Phủ thì thấy: ban đầu địch có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, gồm phần lớn những đơn vị tinh nhuệ nhất. Địch còn có hai tiểu đoàn pháo 105 ly, 24 khẩu, 2 tiểu đoàn súng cối 120 ly 20 khẩu, 1 đại đội pháo 155 ly 4 khẩu, 1 đại đội xe tăng 18 tấn 10 chiếc. Không quân thường trực tại sân bay có 7 khu trục, 5 trinh sát, 4 vận tải và 1 trực thăng. Ngoài ra 2/3 lực lượng máy bay ném bom tiêm kích và 100% máy bay vận tải toàn Đông Dương yếm trợ cho Điện Biện Phủ. Tổng quân địch ở Điện Biên Phủ là 12.000 người. Lực lượng ta có 9 trung đoàn bộ binh (27 tiểu đoàn), 1 trung đoàn sơn pháo 24 khẩu, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly 24 khẩu, 4 đại đội sung cối 120 ly 16 khẩu, 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly 24 khẩu, 2 tiểu đoàn công binh. Ta hơn địch về số tiểu đoàn (27/12) nhưng quân số mỗi tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 mỗi tiểu đoàn của địch. Ta cũng hơn địch về số lượng pháo (64/48) nhưng đạn pháo dự bị của ta lại rất hạn chế. Ta không có xe tăng và chỉ có 1 trung đoàn pháo cao xạ 37 ly để đối phó với toàn bộ không quân địch ở Đông Dương. Xét toàn cảnh ta vẫn ở vào thế yếu đánh mạnh.
Nhưng ta chủ động tấn công, tự quyết định đánh hay không đánh, chủ động lựa chọn điểm đánh và thời gian đánh. Đánh hay không đánh đều có lợi cho ta vì đương nhiên ta đã kìm chân được một lực lượng lớn địch ở đây để giành được thắng lợi trên nhiều chiến trường Đông Xuân 1953-54. Địch ở Điện Biên Phủ tuy mạnh, nhưng bị nhốt trong các cũi thép gai và hầm hố một cách thụ động, không thể đem toàn bộ sức mạnh để đánh trả, cứu nguy cho một cứ điểm bị tấn công. Ta đem toàn bộ sức mạnh để đánh môt điểm ta bao vây chia cắt địch ra mà đánh dần, linh hoạt và cơ động hoàn toàn. Như vậy nếu xét trong một trận đánh vào một vị trí nhất định, trong một thời điểm quyết định, thì ta vẫn mạnh hơn địch. Mạnh sẽ thắng yếu. Tài thao lược của Tướng Giáp là ở chỗ phân tích sắc bén thế và lực trong những tình huống cụ thể ở Điện Biên Phủ để tìm ra cách đánh thích hợp, “ đánh chắc tiến chắc” để đi đến đại thắng! Đó là gì nếu không phải là biện chứng pháp quân sự Macxít.
Một Việt kiều ở Pháp có tâm sự với người viết bài này… Ông ta được một sử gia Mỹ cho hay: Ngay cả Napoleon khi bước vào đường binh nghiệp thì đã có sẵn một đội quân để chỉ huy. Tướng Giáp phải xây dựng quân đội từ mấy chục người thành những binh đoàn để lần lượt đánh thắng nhiều danh tướng của cường quốc Pháp như de Lattre de Tassigny, Salan cho đến Navarre ở Điện Biên Phủ… điều đó chưa thấy trong lịch sử quân sự thế giới… Và đây cũng là lần đầu tiên một nước nhỏ đã đánh thắng một đế quốc hùng mạnh, mở đường vùng lên cho các dân tộc đang bị nô lệ.”.
… Võ Nguyên Giáp là người lẽ ra “đã chết từ lâu rồi” với những hiềm tị, ganh ghét của các “đồng chí” của ông. Nhờ ông biết tôn thờ chữ “nhẫn”, nói đúng hơn là “nhẫn nhục” để sống đến hôm nay. Nhà văn Trần Đình Hiến, từng 10 năm làm Tham tán văn hóa tại Đại sứ quán ta tại Trung Quốc, dịch giả hàng đầu các tác phẩm văn học Trung Quốc đương đại sang tiếng Việt của các tác giả như Mạc Ngôn (Mo Yan), Gỉa Bình Ao, Vệ Tuệ v.v. trong một quán café gần trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, sáng ngày 16/4/2013 vừa qua, có cả bác sĩ, tù nhân lương tâm Phạm Hồng Sơn và tôi cùng ngồi đàm đạo, ông đã kể: - Sau chiến tranh biên giới với Trung Quốc 1979, tên Trọng Hy Đông ở Uỷ ban Kiều vụ, Quốc vụ Viện Trung Quốc, hàm ngang bộ trưởng, sang Việt Nam để giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh như tù binh v.v., ông được mời đến để phiên dịch cho cuộc làm việc giữa hai bên. Khi xe của Đại tướng Võ Nguyên Gíap vừa đến cũng là lúc xe của Lê Duẩn vừa tới, Lê Duẩn đã chỉ vào mặt Võ Đại tướng và nói như quát: - Cuộc họp không có anh! Võ Nguyên Giáp nói: - Vậy tôi về. Thế là cụ Võ lủi thủi lên xe ra về. Kể đến đây nhà văn Trần Đình Hiến kết luận: Tôi không thể ngờ những người lãnh đạo tối cao của đất nước lại đối xử với nhau như xã hội đen như thế! Nhất là lại công khai trước mặt tất cả mọi người!
Vô sản gắn liền với vô học là ở chỗ đó!
Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp là một việc lớn, sẽ còn tốn nhiều giấy mực của các sử gia Việt Nam và thế giới. Việc đó dành cho các cây bút lớn! Riêng với tôi, một nhà báo nhiều lần được gặp Võ Đại tướng, trong nhiều trường hợp, kể cả gặp riêng tại nhà riêng của ông ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, gặp một thời gian dài trong chuyến ông lên thăm Điện Biên Phủ sau 40 năm chiến thắng (1994)… rồi lại đọc kỹ các hồi ký của ông do nhà văn Hữu Mai chấp bút, đàm đạo với Hữu Mai, đọc kỹ các tác giả nước ngoài viết về Điện Biên Phủ… tôi có nhận xét rằng, ông là một vị tướng biết tiết kiệm từng giọt máu của đồng đội để làm nên chiến thắng, chăm lo cho binh lính của mình từng từng miếng cơm nóng trong bữa ăn ngay giữa chiến trường máu lửa. Ông là con người võ mà văn – văn mà võ!
Về tác phong, cái con người được báo chí Phương Tây gọi bằng cái tên “Vainquer de Điện Biên Phủ” ( Người chiến thắng Điện Biên Phủ) lại là một người có tác phong rất Tây, nói rất Tây, ăn rất Tây… Những ngày tháp tùng ông năm 1994 đi thăm lại chiến trường xưa sau 40 năm… lâu lâu tôi lại thấy người sĩ quan tùy tùng của ông đưa cho ông một quả chuối và một hộp pho-mai… ông điềm tĩnh bóc chuối và lấy khoanh pho-mai ra ăn trước đông đủ cử tọa rồi lại tiếp tục làm việc. Tấm hình chụp Đại tướng đang ăn chuối với pho-mai trước mọi cử tọa, tôi vẫn còn giữ đến bây giờ, xem nó như một cú bấm máy “đáng tiền” trong đời làm báo của tôi! Ăn chuối với pho-mai cho người già sức khỏe tốt, có lẽ vì thế mà Đại tướng sống đến trăm tuổi. Tôi xin mở ngoặc ở đây để chứng minh điều tôi nói. Một lần, trong một ngày hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khơ-me ở Sóc Trăng, trước cuộc đua có tổ chức biểu diễn lướt ván của vận động viên từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống góp vui. Người ta giới thiệu có một vận động viên đã trên 70 tuổi tham dự. Mọi người đã sửng sốt về tài nghệ lướt ván của vận động viên U80 này. Tôi phải len xuống sông để gặp ông, ông cho biết, nhờ ăn chuối với pho-mai… trừ bữa nên “khỏe là vậy”!
Lại nói vể tác phong “rất Tây” của Đại tướng, khi giao tiếp, để phụ trợ cho lời nói, ông thường nheo mắt, nhún vai, khoát tay…, khi cần chọn một từ dùng cho thật chính xác, ông thường dừng lại, suy nghĩ ít giây, và chen vào đó một từ tiếng Pháp (!). Người Pháp có câu ngạn ngữ tự hào về tiếng nói của mình: “cái gì không trong sáng không phải là tiếng Pháp”! Có lẽ ông bị “ảnh hưởng” về sự trong sáng ấy của tiếng Pháp chăng? Nhưng người có tác phong rất Tây ấy lại là người Việt Nam đánh Tây cấp… đại tướng. Nếu cứ xét, cứ nhìn theo “con mắt giai cấp” thì ông Giáp là người có vấn đề. Và buồn thay, người ta đã lợi dụng sự ngu ngơ này của số đông để có lần, ở Đại hội Đảng lần thứ 6, tung ra tin “ông Giáp là con nuôi của một tên thực dân Pháp”!
Về tướng Giáp, tôi cũng có nhận xét, thử nêu ra để bạn đọc tham khảo: Ông Giáp “có đóng góp riêng cho môn ngôn ngữ học”! Tôi nghĩ vậy. Ông đã biến một danh từ chung của Việt Nam thành một danh từ riêng. Hiển nhiên là ở Việt Nam, nếu một ai đó nói: Tôi vừa được gặp Đại tướng, thì người ta hiểu rằng người đó vừa được gặp ông Võ Nguyên Giáp, chứ không ai lại hiểu rằng anh ta vừa khoe được gặp ông Lê Đức Anh, ông Mai Chí Thọ, ông Lê Hồng Anh… mặc dù các ông ấy đều là đại tướng. “Đại tướng” từ một danh từ chung, đã trở thành một danh từ riêng trong ngôn ngữ của người Việt đương đại, chỉ để dành cho Võ Nguyên Giáp. Những ý kiến cho rằng, phải phong cho ông Giáp là Nguyên soái chỉ là những suy nghĩ chưa chín. Chỉ có nhân dân mới là người sáng suốt nhất khi đã biến một danh từ chung thành một danh từ riêng: “Đại tướng”. Với người Pháp thì danh từ riêng “Điện Biên Phủ” lại được người ta biến thành một động từ chỉ hành động “đánh mạnh”, “đánh thật mạnh”, “đánh cho không còn mảnh giáp” v.v. và v.v. Danh từ Điện Biên Phủ biến thành động từ “dienbienphuer”. Cái đuôi “er” của tiếng Pháp gắn vào chữ Điện-Biên-Phủ viết liền trở thành “đánh mạnh”! Nếu một vị sĩ quan Pháp ra lệnh: - Dienbienphuer, có nghĩa là… tấn công mãnh liệt vào đối phương! Có lẽ chính vì thế mà nhân kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, ở Paris đã có một cuộc hội thảo lớn, có mời nhiều nhà sử học, quân sự, ngoại giao tên tuổi từ nhiều nước đến dự. Cuộc hội thảo đó có tên là “chia sẻ hồi ức Điện Biên Phủ”. Người Pháp có mời Việt Nam. Nhưng tôi xem trong danh sách đi dự cuộc hội thảo năm đó ở Paris (2004) của Việt Nam thì toàn là những nhân vật “vô danh tiểu tốt”, và … không có Đại tướng!
L.P.K.
No comments:
Post a Comment