Friday 14 March 2014

Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma ngày 14.3.1988

Ngày 17.2.1979 Trung Quốc xua quân ồ ạt tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam định dạy cho Việt Nam một bài học. Trước đó không lâu, trong chuyến thăm Mỹ, Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) đã thông báo cho Jimmy Carter về ý định mở cuộc tiến công xâm lược này và đã được Carter 'bật đèn xanh'. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chịu tổn thất nặng nề nên ngày 5.3.1979, sau hơn hai tuần gây chiến, đã phải tuyên bố rút quân. Cuộc chiến cũng đã giúp Trung Quốc 'mở mắt' về trình độ tác chiến của quân đội nước họ vốn không phải tác chiến kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên để khởi đầu cho cuộc cải tổ quân đội đồng thời với tiến trình cải cách kinh tế. Về phía Việt Nam, tuy đã làm thất bại cuộc xâm lược của Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng phải chịu tổn thất nhiều về người và của. Trong khi Việt Nam vẫn còn sa lầy tại Căm-pu-chia, một cuộc chiến khác thu hút sự quan tâm cũng như hao người tốn của cho Việt Nam, đồng thời đẩy Việt Nam vào vị thế cô lập trong khu vực và trên thế giới, thì tuy tuyên bố rút quân nhưng Trung Quốc với ưu thế nước lớn, đất rộng, người đông thực hiện việc thay quân cứ 3 tháng lại điều quân của một quân khu đến vùng biên giới với Việt Nam để lấy quân khỏe của Trung Quốc đối lại quân mỏi mệt của đối phương. Với những bạn trẻ ngày nay nếu không biết về cuộc chiến với Trung Quốc thì có lẽ chỉ biết rằng Trung Quốc tiến công xâm lược ngày 17.2.1979 và rút quân ngày 5.3.1979, sẽ tưởng rằng như thế hòa bình đã trở lại. Trong thực tế, chỉ đến khi 'bình thường hóa quan hệ' năm 1992 thì mới dứt tiếng súng, còn từ năm 1979 đến gần sát thời điểm 'bình thường hóa quan hệ' đó là một tình trạng chiến tranh - tất nhiên không phải 'lạnh' vì súng vẫn nổ và vẫn có người chết - chỉ có điều không phải là đánh nhau liên miên, mà là các cuộc xung đột (hostilities) qua các vụ tấn công, xâm phạm biên giới, bắn pháo v.v. do phía Trung Quốc gây ra nhằm giữ tình trạng bất ổn kéo dài nhằm làm suy yếu Việt Nam. Vì thế, sau ngày Trung Quốc 'rút quân', phía Việt Nam vẫn còn chịu thiệt hại về người và của do phía Trung Quốc gây ra, đó cũng là lý do mà em họ tôi đã hy sinh sau ngày 5.3.1979 tại một tỉnh biên giới phía bắc (Xem bài Nhớ về ngày 17.2.1979 cũng trên blog này).


Trong bối cảnh đó, ngày này cách đây vừa tròn 26 năm, 14.3 đến 16.3.1988, Trung Quốc tấn công các lực lượng Việt Nam đang bảo vệ lãnh thổ quốc gia tại quần đảo Trường Sa, hòng chiếm cụm đảo Cô Lin, Len ĐaoGạc Ma. Các chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng chỉ giữ được Cô LinLen Đao, còn Gạc Ma thì bị Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự chiếm giữ, 64 chiến sĩ đã hy sinh, một số khác bị bắt giữ và chỉ được trao trả sau này. Lạ một điều một sự việc xảy ra cách đây mới 26 năm thì không cơ quan truyền thông có ảnh hưởng nào (TV, đài) nhắc đến một tiếng, trong khi một sự việc xảy ra lâu hơn, cách đây tròn 60 năm, thì lại được cơ quan truyền thông có ảnh hưởng nhất - TV - đưa tin một cách long trọng ngày hôm qua 13.3.2014: sự kiện mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Và cũng lạ một điều, sau sự kiện Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma chỉ hơn một tháng, ngày 7.5.1988 Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng thời ấy, ra tận Trường Sa để kỷ niệm ngày thành lập quân chủng Hải quân Việt Nam, trong bài phát biểu (ghi lại dưới đây) chỉ nhắc đến việc Hải quân Việt Nam chống kẻ thù quá khứ là Mỹ mà không hề đề cập đến việc chống kẻ thù trực tiếp lúc bấy giờ là Trung Quốc (nên nhớ Việt Nam - Trung Quốc chỉ chính thức 'bình thường hóa quan hệ' năm 1992) cũng như tội ác chiếm đóng lãnh thổ, giết hại chiến sĩ Việt Nam. Ngược lại, trong bài phát biểu chỉ nhắc đến tình hữu nghị với Trung Quốc, nên tuy là thề bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, nhưng tội ác rành rành của kẻ thù thì ông làm lơ mà lại nhắc đến hữu nghị, và chỉ có các triều đại quân chủ Trung Quốc trước kia là gây đau thương, mất mát cho dân tộc Việt Nam trong lịch sử, còn tập đoàn lãnh đạo bành trướng bá quyền hiện nay thì không gây ra đau khổ gì cho hàng vạn gia đình Việt Nam. Lại nhớ đến vai trò và đường đi nước bước bỏ qua các nguyên tắc ngoại giao, đối ngoại trong tiến trình tiến đến bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, trước và sau Hội nghị Thành Đô (Chengdu).




- Năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955-7/5/1988) do Quân chủng Hải quân tổ chức tại đảo Trường Sa lớn. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng:
1“Cùng với các lực lượng, các đơn vị của Hải quân nhân dân Việt Nam, hôm nay, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức mít tinh kỷ niệm lần thứ 33 ngày truyền thống vinh quang của Quân chủng (7/5/1955-7/5/1988) trên quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Thay mặt Bộ Quốc phòng, tôi chuyển tới các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân lời chúc sức khỏe.
Hải quân ta ra đời trong hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng sức lao động thông minh và sáng tạo, từ những chiếc thuyền gỗ có gắn máy mà đi lên, Hải quân ta đã tích cực trên các mặt trận chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam và làm nhiệm vụ quốc tế.
Từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Hải quân nhân dân ta đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết chiến, quyết thắng và đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, Hải quân nhân dân ta còn có nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng là đưa cán bộ, súng đạn vào miền Nam bằng loại tàu đi biển do Hải quân tự thiết kế. Loại tàu nhỏ này đã vượt biển khơi đi qua vùng biển dưới sự kiểm soát của không quân và hải quân thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, của hạm đội tuần tiễu của quân đội ngụy Sài Gòn.
Nhưng Hải quân nhân dân ta vừa làm nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, chống lại sự phong tỏa của địch, đồng thời vận chuyển được hàng vạn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần xứng đáng giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Nhân dịp kỉ niệm ngày truyền thống của Quân chủng, tôi nhắc lại điều đó để nói lên tinh thần dũng cảm và sự thông minh sáng tạo của cán bộ Hải quân ta trong thời kỳ đánh Mỹ. Đó là sự thông minh và dũng cảm tuyệt vời, nó được nối tiếp mãi cho đến ngày nay và mãi mãi đến các thế hệ mai sau. Thông minh dũng cảm là sức mạnh. Niềm tin là sức mạnh. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là sức mạnh.
Mở đầu thời kỳ đánh Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trước một tên đầu sỏ hùng mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc; Đảng ta đã có một vũ khí cực mạnh, đó là niềm tin, niềm tin ở chính nghĩa độc lập tự do, niềm tin ở sức mạnh của nhân dân khi đã quyết tâm thì sẽ sáng tạo muôn vàn cách đấu tranh để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Chính niềm tin sắt đá đó đã động viên và đoàn kết toàn dân tộc nhất tề đứng dậy đấu tranh với đế quốc cực mạnh và đã từng bước thu hút sự chú ý và sự ủng hộ của loài người tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đã góp phần quan trọng giành thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Đoàn kết dân tộc, đoàn kết với bạn bè quốc tế, đó là sức mạnh, đó là đại nghĩa, đó là lẽ sống của cách mạng Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.
Với mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc: Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình.
Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói: Trung Quốc cảm ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc”.
Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đô hộ.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt – Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta.
Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
VietNamNet

No comments:

Post a Comment