Monday, 31 March 2014

ASEAN vô tích sự


ASEAN vô tích sự

''Ông Lê Lương Minh, người đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký ASEAN từ năm ngoái, chẳng làm được gì hơn là gây thất vọng, bởi vì từ rất nhiều góc độ, ông đã bộc lộ rõ những bất cập của ASEAN hiện nay... Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar ít có quan chức nào có khả năng tham gia đầy đủ vào các cuộc hội nghị tổ chức bằng tiếng Anh. Nước khá nhất trong số này, Việt Nam, dùng tiền ngân sách để đào tạo ra một thế hệ các nhà ngoại giao như ông Minh'' (trích bài viết trên một tờ báo trong khu vực).

Căn cứ vào quy mô dân số, ASEAN là một khu vực lớn và có khả năng gây ảnh hưởng trên thế giới. Chẳng hạn, Indonesia với 237 triệu người, đang đứng thứ tư thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Philippines khoảng 100 triệu, Việt Nam 92 triệu, cũng là hạng cao (12 và 14). Nhìn tổng thể, hơn 600 triệu dân ASEAN chiếm 8,8% dân số toàn cầu. Tỷ lệ này không cao, nhưng so với các khu vực khác là đáng kể. (Để bạn so sánh: Trung Quốc, với 1,3 tỷ người, chiếm khoảng 20-25% dân số cả hành tinh).

Nếu ASEAN ''nhất thể hóa'' để trở thành một nền kinh tế thì đó sẽ là nền kinh tế lớn thứ 8.

Phần lớn các nước ASEAN nằm trong hoặc tiếp giáp với Biển Đông, một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt về địa chính trị, địa chiến lược. Ví dụ, mỗi năm, một phần ba lượng dầu thô và hơn một nửa lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển qua nơi đây.

Dù vậy, khối ASEAN chưa bao giờ thể hiện được vai trò, sức mạnh nào đáng kể trong các vấn đề quốc tế, thậm chí kể cả vấn đề của chính khu vực. Dưới đây là bài viết của Maria A. Ressa, nhà báo, nhà phân tích người Philippines, nhận xét về Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh và sự yếu kém về lãnh đạo của tổ chức này. Bài viết được thực hiện tại Canberra, đăng ngày 24/3/2014 trên trang mạng Rappler.com (Philippines).

Lượng dầu thô chuyên chở qua Biển Đông mỗi năm.
Nguồn: U.S. Energy Information Administration

Lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển qua Biển Đông mỗi năm. 
Nguồn: U.S. Energy Administration 

ASEAN: LÃNH ĐẠO KÉM?

- Maria A. Ressa - 

Thủ đô Canberra của Úc. Một hội trường kín người – những cử tọa ham hiểu biết, dịu dàng một cách đáng ngạc nhiên, ở Đại học Quốc gia Australia. Họ đang tìm một lý do để có thể thấy phấn khởi về Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một tổ chức 10 thành viên với dân số hơn 630 triệu, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Úc.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Việt Nam, ông Lê Lương Minh, người đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký ASEAN từ năm ngoái, chẳng làm được gì hơn là gây thất vọng, bởi vì từ rất nhiều góc độ, ông đã bộc lộ rõ những bất cập của ASEAN hiện nay.

Tổng Thư ký ASEAN mở đầu bằng một bài diễn văn hầu như không làm người đọc thấy hứng thú. Ông tập trung nói về 6 cột trụ của ASEAN kể từ khi Hiệp hội được thành lập (năm 1967) và dự án đầy tham vọng của nó – tạo ra một liên kết kinh tế khu vực, gọi là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến hình thành trước thời điểm tháng 12/2015.

Có ai đó hỏi ông Minh về căng thẳng giữa Úc và Indonesia – nước thành viên lớn nhất ASEAN – về vấn đề người tị nạn và về vụ Úc bị cáo buộc nghe lén điện thoại của Indonesia, theo như tài liệu rò rỉ từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

''Tôi hy vọng các vấn đề song phương này có thể được giải quyết một cách thân ái'' – ông Lê Lương Minh cho biết. ''Chúng tôi chưa thấy mối quan hệ song phương đó có ảnh hưởng tiêu cực nào đối với quan hệ đối tác ASEAN-Australia''.

Về vấn đề gây tranh cãi nhất của ASEAN, là xung đột giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia ASEAN trên Biển Đông, ông Minh nói: ''ASEAN giữ quan điểm cho rằng việc này cần được giải quyết, nhưng chỉ có thể được giải quyết, và chỉ nên được giải quyết, giữa các bên có liên quan''.

(Bài phát biểu của) Ông Minh an toàn, chán ngắt và quan liêu. Những người trong cuộc nói rằng đó là chuyện may rủi, khi mà chiếc ghế lãnh đạo luân phiên của ASEAN chuyển từ một chính trị gia như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surin Pitsuwan – người có khả năng thu hút sự quan tâm của bên ngoài – sang một công chức sắp xếp ngôi nhà ASEAN cho trật tự như ông Minh – nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam. Từ năm 2004 đến năm 2011, ông Minh là Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Thật không may, ông lại cũng là nhà lãnh đạo ít có khả năng làm lợi cho ASEAN nhất.

Thời năng động

Thế mà bây giờ lại đang là một thời kỳ thú vị và năng động, khi một ASEAN tự do, nhất thể hóa có thể làm đầu tư gia tăng đáng kể. Cũng có cơ hội để cho ASEAN thể hiện năng lực lãnh đạo vốn rất cần thiết vào cái thời quyền lực địa chính trị đang thay đổi như thế này.

ASEAN đang ở thời điểm bước ngoặt. Nó được hình thành vào giai đoạn Mỹ đang thống trị toàn cầu, nhưng nay thời thế đã khác, với quyền lực kinh tế chuyển về Trung Quốc. Thay vì giữ một vai trò dẫn đạo, ASEAN có nguy cơ trở thành chiến trường cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. (1)

Các quốc gia như Philippines, Malaysia và Indonesia đều không chuẩn bị tinh thần cho xung đột trực diện với Trung Quốc, thậm chí không sẵn sàng cả cho việc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Nhiều nước ASEAN quay qua Mỹ để tìm sự hỗ trợ về quốc phòng. Cùng lúc đó, các nước nghèo hơn ở ASEAN như Campuchia, Lào và Myanmar, đều đã trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức các nhà phân tích gọi họ là các ''nhà nước khách hàng của Bắc Kinh''.

Điều đó mở ra một cơ hội cho Úc – đối tác đàm phán đầu tiên của ASEAN.

''ASEAN có một vị trí đặc thù trong ngoại giao của Australia, và đó là một vị thế tích cực'' – Thượng nghị sĩ Brett Mason, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao Australia, nói. Ông thừa nhận, cấu trúc quyền lực của thế giới toàn cầu hóa đang thay đổi, và Australia đang chuyển hướng chú ý sang châu Á. ''Là một diễn đàn, ASEAN lẽ ra đã có thể được tận dụng một cách sáng tạo hơn và đầy đủ hơn. Nhưng tôi không nghĩ là nó (đến mức) chẳng có hiệu quả gì''.

Tôi đã viết về ASEAN từ năm 1987. Vào cuối những năm 1990, tôi đã có mặt khi Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar được gia nhập hiệp hội này, tạo ra một tổ chức ba thứ bậc, bởi vì mấy quốc gia đó tụt hậu rất xa so với các thành viên ban đầu của ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, và hai quốc gia còn thịnh vượng hơn thế nữa, là Brunei và Singapore. 

Như nhiều người châu Á khác, tôi đã từng hy vọng đối thoại xây dựng sẽ là một cách khác để thúc đẩy cải cách, và nó hiệu quả hơn cách đối đầu của phương Tây. Nhưng nhiều thập kỷ trôi qua, đối thoại xây dựng vẫn cứ là cái lý lẽ biện hộ cho sự yếu kém của ASEAN.

Cải cách ở Myanmar – trọng tâm của đối thoại xây dựng – đã được thúc đẩy nhờ những nỗ lực từ bên trong chứ hầu như chẳng có sự giúp đỡ nào từ ASEAN. 

Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 – bắt đầu từ Thái Lan rồi lan sang Indonesia – các nước đã tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chứ không phải ASEAN. 

Cũng năm đó, khi khói bụi do cháy rừng ở Indonesia tràn ngập các đô thị Malaysia và Singapore, ASEAN lại chứng tỏ là họ không có khả năng hợp tác cùng nhau để ngăn chặn sự cố xảy ra gần như thường niên đó, và sự cố ấy cho đến nay vẫn là nỗi ám ảnh đối với khu vực. 

Năm 1999, ASEAN bị chỉ trích vì đã không buộc được Indonesia phải chịu trách nhiệm về chính sách tàn phá Đông Timor. Khi đó, vai trò lãnh đạo rơi vào tay Australia, họ đã làm nhiệm vụ dẫn đầu INTERFET, lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ngoài Liên Hợp Quốc. 

Cuối những năm 2000, dưới sức ép từ một số nước thành viên, ASEAN xây dựng một cơ chế nhân quyền (2). Cơ quan này đã gần như hoàn toàn im lặng trước tình hình vi phạm nhân quyền ngay trong ASEAN, chẳng hạn như tại Việt Nam hay tình cảnh người thiểu số Rohingyas ở Myanmar.

Nguồn ảnh: Sống Mới (songmoi.vn)

Rạn nứt về vấn đề Trung Quốc

Mối quan hệ với Trung Quốc càng cho thấy rõ ràng những rạn nứt bên trong ASEAN. Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7/2012 tại Campuchia, mâu thuẫn nổ ra công khai. Lần đầu tiên trong lịch sử, các vị bộ trưởng ngoại giao không thống nhất được với nhau về một tuyên bố chung. Quan chức Philippines rời hội nghị. Các nước ASEAN khác chỉ trích chủ nhà Campuchia chống lại lợi ích ASEAN mà bênh vực Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Hai tháng sau, Campuchia tuyên bố nhận thêm viện trợ 500 triệu USD từ Trung Quốc.

Quốc gia lớn nhất kiêm thành viên sáng lập ASEAN là Indonesia cố gắng dùng ngoại giao con thoi để vận động cho một thỏa thuận chấp nhận được. Trong khi đó, ASEAN một lần nữa thể hiện sự yếu kém về năng lực lãnh đạo.

Tuy thế, giới chức Australia có vẻ vẫn lạc quan.

Ngày 19/3, Ngoại trưởng Úc tiếp Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhân dịp kỷ niệm quan hệ đối tác 40 năm, mối quan hệ mà theo bà, hiện đang đặt ưu tiên vào thương mại, đầu tư, an ninh khu vực, giáo dục.

''Bang giao giữa các chính phủ trên phương diện kinh tế, tài chính thật sự thân thiết hơn nhiều so với cách đây một thập kỷ'' – một quan chức ngoại giao cấp cao nói với tôi. ''10 năm qua, việc xây dựng quan hệ ở cấp độ thấp hơn chính trị, thấp hơn mức quan hệ chính thức cao cấp, đã giúp cho mối bang giao của chúng ta chín chắn hơn bất kỳ lúc nào trước đây''.

Vấn đề nằm ở hai lĩnh vực: Thứ nhất, ASEAN ra quyết định trên cơ sở đồng thuận, là điều rất khó đạt được trong thế giới biến đổi quá nhanh ngày nay và trong một tổ chức có chênh lệch rất lớn về phát triển, từ Singapore tới Lào; thứ hai, khoảng cách đó dẫn đến những khác biệt về kinh nghiệm và phong cách lãnh đạo.

Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar ít có quan chức nào có khả năng tham gia đầy đủ vào các cuộc hội nghị tổ chức bằng tiếng Anh. Nước khá nhất trong số này, Việt Nam, dùng tiền ngân sách để đào tạo ra một thế hệ các nhà ngoại giao như ông Minh.

Đồng thuận không đủ

Dù vậy, các kỹ năng cần thiết để đạt được sự đồng thuân cũng không đủ để tạo niềm tin theo cách của ASEAN, và các quan chức lãnh đạo cấp cao của ASEAN – trừ một số rất ít ngoại lệ – đều không có được sự thu hút hay vị thế để tổ chức những cuộc họp cần thiết với nguyên thủ các quốc gia khác.

Để xúc tiến có hiệu quả một nghị trình đầy tham vọng là thiết lập thị trường chung, ASEAN phải đi nhanh hơn, và lãnh đạo của nó phải nắm vai trò dẫn đầu – không chỉ trong ASEAN mà còn giữa các đối tác đối thoại và giới đầu tư tiềm năng.

''Mặc dù có rất nhiều lời chỉ trích về ASEAN, xét trên phương diện năng lực lãnh đạo, nhưng ASEAN là tất cả những gì chúng ta phải hợp tác cùng'' – Tiến sĩ Sally Wood, Đại học Deakin – nhận định. ''Tôi không biết liệu ASEAN có bao giờ thật sự nghĩ rằng họ có thể đạt được mức độ tập trung hóa đó. Có quá nhiều lợi ích quốc gia mâu thuẫn trong khu vực, cho nên cực kỳ khó để ASEAN có chung một tiếng nói''.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh đang cố gắng hoàn thành một đơn đặt hàng khó khăn, và những người trong cuộc cho rằng với kinh nghiệm của mình, ông Minh đang góp phần xây dựng tổ chức từ trong hậu trường. Tại Đại học Quốc gia Australia, ông Minh phát biểu, ông lạc quan nhận thấy hội nhập kinh tế ASEAN – hứa hẹn tạo ra một thị trường chung và một khu vực có tính cạnh tranh cao – sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch vào tháng 12/2015.

''ASEAN đã thực hiện khoảng 80% các giải pháp'' – ông nói với cử tọa ở Đại học Quốc gia Australia.

Không phải ai cũng tán thành.

''Chúng ta phải thực tế. Tôi không thể nghĩ điều đó sẽ diễn ra'' – Giáo sư Andrew Walker, quyền Hiệu trưởng Đại học Châu Á Thái Bình Dương, trực thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết.

''Ít có khả năng AEC 2015 sẽ thành hiện thực'' – TS. Wood nói thêm. ''Có lẽ điều đó không quan trọng, mà quan trọng là ASEAN đang phấn đấu thực hiện mục tiêu ấy''.

---------------


(1) Nguyên văn: low-intensity proxy battlefield, nghĩa là chiến trường cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với cường độ thấp, quy mô nhỏ hơn chiến tranh thông thường.

(2) Năm 2008, Hiến chương ASEAN có hiệu lực. Điều 14 Hiến chương xác định ASEAN sẽ thành lập một cơ quan nhân quyền. Năm 2009, ASEAN thành lập Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).

No comments:

Post a Comment