Thursday, 27 March 2014

Quốc gia hưng vong, nữ nhi hữu trách

Tiếp theo 'Bao giờ các anh thôi sống hèn' của Ts. Nguyễn Thị Từ Huy, xin đọc hai bài 'Nhục' của Dạ Thảo Phương và 'Dù là đàn ông hay đàn bà' của Từ Huy dưới đây.

Nhục

Dạ Thảo Phương
 1010144_10152414394284416_1997176213_nMỗi lần nhìn bức ảnh này, có lẽ phần lớn chúng ta đều chảy nước mắt (nhìn thấy được hoặc không nhìn thấy được). Ngay cả khi ta không nhìn nó nữa, nó vẫn tiếp tục ở trong đầu ta và làm ta đau.
Những con người, (và là phụ nữ!) phải kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21!

Tại sao?
Tiến sĩ Từ Huy viết: “sở dĩ có tình trạng phụ nữ phải kéo cày như thế này, sở dĩ có sự suy thoái toàn diện của xã hội hiện nay, có sự mất độc lập quốc gia hiện nay là vì đa số đàn ông các anh hèn và quá hèn”.

Với tất cả lòng trân trọng dành cho ý thức xã hội và thái độ dấn thân mà tiến sĩ Từ Huy thể hiện từ trước đến nay, tôi không đồng ý với ý kiến này của chị.

Trong trường hợp này, việc đặt toàn bộ trách nhiệm lên vai của một giới đã làm sai lệch đi bản chất của hiện tượng.

Dù là đàn ông hay phụ nữ, tất cả chúng ta đều sống trong xã hội này, góp phần tạo nên nó, tác động vào nó và chịu tác động từ nó. Không thể nói chỉ riêng đàn ông phải chịu trách nhiệm vì “sự suy thoái toàn diện” của xã hội ấy.

Đây không phải vấn đề bình đẳng giới.

Nỗi nhục không phụ thuộc giới tính 

Vậy ai nên thấy nhục?

Trước hết, là những người lãnh đạo đất nước này ở mọi cấp, mà đứng đầu là ngài thủ tướng chính phủ và các vị bộ trưởng (cả nam và nữ). Các vị ăn đồng lương từ mồ hôi nước mắt của nhân dân, nhận quyền lực cao nhất để điều hành đất nước, trách nhiệm hàng đầu và lớn nhất thuộc về các vị. Để cảnh này xảy ra, các vị nên tự thấy nhục mới là phải lẽ.

Thôi đừng đổ lỗi cho chiến tranh nữa. Chiến tranh qua lâu rồi. Chiêu bài quá khứ chiến tranh là cái mũ bảo hiểm đã quá cũ kỹ.

Không thể phủ nhận những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại. Nhưng dù vậy, cũng không thể phủ nhận được rằng: Nếu các vị có trình độ quản lý tốt hơn thì đất nước này chắc chắn đã đến gần “công bằng, dân chủ, văn minh” hơn chứ không đến nỗi giữa thế kỷ 21 dân còn phải kéo cày thay trâu (là cái cảnh thời đạn bom thế kỷ trước cũng không thấy có).

Một đất nước các vị vẫn tự nhận là “rừng vàng biển bạc”, “nhân dân cần cù, thông minh,  có lòng yêu nước nồng nàn” mà từ giáo dục, y tế đến giao thông, môi trường, kinh tế, an toàn thực phẩm… lĩnh vực nào cũng luật thì đầy rẫy phi lý, thực tế thì yếu kém, hỗn loạn, cả nước nhìn đâu cũng thấy nạn nhân… Các vị liệu có dám nhận hiệu quả công việc điều hành đất nước của mình đã đạt đến mức trung bình?

Cũng đừng đổ lỗi cho “các thế lực thù địch” nữa. Những người đồng cấp của các vị ở khắp nơi trên thế giới cũng đều phải đối mặt với “các thế lực thù địch” cả. Còn nếu các vị thấy “thế lực thù địch” của mình nhiều hơn bình thường và ở khắp nơi, (nhất là?) ngay cả trong dân, thì có nên hỏi mình làm ăn thế nào mà gây ra nhiều thù oán thế?

Và nếu công khai minh bạch tài sản, các vị có chứng minh được mọi tài sản các vị đang có ở trong nước và nước ngoài đều có từ đồng lương và thừa kế của các vị?

Thứ đến, những người có học (cả nam và nữ) cũng nên thấy nhục. Càng học cao, càng thành đạt thì càng nên thấy nhục nhiều hơn.

Cũng đừng tự mãn cho rằng mọi thành quả các vị đang có được là chỉ do nỗ lực của bản thân. Trong một xã hội dân trí thấp, mọi giá trị đều nhá nhem và nhom nhem, bất công nhan nhản, thì rất hiếm trường hợp kiếm được danh tiếng và lợi lộc mà không trực tiếp hoặc gián tiếp dựa trên chính hoàn cảnh dân trí thấp và đầy bất công ấy.

Tất cả chúng ta, bất kể giới tính, có bạn, và chắc chắn là có tôi, đều nên thấy nhục. Chẳng phải mỗi hành động thiếu văn minh của chúng ta đều góp thêm sức ì, góp thêm tổn thương và bất công cho xã hội hay sao?

Nếu mỗi chúng ta có bản lĩnh phát triển được bản thân mình ở mức tốt nhất, hẳn đã có thể có ích nhiều hơn.

Và không được phép đổ cho giới tính

Ý kiến của tiến sĩ Từ Huy nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cả phụ nữ và nam giới, trong đó không ít nam giới không những không tự ái mà còn tự nguyện nói nhiều hơn nữa về trách nhiệm của mình (với tư cách đàn ông chứ không phải với tư cách công dân). Thoạt nghe, đó có vẻ là sự tự truy vấn đầy trách nhiệm và có lợi cho xã hội. Nhưng thực chất, đó là một biểu hiện đáng lo ngại của việc thiếu ý thức thực sự về bình đẳng.

Chúng ta có thực ý gì khi đồng ý rằng CHỈ đàn ông mới phải chịu trách nhiệm về “sự suy thoái toàn diện của xã hội”, “sự mất độc lập quốc gia”?

Phải chăng, đó là những vấn đề thuộc trách nhiệm của riêng đàn ông, còn việc của phụ nữ chỉ là sinh con đẻ cái, nấu nướng, làm đẹp và đợi chờ sự bảo bọc của đàn ông?

Cho rằng trách nhiệm với những vấn đề của xã hội, của đất nước CHỈ thuộc về một nhóm người nào đó (Đảng, nhà nước, hay ở đây là đàn ông) là một thái độ không nên có nếu mong muốn xã hội tiến lên công bằng, dân chủ, văn minh.
Những con người kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21!
Những người phụ nữ kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21!
Và, khủng khiếp thay, họ chưa phải là những người bần cùng nhất của xã hội chúng ta.

Tổng hợp ngẫu nhiên một số trong rất nhiều trường hợp báo chí đã đưa tin:

Ngày 4.10.2011, anh P.C.T (23 tuổi, Nam Định) treo cổ tự tử bằng dây cáp internet do không có tiền chữa bệnh.

Ngày 26.4. 2012, chị L.T.N.N (Cà Mau) uống thuốc độc tử tử, bỏ lại 6 đứa con thơ, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi vì “thà chết đi, các con được đưa vào cô nhi viện còn hơn cứ sống mà nhìn con bữa đói bữa no chịu không đặng”.

Ngày 24.4.2013, chị N. (48 tuổi, Cà Mau) treo cổ tự tử để vì nhà “hết tiền, hết gạo”, “cuộc sống khổ mãi, không lối thoát”, chị lấy cái chết của mình để xin xã cấp cho gia đình chị sổ nghèo, con có thể vay tiền đi học.

Ngày 6.12.2013, em L.H.O (19 tuổi, Bắc Kạn) định nhảy cầu tự tử vì không tìm được việc làm.

Đây chỉ là những suy nghĩ của cá nhân tôi, bạn có thể đồng ý, có thể không, đó là việc của bạn. Nhục hay không là do ý thức của mỗi người, chẳng ai bắt ai được cả.

Tôi thì có nhục.


Dù là đàn ông hay đàn bà

Nguyễn Thị Từ Huy
 Tôi vừa đọc bài « Nhục » của Dạ Thảo Phương. Cảm ơn Thảo Phương. Tôi thực sự rất vui mừng khi đọc bài này. Bạn không đồng ý với tôi là đúng.
Chúng ta, những người phụ nữ, trong tư cách là con người, và trong tư cách công dân, không thể đẩy hết trách nhiệm lên vai những người đàn ông, cũng như không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.
Vậy tôi có mâu thuẫn với chính mình không ?
Tôi nghĩ là không. Tôi viết bài «Bao giờ anh thôi sống hèn? » trong bối cảnh ngày 8/3, ngày quốc tế phụ nữ. Chừng nào thế giới dẹp bỏ hẳn ngày này, chừng đó mới có bình đẳng giới thực sự. Chúng ta hướng tới sự bình đẳng giới, nhiều người đấu tranh cho điều này. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là :  bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, thậm chí ngay cả ở những nước văn minh nhất (ở Pháp chẳng hạn, vẫn có tình trạng lương của phụ nữ thấp hơn lương đàn ông, dù bằng cấp, chức vụ và năng lực thực tế có ngang nhau chăng nữa). Ở một nước như Việt Nam chúng ta, bất bình đẳng giới, trên nhiều phương diện, vẫn còn rất nặng nề. Chúng ta về nông thôn sẽ thấy một cách rõ rệt. Vẫn còn những nơi, vào dịp lễ tết, các mẹ, các chị, sau khi nấu nướng phục vụ xong, lặng lẽ ăn cơm dưới bếp. Cách đây vài chục năm, gia phả dòng họ tôi không ghi tên con gái. Tôi rất nhớ cái hôm xa xưa đó, lên thắp hương nhà thờ họ, tìm mãi không thấy tên mình trong gia phả, tôi đã hỏi tộc trưởng, cái câu hỏi rất trẻ con của tôi : « Sao không có tên con trong gia phả ? »

May mắn thay, sau đó đàn ông của dòng họ tôi đã thay đổi cách ghi gia phả, và đưa tên của  tất cả những người con gái vào cuốn sổ của dòng họ.

Chúng ta không thể chối bỏ thực tế là đàn ông vẫn đang là lực lượng chủ chốt quyết định gần như mọi hoạt động của xã hội này. Chúng ta cứ nhìn danh sách của những người lãnh đạo hàng đầu đất nước, những chức vụ quan trọng nhất : Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, sẽ thấy. Đã bao giờ có người phụ nữ Việt Nam nào đứng ở cương vị đó chưa ? Chúng ta chưa có ai ở vị trí của bà Angela Merken (thủ tướng Đức), của Margaret Thatcher (thủ tướng Anh), của Yingluck Shinawatra (thủ tướng Thái Lan) ? Có phải là vì phụ nữ Việt Nam bất tài hơn đàn ông ? Hay vì cơ chế và tâm lý xã hội không cho phép phụ nữ đứng ở những vị trí đó ? Dĩ nhiên để trả lời câu hỏi này đòi hỏi phải có những nghiên cứu xác thực, là điều mà tôi không thể làm được trong những bài viết dạng này, những bài viết ngắn gọn chỉ nhằm đưa ra một vài ý tưởng chủ đạo.

Phụ nữ Việt Nam, trong đa số trường hợp, còn là nạn nhân của bạo lực đàn ông. Theo một nghiên cứu, gần 60% phụ nữ Việt Nam từng bị chồng bạo hành.

Vậy, theo tôi, trong bối cảnh quyền lực về cơ bản còn nằm trong tay đàn ông như hiện nay, trong bối cảnh quyền quyết định đối với các vấn đề xã hội và gia đình vẫn còn chủ yếu nằm trong tay đàn ông, người đàn ông phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các vấn nạn xã hội ở Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là phụ nữ được miễn trừ trách nhiệm.

Dù nhìn vấn đề ở góc nào, tôi cũng đồng ý với Dạ Thảo Phương ở điểm này : với tất cả khác biệt về giới tính, phụ nữ cũng là công dân trong xã hội và vì thế phải đảm nhận các trách nhiệm công dân của mình, đồng thời cũng phải được hưởng các quyền lợi công dân của mình, như mọi công dân khác.
Và vì không thể đổ trách nhiệm cho một mình đàn ông, nên cũng không thể đổ trách nhiệm cho một mình giới lãnh đạo được. Nếu nhà nước có thể lãnh đạo theo cách hiện nay, thì bởi vì hầu như tất cả mọi người chấp nhận cách lãnh đạo đó, không bộc lộ ý kiến, không bộc lộ thái độ, mà trái lại, nhiều trường hợp còn khai thác sự yếu kém (tự nhiên và cố tình) của bộ máy lãnh đạo để thủ lợi cho bản thân
Tóm lại, để công bằng thì phải nói : nếu để mất nước, nếu để xã hội hỗn loạn, mất nhân tính, mất tình người, thì không chỉ Đảng và Nhà nước phải chịu trách nhiệm, và tất cả các công dân trên đất nước này đều phải chịu trách nhiệm, dù là nam giới hay nữ giới.

Sài Gòn, 26/3/2014
Nguyễn Thị Từ Huy

No comments:

Post a Comment