Được tin Họa sĩ Trần Duy qua đời, hưởng thọ 95 tuổi, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một phần của cuộc trò chuyện của chúng tôi với Họa sĩ Trần Duy để tưởng niệm ông.
PV: Thưa họa sĩ Trần Duy, chúng tôi được biết ông là Thư ký Tòa soạn báo Nhân Văn và trên báo Nhân Văn đã đăngchùm ba bài phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (số 1), Giáo sư Đào Duy Anh (số 2), Giáo sư Đặng Văn Ngữ (số 3) về vấn đề mở rộng tự do dân chủ. Xin ông cho biết hoàn cảnh ra đời chùm ba bài phỏng vấn đó như thế nào ạ?
Họa sĩ Trần Duy: Lúc bấy giờ thì tất cả đó là ý kiến của anh Nguyễn Hữu Đang. Chính tôi đã đưa cái chuyện ấy ra bàn với ông Đang: “Bây giờ phải hỏi ai?” Về khoa học thì lúc bấy giờ tôi định hỏi ông Ngụy Như Kontum và một số người khác nữa thì ông Nguyễn Hữu Đang bảo: “Thôi, dẹp đi. Ông làm thế nào mà ông tiếp xúc với ba ông Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Đặng Văn Ngữ là tiêu biểu nhất cho kiến thức của thời đại”. Anh Nguyễn Hữu Đang biết rằng tầng lớp lớn nhất ở trong xã hội thì phải kể đến những con người đó. Họ là những cái đỉnh của trí thức.
Thứ nhất, y học thì hỏi anh Đặng Văn Ngữ. Thứ hai, kiến thức về triết học Châu Âu và văn hóa Châu Âu nói chung thì anh Nguyễn Mạnh Tường. Thứ ba, thuộc về cổ học, Nho học, Nôm học thì hỏi anh Đào Duy Anh. Vậy thì ba con người đó là tiêu biểu cho tầng lớp trí thức về văn hóa, triết học, khoa học kỹ thuật Châu Á và Châu Âu từ cổ đại đến đương đại. Đó là ba cái đỉnh cần phải hỏi. Tất nhiên anh Trương Tửu là nằm ở trong khối rồi thì không phải hỏi nữa, anh ấy viết nhiều rồi.
Lúc bấy giờ tôi là người phụ trách phần đi phỏng vấn. Và bài phỏng vấn các ông ấy có gì là sai trái đâu. Anh Đặng Văn Ngữ yêu cầu mở rộng việc tìm tòi nghiên cứu. Anh Đào Duy Anh về vấn đề học thuật. Anh Nguyễn Mạnh Tường thì anh cho là nền văn học nào cũng đáng quý và nó có cái cơ bản xã hội của nó.
Ba người đó đều cùng một xu hướng, đều cùng một tôn chỉ, là người ta muốn dân chủ ở trong khoa học và văn học nghệ thuật, thế thôi, chứ người ta không có gì phản động cả.
PV: Thưa ông, việc ra báo Nhân Văn ngày ấy chắc là không thể nằm ngoài sự theo dõi của ngành an ninh? Không ít ý kiến cho rằng chính Trần Duy là công an nằm vùng.
Họa sĩ Trần Duy: Tôi nói thật với anh, những người làm báo Nhân Văn gặp nhau ở đâu cãi nhau ở đấy, đầu đường xó chợ, chỗ nào cũng nói ào ào lên. Công an cần quái gì phải đặt người theo dõi. Chỉ cần đứng ở đầu đường đã nghe các anh cãi nhau, công an biết hết rồi. Mà công an cũng biết trong Nhân Văn ai là chủ chốt rồi. Có thể là tôi nhưng tôi không phải là người chủ đạo trong vấn đề đó. Có thể tôi là người trung thành, tôi chấp hành tất cả quy định của anh em. Tôi không phải là cái người quyết định tất cả đường lối. Đứng về mặt kiến thức chính trị, tôi nói thật, tôi không thể đạt đến mức độ của anh Nguyễn Hữu Đang. Anh Nguyễn Hữu Đang là người có tầm vóc lớn lao, chứ không phải là người bình thường. Tôi chỉ là một anh họa sĩ, có một số kiến thức về nghề nghiệp, có một số kiến thức về văn hóa, nhưng mà đứng về quán triệt mọi vấn đề không thể bằng anh em được.
PV: Ở trên ông có nói Trương Tửu là nằm ở trong khối rồi thì không phải hỏi nữa. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vai trò của Trương Tửu trong Phong trào Nhân văn Giai phẩm.
Họa sĩ Trần Duy: Anh Trương Tửu phải nói đây là một học giả. Anh Trương Tửu là người kiến thức đầy đủvề các mặt: báo chí, văn học, và cả lý luận chủ nghĩa Mác nữa. Anh Trương Tửu không phải là người đùa đâu. Thành thử ra Trương Tửu là một con người tôi cho anh ấy là người giỏi. Tôi cũng có gặp anh ấy mấy lần. Tôi vẫn xem anh ấy là bậc đàn anh lớn tuổi và cũng già dặn. Anh đối với tôi cũng xem như một thằng đàn em thôi, một thằng đàn em có tư tưởng tiên phong.
Có một việc tôi cứ thắc mắc mãi: Tại làm sao ông Trương Tửu lại cộng tác với Đồ Phồn là thế nào không biết được.
PV: Xin ông trở lại với Trương Tửu. Trương Tửu có tham gia vào Phong trào Nhân văn Giai phẩm.
Họa sĩ Trần Duy: Có.
PV: Nhưng mà Trương Tửu lại không viết cho tờ báo Nhân Văn.
Họa sĩ Trần Duy: Đúng rồi. Trương Tửu chỉ viết cho Giai Phẩm.
PV: Còn báo Nhân Văn thì Trương Tửu không viết.
Họa sĩ Trần Duy: Trương Tửu không chơi. Trương Tửu biết Nhân Văn là không ổn đâu đấy. Ông ấy ghê lắm. Trương Tửu cũng không tán thành Nguyễn Hữu Đang. Vì Trương Tửu cho Nguyễn Hữu Đang là quá khích. Trương Tửu là người có chừng mực. Trương Tửu là người hiểu biết được rằng Nhân Văn là một cái bánh xe đang lao xuống dốc. Đó là cái tư tưởng của Trương Tửu. Cho nên Trương Tửu rất dè chừng. Trương Tửu là cái người hiểu Đảng hơn ai hết đấy.
PV: Người ta vẫn nói ông Trương Tửu là Trotxkit, thì điều này có đúng không ạ?
Họa sĩ Trần Duy: Nói thật với anh, tôi không phân biệt được chủ nghĩa Mác và Trotxkit nó là cái gì đâu. Cái đó nó không có nghĩa gì cả. Troxkit là cái gì, tôi cũng không biết. Và nó là cái gì thì tôi cũng không cần biết.
PV: Có một nhân vật của nhà Hàn Thuyên mà về sau này có bài phê phán Trương Tửu rất dữ dội trên báo Văn Nghệ là Đồ Phồn.
Họa sĩ Trần Duy: Ôi, cái đó tôi nói chuyện với anh ở trên rồi. Tôi không hiểu làm sao trong đời ông Trương Tửu lại quen cái người đấy.[...]
PV: Nhà Hàn Thuyên cũng có một nhân vật nữa sau này làm trên báo Vui Sống ông có biết không?
Họa sĩ Trần Duy: Phạm Ngọc Khuê là bác sĩ chứ gì? Có. Nhân vật ấy đối với tôi ở báo Vui Sống lúc bấy giờ thì cũng không phải là sáng lắm. Sáng nhất ở báo Vui Sống (cười) là ông Từ Giấy.
PV: Báo Nhân Văn ra đến số 6 thì bị tịch thu ngay tại nhà in. Đã quá nửa thế kỷ để nhìn nhận lại, để chiêm nghiệm về phong trào Nhân văn Giai phẩm, bây giờ ông nghĩ sao về sự kiện ra đời và tồn tại của báo Nhân Văn?
Họa sĩ Trần Duy: Kể ra báo Nhân Văn lúc bấy giờ tôi cũng cho là nguy hiểm chứ chẳng phải không. Nếu Nhân Văn mà nó được sống và nó phát triển theo cái khả năng thật của nó, tôi cũng chưa biết kết quả của nó sẽ như thế nào.
PV: Xin cảm ơn họa sĩ Trần Duy về cuộc trò chuyện này./.
No comments:
Post a Comment