Friday 21 March 2014

Trần Duy: Bác sĩ Đặng Văn Ngữ

Đặng Văn Ngữ, bài của họa sĩ Trần Duy (1920-2014)

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ – Một nhân cách
Trần Duy
 Những năm 30 của thế kỷ trước, khi từ Huế ra Hà nội theo học trường Cao Đẳng Mĩ Thuật Đông Dương, tôi ở nhà người chị con cậu tôi, có họ với Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, lúc bấy giờ ở phố Charron, nay có tên là phố Mai Hắc Đế.
 Thỉnh thoảng tôi cùng chị tôi sang thăm gia đình bác sĩ Đặng Văn Ngữ, được biết bà Đặng Văn Ngữ tên là Cung, con gái cụ Tôn Thất Đàn, Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế.
 Đến khi bác sĩ Đặng Văn Ngữ được nhà nước Pháp cử sang Nhật nghiên cứu về Y học, bà Cung cùng các con rời Hà nội trở về Huế. Từ ngày ấy tôi không có tin tức gì của bác sĩ Ngữ và gia đình, cho đến khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 Cuối năm 1949, tôi có dịp qua Chiêm Hóa (Tuyên Quang) gặp lại các bạn cũ cùng ở Ký túc xá Đông Dương: bác sĩ Nguyễn Xuân Ty, bác sĩ Bửu Triều, được biết tin bác sĩ Đặng Văn Ngữ ở Nhật đã về nước tham gia Kháng chiến.
 Năm 1950 tôi lên Chiêm Hóa thì bác sĩ Ngữ vừa từ Khu 4 ra Việt Bắc, hiện đang ở tại ngòi Quẵng, một địa điểm tập trung các cơ quan y tế Trung ương và một bệnh viện lớn trong kháng chiến. Các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng đều công tác tại đó. Tôi đến gặp bác sĩ Ngữ, biết chuyện ông tìm về nước rất gian khổ, phải đi từ Nhật sang Thái Lan, nhờ những tổ chức yêu nước mới liên lạc được với Đại diện Chính phủ ta ở Bangkok… rồi được đưa theo đường bí mật về Nghệ An , từ đó lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Gặp tôi ông hồ hởi:
- Trước tên là Tăng, nay đổi tên nên không biết là ai!
Bao nhiêu ngày tháng ông vẫn còn nhớ đến tên cũ của tôi. Ông cho tôi biết ông đang nghiên cứu về một loại kháng sinh péniciline, chế tạo ngay trong nước với những nguyên liệu sẵn có như thân cây ngô, nấu chiết lấy nước để tạo ra dung dịch cấy nấm péniciline, một chất kháng sinh – một phát minh mới cùng với streptominicine, chống nhiễm khuẩn hiệu nghiệm nhất, rất cần cho các trạm cứu thương tiền tuyến, cho việc chữa chạy các thương binh.
 Ông đặt làm những lọ thuỷ tinh dẹt, miệng lọ ở trên lưng; ông cho biết làm như vậy để diện tiếp xúc với không khí trong lọ nhiều, giúp nấm phát triển tốt. Nước ấy chắt lọc thành nước péniciline kháng sinh dùng trong những ca mổ, phẫu thuật và điều trị các vết thương ở chiến trường cũng như ở các bệnh viện dã chiến.
 Ngoài ra ông còn mở những buổi nói chuyện về những thành tựu y học mới cho anh em cán bộ, sinh viên, phổ biến cho họ những kiến thức mới về y tế, khoa học hiện đại.
 Đang sinh hoạt ở một nước tiên tiến, về sống trong một môi trường thiếu thốn, ở trong một gian nhà nứa ọp ẹp, lạnh lẽo, không điện nước, ông vẫn vui vẻ, chấp nhận cuộc sống gian khổ cùng dân tộc và đất nước.
 Ông đi xem triển lãm hội họa tổ chức trong kháng chiến cùng tôi, và gặp Tố Hữu. Tố Hữu cười hỏi ông:
- Làm sao anh biết được thằng cha ni?
Ông cười thay trả lời.
Triển lãm bế mạc, ông xin bức tranh áp phích của tôi vẽ Bài ca hòa bình lấy nứa nẹp thành khung đem về nhà treo.
 Cuộc đời trôi qua những lớp chỉnh huấn, những lớp học chính trị sôi động, những thay đổi cũ, mới, tiến bộ, lạc hậu… xáo trộn nội tâm con người. Cho đến ngày bà Cung dự một lớp chỉnh huấn tại Việt Bắc và sau đó tôi được tin bà qua đời năm 1954. Cái chết đột ngột của bà trong lúc ông Ngữ đi công tác vắng đã để lại bao lúng túng cho mọi người. Ông Ngữ gặp tôi, gọi riêng ra một nơi vắng, ông hỏi:
- Anh có biết nhà tôi mất vì một nguyên do nào không?
Tôi cẩn thận trả lời:
- Em nghe hình như chị uống nhầm thuốc.
Im lặng một hồi lâu, ông nói:
- Một người cẩn thận và chu đáo như nhà tôi không thể có chuyện dùng nhầm thuốc được.
Và từ đó, ông im lặng, không hề nhắc đến sự việc này thêm một lần nào, mặc dầu im lặng trong đau thương.
Từ đó, ở cái tâm hồn thầm lặng ấy đã thấy bắt đầu có những vết thương rướm máu.
Ông đi cùng tôi về nhà, nói thêm:
- Nhà tôi là một người cẩn thận, chu đáo, từ những việc bình thường. Bà đã mang từ Huế các chăn gối của ngày mới cưới lên Việt Bắc
Câu chuyện nghe kể như một mối tình huyền thoại.
 Từ ngày ấy tôi không có dịp trở lại Chiêm Hóa để gặp ông Ngữ. Cho đến ngày tiếp quản Hà Nội, được tin ông đã về giảng dậy ở trường Đại học Y tại Hà Nội.
 Lúc bấy giờ y học Việt Nam thiên về thuyết Missourin và Lytsenko của Nga, xem các học thuyết di truyền của các nước tư bản là phản động. Việc giảng dậy cũng gặp nhiều khó khăn, tuy vậy khi lên lớp ông vẫn giới thiệu cho sinh viên nghiên cứu học thuyết Mendel – Morgan, một học thuyết lúc bấy giờ được coi là phản động.
Việc này được báo cáo lên thủ tướng Phạm Văn Đồng và được ông trả lời:
- Những gì anh Đặng Văn Ngữ đã dạy, thì cứ thế mà học
Tin này anh Nguyễn Hữu Đang nghe biết, bèn gọi tôi:- Nếu cậu quen với ông Ngữ, cậu nên đến đặt một bài phỏng vấn ông về vấn đề tự do dân chủ trong khoa học.
 Tôi đến gặp ông Ngữ ở văn phòng trường Y, ngỏ ý muốn mời ông cho ý kiến về tự do dân chủ – ông vui vẻ nhận lời. Bài đã được đăng ở báo Nhân Văn số 5 ra ngày 20 tháng 11 năm 1956.
Tiếp đó, tòa soạn đã nhận được rất nhiều thư của các bác sĩ, trí thức tán thành những ý kiến nêu trong baì trả lời phỏng vấn của bác sĩ Đặng Văn Ngữ.
 Ngày Quốc Khánh 2/9 năm sau , ông Ngữ dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe đạp đến tập trung ở vườn hoa Hàng Đậu, để tham gia đoàn cán bộ công nhân viên Trường Y diễu qua lễ đài Ba đình, nơi mà những năm trước ông vẫn được mời đứng trên khán đài B .
Tôi ngỏ ý ái ngại khi gặp ông mồ hôi nhễ nhại vì nắng gắt, nhưng ông vẫn vui vẻ nói:
- Có sao đâu, được đi cùng anh em càng vui.
Cho đến khi báo Nhân Văn bị đình chỉ, bị lên án thì những trí thức đã tham gia viết bài cho báo như các ông Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Văn Ngữ, Đào Duy Anh, … chắc không tránh khỏi những hệ luỵ
 Từ ngày ấy, tôi cũng ngại không muốn đến gặp ông Ngữ, vì tôi không muốn làm ông phải bị phiền hà thêm.
 Nhưng rồi bỗng nhiên một hôm tôi mở hòm thư, nhận được giấy mời của Viện sốt rét kí sinh trùng thuộc Bộ y tế, kí tên Viện trưởng Đặng Văn Ngữ. Tôi vui mừng khôn xiết, vội vàng đến ngay.
Gặp tôi, chưa để tôi hỏi thăm, ông Ngữ đã hỏi tôi trước:
- Hiện làm gì để sống?
Rồi hỏi tiếp:
- Còn vẽ được không?
Chưa kịp để tôi trả lời, ông nói ngay:- Hôm nay mời anh đến để nghiên cứu và vẽ chân dung họ hàng nhà muỗi…
Ông giảng cho tôi biết về quá trình sinh sản truyền bệnh của con muỗi, cách đề phòng, điều trị… và đặt tôi vẽ một bộ tranh phổ biến trong nhân dân cách chống bệnh sốt rét, các dạng sốt rét, trường hợp đột biến ác tính của sốt rét có thể gây tử vong, v.v.
 Tuy biết khó vẽ, nhưng ông Ngữ khích lệ tôi làm việc, và như vậy tôi sẽ có được một số tiền để sinh sống. Tôi có cảm giác đó là một sự giúp đỡ của một người anh yêu thương tôi hơn là việc đặt hàng của một ông Viện trưởng, vì thiếu gì người ông có thể đặt làm việc đó. Tôi chào ông ra về, nhưng lần này có một linh cảm nào đó khiến tôi nghĩ đến ông với một niềm luyến tiếc thương cảm.
 Tiếp đó tôi nghe ông cùng đoàn chống sốt rét đi vào Nam… Khi tôi vào đến Viện sốt rét ở Thanh Xuân thì ông Ngữ đã đi rồi … Cho đến khi nghe tin ông mất ở Miền Trung sau một trận bom B52 ác liệt ở Bình Trị Thiên.
 Bom đạn của chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của bao nhiêu nhân tài của nhân loại, trong ấy có bác sĩ Đặng Văn Ngữ.
 Cho đến nay tôi vẫn mang trong lòng một niềm ân hận suốt đời: giá đừng có cuộc phỏng vấn, giá đừng mời ông tham gia viết bài cho báo Nhân Văn, và nói chung đừng ai quấy rầy làm phiền nhiễu ông, hãy cứ để ông làm việc yên lành trong phòng thí nghiệm của ông… chắc ông còn làm được nhiều hơn nữa cho đất nước và cho sự nghiệp khoa học của nhân loại.
 (Bài đã in trong cuốn sách “ĐẶNG VĂN NGŨ – MỘT TRÍ THỨC LỚN, MỘT NHÂN CÁCH LỚN“ do Nhà xuất bản Y học ấn hành năm 2010)

No comments:

Post a Comment