Monday 7 March 2011

Đọc lại thư cũ

LAO ĐỘNG có bài này có lẽ là bài khá nhất từ trước đến nay của ông nghị Dương Trung Quốc (là mỗ tự đoán từ chữ viết tắt cuối bài):

Đọc lại thư cũ


Thứ Bảy, 5.3.2011
10:22 (GMT + 7)

Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII sắp kết thúc, các đại biểu Quốc hội cùng địa phương của mình đang tiến hành tổng kết chuẩn bị cho kỳ họp cuối cùng. Lục lại trong ký ức và ngăn kéo tôi bỗng tìm thấy một vài kỷ niệm gắn với mấy lá thư cũ. Đọc lại, muốn chia sẻ vì đó là điều đến hôm nay tôi vẫn muốn nói.

Còn cách đây đã 7 năm (2004), thì nó chỉ là một bức thư riêng gửi cho... Chủ tịch Quốc hội khi đó (khoá XI). Vị Chủ tịch Quốc hội lúc đó có một hành xử đáng quý là thỉnh thoảng ông gửi cho tôi (và có thể là nhiều người khác nữa) những gì ông viết để tranh thủ ý kiến trước khi sử dụng. Tôi nhớ, vào kỳ họp tháng 10-2004, nhân “kỷ niệm 10 năm truyền hình trực tiếp một số hoạt động quan trọng của Quốc hội”, ông thảo một bài diễn văn có đầu đề “Dân chủ Xã hội chủ nghĩa và hoạt động của Quốc hội”...

Khi đó tôi đang dự một cuộc hội nghị về công tác bảo tồn di sản ở Huế thì nhận được bản thảo của ông chuyển tới. Tôi đọc và chỉ ngày hôm sau qua mạng tôi hồi âm tới ông. Khi kỳ họp khai mạc, gặp tôi, ông bắt tay và chỉ nói “cảm ơn”, rồi trong suốt kỳ họp, không thấy ông đọc bản diễn văn ấy. Mãi về sau, một lần ngồi cạnh ông trên một chuyến máy bay đi Châu Âu, ông thân mật nói với tôi rằng (đại ý): mình đã đọc thư của cậu và một số anh em khác nên mình để thời gian nghiên cứu thêm.

Lần nghỉ ngơi cuối tuần này, bí đề tài nên gửi các bạn đọc lại, cũng là để góp lời trao đổi những vấn đề ít nhiều vẫn đang mang tính thời sự

“Tôi đang dự một hội thảo về khảo cổ học tại cố đô Huế, thì nhận được thư và dự thảo báo cáo của Anh tại phiên họp trù bị chiều 24/10 này (do cơ quan của tôi Fax vào).

Anh đề nghị tôi góp ý. Tôi rất cảm ơn sự tin cậy của Anh, nhưng tôi cũng thấy rất khó. Bởi lẽ bản báo cáo của Anh là một tư tưởng có tính hệ thống, mang tính nguyên tắc của một tổ chức chính trị mà chắc hẳn Anh đã nung nấu từ lâu, từ trong thực tiễn hoạt động của QH và đã tham khảo ý kiến những người có trách nhiệm và gần gũi. Vấn đề khó và tế nhị còn vì tôi là ĐBQH không phải là đảng viên. Đề cập tới những vấn đề của Đảng, mà đây là vấn đề hệ trọng (như Anh đã xác định) là điều không đơn giản, dễ đưa ra những ý kiến có thể là khách quan nhưng lại phiến diện.

Tuy nhiên, tôi nói như vậy không phải để từ chối mà để tự xác định vị thế của mình khi góp ý với bản báo cáo. Xin hãy coi đây là một sự phản biện của một người được nghe (đọc) trước.

1. Đúng như Anh đã tiên liệu, bản báo cáo đã đề cập tới một vấn đề nhạy cảm và hệ trọng là vấn đề “Dân chủ XHCN” cả trên lĩnh vực lý luận và thực tiễn.

“Dân chủ” là một ý niệm (thuật ngữ chính trị học) có tính lịch sử, ngày nay nó đúng như điều Anh viết ở cuối báo cáo “vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội” nhưng nó không phải là “khát vọng ngàn đời” như Anh viết ngay ở dòng trước đó. Ngàn đời xưa, con người khao khát sự sống (thời nguyên thuỷ), tự do (nô lệ) và tự chủ (phong kiến). “Dân chủ” theo đúng nghĩa của nó, khởi đầu thuộc phạm trù của xã hội tư sản mà đặc trưng quan trọng nhất là “tư hữu” và “tầng lớp hữu sản”. Không phải tự nhiên mà ý niệm về “dân chủ” gắn liền với cách mạng tư sản (mà cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 được coi là biểu trưng) với nội hàm chấm dứt chế độ phong kiến (quân chủ) xác lập chế độ tư bản (dân chủ). Cũng do vậy mà dân chủ trở thành một thành tựu trong tiến trình tiến hoá về thượng tầng của loài người, bước chuyển từ xã hội thần dân (quân chủ) sang xã hội công dân (dân chủ).

Những ý niệm về tư tưởng “thân dân”, “cận dân” hay “dân chủ làng xã”…xuất hiện dưới nhiều dạng thái khác nhau mà một thời (nhất là vào những thời điểm xã hội thiếu dân chủ) được tôn vinh như một giá trị quá khứ. Thực ra, theo tôi, những tư tưởng đó mới là phạm trù “đạo lý” hay “thuật làm chính trị”(cai trị) trong xã hội truyền thống; nó cũng là phản ánh sự khao khát của nhân dân trước những hiện thực bất công hay tàn bạo của xã hội đương thời. Và đó cũng là tiêu chí để sau này giới sử học đánh giá những thời đại thịnh trị hay suy thoái. Những tư tưởng thân dân của một số triều đại phong kiến tự chủ hay những nhân vật lịch sử như một số vị vua thời Lý, Trần, Nguyễn Trãi thời Lê… vẫn chưa phải là “dân chủ”…

Khát vọng dân chủ chỉ bắt nguồn từ một nền tảng xã hội của những người hữu sản muốn xây dựng một “khế ước xã hội” (contrat social) đảm bảo quyền sống và sở hữu những điều kiện sống (trong đó có tài sản tư hữu) trong cộng đồng. Do vậy khi hình thành những trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa, không tính đến những trào lưu “không tưởng” (utopique), thì xuất hiện một khuynh hướng phê phán nền “dân chủ tư sản” vào thời điểm nó đã bộc lộ những hạn chế do sự phân hoá xã hội giàu nghèo đã trở nên quyết liệt dẫn đến những xung đột giai cấp và đặc biệt là với sự hình thành từ trong lòng chủ nghĩa tư bản cái “phụ phẩm” là chủ nghĩa thực dân gắn với thời đại mà chúng ta cho rằng là “giai đoạn phát triển tột cùng của CNTB: chủ nghĩa đế quốc”…

Trong tiến trình ấy, xuất hiện một quan điểm cho rằng có một nền dân chủ vượt lên trên cái hiện thực của xã hội tư bản gắn liền với sự ra đời của một hệ thống - thực thể chính trị mới, là CNXH. Ý niệm về “Dân chủ XHCN” hình thành từ đó với hệ thống lý thuyết và với những thử nghiệm của các mô hình cụ thể gắn với các không gian cụ thể (các quốc gia) và thời gian cụ thể (các thời kỳ lịch sử). Ngay từ đầu, khi tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chống chế độ thuộc địa của ngoại bang đã tồn tại ngót trăm năm, đồng thời với việc lật đổ chế độ phong kiến đã tồn tại cả ngàn năm, cương lĩnh chính trị của Đảng đưa ra khái niệm mới về một cuộc “cách mạng tư sản dân quyền”, rồi một “nền dân chủ nhân dân”, một “tư tưởng làm chủ tập thể”, một nguyên lý về nhà nước “của dân, do dân, vì dân” (thực ra ý niệm này đã được Tổng thống Hoa Kỳ A. Lincoln là người nêu lên lần đầu)… và đến nay là “Dân chủ XHCN” như Anh đưa ra như một chủ đề trọng tâm của bản báo cáo này…

Đề cập tới “Dân chủ XHCN” trên một lĩnh vực đầy nhạy cảm là trong hoạt động của QH nhằm xác định phương thức lãnh đạo của Đảng và vai trò của đảng viên trong QH (hơn 90% thành viên) là một vấn đề rất không đơn giản. Tôi nói như vậy vừa để ghi nhận sự đột phá của Anh nhưng cũng e dè cho sự đột phá nếu chưa đi đến cùng về lý luận để đạt được tính thuyết phục cao khi đề cập đến một vấn đề tuy đã cũ (với 60 năm hoạt động của QH) nhưng lại rất mới mẻ khi đặt nó trong tiến trình Đổi mới và Hội nhập hôm nay.

Tôi cũng muốn nói đến một đặc điểm lịch sử mà ít ai nghĩ tới. Đó là ở VN, khác với tất cả các nước khác, nền dân chủ do đảng cộng sản thiết lập. Nếu như phổ biến trong lịch sử nhân loại, các nền dân chủ được xác lập bởi các cuộc cách mạng tư sản và do các đảng tư sản lãnh đạo. Ngay ở TQ, nền dân chủ gắn liền với sự sụp đổ của nhà Mãn Thanh bởi cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Hình như duy nhất chỉ có ở VN, cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 do ĐCSĐD lãnh đạo, với khả năng và đường lối đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ đánh đổ ách thuộc địa, giành độc lập dân tộc mà quan trọng không kém là chấm dứt chế độ phong kiến ngàn đời lập nên nền Dân chủ-Cộng hoà. Tôi nghĩ bài học về QH khoá I thể hiện một cách “tài tình” phương thức lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, của QH nói riêng.

Giờ đây, đứng về tổ chức thì dễ nhận thấy sự lãnh đạo của Đảng ngày càng tuyệt đối (mọi chức vụ từ quan trọng nhất đến mọi chức vụ tầm tầm đều là đảng viên, hơn 90% ĐBQH là đảng viên, một tỉ lệ cao nhất trong lịch sử QHVN, và có lẽ cũng là tỷ lệ cao nhất trên thế giới về thành phần một đảng trong QH của một quốc gia?). Nhưng, theo tôi, về nghệ thuật và phương thức lãnh đạo của Đảng cách đây hơn nửa thế kỷ khi mới có khoảng 5.000 đảng viên vẫn là mẫu mực đáng khâm phục, mà giờ đây Đảng đã có số đảng viên gấp bội lần, và chiếm tuyệt đại đa số trong QH, vẫn là những bài học cần học hỏi. Đó là nghệ thuật và phương thức lãnh đạo của một thời kỳ mà tinh thần dân tộc và dân chủ được phát huy mạnh mẽ nhất.

Tôi muốn trở lại với nền Dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo như một thành tựu độc đáo của Cách mạng VN. Nhưng vấn đề cũng bắt nguồn từ đấy. Nếu như người cộng sản rất có năng lực lãnh đạo nhân dân đòi dân chủ, thì thật vô cùng khó khăn khi Đảng ấy phải xác lập nền dân chủ với tư cách là người cầm quyền. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đó cũng là khó khăn trong việc xác lập một nền Dân chủ XHCN, điều chưa hề có một mẫu hình thành công nào trong lịch sử nhân loại. Do vậy, những điều Anh trình bày trong báo cáo này cũng là những điều còn mới mẻ khi được nói ra.

Tôi nói hơi dài dòng như vậy để thấy, cho đến nay, dù nhà nước ta đã sắp tròn 60 năm tuổi (tức là một hoa hội theo quan niệm cổ điển), nhưng chúng ta vẫn còn tiếp tục “mò mẫm”, thử nghiệm cả trên lý luận và thực tiễn về một nền dân chủ kiểu mới – Dân chủ XHCN. Không thể quên nội dung một bức thư Bác Hồ viết ngày 14-9-1945 (tức là chỉ 2 tuần sau ngày Độc lập) gửi cho “các đồng chí bản tỉnh” (Nghệ An), trong đó Bác cho rằng việc xây dựng một chế độ hoàn toàn mới là một sự nghiệp còn khó khăn hơn nhiều việc đánh đổ chế độ cũ. Khó khăn vì nó phải thực hiện cái mà chưa ai làm; nhưng sẽ làm được nếu “biết đoàn kết và biết sửa chữa khuyết điểm”. Trong nhiều bài viết, Bác nêu rõ cái cản lực lớn nhất của “Dân chủ” chính là “thói quan liêu” trong bộ máy cầm quyền. Theo tôi, để xây dựng và phát huy nền dân chủ của xã hội VN hiện đại phải chống quan liêu, xây dựng một xã hội công dân, gột bỏ tập tính thần dân, ngay cả trong các ĐBQH và hoạt động của QH…

Cuối cùng, tôi muốn kể lại cho Anh ý kiến của một người nước ngoài nghiên cứu về VN. Họ nói (có thể là nói vui) với tôi rằng: Thể chế chính trị của VN đương nhiên rất rất khác Hoa Kỳ. Nhưng nếu coi Trung ương ĐCSVN (với khoảng 150 thành viên) na ná như Thượng viện (100 vị); còn QH với khoảng 500 vị thì cũng tương tự như Hạ viện Hoa Kỳ. Thượng viện (BCHTƯĐ) vạch đường lối chính trị của quốc gia, còn hạ viện (QH) thì gắn chặt với nguyện vọng của nhân dân (cử tri)… Như vậy không phải không có những điều đáng suy nghĩ…

Nhân Anh hỏi, tôi trả lời bằng thư để Anh tham khảo như một bức thư riêng, cũng vì thế tôi nói những điều tôi nghĩ và như mở đầu lá thư này, tôi cũng nói rằng rất có thể khách quan nhưng phiến diện.

...Cuối thư xin thêm một ý: “Anh viết về “Ý Đảng, lòng Dân”, nhưng theo tôi cũng cần quan tâm đến một phương thức lãnh đạo khác: “Ý Dân, lòng Đảng”. bởi lẽ có rất nhiều trường hợp mà sáng kiến và ý nguyện của nhân dân giúp Đảng đưa ra đường lối đúng. Người dân trong quan hệ với nhà nước cần xác định tư cách công dân (ý thức về nghĩa vụ và quyền của mình) hơn là tư cách thần dân lấy sự tuân phục làm đầu”...

D.T.Q (Huế, 22-10-2004

No comments:

Post a Comment