Trò chuyện với "cô Tư đất Mũi" | |
Phạm Xuân Trường* thực hiện | |
Sau những tập truyện khẳng định được một phong cách văn chương độc đáo, đặc biệt là truyện ngắn Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã cho trình làng tiểu thuyết Sông. Một số người cho đây là một tiểu thuyết “Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo. Truyện kết thúc bằng dấu chấm hỏi về số phận một con người”. Tuy vậy, từ khi ra đời đến nay đã hơn một năm, có người cho rằng Sông của Nguyễn Ngọc Tư vẫn chìm vào cánh rừng bất tận của đất Mũi. Đầu tháng 9 mới đây, Nguyễn Ngọc Tư lại cho ra đời tác phẩm mới: tập thơ Chấm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về văn chương với chị.
* P.V: Chúng ta biết rằng, mỗi nhà văn đều có một mảnh đất văn hóa để trưởng thành, làm chất liệu giúp cho tác phẩm của mình thăng hoa, như vùng đất Mũi Cà Mau phải chăng đã nuôi dưỡng tâm hồn văn chương của chị? Xin chị cho biết ý nghĩa của mảnh đất và con người nơi đây đối với chị?
- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Chưa bao giờ tôi đi xa Cà Mau quá một tháng. Chưa bao giờ tôi nghĩ tới chuyện mình sẽ rời bỏ nó dù cảnh đẹp đường xa có cuốn hút đến mức nào. Nhưng tôi không thần thánh hóa quê mình đến mức nghĩ cái gì ở nơi đây cũng đẹp. Cà Mau với tôi chỉ là nơi ba mẹ già đang sống, nơi có mồ mả ông bà. Nhưng đó là tất cả, với một con người.
* Chị vừa cho ra mắt cuốn sách mới của mình là một tập thơ, chị có thể bộc lộ về cảm xúc khi thực hiện tác phẩm này, cũng như giá trị mà cuốn sách mang đến với độc giả?
- Với tập thơ Chấm mới ra đời, chữ nghĩa trong ấy vẫn là Tư hay đã khác rồi, tôi nhường lời cho người đọc. Vào những thời khắc đặc biệt với những tâm trạng đặc biệt, tôi nhận ra có những chuyện bọn văn xuôi không nói được, hoặc nói được cũng chẳng ra làm sao, tôi lấy thơ ra… chơi đỡ. Nên độc giả đã từng rất ưng văn xuôi của tôi cũng đừng lo lắng, chơi đâu thì tôi cũng quay về.
* Nguyễn Ngọc Tư khi ra mắt một chùm thơ trên Tạp chí Thơ đã gây sự chú ý, ngôn ngữ nghiêng về văn xuôi, mỗi bài đều có chuyện, sau đó chị xuất hiện đều đều. Với Nguyễn Ngọc Tư, thơ và văn xuôi lẫn vào nhau. Còn về văn, có người cho rằng văn của Nguyễn Ngọc Tư có ngôn ngữ giản dị, mộc mạc và sáng tạo để mô tả con người và vùng đất chị sống. Trong văn chị có những con vật như: gà, vịt, ngan, ngỗng, không chỉ tả cảnh về nông thôn đất Mũi và mang những biểu tượng số phận. Đúng là văn của chị nghe như có nhạc. Nhiều truyện của Nguyễn Ngọc Tư gần như một bài vọng cổ. Và trong bài vọng cổ, chúng thường là những chuyện buồn, đôi khi rất buồn, kết thúc bằng một nốt trầm, một sự lửng lơ... Nhưng có ý kiến cho là văn của chị không hợp với ngôn ngữ trừu tượng, triết luận, ý kiến của chị về điều này như thế nào?
- Tôi thấy chạy đi chạy lại giữa các đám đông cũng giống như đẽo cày giữa đường, một hành động tuyệt vọng. Mười năm trước, mở một trang trắng ra, tôi đắn đo không biết mình viết cái này người ta có thích không. Bây giờ gõ chữ đầu tiên của một truyện ngắn, tôi rạo rực nghĩ mình khoái ý tưởng này quá, chắc hay lắm đây (tất nhiên từ ý tưởng đến tác phẩm có một độ chênh lớn, như từ mộng ra hiện thực vậy). Tôi không thể chưa đi mà đã sợ con đường đó không hợp với mình. Thử xem sự quyền biến của chữ nghĩa ra sao, tôi nghĩ bất cứ người viết nào cũng có quyền sáng tạo, trừ khi anh ta lười, thấy ngồi một chỗ ăn đong vinh quang quá khứ là được rồi.
* Nguyễn Ngọc Tư đã được nhiều giải thưởng, thông thường khi được nhận giải người viết phát biểu cảm tưởng, nhưng “cô Tư đất Mũi” chỉ cười và im lặng. Theo chị, điều gì tạo nên sự định danh cho người sáng tạo, ý tôi muốn nhắc đến danh thật ấy. Giải thưởng, sự đánh giá của giới phê bình, công chúng, số lượng sách bán chạy, mức độ quan tâm của giới truyền thông hay phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam?
- Tôi thấy cộng lại hết trơn những cái đó thì vẫn chưa chắc là danh thật. Nhiều giá trị ảo, nhiều cú bắt tay đôi bên hể hả người được tiếng kẻ được quà, nhiều chiêu trò lóa mắt. Năm mươi hay một trăm năm sau, người ta vẫn còn muốn đọc lại những gì nhà văn viết, và vẫn thấy hay. Đó là giá trị thật của một người viết. Nhưng thật chẳng ra làm sao nếu viết mà lăm le tưởng tượng “chuyến này mình sẽ nổi tiếng cho mà coi”.
* Truyện ngắn của chị giản dị, cốt truyện mỏng manh, nhân vật bị cắt rời, nhưng đọc thấy “ám ảnh”, đó là những người bị thiên tai liên miên vùi dập (Chờ đợi những mùa tôm, Đi qua những cơn bão khô, Ngậm ngùi Hưng Mỹ), nhưng bao giờ rồi cũng đứng lên và xây dựng lại. Đó là những con người nặng tình với công lý, song không phải là thứ công lý khô khan, quyết liệt của kẻ áp bức, bóc lột thời bị trị, mà là thứ công lý đầy nhân ái, giận nhưng không oán, trách nhưng không thù. Vậy khi bắt đầu viết văn chị có chú ý quá nhiều đến kỹ thuật không?
- Mình sẽ kể chuyện gì đây, lúc ấy tôi nghĩ vậy. Giờ thì nghĩ mình kể chuyện ấy nhưng kể bằng kiểu nào, giọng nào. Ngay cả làm sao để khỏi giẫm lên chính dấu chân mình là đã quá khó rồi.
* Thành thực mà nói, Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện khá nhiều. Có lúc, độc giả bội thực với cô Tư đất Mũi rồi đó. Chắc chị sẽ có dự định tái cấu trúc văn Nguyễn Ngọc Tư chăng, hay nói nôm na là dự định tương lai về văn học của chị?
- Tôi sống vốn không có kế hoạch gì, tuy chưa đến nỗi tùy tiện nhưng cứ nghĩ tùy duyên. Văn chương cũng vậy, tạm thời tôi vẫn sống nhờ vào viết. Nhưng để sống được với nó, tức là để cho bạn đọc yêu mến nuôi nấng mình hoài, thì tôi cũng phải làm lụng hết sức mình để viết ra những thứ tạm gọi là tử tế. Nhưng như anh thấy, hai chữ “tử tế”, dù là sống hay viết đều khó. Chỉ mong đến đó thôi, mà đã thấy gay rồi.
* Khi chị nổi tiếng thì chị càng lặng lẽ. Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí năm 2010, phim Cánh đồng bất tận doanh thu 17 tỉ đồng cùng tập truyện Khói trời lộng lẫy, tái bản ngay sau tuần lễ đầu phát hành. Gần đây chị cho ra mắt tiểu thuyết Sông 10.000 bản khi chào đời và chị đã về Sài Gòn dự giao lưu ra mắt sách. Tuy vậy, chị tâm sự là bản thân chị vẫn ngại đám đông, xin chị chia sẻ cảm xúc thật của mình về điều này?
- Bạn tôi, cũng là một người viết mà tôi rất kính trọng, bảo rằng mỗi nhà văn chỉ nên để lại cho đời cao lắm chừng chục tấm ảnh thôi, ngoài những tác phẩm của anh/chị ta. Dĩ nhiên tôi thấy ảnh nói vậy cũng có hơi cực đoan, nhưng cũng có lý của nó. Sự háo hức của bạn đọc muốn gặp mặt nhà văn yêu thích của mình rất đáng trân trọng, nhưng nỗi bối rối của một người viết bỗng dưng bị bóc trần, bị soi trước hàng trăm đôi mắt cũng đáng sợ, khi mà người viết ấy suốt ngày chỉ lầm lũi với chữ thôi. Mỗi lần xuất hiện chỗ đông người, tôi có ý nghĩ kiểu như mình là rắn hai đầu (cười).
* Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, chúc chị có nhiều tác phẩm hay đáp ứng mong đợi của đông đảo độc giả.
______
* Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân (TP.HCM)
No comments:
Post a Comment