Monday 30 December 2013

TRƯƠNG TỬU: TỰ BẠCH

Theo Văn hóa Nghệ An.

Trương Tửu tự bạch [1]

Gs Trương TửuGs Trương Tửu
Lời Tòa Soạn: Trương Tửu sinh ngày 18 tháng 10 năm 1913, trong một gia đình trung lưu ở Gia Lâm [Hà Nội]. Mẹ mất sớm, cha là một nhà nho thủ cựu, nghiêm khắc nhưng tôn trọng chí hướng của con.
Ông học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng. Năm 1927, bị đuổi học vì tham gia bãi khoá ở Hà Nội để đòi thực dân Pháp thả tác giả bài thơ Chiêu hồn nước [Phạm Tất Đắc]. Bị buộc rời trường, ông tự học chương trình Tú tài Pháp Việt.

Từ năm 1941 đến 1946, Trương Tửu làm Giám đốc Văn chương Nhà xuất bản Hàn Thuyên. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, chi hội phó Chi hội Văn hóa Thanh Hóa, tham gia bí thư đoàn liên đoàn Văn nghệ kháng chiến liên khu IV, dạy trường Thiếu sinh quân, trường Dự bị đại học…
Sau hiệp định Genève 1954, ông dạy Trường đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1957, ông được phong chức danh Giáo sư.
Đầu năm 1958, ông bị buộc thôi việc vì dính líu đến vụ Nhân văn giai phẩm. Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y.
Trương Tửu mất vào ngày 16 tháng 11 năm 1999, tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.
Về Giáo sư Trương Tửu, mặc dù nhiều chục năm cuối đời do vướng nạn, không tiếp tục được sự nghiệp khoa học của mình nhưng cho đến nay dư luận học thuật và xã hội vẫn đánh giá ông là một nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo tài danh của đất nước hồi giữa thế kỷ XX. Dư âm học thuật, văn chương của ông vẫn còn mãi đến bây giờ và chắc là còn rất dài lâu nữa.
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh GS Trương Tửu, chúng tôi đăng tải nội dung cuộc trao đổi của ông với PGS. Tôn Thảo Miên và TS Hà Công Tài [Viện văn học – Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam] như một sự tưởng nhớ ông, một chân dung văn hóa của nước nhà thế kỷ XX. Đầu đề bài ghi chép là do tòa soạn Văn hoá Nghệ An đặt.

[…]. Tôi quan niệm vấn đề là con người anh như thế nào chứ không phải là tiểu sử. Cần xem quan niệm của tác giả về sự sống, và quan niệm này thể hiện qua tác phẩm như thế nào chứ không phải là từ bên ngoài.
Quan niệm của tôi về viết tiểu sử: Người ta không cần biết anh viết được mấy chục quyển sách, dự bao nhiêu Hội nghị thế giới, làm chức gì. Người ta cần biết con người anh như thế nào, đối với bạn bè, vợ con như thế nào…
Có một chân lí lớn nhất: Mỗi sự vật là một quá trình. Mỗi sự vật là do sự kết hợp của mấy vật – quá trình có nhiệm vụ sinh sản ra cái gì, nó có sứ mạng của nó. Chân lí vĩ đại nhất: Cái gì cũng là quá trình chứ không phải là sự vật. Thế nên mới có thuyết duyên sinh của đạo Phật. Duyên sinh là thế nào? Khi nó có những nguyên đơn, nguyên chất như thế thì nó phải động, không bao giờ đứng im. Những cái hợp nhau phải đi tìm nhau theo quy luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Nó hợp thành cái mới, lại tan ra, lại kết hợp… thành muôn hình muôn vẻ để giữ thăng bằng cho trái đất này. Cái ấy hay lắm, nó làm cho ta biết cái nghề của ta cho phép “đẻ” ra cái gì.
Nói thế để hiểu điều tôi cho cơ bản nhất trong tiểu sử của tôi: Trong tất cả các anh em nhà văn thế hệ tôi, theo thiên hạ nói, tôi là người bạc phận nhất.
Tôi sinh năm 1913 (Quý Sửu).
Thứ nhất là, sinh ra trong một gia đình nghèo thành thị. Điều đó không ai biết. Ông nội tôi làm tri huyện, được mươi ngày thì chết. Bà nội tôi đem con cháu về quê ở làng Bồ Đề bên kia sông. Ông nội tôi liêm khiết lắm nên không có tiền. Cha tôi 10 tuổi mồ côi bố, phải bỏ quê ra tỉnh kiếm ăn. Nương tựa người này người kia, học được mọi thứ nghề: nấu bếp, giặt… Nấu bếp Tây giỏi lắm. Nấu ở khách sạn Tây. Nên không được học mấy, cụ biết được chữ Nho, đọc được tiểu thuyết Trung Quốc, phải đi kiếm ăn quên dần. Bà tôi là người không biết tung tích.
Năm ấy, có một bà cụ trong làng Tó đi xem hội. Tối tan hội thấy đứa bé ba tuổi đứng khóc ở gôc cây, hỏi nó bảo lạc, không biết mẹ. Bà cụ thương đem về làng Tó nuôi. Đó là mẹ của cha tôi, bà nội tôi. Sống với bà cụ nghèo, cổ lỗ, cha tôi bị hành hạ đánh đập, khổ lắm. Lên 10 tuổi cha tôi lên Hà Nội trốn đi làm thợ, rồi đi buôn bán gà, chợ búa, đúng cảnh dân nghèo thành thị. Gia đình dân nghèo có được chăm sóc gì đâu, phải đi làm ăn, nghèo lại đông con. Tôi bị rơi vào một gia đình như thế.
Suy nghĩ về đời mình cho là đại bất hạnh. Nhưng về sau thấy cũng không hẳn là như thế.
… Thế mà tôi vươn lên được. Cần làm bật cái điểm này thì mới có lợi cho đời, cho những người như cảnh tôi họ không thất vọng, không tuyệt vọng vì đã có người đi trước mình, đã thành công.
Cái gì cứu được tôi ra khỏi cảnh ấy và thành một nhà văn lớn, một giáo sư đại học, một người thầy thuốc nổi tiếng 30 năm, trong khi bị chèn ép đủ thứ, bạn bè họ hàng bỏ hết (có ngông nghênh quá không, - cười). Tôi không trách ai cả cứ thế mà “đi” thôi. Cuộc đời đi giữa sa mạc còn chẳng sợ nữa là xung quanh còn có bao nhiêu người.
Năm 1925, 13 tuổi chưa học hết sơ học. Có một trào lưu tư tưởng đến, nó nâng anh lên, sau mới biết chứ lúc bé chưa biết.
Hôm đi chơi ở Bờ Hồ (tôi ở Hàng Gà), giữa lúc toàn quyền Varenne Đảng xã hội Pháp mới trúng cử sang Việt Nam, 1925. Nhân cơ hội đó ông Phan Bội Châu bị bắt về nước. Sinh viên ở trường Cao đẳng Sư phạm, học sinh ở Bưởi và các nơi tổ chức biểu tình đón Varenne ở phố Hàng Đào, căng biểu ngữ yêu cầu tha cho Phan Bội Châu. Đường nghẽn lại. Lúc ấy có một cái xe nhà sang trọng lắm ở đâu đi lại phía Hàng Đào. Người ngồi trong đeo kính trắng. Sinh viên xông vào đánh ngã người áy xuống, vỡ cả kính. Người ta phải đưa người ấy lên xe chạy. Sau mới biết đó là ông Phạm Quỳnh. Rồi nó cũng giải tán. Về nhà mình cũng có suy nghĩ, chứ lúc bé chẳng biết ông Phan Bội Châu làm gì.
Về sau nghe mãn án Phan Bội Châu. Năm sau cụ Phan Tây Hồ về nước, 1926, đăng đàn diễn thuyết ở trong Nam ngoài Bắc. Mấy bài diễn thuyết về dân chủ, đánh đổ quân chủ, chống quân chủ, đưa dân chủ như dân chủ Tây phương nhưng có lẫn một tí màu sắc xã hội chủ nghĩa, một tí thôi, như lối Tam dân của ông Tôn Văn – có dân sinh nữa. Đòi độc lập, lập ra một cái cộng hòa. Đưa quyền dân lợi dân đi bầu cử. Ông mất ngay năm ấy. Đám ma Phan Châu Trinh là to nhất nước Việt Nam mà tôi được biết từ trước đến giờ. Toàn dân làm lễ truy điệu. Vai trò chính là trí thức lèng mèng, học trò như ở trường Bưởi, vài ông Cao đẳng như Đặng Thai Mai, Phạm Văn Đồng… Mấy ông ở trên, nó cấm không cho để tang Phan Châu Trinh. Dân biểu tình khắp nơi, toàn quốc. Về sau Pháp đuổi hết những học trò đi biểu tình, không cho học nữa. Không biết bao nhiêu học trò trường Bưởi, Cao học, ở các trường dưới nữa bị đuổi. Bỏ tù cũng có. Phong trào ấy cũng lọt vào “lỗ chân lông” của mình. Có khi mình không biết được rõ nhưng nghe người ta nói rồi vào mình.
Cái án ông Phan Bội Châu về nước, cái chết ông Phan Châu Trinh – hai sự kiện lớn lắm đấy đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời tôi, từ bé lông bông nghèo hèn tự nhiên nảy ra được ý nọ ý kia tốt hơn. Nhờ phong trào nó vào mình, có khi mình không biết là thế nào nhưng chắc chắn là vào.
Đám ma ông Phan Châu Trinh vừa dịu đi thì nảy ra sự kiện thứ ba ảnh hưởng quyết định cuộc đời tôi. Có anh học sinh Trường Bưởi 17 tuổi năm thứ ba (tức lớp 10 mình) bị kích động bởi phong trào Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, viết một tập thơ gọi “Chiêu hồn nước”. Đó là 1927, tôi 15 tuổi. Tác giả Chiêu hồn nước là Phạm Tất Đắc (học sinh Trường Bưởi 17 tuổi mới ghê chứ!)
Có một hôm một anh học thứ nhất chơi với tôi, 3
++đem quyển Chiêu hồn nước tới lớp, mới đến lúc chưa vào học đứng vào một xó đọc:
Cũng nhà cửa cũng giang sơn
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời
Tôi còn nhớ mãi đến bây giờ:
Nghĩ lắm lúc đương cười bỗng khóc
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang
Giữa giời thét một tiếng vang
Thân này tan với giang sơn cũng là
Xúc động lắm. 15 tuổi biết yêu nước là gì đâu. Thấy thơ hay. Anh này nghĩa lắm chả sợ chết gì cả. Quyển ấy bị cấm. Phạm Tất Đắc bị bắt.[…]
Một sáng sớm tôi đến học, thấy truyền đơn gieo ở trường. Giở xem thì thấy kêu gọi học trò toàn thành biểu tình thị uy đòi thả Phạm Tất Đắc, phản đối cấm Chiêu hồn nước. Xôn xao ghê lắm. Người nọ bàn người kia bàn xúc động lắm. Mỗi người ngẫm nghĩ, chẳng ai nói với ai, chẳng ai xui ai nên làm hay không, sợ sau này có xảy ra điều gì nó lại oán. Đến lúc bắt đầu trống xếp hàng vào lớp. Tôi và một số bạn bỏ đi ra cửa. Đã có tới dăm, bảy trăm học sinh ở trường khác đợi ở đấy để nhập bọn đi. Đếm được 17 đứa ở lớp tôi. Tôi đi ra với chúng nó dưới sự trợn tròn mắt của các ông thầy, ông đốc. Họ bảo: trẻ con nó làm gì mà ghê thế! Thầy giáo của tôi - ông ấy xem và bảo: đám lũ trẻ con ấy mà! Tôi đi theo đám biểu tình kéo đến trường Sinh Từ cũng là một trường sơ học bấy giờ, kêu gọi thêm anh em ở trường Sinh Từ đi biểu tình. Đến của trường Sinh Từ thì mật thám đến giải tán. Toàn trẻ con. Chiều, nó đuổi không cho học. Quyết định tham gia lúc bấy giờ là một hướng khác với trước kia-cái đó phụ thuộc vào ý mình. Lại nói bố mẹ tôi rất thương con, không đánh con bao giờ. Thế mà hôm ấy bố đánh tôi, vì đau lòng mà đánh chứ không phải vì tôi. Vì thực ra là con cái chỉ làm theo anh em, biết là thế nào? Hôm sau ông đưa tôi đến xin lỗi ông giáo. Ông giáo tốt lắm, dạy lớp nhị (lớp 4 bây giờ), ông đã viết cuốn Lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp, tụi Pháp sợ lắm. Tôi giỏi Pháp văn, cái khác không giỏi nên tôi được ông giáo rất quý. Ông ấy bảo cháu làm việc này sai lầm, quá sức của thầy, thầy không cứu nổi cháu đâu, cháu đi về với bố. Nhưng cái đó chưa hay, chưa đáng làm gương cho thiên hạ. Cái sắp tới mới đáng làm gương cho thiên hạ (chả ai biết tôi thế đâu! (Cười).
Cuộc đời rất lạ. Nhiều cái ra đi ngoài ý mình nhưng lại phải kết hợp cuộc đời với ý mình. Vấn đề là ở chỗ đó chứ không phải lúc nào nó cũng đem đến cho mình. Mình phải biết nắm nó đúng lúc. Phải tìm cái cơ sở chân lí cho nó ở trong trái tim của mình.
Tất cả những cái này xảy ra không do ý thức của anh. Anh phải biến nó thành lòng tin…Bị đuổi học tôi nghĩ không biết làm gì cả, nghề chả có, nhà nghèo, anh em 5-7 người, cha mẹ ốm yếu. Mới 15 tuổi.
Trong bọn cùng với tôi có anh Lê Văn Siêu, cùng ở một nhà, sau này thành một nhà văn khá lớn ở trong Nam, đi dự những hội nghị văn học ở Tây Đức. Là bạn thân với tôi. Một trong những người cùng cộng tác ở Hàn Thuyên. Thứ 2 là Phạm Quý Thích - con ông Tổng (giám) đốc Nam Định. Thứ ba là anh Thông phố Hàng Thiếc. (Về sau anh Thích chết, anh Thông lên chùa Yên Tử tu, Lê Văn Siêu vào Sài Gòn).
4 anh em gặp nhau tri kỉ, đến 40 Hàng Gà chơi. Thời Tây có chuyện thí sinh tự do. Anh em bàn thử làm thí sinh tự do để đi thi. Anh Thích có anh học lớp trên nên mượn được sách Pháp văn…thế là chúng tôi cùng học. Được 1 tháng chúng tôi nộp đơn xin thi. Khi vào thi vấn đáp, toàn những “con đầm” nó hỏi thi. Tôi và anh Siêu đỗ Certificate. Điều này những đứa trẻ 15 tuổi nghe sẽ giúp ích cho nó, cho đời. Tôi về báo tin cho gia đình, gia đình cũng không vui!? Học 1 tháng mà thi đỗ gia đình cũng không vui. Khi ông cụ lên xem thấy đúng là có danh sách đỗ nên về mới tha cho tội cũ.
Một điều nữa cần nói là nhân vụ phong trào Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu học trò khắp nước bị đuổi. Xã hội ứ ra một đám học trò không có trường. Ông Trương Minh Sanh ở Sài Gòn ra xin phép Thống sứ lập một trường trung học đầu tiên ở nước Việt Nam, gọi là trường Trương Minh Sanh (ở phố sau nhà thương Phủ Doãn bây giờ). Mời cả ông giáo ở Bưởi dạy. Ông Sanh nói diplome học 4 năm là thừa, chỉ cần 2 năm và tuyên bố trường chỉ dạy 2 năm đi thi diplome. Thế là tôi đi học trường Trương Minh Sanh. Bà chị cho 2/3 học phí. Từ đó bắt đầu không bao giờ ra phố chơi và cũng bắt đầu phát triển trí tuệ ghê lắm. Có 1 đề: 1 nhà thơ Pháp viết “nghệ thuật chỉ để làm thơ còn trái tim mới là thi sĩ”-giải thích và phê bình câu này. 15 tuổi làm bài, viết bằng tiếng Pháp. Nó cho điểm nhất làm mình phấn khởi. Thấy năng khiếu của mình suy nghĩ những vấn đề trừu tượng được. Có một lần ở trường có bà Robe dạy hay nhưng hút thuốc phiện, mắng học trò “chúng bay là dân tộc bẩn thỉu”. Học sinh tức ghê lắm, nói bà xúc phạm dân tộc chúng tôi, phải xin lỗi chúng tôi, nếu không chúng tôi sẽ nói ông Sanh không cho dạy nữa. Bà ta sau phải xin lỗi. Những cái ấy ảnh hưởng đến mình. Đấu tranh thành công, lòng ái quốc can trường như thế ảnh hưởng lớn đến mình.
Trong lớp học có nhiều người khá, như ông Thiếu Sơn. Anh em có tổ chức, cử người tối thứ 7 lên diễn xuất về văn học chơi. Phong trào phát triển, mình thêm ham học, không chơi bời.
Năm thứ 3, 4 học phí tăng 7 đ/1 tháng. Gia đình bảo thôi học. Chương trình 1 năm đi thi Certificate mình thử học 1 tháng xem. Tôi đã học lớp do cụ Nguyễn Văn Tố dạy tiếng Pháp. Nhưng học mà không vào lớp, tôi phải đứng ngoài cửa sổ nghe và ghi. Tiền học thì để mua sách. Con nhà nghèo thiệt thòi lắm. Nhiều lúc đứng ở hiệu sách đọc Dân ước luận của Rousseau hay lắm. Đọc hết.
Sang chương trình tú tài. Nghe nói bọn Việt Nam đi làm cách mạng trốn sang Pháp thường làm thợ may, việc trốn tàu đi cũng dễ. Sau bàn với anh Siêu là anh em muốn làm cái gì đó có ích cho đời - Thế là học và thi vào trường bách nghệ ở Hải Phòng để có nghề sang Pháp làm. Thi đỗ - anh Sanh đỗ thứ nhất, tôi đỗ thứ hai.
Năm 1927 tôi tham gia bãi khóa; đến 1929 lại thi đỗ, xuống học ở Hải Phòng.
Hồi đó phải nói không biết bao nhiêu là nhà xuất bản, nhà báo, đảng phái (Việt Nam quốc dân đảng, Tân Việt, Quan hải tùng thư, các tùng thư yêu nước như của ông Trần Huy Liệu…ra đời nhiều lắm. Các tờ báo nói về chính trị nhiều. 1930 Đảng cộng sản bắt đầu hoạt động. Ở ngay trường tôi học. Ông Hoàng Quốc Việt học ở đấy trước tôi 2 năm. Khắp cả Hải Phòng rải truyền đơn, nhảy lên cướp diễn đàn lung tung lắm. Pháp thi hành chế độ rất nghiêm ngặt. Ở trường tôi học nó tuyên bố bỏ phần lý thuyết; trường bách nghệ chỉ tạo ra những người thợ thôi. Nó lại không cho ra ngoài trường. Mấy anh em bàn với nhau “học gì mà cả ngày chỉ đi đũa đi mài”. Anh em đành cử phái bộ của anh em đến gặp Giám đốc xin nói hộ với cấp trên cho học một ít lý thuyết cho có “cái thế” của nó. Bàn bạc rồi cuối cùng anh em lại cử tôi đi, vì tôi nói tiếng Pháp giỏi. Gặp thằng giám đốc, nó mắng ầm ĩ. Đưa yêu cầu nó bảo không được, Toàn quyền  đã quyết định chỉ cho học như thế. Nó gọi các giáo sư lại và họp ngay tại sân lập Hội đồng kỉ luật yêu cầu đuổi tôi ngay. Thế là học nghề chưa thành đã bị đuổi, chưa biết làm gì, lao đao thế.
Sau khi bị đuổi ở trường bách nghệ, tôi về quê nghiên cứu. Lúc ấy ông Phan Khôi ở miền Nam ra cuộc thi trên báo Phụ nữ: Truyện Kiều đáng khen hay đáng chê. Tôi đang ở quê Bồ Đề Gia Lâm, tuần nào cũng đọc báo. Thấy họ cứ nói lải nhải mãi trên báo chả có cái gì mới cả, tôi có viết thư cho ông Phan Khôi nói nên cắt những chuyện ấy đi, không nói như thế được. Tôi viết một bài đề là Triết lí Truyện Kiều. Thế là 18 tuổi viết bài đăng trên báo Đông Tây (tháng 11), Báo Đông Tây là tuần báo viết theo tư tưởng mới, lối mới, do những người làm ở báo họ học ở Pháp về. Bài của tôi nêu: Cô Kiều đáng khen hay đáng chê không thành vấn đề gì cả. Hồi ấy tờ báo nổi tiếng nhất là tờ Đông Tây tuần báo của ông Hoàng Tích Chu. Bài phải nói hay nó mới đăng. Tôi kí tắt là T.T rồi đem sang Hà Nội bỏ vào thùng giây thép. Thứ 7 sang Hà Nội chơi, thấy nó đăng phấn khởi lắm. Cái hay là ở chỗ nó làm cho mình tin ở mình. Thế là mình “đi được”, mình nói được những điều người ta chưa nói. Tôi nghĩ phải học.
Sau bài đó tôi bắt đầu suy nghĩ tự xét mình còn dốt quá, muốn đi vào con đường đó nhưng không biết làm thế nào. Giữa lúc đó đi qua một quầy sách cũ tôi may mắn thấy có bán cuốn sách tự học của ông Pol Gielo, có mấy hào, nêu phương pháp bày cho mình tự học…
Sau thời gian học ấy, 1931-1932 tư tưởng văn học của tôi là xuất phát hoàn toàn từ ở văn học, triết học Pháp thế kỷ XV đến XIX. Hai điểm lớn là: 1/Văn học bao giờ cũng biểu thị xã hội; 2/ Văn học phải phục vụ xã hội, phục vụ con người, không phải để chơi. Đọc Rousseau, Molière, Racine tôi đều thấy thế. Văn học toàn phục vụ xã hội, kể cả những thi sĩ trữ tình cũng phục vụ xã hội. Đó là hai quan điểm mấu chốt về văn học. Lúc đó, chưa chú ý đúng mức đến giá trị cực kỳ lớn lao, riêng của câu văn, cách viết, cách thể hiện. Đó là năm 1932, tôi 19 tuổi.
….Năm 1935 tôi mới lại viết cho báo Loa về Tố Tâm
Về giai đoạn 1937-1940, đặc điểm thứ nhất là tôi viết tiểu thuyết nhiều. Thứ 2 là có một cuộc phê bình Tự Lực Văn Đoàn kéo dài suốt một năm. Thứ 3 là tôi vừa bị “bắt” làm thư kí Hội nghị đấu tranh đòi tự do báo chí (1938). Có tờ báo của Đảng, ảnh của báo Đảng chụp tôi và anh Giáp ngồi cạnh nhau trên ban thư kí. Hồi ấy có phong trào đấu tranh đòi tự do tư tưởng. Do Mặt trận bình dân bên Tây nên nó phải cho.
Năm 1938 còn có sự kiện nữa là tôi làm chủ bút báo Quốc gia, bị chính quyền Bảo Đại kiện đưa ra tòa. Vì ở ngoài bìa có tranh vẽ anh Bảo Đại là một con ngựa, hai bên đeo lủng lẳng giấy bạc. Có người cưỡi. Nó bảo như thế là xúc phạm đến Hoàng thượng. Nó đưa ra ngoài Bắc, nhờ chính quyền bảo hộ xử. Cuối năm 38. Cuối cùng tôi bị phạt 200 franc. Nghèo không có tiền đành ngồi tù mấy tháng. Sắp bị bỏ tù thì bên Pháp tổng thống bị ám sát. Tổng thống mới lên nó ân xá.
Các tiểu thuyết sáng tác thời kỳ này:Thanh niên SOS.1937Một chiến sĩKhi người ta đóiKhi chiếc yếm rơi xuốngĐục nước béo cò…
Thấy mình không có tài về tiểu thuyết tôi không viết nữa. Nghĩ không thành công. Tôi viết được nhiều, có thể kể tiếp như: Một kiếp đọa đàyNhững trái tim nổi loạn.
Không nhớ hết. In hết tất cả. Một kiếp đọa đày cũng khá. Nhưng nghĩ mình làm phê bình hơn. Năm 1938 các sách nghiên cứu nhà xuất bản không in. Tôi cùng một anh bạn lập nhà xuất bản gọi là Đại đồng thi xã để in sách của mình. Hồi đó dễ, chỉ kiếm một số tiền là in được quyển sách. In cuốn Những thí nghiệm của ngòi bút tôi. Quyển thứ 2 là Uống rượu với Tản Đà. Sau đó tôi lấy vợ, dừng lại mất nửa năm.
Lúc này có cuộc chiến đấu chống Tự lực văn đoàn. Có ý kiến cho rằng mình thay đổi. Trước kia ca tụng, bây giờ lại phản đối nó. Thực ra bản thân mình có thay đổi. Khi viết về Tố Tâm, Đoạn tuyệt,…là năm 1935. Năm 1936 Mặt trận bình dân thành công, bên mình có Mặt trận dân chủ. Sách vở mác xít ra, bây giờ mới được đọc nhiều. Đọc đứng đắn. Mình bị say mê, mới nhìn thấy tính giai cấp của Tự lực văn đoàn.
Chỉ đánh giá văn học trên phương diện tính giai cấp thì chưa đúng lắm, nhưng lúc bấy giờ đầu óc mình mới chỉ nhìn thấy vấn đề tính giai cấp của nó.
Nhưng vấn đề lãng mạn chủ nghĩa, tư sản, theo chủ nghĩa Mác là ở những nước thuộc địa có khác ở những nước tư bản chính quốc. Vì giai cấp tư sản của những nước thuộc địa không phát triển như những nước kia. Tất cả đều bị nước mẫu quốc nó áp chế, nên “anh ấy” cũng bị áp chế. Thành ra lãng mạn chủ nghĩa chính là có tính chiến đấu. Mặt khác, nó có cái xấu xa của nó - Nhưng qua những cái này nó lại hiện lên tính chiến đấu (2 quyển tôi nói Tố Tâm, Đoạn tuyệt). Mình gọi là xấu vì nó đề cao gái đĩ, đời sống gái điếm, đề cao yêu cầu xác thịt, mộng ảo. Lý do vì nó không đủ sức để chiến đấu với kẻ thù của nó. Thành ra nó vẫn có tinh thần cách mạng, tinh thần yêu nước. Nó muốn giải phóng dân tộc để giải phóng nó.
Các anh ấy về sau không thấy cái chỗ tôi nói ấy. Thay đổi chính là ở đấy. Về sau tôi công kích Tự lực văn đoàn nhưng công kích hơi quá đáng. Tôi không thừa nhận tính tiến bộ của nó. Thực ra nó vẫn có tính tiến bộ.
Sở dĩ mình không phê bình những người khác, nhóm khác, chỉ riêng Tự lực văn đoàn vì họ viết thật là hay. Trong các tác giả lúc bấy giờ không có nhóm nào viết hay như những tác giả Tự lực văn đoàn. Thanh niên mê lắm, theo ồ ạt. Nhưng đây là lúc cần thiết để tâm huyết này của thanh niên phải đi theo cách mạng thì Tự lực văn đoàn nó thì hút mất. Mình nghĩ là phải chặn lại. Chặn được phần nào hay phần ấy. Bài viết của mình chắc cũng có một ít tác dụng. Mình chiến đấu chứ không có ác ý gì cả. Cho nên các anh Tự lực văn đoàn gặp tôi thì vẫn vui vẻ vì các anh ấy biết mình thành thực.
Hồi đó cũng có những anh em không hiểu nên hiểu bình tôi là ngòi bút Trương Tửu không thành thật.
Tháng 3-1939 tôi lấy vợ, bận bịu mất nửa năm. Hè năm đó tôi đưa vợ ra Sầm Sơn chơi đến tháng 9. Ở đây tôi đã viết cuốn Trái tim nổi loạn, đem đến nhà xuất bản được in ngay.
Tôi viết Thằng Hóm năm 1940 - cuốn tiểu thuyết tôi ưng ý lắm. Đồng thời với quyển Kinh thi Việt Nam. Viết trong một cái lều thuê ở Sầm Sơn. Đưa cho Tam Lang, rồi chuyển qua Nguyễn Đình Luyện. Tuần sau đến ông ấy bảo ông Luyện đồng ý cho in Thằng Hóm ngay vào tờ Tin mới văn chương hiện đang ra hàng tuần còn Kinh thi Việt Nam thì họ chưa in những tiểu luận như thế này.
Thằng Hóm in được một số, ông Luyện sung sướng lắm vì các tình đều lấy số lượng gấp đôi vì có cái truyện ấy. Người ta xếp hàng mua. Ông Luyện là tay tư sản giỏi chuyện kinh doanh lắm, nói muốn in Thằng Hóm ra sách. Tôi đồng ý. Ông bảo in 5000 cuốn mới bõ. Dập bản in ông cho sắp chữ và đúc luôn. Chưa in vội vì hồi ấy có kiểm duyệt. Trên Tin mới quảng cáo sắp phát hành truyện Thằng Hóm. Mật thám ập đến tịch thu toàn bộ. Nó lỗ vốn to mà vẫn phải trả tôi một số tiền. Có điều trong lúc đang in, được số nào thì nó gửi tôi đến chữa morasse. Xong đưa in. Tôi đóng riêng được một quyển. Chỉ một mình tôi có 1 quyển và Sở mật thám có, còn tất cả nó tịch thu hết. Lúc kháng chiến bùng nổ, Tây đánh, tôi chạy bỏ lại tủ sách phố Hàng Gà. Bây giờ không tìm đâu được. Tôi không nhớ được tôi viết gì trong đó.
[*]: Ghi chép cuộc nói chuyện với nhà văn Trương Tửu. Tư liệu của chương trình nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XX. Người thực hiện: PGS Tôn Thảo Miên, TS. Hà Công Tài {Ban Lý luận, Viện Văn Học}. Hà Nội, ngày 12/08/1997). 

Trương Tửu tự bạch [2]

  •   TRƯƠNG TỬU
  • Thứ sáu, 27 Tháng 12 2013 14:34
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Trương Tửu tự bạch [2]
*GIAI ĐOẠN 1940 ĐẾN CÁCH MẠNG 1945
Làm ở Hàn Thuyên. Tôi là người sáng lập và phụ trách. Lôi thôi là ở Hàn Thuyên. Ra đến 50 cuốn sách, toàn sách nghiên cứu.
Có mấy đặc điểm đáng chú ý:
- Đó là nhà xuất bản có mục đích phổ biến những kiến thức khoa học, chủ yếu là khoa học xã hội và yêu nước. Nếu có thể được thì có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Thực ra nó không là nhóm gì cả, nó là một số anh em chơi với nhau. Tôi đứng ra lập và bảo anh em viết gì thì viết đi. Như bảo bác sĩ Phạm Ngọc Khuê viết cuốn Óc khoa học. Bảo anh Nguyễn Đình Lạp viết cho cái tiểu thuyết về ngoại ô; anh Nguyễn Đức Quỳnh viết cho lịch sử về Tây phương…Nhưng anh ấy không phải người theo Mácxit. Lúc ấy mình chỉ cần phổ biến những cái tiến bộ. Vì thế những khuynh hướng của tất cả các sách của Hàn Thuyên rất phức tạp. Quyển Kinh thi Việt Nam hết sức ái quốc, yêu nước, phương pháp thì Mácxit.
Có cuốn sách của ông Nguyễn Đổng Chi Việt Nam cổ văn học sử hoàn toàn không có cái gì Mácxit cả. Quyển Lê Thánh Tông- ca tụng ông vua tốt. Sách của Phạm Ngọc Khuê: Óc khoa học nhằm cải tạo sinh lực, nó cũng giống như các sách nói về phương pháp tập luyện bây giờ. Sách của Nguyễn Đức Quỳnh về lịch sử Tây phương không có gì Mácxit cả. Sách của ông Lê Văn Siêu về chủ nghĩa Henry Ford nói về chủ nghĩa tư bản, ông Ford ở Mĩ, xem xét tư bản nó hợp lí hóa sản xuất như thế nào, để biết chủ nghĩa tư bản là như thế nào. Cuốn Văn học khái luận của ông Đặng Thai Mai là người xuất bản cũng in.
Sau này tôi mới biết một số tác giả này ở cái nhóm gọi là Trốt kít ở ngoài Bắc, đó là nhóm Lê Đức Thiện, Nguyễn Tế Mĩ. Hồi đó anh em chơi với nhau nhưng mình không biết thực chất về họ. Nguyễn Tế Mĩ viết quyển Hai Bà Trưng. Lê Đức Thiện viết quyển Xã hội Việt Nam. Tôi nghĩ rằng trong sách họ có những ý kiến táo bạo cứ kệ họ, rồi dư luận sẽ đánh giá. Tóm lại nhà xuất bản không có khuynh hướng cộng sản Mácxit gì cả. Chỉ có khuynh hướng khoa học, yêu nước, tiến bộ, truyền bá những kiến thức mới. Những người như Nguyễn Tế Mĩ, Lê Đức Thiện hoạt động chính trị làm cho mình mang tiếng lây, thành ra như mình ở một nhóm với ông ấy. Cứ bảo Trương Tửu trốt kít là vì thế. Có một người bạn đến bảo tôi chẳng thấy anh trốt kít thế nào cả. Cái đó là vấn đề chính trị nó không dính gì vào đây cả.
Thời kỳ đó tôi bắt đầu viết nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam theo phương pháp Mácxit hẳn hoi, quan điểm Mácxit hẳn hoi. Quyển đầu theo phương pháp đó là Kinh thi Việt Nam, sau đến Nguyễn Du và Truyện Kiều. Ở Nguyễn Du và Truyện Kiều, trong Tựa tập sách tôi nói rõ phương pháp của tôi lắm.
Sau đó viết: Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ
Văn chương Truyện Kiều
 Một số vấn đề tôi đang nghiên cứu thì theo yêu cầu nhà xuất bản cần có sách về kiến thức khoa học văn học. Tôi dừng lại, viết một bộ Nhân loại tiến hóa sử, 32 quyển, mới in được 2 quyển Nguồn gốc văn minh, Văn minh sử tập I thì kháng chiến.
Nhà Hàn Thuyên in một số tiểu thuyết của ông Đồ Phồn công kích thói ma chay phong kiến. In cả tiểu thuyết Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân.
Nhiều sách, không nhớ hết. Khuynh hướng của nhà Hàn Thuyên là khoa học, yêu nước, hi vọng viết theo phương pháp mới sáng sủa để thanh niên có kiến thức mới sáng sủa. Riêng sách của tôi có lập trường Mácxit hẳn hoi, đúng sai chưa biết, nhưng có. Còn các ông kia thì không có.
1945 nhà Hàn Thuyên bị Nhật khủng bố, một số bị bắt, có cả em tôi. Tôi đi trốn, nó lùng mãi không bắt được. Mất hơn một tháng tôi trốn ở quê - Bồ Đề. Ở đây tôi viết cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam (vào tháng 7-1945 trước cách mạng. Từ trong Nam ra, có anh Hồ Hữu Tường - bị cho là trốt kít, anh ra tìm tôi để đưa một cuốn sách để in - cuốn Tương lai kinh tế Việt Nam, tôi cũng in. Anh ấy làm chính trị nhưng sách của anh ấy đưa tôi cũng in. Thành ra mình cứ mang tiếng.
Mấy chục quyển sách của nhà Hàn Thuyên không biết nó thế nào nhưng tôi tin nó có giúp ích phần nào mở mang kiến thức cho anh em thanh niên. Mình đi làm một cái việc có ích. Sai lầm chỗ nào sẽ có thiên hạ, không phải việc của mình.
Cách mạng nổ ra tôi đang trốn ở quê. Thấy cách mạng, ra Hà Nội, được dự cuộc biểu tình cướp chính quyền. Anh em trong Việt Minh trước khi cướp chính quyền đều là những chỗ quen cả, cùng làm báo.
Thời kỳ này có mấy điểm đáng chú ý:
-Cướp chính quyền rồi, gần 1 tháng gì đó, các ông ở Văn hóa cứu quốc còn ở trên Việt Bắc chưa về. Tiếng nói văn hóa chả có gì cả. Tôi nghĩ như thế thì không được. Thế là chúng tôi đăng trên báo Văn mới tập hợp tất cả anh chị em nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ tổ chức một hội nghị văn hóa để ủng hộ chương trình mặt trận Việt Minh. Cần phải có tiếng nói văn hóa trước tình hình mới này chứ ngồi im thì vô lý quá. Chúng tôi thành lập được tổ chức. Hội nghị bầu tôi làm Chủ tịch. Sau biến thành Ủy ban văn hóa lâm thời Việt Nam (lúc này còn chờ thêm miền Nam ra nữa).
Nhưng cũng làm được mấy việc:
1-Tuyên truyền ủng hộ Việt Minh - cái tiến bộ
2-Viết một cuốn sách đen tố cáo đế quốc Pháp
3-Tổ chức một cuộc triển lãm hội họa để tố cáo Pháp.
Chúng tôi nghĩ hãy làm 3 việc cái đã, còn chờ anh em Việt Bắc tính sau.
Đang làm dở thì anh em Việt Bắc về. Gồm có: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi. Các ông đề nghị sát nhập với họ để cùng làm việc. Tôi nhường cái quyền ấy cho họ làm. Đấy là về công tác.
Sau đó tôi quay về Nhà xuất bản Hàn Thuyên. Nhà xuất bản đổi hướng vì đã có chính quyền cách mạng, hướng tuyên truyền là chủ nghĩa Mác. Việc đầu tiên tôi làm là dịch và xuất bản Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Marx - Engels vì chưa có ở nước mình. Nhân cơ hội viết luôn cuốn Lịch sử quốc tế cộng sản đệ nhất đệ nhị đệ tam. In một số sách như Tại sao phải phá giá đồng tiền…
Bây giờ nước mình đã giải phóng, người trí thức phải làm cái gì. Tổ chức buổi họp mặt có cả Hoài Thanh, Tố Hữu đến. Anh em bên Việt Minh là số đông, có cả Nguyễn Mạnh Tường đến để nêu việc lập một đại học bình dân. Sau đó thì kháng chiến nên không làm được. Đi kháng chiến đúng ngày 19. Ý mình thế mà không làm được.
Ra khỏi Hà Nội, về Hà Đông. Lúc đó, anh Nguyễn Đức Quỳnh ở Thanh Hóa gọi telephone ra nói với tôi vào trong này, rủ thêm một số trí thức nữa. Anh ấy nói có anh Đặng Thai Mai đang làm chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, có gì cần thì anh ấy giúp đỡ. Trong lúc khó khăn, một số anh em lên Việt Bắc. Tôi và một số anh em vào Thanh Hóa trong đó có khá đông nhạc sĩ, kịch sĩ, họa sĩ. Gặp ông Đặng Thai Mai, ông đã giúp đỡ anh em khó khăn ban đầu. Coi như làm việc có cái lương ban đầu. Từ đó bước vào cuộc kháng chiến, khó khăn, không viết nữa.
Năm 1947 anh Đặng Thai Mai mở một lớp văn hóa cho anh em cán bộ tuyên truyền 6 tỉnh Liên khu 4, Thanh Nghệ đến Bình Trị Thiên. Anh em chưa biết gì về văn hóa. Lớp mở ở làng Quận Tín, gọi là lớp huấn luyện văn hóa kháng chiến, tôi được phân công phụ trách. Tổ chức được 3, 4 lớp, đào tạo được nhiều người về công tác văn hóa. Anh em về địa phương công tác đã biết nhạc, họa, chủ nghĩa Mác là gì…Theo tôi được biết họ đều làm được việc. Xong thời gian ấy thì ông Mai đề nghị thành lập Liên đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu 4. Liên đoàn bầu lên bí thư. Trong đó có ông Mai, tôi, Xuân Sanh - 3 người phụ trách ban bí thư để huấn luyện các anh em văn nghệ sĩ. Xuất bản một tờ báo gọi là Sáng tạo.
Tôi phụ trách các lớp huấn luyện văn hóa và phụ trách luôn câu lạc bộ Văn nghệ của anh em ở đó. Tổ chức được một buổi nói chuyện của ông Trường Chinh. Sau in thành quyển Chủ nghĩa Mác và văn hóa kháng chiến, Kháng chiến và văn hóa. Đó là diễn văn ông Trường Chinh nói lúc bấy giờ.
Ông Trường Chinh  nói chuyện anh em văn nghệ sĩ nghe rất đông. Ông nói về chủ nghĩa Mác và văn hóa, rất hay. Có một điểm anh em không đồng ý. Lúc ấy có điểm anh em không đồng ý với lãnh tụ đấy: Đó là lúc nói về văn hóa tư bản chủ nghĩa Tây phương, về lối vẽ của Picasso, ông Trường Chinh cho rằng đó là thứ nấm mọc trên đống cứt của chủ nghĩa tư bản. Anh em phản đối vì Picasso là đảng viên cộng sản, nhưng khi ông Trường Chinh nói xong anh em không phản ứng gì. Khi ông ấy ra Bắc, anh em mới họp câu lạc bộ, có ông Mai về dự, lúc này anh em mới phát biểu ý kiến ấy. Anh Mai cũng có nói anh Trường Chinh anh ấy là lãnh tụ về chính trị thôi, về văn hóa thì…ông ấy dừng, nghĩ rồi không nói thêm nữa. Anh em bảo thế thì làm thế nào? Anh ấy bảo anh em họa sĩ viết một bài nhưng đừng nói gì đến ông Trường Chinh, viết cho khéo, viết theo kiểu nói về lịch sử hội họa rồi nói về chủ nghĩa Picasso. Viết đứng đắn như thế, thế thôi, không nói đến lời ông Trường Chinh, thế là đủ bác ý kiến ông ấy đi rồi. Đó là bác ý kiến chứ có bác ông Trường Chinh đâu. Phải tôn trọng ông ấy chứ.  Anh Sĩ Ngọc có viết một bài về chủ nghĩa lập thể của Picasso. Hồi ấy không có sùng bái cá nhân, lãnh tụ nói sai người ta phản đối. Về sau có dám chê đâu. Hồi ấy cũng đã chớm có dấu hiệu cá nhân chủ nghĩa, tôn sùng, trước chưa có.
Trong lúc ấy tôi phụ trách tờ Sáng tạo, viết một bài trong đó có một chỗ phê bình ông Tố Hữu. Mấy hôm sau ông Mai nhận được tin ở ngoài Bắc đóng cửa Sáng tạo. Bắt đầu rắc rối. Từ đó anh em chỉ dạy học huấn luyện cho văn nghệ sĩ. Không có vấn đề gì nữa cả.
Còn vấn đề xung đột của tôi với ông Nguyễn Sơn cũng có ý nghĩa. Tôi có viết trong Giai phẩm. Hồi ấy ông Nguyễn Sơn làm to lắm, đứng đầu cả khu. Ông từng phụ trách văn nghệ trong tiểu đoàn của Mao Trạch Đông. Ông ấy cho là ông ấy giỏi văn nghệ. Phát biểu nói năng lõm bõm lắm, chả có học hành gì cả.
Trong một buổi họp câu lạc bộ, ông ấy đến phê bình kiểu xách mé, nói văn Trương Tửu thì ra cái gì. Anh em văn nghệ chẳng ai nói gì. Anh Mai hồi ấy anh ấy buồn lắm. Tôi cũng không nói gì. Thế mà cách mấy hôm sau, có lần tôi đi dạy học về, ông ấy đi xe đạp gặp tôi gọi ầm lên rồi xuống xe đi bộ với tôi một cây số về đến nhà, rất vui vẻ. […]. Mà tôi cũng chả giận.
Thời kỳ kháng chiến tôi dạy học là chính. Có các trường như Trường Bưởi có mời đến diễn thuyết  về văn học. Có điều đặc biệt thời kỳ này là vì tình hình chính trị mình phải giải tán Đảng Cộng sản lập Đảng Lao động. Lúc tôi vào Thanh Hóa, ông Hải Triều đến chơi, bảo muốn tập hợp anh em lại lập một câu lạc bộ Mácxit ở khu 4 (Thanh Hóa) anh cùng sáng lập viên nhé. Tôi bảo ừ, thích lắm.
Vào câu lạc bộ hồi ấy tôi có tổ chức một buổi nói chuyện, cả thầy giáo học trò dự, đông lắm, cả khu 3, 4. Tôi nói về con người Mácxit, hình thành và tiến hóa thế nào từ Mác đến Lênin. Do đầu đề lạ nên người ta nghe đông lắm, mê lắm. Tôi nói vài ba tiếng đồng hồ, do mệt nên mới nghỉ, cũng là để sau nói cái khác.
Lúc tôi vừa xuống, ông Nguyễn Sơn nhảy lên công kích Trương Tửu ghê lắm. Ông ấy nói: từ nãy giờ các bạn nghe anh Trương Tửu nói về sự hình thành con người Mácxit rất là hay. Ông ấy nói con người Mácxit hình thành dưới thời Marx-Lenin như thế nào? Nhưng anh ấy quên không nói con người Mácxit dưới thời Stalin nữa. Tôi sợ anh ấy mang tiếng oan là trốt kít nên không nói, nên tôi bèn nói thêm một tí vào chỗ đó chứ anh ấy thì không thế. Tôi cười chả nói gì cả. Một tháng sau thì Nguyễn Sơn bị chuyển về Trung Quốc. Cụ Hồ đuổi về [? – NBT]. […]. Tôi chả có giận dỗi gì ông ta đâu.
Năm 1956 đoàn anh Trần Văn Giàu có tôi trong đó sang Trung Quốc. Buổi tối đang chơi ở nhà anh Hoàng Văn Hoan thì Nguyễn Sơn đi vào. Lúc ấy ông ấy đang nằm viện, bị bênh lao, đã trèo tường ra. Ông ấy nghe nói có phái đoàn văn nghệ sang nên trốn ra, tìm đến nói chuyện chân tình lắm, nói chuyện uống rượu vui vẻ. Ông ấy là con người như thế đấy.
Năm 1953 tôi dự Hội nghị văn nghệ toàn quốc ở Việt Bắc. Đi bộ hơn một tháng mới đến. Tôi, Đào Duy Anh và mấy họa sĩ cùng đi, vất vả lắm. Tôi định không đi vì yếu quá. Ông Mai cứ bảo ra dự, ông ấy còn cho một người đi theo hầu hạ mình nên không thể từ chối. Đi bộ, trèo đèo, lội suối. Ở đó được 1 tháng. Nói chuyện dăm ba buổi văn nghệ bình dân cho anh em nghe. Rồi lại về Thanh Hóa. Hội nghị trên đó bầu tôi và ông Đào Duy Anh phụ trách hoàn toàn văn nghệ sĩ Liên khu 3 và 4, hai liên khu.
Sau đó chúng tôi mở lớp bồi dưỡng văn nghệ sĩ Khu 3, 4, đến hơn trăm người. Dạy thêm lí luận về văn nghệ. Có kết quả lắm. Đó là năm 1953. Thời gian này in được cuốn Văn nghệ bình dân Việt Nam. Đó là bài diễn thuyết của tôi thời kỳ ấy. Sách do nhà xuất bản của nhà nước ở Thanh Hóa in. Chẳng mấy người biết quyển ấy.
Chính thời kỳ này ở Bộ gửi giấy bổ nhiệm tôi dạy dự bị Đại học, làm giáo sư đại học từ 1952. Nghĩ mình chả học hành ở trường nào cả, toàn tự học lấy từ bé là chủ yếu, không thầy không bạn, không có tiền mua sách, không có thư viện, mà được bổ nhiệm làm giáo sư đại học, càng lo quá, không biết có làm tròn được nhiệm vụ không. Cần dạy văn học sử Việt Nam mà không có một tài liệu nào cả, không có một quyển sách, tờ báo, lấy cái gì mà dạy. Thời kỳ 1900-1945 tài liệu không có gì. Tôi nói với anh Đặng Thai Mai xem anh có kiếm cho tôi được tài liệu gì không. Dạy bằng gì bây giờ. Anh Mai bảo ông là cái tủ sách rồi. Tôi đành phải nhận dạy 40 năm văn học sử Việt Nam 1900-1945. Nhớ đến đâu dạy đến đấy. Biết bao nhiêu tác phẩm mình đã đọc từ 1920, 25, từ kịch Uyên ương của ông Vi Huyền Đắc, Chèo, Tố Tâm…May mà trước đây mình đọc để phê bình nên nhớ lâu lắm, nó ngấm vào óc lúc nào không biết. Lúc này cứ nhớ lại. Nhớ được tất cả. Trò cứ bảo thầy là cái tủ sách đấy à! Thế là không thiếu tài liệu dạy dự bị đại học ở trong đó. Hồi ấy dạy học vất vả lắm chứ không phải như bây giờ đâu. Phải lội 15 km mới tới trường dạy học. Dạy đêm, ngày địch ném bom. Đêm học, mỗi trò một đèn con ngồi học (đó là lứa Văn Tâm đấy). Rồi cũng hoàn thành được. Hồi đó ở năm thứ nhất không có ai dạy. Anh Mai bảo tôi giúp đỡ cho anh Nguyễn Lương Ngọc dạy. Anh Ngọc bảo anh ấy có nghiên cứu gì văn học Việt Nam đâu mà dạy. Anh Mai đã nói cho anh Ngọc một số buổi. Sau anh Ngọc cũng dạy được. Anh ấy nói hay, học trò cũng lĩnh hội được.
Trong cuốn Văn nghệ bình dân Việt Nam, in ở Thanh Hóa (nguyên là bài diễn văn của tôi ở Hội nghị văn hóa năm 1949 tại Đô Lương, sau được ông Đặng Thai Mai cho in) tôi có đề cập vấn đề gốc rễ của văn học Việt Nam, tôi nêu ảnh hưởng tư tưởng văn học bình dân Việt Nam đã “đẻ” ra những lớp sĩ phu thời trước, những Hồ Xuân Hương, Tú Xương và Yên Đổ tuyệt vời.
Tôi định viết nghiên cứu về Nguyễn Tuân. Tôi là người hiểu ông ấy. Người ta mới viết về ông ấy từ những cái nhỏ nhỏ thôi. Nguyễn Tuân là người rất độc đáo ở chỗ ông là người đào rất sâu vào cái mình viết. Ông không bao giờ đi vào tình cảm, tư tưởng, mà toàn là cảm giác, đi vào cảm giác rất nhỏ mọn trong cuộc đời. Tôi đã có viết một bài tên là Bệnh giang hồ của Nguyễn Tuân, bây giờ không tìm được ở đâu. Đó là về nội dung. Còn về nghệ thuật, đọc Nguyễn Tuân tưởng như câu văn rất cổ, rất cổ, nhưng đọc kĩ thấy Tây lắm, đó là văn Pháp. Cứ đọc Vang bóng một thời sẽ thấy “cổ” lắm, mà thấy ảnh hưởng của Pháp rất nhiều. Lối phô diễn rất tây. Chỉ hạ một câu:
  • Chao ôi!
Mà mô tả được hết, rất Tây, đào được tận gốc của cảm giác. Rất thâm thúy. Ông đi vào tận gốc rễ của cảm giác. Mỗi một nhà văn có một thế giới của họ. Phải tự tạo được thế giới của mình mới là nhà văn. Phải tìm cái thế giới ấy. Tôi còn thích thơ Chế Lan Viên, Huy Cận về tư tưởng. Người thi sĩ phải có cái nền về tư tưởng, cái gì có lợi cho thế giới nhân sinh. Vấn đề là nó thể hiện chân lý của cuộc sống như thế nào. Thế nó mới đem lại lợi ích cho đời. Văn sĩ phải làm giàu cho đời những hình tượng, là giàu cho mình và cho con người. Cái đó phải là tiêu chuẩn đánh giá tác phẩm, tác giả. Mỗi một tác phẩm phải là một tư tưởng. Thơ phải kín, nó ít chữ nên nó dùng hình ảnh. Phải “trói voi bỏ bị mới là thơ”. Tôi rất tiếc là suốt 30 năm tôi không viết được gì.
…Ông Nguyễn Mạnh Tường ở với tôi ở Thanh Hóa, cùng dạy dự bị đại học. Có thể nói đó là một người cực kỳ thông minh, học vấn sâu sắc. Người con giai Việt 21, 22 tuổi đỗ 2 bằng Tiến sĩ làm rung động cả nước Pháp. Các báo Pháp đều đăng tin về ông, ngay Pháp cũng không có người như thế. Ông còn có 5, 7 bằng cao học về các thứ khác. Ông học nhiều, biết nhiều về văn học Hy-La, về tư tưởng Tây phương. Ông có cái hạn chế là sang cái đông phương thì hơi lạc lối, cũng là do sâu sắc cái Tây phương quá. Ông có bài diễn văn, trong đó ông ấy phê bình Đảng về sai lầm cải cách ruộng đất đăng ở 1 số tạp chí của chúng tôi. Bài hay lắm. Tạp chí đó bị tịch thu. Hồi đó Đảng có sửa sai. Bài diễn văn đó ông ấy trình bày trong cuộc họp Đảng xã hội (mà ông ấy là lãnh tụ). Cuộc họp này ông Trường Chinh có đến dự. Bài dài 40 trang, tư tưởng cực kỳ táo bạo. Ông ấy là người trí thức có chí khí. Ông muốn đứng về mặt luật mà nói, muốn dựa theo luật để giải quyết các vấn đề (như cải cách ruộng đất). Ông muốn phải có nghiên cứu khoa học thì mới kết luận được vấn đề. Làm như thế mới khoa học. Thời Nhân văn-Giai phẩm ông tham gia mạnh. Ông chống những áp bức tự do về tư tưởng. […]. Đó là con người đáng quý, đời sống riêng rất mẫu mực, chỉ biết làm người thầy giáo rồi về với vợ con. Đời sống ông ấy trong sạch.
Hồi ở Thanh Hoá, có một tranh luận về giá trị những lời phê bình của quần chúng trong hội nghị do tôi và ông Đào Duy Anh tổ chức sau khi ở Việt Bắc về. Những người Mácxit thì cho là quần chúng đúng, người Mácxit thường cho ý của họ là đúng. Ông Nguyễn Mạnh Tường đứng lên nói có lời phê bình của quần chúng về một nhà văn - lời khen, nhưng 15 năm sau hóa ra nhà văn đó chẳng có gì. Tôi nghĩ trong một hoàn cảnh nào đó cần phải có một tư tưởng nào đó chỉ đạo, cũng phải “cứng” là vì thế.
Sở dĩ Đảng không có chủ trương xem xét các ý kiến trái với mình vì đây là Đảng của anh nghèo, nghèo nên không thể chấp nhận được đường lối đó. […]. Ví như Nhân văn-Giai phẩm suốt từ năm 1955-57 Đảng không biết xử trí như thế nào. Hồi đó Chính phủ cho cả ô tô đưa ông Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo đi nghỉ ở Tam Đảo. Đối với văn nghệ sĩ hồi đó không có con mắt khinh bỉ gì đâu. Nhưng lúc đó chưa có ảnh hưởng Mao, bên Trung Quốc chưa có vấn đề đánh phái hữu.[…].
Có một bài báo thuật lại chuyện ông Breton (ông ấy là họa sĩ) đến gặp và phỏng vấn Trôtski bảo: Đối với tôi người văn nghệ sĩ hoàn toàn tự do miễn là không chống lại cách mạng. Ông ấy ngồi im: - Không, nếu thế thì nguy lắm. Nếu một người khác nó muốn một cái gì nó vu cho người ta chống cách mạng thì làm thế nào. Không, ông xóa đoạn sau đi cho tôi: hoàn toàn tự do. Breton tán thành quan điểm đó. Còn tư tưởng chính trị ông ta cũng như Stalin không kém một tí gì. Thế mới kinh chứ. Ông ấy viết văn thật hay, còn các tư tưởng cũng như Stalin. Ông Trôtski có lần bảo: tôi đọc văn Stalin cứ như ăn bữa cơm ngon có một cái sạn ấy. Phải nói kể cả những tội lỗi đi nữa, các ông ấy cũng là những phần tử rất lớn của loài người.
Cái xã hội đang thế này có một người “nhấc” nó lên được một mức là hay lắm rồi, kể cả người đó có những tội lỗi vẫn là những phần tử rất lớn của loài người. Ông Hồ Chí Minh giải phóng đất nước mình, lập nên một nước đầu tiên Việt Nam dân chủ cộng hòa là hay lắm rồi, không bao giờ xóa được. Nhưng không vì thế mà thần thánh hóa cái khác.
…Có nhiều khi mình phát biểu chưa có lợi gì mà nó cản trở mình rồi, cho nên tội gì mà phát biểu, không phải như thế là hèn đâu. Tôi có lý thuyết 5 đúng là thế: Đúng việc, việc gì nói việc ấy; đúng sự phát triển của việc ấy, nó đang phát triển một bước mà anh đưa nó nhảy lên ba bốn bước là không đúng; đúng lúc, không phải thế nào cũng được; đúng lý, hợp tình hợp lí; đúng mức, cái thứ năm này mới là quan trọng, không đúng mức là vứt đi. Ông Lênin có một câu quan trọng - chân lý mà anh để thái quá là phản chân lý. Người Việt Nam nói một cách hay hơn - hết khôn dồn ra dại. Cái gì thái quá là chết. Thuyết của Lão Tử là không đi quá một bước, không lùi quá một bước. Thuyết của Khổng Tử là trung dung, cũng là đứng giữa. Thuyết của Phật là trung đạo, cũng là đứng giữa. Theo Kinh dịch, chính mà không trung là nguy hiểm, chính mà không cân là nguy hiểm./.
............................
PGS Tôn Thảo Miên và TS Hà Công Tài [Viện văn học – Viện hàn lâm KHXHVN]  ghi [năm 1997]
Xin đọc VHNA từ số 257 (25.11.2013). Còn nữa, kì sau đăng tiếp 

Trương Tửu tự bạch [3]

  •   TRƯƠNG TỬU
  • Thứ bảy, 28 Tháng 12 2013 09:21
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Gs Trương TửuGs Trương Tửu
*1954; Sau năm 1952-53 dạy ở Thanh Hóa đến Hội nghi Gienève 1954. Về Hà Nội tôi dạy ở Lê Thánh Tông 3 năm. Lứa anh Văn Tâm tốt nghiệp ở đấy. Lứa sau là anh Hà Minh Đức, Nguyễn Đình Chú…
Trở về Hà Nội tôi nghiên cứu lại, định viết bộ Văn học sử Việt Nam, dành hết thời giờ vào đấy, chẳng để ý đến ai. Chỉ có học trò đến hỏi những gì chưa rõ để về các anh ấy viết báo. Thời gian này sau khi bị đấu, tôi thôi dạy. Anh Đức có đến tôi chơi một lần. Tôi bảo anh không nên đến, có hại cho anh chẳng có lợi gì cho tôi. Anh hãy còn trẻ.  Anh cứ về chịu khó học hành chăm chỉ, cố gắng giữ được tư cách làm người. Anh ấy cảm động lắm, từ đó anh ấy không đến. Cách nay mấy năm các anh ấy họp lớp thầy trò mới gặp lại. Ba mươi mấy năm… Tôi nói với anh em vấn đề suốt mấy chục năm thầy trò không gặp nhau không nên để ý làm gì. Cái gì xảy ra thì nó đã phải xảy ra. Nó qua rồi. Cũng như thầy trò chúng ta xuống thăm một cái mỏ, lên thì mặt ai cũng nhọ, than nó bay vào nhưng không xấu hổ. Chỉ có khi nào lên khỏi mỏ rồi mà chưa rửa mặt thì mới xấu hổ. Anh em cảm động lắm. Nên bây giờ mình đối với thanh niên phải hiểu họ, không nên quá đáng. Hồi ấy cái thế nó như vậy, nó phải như vậy. Không phải xấu. Các anh ấy cứ bảo tôi kể chuyện. Tôi hỏi các anh đọc Tây du ký chưa. Ở đó có đoạn lấy được Kinh rồi, con rùa làm ướt hết. Thầy trò Đường Tăng lội xuống nhặt lên bóc từng tờ…bóc đến tờ cuối cùng thì rách mất. Đường Tăng cứ khóc bảo: Thôi, tiếng nói cuối cùng của Phật chúng ta không nghe được rồi. Đến lúc Tôn Ngộ Không nó vỗ vai nó bảo sư phụ xem có cái gì trên đời là hoàn hảo đâu, Đường Tăng mới thôi khóc đấy…Con người là người đều đáng quý cả, kể cả kẻ xấu, kẻ cắp, tội lỗi cũng nên tha thứ. Có điều nếu trời sinh nó thành ra con rắn độc thì kệ nó, phải tránh đi, không chơi. Vì nó có thể mổ mình mà. Thái độ tôi như thế.
Về Hà Nội 1954, quyển đầu tiên tôi viết là cuốn Chỉnh huấn là gì. Anh đọc cuốn ấy là mê lắm. Viết phương pháp chỉnh huấn tuyệt vời.
Sau năm 1955 tôi viết Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Nhà xuất bản Minh Đức có in tiểu luận Chỉnh huấn là gì? của tôi. Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam là mở đầu cho bộ Văn học sử Việt Nam. Cũng nhà xuất bản ấy in. Sau đó viết mấy bài trong Giai phẩm. Lúc đó xảy ra vấn đề Giai phẩm bị cấm.
Trong lúc cấm Giai phẩm, có hai ông ở Nhà xuất bản Sự thật là Hồng Phong và Văn Tân (ông Văn Tân làm trị sự) có viết một quyển sách nhan đề: Lập trường văn nghệ vô sản của Trương Tửu. Sách ra tôi có viết những bức thư ngỏ gửi ông Văn Tân. Chưa gửi chưa ai biết cả. Tôi có viết thư cho ông Trường Chinh (ông Trường Chinh lúc ấy phụ trách văn hóa của Đảng). Tôi nói: Nhà xuất bản của các ông có in một cuốn sách viết về tôi như thế. Xét về luật báo chí tôi có quyền trả lời. Yêu cầu ông cho tôi viết một quyển để trả lời. Tôi sẽ viết rất đứng đắn, để công chúng đọc và so sánh hai cuốn sách. Nếu không thì dư luận sẽ sai đi. Không thấy ông trả lời. Tôi viết cuốn sách gồm 10 bức thư hay lắm. Tôi không bác ý kiến ông Văn Tân, Hồng Phong. Hai ông bảo lập trường tôi phi vô sản, không Mácxit. Tôi viết theo cách tôi chỉ trích điều ông nói về tôi và trích Mác-Ănghen-Lênin nói về vấn đề ấy ở quyển nào. Thế thôi. Tôi không phê bình. Ví như ông Trương Tửu nói giai cấp vô sản một mình không thể đến được chủ nghĩa xã hội….Tôi sẽ nói tư tưởng của tôi về vấn đề này, tư tưởng Mác-Ănghen-Lênin về vấn đề này và tư tưởng của ông Văn Tân, Hồng Phong. Xem 3 tư tưởng, cái nào đúng, cái nào sai. Sách không được in.
Viết về tôi cố gắng đọc hết những cái tôi đã viết. Chưa đọc thì đến hỏi, nhớ gì tôi sẽ  nói. Từ Những bức thư ngỏ gửi ông Văn Tân, tôi không viết gì nữa, đóng cửa làm nghề khác.
Tôi đắc ý là quyển Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam, 1957, lúc đang đánh Nhân văn-Giai phẩm. Hay lắm đấy.
…Tôi có một kinh nghiệm là lịch sử Việt Nam khi đổi mới căn bản toàn là trong. Người đầu tiên đổi mới xứ sở mình là Mã Viện. Trước kia toàn là điền thổ, nó đổi mới rõ ràng, cơ bản. Lịch sử cơ bản thứ hai là thằng Pháp đến, nó đổi mới hoàn toàn. Thứ ba là anh Nga. Mình theo nó đổi mới toàn bộ chế độ, đến tư tưởng, tình cảm con người.  Cả Nga lẫn Trung Quốc thắm thiết tình Việt-Trung-Xô. Bây giờ là Mỹ nó đổi mới mình chứ không phải mình đổi mới mình. Nó không nói nhưng ra lệnh ngầm bằng lịch sử, bí quá anh phải đồng ý. Lênin nói một câu hay lắm, rằng những sự kiện nó cứng đầu cứng cổ lắm, không như lý thuyết. Nhìn vào xu hướng khách quan ta thấy chưa đổi được nhưng nó cứ bị đẩy vào.
Ông Đỗ Mười có công rất lớn. Ông ấy thấy nước ngoài nó hay, ông đem so với thực tiễn của mình mà làm, mới lắm. Vấn đề cứ theo thực tế. Hay là ở chỗ đó.
Có vấn đề cần nói là ý kiến của tôi đối với Truyện Kiều có thay đổi. Thực ra nó không mâu thuẫn gì nhau nhưng có thay đổi.  Bởi mình không lường được Truyện Kiều nó sâu sắc như thế. Trước chỉ nhìn được một mặt, không nhìn được mặt khác. Sau cứ thấy những mặt khác nữa. Mình thêm vào thì cứ thấy như nó phản đối những đoạn trước kia mình đã nói.
Quyển đầu năm 1942 viết theo phương pháp và quan điểm chủ nghĩa Mác: tính giai cấp của tác phẩm, khuynh hướng giai cấp của tác phẩm một cách rõ rệt. Sau này mới thấy quan điểm ấy đúng, nhưng thiếu, chưa đầy đủ.
Đứng về phương diện nào mà nói thì Truyện Kiều cũng không tốt. Nhưng đứng về một phương diện nào đó thì nó tốt. Tốt như thế nào chỗ đó mình chưa luận ra được. Sau thì luận ra được. Quyển đầu viết năm 1942 tôi kết luận: một tâm hồn ốm, một đẳng cấp ốm, một xã hội ốm - tất cả Truyện Kiều là ở đó. Đúng một phần chứ không phải không đúng. Riêng có một điểm đánh giá Nguyễn Du là một tâm hồn ốm thì không đúng. Tâm hồn ông không phải là ốm, nó súc tích lắm. Mình không đọc được kĩ hết tất cả các phương diện của nó nên mình tưởng thế. Bây giờ tôi vẫn còn muốn viết về Truyện Kiều nữa, chưa nói hết được.
Ví như yếu tố trong Truyện Kiều tôi chưa nói được. Cơ sở của Truyện Kiều đó là yếu tố thần bí từ đầu đến cuối. Rất hay. Mấy cuộc đời trong đó là yếu tố thần bí hết.
Thứ hai là con người ngoài tính giai cấp ra nó còn có cái chung cho tất cả - có tính nhân văn, muốn sống lương thiện, yên vui hạnh phúc. Nó là để danh cho các giai cấp chứ không riêng cho giai cấp nào. Còn yếu tố nữa là cô Kiều tiêu biểu cho con người cận đại, con người muôn mặt. Nó phức tạp quá. Vừa mới anh hùng xong bây giờ lại cúi xuống lạy người ta. Một con người như thế - thà tự tử chứ không chịu làm đĩ. Nhưng lúc bị Sở Khanh nó lừa rồi, con mụ Tú Bà nó đánh cho lại lạy nó “chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Khổ thế là cùng chứ gì. Nó rất phức tạp, lúc hèn kém lúc táo bạo… Tôi cũng chưa nói được hết. Con người cận đại mình chưa nói được.
Thứ 3, yếu tố chân lí. Cái này mới hay. Trên thế giới có nước nào có có cuốn tiểu thuyết mà toàn dân đem ra để bói không. Bói mà đúng. Đó là chỗ rất hay chưa ai khám phá ra. Cũng như tử vi nó chứa một chân lí gì thì bói mới được chứ.
Thứ 4, quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Du. Ông Ngô Đức Kế bác Kiều bằng mấy chữ ai dâm sầu oán đại dục căn bi, tồi lắm không nên đọc. Chính ông Nguyễn Du cũng nói cuộc đời trong này đoạn trường khổ lắm. Thế rồi suốt một quyển kể những đau khổ hết của người này đến của người khác - Cuối quyển thì bảo “mua vui cũng được một vài trống canh”. Lạ không. Hay không nào. Mục đích của nghệ thuật là mua vui. Lạ thế. Nói cái khổ của người ta để mua vui cho thiên hạ. Từ trước có ai nghĩ như thế không. Tôi nói nước mình chứ chưa nói nước ngoài. Quan điểm đó phải phát triển. Thế mới lạ bởi vì quan điểm đó nó lại có nghệ thuật kèm theo. Có nhiều cái ở trong đó không làm thế nào mà cắt nghĩa được. Nó chứa đựng cái chân lý huyền ảo trong cuộc sống. Có luật nhân quả, luật nhân duyên của nhà Phật. Ông Nguyễn Du là một nhà phật học. Điều này “nguy hiểm lắm”. Tôi đã uống phải cái đó tôi biết. Lắm chỗ tôi bác ý kiến của Nguyễn Du đi bây giờ thấy sai hoàn toàn. Ông ấy nói tu là cõi phúc tình là dây oan. Mình bác. Mình không biết phải hiểu chữ tu, tình, phúc là theo đạo Phật chứ không phải theo ngôn ngữ của chúng mình thì mình mới hiểu được. Tất cả những danh từ trong đó đều do thuật ngữ mà ra mà mình không hiểu. Đến bây giờ tôi vẫn chưa viết hết, vẫn còn nợ cô Kiều. Văn học sau 1955 tôi không để ý một tí gì. Không đọc nữa, không biết. Có 2 chương trong cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (chương cuối) tôi có nói vấn đề ấy: điều kiện lịch sử mới của nền văn học mới, hướng đi như thế nào. Bỏ 30 năm nay chẳng để ý đến văn học, chẳng biết có cái gì hay (Ví như trước kia tôi nói được ngay thích Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Vũ Trọng Phụng,…). Còn văn học lúc sau năm 1955 tôi không dám có ý kiến. Có thể do sự lãnh đạo của Đảng tập trung vào khu vực khác. Liệu mà viết thế nào cho sát thực tế. Đừng có rơi vào những cái cũ.
Về Nhân văn Giai phẩm sau bao nhiêu năm nhìn lại thấy rằng: Lúc ấy phong trào chống Stalin lan ra ở khắp thế giới, khắp nơi. Bởi đó là điều vướng nhất trong sự tiến bộ của chế độ Xô viết và con người. Khắp các nước xã hội chủ nghĩa đều nổi dậy chống Stalin. Ít nhất là trong văn học. Riêng tôi là người Mácxit, tôi nghĩ không hưởng ứng phong trào này thì mình có xứng đáng là người trí thức Mácxit không? Cho nên phải viết. Viết bởi trong Đảng mình cũng có những cái tôn sùng cá nhân. Mình thấy mình cần viết để gõ một tiếng chuông báo động và đưa ra một yêu cầu đòi tự do tư tưởng cho người văn nghệ sĩ.  Thứ 2 là bỏ cái đảng trị đi. Anh em văn nghệ tin ở phương diện tài và đức, người ta bầu ra ai thì người ấy lãnh đạo, không kể đảng hay không đảng. Thứ 3, những người văn nghệ sĩ đứng đắn bao giờ cũng tôn trọng sự thật. Tôi tôn trọng Đảng, quí Đảng, nhưng tôi quí sự thật hơn Đảng. Nếu Đảng xúc phạm đến sự thật thì tôi sẽ phê bình. Tôi viết mấy ý kiến táo bạo như thế, không có hối hận gì cả, bao giờ cũng thấy đúng. Có điều giá viết một cách ôn tồn tí nữa thì hơn. Bây giờ ngoảnh lại nhìn cuộc đời mình không thấy chỗ nào mình xấu hổ cả. Cuộc đời mình mình mở đường mà đi. Trong sự đóng góp mình có đóng góp cá nhân, có sai lầm nhưng có tiến bộ. Trong cuộc đời nghệ sĩ, lúc nào, việc nào, mình cũng bênh vực sự thật, lương tâm trong sạch. Không sa đà vào ăn chơi, vào tư tưởng này tư tưởng nọ. Chỉ khổ là cái mắt bây giờ không còn nhìn rõ nữa.
Trước khi chết, thế nào tôi cũng viết quan điểm của tôi bây giờ đối với chủ nghĩa Mác. Bởi cả cuộc đời mình ở trong đó. Cái bột mình làm từ đó ra. Mà nó cũng có ích. Nó phải có ý nghĩa nào đó chứ. Mọi việc đã diễn ra như thế. Đó là cái nợ đối với ông Mác. Cái nợ phải trả. Nhiều người còn thắc mắc lắm, kể cả đảng viên kỳ cựu nữa chứ không phải thường đâu. Một chủ nghĩa ra đời thế kỷ 18, lập nên một chế độ Xô viết thế giới trong suốt 70 năm. Chẳng lẽ nó sai à. Như thế chẳng thể nói nó là sai, là vứt đi cả. Nó phải có cái gì được chứ. Chẳng lẽ ông Mao Trạch Đông là vứt đi à! Nó phải có công lao quá đi ấy chứ. Cho nên phê bình lịch sử là việc khó nhất. Phải có một con mắt chân chính, rộng lượng, vì nhân loại, không thiên vị. Không phải ai cũng đúng cả đâu. Đến như Mác cũng có chỗ sai chứ không phải là không sai. Nhưng một người như Mác là người tuyệt vời. Cái sai của họ cũng khác, cái sai của họ cũng là bài học lớn cho mình. Nó có ích. Nên ông Mác bảo rằng lịch sử loài người có phải chỉ là lịch sử các chế độ đâu, còn là lịch sử phát triển nhân tính nữa. Nên văn hóa là một sự liên tục. Tôi còn nhớ chuyện một ông người Pháp ông ấy mặc áo, cài khuy áo, ông ấy nghĩ đến ai là người làm ra cái khuy áo thế này, cách cài thế này. Phải biết thật đúng. Biết nửa vời thì cái gì cũng sai. Phải biết ơn những người đi trước với tất cả những lầm lẫn không thể tránh khỏi của họ. Phải rộng lượng tha thứ, hiểu biết. Thế mới là người.
-VẤN ĐỀ TÍNH CHẤT DÂN TỘC
Vấn đề này tôi chỉ nói ngắn gọn:
Anh là người Việt Nam, anh thuần túy Việt Nam, thế là anh tự nhiên có cái năng khiếu phản ánh, thể hiện những cái gì của dân tộc mà chính anh cũng không biết. Khi viết, khi nói thì nó ra tự nhiên. Thế thôi.
Cho nên ông Trường Chinh không đồng ý với tôi về quyển Tương lai văn nghệ Việt Nam. Ông cho văn hóa phải có 3 nguyên tắc lớn là: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Tôi đưa ra 4 yếu tố, không có dân tộc tính.
Bởi nói văn nghệ là phải có tính cách mạng liên tục. Văn nghệ phải cách mạng, cả trào lưu cứ đi mãi không bao giờ đứng cả. Đó là 1.
Thứ 2, nói cách mạng theo hướng xã hội chủ nghĩa. Trong “Tương lai văn nghệ Việt Nam” tôi đã chứng minh như thế.
Thứ 3, phải có tính khoa học. Không có tính khoa học thì không mang tính thời đại.
Thứ 4 là tính đại chúng.
Ông Trường Chinh phê bình tôi là không nói tính dân tộc không được.
-Ý KIẾN VỀ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Hồi Mặt trận Bình dân ở Pháp, sách sang ta rất nhiều. Toàn sách Mác-Lênin. Bây giờ mới được đọc. trước Pháp cấm, không có mà đọc. Thời gian đó được 2-3 năm, tôi đọc được nhiều, mua hoặc ra hiệu sách ở chợ Đồng Xuân ngồi đọc. Nhiều quyển quý lắm, thư viện cũng không có, như cuốn Duy vật lịch sử của ông Bukharin.
Sách Mác Ănghen Bukharin tôi đọc nhiều lắm và bị chủ nghĩa Mác cuốn hút mình. Nó hay quá. Đó là nói về quan điểm và phương pháp của nó. Cái này có gây tai hại cho tôi đấy.
Tôi bảo phải dùng phương pháp này mới nghiên cứu được. Nên phải cố nghiên cứu tiếng Pháp để đọc nhiều điểm ý kiến của Mác-Lênin. Như: ở những nước thuộc địa lạc hậu đế quốc cai trị thì giai cấp tư sản yếu lắm không đủ tư cách làm cách mạng dân chủ. Một mặt bị nó chèn ép, một mặt chạy theo xu hướng trụy lạc ăn chơi của đế quốc tư bản.
Điều đó ảnh hưởng đến cách mình nhìn và đánh giá sách của Tự lực Văn đoàn như là cái giấy bổn: nó ca ngợi cô Tuyết làm đĩ, đời mưa gió thơ mộng, ca tụng những cái xác thịt, ca ngợi những cái cải cách chỉ làm cản trở, chậm tiến hóa. Thế là mình quay lại chống Tự lực Văn đoàn mà vừa trước đó mình ca tụng nó. Trước kia mình viết những bài ca tụng rất hay, nổi tiếng khắp nước. Có người ở Sài Gòn viết bài trên báo Sài Gòn “Ngòi bút Trương Tửu không thành thật”. Trước ca tụng giờ lại công kích nó bảo rằng khuynh hướng tư sản làm cản trở sự tiến hóa của xã hội. Tôi bị cái tiếng làm thay đổi tư tưởng vì lúc đó tôi bắt đầu đi vào chủ nghĩa Mác. Tôi thấy nó mới, hay quá. Lúc đó tôi chưa có kinh nghiệm gì về đời sống bên Liên Xô.
Năm 1936 có vụ án Matxcơva xử những Trung ương ủy viên trong Bộ Chính trị như Cameniev, Bukharin…đó là những bạn thân của Lênin - họ bị coi như phản động hết. Hồi ấy thế giới tổ chức phiên tòa ở Paris để phát những điều của Nga ở Moscou. Mình mới thấy ra những cái gì mình đọc trong lý thuyết là như thế nào; còn những cái trong thực tế của Stalin là như thế nào, đó là dân khổ, trí thức mất quyền như thế nào. Không biết con đường Stalin đúng hay sai. Đến năm 1991 Gorbachev tuyên bố bỏ giai cấp công nhân lãnh đạo, Đảng lãnh đạo, bỏ chế độ Xô viết. Mình nghĩ những cái đó nhưng chỉ nghĩ ở trong đầu mình, thế mà trên thực tế nó đã đến cả, Nó độc tài quá. Qua thực tiễn thấy như thế.
Tôi định viết quyển Tôi đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin như thế nào.
Có người Việt Nam ở Mĩ viết rất táo bạo: 100 năm nước Pháp đô hộ nước ta đã để lại dấu vết ghê gớm lắm. Nhìn lai văn học thế kỉ XX, các nhà văn đều từ Tây học ra cả. Như trong Hồn bướm mơ tiên: Lá rơi, lá rơi,…là lấy ở văn học Pháp. Rất nhiều tứ thơ của Xuân Diệu toàn ở thơ Pháp. Trí thức như ông Quỳnh, ông Vĩnh ảnh hưởng Pháp ghê gớm. Dân cũng ảnh hưởng Pháp không kém đâu.
Ảnh hưởng ấy là tốt, đó là Tây phương, là Hi Lạp, La Mã. Tôi biết đến dân chủ là nhờ Rútxô, Vonte, tư tưởng thế kỷ XVIII ở Pháp. Khi tôi đọc lý thuyết văn học là biểu thị của xã hội thì chính nó đã cho tôi biết lối mà đi. Cái ấy đúng thế mà là sai. Sau đó mình “nhảy” thêm bước nữa khi mình biết điều Mác bảo văn học biểu thị giai cấp đấu tranh. Và tôi viết về Truyện Kiều xét về mặt tính giai cấp. Xét lại thấy đúng một phần sai một phần. Gần như ngược lại cái mình viết năm 1942.
TRƯƠNG TỬU
Tiểu sử
- Sinh năm 1913 ở làng Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội, trong một gia đình dân nghèo thành thị.
- Viết báo, viết văn từ năm 18 tuổi (1931)
- Tham gia kháng chiến từ 12-1046 ở Liên khu 4 (Thanh Hóa)
- 1952 được bổ nhiệm làm giáo sư dạy dự bị đại học (ở Liên khu 4)
Từ 1954 là giáo sư đại học Sư phạm.
Nghỉ viết văn từ thời kỳ Nhân văn Giai phẩm 
....................
PGS. Tôn Thảo Miên và TS. Hà Công Tài [Viện văn học – Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam]. Hà Nội 1997

No comments:

Post a Comment