Tuesday 10 December 2013

Tại Hồng trường Kremlin

Theo LÃ NGUYÊN:

MỘT ẨN DỤ NGHỆ THUẬT DỮ DỘI VÀ ĐAU ĐỚN

Vào hồi 13 giờ hôm Chủ Nhật, 10.11.2013, tại Moskva, đã diễn ra một sự kiện nghệ thuật hi hữu. Piotr Pavlensky, một nghệ sĩ 29 tuổi, đã  đến trước Lăng Lenin cởi bỏ quần áo, ngồi bệt xuống, dùng đinh ghim chặt bìu dái xuống nền đá lát của Quảng trường Đỏ. Nghệ sĩ gọi đây là màn trình diễn mang tên Bắt vít(Fixation), được tiến hành nhân Ngày Cảnh sát Nga. Pavlensky tuyên bố:  “Có thể xem màn trình diễn là ẩn dụ về sự vô cảm, sự thờ ơ chính trị của xã hội Nga hiện đại. Không phải tình trạng quan liêu vô độ, mà là sự bắt vít vào những thất bại và sự thương tổn đã tước đoạt khả năng hành động của xã hội. Nó sẽ vít chúng ta chắc hơn vào đá lát điện Kremlin, biến mọi người thành một đội phỗng đá vô cảm”.

Sự kiện diễn ra một giờ rưỡi, sau đó Pavlensky được xe cấp cứu đưa đến Bệnh viện số 1, nhưng anh từ chối điều trị, sau đó, anh bị chuyển tới Sở nội vụ lập biên bản vì hành vi gây rối trật tự công cộng, rồi được được trả tự do.
Nhiều người cho cuộc trình diễn của Pavlenski là hành động khó hiểu, họ tỏ ý không tán thành, nhưng các đại biểu của thế giới nghệ thuật thì cực kì khoái chá. Hoạ sĩ Pheodor Pavlov-Andreievich, Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật ở Solianka và là con trai nữ nhà văn nổi tiếng Lutmila Petrusevskaia, cho rằng, buổi trình diễn đóng đinh ghim chặt bìu dái xuống nền đá lát trên Quảng trường Đỏ vào ngày 10 tháng 11 của nghệ sĩ Peterburg Piotr Pavlensky đã đi vào lịch sử.
Sau đây là cuộc trò chuyện giữa Pheodor  Pavlov-AndreievichMakeevaDziadkoLobkov vàPiotr Pavlenski tại trường quay của kênh truyền hình “Дождь”:   
Nghệ sĩ Piotr Pavlensky đóng đinh ghim chặt bìu dái xuống nền đá lát
trên Quảng trường Đỏ: “CƠ THỂ LÀ LOẠI VẬT LIỆU RẮN CHẮC”
 pheodor
 Pheodor  Pavlov-Andreievich, nghệ sĩ, Giám đốc bảo tàng quốc gia Solianka: Anh nói rất đúng. Những kẻ mất trí thời trung đại không phải bao giờ cũng có thể chẩn bệnh. Lịch sử nghệ thuật từng biết nhiều người mắc bệnh tâm thần hoặc thể chất. Chẳng hạn, một vị chúng ta rất quen với chữ cái V & G đã tự xẻo thịt trên cơ thể ở những vị trí khác nhau.
+ Lovkov: Hoặc Vrubel nữa.
Pavlov-Andreievich: Hay Jakovlev. Sang năm chúng ta sẽ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 80 của ông ấy. Vì chứng điên, ông ấy đã phải điều trị 8 năm trong khu nội trú của bệnh viện thần kinh. Thế mà tác phẩm của ông ấy vẫn được bán đấu giá. Ý tôi muốn nói, bây giờ, chúng ta không  xét tới ngữ cảnh này. Pechia Pavlensky là người hoàn toàn khoẻ mạnh, sáng suốt, có học vấn và rất tinh tế.
Đây không phải là hành động ầm ỹ đầu tiên của nghệ sĩ. Hồi tháng 5 năm nay, anh đã có cuộc trình diễn chống lại chính sách đàn áp của chính quyền. Cuộc trình diễn này được đặt tến là Thịt nguyên con. Các phụ tá của nghệ sĩ đã chở anh ở tư thế trần truồng, bọc trong một cái rọ đan nhiều lớp bằng dây thép gai đến đặt ngay ở lối vào toà nhà Hội đồng lập pháp Sant-Peterburg. Nghệ sĩ nằm bất động trong cái rọ giống như cái kén ấy ở tư thế bó người và không hề phản ứng trước hành động của những người xung quanh cho tới khi được cảnh sát dùng kìm cộng lực tháo ra.
pheodor 2
Dzyadko: Anh từ chối vào bệnh viện điều trị khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Anh thấy trong người thế nào?
Pavlensky: Tôi thấy bình thường. Nếu không bình thường thì tôi đã chẳng có mặt ở đây. Tôi thấy sức khoẻ của tôi rất ổn, nên tôi mới từ chối. Chuyện này có thể giữ tôi trong bệnh viện. Tôi không có ý định ở lại đó.
Makeeva: Hôm nay anh nổi tiếng khắp thế giới rồi. Nhưng còn chuyện liên quan tới cộng đồng ngoài nghệ thuật, hôm nay ở chỗ toà nhà của toà án, anh nói với phóng viên của chúng tôi rằng anh muốn, giá như mọi người trên Quảng trường Đỏ kịp nêu câu hỏi để anh giải thích về buổi trình diễn thì tốt. Bây giờ anh có điều kiện giải thích rồi đây.
Pavlensky: Tôi muốn đính chính lại một chút: không phải trên Quảng trường Đỏ: khi trình diễn đang tiến hành, có một điểm quan trọng là, không thể hoạt động phối hợp, bởi vì cơ thể và tất cả những gì cùng diễn ra với nó là một cấu trúc câm, nó là mã thị giác. Điểm thứ hai, ấy là không được để cho quyền lực có thể phản ứng, bởi bao giờ cũng vậy, khi một cái gì đó được tiến hành ở những nơi công cộng, thì xã hội cũng có thể hành xử như một quyền lực, vì nó muốn phá vỡ hành động ấy. Chỉ cần để cho phản ứng diễn ra, tất cả sẽ lập tức dừng lại.
Dzyadko: Những người đi qua có nêu câu hỏi cho anh không?
Pavlensky: Tôi nghe có những tiếng kêu gì đó ở khá xa, một người phụ nữ đứng tuổi gào lên: “Còn nói gì với anh ta được nữa, có lẽ anh ta là người điên”. Tôi nghe thấy một cái gì đó đại loại như: “Chúng ta phản đối chống lại cái gì hay sao?”.
Makeeva: “Tất nhiên, tôi muốn muốn dân chúng nêu một số câu hỏi nào đó, và dân chúng nên nêu lên những câu hỏi gì: vì sao có một người đã lại làm điều đó, người ấy muốn nói điều gì?”. Anh muốn nói gì nào?:
Pavlensky: Tôi muốn chỉ ra cho mọi người thấy sự bất lực đã được bắt vít, định hình. Theo quan sát và quan điểm của tôi, thì ở Nga đang hình thành một tình huống không hề dễ chịu, ấy là chúng ta đang đi theo hướng của một nhà nước cảnh sát. Chúng ta thấy, ở Viện Hàn lâm, trong phạm vi nghệ thuật, đang diễn ra những cuộc cải cách chủ yếu nhằm vào cắt giảm tài chính. Vậy mà lại đang có một dòng tiền chảy rất mạnh bổ sung cho các thành phần và lương bổng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, của cảnh sát và các lực lượng an ninh. Đó chính là hướng tiến về phía nhà nước cảnh sát. Đã thế, mọi người lại đang cho phép điều ấy diễn ra. Những gì đang diễn ra hiện nay, đó chính là sự thờ ơ chính trị.
Dzyadko: Vậy vì sao anh lại chọn cái cách ngông cuồng đến thế để chứng minh điều đó?
Pavlensky: Nếu chúng ta nói về cái bìu dái, thì nó cũng giống như là một sự tiếp nối nào đó của chúng ta, sự tiếp nối hành động, tiếp nối vận động, tiếp nối tư tưởng. Còn bây giờ, có cảm giác như là tình trạng thờ ơ. Tất cả đều tập trung vào sự thất bại và thương tổn của mình. Có những tù chính trị cần được giúp đỡ, nhưng ngoài cái đó, cũng cần phải có những khởi sự mới, bởi vì nhà nước, chính quyền giống như cơ chế bạo lực tiếp tục phát triển, còn xã hội thì lại đóng băng, chẳng làm gì cả.
Dzyadko:  Đa số bình luận xuất hiện trên các trang mạng xã hội về những gì anh đã làm đều khá tiêu cực. Vậy ý nghĩa của nó là ở đâu? Nhất là, chính anh cũng nói rằng anh đã chờ sẵn một sự phản ứng như vậy.
Pavlensky: Nếu tôi kì vọng trước vào một sự phản ứng tích cực, kì vọng mọi người sẽ tâng bốc, xoa đầu mình, thì trong trường hợp như thế, đó sẽ là một thứ mị dân. Phản ứng tiêu cực cũng là sự phản ứng. Công chúng phản ứng, họ tự hỏi, vì sao lại có người làm việc đó. Tôi nói về sự bất lực đã bị vít chặt, định hình, bởi vì, với tôi, cái hành động xem mới là quan trọng.
Makeeva: Dân chúng, khán giả, đám cộng sự của cảnh sát, liệu đó là một phần của buổi sắp đặt, hay chỉ là cử toạ?
Pavlensky: Đó là một phần của buổi trình diễn ấy – nó gồm tất cả những ai tham gia vào đó. Chỉ cần đi ngang qua thì cũng đã là một hành động, nhưng nếu tách ra một đoạn, thì đó là đám cộng sự của cảnh sát, những người bắt đầu làm một cái gì đó. Xét theo số giày mà tôi nhìn thấy, thì dân chúng tập trung lại khá đông.
Makeeva: Anh làm thế nào để kịp hoàn tất mọi việc? Liệu có phải dân chúng đã tập trung từ trước không?
Pavlensky: Có lẽ phải mất chừng một, hay một phút rưỡi gì đó để làm xong việc này. Sự phức tạp của khâu chuẩn bị và sự mạo hiểm lớn nhất nằm ở đấy. Nếu bị phá hỏng giữa chừng, hay ngay từ đầu, thì chắc đó sẽ là một tình huống rất ngu ngốc. Tôi cân nhắc xem có thể làm thế nào.  Có một xe cảnh sát đỗ cách đó 15 mét và toàn bộ chỗ ấy lộ ra rất rõ. Cần phân tích kĩ tình huống. Vào phút chót, ở nơi tiến hành trình diễn, mà như là trình diễn sự phản khác bằng một hình thức cụ thể, tôi thấy có nhiều biểu ngữ được chăng ra. Tức là, có thể, người ta chờ đợi nó. Nhưng việc người đang nhanh chóng ngồi xuống, nhanh chóng làm một cái gì đó ở bên dưới, – đó lại là chuyện có một chút hơi khác. Tôi đồ rằng, mình đã có một tình huống may rủi, vì đó là hành động hoàn toàn không mang tính điển hình.
Makeeva: Có một nhóm người cùng đi với anh à? Có ai đó giúp anh không?
Pavlensky: Tôi đến một mình. Tôi đã tính toán trước. Lúc ấy, với tôi, dòng người mà tôi cần tận dụng mới là điều quan trọng. Tôi nhét tất cả đồ đạc vào ba lô, tôi chỉ việc quẳng cái ba lô ấy ra ra xa một chút. Sau đó, thậm chí, cảnh sát đã giúp tôi, người ta gạt dân chúng ra, tất cả quây lại thành một hàng rào. Còn những gì tôi quăng ra ngoài, thì đã thất lạc ở đâu đó.
Makeeva: van Gogh xẻo tai mình, nhưng ông còn vẽ tranh. Còn anh thì chuyên về hội hoạ, hay bây giờ nghệ thuật sắp đặt đã trở thành nghệ thuật thuần tuý không đòi hỏi phải có những công việc bổ trợ nữa?
Pavlensky: Thiết nghĩ, đó là nghệ thuật thuần tuý. Ở đây, ngữ cảnh chính trị thực sự là khía cạnh có ý nghĩa quan trọng. Ai đó vẫn có thể sử dụng hình thức đồ hoạ, hoặc hội hoạ như thế, cốt sao để sao cho cái đó trở thành một phát ngôn vừa đủ, nhắm tới một lượng công chúng vừa đủ, chứ không phải dành cho một cộng đồng diễn giải khép kín. Tôi nghĩ, những hình thức biểu đạt như vậy giờ đây chỉ dành cho một cộng đồng hạn hẹp nào đó. Một thể loại nào đó sẽ thành công trong một phạm vi công chúng rộng hơn, nhưng nó thường là thể loại có đôi chút biếm hoạ. Nó không hợp với tôi. Chỉ có hành động trực tiếp với cơ thể, khi toàn bộ tiến trình diễn ra ngay lập tức, diễn ra lễ trưởng thành, rồi sau đó, như những vòng tròn tản ra, bắt đầu một cuộc đối thoại với công chúng.
Makeeva: Anh làm cho cơ thể bị thương tổn, như thế thì đau lắm.
Pavlensky: Tôi nghĩ, việc chúng ta hành xử thế nào với cơ thể là việc có  tính ép buộc một chút. Tôi lưu ý, rằng thái độ với cơ thể cũng như với một cái gì đó, cái cần đặt vào trong bao, dùng cả một tấn khăn kháng khuẩn để bọc kín lại, cũng mang tính ép buộc. Cơ thể là là loại vật liệu rắn chắc, và sự đau đớn chẳng qua là sợ hãi và hốt hoảng. Chỉ cần chế ngự sự hốt hoảng và sợ hãi, nhưng nó cũng có giới hạn. Tự tử không phải là đâm thủng một cái gì đó, nó là một chuyện khác. Tự tử đó là kết liễu bản thân nói chung như một đơn vị tư duy và hành động. Dó là một cái gì hoàn toàn khác. 
Lã Nguyên tuyển dịch và tổng hợp các nguồn tiếng Nga.

No comments:

Post a Comment