Monday 17 February 2014

Thầy H.

Thầy H. là giáo viên môn Lịch sử hồi chúng tôi học trung học phổ thông.

Trong biết bao các giáo viên các cấp học, sao tôi lại nhớ thầy H., như tôi nhớ về thầy G. giáo viên môn Thể dục, hay thầy U. giáo viên môn Địa lý, cô M. giáo viên tiếng Nga, thầy Q. giáo viên môn Vật lý (có lẽ khi có dịp tôi sẽ kể về những người thầy, người cô này trong cuộc đời học trò của tôi).

Bởi hồi đó, và ngay cả bây giờ, tôi vẫn thấy thầy H. không như một giáo viên Lịch sử thông thường, hay bình thường. Nói như thế không có nghĩa thầy khác thường, thực tế có lẽ thầy cũng bình thường như bất cứ người giáo viên, hay bất cứ người dân bình thường nào khác.

Dạo ấy, tức cái thuở tôi được học thầy, thì thầy vẫn chưa lập gia đình, mà tuổi thầy theo ước tính của tôi cũng phải cỡ trên dưới 30 rồi. Bây giờ, thỉnh thoảng về dự hội trường thì chỉ biết thầy không còn ở trường cũ, mà đã chuyển về quê thầy, nghe nói là xứ Nghệ Tĩnh chứ không rõ huyện nào, xã nào, từ nhiều năm nay, nên cũng không biết thêm về cuộc sống riêng tư của thầy, không biết thầy đã lấy vợ chưa, có mấy người con. Sống cuộc đời độc thân xa nhà nên thầy ở trong khu tập thể trong trường cùng với các thầy cùng lứa trên dưới 30 tuổi cũng độc thân, hoặc xa gia đình như thầy hồi ấy. Và ngày hai bữa chúng tôi thấy thầy cùng các thầy khác đi ăn tại bếp ăn tập thể nhà trường với cái thìa cuộn trong một tờ giấy dắt ở túi quần sau. Tức là cuộc sống riêng tư của thầy vô cùng đạm bạc, đến mức tối thiểu như tuyệt đại đa số dân chúng lúc bấy giờ.


Tức là tôi không biết nhiều về bản thân thầy, cuộc sống riêng tư của thầy, hay gia đình thầy. Nhưng nhớ về thầy, là nhớ về những tiết giảng của thầy trên lớp học. Trước đến nay tôi chưa gặp người thầy nào như thế, bởi vì thầy không giảng một chút gì như trong sách giáo khoa cả, ngày ấy cũng như bây giờ tôi đồ rằng có lẽ bởi thầy không muốn nhắc lại những kiến thức trong sách giáo khoa, tuy không nói ra nhưng chúng tôi hiểu muốn thì cứ giở sách ra mà đọc. Thay vào đó, thầy kể những câu chuyện mà đến bây giờ đã quá xa, quá lâu để có thể nhớ thật chi tiết về từng chuyện thầy kể, chỉ nhớ đến hình ảnh những mái nhà chiều chiều tỏa khói, gợi cho chúng tôi về cuộc sống của châu Âu trung cổ với các lãnh chúa và nông dân. Qua bài giảng của thầy mà chúng tôi hiểu được nghĩa của chữ bị 'cừu đuổi' , và cuộc cách mạng năm 1917 tại Nga đến với chúng tôi qua lời kể của thầy tác phẩm Con đường đau khổ của A. Tolstoy. Còn nhớ mãi thầy đọc từ trong trí nhớ lời của nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết dài tập này (được NXB Văn học in thành 3 tập) nói với người yêu mà tôi nhớ được như sau: những năm tháng rồi sẽ qua đi, những cuộc chiến tranh và cách mạng sẽ thôi gào thét, chỉ còn lại không phôi pha mối tình của anh đối với em.

Khi kể những câu chuyện này, thầy không nhìn xuống chúng tôi, mắt thầy mơ màng hướng lên trên, các ngón tay của bàn tay phải của thầy chụm lại và được thầy xoay xoay đưa lên cao như một ngọn lửa. Rồi thầy nói, như một lời kết luận bỏ lửng: Các em biết đấy! Mà chúng tôi có biết một tý một tẹo nào đâu. Cho đến năm phổ thông trung học tôi vẫn chưa đọc một quyển sách nào dày quá 200 trang, chứ đừng nói là tiểu thuyết, việc thầy kể không đầu không cuối một câu chuyện nào đó, rồi thầy coi như chúng tôi đã biết rồi, đã khiến tôi tức tối, nó kích thích tôi phải tự mình tìm hiểu thêm về những điều thầy còn chưa nói (tôi biết nếu tôi có gan tìm để hỏi thầy chắc thầy cũng sẽ chỉ phẩy tay mà không nói gì thêm).

Thầy truyền cho chúng tôi cái tinh thần của các nhà Khai sáng (Enlightenment) và Bách khoa Pháp: Diderot, Montesquieu, và Rousseau mà những lý tưởng của họ về Tự do-Bình đẳng-Bác ái đã được giương cao trong cuộc Cách mạng Pháp. Về cuộc Cách mạng Pháp 1789, thầy kể cho chúng tôi nghe cũng theo cách thức ấy truyện Những người khổn khổ. Thầy có niềm say mê đối với Công xã Paris và căm thù đến xương tủy kẻ thù của Công xã - Adolpe Thiers - mà thầy phát âm là Chi-e, thầy còn dẫn lời của K. Marx khi đánh giá về nhân vật này.

Theo quan điểm của tôi, ngày ấy thầy là một nhà cách mạng, được đốt cháy bằng nhiệt huyết của tinh thần cách mạng đương thời. Chịu ảnh hưởng của thầy mà tôi yêu thích giống như thầy sùng bái (Maximilen de) Robespierre, lãnh tụ của những người Jacobins. (Lúc đó, tôi còn chưa biết rằng thời kỳ Robespierre nắm quyền còn được gọi là Thời kỳ Khủng bố - Reign of Terror khi mà nhiều cái đầu, trong đó có cả của Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette đã rơi dưới máy chém, và trớ trêu thay khi kết thúc Reign of Terror thì đầu của Robespierre cũng rơi dưới máy chém). Sau này, một đồng nghiệp của tôi đã hỏi tôi về điều đó, anh thích một nhân vật khác của Cách mạng Pháp hơn là Robespierre. Thầy muốn so sánh cuộc Cách mạng Pháp (với đỉnh cao là sự lãnh đạo của phái Jacobins do Robespierre đứng đầu) với Công xã Paris, và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và ca ngợi của CMT10 Nga của Lenin là triệt để nhất, theo nghĩa là mạnh tay nhất, kể cả không từ việc triệt hạ, về mặt thể xác, bất cứ ai được/bị coi là kẻ thù của cách mạng. Thầy cũng say sưa kể về chính sách Cộng sản thời chiến, và Chính sách kinh tế mới (NEP) của Lenin. Và Con đường đau khổ, cùng với Piere Đệ nhất, hai tác phẩm của A. Tolstoy là những tác phẩm yêu thích của thầy khiến sau này tôi phải tìm đọc.

Không chỉ say mê Cách mạng PhápCách mạng Nga, thầy còn truyền cho chúng tôi hiểu biết về công cuộc thống nhất nước Ý và nước Đức với huyền thoại (Giuseppe) Garibaldi và Thủ tướng (Otto von) Bismarck. Thầy cũng hâm mộ Napoleon Bonaparte (Napoleon I) nhưng lại đặc biệt khinh bỉ người cháu của ông ta - Napoleon III. Nước Pháp, dưới mắt thầy, chỉ huy hoàng dưới thời Napoleon I, còn sau đó là thảm hại: sự vênh vang của Napoleon III trước cuộc chiến tranh Pháp-Phổ và sự hạ mình nhục nhã cũng của ông ta sau thất bại, trong Thế chiến I nước Pháp cũng bại trước rồi sau đó lại được đứng trong hàng ngũ các nước thắng trận. Thầy cho rằng có lẽ tại vì nước Pháp với di sản văn hóa đồ sộ ở các cung điện VersaillesTuileries v.v. không muốn bị tàn phá bởi chiến tranh, nên chỉ sau vài tuần giao chiến, nước Pháp hàng luôn.

Bạn thấy đấy, nhờ cách dạy của thầy mà tôi còn nhớ các bài sử, các sự kiện lịch sử quan trọng của thế giới và Việt Nam. Thầy ca ngợi tài năng của lãnh tụ Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1946. Về thất bại của Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 và quan hệ Pháp-Việt hiện nay (ở thời điểm mà chúng tôi còn là học trò của thầy) là nước Pháp đang ve vãn Việt Nam. Ngẫm nghĩ lại cũng thấy đúng, tuy thua trận Điện Biên Phủ và phải từ bỏ Đông Dương nhưng nước Pháp lại thực tâm mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam.

Trong lịch sử hiện đại Việt Nam, có lẽ Việt Nam phải lựa chọn để đối đầu trước, đối tác sau, điều này đúng với cả quan hệ Việt-Nhật, Việt-PhápViệt-Mỹ. Lạ lùng là Việt Nam cứ vô tư kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng quan hệ với Pháp không vì thế mà xấu đi, hay mọi trận chiến lớn nhỏ với Mỹ đều được kỷ niệm, từ Ấp Bắc, Núi Thành, Vạn Tường, đến Khe Sanh, Quảng Trị và 1975, nhưng quan hệ Việt-Mỹ vẫn nồng ấm. Chả thế mà có người (không nhớ tên) đã nói đánh Mỹ là sướng nhất, vì đánh xong rồi còn tha hồ được chửi mà vẫn nhận tiền viện trợ của . Chẳng như cuộc chiến với Trung Quốc, biết bao chiến sĩ, đồng bào đã bỏ mạng nhưng không một lễ kỷ niệm, không một buổi cầu siêu, các hoạt động tưởng niệm tự phát cũng bị cản trở. Giới trẻ ngày nay dùng hàng Trung Quốc, xem phim ảnh Trung Quốc tràn ngập trên truyền hình, không được học ở nhà trường về cuộc chiến này, mà các phương tiện truyền thông cũng không đả động đến, có lẽ có không ít người không biết rằng đã từng có thời răng cắn môi khá đau và ngày nay giới lãnh đạo nước láng giềng vẫn không từ bỏ dã tâm với đất nước mà họ coi là phiên thuộc của các triều đại quân chủ Trung Hoa để đến mức họ coi đất nước này như một phần lãnh thổ của họ.

No comments:

Post a Comment