Wednesday, 5 February 2014

Đảng ta

Bài này của bác Trần Thắng Lợi, nghe nói là bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (vì tài liệu trích từ Hồ Chí Minh Toàn tập), chứ mình đảng viên chẳng phải, chẳng dám dự vào mà gọi là Đảng ta.

Các nhà làm sử đảng chắc sẽ rút ra được nhiều chi tiết thú vị về lịch sử đảng.

Trần Thắng Lợi
Đảng ta
(Tặng các đồng chí chi bộ)
Năm 1847, Mác và Ăngghen phát biểu “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”. Sau 70 năm cách mạng Nga thành công. Sau 98 năm cách mạng Việt Nam thành công. Hiện nay, nước nào cũng có Đảng Cộng sản và chủ nghĩa cộng sản đang lan tràn khắp thế giới. 20 triệu đảng viên cộng sản khắp các nước đang hăng hái lãnh đạo hàng trăm triệu người lao động và dân tộc bị áp bức, đấu tranh cho cuộc giải phóng của mình, cho một xã hội mới, cho chủ nghĩa cộng sản.
Đảng ta tuy trẻ trung, nhưng đã lập được những công trạng rất to tát.
Nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng, tôi nhắc lại vài mẩu chuyện của Đảng cho các đồng chí trẻ biết, chứ không phải viết lịch sử Đảng.
Năm 1921, trong cuộc Đại hội của Đảng Xã hội Pháp mở ở Tua (Tours), Đảng ấy chia làm hai phái. Phái thiểu số thì cứ giữ lấy Đảng Xã hội cũ. Phái đa số thì lập thành Đảng Cộng sản Pháp. Trong phái này có một người cộng sản đầu tiên của Đông Dương là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, chủ nghĩa cộng sản bắt đầu vượt qua lưới sắt của chủ nghĩa đế quốc Pháp và dần dần thấm vào nước ta.
Năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng anh em cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Hội này đưa thanh niên trong nước ra Quảng Châu, huấn luyện họ, rồi phái họ trở về tuyên truyền và tổ chức khắp cả nước.
Năm 1929, trong khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi vắng, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội khai toàn quốc Đại hội ở Hương Cảng. Đại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức đảng cộng sản, bị gạt đi, liền bỏ hội nghị ra về.
Sau đó, trong nước dần dần thành lập ba nhóm cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn.
Một nước mà ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa nhau.
Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.
Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn Ái Quốctôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám.
Để giữ bí mật, các đại biểu khai hội bên sân đá banh của người Tàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về Đảng.
Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.
Thế là Đảng ta chân chính thành lập.
Đó là ngày lịch sử mồng 6-1-1930.
Sự thống nhất làm cho đảng viên và quần chúng cả nước rất vui mừng và thêm hăng hái. Do đó mà Đảng phát triển rất mau, hoạt động rất mạnh. Từ đó trở đi, phong trào cách mạng ở nước ta đều do Đảng ta lãnh đạo.
Vì có một chủ nghĩa cách mạng nhất, một tổ chức chặt chẽ nhất, chí hy sinh tận tuỵ không bờ bến của đảng viên, có sự hăng hái vô cùng của quần chúng, nên Đảng ta thành lập không bao lâu, đã lãnh đạo được cuộc khởi nghĩa Nghệ Tĩnh, thành lập Xô viết Nghệ An. Nếu so sánh lịch sử cách mạng các nước, chúng ta có thể nói rằng Xô viết Nghệ An đối với Việt Nam cũng hơi giống cách mạng 1905 Nga.
Xô viết Nghệ An đã lôi cuốn được cả công nhân, nông dân và học sinh. Đã lập nên chính quyền nhân dân. Đã làm cho giặc Pháp kinh sợ. Thật là một cuộc cách mạng oanh liệt đầu tiên do giai cấp vô sản Việt Nam lãnh đạo.
Giặc Pháp đàn áp một cách vô cùng dã man. Hàng ngàn hàng vạn đảng viên và quần chúng bị giết chết, bị tù đày. Giặc Pháp đã xoa tay mừng rằng cách mạng Việt Nam, cộng sản Việt Nam hết rồi. Chúng nào có hiểu: Có thể ngăn sông, có thể đào núi, nhưng không có lực lượng nào có thể ngăn trở chủ nghĩa cộng sản phát triển và thực hiện.
Sau trận khủng bố ghê gớm 1930-1931, năm 1933 Đảng lại hoạt động mạnh và càng ngày càng mạnh.
Nói đến đây, tôi phải nhắc đến những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, cùng trăm nghìn đồng chí khác. Và những thanh niên cộng sản anh dũng như Trọng Con, Hồng Quang. Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ.
Thế giới đại chiến lần thứ hai bùng nổ. Một lần nữa thực dân Pháp ra tay khủng bố. Nhiều đảng viên bị bắt, bị tù. Nhưng Đảng ta vẫn đứng vững. Đảng giao cho một số đồng chí thảo kế hoạch đánh Nhật chống Pháp. Các đồng chí ấy khai hội trên một bãi cỏ ở Quảng Tây. Trong 6,7 người, tôi chỉ nhớ tên các đồng chí Phùng Tự Do (đã hy sinh ở Na Rì, Bắc Cạn), Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.
Muốn đánh giặc, phải có quân đội. Đội du kích đầu tiên của nước ta lập ở Cao Bằng, với 12 người, trong đó có hai nữ đồng chí. Đội này do các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm và Bằng Giang phụ trách. Toàn đội chỉ có một khẩu “pạc-hoọc”, hai khẩu súng kíp và giáo mác. Thấy vậy, người khác có thể cười rằng đó là trò chơi trẻ con. Nhưng chính từ cái hạt cỏn con đó mà nay đã phát triển thành hàng chục vạn Vệ quốc quân và hàng trăm vạn dân quân du kích đang oanh liệt kháng chiến từ Bắc đến Nam, làm cho giặc Pháp phải kinh hồn, thế giới phải khen phục.
Trong mấy tháng, đội du kích số một ấy phát triển đã khá. Đảng giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cải tổ thành đội Nam tiến. Khi đã lấy lại sáu tỉnh Việt Bắc và đã lập chính quyền nhân dân, đội Nam tiến đổi tên là Quân Giải phóng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ Cộng hoà thành lập, Quân Giải phóng trở nên Vệ quốc quân.
Năm nay, Đảng ta mới 19 tuổi. Nhưng suốt 19 năm ấy, năm nào cũng là một năm đấu tranh dũng cảm. Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang ngày nay.
Tuy vậy, chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại.
Chúng ta có nhiều thành công, nhưng chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mỗi đồng chí ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình.
- Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa?
- Đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa?
- Đã luôn cố gắng học tập, luôn luôn cầu tiến bộ chưa?
- Đã thực hiện đoàn kết 100% chưa?
- Đã thật cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chưa?
- Đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa?
Nếu chưa thì phải làm cho kỳ được.
Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm trọn nhiệm vụ của đảng viên.
Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy. Như thế, thì dân tộc giải phóng nhất định thành công, thế giới cách mạng nhất định thành công.
Trần Thắng Lợi
(Viết đầu năm 1949. Tập san Sinh hoạt nội bộ, số 13, tháng 1-1949. Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Hà Đông xuất bản thành sách năm 1950)
NguồnHồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tập 5

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000
[2] Theo thông tin trên Tạp chí Cộng sản: “Tạp chí Sinh hoạt Nội bộ ra đời tháng 8-1947, với tư cách là ‘cơ quan trung ương huấn luyện công tác và lý luận’. Nhưng vì hồi bấy giờ Đảng không ra công khai, cho nên trên bìa số 1 ghi là ‘của Cứu quốc Hội’, từ số 2 đến số 13 ghi là ‘của Đoàn thể’, và từ số 14 (ra tháng 2-1949) ghi là ‘của Đảng’… Tạp chí Sinh hoạt Nội bộ do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng, trực tiếp phụ trách. Đồng chí Trường Chinh định ra kế hoạch từng số và phân công người viết bài… Từ khi ra đời (tháng 8-1947) cho đến tháng 3-1950, Sinh hoạt Nội bộ đã xuất bản được 20 số. Từ tháng 3-1950, tạp chí Sinh hoạt Nội bộ  đình bản, và sau đó được thay thế bằng Tạp chí Cộng sản.”
[3] Hồ Chí Minh, sđd, tập 3
[4] Nguyên bản tiếng Pháp “Essai d’histoire du mouvement communiste en Indochine”, tác giả là Hồng Thế Công, một bút danh của Hà Huy Tập.
[5] Văn kiện Đảng, tập 4
[6] Văn kiện Đảng, tập 21
[7] Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tếbản lưu hành trên Internet
[8] Văn kiện Đảng, tập 2
[9] Điều đáng lưu ý là đầu năm 1949, khi Hồ Chí Minh viết bài “Đảng ta”, Nguyễn Đức Cảnh, Châu Văn Liêm và Lê Hồng Sơn (tức Tản Anh) đã bị chính quyền thực dân Pháp giết hại từ lâu, nhưng trong số người còn lại có Nguyễn Thiệu, khi đó ở miền Nam, mà ông Hồ không hề nhắc đến. Hai năm sau, khi Hồ Tùng Mậu cũng hi sinh trong kháng chiến, hai người duy nhất còn lại ngoài Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Thiệu và Trịnh Đình Cửu. Cả hai ông đều chỉ lên tới những chức vụ hữu danh vô thực bậc trung trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, một trở thành Giám đốc Viện Bảo tàng Cách mạng, một trở thành Phó Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Hồ Chí Minh.
[10] Tổng bộ Việt Minh xuất bản năm 1949. Hồ Chí Minh, sđd, tập 5
[11] Hà Huy Tập, “Essai d’histoire du mouvement communiste en Indochine”, bài đã dẫn
[12] Trong bài “Kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương” 1933, Văn kiện Đảng, tập 4, ông Hà Huy Tập cũng nói rõ rằng “đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị ám sát trong các nhà tù địa ngục của Hồng Công“.

No comments:

Post a Comment