Wednesday, 3 July 2013

Về Hồ Đức Việt, Hồ Anh Dũng

Nguyễn Thông đưa lại bài của Cầu Nhật Tân, Anh em nhà họ Hồ, đăng ngày 10.5 khi bằng cách nào đó họ có tin ông Hồ Đức Việt khó qua khỏi, trong khi truyền thông chính thức của nhà nước chưa có tin tức gì mà phải đợi đến sau khi ông chết (31.5) và sắp xếp xong Ban lễ tang thì truyền thông nhà nước mới chính thức đưa tin. Chỉ một ví dụ cũng cho thấy về mặt thông tin, truyền thông nhà nước đã 'thua' so với thông tin 'ngoài luồng'.

HỒ ĐỨC VIỆT
13/8/1947-31/5/2013
Về hai nhân vật Hồ Đức Việt và Hồ Anh Dũng mà Cầu Nhật Tân đề cập, chỉ muốn viết thêm vài chữ thế này.

Đây là hai anh em ruột, cháu nội của cụ Hồ Tùng Mậu, một nhà cách mạng tiền bối mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin cậy. Ông Hồ Đức Việt đã từng giữ chức Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn (TNCS HCM), một vị trí đảm bảo cho ông những chức vụ chính trị tiếp theo sau khi ông từ biệt tổ chức được coi là của thanh niên - những gì cho thấy về các người tiền nhiệm như Vũ Quang, Đặng Quốc Bảo, Vũ Mão (bài dưới đây cũng nhắc đến Vũ Mão), rồi Hà Quang Dự, Hoàng Bình Quân, hay sau này là Võ Thưởng. Sau này khi thôi làm 'thủ lĩnh' đoàn viên, thì con đường đi của ông khá vòng vèo trước khi nhận chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương đầy quyền lực: Bí thư Quảng Ninh, rồi Bí thư Thái Nguyên - có vẻ như người ta không tìm được vị trí thích hợp để trao cho ông, nên giao cho ông các 'nhiệm vụ tạm thời', kể cả là Chủ tịch (hay Tổng thư ký) của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Về Hồ Anh Dũng, không được rõ về quãng đời trước kia của ông. Chỉ biết về ông khi ông làm Tổng Giám đốc của Đài truyền hình Việt Nam VTV, kế nhiệm Phạm Khắc Lãm (anh trai của đạo diễn sân khấu Phạm Thị Thành, cả hai người là con của Phạm Khắc Hòe, Đổng lý văn phòng của triều đình Bảo Đại). Ấn tượng về TGĐ Hồ Anh Dũng chính là VTV đã 'khởi động cuộc chiến' chống xâm phạm đê điều và hành lang bảo vệ đê điều tại Hà Nội, hình như vì nguyên nhân đó hay những uẩn khúc khác mà một số vị mất chức, trong đó có Đinh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Khoái Hồ Anh Dũng từ dạo ấy, và cảm giác là ông này có vẻ khá thẳng tính (bộc trực).

Nhận xét về mấy nhân vật phụ, Vũ Mão hay Hữu Thọ, đều khá xác đáng. Không có gì đáng đề cao ở hai nhân vật này.


Anh em nhà họ Hồ

Giữa lúc Hội nghị 7 của Đảng đang sôi động, đồng chí Hồ Đức Việt nguyên Ủy viên Bộ Chính trị lâm mệt nặng, có khả năng được Hồ Chủ tịch triệu đi gặp cụ Mác – Lê. Thân thế và sự nghiệp của đồng chí thì nhiều người đã biết… Tuy nhiên, đồng chí còn một người anh trai cũng khá nổi tiếng nữa thì vẫn chưa nhiều người tường tận. Hai anh em nhà họ Hồ có nhiều điểm chung và khác biệt rất thú vị với vùng quê và dòng họ Hồ giàu truyền thống.
Hai đồng chí Hồ Đức Việt và Hồ Anh Dũng là anh em ruột và là cháu đích tôn nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu. Sinh trưởng tại vùng quê bất khuất, giàu truyền thống (làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Tuy sinh trưởng trong cùng gia đình nhưng tính cách hai đồng chí từ nhỏ đã khác biệt. Đồng chí Dũng thì giỏi thơ văn, xã hội. Đồng chí Việt thì thích các môn tự nhiên. Về sau, đồng chí Dũng được Đảng và Nhà nước cho đi học văn ở ĐH Tổng hợp Lomonosov. Đ/c Việt thì học chuyên Toán. Sau này, khi đã giữ trọng trách trong công tác Đoàn, đồng chí Việt lại được Đảng cho đi học 3 năm tại Paris năm 1980 (hồi này được đi học ở tư bản là khủng khiếp lắm).
Tuy khác biệt như vậy, hai anh em đồng chí có điểm chung là đều trưởng thành và đi lên từ công tác Đoàn. Cả hai đều từng giữ cương vị Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong sinh hoạt chính trị, đồng chí anh thì thâm trầm, ít nói, chắc chắn. Đồng chí em thì sôi nổi quyết đoán nhưng có phần bộp chộp.
Tại đại hội Đảng 8 tháng 6/1996, cả hai anh em nhà họ Hồ đều được giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương. Lúc đó, đồng chí Hồ Đức Việt mới ở giai đoạn đầu của hoạt độngchính trị. Còn đồng chí Hồ Anh Dũng đã kinh qua Phó ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam. Trong cơ cấu lúc đó, Tổng GĐ TH VN chưa phải Ủy viên Trung ương. Đ/c Dũng trước ĐH 8 nổi như cồn bởi vừa hoàn thành sự nghiệp phủ sóng VTV toàn quốc mà dấu ấn lớn nhất là xây cho mỗi tỉnh trên cả nước một đài truyền hình cùng một số đài khu vực … mà không ai bị ra tòa. Ngay công trình 500 KV do đích thân cụ Kiệt quán xuyến mà khi xong cũng phải gửi vài anh vào tù thì mới hiểu đ/c Dũng đã thành công tới mức nào.
Ngay trước khi khai mạc ĐH Đảng 8, đồng chí Dũng xin rút, không tham gia Trung ương trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người và của ngay cả Tiểu ban Nhân sự do chính Tổng Bí thư Đỗ Mười làm trưởng. Không ít người còn nghi kỵ là đ/c Dũng có vấn đề gì chăng? Suất Trung ương ngon thế cơ mà. Khối anh chạy tiền tỉ mà không vào nổi? Cùng thời gian này lại có chuyện toàn bộ Đảng bộ một tỉnh nọ phía Nam (gồm cả Bí thư tỉnh ủy) đi xả stress tại Quảng Bá bị Công an Tây Hồ bắt tại trận cùng nhiều gái mại dâm. Không ít kẻ độc miệng đồn đại, đơm đặt. Ngay lập tức Hữu Thọ được nhặt vào Trung ương để trám chỗ trống. Giống như đ/c Vũ Mão, đồng chí Thọ này có nhược điểm là hễ nói chuyện thì bọt mép sùi ra đầy mồm. Hôm gặp đ/c Mười lần cuối để quyết cho vào Trung ương, đ/c Mười nhận xét là “tay sùi bọt mép” này ấn tượng nhất là cái mồm (cũng có ý rằng quá xôi thịt). Về sau đ/c Thọ ở dịt trên ghế không thôi, ra khỏi Trung ương rồi vẫn cố đấm ăn xôi xin làm “trợ lý” Tổng bí thư cho anh Mạnh cùng đ/c Hồ Tiến Nghị. Đến khi anh Mạnh đi công cán Quảng Nam, xe tùy tùng chở đ/c Thọ đâm vào con trâu chạy qua đường, đ/c Thọ bị gãy chân. Thế là anh Mạnh có dịp tốt cho đ/c Thọ nghỉ hẳn. Từ bấy, hễ có dịp là đ/c Thọ quay ra chỉ trích đường lối.
Sau ĐH Đảng 8, đ/c Việt vùn vụt đi lên như ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị nước Việt: trẻ, năng động, có trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gia đình giàu truyền thống cách mạng. Đ/c Dũng thì lui về hậu trường, làm công tác hữu nghị, đối ngoại nhân dân do Đảng giao phó. Con trai đ/c Dũng là đ/c Hồ Kiên, tuổi còn trẻ mà sớm nối được chí cha, làm lãnh đạo trong đài Truyền hình Trung ương. Nghe nói, nếu ĐH 11 vừa qua mà đ/c Việt hanh thông lên Tổng Bí thư thì cháu ruột Hồ Kiên chắc suất lên Phó ban của Đảng hoặc Phó văn phòng Trung ương để dọn đường khóa tới vào Ban chấp hành.
Ngày còn chức vụ, đ/c Việt khá sính cái món tâm linh. Sắp đại hội 11, có tay thày nổi tiếng Hà Thành, sau khi xem xong cho đ/c Việt bèn thất sắc đứng dậy cắp túi ra đi, bỏ lại đằng sau sấp tiền thù lao. Người nhà giữ lại gặng hỏi. Tay thày chỉ buông thõng một câu “lên Yên Ngựa, xuống Tàn non, tín chủ phải hết sức giữ gìn”. Nguyên làng Quỳnh Đôi quê đ/c Việt được coi là đất ”địa linh nhân kìệt”. Làng có một ngôi đình lớn trông về hướng Nam.Trước mặt là lèn Mục tức lèn Yên Ngựa (Mã Yên Sơn) sau lưng là lèn Tàn (Trụ Hải) trông như cái tàn che cho ngôi đình. Không ngờ, tại ĐH 11, đ/c Việt gặp nạn.
Đến hôm nay, đ/c Việt mệt nặng, có khả năng được Hồ Chủ tịch cho triệu đi gặp cụ Mác – Lê. Viết những dòng này mà thấy tiếc cho đ/c Hồ Đức Việt. Giá như đ/c Việt có được sự chín chắn của đ/c Dũng thì …
———–
Kỵ nội của đ/c Hồ Đức Việt, Hồ Anh Dũng là án sát Nam Định cụ Hồ Bá Ôn cùng đề đốc Lê Văn Điếm quyết tử, giữ thành chống Pháp. Cụ bị đạn giặc bắn sổ ruột còn dùng dây lưng buộc bụng lại đánh đến cùng.. Trong phong trào chống Pháp sau đó ít lâu nổi bật lên những gương mặt khí tiết của người Quỳnh Đôi như bà Lụa (Trần Thị Trâm), vợ ông Hồ Bá Trị, em ruột án sát Hồ Bá Ôn. Chồng bà hy sinh trong phong trào Cần Vương, bà ở vậy thờ chồng, nuôi con. Con bà chính là ông Hồ Học Lãm, một người yêu nước ở hải ngoại đã có công lao trong phong trào cách mạng. Bà Lụa đã bôn ba từ Việt Nam sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn… và làm liên lạc cho các chí sĩ cách mạng. Bà bị giặc bắt, dụ dỗ, tra tấn song không hé răng một lời. Chồng bà là bà con ruột thịt với cụ Hồ Bá Kiện, thân sinh ra cụ Hồ Tùng Mậu. Cụ Hồ Bá Kiện hoạt động trong phong trào Duy Tân, bị bắt ở Sơn Tây đày đi Lao Bảo, tổ chức cướp nhà tù bại lộ, bị giặc Pháp bao vây khi rút vào rừng, cuối cùng giặc đã giết hại cụ.
Họ Hồ tại Quỳnh Đôi còn có Hồ Sĩ Tư (ông nội của Hồ Viết Thắng - Ủy viên Trung ương bị kỷ luật sau Cải cách ruộng đất). Cụ Hồ Sĩ Tư có công cưu mang cha con phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành (lúc bần hàn ở quê). Cụ cử Hồ Sĩ Tạo (chính là cha đẻ của Nguyễn Sinh Sắc). Như vậy, Ủy viên Trung ương Hồ Viết Thắng và Hồ Chí Minh có quan hệ máu mủ rất gần với nhau. Người Quỳnh Đôi còn có nữ sĩ Hồ Xuân Hương, GS Văn Như Cương, GS Phan Cự Đệ …
Quỳnh Đôi còn là quê của Hoàng Văn Hoan, Hồ Quang Lợi.

No comments:

Post a Comment