Chỉ đọc mỗi một quyển Thời xa vắng của ông, còn lại những gì khác của ông thì không đọc. Bời vì được biết cái mẩu tin về thành tích diệt ruồi là 'áng văn' đầu tiên được in của ông, rồi câu chuyện về ông sau khi đi Mỹ về thì đến đâu đâu cũng nói chuyện nước Mỹ. Không khoái.
Về Thời xa vắng, tác phẩm được coi là đáng kể nhất của ông, có nhiều yếu tố tự truyện, nó có thể hấp dẫn vì kể lại câu chuyện đời bế tắc của một người sống theo 'mọi sự sắp đặt của tổ chức, đoàn thể' cho thấy đời sống một thời tại vùng quê, từ đó có thể nhìn rộng ra vào nhiều cuộc đời, vào nhiều vùng quê trên đất nước Việt Nam khốn khổ thời đó. Nhưng về văn chương thì Thời xa vắng, dù là tác phẩm đáng kể nhất, ít có cống hiến về văn chương với lối hành văn kể chuyện lôi thôi, dài dòng, liên tưởng đến khi đọc Cát bụi chân ai, hay Chiều chiều cũng dây cà dây muống của Tô Hoài, nhưng Tô Hoài đây đã ở tuổi 70-80 nên hành văn kiểu ấy cũng còn có thể hiểu được, và Cát bụi chân ai hay Chiều chiều còn có giá trị của tư liệu, phản ánh một phần nào sự thật của một số nhân vật văn học sự hiện đại Việt Nam.
Xem bức ảnh sau đây khi ông già 80 mặc quần đùi để chụp ảnh đưa lên báo, lên mạng cho công chúng thì cũng thấy được con người của Lê Lựu.
Trên trang Nguyễn Trọng Tạo có bài của Đỗ Quang Hạnh
NHÀ VĂN LÊ LỰU VÀ CHUYỆN BUỒN KHÓ TIN
Posted on 29.06.2013 by nguyentrongtao
NTT: Gần đây thấy bạn bè quan tâm đến chuyện nhà văn Lê Lựu với nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người giận nhau, tôi mới hỏi cặn kẽ. Hóa ra chỉ vì chuyện đất cát ở quê, nơi cô con gái đầu lòng và người vợ cũ của ông đang ở. Người ủng hộ ông kiện để lấy lại đất, người bảo kiện là dở hơi… Bỗng có bài viết của nhà báo Đỗ Quang Hạnh là người đã quen thân Lê Lựu 30 năm nay. Sau khi gặp ông và về quê gặp vợ cũ và con gái của ông, bài viết của ĐQH đã làm rõ một số điều mà nhiều bạn bè tôi đang quan tâm. Xin giới thiệu cùng bạn:
Chuyện buồn khó tin và lời cầu chúc nhà văn Lê Lựu
ĐỖ QUANG HẠNH
Không phải chỉ gần đây, mà chuyện buồn đến với nhà văn Lê Lựu cũng đã dăm năm rồi, sau khi chia tay người vợ thứ hai, ông đã “từ con” khi vợ con quyết định “giải tán” ngôi nhà tại Lý Nam Đế (Hà Nội). Đường ai nấy đi và Lê Lựu có phần 2 tỉ sau khi bán nhà. Mấy năm nay bị ốm đau bệnh tật, ông chủ yếu sống tại Trung tâm Văn hóa Doanh nhân – đường Tam Trinh, Hà Nội – nơi ông là Giám đốc. Và cũng theo một tờ báo giấy và dăm tờ báo mạng cùng trang mạng cá nhân, nay nhà văn Lê Lựu đang quyết đòi lại sổ đỏ “mảnh đất hương hỏa” tại quê nhà…
Những chuyện có thể nói là rất buồn ấy nhiều người gần gũi với nhà văn Lê Lựu đã biết rõ từ khá lâu rồi. Cũng đã hơn hai năm, tôi mới có dịp đến thăm ông. Còn nhớ dạo sau Tết Tân Mão 2011, vợ chồng nhà báo Hữu Tính (nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại TP.HCM) là người bạn học cùng quê, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đưa tôi đến mảnh đất “hương hỏa” của Lê Lựu. Khi ấy ông còn khá khỏe, chỉ có đôi chân rất yếu. Trí nhớ còn tốt và tương đối linh hoạt, khi nói thình thoảng có nước mắt nhưng vẫn hay cười… Thế nhưng buổi trưa ngày ngày 20.6 này, dường như mọi việc đã khác hơn nhiều. Khi nhà báo Hữu Tính, nhà văn Trung Trung Đỉnh (vốn là đàn em thân quý của Lê Lựu từ hồi còn ở tạp chí Văn nghệ Quân Đội) và tôi – cũng đã quen biết nhà văn Lê Lựu khoảng 30 năm – đến thăm và có ý định rủ ông về quê chơi.
Ông vừa ăn xong, da dẻ vẫn khá, có thể tự đi lại với chiếc gậy nhưng vẻ như thần sắc không được tốt lắm. Ông nói khó khăn hơn dù vẫn rành rẽ, nhưng không khóc và cũng thiếu vắng nụ cười. Lê Lựu vẫn ở trong một căn phòng tầng trệt, có gióng tập đi, có máy tập – sau này được biết là của con gái, chị Lê Thị Lương mua tặng bố, vẫn có cán bộ, nhân viên của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân chăm sóc… Chúng tôi đã nói với ông về những mong mỏi không chỉ của mình mà có lẽ là của nhiều người thân thiết, gần gũi ông rằng, tuổi ông đã cao, sức đã yếu nên điều cần nhất giờ đây là sức khỏe, là ổn định, sống bình tâm, thanh thản để hy vọng ông còn có thể cầm bút viết tiếp. Nhưng Lê Lựu không mặn mà lắm với những lời như thế. Ông vẫn đau đáu và trầm uất vì việc muốn “đòi lại” sổ đỏ. Ông không về quê và nói: “Mẹ con nó (bà Hoàng Thị Mỹ – vợ đầu đã ly dị và con gái – chị Lê Thị Lương) muốn thì đến đây”. Khi chúng tôi hỏi ông cần gì bởi Hữu Tính đang mời chúng tôi về quê. Ông viết vào giấy nhờ nhà báo Hữu Tính một việc. Ông vẫn nói về sổ đỏ và rằng theo lời khuyên của bác sĩ, ông phải ăn nhiều rau quả nên ông muốn có “quyền trồng cây cối hoa mầu (trên) mảnh đất ấy” và bà Mỹ “phải viết giấy cam đoan là không phá hoại hoặc ngăn cấm”.
Chúng tôi về Khoái Châu với lòng nặng trĩu vì chuyện buồn thật khó tin này. Sự thật về mảnh đất ấy chẳng có gì là khó hiểu. Là bạn đồng hương, nhà báo Hữu Tính rõ hơn chúng tôi. Nhưng việc bạn nhờ, ông vẫn làm. Sau khi đưa tờ giấy Lê Lựu viết, chị Lê Thị Lương đã đưa mẹ ký vào tờ giấy cam kết: “Thực tế tôi chưa bao giờ ngăn cản ông và đến nay tôi vẫn cam kết và mong muốn ông Lê Lựu về cùng con cháu cúng giỗ tổ tiên, trồng rau ở vườn không bao giờ tôi ngăn cản”. Chị Lương nói rằng, gia đình luôn tha thiết mời bố về quê nhà tĩnh dưỡng nhưng ông không chịu và đã đưa ông nhiều lần chìa khóa nhà cửa ở quê nhưng do ông làm mất hoặc để quên đâu đó, chứ không ai ngăn cản ông về thăm quê, về quê nghỉ ngơi. Chị đưa cho chúng tôi xem “Biên bản họp gia đình bàn về quyền sử dụng đất thổ cư” ngày 18.4.2012 của gia đình ông Lê Lựu tổ chức tại thôn Mân Hòa, xã Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên bao gồm “ông Lê Lựu, bà Mỹ, chị Lê Thị Lương” cùng một số họ hàng, cháu trai của ông Lê Lựu.
Nội dung đã thống nhất hai điều: 1. Ông Lê Lựu có quyền sử dụng mảnh đất và tài sản trên mảnh đất này đến khi từ trần. 2. Sau khi ông Lê Lựu và bà Hoàng Thị Mỹ mất đi, mảnh đất này sẽ được giao cho con gái: Lê Thị Lương toàn quyền sử dụng với mục đích thờ cúng tổ tiên, cha mẹ, chị Lương không được chuyển nhượng cho ai và anh Lê Văn Soát (cháu trưởng) là người đứng ra tổ chức cúng giỗ tổ tiên gia đình hàng năm. Biên bản được xác nhận của chính quyền từ thôn, xã đến tận UBND huyện, là một việc hiếm có, bởi nhà văn Lê Lựu là danh nhân quê hương của cả Hưng Yên, luôn được quý trọng, nể vì.
Ấy thế nhưng mọi việc không theo những chuẩn mực và những nguyên tắc đã được toàn bộ những người trong cuộc thống nhất, thừa nhận. Chúng tôi không hiểu sao lại có những bài đăng trên báo viết, trên báo mạng cùng những trang mạng cá nhân đã nói sai sự thật để đến mức chính các cháu ruột của nhà văn Lê Lựu cũng nhất mực phản đối. Ngày 15.6.2013 trai họ gồm Lê Văn Soát (cháu trưởng) cùng các anh Lê Động, Lê Văn Tảo, Lê Văn Trại viết đơn phản ứng quyết liệt vì những nội dung không đúng của một bài báo đã “gây tổn hại đến uy tín và danh dự gia đình và gây ra sự bức xúc cho con cháu anh em, mất ổn định trong gia đình”.
Một số nhà báo, nhà văn từng viết để “binh vực”, “thương cảm” Lê Lựu cũng là bè bạn của chúng tôi và có thể họ chưa có điều kiện biết được tất cả sự thật, cái lý và cả cái tình trong những chuyện buồn của một nhà văn đáng quý của chúng ta. Vì thế, những người viết về ông cũng nên thông cảm. Chỉ có điều, chúng tôi nghĩ, điều quan trọng chính là ở nhà văn Lê Lựu. Chuyện lý chuyện tình sẽ ra sao khi ông cứ đòi chuyển tên sổ đỏ của người vợ đầu (đã ly dị) trong khi bà ấy chỉ có một đứa con với ông, không hề đi bước nữa, bao năm qua vẫn ở ngôi nhà ấy tại quê hương ông, chăm sóc bố mẹ ông cho đến khi họ mất – sang tên mình? Ngay cả việc có sổ đỏ tên ông – dù rằng vô cùng là khó, bởi rất phi lý – thì ông được hay mất, cái gì nhiều hơn, hay là chỉ cay đắng, đau đớn không chỉ với ông mà còn là của những người thân trong gia đình, dòng tộc?
Lê Lựu không phải là một người thiếu thốn về vật chất. Điều đó là rõ ràng. Nhưng nay ông thấy còn thiếu gì, cần những gì thì có lẽ chỉ mình ông mới hiểu được. Mong sao nhà văn Lê Lựu tỉnh táo, tường minh, vững vàng và có nghị lực mạnh mẽ. Nhưng hình như, người đời thường nói, nhà văn, nghệ sĩ là kiếp người bị “trời đầy”, hay phải cô đơn, gian nan vất vả, nên Lê Lựu cũng như thế chăng? Mong sao mọi việc tốt đẹp hơn sẽ đến với ông trong những năm tháng nhiều thử thách này. Chúng tôi viết bài này với niềm mong mỏi cùng lời cầu chúc nhà văn Lê Lựu như thế.
No comments:
Post a Comment