Friday 28 December 2012

XÃ HỘI DÂN SỰ (2) HIẾN PHÁP

Từ tháng 9.2012 đã có bài 1 về XÃ HỘI DÂN SỰ, dự định sẽ viết tiếp bài 2, về HIẾN PHÁP, vì Hiến pháp là đạo luật gốc, là đạo luật cơ bản nhất của một quốc gia, muốn bàn về Xã hội dân sự hay luật pháp thì cần bắt đầu từ Hiến pháp. Thế mà bài 1 đã viết xong từ tháng 9.2012, bài về HIẾN PHÁP chỉ "đặt được mỗi cục gạch" từ trước cả khi Quốc hội họp để bàn về sửa đổi Hiến pháp, nhưng đến nay sau vừa 3 tháng, nhân đang có hứng sau khi viết xong bài 1bài 2 về bàn chuyện pháp luật xung quanh chuyện ông Giáông Hải, nên quyết định quay trở lại viết tiếp bài về Hiến pháp.

Hiến pháp, theo cách hiểu thông thường, và là cách hiểu đúng chứ chẳng sai một tẹo nào, là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nhất của một quốc gia, theo nghĩa là mọi luật hoặc bộ luật khác đều phải dựa trên nền tảng của Hiến pháp và không được phép trái hoặc đi ngược với tinh thần của Hiến pháp. Hiến pháp, vì thế, giống như những bản tuyên ngôn, được ghép lại thành một bản tuyên ngôn chung. Hiến pháp, vì thế, chỉ nên viết ngắn gọn chứ không dài dòng, để dành sự giải thích, diễn giải dài dòng cho các văn bản thấp hơn. Ngoài ra, Hiến pháp cũng cần phải ổn định, chẳng thể cứ thích là lại sửa Hiến pháp, vì như thế giá trị của bản Hiến pháp sẽ không còn.


Nước Việt Nam hiện đại, tức nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày thành lập qua Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đến nay, đã có 4 bản Hiến pháp, đó là các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992, và ngày nay đang có kế hoạch sửa đổi bản Hiến pháp 1992 để có thể cho ra đời một bản Hiến pháp 2013 hay 2014 gì đó. Trong đó, có lẽ bản Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp "đẹp" nhất, và các bản Hiến pháp về sau này càng sửa càng tệ, càng xa rời những đặc tính ngắn gọn mang tính tuyên ngôn của một bản Hiến pháp và do dài dòng, đề cập quá sâu đến những chi tiết không cần thiết trong nội dung Hiến pháp nên không đạt được tính ổn định vì sự mau chóng lạc hậu của nó đòi hỏi một thời gian lại phải sửa đổi.

Thật không khôn ngoan khi Lời nói đầu của Hiến pháp 1980 đề cập đến bành trướng Trung Quốc vừa khiến kẻ thù thêm khó chịu lại cũng là một cản trở khi muốn thay đổi quan hệ, nên đến năm bản Hiến pháp 1992 đã không còn giữ lại nội dung này nữa. Hay trong Hiến pháp 1992, Điều 64 mở đầu bằng câu "Gia đình là tế bào của xã hội" - thật thừa thãi và không cần thiết, một nội dung chẳng đảm bảo một giá trị gì trong bản Hiến pháp. Ngay trước đó là Điều 63, sau đoạn mở đầu "Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt...", thiết tưởng như thế là đủ, đoạn sau đó "Lao động nữ và nam việc làm ngang nhau v.v." thì không cần nêu trong bản Hiến pháp mà chỉ cần đề cập trong một luật hoặc bộ luật về bình đẳng giới. Đoạn cuối cùng "Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao điều kiện v.v." cũng là một sự rườm rà không cần thiết trong một bản Hiến pháp, đó là một câu khẩu hiệu chứ không phải là một văn bản pháp luật.

Hãy xem một vài ví dụ trong bản Hiến pháp 1946:

Điều 9: Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện

Thật ngắn gọn và đầy đủ, vì chữ mọi đó đã bao hàm tất cả mà không cần phải liệt kê nào là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội v.v.

Điều 10
Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng 
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.

Thật ngắn gọn và xúc tích, đầy tính tuyên ngôn phải thực hiện nhưng không phải chỉ mang tính khẩu hiệu như. Việc còn lại hãy để các luật và bộ luật quy đinh để các quyền đó được thực hiện như thế nào trong các điều kiện nào.

Còn tiếp.




No comments:

Post a Comment