Saturday, 29 December 2012

Người hiền của văn chương Nam Bộ

Thấy trên mạng bài này của Nguyên Ngọc, về Trang Thế Hy và Nguyễn Ngọc Tư, cả hai nhà văn mà mình yêu thích, nên copy bài lại đây khi cần đọc lại.


CHUYỆN VỀ NGƯỜI HIỀN CỦA VĂN CHƯƠNG NAM BỘ


Nhà văn Trang Thế Hy

Trang Thế Hy có một tập thơ, hình như rất ít người biết, mà rất hay, cả tập mỏng dính, vỏn vẹn chín bài, bài nào cũng hay, cộng chín bài dịch của Tagore nữa, cũng mỏng tang và dịch cũng thật tài.
Có một bài thơ ở đấy cậu bé nghèo là anh, nhặt được một cái vú cau từ trong khay trầu của bà nội xưa, đem đặt nó giữa trang giấy hôm nay.
Không phải hình ảnh hay kỷ niệm về một cái vú cau, ý nghĩa hay “nội dung” gợi lên từ một cái vú cau, mà là một cái vú cau thật, nhỏ xíu, tai tái xanh. Không phải một cái núm cau giống như cái vú nghèo trên bộ ngực lép kẹp của cô giáo làng ốm nhom thương học trò như con ôm trò vào lòng dạy đánh vần “mờ-e-me-nặng-mẹ”.
CHUYỆN VỀ NGƯỜI HIỀN CỦA VĂN CHƯƠNG NAM BỘ
Tháng 10 này, nhà văn Trang Thế Hy được 88 tuổi. Chỉ với khoảng mười tập truyện ngắn cùng tập thơ Đắng và ngọt (2009), một số giải thưởng (giải văn học Nguyễn Đình Chiểu 1960 – 1965, tặng thưởng của hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 cho tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát, giải A của uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2002), ông được xem là một trong những nhà văn lớn nhất của Nam bộ thế kỷ 20. Loạt bài này là món quà sinh nhật gửi về xã Hữu Định, Châu Thành, Bến Tre, nơi ông chọn sống ẩn dật bao năm qua với lý do “đừng để cho những người yêu mến mình phải đọc những câu lếu láo của mình...”
BÀI 1: ĐÔI  BẠN
Hình như có điều này: những nghệ sĩ tài năng thường trẻ rất lâu. Trang Thế Hy là bằng chứng. Vài mươi năm trước, như một triết nhân, anh bảo mình cũ rồi, “đi chỗ khác chơi” thôi. Nhưng cái hay rất ngoan cố, nó cứ mới mãi, bất chấp lời từ giã khiêm nhường pha chút hờn dỗi – tự hờn dỗi – của anh. Anh vẫn có mặt, dù chưa bao giờ ồn ào, lại ở xa, tít tỉnh đảo Bến Tre vốn trái đường.
Còn những người viết trẻ tài năng thì sớm già dặn, bằng tiếng nói từng trải của họ về cuộc đời, như họ từng có mặt ở đó từ bao giờ. Nguyễn Ngọc Tư đấy.

Nên người nhiều tuổi, người ít tuổi, họ là bạn. Có một đôi bạn như thế dưới miền Tây, Trang Thế Hy – Nguyễn Ngọc Tư, cách nhau đến hơn nửa thế kỷ tuổi. Mà tri âm...
Tôi có biết ít nhất hai chuyện về đôi bạn này.
Chuyện thứ nhất
Hồi Cánh đồng bất tận bị đánh, anh Trang Thế Hy rất buồn. Không phải chỉ vì Cánh đồng bị đánh. Cả chuyện nó được bênh cũng buồn, còn buồn hơn. Đánh bênh, chê khen, đều trật. Cái truyện thống thiết quằn quại hạnh phúc và đau khổ, tình yêu và thù hận, nhân ái và bạo tàn đều cùng cực ấy của con người – lạ và ghê gớm thay, lại của cùng mỗi một con người – của một thuở hôm nay và của muôn đời bất tận, bị cả hai phe ráo riết coi là chuyện chống tiêu cực thời thượng. Phe hung hăng chửi nó bôi đen xã hội, phe nức nở khen nó dũng cảm tố cáo cũng chính cái xã hội đó. Sầu nhất trên đời là một tuyệt tác bị đọc một cách sát đất, tầm thường.
Buồn, anh Trang Thế Hy ngồi lặng một mình trong vườn dừa vắng của anh, người tinh lắm cũng chỉ thấy anh uống rượu nhiều hơn mọi ngày một ít. Những ngày ấy, Tư không lên với anh. Anh nhớ, nhưng vì chính điều đó mà trong thâm tâm anh mừng: cô bé ấy rất bản lĩnh. Vui không háo hức khoe, khó, cả hiểm nguy, không hoảng hốt tìm chỗ dựa. Bản lĩnh và tư cách. Mạnh mẽ và im lặng. Chịu một mình. Hiền dịu và bướng bỉnh. Đầy tự tin. Hiểu cái nghiệp mình đã dấn thân là thế. Chính việc cô không đến lại như một lời nhắn thân tình: không sao đâu bạn già ạ, con chịu được mà...
Vậy mà, cũng dạo ấy, có một lần anh khóc. Ấy là khi một người cầm bút ở dưới đó, người ấy anh biết, khá rõ là khác, không chỉ biết mà còn tin, và quý, vì anh nhận ra một dấu hiệu tài năng mà anh chờ đợi. Với anh, xưa nay vẫn vậy, anh tin ít ra trong nghệ thuật, cái tài đi đôi với cái tâm. Trong cuộc đời, từ rất lâu, từ mãi mãi, Trang Thế Hy vẫn tin, chờ đợi cái tài và cái đẹp... Thế mà cậu ấy, có tài và vì thế đáng tin, được chờ đợi, bỗng quay ra hùa đánh Cánh đồng.
Và người trong nghề đánh thì rất hiểm. Thà anh chàng trưởng phó tuyên giáo gì đó – có cái tên rất ngộ mà xin lỗi tôi quên mất rồi, chỉ nhớ là nó rất ngộ – anh chàng ấy đánh thì anh chẳng chấp, nói cho cùng họ có hiểu gì đâu, cả văn học và cuộc đời, ai lại đi chấp kẻ không hiểu, Tư cũng dê kêu, anh biết, dửng dưng dê kêu. Đằng này người kia thì chắc chắn hiểu, hoàn toàn đủ khả năng hiểu Cánh đồng. Mà vẫn đánh. Tức không còn chuyện văn chương. Là chuyện con người. Sự sa đoạ của con người làm Trang Thế Hy khóc. Thà nó không có tài, anh nói. Nước mắt không thành dòng, chỉ mấy giọt, đặc sánh và mặn chát, lăn rất chậm trên đôi gò má đột ngột nhọn hoắt, già sọm của anh...
BÀI 2: NGÀN CÂN MỖI CHỮ
Tư thỉnh thoảng lên thăm anh Trang Thế Hy, không nhiều và thường không báo trước. Mà không lần nào anh bất ngờ. Cứ như đã chờ từ bao giờ. Cứ như khi cô chưa đến thì cũng đã có cô ở đấy rồi. Tri âm. Người ta bảo tri âm là chỉ khẽ nghiêng tai, đã nhận ra được bước chân của nhau dù chưa thấy mặt. Thật tri âm nữa, là ngay khi người ấy chưa đến, chưa đi nữa kia, còn tận đất Mũi tít mù, như ăngten vậy, đã nghe âm âm bước chân. Tư lên, thường sáng lên chiều xuống, hoặc đi tiếp về thành phố, như tiện mà ghé lại, tuy kỳ thiệt chủ ý là chỉ đến đây thôi, cả hai đều biết mà không nói, như trong một truyện ngắn nhẹ nhàng của anh hay coi như vô tư của Tư. Cũng có khi cô ở lại một hai ngày.

Chuyện thứ hai
Tôi có hứa với anh Trang Thế Hy mỗi năm xuống thăm anh một lần, kể từ hồi anh về dưới ấy chưa năm nào lỗi hẹn, có năm còn dôi thêm vài chuyến. Mà chưa lần nào gặp Tư ở đấy. Chưa lần nào được chứng kiến đôi bạn ấy trò chuyện. Tò mò chẳng hay gì, nhưng quả thật rất muốn biết hai con người đều là “đặc sản” miền Tây, đặc sản độc của Nam bộ ấy (chữ của Trần Hữu Dũng), họ xa nhau đến thế về thế hệ mà gần nhau đến thế về con người, họ giống nhau và cũng khác nhau đến lạ về tài năng, từ hai hướng chừng đối nghịch mà đi đến tinh hoa của văn chương đồng bằng Cửu Long, cũng là của văn chương cả nước; và điều này có thể còn quan trọng hơn: là người tài, cũng như tất cả những người tài, bằng cách này cách khác họ luôn đối mặt với những thách thức tinh vi của nghề văn, theo một cách nào đó là luôn ở hàng đầu, không phải vì một thứ tiền phong chủ nghĩa gì mà thực ra họ chẳng thèm quan tâm, mà vì đấy là bản chất công việc của họ, là sinh tử đối với sự tồn tại của họ như một công dân của thế giới văn chương, họ căm cụi và dũng cảm giải quyết hằng ngày và cả đời.
Hai người tài ấy, họ nói với nhau về những thách thức ấy như thế nào. Rất muốn được tò mò nghe, biết. Về chuyện chữ nghĩa của họ. Bởi họ kỹ lắm trong chuyện chữ nghĩa, lao động suốt đời, nhọc nhằn, thú vị, nhấm nháp, hạnh phúc, đau khổ của họ nói cho đúng cũng chỉ là chuyện chữ nghĩa, vật lộn với nó, trằn trọc với nó, khám phá ra nó, bắt được nó, trì giữ nó, vắt kiệt nó, hay cắn răng dứt bỏ nó.
Tôi có một ý này, không biết có chính xác không, xin cứ thử nói liều: hình như cả Nguyễn Ngọc Tư và Trang Thế Hy, nói theo cách nào đó, về căn bản là những nhà thơ. Bởi thái độ của họ, cách hành xử của họ đối với chữ nghĩa, chính xác hơn là đối với các từ. Jean Paul Sartre có nói rằng sự khác nhau giữa nhà văn với nhà thơ là ở chỗ này. Trong khi đối với nhà văn từ là công cụ, họ sử dụng chúng, chúng là phương tiện biểu nghĩa, chúng mang nghĩa, cái nghĩa mà nhà văn muốn nói ra với người đọc, chúng mang cái nghĩa được gửi vào trong chúng như gửi vào trong những cái vỏ vậy, lột cái nghĩa đó ra, để lại trên trang giấy, rồi đi, trống rỗng, chỉ còn là cái vỏ, trong suốt; vâng, trong khi nhà văn “dùng” các từ như vậy, thì nhà thơ không hề sử dụng các từ. Đối với họ từ không là những cái vỏ mang nghĩa, mà là những sự vật, như mọi sự vật của thế gian này. Những sự vật sống. Họ gặp chúng, sờ vào chúng, chạm vào cái sần sùi hay trơn láng, nóng hay lạnh, mềm hay cứng... của chúng. Họ mang chúng đến và để nguyên chúng đấy, những sự vật-từ, trên trang giấy cho ta, người đọc, chạm vào, mà biết về cuộc đời, như biết về thế giới sống, như sống giữa thế giới ấy.
Tập thơ mỏng mà nặng
Trang Thế Hy có một tập thơ, hình như rất ít người biết, mà rất hay, cả tập mỏng dính, vỏn vẹn chín bài, bài nào cũng hay, cộng chín bài dịch của Tagore nữa, cũng mỏng tang và dịch cũng thật tài. Có một bài thơ ở đấy cậu bé nghèo là anh, nhặt được một cái vú cau từ trong khay trầu của bà nội xưa, đem đặt nó giữa trang giấy hôm nay. Không phải hình ảnh hay kỷ niệm về một cái vú cau, ý nghĩa hay “nội dung” gợi lên từ một cái vú cau, mà là một cái vú cau thật, nhỏ xíu, tai tái xanh. Không phải một cái núm cau giống như cái vú nghèo trên bộ ngực lép kẹp của cô giáo làng ốm nhom thương học trò như con ôm trò vào lòng dạy đánh vần “mờ-e-me-nặng-mẹ”.
Cũng không phải một cái vú nghèo nhỏ như một cái núm cau trong khay trầu bà nội. Không như mà là. Mà đích xác là cái vú cau, một quả cau có cái vú nhỏ xíu được bà nội dùng con dao cau sắc lẹm cắt ra, bỏ đó trong khay trầu của bà và đứa bé nghèo nhặt làm đồ chơi nghèo của tuổi thơ nghèo. Một từ-sự-vật-vú, một vú-cau-sự-vật-từ, một sự-vật-từ-vú-cau Trang Thế Hy, cậu bé Trang Thế Hy, nhà thơ Trang Thế Hy đặt ra đó, giữa cuộc đời này, đem đến cho thế giới của chúng ta, mỗi người, một cái vú cau từ nay sẽ còn nguyên đấy mãi cùng ta, để ta sống cùng nó... Vậy đó, nhà thơ không mang đến cho chúng ta những ý nghĩa được chuyển tải bằng các từ, mà các từ sau đó trút hết nghĩa ra, trở thành trống rỗng bỏ đi. Nhà thơ chế ra những từ-sự-vật, đem đến và để lại đấy nguyên vẹn, nguyên vẹn chất sự vật giữa thế giới sự vật sống của chúng ta.
Có phải về phương diện này Nguyễn Ngọc Tư, bằng thế giới từ-sự-vật, sự-vật-từ cô khai phá được tận vùng đất phương Nam kỳ lạ mấy năm nay và đem đến, làm giàu cho thế giới sống của người Việt mình, là một nhà văn rất thơ, và rất gần với Trang Thế Hy.
Vậy mà lại còn có điều này nữa: cô gái nhà văn đáo để ấy, sau khi làm chấn động thế giới văn chương chúng ta bằng cả một hệ thống từ-sự-vật “đặc sản” miền Tây, bỗng tuyên bố rằng đừng cột chặt tôi mãi vào cái mớ từ tòn teng được mọi người tấm tắc ấy vì cái chất lạ của nó. Cái tôi muốn đem đến không phải là cái lạ, để mê hoặc người, mà là cái quen vô cùng kỳ lạ vẫn giấu kín trong mỗi chúng ta, mà ta chẳng bao giờ ngờ... Cô gái ấy không sợ những cuộc phiêu lưu mới, mà hình như cô đang im lặng lầm lũi lao vào. Bạn cô, anh Trang Thế Hy, đang nghĩ gì?
Tư thường lên với anh Trang Thế Hy rất bất ngờ, không mấy khi báo trước. Ghé qua rồi đi. Cũng có hôm ở lại. Anh Trang Thế Hy có kể với tôi rằng, mấy lần ở lại, thường cũng ít trò chuyện khuya, mặc dù cô biết người nhiều tuổi như anh rất ít ngủ. Và lần nào cũng vậy, cô ra đi không hề báo. Bốn hay năm giờ sáng se sẽ trở dậy, gỡ rất khẽ cánh cửa thật ra vẫn để mở suốt đêm, rón rén ra đi. Sáng anh dậy, thì Tư đã đi từ bao giờ. Nhà lại vắng tanh. Như Tư chưa hề đến.
Thật ra anh biết chứ, anh có ngủ đâu
Tư cũng biết rằng anh biết.
Mà không hề nói.
Cả hai
BÀI CUỐI: TÌM NGỌC GIỮA BIỂN ĐỜI 
 Tôi có một anh bạn làm lý luận văn học, anh ấy bảo: Văn học, nói theo cách nào đó, là một cái thú chơi, các cụ ta xưa chẳng từng coi văn chương là thú chơi thanh nhã là gì! Người ta chơi văn chương, chơi cái đẹp, cho nên soi mói tìm cho ra cái đẹp trong từng ngóc ngách cuộc đời, và chăm chút, mân mê từng từ, tức là cái thứ chỉ có nó mới lột được hết cái đẹp ấy ra cho mình, cho đời. Văn học nhân văn chính là vì vậy và như vậy đấy…
Có lẽ đọc thật kỹ Trang Thế Hy, sẽ thấy anh gần Nguyễn Tuân chính ở chỗ này. Anh cũng là người chơi cái trò chơi thanh nhã ấy (nghĩa là tiếp tục cái truyền thống của các bậc tao nhân mặc khách xưa, cho nên, nhìn kỹ mà xem, ở Trang Thế Hy vừa có cái gì đó rất hiện thực, hiện đại, vừa có cái gì đó rất xưa, thậm chí có phần cổ kính nữa). Anh cũng là con người suốt đời chăm chú lần mò đi tìm cái đẹp, trong chốn ngổn ngang nhân sinh. Anh không ồn ào tuyên bố, nhưng suốt đời anh sống vì cái đẹp. Tất nhiên hoàn cảnh của anh khác rất nhiều. Anh là một người viết văn, và là một người viết văn hoạt động bí mật – trong nhiều sáng tác của mình, anh không hề giấu giếm tư cách đó – “nằm vùng” trong thành phố địch chiếm, dựa vào những người tốt trong tầng lớp hạ lưu của xã hội, ở những xóm lao động nghèo, nơi cái nghèo lôi con người ta vào những hoàn cảnh, cả những nghề nghiệp bị khinh bỉ đến tận cùng.
Chính trong cái đám bùn nhơ nhầy nhụa tưởng chừng đến tuyệt vọng ấy, anh lần tìm ra cái đẹp, và cái đặc sắc, độc đáo của Trang Thế Hy là cái đẹp anh chắt chiu tìm ra được và vô cùng trân trọng nhặt lên từ bùn nhơ, bỗng sáng lên long lanh, như ngọc, như kim cương. Trang Thế Hy là người đi tìm ngọc, tìm kim cương, không phải giữa chốn phồn hoa đô hội, cũng không phải trong tỷ mẩn trà dư tửu hậu, mà giữa cuộc đời nhọc nhằn, trần tục, ở nơi tận đáy cùng của xã hội (...) Hình như hình ảnh những cô gái đẹp nhất trong văn của Trang Thế Hy là hình ảnh những cô gái làm nghề ăn sương, lặn lội trong nhầy nhụa bùn nhơ của xã hội.
Anh trân trọng nhặt họ lên từ đấy, trân trọng và nhẹ nhàng lau bùn cho họ, và nói với ta rằng: Thấy không, trong những con người này cũng có ngọc đấy, long lanh! Hoặc là những con người đang bị đẩy đến đứng mấp mé trên bờ vực của cái vũng bùn ghê sợ đó, chỉ một chút thiếu gượng lại nữa thôi là rơi tõm ngay xuống, và họ đã quyết cưỡng lại số phận kinh hoàng đó bằng cái chết vô cùng dữ dội, cô gái Hứa Lệ Mai trong truyện Nguồn cảm mới của anh, mà cái chết đã khiến bác Tư xích lô áng chừng là “Con “xẩm” con ngang bướng nó gan dạ mà liều lĩnh lắm… nó mượn ngọn lửa để kết liễu cuộc đời bệnh hoạn của cha nó rồi nó tự thiêu luôn”. “Áng chừng” ư? Nhưng nghĩ kỹ lại mà xem, còn có lối thoát nào khác nữa cho cô Hứa Lệ Mai trinh trắng như một nụ hoa mong manh mà mãnh liệt ấy nữa đâu! Cô “xẩm” ấy, dưới ngòi bút của Trang Thế Hy, hiện lên sáng toả như một liệt nữ. Trang Thế Hy viết về những liệt nữ ở chốn bùn đen…
Có lẽ đến đây thì đã có thể nhận rõ ra điều này rồi: Trang Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên, hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất của nghèo khốn. Và tôi muốn nói điều này: thấy được và ngợi ca những vẻ đẹp hùng tráng, tất nhiên cũng cần lắm, nhưng dễ hơn nhiều.
Tìm ra được cái đẹp nhỏ nhoi, không tên kia mới khó, cần rất nhạy, rất tinh, và có lẽ còn quan trọng hơn nữa, cần một tấm lòng nhân ái sâu xa lắm, một chất nhân văn không ồn ào, cường điệu, mà đậm đà lắm.
(...) Trang Thế Hy, do vậy không chỉ để lại cho chúng ta một sự nghiệp sáng tác rất quý, anh còn để lại một bài học lớn. Tôi muốn được gọi anh là một “người hiền” của văn chương Nam bộ.
NGUYÊN NGỌC 

No comments:

Post a Comment