Wednesday, 26 December 2012

Ông Giá và những chuyện khác, bao gồm cả từ chức hay là chuyện ăn cơm Chúa (1)

Thế là sau một hồi dền dứ đăng bài rồi rút bài trên mạng, còn bản thân đương sự (tức ông Giá) thì cứ bai bải cãi là mình vẫn vô sự, khiến nhiều tờ báo và trang mạng chính thống cũng phải dè chừng khi động đến một cựu Ủy viên trung ương đảng, một cựu bộ trưởng, nhưng đến một ngày cuối tháng 9 khi cơ quan điều tra chính thức tống đạt khởi tố vụ án cùng khởi tố bị can thì các báo và các trang mạng lại nhất loạt đăng tin. Như vậy, cái sự ấy là có thật, và các phóng viên với sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt tin tức đã biết cả rồi, nhưng chảng qua vì sự việc chưa chính thức, nên các báo và trang mạng không muốn chạy trước vì sợ "dính chưởng" thôi. Còn ông Giá, một khi chưa nhận quyết định khởi tố bị can thì vẫn cứ phải mạnh mồm mà nói là mình vẫn không sao, mà đúng là ông chỉ bị khởi tố thôi, chứ chắc người ta nể mặt ông là cựu Ủy viên trung ương, và cựu bộ trưởng, tuổi đã khá cao, lại nghe nói hình như đang có bệnh, nên "họ" không dùng "biện pháp ngăn chặn" là bắt tạm giam như những trường hợp khác, nhưng đến khi tống đạt quyết định xong thì chẳng còn nghe ông "thanh minh thanh nga" gì nữa.

Về ông, tôi không được giao tiếp ân cần gần gụi như hai bạn Mạnh Quân hay Hiệu Minh, hơn nữa qua thông tin chính thống của báo chí nước nhà thì không thể biết được ai làm gì, nói gì, công lao hay tội lỗi đến đâu, nên không dám bàn nhiều về con người hay đóng góp của ông. Ấn tượng về ông mà tôi có là trong một lần chất vấn trước quốc hội trước tình trạng tại sao để cho khắp nơi làm sân gôn (golf), tôi nhớ ông đã nói, đại ý "một héc-ta sân gôn lời gấp nhiều lần một héc-ta làm lúa".

Về lý thuyết, điều đó đúng. Thu nhập từ sân gôn sẽ cao hơn nhiều lần so với thu hoạch trên cùng một diện tích đất nếu dành để canh tác lúa hay các loại lương thực hay hoa màu khác. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tại sao phải có nhiều sân gôn như thế, tỉnh nào cũng có sân gôn, thậm chí nhiều tỉnh còn có kế hoạch phát triển không chỉ một mà còn vài ba cái sân gôn "đẳng cấp quốc tế" 18 lỗ, 36 lỗ hoặc hơn thế nữa. Ở đây, một bài toán kinh tế khác được đặt ra, vẫn thuộc quy luật cung-cầu, đó là nhiều "cung" như thế trong khi "cầu" thì có bao nhiêu, làm ăn ở ta, cho dù tiến lên "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" vẫn không thoát khỏi tình trạng "phong trào", hết xi măng lò đứng, đến mía đường, cảng biển, rồi sân gôn và tiến tới sân bay - đó là trên bình diện "vĩ mô", cấp quốc gia, nhưng không khác mấy với các "phong trào" "làm kinh tế" của người dân, từ nuôi gà công nghiệp, chim cút, chuyển qua nuôi vẹt, nuôi chó (giả) Nhật đến cá trê phi, rồi phá rừng trồng cà phê, phá cà phê trồng tiêu, v.v. cho chí nuôi đỉa như thời gian gần đây. Tương tự, sự lệch pha cung-cầu đó ngày nay thể hiện ở những khu đô thị không có người ở, những mảnh đất hoang do các dự án phát triển đô thị chỉ nằm trên giấy tờ và các bản vẽ quy hoạch, các khu biệt thự bỏ hoang, hay hàng chục ngàn căn hộ hoàn thiện nằm chờ người mua hay chưa hoàn thiện vì cả chủ đầu tư và người mua đều không có tiền.

Về sân gôn, bao nhiêu người có đủ tiền để vào "lấp đầy" sân gôn khiến cho chúng thực sự mang lại hiệu quả kinh tế? Không bao giờ có, bởi vì các nhà ngoại giao tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, kể cả thuộc những nước có tiềm lực kinh tế như G7, G8 cũng kêu chi phí để chơi gôn tại xứ này quá đắt, họ thà bay sang Bangkok - tức là mất thêm chi phí vé máy bay và khách sạn cũng như các chi phí kèm theo khác, nhưng vẫn còn rẻ hơn đóng thẻ hội viên hoặc tham gia chơi tại các sân gôn của Việt Nam. Những người có thu nhập cao nhất nhì thế giới như thế còn không kham nổi giá cả của sân gôn Việt Nam, thì liệu sân gôn Việt Nam có bao nhiều người chơi, hay chỉ có một số ít người chơi gôn không phải bằng đồng tiền của mình, hoặc một số ít nữa chơi gôn để quan hệ với giới có quyền nhằm duy trì hoặc mở ra các quan hệ, các mối làm ăn mới. Đấy là mỗ cứ suy nghĩ lẩn thẩn mà "phản biện" về ý kiến của ngài Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khi đó.

Về ông Giá, ngoài chuyện về sân gôn, chỉ nghe được chuyện này. Đó là khoảng năm 2002, sau khi Đại hội đảng hay bầu cử Quốc hội gì gì đó, khi mà ông không được bầu lại vào Ban chấp hành trung ương khóa mới, đồng nghĩa với việc ông sẽ thôi chức Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Khi còn giao thời như thế, chưa biết ông sẽ được giao nhận cương vị mới gì, có người tò mò hỏi ông ở chỗ thân tình, là ông sẽ về đâu, ông trả lời: "Ăn cơm Chúa múa tối ngày". Sao mà chỉ một câu thành ngữ gồm có 6 tiếng của dân ta lại có thể diễn tả một cách sâu sắc, đầy đủ đến thế về thân phận của các người có chức sắc trong hệ thống. Chúa ở đây tức là đảng, nhưng chỉ là một số người được gọi là "cấp trên" trong đảng, có thẩm quyền điều chuyển mọi người, đặt người này vào chức vụ này, cho người kia sang vị trí khác, cho người nọ nghỉ ... tất tật, đều theo sự sắp xếp này, còn Quốc hội, như các nhà quan sát nước ngoài vẫn gọi, chỉ đóng vai trò "rubber stamp" Chẳng có nhân dân nào bầu lên hay bãi miễn ai cả, và Quốc hội chỉ gọi là hợp thức hóa những gì đã được "cấp trên" sắp xếp. Thế nên bác Giá mới nói "ăn cơm Chúa múa tối ngày."

Đó là câu chuyện chung của tất cả mọi người có một chút cương vị nào trong đảng, chính quyền hay đoàn thể chứ không phải là trường hợp riêng của ông Giá. Người ta thấy trong một buổi tiếp tân khi hai bà Cù Thị HậuNguyễn Thị Thân không còn là Ủy viên trung ương, đồng nghĩa với việc các bà được cho thôi chức vụ đang nắm giữ (bà Hậu là Chủ tịch Tông liên đoàn lao động còn bà Thân là Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội) nhưng vì "cấp trên" chưa sắp xếp xong nên hai bà khi đó trông khá bơ vơ, tại buổi tiếp tân mà hai bà líu ríu với nhau cứ như hai cô bé học sinh trung học lớn tuổi vậy chứ không còn là người có uy quyền cách đó không lâu. Thế rồi sau đận đó, thấy hai bà cùng "rủ" nhau về làm tại Hội người cao tuổi Việt Nam.

Còn bà Nguyễn Thị Bình, khi được cấp trên điều chuyển sang làm Bộ trưởng Giáo dục, bà cũng không phấn khởi lắm, vì bà muốn làm công việc liên quan đến đối ngoại mà bà hoạt động lâu nay nên vừa có kinh nghiệm vừa có sự hứng thú trong công việc.

Chỉ đơn cử vài chuyện lẻ tẻ như thế nhân câu chuyện ông Giá bị khởi tố mà đá sang câu chuyên đang thời sự hiện nay là lấy phiếu tín nhiệmtừ chức. Làm sao có thể làm được việc đó đây, khi mà người mà đảng cử lại không được tín nhiệm thì sẽ giải quyết làm sao khúc mắc này, và ai đó ở vào cương vị nào đó có phải do sự tự tranh cử của người ấy đâu mà là do sự sắp xếp của "cấp trên", vậy "cấp trên" có điều chuyển họ đi thì thuộc thẩm quyền và quyết định của cấp trên chứ có phải người ấy cứ tự ý từ chức mà được đâu. Phạm phải lỗi nghiêm trọng về đạo đức và lối sống (bỏ qua không nói đến tội phạm hình sự) như ông Tô Văn Trường, cựu Chủ tịch tỉnh Hà Giang, mà khi bị báo chí phát hiện, ông vẫn cho là có kẻ nào chơi xấu mình nhân sắp đến kỳ đại hội đảng, và ông cứ yên chí không từ chức, có lẽ vì ông tin tưởng vào sự bố trí, sắp xếp của "cấp trên", nhưng đến khi có lẽ "cấp trên" cũng không thể chịu nổi một kẻ như ông nữa, thì ông mới bị bắt và ra tòa, chứ không phải ông tự thấy mình xấu xa, không còn đủ uy tín nữa và cần phải từ bỏ chức vụ đang giữ.

Vậy nói chuyện từ chức hay bỏ phiếu tín nhiệm trong hoàn cảnh và thời điểm hiện nay chẳng có ý nghĩa gì, và tôi sẽ không bao giờ nói là ủng hộ, hay phản đối. Chẳng qua là chẳng để làm gì.

Còn viết tiếp.

No comments:

Post a Comment