Hôm trước nhân chuyện ông Giá mà liên hệ đến một vài trường hợp khác rồi lan man bàn đến chuyện bỏ phiếu tín nhiệm và cái gọi là văn hóa từ chức.
Quay trở lại ông Giá. Hôm nay nói đến chuyện luật pháp, vì nói đến xã hội dân sự mà bàn về luật pháp thì hợp lẽ quá rồi, hôm trước định bắt đầu bàn về Hiến pháp, bộ luật gốc của mọi luật, trước, rồi sau đó mới bàn đến các nguyên tắc của luật pháp, nhưng hôm nay nhân chuyện ông Giá thì nói luôn để tiện liên hệ các sự việc thực tế với các vấn đề lý thuyết.
Một trong những nguyên tắc của luật pháp là "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật", từ ngày xưa đã thể hiện trong câu "quân pháp bất vị thân".
Dĩ nhiên thời nào cũng có những người bẻ cong luật pháp, mong muốn luật pháp chỉ mang lại điều lợi cho mình, còn nếu chẳng may vô tình hay cố ý họ vi phạm pháp luật, kể cả phạm tội hình sự, thì họ sẽ tìm đủ mọi cách để trốn tránh pháp luật, để không bị trừng trị. Ngày nay có thể chấm dứt được những tình huống kiểu này hay không? Câu trả lời sẽ là không, và không bao giờ. Như thế có bi quan quá không, liệu có người vì thế nghĩ rằng sẽ không cần duy trì pháp luật nghiêm minh nữa hay không vì đằng nào cũng sẽ có người tìm cách đủ mọi cách để khỏi bị trừng phạt. Ngược lại, mỗi nỗ lực để đưa người phạm tội ra trước pháp luật bất kể họ giữ cương vị gì trong các cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc đoàn thể sẽ càng chứng tỏ tính nghiêm minh của luật pháp và là bằng chứng để người dân thường thêm tin tưởng vào hệ thống luật pháp và tư pháp.
Nhưng như ở bài Ông Giá và ... (phần 1) đã nói vì một số lý do, ông chỉ bị khởi tố mà không bị tạm giam, trong khi số tiền liên quan lên đến 712 tỷ đồng, một con số khủng khiếp thừa đủ để xếp vào khung "tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" (để so sánh: chỉ vừa mới đây một nhóm trộm đột nhập nhà của một vị tướng công an lấy đi số tài sản trị giá khoảng 1,1 tỷ đồng mà phải lĩnh án tổng cộng 17 năm tù). Chúng ta hãy chờ kết luận của cơ quan điều tra cũng như phiên tòa xét xử, nếu như có một phiên tòa, xem mức độ liên quan của từng người, trong đó có ông Giá đến đâu, cũng như mức án của từng người ra sao, liệu có đảm bảo được nguyên tắc "mọi công dâ đều bình đẳng trước pháp luật" hay không). Nhưng chỉ riêng việc không áp dụng "biện pháp ngăn chặn", tức tạm giam, đã cho thấy cơ quan điều tra đã phần nào "ưu ái", thiên vị trong đối xử với ông rồi.
Chợt nhớ lại chuyện ông Vũ Ngọc Hải, Bộ trưởng Năng lượng, người chịu trách nhiệm về xây dựng đường dây 500 kV để tải điện từ Bắc vào Nam những năm 1990. Ông Hải cũng bị bắt và ở tù vì một số sai phạm khi đường dây chưa hoàn thành. Nhưng trước khi bắt, công an điều tra đã phải vào trại giam để "điều tra" xem có chỗ nào "ổn ổn" để thu xếp cho ông, rồi khi ông ở tù thì như là khách tham quan đến nghỉ tại trại, được ở nhà (chứ không phải phòng hay buồng giam) riêng, có đầy đủ vật dụng, rồi bia trong tủ lạnh uống không hết, cơm gà (chắc là chỉ thiếu cá gỏi), chỉ có bí bách là không được ngủ ở nhà, không được tự do đi lại, nhưng bù lại vợ con ông ra vào thường xuyên để thăm ông, rồi ở tù mà ông toàn tiếp khách từ Thủ tướng, Phó thủ tướng đến các Bộ trưởng trở xuống. Ở trong trại thì không phải lao động, thích thì trồng rau ở khoảnh vườn trước nhà, không phải xưng "con" với giám thị (thường được tù, ngôn ngữ trong trại giam là "phạm", gọi là "Ban") v.v., rồi khi ra tù thì được "anh em" cho, tặng, biếu thứ này thứ khác, lại xây nhà cho, và nhất là thời gian ở tù vẫn được tính là thời gian công tác liên tục (chỉ có không rõ là sau khi bị bắt và trước phiên tòa ông có bị tước đảng tịch theo thông lệ không, nếu không thì ở trong tù ông có tiếp tục sinh hoạt chi bộ theo yêu cầu của kỷ luật đảng không?). Thôi, đại loại là "tù mà như thế khác gì tiên", chuyện ông kể lại sau khi ra tù khá dài, mời các bạn theo đường link ở đây mà vào đọc để thấy ông Hải chỉ mất mỗi sự tự do đi lại, còn chẳng thiếu thứ gì, đã thế mấy bạn phóng viên, mang tiếng là của một tờ báo trong ngành Pháp luật, cũng coi đấy là sự thường, cứ vô tư ghi lại cuộc trò chuyện mà không thấy có gì là bất bình thường cả. Thế mới biết sống mãi trong những nghịch lý thì thấy nghịch lý cũng là lẽ thường.
Đọc chuyện ông Hải, lại nhớ chuyện một cựu thống đốc bang Connecticut ở Mỹ. Ông này bị bắt, ra tòa và bị tòa kết án tù, nhưng báo chí Mỹ khi đó đưa tin ông này (John G. Rowland, các bạn cứ "gúc" vào là sẽ biết thêm thông tin) ở tù thì như một tù nhân bình thường, nghĩa là sống trong xà lim tiêu chuẩn (rộng ... x dài ...) như bao tù nhân khác, và ở trong tù ông cũng phải lao động như mọi tù nhân khác (báo còn nói ông được trả 1 USD cho mỗi giờ lao động trong tù như các tù nhân khác).
Đó là vài ví dụ (ông Giá và ông Hải, cựu thống đốc John G. Rowland) cho thấy ai được ưu ái và ai không hề được hưởng một mảy may thiên vị nào. Ta sẽ không bình luận là chế độ nào tốt hơn, hệ thống nào ưu việt hơn. Nhưng nếu xem xét đến tâm lý của người ngoài cuộc, tức quảng đại quần chúng, họ sẽ dễ dàng cho điểm trường hợp nào là luật pháp nghiêm minh, còn trường hợp nào luật pháp đã bị bẻ cong; còn những người giữ các cương vị cao trong xã hội mà có cái tâm không sáng lại có khả năng lạm quyền, lạm dụng chức vụ, sẵn sàng vi phạm pháp luật vì lợi ích bản thân hoặc gia đình mình thì ngoài việc họ cố gắng để trốn tránh vướng vào luật pháp, nhưng họ cũng sẽ nhìn vào trường hợp ông Hải để chuẩn bị tinh thần cho mình rằng cùng lắm thì cũng chỉ đến thế mà thôi.
Nếu mọi người đều thống nhất là luật pháp rât nghiêm minh, không phân biệt một ai, không thiên vị cho cá nhân nào, mọi người "đều bình đẳng trước pháp luật" thì mọi người sẽ có ý thức chấp hành pháp luật, luật pháp sẽ phát huy tác dụng. Còn trường hợp ngược lại cũng thật rõ ràng. Vì thế, thật sai lầm khi có người biện hộ là kỷ luật hết thì không còn người làm việc, hoặc tưởng rằng công chúng đòi đem ra bắt bớ, bỏ tù hết người sai phạm này đến người sai phạm khác. Trong thực tế, chỉ cần xử lý thật nghiêm một vài trường hợp cũng cho thấy được "quyết tâm chính trị", và là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người khác đừng thấy luật pháp nương tay mà cứ làm càn. Thế gọi là "giết gà" mà "dọa khỉ" vậy.
No comments:
Post a Comment