Thế nào là một xã hội dân sự?
Về cơ bản, và thật ngắn gọn nhưng thiết tưởng cũng đầy đủ, đó là một xã hội được vận hành, duy trì trên cơ sở tuân thủ luật pháp theo tinh thần "thượng tôn pháp luật". Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì mà Việt Nam công bố với thế giới về việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, theo tiếng Anh gọi là the rule of law.
Vậy thế nào là một nhà nước pháp quyền?
Theo tinh thần "thượng tôn pháp luật", điều đó có nghĩa pháp luật có vị trí tối thượng, không một cá nhân hay tổ chức nào có quyền "đứng trên" luật pháp, không một cá nhân hay tổ chức nào được "đứng ngoài" "miễn nhiễm" hay không bị chi phối bởi luật pháp, không một cá nhân hay tổ chức nào được tự cho phép mình chính là luật pháp, hay có thể bẻ cong luật pháp theo ý muốn riêng của mình.
Điều này về lý thuyết thì rất đúng, ai cũng dễ đồng tình, nhưng trong thực tế lại không hề đơn giản. Từ cổ chí kim, dưới các thể chế, các mô hình tổ chức xã hội khác nhau, ở mọi nơi trên thế giới, luôn có những kẻ sẵn sàng tự coi mình là luật pháp và ra lệnh (dictate) cho luật pháp phải bẻ cong theo những ý muốn cá nhân của y. Không thiếu những kẻ coi luật pháp là chỉ dành cho kẻ khác và chừa mình ra, không phải theo kiểu "ngoài vòng pháp luật" của những kẻ bị/tự đặt ra ngoài vòng pháp luật (the outlaws), mà theo cách tự cho mình được đặc quyền đứng trên luật pháp, chỉ được hưởng những đặc ân của luật pháp mà không chịu bất cứ sự ràng buộc hay trừng phạt nào của pháp luật.
Để tránh những tình huống kể trên, không có gì khác ngoài việc pháp luật phải được tuân thủ nghiêm minh và thực hành nguyên tắc "mọi công dân/cá nhân/tổ chức phải bình đẳng trước pháp luật".
Để mọi công dân/cá nhân/tổ chức bình đẳng trước pháp luật thiết tưởng không khó, cứ "thiết diện vô tư", "việc công ta cứ phép công mà làm". Nhưng, sự đời không đơn giản, mà thôi ta sẽ bàn đến điểm này sau.
...
Còn tiếp.
No comments:
Post a Comment