Monday, 24 September 2012

Pussy Riot

Do chưa viết được bài về Putin và cuộc bầu cử tại Nga, đưa lên đây bài từ trang pro&contra của Phạm Thị Hoài, về những phát ngôn của các cô gái trong ban nhạc PUSSY RIOT trong vụ án xử họ về những tội danh đầy áp đặt.


Nadia Tolokonnikova (Pussy Riot) – Tuyên ngôn về nghệ thuật và con người

Tháng 8 13, 2012
Phan Đằng Giang dịch
pro&contra – Ngày 17 tháng 8 sắp tới, tòa án xử ba cô gái trong ban nhạc Pussy Riot sẽ tuyên án. Trong khi phía công tố đề nghị án tù mỗi người 3 năm, tổng cộng là 9 năm cho 40 giây đồng hồ trình diễn bài cầu nguyện Đức Mẹ Maria giải thoát nước Nga khỏi Putin trên thánh đường Nhà thờ Chú Cứu thế ở Moskva, lời tự biện hộ của các bị can bày tỏ sự kiên định đầy ấn tượng.
Nadia Tolokonnikova (22 tuổi, sinh viên triết): Bị cáo đứng trước tòa án này không phải là Pussy Riot, mà là hệ thống tư pháp nước Nga. Ai có lỗi trong cuộc trình diễn âm nhạc tại Nhà thờ Chúa Cứu thế? Chính là hệ thống chuyên chế. Nhưng tôi đang thấy qua chúng tôi, hệ thống ấy thất bại. Chúng tôi tự do hơn những người ngồi ở ghế công tố phía bên kia. Họ chỉ dám nói những gì mà chế độ kiểm duyệt chính trị cho phép nói. Có thể họ cũng biết rằng chúng tôi bị trừng trị vì đã chống Putin và hệ thống của ông ta. Nhưng họ không dám nói ra điều đó, miệng họ đã bị khâu kín. Ai có thể hình dung rằng chúng ta không hề học được điều gì từ lịch sử, từ những vụ khủng bố của Stalin? Cũng như Aleksandr Solzhenitsyn, tôi tin tưởng rằng cuối cùng ngôn từ sẽ đâm thủng bê tông. Chúng tôi đang ngồi trong cũi nhốt, nhưng tôi tin rằng chúng tôi không thua trận.

Yekaterina Samutsevic (30 tuổi, lập trình viên): Chúng tôi biết mình sẽ bị kết án. Trước bộ máy tư pháp đầy quyền lực, chúng tôi chẳng là ai hết, chúng tôi phải thua. Nhưng nhìn từ một phía khác thì chúng tôi đã thắng. Cả thế giới đã nhìn thấy vụ án này bịa đặt ra các tội danh. Hệ thống này không thể che giấu tính chất trấn áp của phiên tòa nữa.
Maria Alyokhina (24 tuổi, sinh viên báo chí): Nửa năm tạm giam điều tra đã giúp tôi hiểu rằng nhà tù là một mô hình thu nhỏ của nước Nga. Ở đó mọi vấn đề chỉ được giải quyết với sự can thiệp trực tiếp của cấp trên. Trong tù cũng như toàn xã hội bên ngoài, con người đã đánh mất nhân cách. Chúng ta đều là tù nhân. Tôi không sợ các người! Tôi không sợ sự lừa dối vụng về trong bản án của cái gọi là tòa án của các người. Bởi lẽ các người chỉ có thể tước đoạt cái gọi là quyền tự do, mà nước Nga chỉ có thứ tự do đó. Tự do nội tại của tôi thì các người không thể tước đoạt nổi.
pro&contra xin giới thiệu tuyên ngôn sau đây của Nadia Tolokonnikova, cô gái trẻ nhất và được coi là linh hồn của nhóm.
_____________________
Tôi là một trong những thành viên của ban nhạc (punk band) Pussy Riot, một ban nhạc đã thực hiện những buổi biểu diễn không hẹn trước trên những khu vực khác nhau của thành phố. Các bài hát của Pussy Riot đều nhắm tới những vấn đề chính trị nóng bỏng. Mối quan tâm của những thành viên trong nhóm: sự năng động về mặt chính trị, môi sinh, và loại bỏ những xu hướng độc tài trong hệ thống nhà nước bằng cách thiết lập xã hội công dân.
Kể từ khi xuất hiện vào tháng 10 năm 2011 chúng tôi đã trình diễn ở những nơi như ga tầu điện ngầm, trên nóc ô tô điện, tại trung tâm giam giữ những người vi phạm hành chính số 1, trong các cửa hàng bán quần áo, tại những buổi biểu diễn thời trang, trên bục Lobnoye Mesto ở Quảng trường Đỏ. Chúng tôi tin rằng nghệ thuật phải dành cho tất cả mọi người, vì vậy mà chúng tôi biểu diễn ở những địa điểm công cộng khác nhau. Pussy Riot không bao giờ tỏ ra coi thường khán giả và những người chứng kiến những buổi biểu diễn punk. Chuyện đó đã từng xảy ra trên nóc xe ô tô điện, chuyện đó đã từng xảy ra ở Lobnoye Mesto, và chuyện đó cũng đã xảy ra ở nhà thờ Chúa Cứu thế.
Ngày 21 tháng 2 năm 2012 nhóm Pussy Riot trình bày lời cầu nguyện Mẹ Maria đầy ơn phúc, hãy tống cổ Putin đi theo điệu punk ở nhà thờ Chúa Cứu thế. Đầu tháng 3 năm 2012, ba thành viên của nhóm bị bỏ tù vì hoạt động âm nhạc và chính trị. Đề tài của những bài hát của chúng tôi là do thời thế gợi ý. Chúng tôi chỉ phản ứng trước những hiện tượng đang diễn ra ở trong nước và thể hiện quan điểm của khá nhiều người dưới dạng những buổi biểu diễn nhạc punk mà thôi. Trong bài Mẹ Maria đầy ơn phúc, hãy tống cổ Putin đi chúng tôi thể hiện phản ứng của nhiều người Nga trước lời kêu gọi của Tổng Giám mục về việc bỏ phiếu cho V. V. Putin trong cuộc bầu cử vào ngày 4 tháng 3 năm 2012.
Chúng tôi cũng như nhiều người khác cảm thấy khó chịu trước sự phản bội, lừa bịp, tham nhũng, dối trá, tham lam và vô luật pháp, đặc trưng của chế độ và những người cầm quyền hiện nay.Vì vậy mà chúng tôi cảm thấy thất vọng trước sáng kiến chính trị của Tổng Giám mục và không thể không lên tiếng. Buổi biểu diễn trong nhà thờ Chúa Cứu thế không phải là do lòng ghen ghét và thù hận tôn giáo. Chúng tôi cũng không thù ghét những người theo Chính thống giáo. Chính thống giáo tôn thờ những điều mà chúng tôi tôn thờ: từ bi, hỉ xả, công lí, tình yêu và tự do. Chúng tôi không phải là kẻ thù của Thiên chúa giáo. Chúng tôi tôn trọng quan điểm của những người theo Chính thống giáo và chúng tôi muốn họ đứng về phía chúng tôu – đứng về phía những người hoạt động dân sự nhằm chống lại chế độ độc tài. Vì vậy mà chúng tôi đã đến nhà thờ.
Chúng tôi đến với những điều mình có và mình có thể làm: với buổi biểu diễn của chúng tôi. Mục đích của buổi biểu diễn này là thể hiện băn khoăn lo lắng của mình: linh mục của nhà thờ Chúa Cứu thế – Tổng Giám mục -  đứng đầu Chính thống giáo Nga đã ủng hộ một chính khách từng dùng những biện pháp cứng rắn nhằm đè bẹp xã hội dân sự mà chúng ta cùng nâng niu.
Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh sự kiện là ở trong nhà thờ chúng tôi không nói bất kì lời nói khiếm nhã nào đối với nhà thờ, đối với những người theo đạo và Chúa. Tất cả những lời chúng tôi đã nói và toàn bộ buổi biểu diễn nhạc punk chỉ nhằm mục đích là thể hiện sự bất bình của chúng tôi trước một sự kiện chính trị cụ thể: sự ủng hộ của Tổng Giám mục đối với V. V. Putin, một người thi hành chính sách độc tài và chống phong trào nữ quyền. Trong buổi biểu diễn, không hề có thái độ gây hấn đối với khán giả, mà đấy chỉ là ước muốn tuyệt vọng nhằm thay đổi tình hình chính trị ở nước Nga theo hướng tốt lên. Tình cảm của chúng tôi và sức diễn cảm cũng là từ đấy mà ra. Chúng tôi lấy làm tiếc nếu niềm say mê của mình đã khiến khán giả bất bình. Chúng tôi không có ý định xúc phạm bất kì ai. Chúng tôi mong muốn rằng những người không hiểu chúng tôi tha lỗi cho chúng tôi. Nhất là chúng tôi không muốn ai ghét bỏ chúng tôi.
Chúng tôi cũng rất muốn rằng việc chúng tôi phủ nhận tội danh của mình theo điều 213 khoản 2 của Bộ Luật Hình sự không bị coi là không muốn hay không có khả năng nhận thức được sai lầm hoặc là càn rỡ, xấc láo. Tôi có cảm tưởng rằng những người bị đau khổ vì những bài hát của chúng tôi có xu hướng coi việc chúng tôi phủ nhận tội danh mà tòa án cáo buộc, theo cách đó. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều là nạn nhân của một sự hiểu lầm tai hại nhất, sự lầm lẫn về ngôn từ và điều khoản pháp luật.
Điều quan trọng nhất là tôi tách riêng đánh giá về mặt pháp lí buổi biểu diễn Mẹ Maria đầy ơn phúc, hãy tống cổ Putin đi ra khỏi đánh giá về mặt đạo đức. Điều này rất quan trọng, mà có thể là quan trọng nhất trong quá trình xét xử. Tôi khẳng định rằng không được lẫn lộn khía cạnh hình sự với khía cạnh đạo đức. Vấn đề là và tôi cũng muốn rằng tất cả mọi người đều cố gắng hiểu – nhất là những người bị buổi biểu diễn của chúng tôi làm cho đau khổ – rằng việc chúng tôi không công nhận tội danh theo điều 213, khoản 2, Bộ Luật Hình sự của Cộng hòa Liên bang Nga không có nghĩa là chúng tôi không sẵn sàng giải thích những hành động của mình, không sẵn sàng xin lỗi trước những đau khổ mà buổi biểu diễn đã gây ra.
Về mặt đạo đức, tôi đánh giá bài cầu nguyện theo lối punk của Pussy Riot như sau: sai lầm về mặt đạo đức của chúng tôi là chúng tôi đã cho phép đưa thể loại mà chúng tôi vừa làm ra – buổi biểu diễn punk mang tính bất ngờ về mặt chính trị – vào nhà thờ. Nhưng lúc đó thậm chí chúng tôi không nghĩ rằng hành động của chúng tôi có thể xúc phạm một người nào đó. Vấn đề là chúng tôi đã biểu diễn ở nhiều địa điểm khác nhau ở Moskva từ tháng 10 năm 2011 và khắp nơi: trong tầu điện ngầm, trong các cửa hàng bách hóa và trên nóc trung tâm giam giữ những người vi phạm hành chính số 1, trên bục Lobnoye Mesto, ở đâu người ta cũng nhìn hành động của chúng tôi với sự hài hước, vui vẻ, hoặc ít nhất thì cũng khôi hài. Tương tự như thế, từ kinh nghiệm biểu diễn của mình, chúng tôi không nghĩ rằng buổi biểu diễn nhạc punk lại có thể làm cho người nào đó tổn thương hay đau khổ. Nếu có người nào đó bị buổi biểu diễn của chúng tôi trong nhà thờ Chúa Cứu thế làm cho đau khổ thì tôi sẵn sàng chấp nhận rằng chúng tôi đã có sai lầm về mặt đạo đức. Đây đúng là một sai lầm vì chúng tôi không cố tình gây đau khổ cho bất cứ người nào. Sai lầm về mặt đạo đức – tôi xin nhấn mạnh, sai lầm về mặt đạo đức chứ không phải là tội danh được qui định trong bộ Luật Hình sự – nằm ở chỗ chúng tôi đã phản ứng trước lời kêu gọi làm chúng tôi thất vọng của Tổng Giám mục về việc bỏ phiếu cho V. V. Putin bằng cách biểu diễn trong nhà thờ, và chia sẻ với khán giả quan điểm chính trị của mình theo cách đó. Đó là sai sót về mặt đạo đức của chúng tôi – tôi xin nhấn mạnh và công nhận như thế, và tôi xin lỗi vì điều đó.
Nhưng sai sót về mặt đạo đức của chúng tôi không phải là tội theo bất kì điều khoản nào của bộ Luật Hình sự.
Chúng tôi đã bị giam cầm suốt năm tháng rồi, mặc dù hành động của chúng tôi không phải là tội hình sự. Vi phạm những qui định về hành vi do nhà thờ đặt và lời kết án về lòng hận thù và đối địch với Chính thống giáo và tất cả những người có đạo là những vấn đề hoàn toàn khác nhau. Cái này không thể dẫn đến cái kia. Mỗi lần đọc đến đoạn cáo trạng nói rằng chúng tôi đến nhà thờ là do thái độ khinh bỉ và căm thù những người có đạo là tôi lại run bắn người lên. Đây là những lời lẽ khủng khiếp, những lời lẽ rất ác độc và quyết liệt không thể tưởng tượng được. Chúng tôi chỉ có động cơ chính trị và nghệ thuật và tôi đồng ý là có lẽ về mặt đạo đức chúng tôi hoàn toàn không có quyền đưa những thứ đó vào khu vực có tính nghi lễ của nhà thờ. Nhưng chúng tôi không căm thù ai hết.
Xin các vị hãy suy nghĩ kĩ thế nào là hận thù và thù địch – đấy không phải là trò đùa và không được gán cho người ta một cách đơn giản như thế. Đấy là bằng chứng giả – và người ta đã phỉ báng chúng tôi suốt năm tháng nay. Tôi không nói rằng mình dễ dàng chịu đựng được việc gán ghép một cách ác độc và cay nghiệt những tình cảm mà tôi không hề có đối với bất cứ sinh vật nào trên trái đất này. Bên công tố nói rằng chúng tôi che giấu động cơ thực sự của mình – mà theo họ là lòng hận thù và căm ghét tôn giáo – để tránh bị trừng phạt, nhưng chúng tôi không nói dối vì chúng tôi có những nguyên tắc và một trong những nguyên tắc đó là bao giờ cũng nói sự thật. Mặc dù cơ quan điều tra đã giam ba chúng tôi trong phòng cách li một thời gian dài, nhằm buộc chúng tôi phải nhận tội theo điều 231, khoản 2 và bằng cách đó, họ gán cho chúng tôi động cơ hận thù và thù địch không hề có trong thực tế, mà đây thực chất là tiêu diệt con người trung thực trong chúng tôi, chúng tôi không phản bội lương tâm của mình. Các nhân viên điều tra đã nhiều lần nói với chúng tôi rằng nếu nhận tội, chúng tôi sẽ được tha. Chúng tôi đã từ chối.
Nhận tội theo điều 213, khoản 2, là tự phỉ báng chính mình. Đối với chúng tôi, sự thật là quí nhất, thậm chí quí hơn cả tự do. Vì vậy mà tôi nghĩ rằng không có lí do gì để không tin lời chúng tôi. Chắc chắn là chúng tôi sẽ không nói dối. Máy tính và ổ đĩa cứng của chúng tôi cũng được trình ra tòa hình sự, toàn bộ nội dung ghi trong đó bác bỏ cách giải thích của nguyên đơn. Các tài liệu ghi trong đó chứng minh rằng chúng tôi không có động cơ hận thù và thù địch. Ai đọc tập 3 và tập 4 hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra ghi lại từ máy tính và ổ đĩa cứng của chúng đều thấy rõ rằng động cơ của chúng tôi hoàn toàn mang tính chính trị. Người ta đưa vào hồ sơ vụ án những bài viết phê phán chính sách độc tài của Putin và những suy nghĩ của chúng tôi về những lợi ích của hoạt động phản đối dân sự một cách ôn hòa. Tập 3 và tập 4 cũng có những bài viết về phong trào nữ quyền và những bài phỏng vấn nhóm Pussy Riot, trong đó không có một từ nào nói về hận thù tôn giáo.
Bây giờ, sau khi bên công tố không tìm được trong máy tính và ổ đĩa cứng của chúng tôi một bài viết nào khẳng định động cơ đó, họ liền tìm cách thoát ra khỏi tình huống khó xử bằng cách gọi trắng thành đen, đen thành trắng và bịa ra những kết luận phi logic. Sau lần biểu diễn vào ngày 21 tháng 2 năm 2012, trong nhiều cuộc phỏng vấn, chúng tôi đã nói đi nói lại rằng chúng tôi rất quan tâm và tôn trọng Chính thống giáo. Bên công tố, sau khi thấy rằng họ không có bằng chứng về lòng hận thù tôn giáo của chúng tôi, đã có bước đi như sau: họ nói rằng lời tuyên bố của chúng tôi về thái độ tích cực đối với Chính thống giáo che đậy thái độ thực sự của chúng tôi đối với tôn giáo, nhằm giảm đến mức tối đa phản ứng tiêu cực đối với hành động phi pháp trong nhà thờ. Đấy là kết luận phi logic bởi vì chúng tôi đã tuyên bố công khai thái độ tích cực của mình đối với tôn giáo trong ngày 21 tháng 2 năm 2012 và những ngày sau đó, tức là trước khi có tin là vụ án được khởi tố.
Còn kết luận cho rằng chúng tôi báo thù cho Hypatia [1] thì vô lí đến mức thậm chí những người còn nghi ngờ động cơ của chúng tôi hiện nay cũng đã hiểu: nếu bên công tố đi theo hướng đó, có nghĩa là họ hoàn toàn không có bằng chứng về lòng thù hận của chúng tôi. Nghĩa là cả động cơ lẫn hành vi phạm tội đều không có.
Hai bản giám định, được thực hiện theo đề nghị của cơ quan điều tra, không tìm thấy động cơ của lòng thù hận, nhưng không hiểu vì lí do gì lại không được đưa vào cáo trạng. Những bản giám định này chứng tỏ rằng trong những bài hát, trong những hoạt động và băng video của chúng tôi không có biểu hiện bằng lời nào về sự coi thường, xúc phạm những người theo Chính thống giáo, xúc phạm những người làm việc trong nhà thờ Chính thống giáo hay bất kì nhóm người nào khác. Cũng không có bất kì biểu hiện bằng lời nào về thái độ thù địch đối với Chính thống giáo, thù địch đối với những người theo Chính thống giáo hay người của những nhóm khác. Ngoài ra, các chuyên gia còn nhận xét rằng không có biểu hiện thù địch về mặt tâm lí trong hành động của nhóm: các cô gái này không có bất cứ hành động bạo lực hay gây hấn nào.
Như vậy là chúng tôi không có động cơ thù địch đối với tôn giáo, chúng tôi không phạm tội qui định trong điều 213, khoản 2, bộ Luật Hình sự của nước Cộng hòa Liên bang Nga.
Ngày 31 tháng 7 năm 2012
Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Nga tại địa chỉ:http://echo.msk.ru/blog/tolokno_25/914616-echo/
Có thể tham khảo bản dịch tiếng Anh tại địa chỉ:http://freepussyriot.org/content/art-and-human-manifesto-nadia-tolokonikovoy
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra


[1] Ghi chú của người dịch: Hypatia of Alexandria (sinh khoảng năm 351-370 mất năm 415) là một nhà triết học, được coi là nữ toán học đầu tiên trên thế giới. Bà dạy triết học và thiên văn học ởAlexandria vào thời mà đàn ông giữ thế thượng phong trong khoa học.  Hypatia được người đời đánh giá cao vì kiến thức, phẩm giá và đức hạnh của bà. Bà chết trong một vụ xô xát, các tu sĩ tôn giáo đã bắt bà ngay trên đường phố, đánh bà và lôi xác bà vào nhà thờ, sau đó họ xẻo thịt bà rồi đem thiêu.

No comments:

Post a Comment