Tuesday 20 March 2012

Tái cơ cấu ngành ngân hàng

Dạo này rộ lên chuyện tái cơ cấu, tái cấu trúc, nào là tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu ngành ngân hàng v.v. Giờ đây, bổ sung vào nhóm từ ngữ thời thượng gồm công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch, là xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu, tái cấu trúc.

Định không bàn về vấn đề này, nhưng mới đây ngồi cùng bàn một người làm về tư vấn sáp nhập, mình mới lôi vấn đề tái cấu trúc ngành ngân hàng, cụ thể là việc sáp nhập ngân hàng, ra nói chuyện.

Quan điểm của mình là ngân hàng cần tái cấu trúc, cần cơ cấu lại. Nhưng những gì người ta đang làm hiện nay là giải quyết hậu quả của quá khứ, do trước kia cấp phép tràn lan, không xét năng lực của các tổ chức và năng lực cá nhân người điều hành khi họ xin phép mở ngân hàng mới. Nay trong quá trình kinh doanh mới bộc lộ những yếu kém chứng tỏ việc cấp giấy phép chỉ làm chiếu lệ theo thủ tục hành chính chứ không tính đến năng lực của các pháp nhân, thể nhân, và cá nhân có liên quan.



Thứ hai, xảy ra việc có ngân hàng kinh doanh kém, thua lỗ, thì việc sáp nhập, mua lại là việc của các ngân hàng với tư cách của các đơn vị tham gia kinh doanh, chứ không phải là việc của Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước quyết định xem ngân hàng nào cần giải thể, ngân hàng nào cần sáp nhập vào ngân hàng nào. Nhưng có lẽ do Chính phủ / Ngân hàng Nhà nước thấy trách nhiệm của mình trong việc cấp phép trước kia nên giờ lại phải tự mình đứng ra mà lo vụ này.

Nói đến việc cấp phép, nghe nói một số ngân hàng đã vượt qua được rào cản cuối để được phép thành lập trước khi Ngân hàng Nhà nước đóng cửa việc cấp giấy phép, trong số này có Liên Việt (nay là Liên Việt - Post) và Tiên Phong. Người bạn ngồi cùng bàn nói với tôi đây là tư duy nhiệm kỳ, tôi thì không hẳn đồng ý tư duy nhiệm kỳ có liên quan gì ở đây, mà chủ yếu liên quan đến cái tâm, cái tầm của người giữ quyền cấp phép.

Thế tại sao các ngân hàng làm ăn có lãi không mua, thôn tính luôn các ngân hàng làm ăn kém. Ở đây có hai vấn đề, thứ nhất việc sáp nhập dù tự nguyện hay tình thế bắt buộc thì đều để chủ thế mới trở thành một chủ thể mạnh hơn. Trong trường hợp tự nguyện, anh A có các mặt mạnh a, a', a'', anh B có các mặt mạnh b, b', b", vì lợi ích trong tương lai A và B thấy nếu sáp nhập với nhau sẽ có sức mạnh tổng hợp của cả A và B, tức là tổng hợp (synergy) của cả a, a', a" và b, b', b". Đó là trường hợp Liên Việt Bank và quỹ tiết kiệm Bưu điện sáp nhập, thực chất là việc Liên Việt Bank mua lại tiết kiệm Bưu điện dẫn đến chủ thể mới Liên Việt - Post, do Liên Việt muốn sử dụng mạng lưới chi nhánh của tiết kiệm Bưu điện có thể vươn tới từng làng xã. Còn các ngân hàng thương mại khác, sản phẩm giống nhau, cách thức kinh doanh giống nhau, việc sáp nhập hoặc mua lại, thôn tính không mang lại lợi lộc gì cho bên mua, mà để nguyên thì lại có lợi hơn. Bởi vì các ngân hàng được coi là nhỏ, yếu thế, thì sẽ khó huy động được tín dụng, dẫn đến thanh khoản kém, và họ buộc phải vay / mua lại vốn từ các ngân hàng lớn hoạt động ổn định với lãi suất cao khủng khiếp, các anh lớn ngân hàng vì thế chẳng tội gì phải mua lại, hay thôn tính các ngân hàng nhỏ mà chỉ cần ngồi hưởng lợi trên các ngân hàng nhỏ cũng đủ kiếm lời lớn rồi. Cứ theo dõi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, đặc biệt là lãi suất qua đêm và ngắn hạn khác, là có thể thấy điều này.

Việc sáp nhập gần đây và sắp tới sau khi xếp loại ngân hàng chỉ là một động tác lắp ghép khá cơ học, không khác mấy với các việc lắp ghép các tỉnh nhỏ vào một tỉnh lớn trước kia, hay việc chuyển nợ từ Vinashin sang Vinalines và các tập đoàn khác trong khi số nợ không thay đổi. Chỉ hy vọng trong một thiết chế mới thì tình hình kinh doanh có thể sẽ khá lên mà có thể trả được nợ cũ và đạt tăng trưởng trong kinh doanh.

Về việc cấp phép có tính tràn lan này, người bạn ngồi cùng bàn còn chia sẻ tính theo tỷ lệ quy mô dân số và nền kinh tế thì Việt Nam thuộc loại nước có nền kinh tế kém phát triển nhưng số lượng ngân hàng lại rất nhiều.   Tôi cũng góp thêm ý rằng, tất cả các ngân hàng này đều có quy mô hoạt động toàn quốc mà giấy phép không hạn chế họ trong một khu vực kinh tế hay vùng lãnh thổ nào, trong khi qua trao đổi với những người có hiểu biết, được biết một số nước giới hạn cho một số ngân hàng khi cấp phép chỉ được phép kinh doanh ở một vùng quận, huyện nhất định. Ở Việt Nam thì những ngân hàng nhà Hà Nội, ngân hàng nhà đồng bằng sông Cửu Long, hay ngân hàng cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (tên trước kia của VPBank) chỉ khác nhau về tên gọi, còn các sản phẩm kinh doanh và hoạt động ngân hàng thì không có gì khác nhau, và đều được phép kinh doanh trên toàn cõi Việt Nam và huy động vốn từ toàn dân.

Những điều trên chỉ để phân tích tình trạng nào đã dẫn đến yêu cầu phải tái cơ cấu ngành ngân hàng hiện nay, hay tại sao các ngân hàng lớn không mua, thôn tính các ngân hàng bé, mà phải do các quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Nó cũng chỉ ra một số bất cập trong quản lý ngành ngân hàng, và thực tế hiện nay khi một số ngân hàng sẽ phải nhập vào, mà không thể đoán định kết quả của các thực thể mới này sẽ là như thế nào. Chúng ta hãy chờ xem.

P/S. Gần đây cái ngân hàng Bản Việt / VietCapital được hình thành trên cơ sở mấy định chế cũ, xem quảng cáo trên TV mà thấy tởm, ai đời lại mượn luôn hình con chim phượng, ý muốn chỉ bà chủ mới của Bản Việt, mà quảng cáo như vậy. Còn cái tên Bản Việt nghe có vẻ khó hiểu nhưng chính là rút gọn của Tư bản Việt vậy, vì tên tiếng Anh của nó là VietCapital Bank mà. Nước ta rồi sẽ thẳng tiến lên Tư bản như tên của cái ngân hàng này chỉ cho ta thấy.

No comments:

Post a Comment