Wednesday, 4 August 2010

Tư liệu

Lưu bài này ở đây.

Vương Trí Nhàn ghi lại các cuộc trò chuyện với Nguyễn Đình Nghi:

Nguyễn Đình Nghi (2)

VÀI CHUYỆN THỜI SỰ VĂN NGHỆ


NHỮNG NĂM TRƯỚC 1986


Về Nguyễn Khải

Tôi đọc lời giới thiệu anh (V.T.N.) viết cho Tuyển tập Nguyễn Khải lần đầu thấy có vẻ hơi nghiệt. Nhưng lần này, đọc có kèm thêm cả tác phẩm của anh Khải, lại thấy nói như thế là vừa. Anh nên đi sâu thêm vào trường hợp này.

Thứ nhất, ông Khải không phải là người văn hay, hoặc độc đáo, như một Nguyễn Tuân hay Tô Hoài. Cái phong cách riêng trong văn không thật rõ, chỉ thấy một cảm giác sáng sủa mạch lạc, thế thôi. Những chỗ cần nói về những điều thật quan trọng của đời sống thì lại có vẻ nhiều lời, và tán ra quá rộng.

Thứ hai, đúng là hồi trước (1957-85) viết thế đã bạo, nhưng nhìn chung vẫn ngây thơ quá, bây giờ đọc lại thấy buồn cười.

Còn như bây giờ, dám đứng ra mà ca ngợi những kẻ lạc lõng thất bại, kể cũng đã là một cái gì khá hơn trước. Nhưng chỉ đến một thứ văn đọc được thôi, không thể gọi là có tầm triết lý gì cả.

Những thứ văn ấy không đạt đến tầm cỡ khiến nước ngoài người ta thực sự phải quan tâm nên không ai người ta muốn dịch. Cũng như không thể cho thời sau đọc - trừ những người học muốn đọc để hiểu thời này.

Suy cho cùng, Nguyễn Khải vẫn chỉ có thể gọi là người có năng khiếu, có tài. Nói thế là đủ.

Khải không phải là người theo đạo nhưng nói về đạo thấy được lắm ông ấy sống với người có đạo một cách kỹ lưỡng thấm thía như người có đạo thật vậy. Nhưng từ chuyện về đạo để nói về một cái gì khác thì chưa có.

Cũng như vậy, tôi nhớ những lần Khải đến chơi, ông kể những chuyện ông quan sát được, thấy rất hay. Nhưng đấy vẫn chỉ là người nói chuyện hấp dẫn, không thể gọi là sâu sắc, theo nghĩa đúng của chữ ấy.


Nghệ sĩ và thời đại

Những người thông minh quanh chúng ta nhiều chứ.

Nhưng thông minh lắm thì cũng đến như Chế Lan Viên, mang câu hỏi ta là ai, đánh tráo thành câu hỏi ta vì ai, để động viên mọi người chiến đấu.

Qua Nguyễn Khải, Chế Lan Viên -- lại vẫn phải nghĩ về thời đại. Cái thời nó làm cho mọi người làm văn nghệ chỉ có một cách nghĩ như vậy.

Rồi các lãnh tụ văn nghệ cũng không thể nghĩ khác. Ông Tố Hữu thì thấm thía gì so với ông Nguyễn Chí Thanh mà dám nghĩ khác.

Nhưng tôi chỉ lạ là sự chuyển biến những năm đầu cách mạng. Sao cách nghĩ trước 1945 bị từ bỏ nhanh đến thế mà cách nghĩ mới, chỉ một vài năm đã ngự trị khắp nơi rồi. Ông Xuân Diệu, ông Nguyễn Tuân, đến ông Nguyễn Xuân Sanh đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà cũng thế nốt.

Tôi đã đọc bài Nguyễn Đăng Mạnh viết về Nguyễn Đình Thi trong Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của các nhà văn. Tôi thấy anh Mạnh hơi bất công ở chỗ anh không thấy sức ép của thời đại lên mỗi người. Người ở càng cao, thì ép càng mạnh.

Trong các ông giáo sư của ta bây giờ, tôi rất phục ông Trần Đình Hượu. Một lần tôi được nghe ông ấy nói về Đông Kinh Nghĩa Thục thấy ông ta kết luận:

- Về tinh thần yêu nước, thì chúng ta bây giờ chưa chắc đã hơn các cụ. Các cụ hồi ấy ghê lắm, nhiệt huyết lắm.

- Chỗ giống nhau giữa Đông Kinh Nghĩa Thục với ta là các cụ cũng nói đổi mới, cũng muốn làm mới mình, nhưng mới là gì, thì không biết.

Thế còn Từ Chi? Đọc ông ấy, thấy có duyên lạ. Nhưng một con người uyên bác và hóm hỉnh như thế sống như thế nào. Tôi nghe người ta kể, ông nhận xét về Đào Hùng "cái chết của hắn là ở ngay cơ quan làm cái chuyên môn về sử". "Tức là muốn tồn tại được, anh phải ở cái cơ quan nó làm nghề khác anh". Nghĩ kỹ thì thấy cả xã hội thù ghét người làm chuyên môn, thật buồn cười quá.

Lắm lúc nghĩ ngợi một hồi tôi chỉ còn chốt lại cái ý: cái thời đại này nó mới ghê chứ, nó nghiền nát bao nhiêu người. Đến cả loại như Nguyễn Tuân, nó cũng không tha cơ mà. Mà Nguyễn Khải muốn vượt lên được, muốn khẳng định được mình, thì cũng phải biến dạng đi, thay đổi đi, có khi không còn là mình nữa.

Chắc anh còn nhớ, hồi 1974, Nguyễn Khải viết một loạt bài trên báo Nhân Dân, rồi bị phê bình. Gặp anh ấy ở nhà Thiết Vũ ra, tôi hỏi thăm vài câu tôi nhớ Nguyễn Khải có nói mấy câu, mà phải nói ta không bao giờ tôi quên nổi:

- Ông xem loại người như tôi, ơn vua lộc nước đầy mình, tôi viết thế tức là tôi nịnh chứ. Vậy mà nịnh không nổi, hoá ra nịnh cũng khó lắm.

Tức là thế nào? Tức là ông Nguyễn Khải ông ấy rất hiểu cái vị thế của ông ấy, ông ấy làm mọi việc trong sự kiểm soát của lý trí.

Cái năm ấy, vụ Trần Việt Phương nổ ra trước, vụ Nguyễn Khải tiếp theo sau, tôi nhớ ông Tố Hữu ông ấy nói ý như thế này, Trần Việt Phương là một thằng điên, còn Nguyễn Khải ông ấy gọi là một thằng xỏ lá (Mà ông Tố Hữu nói, tức là Đảng đã nói)

Nguyễn Khải biết cái khó của Nguyễn Khải lắm!

Tôi nhớ năm ấy ông ấy viết xong Cách mạng, muốn nhờ Trần Phương đạo diễn. Tôi thì cũng chả phải xin việc, nhưng cũng thành thật hỏi sao ông không gọi tôi. Anh biết ông ấy trả lời sao không:

- Thế này ông Nghi ạ, tôi cũng sắc mà ông cũng sắc. Hai thằng sắc sảo cả gặp nhau thì sập tiệm. Tôi phải gọi Trần Phương cho nó nhoè đi, tù đi, may ra mới diễn được.

Qua chuyện này tôi nghĩ với Nguyễn Khải, trước hết viết phải đúng, kịch phải diễn đã.


Thời đại làm cho con người thay đổi nhiều quá.

Vào khoảng những năm 60, có lần tôi đi xe đạp, đâm vào một người khác, tức rõ ràng tôi có lỗi. Nhưng vì tôi ngã, tay đau quá, nên cứ đứng vẩy vẩy cái tay thế này, sau mới đến bên ông ta xem sao. Chưa kịp nói, đã nghe ông ta hỏi luôn: Anh đau lắm à.

Sau đó hai người cùng buộc lại gói hàng của ông ấy.

Lúc ấy, như thế là chuyện bình thường.

Đến những năm 70, đâm vào nhau, chỉ văng ra một câu : mắt mù à?

Bây giờ thì chửi nhau ngay được.

Thế tức là bản chất con người không đổi, họ chỉ bị cuộc sống làm cho hư hỏng.

Về sự cam chịu. Phải thấy nó có giới hạn. Như tôi, lúc đầu tôi chỉ tự dặn thành tâm làm việc và thấy không được hưởng lương xứng đáng thì buồn… Sau tôi bị quên nhiều quá, thấy mình so với mọi người thiệt quá, chịu không nổi, đến mức tôi phải viết thư lên ông Vũ Khắc Liên. Và thế là ít lâu sau, tôi được lên lương, đúng như đáng lẽ phải vậy.



CÁC THẾ HỆ -- CÁC TÍNH CÁCH

Lại nói chuyện các ông tiền chiến. Lúc tôi vào nghề, tôi hơi ngợp trước cánh các ông ấy. Rồi tôi chứng kiến sự vớ vẩn của Nguyễn Xuân Sanh, sự đóng vai cán bộ tài ba của Tô Hoài, sự thảm hại của Thanh Tịnh, sự thảm hại hơn nữa của Đoàn Phú Tứ, thì tôi mới bình tĩnh trở lại được.

Những ông văn nghệ trẻ, thì lại có võ riêng; và cái tài riêng.

Đặng Đình Hưng phụ trách văn công, nhân danh một nhạc sĩ. Nhưng Xuân Diệu ghét Đặng Đình Hưng lắm. Nhạc sĩ gì mà chẳng có một giai điệu nào người ta nhớ được. Ấy thế, nhưng cái võ của Đặng Đình Hưng thì thật tài, đánh nhau với Học Phi mãi. Một người như Thái Thị Liên lúc ấy ở Tiệp về, phục Đặng Đình Hưng sát đất.

Còn Thuý Thuý, lúc ấy là diễn viên văn công. Mặc dù biết Lê Đạt đã có vợ rồi (một cố nông), song vẫn mê Lê Đạt như điếu đổ. Dĩ nhiên, loại người được ông Trường Chinh lấy về văn phòng của mình như Lê Đạt là rất thông minh. Lê Đạt có lúc đã nhận Trường Chinh là một nhà chính trị vĩ đại. Thuý Thuý bảo, chỉ có 2 Lê mà em thích đọc, là Lênin và Lê Đạt. Còn Lê Đạt cũng tự nhận là thơ tao hay như thơ Đường.

Lê Đạt là loại người nói về ai xong thì vỗ đít đứng dậy không cho người ta nói lại nữa.

Đoàn Phú Tứ là người blaser (có nghĩa là chai sạn trơ tráo) theo đúng nghĩa của chữ ấy trong tiếng Pháp. Ông Tô Hoài bảo bạc ác, là đúng đấy. Tôi nghe kể, lúc ở phố X, phòng ông ấy cạnh phòng một tay có con chó. Ông Tứ hay đi chơi khuya mà con chó cứ thấy người khuya khoắt còn khua giầy trên cầu thang là nó sủa ầm lên. Tay hàng xóm cự, ông Tứ cãi lại:

- Toa có vợ, toa ở nhà, ngủ với vợ. Moa không có vợ, moa phải đi ngủ với vợ người ta, nên về muộn, không thể vì chiều con chó của toa mà cấm moa đi chơi khuya được.

Trong câu nói ấy, hàm ý xỏ ngầm nên tay kia đành im.

Ông Tứ là loại đi ngủ lang với vợ người ta, bị bắt quả tang, còn bình tĩnh ngồi dậy cài cúc quần, và bắt tay nói chuyện cơ mà.

Một lần, Đoàn Phú Tứ đứng đái, nói với người khác:

- Mình nhìn cái cu của mình, thấy nó còn thông minh hơn mặt khối thằng khác.

Cái lần ông ấy dự đám cưới Trần Du Châu, rồi bị một cái tát, không phải là căm ghét kẻ lãng phí đâu, mà là nói ngang nói bậy gì đấy, nên mới bị người ta trị.

Tuy nhiên, lại cũng phải nhận ông Tứ là người làm cái gì cũng nổi, sáng chói, rực rỡ hơn người.

Tôi nhớ có lần chỉ quanh chuyện chơi sách thôi, ông ấy nói với tôi hai tiếng đồng hồ liền, thú chơi sách có từ bao giờ, chơi sách da thế nào, chơi sách in thế nào, chơi sách cũ ở Tàu, chơi sách cũ ở Tây.

Ông Tứ không thích Phan Khôi, nhưng lại đối xử rất khéo, đến mức Phan Khôi không nhận ra.

Vả chăng, Đoàn Phú Tứ khiến cho nhiều người biết ông không ra sao, nhưng không ghét nổi. Ví như, quanh năm, ông ấy rạc dài không làm gì - trong khi đó, Phan Khôi nghiên cứu rất nghiêm túc. Nhưng đến lúc báo cáo công việc, thì ông ta lại trút ra được một bài viết mà ai cũng thấy là có khía cạnh rất sắc sảo.

Nền văn hoá cũ, dạy người ta rằng người trí thức phải có sự ngượng, chữ Pháp nó gọi là pudeur.

Trong công việc, chữ này có nghĩa là sự liêm khiết. Tức là anh chỉ nói những điều anh suy nghĩ kỹ thôi. Không xoáy của người khác đã đành, cũng không nói những điều ngẫu nhiên, sàm sỡ.

Hồi chỉnh huấn ở Việt Bắc, ông bố tôi dẫn lại một câu của đạo Thiên Chúa.

- Giữ lấy sự khiêm tốn trước Chúa để giấu đi sự kiêu ngạo trước con người.

Theo ông giáo lý của đạo rút lại chỉ dạy người ta như vậy.

Câu đó, không phải ai cũng hiểu ngay được đâu.

Các cụ trước có những ý tưởng thú vị lắm. Ví dụ, cái câu tiếng Pháp mà người ta vẫn dịch: Tôi tư duy vậy tôi tồn tại. Ông Hoài Thanh ông ấy lại cho là dịch thế này mới đúng: Ta tư cảm, vậy thì có ta.


Anh nên nhớ, tôi là dân đạo. Có nhiều từ trong tiếng Việt, đến người đi đạo mới dùng được trọn vẹn. Như là chữ thương khó chẳng hạn, phải có nó mới dịch được đúng chữ passion của Pháp (passion không phải chỉ có nghĩa là dục vọng)

Chữ song le, là do mấy ông cha cố đặt ra?

Chinh phụ ngâm có câu Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng? chữ có hay quá còn gì.

Nhưng thần tình nhất là cái cách người ta dùng chữ mà. Bao giờ cũng chính xác

(Nhàn: Có lẽ là người Pháp, văn hoá Pháp --và phương Tây-- đã dọi vào tiếng Nôm một thứ ánh sáng khác, mà trước đây, bằng nguồn ánh sáng chữ Hán, ta không thấy.)

Tôi có đọc cái ý cô Phạm Thị Hoài chê tiếng Việt, tôi cho như thế không được. Anh cứ đi vào nghiên cứu tiếng Việt mà xem, anh sẽ rất mê.

Cái này, thì tôi nghiệm ở mình ra. Nghiệm qua những dịp làm việc với người nước ngoài.

Ví dụ, có một thằng Đức, cho nó đi xem trích đoạn chèo, nó không thích lắm đâu. Xem tuồng thích hay không, cũng tùy từng người (có nhiều ngưòi chê tuồng nói nhiều quá, tức là ồn quá. Cùng một lúc bắt người ta phải tiếp nhận nhiều thứ quá. Đến thằng Đức, tôi vừa nói, nó cũng không thích.)

Nhưng trước lúc về, dẫn nó đi xem Kim Nhan, thì nó bàng hoàng. Và về Đức, nó viết rằng, nó cảm thấy có lỗi, khi không biết rằng có một nền nghệ thuật như vậy tồn tại.

Còn đây là lời một người Pháp nói về chèo: đó là một nền sân khấu có nhiều điều để nói (còn nói gì thì tôi không biết)

Như thế, tức là khen chứ gì?

Về một kiểu tư duy. Có những người, như ông Đình Quang đầu óc của dân biên soạn, nhưng óc cán bộ nặng lắm. Điều ông ấy không biết, tức là không có ở trên đời. Điều gì ông ấy không làm, tức là người khác không được làm. Còn điều gì ông ấy không nói, mà người khác nói, tức là sai. Ấy vậy, mà ông ta cứ đi lập thuyết cứ đi giảng giải, và không biết ngượng trong việc nhắc lại những ý của người khác.

Có lần, tôi nghe anh em xuýt xoa khen anh Đình Quang nói hay lắm, anh ấy bảo mỗi người phải có cái kinh phúc âm của mình, tức là điều mình tin, và mình luôn luôn trở lại. Ờ, hay thật, nhưng tôi biết rằng đấy không phải là điều ông ấy nghĩ ra mà là một câu trong sách.

Cũng lạ lắm, là một người như Lưu Quang Vũ, rồi cũng lấy trong sách ra để làm ý của mình. Chẳng hạn, trong vở Thằng cuội, Vũ để cho một cậu tán người yêu, nhưng chỉ đứng đấy thôi. Chính ra là cuội tán hộ.

Đây cũng là chi tiết nước ngoài họ viết rồi.

Tôi có bảo Vũ là bỏ đi nhưng Vũ không chịu.

Tô Ngọc Vân ư, đấy là một nhà văn hoá, viết rất hay, mà nói cũng giỏi (nên nhớ ông từng đi dạy học)

Tôi đang ngồi với ông Tô Ngọc Vân thì nghe Dương Bích Liên lên trả bài. Tô Ngọc Vân ngắm nghĩa một lúc rồi gật đầu. Khá lắm. Phác thảo chì mà trông đã ra màu rồi. Về lên màu đi.

Dương Bích Liên mang về lên màu, rồi lại đưa ông xem. Lần này ông Vân lắc đầu:

- Bây giờ thì chả còn ra màu gì với màu gì. Đơn điệu.

Tôi phải thắc mắc, tại sao hôm qua phác thảo chì thì có màu, mà hôm nay, có màu rồi, thì lại không thấy màu gì. Ông lại ngồi giảng cho tôi một lúc.

Nhân đọc bài Một hồ sơ nhỏ về Đốt của anh, tôi lại nhớ cái lần tôi tiếp xúc với Tội ác và trừng phạt. Đọc trong lúc nào anh có biết không? Lúc tôi vừa ốm dậy. Một đợt ốm kéo dài, cứ hai ngày lại một cơn sốt rét rung cả giường. Ông bố tôi ở với cơ quan cạnh đấy, thấy tôi đọc Đốt, tỏ ý băn khoăn ra mặt.

- Thứ này đọc hại đến tinh thần người ta lắm.

Và ông hỏi thêm.

- Đọc đến đâu rồi.

- Đọc gần hết.

Ông nghĩ một lúc:

- Thế thì phải có thuốc giải độc.

Và ông gửi sang một quyển sách khác. Quyển gì anh có biết không? Không, không một cuốn tiểu thuyết Xô viết nào làm được việc đó, mà phải là Anna Karénina.

Lại nói chuyện Đốt. Có lần, trong kháng chiến, tôi được nghe đám cán bộ con nhà tương đối trong xã hội cũ, kể về những độc ác của họ, nghe xong rùng rợn cả người: may mà mình không đến nỗi như thế.

Nghĩ xong, lại thấy phục ngay ông Đốt. Là vì trong một tiểu thuyết nào đó, ông đã kể cái trường hợp một người bị xe kẹp, mọi người xúm đến xem và trở về ai cũng hoan hỉ, may mình không việc gì.



Về Phan Khôi

Ông Phan Khôi hồi kháng chiến được trọng vọng lắm. Nhà học giả mà. Đọc nhiều. Phan Khôi không bao giờ thèm cóp ở người khác, lý do vì ông ta cảm thấy đã viết là phải viết cho độc đáo.

Nhưng mà nghe kể thì thì Phan Khôi cũng ăn chơi lắm. Ăn chơi độc đáo như làm nghiên cứu độc đáo ấy

(Phan Khôi cũng chê Ngô Tất Tố là không sạch nghĩa lý thánh hiền, học chưa đến nơi đến chốn).

Phan Khôi dạy tôi từng chữ Hán một. Nhân đọc quyển sách có cái tên Như Tây hành trình nhật ký, tôi hỏi ông như là gì, ông nói ngay như là đi. Bản thân ông học chữ Tây theo kiểu đó. Nghĩa là cứ lấy tự vị ra mà học. Thành thử kiến thức của ông -- cộng giữa sách Tây và sách Tàu, giữa tự học và quan sát thể nghiệm -- thành một tổng thể lạ lắm.

Hai bác cháu đang đi ở đường, thấy một người phụ nữ rửa chân.

- Nghi trông kìa. Sau có lấy vợ, chớ nên lấy loại người có bắp chân như thế kia, khó có con.

- Sao bác biết?

- Sách Tàu họ viết thế.

Ông tin cả vào những sự thật lẩn mẩn, ví như đá có thể nở, đá chôn xuống đất, đỡ cho các cột nhà, sau lấy lên, thấy nó nở ra.

Lần này thì tôi không chịu. Tôi bảo, trừ việc đá ngâm nước không kể, chứ đá làm sao nở được. Căn bản là bác có đo đâu, đo khi chôn nó xuống, đo khi đào lên, mà phải đo thật chính xác cơ. Người ta hay bị cảm giác đánh lừa lắm.

Đến lượt Phan Khôi ngạc nhiên:

- Cháu học cái này ở đâu?

- Ngay trong những cuốn sách ở lớp sơ đẳng tiểu học đã có những mẩu chuyện dạy người ta phải thận trọng quan sát thực tế.

Và tôi dẫn ra vài mẩu tôi còn nhớ.

Hình như Phan Khôi ngán luôn, ông không bao giờ được học như thế.

Phan Khôi thường tự hào, ông làm báo đã thành tinh, bảo viết mấy cột cũng được. Ví dụ bây giờ báo thiếu bài, cần một bài ba cột. Thế là ông viết không thừa một chữ. Đến khi họ lại đến nhăn nhó, hoá ra họ chỉ cần có 2 cột thôi, ông không nói gì, lại ngồi cắt tỉa, còn đúng có hai.

Nhưng khi phải làm chủ báo, thì ông lại đủ mánh khoé, để báo có bài và câu thêm được người đọc.

Ví như năm ấy, có lần trên mục nhắn tin, thấy năm lần bảy lượt mời ông Nguyễn Xuân Huy đến toà soạn chữa một câu thơ. Rồi đến cái quảng cáo, sắp tới bạn đọc sẽ được đọc bài thơ chẳng kém gì Trường can hành của thánh thơ Lý Bạch. Đến số sau, bài thơ mới được in ra.

- Bài thơ hay đến thế hay sao?

- Làm gì có. Nhưng phải làm thế cho bạn đọc người ta chú ý. Cũng chẳng vì thế mà mất uy tín, vì các đồng nghiệp già dặn trong nghề đều biết thừa đầy là cái mẹo làm báo của bác, chứ làm gì bác không biết bài thơ xoàng đến mức nào.

- Phục nhất thằng Pháp, cái lần mình dịch cho nó quyển Kinh Thánh, và in ra, nó liền mở một cuộc thi-- thi xem trong bản in Kinh Thánh này còn bao nhiêu lỗi mo-rát.

Làm thế, vừa để người ta đọc Kinh Thánh, vừa bán được sách, mà tiền bỏ ra sẽ chẳng thấm gì với tiền quảng cáo cả.

Tôi đồng ý với anh là Phan Khôi khác, Lỗ Tấn khác. Phan Khôi thông minh sắc sảo, nhưng cái phần yêu nước thương dân, lo đời lo người, thì ông không có dịp biểu lộ ra như Lỗ Tấn.

Tôi nhớ một lần tản cư đến làng X. một người nông dân tỏ ý ái ngại mấy cụ già Phan Khôi, Ngô Tất Tố… quá vất vả.

- Thời buổi loạn lạc nên các cụ mới phải lặn lội mưa gió thế này.

Phan Khôi chữa lại ngay:

- Sao lại bảo là thời loạn? Giờ là thời thịnh trị chứ. Có thịnh trị thì toàn dân mới theo cụ Hồ đánh Pháp.

Thực ra, đây là trích đoạn trong một vở kịch, ông ấy đọc được và nhập vai lại. Nghe kể, ai cũng khen là sâu sắc.

Ông Nguyễn HuyTưởng có bài thuật chuyện đi mặt trận, Phan Khôi nổi lên như một tấm gương, cũng là đúng đấy.

Nhiều lần khác Phan Khôi cũng phát biểu cảm động lắm. Nhưng thú vị là ở chỗ, có lần nghe những phát biểu loại này, khi về phòng, nghe tôi khen, ông chỉ tự nhận:

- Đã nhận com măng, cũng phải làm cho đến nơi đến chốn.

Tôi mang chuyện này kể lại cho bố tôi, thì ông (Thế Lữ) bình luận:

- Cái tật của người trí thức vẫn thế - làm xong - làm một việc tốt- xong lại cứ hơi xấu hổ, và phải bảo rằng nó không ra sao.

Tôi là người học theo trường dòng, từ nhỏ, tôi sống với đạo Thiên Chúa, nên bảo tôi trình bày về đạo này rạch ròi, tôi không trình bày nổi, nhưng ai nói sai tôi biết ngay. Ông Phan Khôi đối với đạo cũng như thế -- chữ đạo theo nghĩa rộng nghĩa là giáo lý thánh hiền.

Ông kể, cái hồi phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim, ông tức lắm, vì nhiều chỗ hiểu bậy quá, không đúng.

- Thế sao cháu nhớ là bác còn ưu ái lắm cơ mà.

- Thì dẫu sao đây cũng là lần đầu tiên, có người nói kỹ về đạo Nho như vậy.

Tại hội nghị văn hoá toàn quốc 1948, Phan Khôi lên đọc báo cáo về dạy văn pháp (ngữ pháp). Quay trở về chỗ ngồi, nghe Nguyễn Lân bảo "Thì ở trường trung học, chúng tôi vẫn dạy học trò vậy"

Phan Khôi im, không nói gì cả.

Có lần, tôi (VTN) đọc bài Yến Lan viết năm 1956, về vụ giải thưởng 1954-55, trong đó nói rằng ông Phan Khôi cũng lèo lá, ông là thành viên Ban giám khảo giải mà lại không đọc quyển nọ quyển kia, thế thì còn ra sao. Hình như trong việc này, Phan Khôi cũng hơi lươn lẹo chăng?

Nguyễn Đình Nghi: Không, Phan Khôi không thế đâu. Nói chung là hồi đấu tranh chống Nhân văn, người ta ăn không nói có nhiều lắm. Bản thân Bửu Tiến có lần viết Phan Khôi đi theo cách mạng cơm trắng có, cơm đen có. Tôi ở với Phan Khôi làm gì có chuyện ấy!

Hoặc như Đào Vũ kể rằng Phan Khôi trong kháng chiến, ở nhà đồng bào đái ra cả nhà họ. Thực ra câu chuyện như thế này.

Lần ấy Phan Khôi ốm, ốm đến mức đêm dạy buồn đái quá, mà không xuống thang được, phải đái ngay vào cái cột nhà sàn, để nó chảy xuống tầng dưới.

Nhưng lão chủ nhà người Thổ mà quá khôn ngoan, thấy Phan Khôi ở nhà mình không mang lại lợi gì, lúc ấy đã nhiều phen khó chịu, nhân chuyện ấy của Phan Khôi, mới làm ầm lên, để mọi người biết, mặc dù Phan Khôi đã xin lỗi cẩn thận.

Đọc văn, anh không thể tưởng tượng được rằng Phan Khôi là một người đa tình. Hồi ông bị giam trong một công đường (chứ không phải trong khám), ông còn tán được cô vợ lẽ tay tỉnh trưởng cơ mà. Lạ nhất là sau đó, ông bị một tốp thanh niên đuổi đánh, phải chạy trốn. Thì ra bọn họ tán mãi không được cái cô vợ lẽ ấy (!)

… Như tôi đã nói ở trên, lúc trẻ, ông chơi kinh khủng. Tức là ông vẫn thuộc dòng nhà nho tài tử. Bảo ông là học giả không hẳn đúng. Trong ông có một lãng tử.

Còn nhớ, lúc tôi được gọi sang Trung quốc học, Phan Khôi tận tình khuyến khích tôi đi bằng được.

Lúc tôi viết cho ông một lá thư bằng chữ Hán, ông cảm động lắm, viết ngay thư trả lời mà đầu tiên là Thân ái đích Nguyễn Đình Nghi điệt tử viết bằng chữ Hán.

Rồi ở đoạn dưới - viết bằng quốc ngữ - ông bảo rằng nhận được thư tôi, ông đã viết ngay dòng chữ Hán đó, nhưng nghĩ mãi không biết viết tiếp bằng chữ Hán ra sao, mới phải dùng chữ quốc ngữ.


Mấy nhân vật khác

Ông Vũ Ngọc Phan thì chán lắm. Tôi còn nhớ như in cái đêm Nguyễn Tuân từ Khu 4 ra, kể chuyện lên lớp cho lớp văn hoá khu 4, Vũ Ngọc Phan nói nhạt như thế nào, và để ví dụ Nguyễn Tuân dẫn ra những câu chuyển đoạn của Vũ Ngọc Phan: "Bởi vì thế cho nên mới thấy lý do rằng thì là"

Và người ta tổng kết, Vũ Ngọc Phan có tài biến những cái hay thành cái nhạt.

Còn tôi, tôi cũng có kinh nghiệm riêng về cụ Phan An na Kha lệ ninh thì không nói làm gì, ngay đến Đảo giấu vàng (Châu đảo) mà tôi đọc bản dịch cũng không thể chịu được, phải tìm nguyên bản.

Ông Nguyên Hồng với tôi còn có họ đấy chứ, tôi phải gọi bằng chú. Hồi nhỏ, tôi đã yêu ông chú ấy, hồi kháng chiến, đi với ông, tôi còn thỉnh thoảng cấu vào vai ông, chỉ sợ không thật, sao mà lại có người thông minh thế này.

Sau mới phát hiện ra là ông ấy ít học và có nhiều chuyện nhớ lẫn, song lại nói rất cảm động, thành ra cứ như là người nói dối.

-- Nhân nói đến Bửu Tiến, và cái bài phát biểu của Bửu Tiến tại một đại hội nhà văn (không được đọc, nhưng sau 1-2 tờ báo nào đó, khui ra, đăng lại), Nguyễn Đình Nghi kể một lô một lốc các chuyện liên quan đến ông này.

Đúng là ông ta có họ với hoàng tộc đấy, nhưng chỉ là xa xôi thôi.

Chính ông kể cho ai đó, rằng ông làm thợ may ở Huế, được vời vào cung, may áo cho Nam Phương hoàng hậu, ông ấy còn mang theo một quyển sách tiếng Pháp, rồi bà hoàng hậu mới hỏi rằng ông cũng đọc sách này cơ à, hai bên đàm thoại bằng tiếng Pháp làu làu cơ mà.

Đấy là một người ác khẩu, chỉ một ví dụ này đủ biết.

Có một câu làm vở kịch gì đấy, mời ông xem, ra về hai bên đi nói chuyện.

"Vở này tốn kém nhỉ"

"Tiền nong không nói làm gì, nhưng anh thấy chất lượng ra sao"

"Thì mình đã nói: vừa tốn vừa kém"

Có lần, ông đọc vở, rồi mọi người góp ý kiến, trong đó có cả Thế Lữ. Sau ông kể lại với tôi.

"Mọi người nói khá hay, nhưng tôi nhớ nhất lời ông bố cậu"

"Ông ấy nói như thế nào"

"Vở kịch được viết chặt chẽ quá, đến mức không cựa được".

Được cái khi cần bướng với cả cấp trên. Chính Bửu Tiến là người dám nói với Tố Hữu (có lẽ cũng là người Huế, nên họ biết vở nhau)

- Ông nên để ý tới cấp dưới một chút, chứ dạo này sách giáo khoa toàn thấy giảng thơ ông đấy.

Tôi không có ấn tượng gì đó đặc biệt về Kim Lân, chỉ nhớ nhất là ông ta cũng tinh nhạy lắm. Có lần ông ta chấp bút làm một vở gì về ruộng đất, lấy tên là Nông dân vùng lên. Tôi đang phụ trách đánh máy ở cơ quan, ông đến gần và bảo:

- Có to quá không?

Tôi tưởng là ông ấy có nhận xét gì về kỹ thuật, song hoá ra ông ấy băn khoăn về nội dung. Thế là người cũng nhạy đấy chứ.

Nhưng ông này có cái lạ, là có gì không biết, là lảng.

Và tôi cảm thấy ở ông ta cũng có cả một nụ cười chế giễu thường trực.

Loại người như Tô Hoài, nói về thi đua rất hay. Đại khái ông ấy bảo nói yêu nước thì ai cũng như ai. Song chỉ căn cứ vào thi đua mới biết ai yêu nước hơn ai. Tức là một cách để nói rằng thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua.

Tôi cũng sợ ông Tô Hoài về cái tính hay chế giễu. Tôi phụ trách báo tường, đến bài ông ấy viết là ngại lắm, cứ mủm mỉm cười mà hoá ra từ chối.

Có người hỏi Tô Hoài mực tím làm bằng gì, ông ta mới chỉ cho tôi, hỏi cậu Nghi đây này, và tôi thì tôi biết bản chất của mực tím thật - nó là một thứ khoáng chất. Nhưng trong cái nhìn của Tô Hoài, cứ thấy một thoáng giễu cợt, có mỗi chuyện vớ vẩn ấy mà cũng để ý.


CÁI KHỔ CỦA NGƯỜI LÀM VĂN NGHỆ.

Hồi kháng chiến lúc đầu ông Tố Hữu lúc đầu ở với anh em, gần lắm. Những hôm liên hoan, ông hay ngâm Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm của Xuân Diệu. Và ngày thường cũng ngâm nữa. Nguyễn Đình Thi than, quái, cái giọng Huế của thằng ấy, nghe sao cảm động thế. Một lần mặc soóc, lại lơ - vê, anh em còn trêu, ái chà, hôm nay anh lại có mốt mới.

Quan chức đến với ông bắt đầu từ khi ông được thay Trần Văn Giàu, làm Tổng giám đốc đài phát thanh. Rồi vào Trung ương (Nguyễn Đình Thi kể với tôi trong lần gặp ở Moskva: mình viết cho Tố Hữu cái báo cáo, để ông ấy vào Trung ương –VTN chú). Cứ thế mà Tố Hữu to mãi lên. Trong chỉnh huấn, ông Hoài Thanh bảo: Nói ra thì cũng được thôi, nhưng anh em chỉ nghĩ rồi Đảng sẽ nghĩ về mình ra sao, anh Tố Hữu sẽ nghĩ về mình ra sao.

Ông Lành cũng là người vừa khít với cái yêu cầu mà lãnh đạo mà cuộc kháng chiến chống Pháp đòi hỏi -- một người rất thông minh trong tổng kết, một người giỏi che chắn, một người dám phũ phàng.

Đến đầu hoà bình cũng vậy.

Cái lần ấy vở Voòng Dìn bị đánh, Hoài Giao tức lắm. Nhân có buổi Tố Hữu nói chuyện ở báo Nhân Dân, Hoài Giao cũng ngồi đấy. Hoài Giao nói lửng lơ, đề nghị anh Tố Hữu nói hay hay vào. Ông Tố Hữu trừng mắt ngay:

- Tôi không biết nói hay, tôi chỉ biết nói đúng.

Chính là Tố Hữu chủ trương phải đưa công nông vào văn nghệ. Không cần chuyên nghiệp. Ai có tinh thần phục vụ, người đó sẽ có tài. Hồi đầu hoà bình, toàn đề cao mấy diễn viên như Thuý Thuý vợ Lê Đạt là vì vậy.

Có thể mọi chuyện do ông Nguyễn Đình Thi nghĩ ra. Nhưng Tố Hữu thì làm đến cùng.

Hồi đầu chống Mỹ, có vở Đôi bạn của Thanh Hương, Mạnh Linh đạo diễn. Ý của người làm vở mới nhấn mạnh một chút gọi là số phận cá nhân. Tố Hữu nói ngay: không có số phận cá nhân gì cả. Bây giờ vấn đề đặt ra là số phận dân tộc ra làm sao. Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí - đến trong tình yêu cũng phải vậy cơ mà.

Chắc anh thừ hiểu chính những lần mang vở lên cấp trên duyệt lại để trong lòng mình những ấn tượng rất đậm. Ấn tượng về chính con người các ông ấy.

Hồi tôi làm Hình và bóng, Tố Hữu ghét lắm. Ông Thế Lữ gọi tôi lại, giới thiệu. Tố Hữu nhận ra ngay ( vì ông ấy với mình cùng cơ quan hội văn nghệ như trên đã nói). Sao Nghi trẻ thế. Thưa anh, tôi không còn trẻ nữa, bốn mươi tuổi rồi. Thế vợ con ra sao. Cảm ơn anh bình thường. Tình cảm đâu vào đấy. Thế nhưng phê phán Hình và bóng thì rất căng. Tôi cãi lại. Ông ấy không chịu. Báo cáo anh, tôi xin về. Ừ, Nghi về nhé. Cho hỏi thăm vợ con nhớ, lại tình cảm như thường. Sau Hình và bóng, tôi làm Âm mưu và tình yêu. Tôi chỉ muốn lưu ý trong đó cái nồng nàn của con người. Cái nồng nàn mà tôi thấy là ở ta, do hoàn cảnh chiến tranh, không có. Vở diễn cũng bị một ông phó bí thư tỉnh uỷ phản đối và phải nhờ ông Lê Văn Lương can thiệp mới ra được. Ông Tố Hữu sẽ khen cho mà xem, sau khi chê, phải khen, tôi nghĩ. Và quả nhiên, đúng vậy. Tôi đang hoá trang cho một diễn viên, thì một tay cán bộ Sở Văn hoá gọi. Làm cái gì mà ầm lên. Bỏ ngay, bỏ ngay, anh Tố Hữu gọi. Nhưng tôi còn cứ lần chần. Ông ấy đứng ở cạnh cầu thang để chờ. Ôm hôn thắm thiết lắm.

Tôi có một kinh nghiệm: đừng có sai về tổ chức là được. Các ông ấy sợ tổ chức. Còn như tư tưởng chả có gì là chắc chắn cả. Cãi lại rất dễ. Mà không cãi được, cứ im, cũng chẳng sao đâu.


Cố nhiên, cái khổ lớn nhất, là phải làm việc dưới sự chỉ đạo những người không biết gì về nghệ thuật ( anh em hay đùa là phải hầu hạ…).

Chẳng hạn, như một lần, ông Hà Huy Giáp tự nhiên vui chân đến thăm đoàn (văn công nhân dân Trung ương hay Nhà hát kịch?) và cũng tự nhiên nói chuyện với anh em.

- Các đồng chí làm nghệ thuật bây giờ phải đa năng, đấy ngay như Molière xưa cũng rất đa năng, vừa làm đoàn trưởng, vừa viết vở, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên.

Chắc là cụ mới nghe ai nói ở đâu đó, thú quá, nên nói ngay. Mà các ông ấy đã nói thì bọn trợ lý dễ biến thành chỉ thị lắm.

Tôi phải thay mặt anh em mà nói lại một cách rất nhã nhặn. Rằng đó là chuyện ngày xưa, chứ bây giờ, người ta được chuyên môn hoá cao độ. Rằng tiếng là làm đủ thứ thế, nhưng cái còn lại ở Molière chỉ là viết vở, chứ còn các mặt kia, có thấy nói gì đâu.

Đại khái nói một lúc, nói thật khéo nhưng cốt để ông ấy quên đi.

Còn đây, là một kỷ niệm về Hình và bóng với ông Bửu Tiến.

Thông qua ở trên bộ, ý kiến rất khác nhau, tới mức ông Mai Vy phải bảo: " Thôi, đến nước này, bộ chịu đấy, phải đi mời cấp trên thôi"

Mời ai bây giờ, có thể là ông X.(?), ông Trần Quang Huy, mà có thể là ông Hoàng Tùng. Anh em bàn nhau, các ông kia quyn-tuya si noa, quyn -tuya xô viết, khó chơi lắm, mời Hoàng Tùng quyn- tuya frăng xe thì hơn. Hoàng Tùng nhận lời.

Tôi được phân công nói lời dẫn giải.

- Thưa các đồng chí, các đồng chí sắp sửa có ý kiến quyết định không chỉ đối với một vở kịch, mà là với lao động nghệ thuật và niềm vui nỗi buồn của hơn 70 con người, những người lao động tận tình, tâm huyết những người luôn luôn muốn phục vụ nhân dân, mang lại thưc ăn tinh thần cho nhân dân, những người ghi nhớ đến tận đáy lòng lời chỉ giáo của Gorki” Phải nắm vững ngôn từ như một sinh vật trong lòng bàn tay của mình, và phải làm sao để khi thả nó ra, sinh vật đó vẫn phập phồng sống động.”

Bửu Tiến bảo tôi: Nói thông minh và lễ phép lắm.

Sau đó, đến những màn quan trọng tôi lại cho dừng lại ra thưa trước:

- Sau đây đến đoạn quan trọng nhất của vở. Ở đoạn này, chúng tôi đã tìm được 3 cách xử lý, sau đây, chỉ đưa ra một để các đồng chí xem và có ý kiến. Cũng phải nói ngay là trong 3 cách xử lý này thì cách sau đây, theo chúng tôi là vừa bảo đảm chính trị, vừa hay, nghĩa là có nghệ thuật, còn các cách kia, thì nghệ thuật hoàn toàn bị vứt bỏ.

Ông Hoàng Tùng xem và không nói gì, tức không thấy sai. Đôi lúc, ông hỏi ông Hoàng Minh Giám, anh có thấy gì không, Hoàng Minh Giám trả lời rằng không. Thế là được.

Chỉ đến khi Tố Hữu chỉ thị xuống là đánh thì mới đánh.

Mà Tố Hữu không xem, chỉ đọc kịch bản.

À, ông Hà Huy Giáp lạ lắm. Có một vở của bọn tôi, ông ấy rất thích, đến khi một ông Bộ Chính trị bảo có vấn đề thế là ông lại quay ra phê phán.

Rồi đến lúc mấy ông ở Bộ Chính trị cùng xem và bảo không có vấn đề gì, thì là ông ấy lại bảo được.

Còn nhớ cái lần tôi với ông Nguyễn Đình Thi làm vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Lúc làm cũng hào hứng lắm, mà hào hứng nhất là giây phút cảm thấy rằng mình có vẻ như đã nắm được ranh giới, chỗ nào cần vươn tới, chỗ nào cần dừng lại.

Nhưng đến khi bị phê bình thì mới ngớ ra. Hình như mình không nắm được gì cả. Mà hình như ranh giới rất khó nắm nữa.


Một người, như ông Phạm Văn Đồng bao giờ cũng là người thích giữ thể diện (người theo đường lối của cái mặt - ông Nghi nói bằng tiếng Pháp).

Mới đây, có câu chuyện, gia đình Tú Mỡ lên tặng ông Đồng bộ sách Toàn tập Tú Mỡ. Nói chuyện linh tinh một lúc, ông Đồng bảo, anh em phụ trách bây giờ không làm được gì cho nghệ thuật, vì họ không phải người làm văn hoá.

Điều này, chính người con của Tú Mỡ nói với tôi.

Nhưng tôi (NĐN) lại ngẫu nhiên nghe được một ý do Ngô Thảo nói lại. Ngô Thảo kể rằng ông Đồng bảo không nên trách anh em bây giờ là không có văn hoá. Họ còn bận đánh giặc. Mình mà trách họ, thì chính mình mới là người thiếu văn hoá.

Cả hai cái ý này kết hợp lại mới tạo nên một cách nhìn nhận đúng.

Chiến tranh ghê lắm. Để chiến thắng phải sẵn sàng làm tất cả.

Không thể tưởng tượng được rằng sau khi nghe ông Lý Ban nói về thơ đầy tớ ở Trung quốc - ý nói thơ phục vụ công nông binh --, ông Tố Hữu, một người không phải là không bản lãnh, cũng bảo: Hay là ta cũng làm thơ đầy tớ.

Hoặc cũng không thể tưởng tượng được một người như ông Nguyễn Chí Thanh, ông ấy quyết đoán như thế nào. Hồi ấy, đã bàn nhau rằng có lẽ, không thể tính làm văn nghệ lớn, mà chỉ làm văn nghệ cho quần chúng là được.

No comments:

Post a Comment