Năm vừa qua thật là rỗi việc, là do tự ý mình muốn thế, nên đọc khá nhiều sách.
Dưới đây là danh sách đáng chú ý những quyển đã đọc, không nhất thiết theo thứ tự thời gian hoàn thành hay đánh giá theo thứ tự sách hay-không hay, chỉ đơn giản là sự liệt kê:
Sách dịch:
1. Sống để kể lại (Vivir para contarla), của G.G. Marquez. Quyển này mua từ năm 2005 nhưng đến tháng 3 vừa rồi rỗi rãi mới lôi ra đọc và phát hiện bản của mình lại mất một "tay" sách (từ trang 289-304) thế mới tức chứ. Đúng là nhà văn, có thể ghi nhớ đầy đủ, chi tiết mọi chuyện xảy ra từ rất rất lâu, như chỉ mới ngày hôm qua (cảm tưởng cũng giống như vậy khi đọc Hội hè miên man / A Movable Feast của E. Hemingway).
Mấy quyển khác cũng trong tình trạng trên, tức là mua về và năm trên tủ sách đã lâu, nhưng năm vừa qua mới có dịp hoàn thành việc đọc chúng:
2. Khúc quanh của dòng sông, của V.S. Naipaul, mua từ năm 2005.
3. Pháo đài trắng, của Orhan Pamuk, mua từ năm 2009.
4. Mùi hương, của Patrick Suskind, mua từ năm 2009. Quyển này, mình có bản tiếng Anh Perfume, tuy nhiên vì đã mua bản dịch sang tiếng Việt nên đọc bản tiếng Việt cho nhanh. Tuy là một international best-seller, được coi là sách xuất bản tiếng Đức bán chạy nhất, nhưng khi đọc thì thấy thật thất vọng vì mâu thuẫn nội tại của tác phẩm (tức là mục đích phát triển kỹ năng nhận biết mùi của nhân vật chính trong chuyện, ở ba giai đọan khác nhau của nhân vật có vẻ như không thể thống nhất được với nhau) Chỉ phục tài tác giả khi sử dụng vốn từ vựng về các loại cây cỏ, mùi, gia vị v.v. thật phong phú.
5. Tự thú, của Lev Tolstoy.
6. Một quyển khác của Tolstoy là Bản Sonata Kreutzer.
7. Bông hoa đỏ, của V.M. Garshin.
8. Thất lạc cõi người, của Dazai Osamu.
Ba quyển sau cùng (6-7-8) cùng thuộc Tủ sách tinh hoa văn học của Phương Nam Book ấn bản và phát hành. Trong đó Thất lạc cõi người là một quyển thật đặc biệt, so với những gì trước đây mình đã đọc.
9. Albama Song, của Gilles Leroy. Mua quyển này vì vốn yêu thích F.S.Fitzgerald.
10. Người phàm / Everyman, của Philip Roth. Đang cố nhằn quyển Lolita, của V. Nabokov, mới thấy sách của Philip Roth được quảng cáo từ rất rất lâu rồi.
11. Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời, của Kertész Imre. Sẽ đọc tiếp một vài quyển nữa của ông để hiểu thêm về số phận của người Do thái trong Acapolypse.
12. Tử tước chẻ đôi, của Italo Calvino. Cũng giống như Nam trước trên cây, sách đọc thật cuốn hút, hấp dẫn.
13. Cuộc đời Galilei, kịch của Bertolt Brecht. Vở kịch đầu tiên của Brecht mà mình đọc.
14. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, của Yoshihane Tsuboi. Một cuốn sách đáng đọc để tìm hiểu về bối cảnh lịch sử nước nhà trước cuộc xâm lăng của Pháp.
(15. Để kết thúc danh sách sách dịch, một người bạn cho mượn Cô gái có hình xăm rồng, của Stieg Larrson. Tuy cốt chuyện hấp dẫn, nhưng bản dịch (của Trần Đĩnh) có một số lỗi quá hiển nhiên, vì thế tiến hành so sánh bản dịch với bản tiếng Anh có trên mạng thì mới thấy bản dịch la liệt những lỗi).
Sách của tác giả Việt Nam:
1. Những ngã tư và những cột đèn, của Trần Dần. Không có gì đặc sắc.
2. Hơn nửa đời hư, của Vương Hồng Sển. Giống như mấy quyển sách dịch ở đầu danh sách, quyển này mua từ năm 1999, nhưng đến nay mới thực sự đọc xong từ đầu đến cuối. Sách hay, nhiều tư liệu quý.
3. Những bức thư đầm ấm Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê. Một kiểu nhật ký thời đại.
4. Vết thương thứ 13, của Trang Thế Hy. Đã có một tập khá đầy đủ của Trang Thế Hy, nhưng nhân NXB Trẻ ra tập mỗi nhà văn, một tác phẩm, sách in đẹp, giấy tốt nên cũng mua một cuốn, và đọc lại những truyện đã có trong tập Trang Thế Hy dày dặn kia.
5. Gáy người thì lạnh, của Nguyễn Ngọc Tư. Sau bao tìm kiếm, cuối cùng cũng đã có sách của bạn Tư để đọc.
6. Trên căn gác áp mái, một tập tản văn của Đỗ Bích Thúy. Tác giả viết "thật" quá, qua tản văn mà biết hết về cuộc sống của tác giả. Sau mới biết sách xuất bản từ nội dung trang blog của tác giả, bản này có khá nhiều lỗi, cả về typo và một số lỗi diễn đạt.
Sách đọc nguyên bản (tiếng Anh):
1. Nine stories, J.D. Salinger - tác giả của Catcher in the Rye mà ở Việt Nam Phùng Khánh đã dịch là Bắt trẻ đồng xanh.
2. Ragtime, của E.L.Doctorow. Một quyển rất thú vị về nước Mỹ đầu thế kỷ 20.
Tổng kết lại, năm vừa qua đọc nhiều tác giả nước ngoài hơn tác giả Việt Nam.
No comments:
Post a Comment