Monday, 15 November 2010

Chuyện chữa bệnh cho lãnh đạo cao cấp VN

Bài trên Vietnamnet.vn: http://vietnamnet.vn/xahoi/201011/Chuyen-chua-benh-cho-lanh-dao-cao-cap-Viet-Nam-947208/ & http://vietnamnet.vn/xahoi/201011/Bat-mi-hau-truong-kham-benh-cho-lanh-dao-cao-cap-947281/

Bài 1:


Chuyện chữa bệnh cho lãnh đạo cao cấp VN

Cập nhật lúc 20:55, Thứ Bảy, 13/11/2010 (GMT+7)

, – Trong ngành Y tế Việt Nam có một đội ngũ các y, bác sỹ, dược sỹ rất đặc biệt vì họ đảm nhận một nhiệm vụ đặc biệt là bảo vệ, chăm sóc, theo dõi sức khỏe, điều trị bệnh cho các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.


Đây đều là các chuyên gia y học đầu ngành trong cả nước. Công việc quan trọng, đặc biệt này đã để lại trong họ nhiều kỷ niệm, nhiều câu chuyện đáng nhớ mà ngay cả người trong ngành cũng ít khi được biết.


Áp lực “nói chung là lớn”


Là GS đầu ngành tim mạch trong cả nước, chính thức nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng chuyên môn phía Bắc Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khoẻ Cán bộ Trung ương (Ban BVVCSSKCBTƯ) và nhận nhiệm vụ phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn toàn quốc Ban BVCSSKCBTƯ từ năm 2003, GS, Anh hùng lao động Phạm Gia Khải đã khám bệnh, điều trị, theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho rất nhiều người là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Khám chữa bệnh, theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho những nhân vật đặc biệt nhưng GS Khải cho biết những bệnh nhân mà ông được tham gia theo dõi, hoặc hội chẩn, nói chung rất hợp tác về chuyên môn.

“Cũng có một số trường hợp, chúng tôi phải giải thích cặn kẽ lý do phải áp dụng một số biện pháp chữa bệnh mà sự hợp tác, phản hồi về kết quả là rất cần thiết, vì sự hiểu biết về bệnh tật không phải là giống nhau, có người biết nhiều, nhưng cũng có người biết ít”, GS Khải nói.



Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong ảnh là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Đại tướng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (Ảnh minh họa: TTXVN)


Khi được hỏi liệu có gặp “áp lực” gì khi thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt như thế này không, GS Khải cũng thú thực: “Tinh thần trách nhiệm bắt người thầy thuốc phải làm tốt nhiệm vụ của mình với tất cả mọi trường hợp bệnh nhân mà mình phụ trách. Đó là danh dự, là lương tâm và cũng là vị thế của mình nữa.

Nhưng cũng phải nói thật là khi khám chữa bệnh cho những người như thế thì áp lực tinh thần, áp lực về thời gian đối với chúng tôi nói chung là lớn. Còn những “áp lực” khác, tôi chưa thấy, hay ít nhất là đối với cá nhân tôi, cho tới thời điểm này”.

GS Khải cho biết, theo quy định của Ban BVVCSSKCBTƯ, các cán bộ lãnh đạo cao cấp có bác sĩ đặc trách theo dõi sức khỏe đều đặn. Quy trình làm việc của Ban cũng khá ngắn gọn.

Hàng tuần Ban đều có giao ban về tình hình sức khỏe của các vị lãnh đạo. Khi có vấn đề gì cần đặc biệt chú ý về sức khỏe các vị lãnh đạo này thì những biện pháp điều trị sẽ được đưa ra ngay lập tức.

Trong trường hợp có những vấn đề đột xuất thì bất cứ lúc nào, tình hình đó phải được xử lý ngay, phải được hội chẩn nếu cần thiết, với sự tham gia của các chuyên gia (trong nước là chủ yếu).


Khám cho dân thường và lãnh đạo “có khác nhau”


Theo GS Khải, giữa việc khám chữa bệnh cho người dân bình thường và khám chữa bệnh cho cán bộ lãnh đạo cao cấp có khác nhau.

Đối với cán bộ cao cấp, việc khám và ghi chỉ định chữa bệnh phải có quy trình hết sức chặt chẽ do một số thày thuốc chuyên khoa chịu trách nhiệm, với kết quả được ghi chép kỹ lưỡng, xét nghiệm phải đầy đủ (trong phạm vi khả năng các labô của chúng ta cho phép, và theo tôi tới nay các labô này đã khá đầy đủ).

Dân thường, đối với bệnh nhân của GS Khải, GS cho rằng họ cũng không thiệt thòi gì lắm về mặt này (về chuyên môn) nhưng họ phải tự đi mua thuốc, và nếu có được vào bệnh viện để theo dõi, trong những trường hợp không thể để chữa ngoại trú, thì họ phải chấp nhận nằm đôi, điều kiện sinh hoạt không thể nào sánh với các bệnh viện đặc biệt, các khu vực đặc biệt được.

“Có người dân vào bệnh viện tư nhân, bệnh viện nước ngoài như Việt - Pháp, nhưng không phải ai cũng có điều kiện như vậy vì chi phí quá lớn so với điều kiện kinh tế của họ. Tôi thấy chúng ta quá thiếu bệnh viện để người bệnh được nằm điều trị theo một cách mà họ đáng được như vậy”, GS Khải băn khoăn.

Trên thực tế có nhiều người dân sau khi khám chữa bệnh đã không qua khỏi và có thể sau đó bệnh viện, bác sỹ sẽ gặp chuyện kiện tụng vì nhiều lý do khác nhau (về chuyên môn, thái độ chăm sóc, …) song GS Khải cho biết với công việc của mình thì không có chuyện đó vì nếu vị lãnh đạo đó không qua khỏi thì có nhiều nguyên nhân như tuổi cao sức yếu, tất cả mọi người (kể cả người thân) đều biết toàn bộ các bác sỹ giỏi nhất đã được huy động và làm hết sức mình vì những người bệnh “đặc biệt” này.


Chỉ có 1 chân lý


Trong ngành y tế phổ biến chuyện cùng một bệnh trên cùng một con người nhưng cách điều trị của mỗi bác sỹ khác nhau là không giống nhau. Và cũng đã xuất hiện rất nhiều trường hợp các bác sỹ tranh luận rất gay gắt để bảo vệ phương án điều trị của mình.

Theo GS Khải, việc khác nhau về quan điểm điều trị là đương nhiên (vì mỗi người có kinh nghiệm, sự hiểu biết khác nhau về bệnh, đó là chưa kể đến những yếu tố xã hội học tác động vào). Nhưng với hội đồng chăm sóc sức khỏe cho các lãnh đạo cao cấp, GS Khải “tiết lộ” các thành viên trong hội đồng khá ăn ý với nhau.

Theo GS Khải, đối với mọi bác sỹ, chỉ có 1 chân lý là làm sao phải chữa khỏi bệnh cho người dân theo cách tốt nhất có thể (Ảnh minh họa: VietNamNet)

“Chúng tôi coi đó là trách nhiệm của mình. Quy định về theo dõi bệnh lý, về hội chẩn phải nói là chặt chẽ và đảm bảo bí mật nghề nghiệp. Đó là một nguyên tắc không bao giờ được vi phạm”, GS Khải nói.

Sở dĩ các thành viên trong hội đồng khá ăn ý với nhau trong điều trị, theo GS Khải, là vì người phụ trách chung về chuyên môn trong hội chẩn đã làm tốt vai trò của mình.

“Đối với việc khám và chữa bệnh nói chung, chỉ có một sự thật, và chỉ có một chân lý, đó là làm cách nào tốt nhất để người bệnh khỏi bệnh. Những người ba hoa, khoác lác, sớm muộn không có chỗ đứng. Tôi nói như vậy có nghĩa là có thể có nơi, có lúc, hiện tượng này có xẩy ra, nhưng không kéo dài, và được chấn chỉnh một cách nghiêm túc, có tình có lý.

Ngày nay, khi đã có giao lưu rộng rãi quốc tế và trong nước, các quy định về chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị, phòng bệnh, đều rõ ràng, cho nên, vai trò của người phụ trách chung về chuyên môn trong hội chẩn là quan trọng, nói có sách, mách có chứng, không có chỗ cho những người nói theo cảm tính, nói lấy được, làm khổ bệnh nhân và làm thất vọng những người cả tin”, GS Khải nói.


•Cẩm Quyên

Bài 2:


Hậu trường khám bệnh cho lãnh đạo cao cấp

Cập nhật lúc 07:11, Chủ Nhật, 14/11/2010 (GMT+7)

, – “Hậu trường” khám bệnh cho các nhân vật là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị, cảm động lẫn những tình huống căng thẳng đến thót tim.

>> Chuyện chữa bệnh cho lãnh đạo cao cấp VN


Vị lãnh đạo “thà chết chứ không chịu mổ lại”


Mặc dù luôn luôn mong muốn không phải thường xuyên đối đầu với những trường hợp “khó xử”, song thực tế, GS Phạm Gia Khải đã không ít lần rơi vào những tình huống căng thẳng đến thót tim khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho những vị lãnh đạo cao cấp.

GS Khải chia sẻ một câu chuyện xảy ra cách đây đã vài năm: Một cán bộ là lãnh đạo cao nhất của một ngành bị thay van hai lá và làm cầu nối chủ-vành. Sau vài năm, do điều trị chống đông khi cán bộ này đi công tác xa không tốt, van nhân tạo bị huyết khối làm tắc lại, bệnh nhân bị suy tim nhanh chóng, tụt huyết áp, và rất khó thở.

Ngay lúc đó, các thành viên hội đồng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cán bộ TƯ đều là các bác sỹ giỏi đã đề nghị cho mổ lại ngay để giải phóng van tim đang bị huyết khối làm kẹt, nhưng vị lãnh đạo này nhất quyết từ chối và nói với các thầy thuốc khi hội chẩn là “sẵn sàng chết chứ không chịu mổ lại”.

“Tình hình lúc đó khá căng thẳng, chúng tôi đã phải gọi điện ra nước ngoài nhờ các bạn đồng nghiệp giúp đỡ, nhưng họ đều nói là không thể làm gì hơn được và không có phương án nào tốt hơn phương án chúng tôi đưa ra. Cuối cùng, bằng nhiều cách khác nhau, tôi đã thuyết phục được bệnh nhân này, và hứa trước mọi người là mình chịu trách nhiệm về quyết định mổ lại”, GS Khải thuật lại.

Cuộc mổ đó đã thành công, và cho tới nay, vị lãnh đạo này vẫn khỏe mạnh. “Kinh nghiệm là: Phải theo dõi sát bệnh nhân, phải chuẩn bị tất cả những gì mà chuyên môn, kỹ thuật yêu cầu, và khi cần thiết, phải làm những gì cần làm, và phải chấp nhận mọi rủi ro nếu chẳng may xảy ra, và chịu trách nhiệm, với lương tâm nghề nghiệp của mình”, GS tâm niệm.

Chưa hết, đã có trường hợp, GS Khải cũng các thành viên của hội đồng bị một số thành viên của gia đình bệnh nhân "làm khó" (bệnh nhân là một quan chức lớn) bằng cách tự động làm những việc trái với chuyên môn, mặc dù đã có cảnh báo.

Ví dụ cho người bệnh bị bệnh "gút" ăn tôm hùm, một phản chỉ định với người có acid uric cao trong máu. Hoặc có trường hợp tự động mời người khác tới chữa bệnh mà không thông qua ai, như vậy sẽ không được đảm bảo về khả năng điều trị, làm bệnh nặng hơn lên.

Cũng có những trường hợp, tuy việc đó không xảy ra với GS Khải nhưng xảy ra với một đồng nghiệp khác, đó là thái độ của người bệnh, của gia đình người bệnh tỏ ra thiếu tôn trọng thầy thuốc.

“Tất nhiên, trong dân thường, những trường hợp tương tự như trên cũng không thiếu lắm đâu. Tôi nghĩ đây là vấn đề giáo dục nhiều hơn là vấn đề vị thế trong xã hội”, GS Khải bày tỏ.


Những cuộc chia ly – gặp gỡ cảm động


Trong suốt thời gian làm bác sỹ khám bệnh cho các quan chức, GS Khải đã có nhiều câu chuyện thú vị, những kỷ niệm khó quên với những nhân vật quan trọng này. Thậm chí, khi ông ốm phải nằm viện, đích thân những vị quan chức này đã đến tận bệnh viện để hỏi thăm, khiến hình ảnh những quan chức trở nên giản dị, gần gũi trong mắt tất cả những người có mặt.

Tháng 5/2010, GS Khải bị viêm quanh amiđan khá nặng phải vào Bệnh viện Bạch mai theo dõi điều trị. GS bảo, không muốn làm phiền nhiều người nên việc này chỉ khu trú trong một số ít người thân và thày thuốc có liên quan được biết thôi.

Nhưng một buổi chiều, bỗng nhiên có người đến báo có một lãnh đạo cao cấp tới thăm, khi ông chưa biết đó là ai thì đồng chí lãnh đạo đó đã vào đến cửa phòng.

“Câu đầu tiên là đồng chí hỏi tôi là: "Thế nào, lực sĩ cũng phải nằm à? Thôi, anh chịu khó chữa bệnh, mau khỏi để còn chăm sóc mấy bác già chứ"! Trong lúc ngồi bên giường hàn huyên với tôi, vị này không cho tôi nói nhiều vì sợ tôi mệt... Trước khi đi, cán bộ cao cấp này còn không quên tặng tôi mấy hộp sữa bột để ăn cho lại sức và nhắc tôi phải lạc quan. Một thầy thuốc lại được một người ngoài ngành, một người lãnh đạo mà tôi biết có rất nhiều công việc quan trọng phải làm, bố trí thời gian đến thăm hỏi, động viên, thực đã làm mình cảm động!”, GS Khải nói.

Sự chia ly bao giờ cũng mang lại những cảm xúc buồn, những người bệnh mà GS Khải chăm sóc, vì tuổi cao, bệnh nặng, nan y cũng không tránh khỏi điều đó.

“Tuy đã biết như vậy, tôi vẫn cảm thấy áy náy, và mỗi khi nhớ lại những ngày cuối cùng được gặp họ, tôi cảm thấy kỷ niệm như mới xẩy ra từ gần đây thôi”, ông ngậm ngùi.

Ông không quên được những câu nói cuối cùng của một đồng chí cũng là lãnh đạo cao cấp của Nhà nước dành cho mình trước lúc lâm chung: "Tôi không còn tiếc gì về những gì anh Khải đã dành cho tôi, cho chúng tôi, sự chăm sóc của các thầy thuốc Việt Nam, của quân y, rất tốt; cảm ơn các anh rất nhiều"!

Theo GS Khải, vị cán bộ cao cấp này tuy không có nhiều thời gian gặp gỡ, nói chuyện, nhưng đã tỏ ra rất hiểu và tạo nhiều điều kiện phát triển công tác.

Gần đây nhất, trong tháng 10/2010, một đồng chí cán bộ cao cấp đã cao tuổi được cơ sở trong và ngoài nước chẩn đoán là suy mạch vành, phình động mạch chủ bụng, tăng đường huyết, tăng huyết áp, tị ứng với thuốc cản quang... Vị đó bị đau ngực, và có chỉ định can thiệp động mạch vành.

Qua nghiên cứu tình trạng bệnh và thống nhất với bệnh nhân, các bác sỹ của Hội đồng chăm sóc sức khỏe cán bộ TƯ quyết định chụp động mạch vành và can thiệp nong, đặt giá đỡ ngay tại cơ sở Hà Nội.

Các tình huống xấu nhất đã được dự tính trước, và các biện pháp khắc phục được trù liệu chu đáo ở mức tối ưu, các biện pháp xử trí Nội Ngoại khoa đã sẵn sàng... Đúng ngày giờ đã định, thủ thuật chụp mạch vành, nong động mạch, kiểm tra kết quả nong và đặt giá đỡ bằng siêu âm trong lòng mạch, được thực hiện theo đúng kế hoạch. Bệnh nhân khỏe mạnh, thoải mái, không có biến chứng gì mặc dù có nhiều yếu tố nguy cơ.

“Bệnh nhân và người thân, và cả chúng tôi - những người thầy thuốc, cảm thấy mình vừa chiến thắng trong một trận đánh khá bài bản với sự phối hợp tuyệt vời giữa các nhóm công tác. Tôi rất cảm động với tinh thần trách nhiệm, khả năng chuyên môn của cộng đồng các đồng nghiệp mà tôi có vinh dự điều phối, và không thể quên được sự tin tưởng của đồng chí cán bộ cao tuổi đó với chúng tôi, tôi thực sự cảm thấy vinh dự”, ông Khải không giấu được niềm vui.


•Cẩm Quyên

No comments:

Post a Comment