Saturday, 10 October 2015

NHẬT TUẤN (1942-2015)




Tin đột ngột, nhà văn Nhật Tuấn, tên đầy đủ Bùi Nhật Tuấn, sinh 1942, đã mất ngày 6.10.2015 (24.8 âm lịch), thọ 74 tuổi ta.

Trên mạng ngày 7.10 tràn ngập tin về sự ra đi đột ngột của nhà văn, nhưng báo chí lề phải từ vietnamnet, vnexpress đến dantri không đả động một dòng nào.

Rồi cũng nghe các nhà văn, nhà thơ trong nước nói về ông, chủ yếu về tiểu sử, cũng như nhắc đến danh mục các tác phẩm của ông, trong đó đồng thanh coi Đi về nơi hoang dã (1988) là tác phẩm để đời nhất của ông.

Nhưng không một ai (dám) cho biết lý do tại sao.

Theo mình thì, văn chương hiện đại từ sau 1975 chỉ có mấy quyển đáng kể;

- Nỗi buồn chiến tranh, còn có tên khác là Thân phận của tình yêu, của Bảo Ninh, cuốn tiểu thuyết (chắc không chỉ của Việt Nam) hay nhất viết về cuộc chiến Việt-Mỹ 1965-1973;

- Những truyện ngắn, truyện dài của Nguyễn Huy Thiệp, phản ánh một cách đau xót nhưng đầy chân thực hiện thực của xã hội Việt Nam sau chiến tranh;

- Cơ hội của Chúa, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, cuốn tiểu thuyết hay nhất (với nghĩa mang tính khái quát nhất) về xã hội Việt Nam thời hậu chiến trong đó nhân vật chính không phải là Hoàng, Thủy, Tâm, Phượng v.v. mà là Tâm trạng con người; và

- Đi về nơi hoang dã, của Nhật Tuấn, là cuốn tiểu thuyết hay nhất (cũng với nghĩa khái quát nhất) về xã hội Việt Nam từ sau năm 1954 ở nửa trên vĩ tuyến 17 và từ sau ngày 30.4.1975 ở cả dải đất hình chữ S vì nó đã khái quát đầy hình tượng công cuộc xây dựng CNXH;

- Ngoài ra, có thể kể Chuyện kể năm 2000, của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, là câu chuyện của những người tù mặc áo số, cả số chẵn và số lẻ, và cuộc sống của những người tù dự bị đầy khổ đau vật vã.

Vậy nên, khi mọi người lấy tên tác phẩm để tiếc thương Nhật Tuấn đã đi về nơi hoang dã thì mình thấy thật không đúng. Đúng ra, ông đã từ giã nơi hoang dã xứ U Tỳ Quốc để về miền cực lạc.

No comments:

Post a Comment