Sunday, 30 June 2013

Lê Thị Thanh Lâm: Khó nhất là kỹ năng sống với người thân

Bài hay, về quan hệ gia đình, đưa về đây để lưu giữ.

Khó nhất là... kỹ năng sống với người thân

29/06/2013 17:13 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Nền nếp truyền thống không cản trở mà có thể giúp con người xây dựng kỷ luật cá nhân và mối quan hệ tình cảm, điều khó nhất trong cuộc sống gia đình hiện nay, được kể qua cuộc trò chuyện với nữ doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm - phó tổng giám đốc Saigon Food.

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Ảnh nhân vật cung cấp

TIN BÀI LIÊN QUAN

Đảm đang không phải là làm từ A đến Z

* Nhiều người nhận xét tính nhân văn của giới trẻ ngày nay đang “có vấn đề”. Các cô vợ trẻ ai cũng tôn thờ cá tính, tự tin, không biết nội trợ, ích kỷ, không thích chăm sóc người khác. Không hiếm các bà mẹ trẻ cho rằng sự hi sinh của bà, của mẹ xưa kia là lạc hậu. Người lớn trách móc rằng cách nghĩ đó là do các gia đình ngay từ bé đã không chú ý rèn luyện cho các con. Cũng có con gái đang lớn, chị có lo ngại không?
- Lo ngại chứ. Vì cho đến nay thu vén trong gia đình vẫn nhờ bàn tay phụ nữ. Rồi những cô 8X, 9X này sẽ dạy con ra sao... Xu thế chung có nhiều thay đổi, nhưng tôi nghĩ từng gia đình có ý thức dạy con thì sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng.
* Mẹ chị là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chị là doanh nhân hiện đại. Con gái và con dâu là những thanh niên trí thức. Chị thử phác họa chân dung ba người phụ nữ trong gia đình?
“Nếu không giữ nền nếp thì thế hệ sau mất dần các quan hệ ruột thịt... Khi đại gia đình giữ nền nếp, con cái sẽ có suy nghĩ tốt... Nền nếp truyền thống làm cho bạn trẻ hiện đại và hấp dẫn, đáng tin cậy hơn...”.
- Mẹ tôi là phụ nữ của thời chiến tranh, có những hi sinh khốc liệt mà ta khó học theo được. Bà nuôi tới 11 đứa con cháu. Bà giỏi nội trợ, nuôi con, lo cho một đàn trẻ học hành đầy đủ, làm cơ sở cách mạng. Tôi được thừa hưởng những gì tốt nhất của cha mẹ. Ba kỹ lưỡng, nghiêm túc vì trước đây ông làm công tác tổ chức; mẹ bản lĩnh và lo toan, giao tiếp ứng xử khéo léo chân tình, dạy tôi đối nhân xử thế trong cuộc sống.
Nghề làm thực phẩm cũng là truyền thống gia đình. Còn các con gái con dâu là thanh niên thế hệ mới, việc chăm chút bếp núc không thể bằng bà và mẹ. Đó là trào lưu. Thời gian không có. Xưa mình học một buổi, còn ở nhà học may thêu, nấu ăn, làm việc nhà... Nhưng hoạt động xã hội, năng lực tri thức mới chắc chắn giới trẻ phải hơn mình. Các con tôi đã hơn mẹ rất nhiều. Có điều kiện học tập... các con cũng rất giỏi.
* Nhưng các cô có lý lẽ rằng chẳng cần hi sinh cho ai. Vừa phải trung hậu đảm đang lại còn phải năng động sáng tạo nữa thì có vẻ “chỏi nhau” giữa hai yêu cầu, lao động gấp đôi gấp ba, nặng quá sức, thiệt thòi quá và là bất công mới?
- Không chỏi nhau đâu, mà là sự đầu tư để làm giá trị phụ nữ tăng thêm. Không thiệt thòi nếu biết thu xếp cân bằng. Đảm đang ngày nay khác, không có nghĩa là tự mình làm từ A đến Z. Có điều kiện dùng máy móc, thuê mướn, miễn là mình có quan tâm đến và biết sắp xếp công việc trôi chảy hiệu quả. Cho đến nay ở xứ mình phụ nữ vẫn rất quan trọng trong quyết định sự đầm ấm của gia đình.
Tôi dạy các con: Có thể không có thời gian tự tay nấu, nhưng nếu biết mua về cái gì ngon, ở đâu, biết sắp xếp hợp lý, đó là đã thêm “giá trị gia tăng” của mình, sự chăm lo, sắp xếp, biết làm vợ làm dâu. Các con tôi cũng biết làm bánh giỗ ba, biết lau nhà, rửa chén dọn dẹp, có ý thức quan tâm đến người khác, đó chính là bí quyết của người phụ nữ hiện đại.
* Ngoài việc lập nghiệp thăng tiến, lo kinh tế, nhà cửa, sinh hoạt ra, chị thấy những gia đình trẻ hiện nay có những khó khăn nào lớn nhất? Có phải tiền là nguyên nhân hàng đầu của xung đột?
- Khó khăn kinh tế tiền bạc thì thời nào cũng có, nhưng chúng ta đang xem xét đến lối sống. Có thể chuyện kiếm tiền làm vợ chồng trẻ căng thẳng ngoài xã hội, gây ảnh hưởng. Nhưng xét về lối sống, những giá trị tinh thần thì cũng có không ít giai đoạn khó khăn: cưới xong, cặp vợ chồng xung đột về tính nết, về chuyện cư xử với gia đình hai bên... nhưng rồi sẽ vượt qua.
Nhưng hay mâu thuẫn nhất và khó nhất là kỹ năng ứng xử với người thân và thống nhất cách dạy con. Chồng muốn đánh đòn, vợ không. Chồng muốn nghiêm khắc, vợ chiều chuộng, làm thay tất cả cho con...
* Ở nhà chị, có kinh nghiệm nào giải quyết chuyện đó không?
- Chắc mỗi gia đình có cách hay của mình. Ở nhà tôi thì thế này: cả con trai và con dâu tôi đều học ở nước ngoài về, lại bằng tuổi nhau, tuy ở riêng nhưng tôi khuyên: phải lo sao cho quan hệ hai bên gia đình được tốt. Đừng đối phó kiểu vợ sợ chồng chỉ lo cho bên anh ấy, còn vợ ráng lo cho gia đình vợ.
Kinh nghiệm cá nhân tôi, sau khi chồng mất, mẹ tôi khuyên tôi phải chăm chút gia đình anh ấy hơn, lo gấp đôi thay cho phần anh ấy. Chúng tôi đã hoán chuyển, vợ lo cho gia đình chồng và chồng lo cho gia đình vợ. Mình lo cho gia đình chồng một, có khi anh ấy lo gấp hai. Sau nữa, tôi hỏi hai đứa: Ai là người ra quyết định? Không trả lời được, như vậy lục đục phải rồi.
Các con bảo: Lỡ người ra quyết định sai thì sao? Các con phải chấp nhận lắng nghe, rồi bằng sự mềm mỏng phân tích cho người kia nhận ra. Rừng một cọp, đất nước một vua, người xưa nói rồi. Như vợ chồng tôi, trước đây bạn bè đùa: Tôi thấy bà ăn hiếp ông ấy dữ. Con trai liền nói lại: Ở nhà tội nghiệp mẹ con lắm, ba con quyết định hết. Là vì dù mình có ý kiến nhưng vẫn bảo các con: Cái này phải hỏi ý kiến ba. Khi mình nghĩ đúng thì anh ấy sẽ đồng tình.
* Có phải tại vì chị tránh việc đàn ông không quen nhìn thấy phụ nữ giỏi?
- Tôi nghĩ người giỏi mới chấp nhận người giỏi. Thì cứ giả dụ như gia đình mình giỏi đi. Ông xã tôi khi trước là giảng viên Đại học Quốc gia, dạy con nghiêm túc. Con trai phải rửa bát, rửa ly, cuối tuần phụ lau nhà. Sau này đi du học, cháu nói xưa con buồn bực, nay nhờ nó mà con tự lực sống được ở xứ người.
Có thể trong kinh doanh anh không giỏi như tôi, nhưng anh giỏi lĩnh vực khác, nên tôi vẫn tôn trọng như người chủ gia đình. Trước con cái, phải thống nhất quyết định. Gia đình phải có chủ.
Truyền thống làm bạn trẻ hấp dẫn, đáng tin cậy hơn
* Từ việc nữ minh tinh Angelina Jolie ốm, bạn trẻ trên mạng đang bàn luận về việc ngôi sao màn bạc Brad Pitt viết về Angelina Jolie, kể lại việc cô đã chiến đấu với bệnh tật vật vã ra sao khiến anh phải thay đổi cách cư xử, rằng người phụ nữ là phản ánh hình ảnh người mà họ yêu (*). Có người bảo vậy phụ thuộc quá, đánh mất mình?
- Ở Việt Nam ta cũng có câu gì nhỉ? “Giàu vì bạn, sang vì vợ” - người đàn ông tươm tất tỉnh táo vui vẻ chắc hậu cung anh tốt. Gia đình rối loạn, cô vợ đoảng thì anh ta tơi bời chứ không thể như vậy. Có lẽ nên hiểu thêm câu nói ở khía cạnh đó.
* Chị sống hiện đại, cho con trai ra ở riêng khi cháu còn trẻ chưa có gia đình, bị nhiều người phản đối?
- Cháu học ở nước ngoài về, sinh hoạt khác biệt nên tôi đồng ý khi cháu muốn ở riêng cho đến bây giờ đã có vợ và sắp có con. Nhưng lúc đó một số người ủng hộ, số khác bàn tán, mẹ chồng tôi cũng không đồng ý. Nhưng tôi nghĩ làm sao sinh hoạt thuận lợi, phù hợp là được. Sau 12 giờ đêm nó mới về nhà là tôi không thể ngủ được.
Sinh hoạt hợp lý tốt cho cả hai bên. Cho đến nay, tôi vẫn tôn trọng nét riêng của người trẻ tuổi, thí dụ 9 giờ tối mới đi cà phê là mình không cản được thói quen rồi. Hay đùng cái nói con ơi mai về quê cũng không được. Phải báo trước để chúng sắp xếp thời gian. Muốn đến nhà thăm cũng phải báo trước, những thứ đó tôi phải thích ứng.
* Vậy mà bây giờ chị đang sống trong một gia đình nhiều thế hệ và rất có ý thức giữ gìn và giáo dục truyền thống cho các con. Có khó lắm không chị?
- Do hoàn cảnh, chúng tôi đang tạm thời có một gia đình đông đúc. Có ba 86 tuổi, gia đình tôi và con gái, cộng thêm cả gia đình chị gái có cả con trai, con dâu của chị. Cũng có cái lợi là gắn bó, chứ mạnh ai nấy ở phòng riêng như chỗ trọ thì ruột thịt cũng dễ xa cách.
Ba tôi đã tham gia qua cả hai cuộc kháng chiến, vẫn minh mẫn viết hồi ký và gia phả, rất nhiều chuyện để kể. Nhưng con cháu nghe mà nhấp nhổm vì bận quá. Chúng tôi bèn phân công người thay nhau nói chuyện với ông. Người già hay lo lắng nên phải giấu bớt chuyện buồn, có gì cần thì trao đổi riêng, có ý thức giữ hòa khí gia đình, dù không tránh khỏi chuyện va chạm nho nhỏ. Chúng tôi cố gắng đảm bảo có bữa ăn sáng toàn gia đình.
Bữa ăn chung làm mọi người có trách nhiệm phải nhớ, không chỉ ăn mà còn là nối kết tình cảm, gắn bó. Giỗ là trách nhiệm lớn, quan trọng. Cúng đơn giản đúng ngày, nhưng làm cơm chung vào chủ nhật gần nhất để mọi người có mặt. Các con phải đi mời để coi là một dịp đến bà con. Ai không đến thấy mình có thiếu sót lớn. Nếu không giữ nền nếp thì thế hệ sau mất dần các quan hệ ruột thịt.
Dù ngày xưa giỗ tự làm, nay bận thì đặt. Sáng đi ra khỏi nhà, mỗi người vẫn có thói quen thắp nén nhang cho ông bà, có khi chiều về cũng một nén. Khi đại gia đình giữ nền nếp, con cái sẽ có suy nghĩ tốt. Thời đại nào cũng cần tình cảm. Thiếu thời gian không sợ bằng thiếu ý thức. Nền nếp truyền thống làm bạn trẻ hiện đại và hấp dẫn, đáng tin cậy hơn...
Cảm ơn chị vì những chia sẻ chân thành và hữu ích.
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI thực hiện
Ảnh: Thanh Đạm
Với gia đình anh Võ Văn Sáu (bìa phải) ngụ tại Q.7, TP.HCM, bữa cơm có đầy đủ các thành viên gia đình đặc biệt quan trọng. Đây là dịp để những người thân được trao đổi những vấn đề quan tâm, là dịp để người lớn chăm sóc, lo lắng cho con cháu, cũng là khi con cháu thể hiện lòng thành kính, sự hiếu thảo của mình. Với anh, những bữa cơm sum vầy là điều hạnh phúc nhất.
____________

No comments:

Post a Comment