Saturday 21 September 2024

điểm tin



http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/166229/danh-sach-thu-truong-duoc-luan-chuyen-ve-dia-phuong.html

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/166567/danh-tinh-44-can-bo-trung-uong-luan-chuyen.html

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/166202/bo-truong-dinh-la-thang-nhan-tin-cho-co-giao-qua-suoi-bang-tui-nylon.html

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/166586/bo-truong-thang--gia-co-truong-lop-day-lam-bo-truong.html

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/166193/vuot-suoi-bang-tui-nilon--bo-giao-duc-len-tieng.html

TRẦN HUỲNH DUY THỨC

Theo thông tin từ gia đình Trần Huỳnh Duy Thức, đăng tải vào khoảng nửa đêm 20.9 rạng sáng ngày 21.9.2024:

Anh Thức đang trên đường về lại Saigon!!!
Hồi chiều nay 20/09/2024, vợ anh Thức & gia đình được công an khu vực nhà anh Thức ở Tân Bình thông báo là: "anh Thức sẽ được trả tự do và đưa về nơi cư trú". Tại thời điểm bài này đăng anh Thức đang bay chuyến bay số VN1269, khởi hành 21:55 tối từ Nghệ An, dự tính 00:00 tối sẽ đến Saigon Tân Sơn Nhất. Kính mong mọi người chia sẻ rộng rãi dẫu biết rằng giờ này cũng khá trễ.
Lúc này, gia đình đang cùng tề tựu để đón người em, người con về trong vòng tay của chúng tôi, rất mong sự quan tâm của mọi người. Thay mặt anh Thức, gia đình xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến mọi người vì đã dõi theo và đồng hành cùng anh Thức trên hành trình gian khổ gần 16 năm vừa qua. Chúng tôi tin, sự tận tuỵ quan tâm ấy đã tiếp thêm dũng khí và nghị lực cho anh Thức và Gia Đình đi hết chặn đường thử thách một cách tự hào, không tiếc nuối điều gì.
Ngoài thông tin mà gia đình được thông báo từ cơ quan công quyền như trên thì chúng tôi cũng chưa có thêm thông tin gì khác. Nếu có thêm thông tin gì, gia đình chúng tôi sẽ cập nhật để mọi người cùng chia sẻ niềm vui này cùng gia đình. (Hi vọng là mọi người sẽ nghe từ chính Anh)
Niềm vui mừng hơn hết là, đến cuối cùng Ba anh cũng đợi được đến ngày đoàn tựu cùng con trai, dù đang có nhiều vấn đề về sức khoẻ.
Gia đình đồng kính báo.

Theo một trang mạng (NKYN) thì

Tinh thần tuyệt vời của anh Trần Huỳnh Duy Thức:
Ad vừa gọi điện cho một trong những chiến hữu của anh Thức, và được anh ấy chia sẻ tình hình mới nhất của anh Thức, như sau:
Anh Thức vẫn giữ được sức khoẻ tốt, cân nặng của anh ấy hiện tại là 65kg, giọng nói của anh Thức sang sảng còn hơn ngày trước.
Điều đặc biệt: Trước khi được trả tự do, trại giam Nghệ An có làm việc với anh Thức, nói rằng Chủ tịch nước có quyết định đặc xá cho anh, và đề nghị anh ký giấy.
Anh Thức trả lời: Tôi phải được trả tự do, thay vì đặc xá, nên tôi không ký.
Cuối cùng anh không ký, nhưng ngày hôm sau họ vẫn trả tự do cho anh, nói với anh rằng Chủ tịch nước đã đặc xá cho anh.
Anh vẫn giữ nguyên tinh thần và thái độ dứt khoát, cho rằng anh cần được trả tự do. Nên anh không chịu ra trại bởi quyết định đặc xá.
Trại giam nói rằng, giờ anh được đặc xá rồi, trại không giữ anh lại được, nên quyết định khiêng anh ra khỏi trại 😆
Anh đã được trả tự do theo cách ấy 🥹❤️
***
Dành cho các bạn chưa biết: Án An ninh Quốc gia, theo bộ luật mới là không có đặc xá.
Vậy nên, việc anh Thức được đặc xá là một quyết định rất đặc biệt từ trước đến nay, dưới thời ông Tô Lâm.
Ad nghĩ rằng, với con người đặc biệt, ắt sẽ có những hành xử đặc biệt.
Dù sao cũng chúc mừng anh đã được tự do, sau thời gian dài đằng đẵng 15 năm 04 tháng 27 ngày!
Cảm phục ý chí một con người không chịu đi nước ngoài mà quyết tâm ở lại để cống hiến cho quê hương!

Còn đây là lời chào của anh.

LỜI CHÀO ĐẦU TIÊN
Kính thưa quý đồng bào thân yêu,
Cuối cùng tôi đã trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè, thân hữu và đồng bào thân yêu, những người đã che chở và chia sẻ với tôi những năm tháng gian truân và hào hùng của quãng thời gian dài gần 16 năm qua.
Dù cách trở tù đày, tôi vẫn luôn cảm nhận sự đồng cảm và tiếp sức của mọi người thông qua sự quảng bá rộng rãi các bài viết của tôi từ nhà tù, đặc biệt sự ủng hộ đồng lòng những cuộc tuyệt thực mang thông điệp quan trọng của tôi.
Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn những tình cảm quý báu ấy của bè bạn trong và ngoài nước, nhất là các cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ, EU, Đức, Pháp, Úc và Canada, các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền, các hãng truyền thông và báo chí hải ngoại cũng như quốc tế.
Đặc biệt, tôi bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các thành viên trong gia đình tôi, những người đã dành cho tôi tình yêu thương vô bờ bến, và phải chịu đựng nỗi đau cùng sự dày vò tinh thần và thể xác, thậm chí còn lớn hơn những gì tôi đã trải qua.
Chắc hẳn quý bạn đang muốn nghe những câu chuyện về nghịch cảnh mà tôi đã đối diện trong thời gian qua. Có rất nhiều câu chuyện như vậy cần được kể ra, nhưng xin hẹn mọi người dịp sau khi thuận tiện.
Duy có một điều khá khôi hài mà tôi muốn kể ngay với quý bạn lúc này. Đó là việc tôi bị ĐẶC XÁ CƯỠNG BỨC, một chuyện có thể nói là vô tiền khoáng hậu ở đất nước này.
Ngày 19/9/2024, đại diện của Trại giam số 6 thừa lệnh Bộ Công an thông báo với tôi rằng Chủ tịch nước muốn đặc xá cho tôi trước thời hạn, và yêu cầu tôi làm đơn xin đặc xá.
Tất nhiên, ngay lập tức tôi từ chối nhận đặc xá, và không ký vào đơn từ nào cả. Lý do là vì tôi phải được trả tự do theo đúng quy định mới của Bộ luật Hình sự hiện hành về hành vi mà tôi bị cáo buộc vi phạm, chứ tôi không cần ra tù nhờ sự đặc xá đó.
Vậy mà vào lúc 17g45 ngày 20/9/2024, hơn 20 người của Trại giam số 6 đã xông vào buồng giam đọc thông báo rằng Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số 940 ngày 20/9/2024 về việc "đặc xá" cho tôi. Vì vậy tôi trở thành người tự do và không có quyền tiếp tục ở lại trại giam. Tôi phản ứng ngay rằng tôi không có tội cũng như lý do gì để nhận đặc xá và sẽ không đi đâu cả.
Thế là họ cưỡng bức, khiêng tôi ra khỏi cổng nhà tù trước sự phản đối của các anh em tù chính trị ở đó, rồi đưa tôi lên xe ra sân bay Vinh. Cuối cùng tôi bị buộc phải lên máy bay trong chuyến muộn vào Sài Gòn.
Một cách mặc nhiên, tôi đã góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước, một chuyến đi mang hy vọng về sự chuyển đổi mạnh mẽ cho đất nước trong tương lai. Các nhân viên an ninh bày tỏ sự vui mừng khi tôi bước lên máy bay và xin chụp một tấm hình kỷ niệm với tôi.
Bây giờ tôi lại muốn chia sẻ với mọi người đôi chút về tương lai. Hãy tin rằng dân tộc ta đang bước vào một cuộc chuyển mình vĩ đại không thể đảo ngược. Đó là tiến trình chuyển đổi ôn hòa được dẫn dắt bởi Trào lưu mềm với năng lượng mềm, giúp chuyển hóa mọi năng lượng giận dữ tích tụ bao đời. Điều tốt đẹp đó đang đến gần hơn bao giờ hết. Mong quý đồng bào giữ vững niềm tin!
Hẹn sớm gặp lại mọi người.
Trần Huỳnh Duy Thức

Như vậy, THDT đã chính thức trở về với đời. Chủ tịch nước đã "đặc xá" nhân chuyến đi Mỹ sắp tới, nhưng nếu so với án 16 năm, thì thời gian bị giam giữ 15 năm 4 tháng 27 ngày thì anh Thức gần như đã ở trong trại gần hết thời hạn của án, cái "đặc xá" không có ý nghĩa gì mấy, và anh Thức đã từ chối "đặc xá". Theo BBC, cùng được trả lại tự do đợt này có Hoàng Thì Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đã cắm cờ lên châu Nam Cực.

 Dưới đây là những hình ảnh đầu tiên của anh Thức khi gặp bạn bè và người thân.












Friday 20 September 2024

Ngày xưa mưa bão

 Nhân bão Yagi chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam, những ký ức ngày xưa cũ lại ùa về.

Ngày tôi còn bé, tức khoảng 4-5 tuổi, vì trước tuổi đó tôi chỉ nhớ vài sự kiện hằn sau trong ký ức thôi, khi nào có dịp tôi sẽ kể về những ký ức "đặc biệt" này, trước khi đi "sơ tán", rời thành phố quê hương, là nơi tập trung của nền công nghiệp một vùng, để tránh bom đạn khi LBJ (Lyndon Baines Johnson) cho máy bay ra nem bom bắn phá miền Bắc trong chiến dịch The Rolling Thunder (mà Việt Nam dịch là Sấm Rền).

Một ký ức chung của mấy anh chị em tôi là bố tôi rất chú ý theo dõi nghe dự báo thời tiết. Ở cái thời chưa có TV (+ tử lạnh "chạy đầy đường" ấy), phương tiện truyền thông duy nhất là chiếc đài bán dẫn của Nhật, hiệu National, do anh trai cả của tôi đi du học ở Tiệp Khắc (Czechoslovakia, ngày nay là hai nước Czech và Slovak) chạy bằng pin (2 pin, hiệu Con thỏ, hiệu pin duy nhất có bán ngày ấy). Chiếc đài chỉ dài rộng bằng khoảng gấp rưỡi (1.5) bàn tay người, có dây đeo để có thể đeo ngang hông trong những dịp cả gia đình tôi thồ nhau trên mấy chiếc xe đạp để về quê thăm ông bà ngoại. (Chí thăm ông bà ngoại thội, vì ông bà nội đã mất từ 3 năm trước khi tôi ra đời, trước cả khi sinh anh trai kế tôi, chuyện về ông bà nội tôi sẽ kể vào một dịp khác).

Thời điểm trước khi đi sơ tán ấy, tức trước 1965, trước mỗi khi có bão, sau khi nghe dự báo thời tiết và để ý các hiện tượng tự nhiên, thì Mẹ đi chợ về thể nào cũng mua quả bí xanh (còn gọi là bí đao) để đề phòng mưa bão. Vào cái thời chưa có tủ lạnh, chưa có siêu thị ấy, trừ gạo thì mua theo sổ mua lương thực mà dân gian gọi là sổ gạo (thành ngữ một thời "buồn như mất sổ gạo"), thịt thì mua theo phiếu, cả tháng người "cán bộ" - công chức nhà nước như Bố chỉ có tiêu chuẩn 0.5 kg thịt (nạc, mỡ, bèo nhèo, miễn là từ con lợn), còn anh em chúng tôi còn đang đi học thì "tiêu chuẩn" chắc chắn là ít hơn, đồ ăn thức uống khác chủ yếu là rau, củ, do những người nông dân ở các xã ngoại thành mang vào bán ở chợ thành phố. Vì mưa bão, hoặc là họ phải lo chống đỡ nhà cửa, hoặc là không thể hái rau trong mưa, hoặc là do đường xá ngập nước, nên những ngày này họ không mang rau cỏ vào phố được nữa. Vì thé, để chuẩn bị thức ăn cho ngày mưa bão, Mẹ tôi thường mua quả bí xanh, vì bí là thứ để được mà không sợ hỏng. Ngoài ra, tôi cũng không thấy Mẹ chuẩn bị đồ ăn dự trữ khác như vừng, lạc hay gì khác. 

Bão đến, nhà cửa ở phố chắc chắn, chỉ cần đóng chặt cửa ngồi trong nhà là yên tâm, chưa bao giờ bị hư hại gì, cũng chưa bao giờ bị nước mưa ngập tràn vào nhà. Bão tan, thì lũ trẻ con đi nhặt quả bàng rụng. Cây bàng vốn cao, nình thường phải dùng sào mới bẻ được quả. Quả bàng khi xanh thì không ăn được, nhưng chín vàng thì hơi ngọt, găm bàng chín xong còn dùng viên gạch vỡ để đạp hột bàng lấy nhân nhai bùi bùi. Tôi còn bé, không rõ có tự mình đi nhặt bàng rụng sau bão không, nhưng chị gái thứ tư của tôi hơn tôi 6 tuổi, và anh trai kế tôi hơn tôi 3 tuổi chắc chắn là có tham gia "hoạt động" nhặt bàng chín rụng sau bão. Nếu có, tôi chỉ là đứa theo đuôi anh chị chứ không có hoạt động gì đáng kể.

Năm 1968, tức là năm sơ tán cuối cũng, vì ngày 31.3.1968, sau chiến dịch Tết Mậu Thân, Tổng thống LB Johnson tuyên bố 1. không ra tái tranh cử, không nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ để tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo, và 2. Dừng ném bom Việt Nam DCCH từ vĩ tuyến 21 (đo Bắc) trở ra, chính thức chấm dứt chiến dịch The Rolling Thunder, tôi nhớ như thế vì sang năm 1969 khi tôi học lớp 4, thuộc cấp 1 hệ 10 năm (+ 1 năm "vỡ lòng"), thì tôi đã hoc ở phố rồi, chứ không còn ở nơi sơ tán nữa. Năm 1968 đó có một cơn bão lớn đổ vào đồng bằng Bắc bộ, vào thời gian khá muộn trong năm, cũng tầm cỡ tháng 9 dương lịch. Khi đó Bố đi sơ tán theo trường của Bố ở một huyện khác (xã Hưng Công, huyện Bình Lục), mấy anh chị lớn đều đi học xa nhà (anh cả đi học ở Tiệp Khắc, chị thứ hai đang học đại học Y và sơ tán tại Thái Nguyên, chị gái thứ ba đi học bưu điện ở thị xã Phủ Lý (nay thuộc tỉnh Hà Nam, còn ngày đó vẫn thuộc tỉnh Nam Hà: Nam Đinh + Hà Nam), còn chị gái thứ tư học lớp 10 vì trường ở xã nhà nên cũng trọ học, chỉ cuối tuần mới về). Như vậy, ngày đó thường xuyên chỉ có Mẹ và 4 anh em nhỏ nhất nhà chúng tôi. Tôi nhớ cơn bão năm đó đến khi mấy mẹ con ở trong căn nhà, gồm chỉ 1 gian trong dãy nhà tranh 10 gian của khu tập thể dành cho giáo viên, công nhân viên đi sơ tán theo trường. Ban đêm, khi mưa to như trút, mái nhà tranh bắt đầu cho thấy sự bất cập, nước mưa theo những chỗ hở chảy xuống, dột lỗ chỗ đúng giường của mấy mẹ con, cả mấy mẹ con chen chung trên một chiếc giường đôi, mưa dột Mẹ phải lấy chiếu để trùm lên che chỗ dột, được một lát lại dột thêm chỗ khác, lại kéo chiếu che, cứ thế cả đêm mưa gió Mẹ cứ loay hoay che chắn nước mưa cho mấy anh em tôi khỏi ướt. Đó là ký ức không thể nào quên về bão, mưa gió của tôi, cùng với hình ảnh Mẹ lo dùng chiếu che để đàn con khỏi ướt.