Saturday, 21 September 2024

điểm tin



http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/166229/danh-sach-thu-truong-duoc-luan-chuyen-ve-dia-phuong.html

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/166567/danh-tinh-44-can-bo-trung-uong-luan-chuyen.html

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/166202/bo-truong-dinh-la-thang-nhan-tin-cho-co-giao-qua-suoi-bang-tui-nylon.html

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/166586/bo-truong-thang--gia-co-truong-lop-day-lam-bo-truong.html

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/166193/vuot-suoi-bang-tui-nilon--bo-giao-duc-len-tieng.html

TRẦN HUỲNH DUY THỨC

Theo thông tin từ gia đình Trần Huỳnh Duy Thức, đăng tải vào khoảng nửa đêm 20.9 rạng sáng ngày 21.9.2024:

Anh Thức đang trên đường về lại Saigon!!!
Hồi chiều nay 20/09/2024, vợ anh Thức & gia đình được công an khu vực nhà anh Thức ở Tân Bình thông báo là: "anh Thức sẽ được trả tự do và đưa về nơi cư trú". Tại thời điểm bài này đăng anh Thức đang bay chuyến bay số VN1269, khởi hành 21:55 tối từ Nghệ An, dự tính 00:00 tối sẽ đến Saigon Tân Sơn Nhất. Kính mong mọi người chia sẻ rộng rãi dẫu biết rằng giờ này cũng khá trễ.
Lúc này, gia đình đang cùng tề tựu để đón người em, người con về trong vòng tay của chúng tôi, rất mong sự quan tâm của mọi người. Thay mặt anh Thức, gia đình xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến mọi người vì đã dõi theo và đồng hành cùng anh Thức trên hành trình gian khổ gần 16 năm vừa qua. Chúng tôi tin, sự tận tuỵ quan tâm ấy đã tiếp thêm dũng khí và nghị lực cho anh Thức và Gia Đình đi hết chặn đường thử thách một cách tự hào, không tiếc nuối điều gì.
Ngoài thông tin mà gia đình được thông báo từ cơ quan công quyền như trên thì chúng tôi cũng chưa có thêm thông tin gì khác. Nếu có thêm thông tin gì, gia đình chúng tôi sẽ cập nhật để mọi người cùng chia sẻ niềm vui này cùng gia đình. (Hi vọng là mọi người sẽ nghe từ chính Anh)
Niềm vui mừng hơn hết là, đến cuối cùng Ba anh cũng đợi được đến ngày đoàn tựu cùng con trai, dù đang có nhiều vấn đề về sức khoẻ.
Gia đình đồng kính báo.

Theo một trang mạng (NKYN) thì

Tinh thần tuyệt vời của anh Trần Huỳnh Duy Thức:
Ad vừa gọi điện cho một trong những chiến hữu của anh Thức, và được anh ấy chia sẻ tình hình mới nhất của anh Thức, như sau:
Anh Thức vẫn giữ được sức khoẻ tốt, cân nặng của anh ấy hiện tại là 65kg, giọng nói của anh Thức sang sảng còn hơn ngày trước.
Điều đặc biệt: Trước khi được trả tự do, trại giam Nghệ An có làm việc với anh Thức, nói rằng Chủ tịch nước có quyết định đặc xá cho anh, và đề nghị anh ký giấy.
Anh Thức trả lời: Tôi phải được trả tự do, thay vì đặc xá, nên tôi không ký.
Cuối cùng anh không ký, nhưng ngày hôm sau họ vẫn trả tự do cho anh, nói với anh rằng Chủ tịch nước đã đặc xá cho anh.
Anh vẫn giữ nguyên tinh thần và thái độ dứt khoát, cho rằng anh cần được trả tự do. Nên anh không chịu ra trại bởi quyết định đặc xá.
Trại giam nói rằng, giờ anh được đặc xá rồi, trại không giữ anh lại được, nên quyết định khiêng anh ra khỏi trại 😆
Anh đã được trả tự do theo cách ấy 🥹❤️
***
Dành cho các bạn chưa biết: Án An ninh Quốc gia, theo bộ luật mới là không có đặc xá.
Vậy nên, việc anh Thức được đặc xá là một quyết định rất đặc biệt từ trước đến nay, dưới thời ông Tô Lâm.
Ad nghĩ rằng, với con người đặc biệt, ắt sẽ có những hành xử đặc biệt.
Dù sao cũng chúc mừng anh đã được tự do, sau thời gian dài đằng đẵng 15 năm 04 tháng 27 ngày!
Cảm phục ý chí một con người không chịu đi nước ngoài mà quyết tâm ở lại để cống hiến cho quê hương!

Còn đây là lời chào của anh.

LỜI CHÀO ĐẦU TIÊN
Kính thưa quý đồng bào thân yêu,
Cuối cùng tôi đã trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè, thân hữu và đồng bào thân yêu, những người đã che chở và chia sẻ với tôi những năm tháng gian truân và hào hùng của quãng thời gian dài gần 16 năm qua.
Dù cách trở tù đày, tôi vẫn luôn cảm nhận sự đồng cảm và tiếp sức của mọi người thông qua sự quảng bá rộng rãi các bài viết của tôi từ nhà tù, đặc biệt sự ủng hộ đồng lòng những cuộc tuyệt thực mang thông điệp quan trọng của tôi.
Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn những tình cảm quý báu ấy của bè bạn trong và ngoài nước, nhất là các cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ, EU, Đức, Pháp, Úc và Canada, các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền, các hãng truyền thông và báo chí hải ngoại cũng như quốc tế.
Đặc biệt, tôi bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các thành viên trong gia đình tôi, những người đã dành cho tôi tình yêu thương vô bờ bến, và phải chịu đựng nỗi đau cùng sự dày vò tinh thần và thể xác, thậm chí còn lớn hơn những gì tôi đã trải qua.
Chắc hẳn quý bạn đang muốn nghe những câu chuyện về nghịch cảnh mà tôi đã đối diện trong thời gian qua. Có rất nhiều câu chuyện như vậy cần được kể ra, nhưng xin hẹn mọi người dịp sau khi thuận tiện.
Duy có một điều khá khôi hài mà tôi muốn kể ngay với quý bạn lúc này. Đó là việc tôi bị ĐẶC XÁ CƯỠNG BỨC, một chuyện có thể nói là vô tiền khoáng hậu ở đất nước này.
Ngày 19/9/2024, đại diện của Trại giam số 6 thừa lệnh Bộ Công an thông báo với tôi rằng Chủ tịch nước muốn đặc xá cho tôi trước thời hạn, và yêu cầu tôi làm đơn xin đặc xá.
Tất nhiên, ngay lập tức tôi từ chối nhận đặc xá, và không ký vào đơn từ nào cả. Lý do là vì tôi phải được trả tự do theo đúng quy định mới của Bộ luật Hình sự hiện hành về hành vi mà tôi bị cáo buộc vi phạm, chứ tôi không cần ra tù nhờ sự đặc xá đó.
Vậy mà vào lúc 17g45 ngày 20/9/2024, hơn 20 người của Trại giam số 6 đã xông vào buồng giam đọc thông báo rằng Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số 940 ngày 20/9/2024 về việc "đặc xá" cho tôi. Vì vậy tôi trở thành người tự do và không có quyền tiếp tục ở lại trại giam. Tôi phản ứng ngay rằng tôi không có tội cũng như lý do gì để nhận đặc xá và sẽ không đi đâu cả.
Thế là họ cưỡng bức, khiêng tôi ra khỏi cổng nhà tù trước sự phản đối của các anh em tù chính trị ở đó, rồi đưa tôi lên xe ra sân bay Vinh. Cuối cùng tôi bị buộc phải lên máy bay trong chuyến muộn vào Sài Gòn.
Một cách mặc nhiên, tôi đã góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước, một chuyến đi mang hy vọng về sự chuyển đổi mạnh mẽ cho đất nước trong tương lai. Các nhân viên an ninh bày tỏ sự vui mừng khi tôi bước lên máy bay và xin chụp một tấm hình kỷ niệm với tôi.
Bây giờ tôi lại muốn chia sẻ với mọi người đôi chút về tương lai. Hãy tin rằng dân tộc ta đang bước vào một cuộc chuyển mình vĩ đại không thể đảo ngược. Đó là tiến trình chuyển đổi ôn hòa được dẫn dắt bởi Trào lưu mềm với năng lượng mềm, giúp chuyển hóa mọi năng lượng giận dữ tích tụ bao đời. Điều tốt đẹp đó đang đến gần hơn bao giờ hết. Mong quý đồng bào giữ vững niềm tin!
Hẹn sớm gặp lại mọi người.
Trần Huỳnh Duy Thức

Như vậy, THDT đã chính thức trở về với đời. Chủ tịch nước đã "đặc xá" nhân chuyến đi Mỹ sắp tới, nhưng nếu so với án 16 năm, thì thời gian bị giam giữ 15 năm 4 tháng 27 ngày thì anh Thức gần như đã ở trong trại gần hết thời hạn của án, cái "đặc xá" không có ý nghĩa gì mấy, và anh Thức đã từ chối "đặc xá". Theo BBC, cùng được trả lại tự do đợt này có Hoàng Thì Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đã cắm cờ lên châu Nam Cực.

 Dưới đây là những hình ảnh đầu tiên của anh Thức khi gặp bạn bè và người thân.












Friday, 20 September 2024

Ngày xưa mưa bão

 Nhân bão Yagi chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam, những ký ức ngày xưa cũ lại ùa về.

Ngày tôi còn bé, tức khoảng 4-5 tuổi, vì trước tuổi đó tôi chỉ nhớ vài sự kiện hằn sau trong ký ức thôi, khi nào có dịp tôi sẽ kể về những ký ức "đặc biệt" này, trước khi đi "sơ tán", rời thành phố quê hương, là nơi tập trung của nền công nghiệp một vùng, để tránh bom đạn khi LBJ (Lyndon Baines Johnson) cho máy bay ra nem bom bắn phá miền Bắc trong chiến dịch The Rolling Thunder (mà Việt Nam dịch là Sấm Rền).

Một ký ức chung của mấy anh chị em tôi là bố tôi rất chú ý theo dõi nghe dự báo thời tiết. Ở cái thời chưa có TV (+ tử lạnh "chạy đầy đường" ấy), phương tiện truyền thông duy nhất là chiếc đài bán dẫn của Nhật, hiệu National, do anh trai cả của tôi đi du học ở Tiệp Khắc (Czechoslovakia, ngày nay là hai nước Czech và Slovak) chạy bằng pin (2 pin, hiệu Con thỏ, hiệu pin duy nhất có bán ngày ấy). Chiếc đài chỉ dài rộng bằng khoảng gấp rưỡi (1.5) bàn tay người, có dây đeo để có thể đeo ngang hông trong những dịp cả gia đình tôi thồ nhau trên mấy chiếc xe đạp để về quê thăm ông bà ngoại. (Chí thăm ông bà ngoại thội, vì ông bà nội đã mất từ 3 năm trước khi tôi ra đời, trước cả khi sinh anh trai kế tôi, chuyện về ông bà nội tôi sẽ kể vào một dịp khác).

Thời điểm trước khi đi sơ tán ấy, tức trước 1965, trước mỗi khi có bão, sau khi nghe dự báo thời tiết và để ý các hiện tượng tự nhiên, thì Mẹ đi chợ về thể nào cũng mua quả bí xanh (còn gọi là bí đao) để đề phòng mưa bão. Vào cái thời chưa có tủ lạnh, chưa có siêu thị ấy, trừ gạo thì mua theo sổ mua lương thực mà dân gian gọi là sổ gạo (thành ngữ một thời "buồn như mất sổ gạo"), thịt thì mua theo phiếu, cả tháng người "cán bộ" - công chức nhà nước như Bố chỉ có tiêu chuẩn 0.5 kg thịt (nạc, mỡ, bèo nhèo, miễn là từ con lợn), còn anh em chúng tôi còn đang đi học thì "tiêu chuẩn" chắc chắn là ít hơn, đồ ăn thức uống khác chủ yếu là rau, củ, do những người nông dân ở các xã ngoại thành mang vào bán ở chợ thành phố. Vì mưa bão, hoặc là họ phải lo chống đỡ nhà cửa, hoặc là không thể hái rau trong mưa, hoặc là do đường xá ngập nước, nên những ngày này họ không mang rau cỏ vào phố được nữa. Vì thé, để chuẩn bị thức ăn cho ngày mưa bão, Mẹ tôi thường mua quả bí xanh, vì bí là thứ để được mà không sợ hỏng. Ngoài ra, tôi cũng không thấy Mẹ chuẩn bị đồ ăn dự trữ khác như vừng, lạc hay gì khác. 

Bão đến, nhà cửa ở phố chắc chắn, chỉ cần đóng chặt cửa ngồi trong nhà là yên tâm, chưa bao giờ bị hư hại gì, cũng chưa bao giờ bị nước mưa ngập tràn vào nhà. Bão tan, thì lũ trẻ con đi nhặt quả bàng rụng. Cây bàng vốn cao, nình thường phải dùng sào mới bẻ được quả. Quả bàng khi xanh thì không ăn được, nhưng chín vàng thì hơi ngọt, găm bàng chín xong còn dùng viên gạch vỡ để đạp hột bàng lấy nhân nhai bùi bùi. Tôi còn bé, không rõ có tự mình đi nhặt bàng rụng sau bão không, nhưng chị gái thứ tư của tôi hơn tôi 6 tuổi, và anh trai kế tôi hơn tôi 3 tuổi chắc chắn là có tham gia "hoạt động" nhặt bàng chín rụng sau bão. Nếu có, tôi chỉ là đứa theo đuôi anh chị chứ không có hoạt động gì đáng kể.

Năm 1968, tức là năm sơ tán cuối cũng, vì ngày 31.3.1968, sau chiến dịch Tết Mậu Thân, Tổng thống LB Johnson tuyên bố 1. không ra tái tranh cử, không nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ để tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo, và 2. Dừng ném bom Việt Nam DCCH từ vĩ tuyến 21 (đo Bắc) trở ra, chính thức chấm dứt chiến dịch The Rolling Thunder, tôi nhớ như thế vì sang năm 1969 khi tôi học lớp 4, thuộc cấp 1 hệ 10 năm (+ 1 năm "vỡ lòng"), thì tôi đã hoc ở phố rồi, chứ không còn ở nơi sơ tán nữa. Năm 1968 đó có một cơn bão lớn đổ vào đồng bằng Bắc bộ, vào thời gian khá muộn trong năm, cũng tầm cỡ tháng 9 dương lịch. Khi đó Bố đi sơ tán theo trường của Bố ở một huyện khác (xã Hưng Công, huyện Bình Lục), mấy anh chị lớn đều đi học xa nhà (anh cả đi học ở Tiệp Khắc, chị thứ hai đang học đại học Y và sơ tán tại Thái Nguyên, chị gái thứ ba đi học bưu điện ở thị xã Phủ Lý (nay thuộc tỉnh Hà Nam, còn ngày đó vẫn thuộc tỉnh Nam Hà: Nam Đinh + Hà Nam), còn chị gái thứ tư học lớp 10 vì trường ở xã nhà nên cũng trọ học, chỉ cuối tuần mới về). Như vậy, ngày đó thường xuyên chỉ có Mẹ và 4 anh em nhỏ nhất nhà chúng tôi. Tôi nhớ cơn bão năm đó đến khi mấy mẹ con ở trong căn nhà, gồm chỉ 1 gian trong dãy nhà tranh 10 gian của khu tập thể dành cho giáo viên, công nhân viên đi sơ tán theo trường. Ban đêm, khi mưa to như trút, mái nhà tranh bắt đầu cho thấy sự bất cập, nước mưa theo những chỗ hở chảy xuống, dột lỗ chỗ đúng giường của mấy mẹ con, cả mấy mẹ con chen chung trên một chiếc giường đôi, mưa dột Mẹ phải lấy chiếu để trùm lên che chỗ dột, được một lát lại dột thêm chỗ khác, lại kéo chiếu che, cứ thế cả đêm mưa gió Mẹ cứ loay hoay che chắn nước mưa cho mấy anh em tôi khỏi ướt. Đó là ký ức không thể nào quên về bão, mưa gió của tôi, cùng với hình ảnh Mẹ lo dùng chiếu che để đàn con khỏi ướt.

Saturday, 25 March 2023

CÔNG DÂN VS. THẦN DÂN

 Bao giờ thì người Việt có tâm thức của công dân, thay vì tâm thức của thần dân?

Hỏi mà không mong có câu trả lời.

Vì việc dự đoán tương lai là bất khả, hơn nữa không có nhiều chỉ dấu cho thấy sự chuyển dịch khả dĩ nào có thể cho thấy một tương lai có thể nhìn thấy được cho sự lột xác đó.

Vậy tâm thức CÔNG DÂN là gì, và tâm thức THẦN DÂN là gì? Tại sao cần phải có một tâm thức công dân thế chỗ cho tâm thức thần dân?

Nói ngắn gọn và dễ hiểu, thì công dân là thành viên của một xã hội dân sự, tuân thủ theo pháp luật. Và khi viết bài này, thì lại nghĩ thật trùng hợp khi mình đặt tên trang của mình là CÔNG DÂN và XÃ HỘI DÂN SỰ. Người công dân là người có ý thức tuân thủ luật pháp, và chỉ tuân thủ theo luật pháp, mà không chịu uốn mình trước bất cứ thế lực nào, cường quyền, bạo quyền hay tà quyền. Người công dân không tôn ai làm chủ, không cúi mình phục tùng bất cứ cá nhân nào chỉ vì địa vị của người đó.

Còn thần dân, đó là thành viên của một xã hội tổ chức theo mô hình của chế độ quân chủ. Trong một chế độ xã hội theo mô hình quân chủ (monarchy), người đứng đầu xã hội là một quân chủ (monarch) như vua hay hoàng hậu, hoặc các thể chế khác tuy không gọi nhà lãnh đạo của mình là vua, quốc vương hay hoàng hậu nhưng cách thức tôn sùng người lãnh đạo khoong khác gì với một quân vương, thì tôi cũng xếp đó là xã hội theo thẻ chế quân chủ, cho dù là quân chủ trá hình. Trong xã hội đó, thành viên của xã hội thay vì là một công dân có vị thế xứng đáng, chỉ là một THẤN DÂN (subject) có nghĩa vụ phải tuân thủ theo mọi phán quyết, ý muốn của nhà lãnh đạo.

Người công dân khi chỉ tuân theo luật pháp, không có một ông chủ hiện hình nào dưới hình dạng con người chỉ tôn thờ luật pháp là chủ, nhờ đó có một sự độc lập tương đối nhưng khá rộng rãi trong suy nghĩ và hành động, miễn là suy nghĩ và hành động đều trong khuôn khổ pháp luật.

Trái lại, thần dân khi tôn thờ một vị quân chủ hoặc một vị lãnh đạo với quyền hành như của một quân chủ sẽ không để ý đến luật pháp mà chỉ để ý đến ý chí của vị lãnh đạo đó như là tói thượng. Trong trường hợp này, thần dân không phải chỉ có một người chủ duy nhất là vị lãnh đạo tối thượng đó, vì trong một xã hội có tổ chức phức tạp, thần dân sẽ không chịu sự lãnh đạo TRỰC TIẾP của vị lãnh đạo cao nhất đó, mà qua sự uỷ trị của hệ thống tầng bậc (hierarchy) các cấp lãnh đạo từ cao cấp, trung cấp từ trung ương đến địa phương vì họ được coi là thể hiện cụ thể của ý chí của lãnh đạo tối cao.

Trong khi người công dân có một địa vị tương đối độc lập khi chỉ buộc mình tuân thủ pháp luật, thần dân, trớ trêu thay, tự ràng buộc mình trong hệ thống đến mức tự coi mình là bản thân hệ thống và đồng nhất mình với hệ thống đó trong khi thực chất anh ta chỉ không được là cái đinh ốc, hay là cái đinh ốc có thể bị thay thế, thải loại trong cái cỗ máy xã hội khổng lồ đó.

Chính cái thái độ đồng nhất mình với hệ thống, coi mình chính là hệ thông đó mà anh ta chỉ là một thần dân. Khi nào anh ta tự ý thức mình chỉ tuân thủ theo pháp luật, anh ta sẽ chuyển mình thành con người công dân. Nhưng khi nào điều đó sẽ xảy ra, đó là một tương lai không thể nào tiên đoán được. 

Thursday, 17 November 2022

VÀI SUY NGHĨ NHÂN NGÀY 20.11

Mình cũng đã có thời gian làm một nhà giáo chính thức, formally a teacher, nghĩa là làm thày giáo, thực hiện công việc giảng dạy tại một cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục của nhà nước. Thời gian đó, mười năm, là không ngắn so với cuộc đời một con người (kể cả thời gian đi học sau đại học, post-graduate, chương trình thạc sĩ, MA Degree, khi mình vẫn còn thuộc quân số của cơ sở giáo dục đó, và khi đi học vẫn hưởng (100%) lương của giáo viên đứng lớp).
Mình đã nghỉ dạy, nói đúng ra không còn thuộc một cơ sở giáo dục nào trong hệ thống giáo dục của nhà nước từ hơn 25 năm nay (từ khi tôi khởi viết bài này mà bỏ dở, đến nay, sau mấy năm tôi lại viết tiếp để cố hoàn tất bài để đăng kịp dịp 20.11 năm nay, 2022). Tuy nhiên, kể cả trong 2 năm học sau đại học mình cũng tham gia dạy thêm nhiều để có thêm thu nhập, giống như những năm trước đó còn ở trường có "lương nhà nước" nhưng vẫn phải dạy thêm thì mới có tiền để ăn, để tiêu (không kể mặc vì 10 năm đó mình hầu như không để tâm đến quần áo, ăn mặc). Rồi sau này vẫn có người nhờ vả nên tuy không còn ở biên chế của trường nào, nhưng việc giảng dạy vẫn được tiếp tục.
Với kinh nghiệm như thế, mình có thể đảm bảo là mình là nhà giáo thực thụ, theo đúng nghĩa: được đào tạo làm giáo viên, tham gia giảng dạy tược biên chế của một trường, và các hoạt động giảng dạy khác. Và cho dù đã thôi là nhà giáo, thì mình vẫn còn tiếp tục đóng góp trong việc truyền bá kiến thức, vì đó chính là ý nghĩa quan trọng của nghề giáo.
Trong khi là người học, ta cứ tưởng rằng ta đã biết, đã hiểu vấn đề, nhưng đến lúc vào nghề giáo mới thấy, cái kiến thức lỗ mỗ đó không thể đem ra dạy được. Nghề giáo giúp ta hệ thống lại kiến thức đã biết đã học và tìm hiểu thêm để có thể truyền đạt lại cho người khác. Người Việt thường hay nhắc đến câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (Một chữ là thày, nửa chữ cũng là thày). Câu đó chỉ đúng 50%, và sai 50%. Tôi sẽ chỉ ra cái sự đúng-sai ở đây. Từ quan điểm của người học, thì bất cứ ai hơn ta nửa chữ cũng là thày ta, ta học từ mọi người hơn mình, để bổ sung cho những điểm mình còn thiếu. Còn từ góc độ người thày, thì không thể hơn một nửa chữ cũng đi dạy, như kiểu lớp 2 dạy lớp 1. (Thời tôi học đại học, một người mới tốt nghiệp đại học được giữ lại trường làm công tác giảng dạy, tức là có thể coi người tốt nghiệp là năm 6, dạy cho người vào năm 1, còn về bằng cấp thì là tốt nghiệp đại học lại dạy đại hoc, theo ngôn ngữ dân gian là "cơm chấm cơm". Vì thế, sau này người ta phải đề ra chính sách, người được giữ lại trường không được đi dạy đại học ngay, mà phải hoàn thành bằng thạc sĩ thì mới đươc đi dạy, và các trường đại học chỉ nhận giáo viên có văn bằng thạc sĩ trở lên để chấm dứt tình trạng "cơm chấm cơm"). Người thày cần phải có tiến thức bao quát, tổng hợp, vì thế chỉ hơn người "nửa chữ" thì chẳng thể đứng trên lớp mà dạy được. Tôi thích dẫn đến câu này hơn "biết mười, dạy một". Không phải là người thày ích kỷ, biết mười mà không dạy cả mười, chỉ dạy một thôi. Thày giữ cái chín phần còn lại để làm gì sao thày không truyền thụ nốt? Ở đây, là người thày, tôi nhìn nhận dưới góc độ khác. Một người thày đinh truyền tải một vấn đề, thì phải tìm hiểu sâu, rộng về vấn đề đó, kể cả khi tìm hiểu về vấn đề đó lại đọc liền sang các vấn đề khác, thì cũng cần phải tìm hiểu (Đây thực sự là vấn đề liên văn bản). Để khi đứng trên lớp, trước học trò thày có thể trình bày vấn đề một cách đầy đủ, sâu sắc, toàn diện, cũng như có thể sẵn sàng giải đáp tại chỗ các thắc mắc, câu hỏi của học trò.
Nước ta ngày xưa theo Nho học, có truyền thống "tôn sư, trọng đạo", đó là một truyền thống tốt, thậm chí vị trí của người thày còn cao hơn người làm cha làm mẹ (quân - sư - phụ). Tuy nhiên, thời thế thay đổi thì các giá trị thay đổi và truyền thống cũng bị mai một, đó là điều tất nhiên và dễ hiểu. Người cha ngày xưa có thể không biết chữ, người mẹ càng không, việc học Khổng, Mạnh chỉ phó mặc cho thày. Con sau này học hành đỗ đạt ra làm quan đem vinh hiển về cho gia đình, dòng tộc và cả làng xóm, nên công lao của người thày rất lớn, người ta phải tìm cách báo ơn cái công lao đó. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong một cuốn sách của mình đã viết rất kỹ về mối quan hệ thày trò đó, cách học trò đóng góp bằng hiện vật, rồi lễ Tết thày (mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thày), kể cả việc chăm lo đến con cái chưa trưởng thành của thày một khi thày đã quy tiên. Tuy nhiên, cái phong tục đó ngày xưa theo được, mà ngày nay không thể. Đó là do thời Nho học, một người học trò chỉ có độ vài ba người thày, người thày đầu tiên có thể là cùng làng, cùng tổng, dạy "tam tự kinh", những người thày này có thể không có đỗ đạt cao, không ra làm quan được, nhưng cũng do đó sẽ không có khả năng dạy cao hơn. Những học trò chịu khó, học hành tấn tới để sau này đi thi đỗ đạt ra làm quan, thì khi những người thày đầu tiên dạy "hết chữ", sẽ tìm đến người thày mới, ở xa hơn và sau cùng nếu người học trò giỏi giang ôm mộng đỗ tiến sĩ, thì sẽ tìm đến người thày có tiếng tăm đã từng đỗ đạt, đã ra làm quan rồi cáo lão về, như Chu Văn An, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến v.v. Cả đời chỉ học vài ba người thày thì có thể thực hành tôn sư trọng đạo theo cách Nguyễn Công Hoan mô tả được. Còn sự học ngày nay, không còn là Nho học Khổng Mạnh khoa cử, ai cũng từng đã trải qua, nên chắc không phải viết nhiều. Có lẽ chỉ ở bậc thấp nhất, hồi những năm 1950-60 là "vỡ lòng", còn ngày nay là lớp một thì mới có một thày, hoặc cô (mà bây giờ phần nhiều là cô, để lúc nào phải viết riêng một bài về vấn đề này) dạy một lớp thôi. Còn ở các lớp trên, số thày, cô tham gia vào học vấn của một học trò ngày càng đông, nếu người học theo học đại học, rồi học thạc sĩ, làm tiến sĩ thì danh sách thày càng kéo dài, việc "đền đáp" nhớ ơn theo kiểu ngày xưa sẽ trở thành bất khả. Ngày nay, mối quan hệ thày - trò là quan hệ hai chiều, nền giáo dục chuyển hướng từ người thày, việc dạy làm trung tâm sang lấy người học làm trung tâm (learner-centred), không phải là "không thày đó mày làm nên" nữa vì nếu không có học trò thì cũng không còn có người thày, thày cũng cần trò như trò cần thày vậy. Và nội dung "tôn sư" vì thế cũng thay đổi. Trong mối quan hệ ngày nay, đòi hỏi học trò tôn trọng người thày thì người thày cũng phải đáp lại với sự tôn trọng tương xứng, chứ người thày không còn "làm cha, làm mẹ" người ta như trước nữa (vì thế mình phản đối cách nhà trường ngày nay buộc học trò xưng con với thày, cô, những người có khi chỉ hơn họ năm, bảy tuổi).
Thế còn khái niệm nghề cao quý! Tôi cho rằng không có nghề nào là cao quý hơn nghề nào. Nếu so sánh địa vị xã hội, chủ tịch nước, tổng thống là một cương vị cao nhất trong một quốc gia, và một người công nhân vệ sinh môi trường gần như đứng cuối bảng xếp hạng xã hội, có người có thể coi thường những người làm công việc thấp kém này trong môi trường mất vệ sinh và độc hại. Nhưng thử nghĩ, nếu chủ tịch nước hay tổng thống có đột tử chết đi, chờ có bầu cử rồi tuyên thệ chính thức trước khi người thay thế đảm nhận chức trách mới, công việc của một quốc gia không đến nỗi vì thế mà đình trệ vì mọi người ai vẫn làm việc nấy. Còn thử tưởng tượng các nhân viên vệ sinh môi trường vì một lý do nào đó ngừng làm việc ba ngày, bảy ngày thì các đô thị sẽ ngập trong rác, có thể là khởi đầu của nhiều bất ổn xã hội. Một ví dụ để thấy không có nghề nào cao quý hơn nghề nào, mỗi nghề nghiệp bằng cách riêng của mình đóng góp vào xã hội cần được coi trọng và tôn vinh như nhau. Còn nhớ khoảng những năm 1980, đọc một bài khá dài chiếm trọn trang 2 của báo Nhân Dân, về giáo dục Mỹ. Đại loại có một thời điểm chất lượng nền giáo dục Mỹ đi xuống, giới chuyên gia đưa ra cảnh báo, vậy là các chính sách có tính khuyến khích nền giáo dục được đưa ra, trong đó có lương bổng, nhờ đó thu hút những người ngoài ngành giáo dục đầu quân cho ngành, những người này, với các chuyên môn khác nhau, ví dụ toán học, sinh học, hoá học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật v.v.) chỉ cần qua một khoá đào tạo ngắn hạn về giảng dạy là có thể trở thành giáo viên, nhờ đó nền giáo dục Mỹ lại thu được kết quả đáng khích lệ. Chuyện này thực hư chưa rõ, nhưng ta cứ tin ở báo Nhân Dân (!), và ở trí nhớ chưa đến nỗi sa sút của tôi (!), cho ta thấy 1. có sự chuyển đổi ngành nghề giữa các nghề khác nhau, và 2. ai cũng có thể trở thành thày/cô giáo, chỉ cần thông qua một chương trình đào tạo nhất định, tức là không cần có hệ thống trường sư phạm chỉ chuyên để đào tạo giáo viên như ở ta, 3. từ 2 có thể thấy ai cũng có thể làm nghề này được, thì nghề này không có gì đặc biệt hơn các nghề khác, ngoài ra, ta có thể thấy một bài báo có thể có tác động xã hội, ảnh hưởng đến chính sách như thế nào, và một khi người ta định nâng cấp nền giáo dục, người ta có thể làm được. Không như ở đâu đó nói giáo dục là quốc sách, tuyên bố phổ cập giáo dục ở cấp tiểu học, nhưng các chính sách đãi ngộ cho thày/cô giáo nói chung chưa tương xứng, chưa nói đến cho các thày/cô giáo ở vùng miền núi, vùng xa hôi hẻo lánh, đầu tư cho cơ sở vật chất, trang bị, thiết bị trường học, nội dung chương trình v.v. còn lâu mới được như mong đợi.
Tôi không có ý đề cao ngành nghề này hơn ngành nghề khác. Nhưng một khi đã đề cao thì chính sách phải được tương xứng, nói phải đi đôi với làm, chứ đừng chỉ nói suông. Theo cá nhân tôi, lý do khiến nghề giáo, hay nghề y được gọi là những nghề cao quý (chưa cần biết nhất hay không, chỉ cần gọi là cao quý để có sự đề cao, coi trọng thích đáng của xã hội) là vì hai ngành này đều làm việc, tác động đến các chủ thể là con người, nên việc làm của họ đáng được trân trọng. Còn người thày giáo, để xứng đáng được xã hội tôn vinh, thì không đơn thuần làm người truyền tải kiến thức, như nhiều người hay ví von "người đưa/lái đò", một thày giáo chân chính được tôn vinh, ngoài sự tận tuỵ với nghề, với học trò, là nhờ lối sống mẫu mực, xứng đáng làm tấm gướng sáng cho mọi người noi theo. Số đó trong xã hội ngày nay chắc chắn vẫn có, nhưng ta không biết họ chiếm bao nhiêu phần trong tổng số giáo viên toàn quốc ở tất cả các cấp.

P/S 1. Hồi tôi còn là một giáo viên chính thức trong biên chế, vì với suy nghĩ đó nên tôi thường bỏ qua không tham dự bất cứ hoạt động nào nhân ngày 20.11. Trước ngày 20.11 thể nào cũng có luyện tập văn nghệ (hát hò), tôi tham gia đầy đủ như trách nhiệm của một đoàn viên công đoàn. Tuy nhiên, vào tối có chương trình văn nghệ của giáo viên và học sinh, thì tôi sẽ không bước lên sân kháu cùng đồng nghiệp*. Tôi tham gia tập luyện theo đúng trách nhiệm để ai đó khỏi chê trách tôi không tập hát, nhưng lên sân khấu thì không, vì tôi biết mình hát không ra gì, nếu có giọng tốt, nếu có niềm đam mê thì tôi đã theo nghề ca hát, nay tôi đã đi dạy thì đừng bắt tôi hét kẻo mọi người lại chối tai. Còn buổi sáng kỷ niệm ngày 20.11, có thể đúng ngày hoặc trước ngày 20.11, tuỳ theo sự sắp xếp của trường, sẽ có một buổi tập trung toàn trường ở sân trường, học sinh ngồi phệt theo hàng lối ở phía dưới, giáo viên được sắp hai hàng ghế mỗi bên bục phát biểu ngồi quay xuống học sinh. Sẽ có các phát biểu của ban giám hiệu, gồm hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường, và của một vài thày/cô giáo, và có phát biểu của đại diện học sinh v.v. Tôi từ chối ngồi trên mấy hàng ghế dành cho giáo viên đó, vì không thích chường mặt ngồi trong hơn một tiếng đồng hồ, và các bài phát biểu không có nội dung gì mới, nên tôi sẽ bỏ đi bát phố mà không tham dự hoạt động kỷ niệm ở sân trường. Sau buổi lễ chung đó, các giáo viên, nếu không phải giáo viên chủ nhiệm, sẽ được phân công về từng lớp. còn giáo viên chủ nhiệm thì sẽ theo với lớp của mình. Vì đã từ chối tham gia hoạt động toàn trường, tôi cũng từ chối tham gia hoạt động tại các lớp. Tôi cảm thấy nếu ngồi dự một buổi như thế, nghe học sinh ca ngợi "công đức" của thày/cô giáo một cách "vỗ mặt" như thế thật không phải lẽ, tôi sẽ sượng sùng đến chết vì những tán dương dành cho mình, cảm giác như mình đang dự buổi "giỗ (khi mình đang còn) sống" vậy. Cá nhân tôi, làm việc hết lương tâm và trách nhiệm của một người thày giáo, tôi không nợ nần gì học sinh của mình cả, ngược lại các học trò của tôi cũng không cần phải "đội ơn" tôi vì tôi đã làm công việc của mình. Thế là do đã từ chối không dự buổi kỷ niệm chung của nhà trường để đi bát phố, tôi cũng từ chối tham gia các buổi gọi là "toạ đàm" tại lớp mà mình được phân công, chỉ đến buổi trưa, khi chắc chắn là các hoạt động đó đã kết thúc, tôi về lại căn phòng tập thể giáo viên của mình ở trong khuôn viên (campus) của trường để chuẩn bị bữa trưa. Các học trò vì thấy tôi không có mặt ở trên lớp, sẽ tìm đến phòng ở tập thể của tôi với lời trách nhẹ nhàng "thày lại trốn rồi," (các em nói đúng đấy, tôi đã đi "trốn"). và tôi miễn cưỡng nghe các lời chúc mừng, rồi nhận quà của các em, thường là một cuốn sổ tự đóng hoặc của một hàng thủ công, và một tấm thiệp. Tôi giữ các tấm thiệp làm kỷ niệm cho cuộc đời giảng dạy, để ghi nhớ mình có tham gia dạy với lớp nào, còn các cuốn sổ, tất nhiên tôi cũng trân trọng giữ vì đó là tấm tình của các em, nhưng tôi không biết làm gì với chúng cả. Sau 9-10 năm đi dạy chính thức trong biên chế, không nhớ tôi đã dạy ở mấy chục lớp, nên tôi cũng được tặng chừng ít nhất 5-7 cuốn sổ, nhưng tôi chẳng biết làm gì, vì tội thay, cũng là may thay nữa, tôi lại không biết làm THƠ! Hình như tôi đã dùng một vài cuốn sổ trong số đó để chép tay một vài cuốn sách in mà mình không có, học theo cách của một đồng nghiệp rất chịu khó đã từng làm. Ngày nay, khi đi dạy lại, tôi giữ nguyên tắc không nhận quà, vì không muốn nhận thêm sổ, và với suy nghĩ các em không nợ nần gì mình, các em lại đang độ tuổi đi học, chưa làm ra đồng tiền, nên sẽ không hay nếu nhận bất cứ thứ gì từ các em khi các em phải góp nhau để mua quà tặng thày. (Mà các em không chỉ tặng quà cho một mình tôi, chỉ là món quà nhỏ đối với tôi, nhưng khi các em phải chuẩn bị quà cho tất cả các thày/cô giáo tham gia dạy lớp các em, thì số tiền các em phải đóng góp sẽ không nhỏ). Khi các em không nợ nần gì tôi, mà tôi nhận quà, tự tôi lại cảm thấy mắc nợ với các em, vì thế, tôi giữ nguyên tắc không nhận quà để khỏi phải băn khoăn. Tôi đã từng nói rất thật với học trò của mình, rằng phần thưởng (reward) lớn nhất đối với người thày, là sự tiến bộ rõ rệt, là thành tích của người học. Một khi thấy người học đạt tiến bộ, là thấy công việc của mình có ích, có ý nghĩa, tự điều đó đã đem lại niềm vui cho người thày rồi, ngoài ra mọi quà cáp là không cần thiết, kể cả hoa hoét là một sự lãng phí lớn vì chỉ vài ngày là hoa tàn còn các người bán hoa rất mong chờ những ngày này (và các ngày kỷ niệm khác trên đất nước này) để bán với giá đắt cho người mua. (Tôi thì có mấy quyển sổ, còn chị gái tôi, mấy chục năm theo nghề giáo thì có nhiều bộ ấm chén hơn nhiều lần nhu cầu của một hộ gia đình).
Điều thiết yếu, tôi nghĩ, là chính quyền và xã hội hãy quan tâm đến nền giáo dục, đến sự nghiệp giáo dục, bằng những hành động, thông qua những chính sách cụ thể, để sự quan tâm đó thường trực 365 ngày/năm, chứ không phải chỉ vài ngày trước cho đến ngày 20.11.

P/S 2. Cuối cùng cũng hoàn thành bài viết này dịp 20.11 năm nay, 2022, tròn 40 năm kể từ khi Ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo đổi thành Ngày Nhà giáo Việt Nam (1982-2022), cũng tròn 40 năm kể từ khi tôi bắt đầu bước chân vào công việc giảng dạy.
Theo tôi được biết, chắc là không có nhiều nước trên thế giới giữ ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo 20.11 làm Ngày Nhà giáo. Thay vào đó, các nước kỷ niệm Ngày Nhà giáo Thế giới (World Teachers Day) vào ngày 5.10 hàng năm, kể từ năm 1994 khi UNESCO lấy ngày này để tôn vinh những người làm công tác giảng dạy.

Ngày 18.11.2022 (Hoàn tất)
Tháng 11.2007 (?) (Khởi thảo) 

* Tôi liên tường đến một chuyện vui nước ngoài (joke) mà tôi đọc được bằng tiếng Anh. Đại loại, một nhà thờ Tin lành tổ chức một dàn hợp xướng (choir). Vị mục sư khi thấy số người tham dự không được đông đủ, duy chỉ có một người tham dự đều đặn các buổi tập, có ý khen người đó. Không ngờ người đó đáp rằng, Thưa Mục sư, thật không phải, vì hôm trình diễn tôi không thể tham dự được nên tôi cố gắng tham gia đầy đủ các buổi luyện tập!

Monday, 10 October 2022

SCB

 Chúng nó giết nhau ghê quá.

Từ khi nghe tin cái chết ở tuổi 50 (sinh năm 1973) của giám đốc công ty chứng khoán Tân Việt, mà minh chẳng biết là công ty nào, và ai vào ai, rồi đến tin dồn dập liên quan đến vụ bắt bớ các nhân sự của "tập đoàn" Vạn Thịnh Phát, mà mình cũng chẳng biết là doanh nghiệp nào, trong đó có người đứng đầu Trương Mỹ Lan, mà mình cũng chịu chẳng biết là ai, thì nay lại nghe tin thêm một nhân sự nữa liên quan, một nữ nhân, chết ở tuổi 37 tuổi (sinh năm 1984). Bà con có tiền gửi ở SCB thì hoang mang kéo nhau đi rút tiền, còn từ hôm qua đến nay dân tình nháo nhác mua xăng mà không được.

Sunday, 25 September 2022

Nhà hát Lớn (Hà Nội) huỷ buổi biểu diễn ngày 25.9.2022 của ca sĩ Khánh Ly bằng một thông báo cắt điện

 Ca sĩ Khánh Ly, hay công ty tổ chức biểu diễn đại diện cho bà hẳn phải đã "làm việc" (cứ viết đến từ này thì lại nghĩ đến cách sử dụng của nó của lực lượng "chuyên chíinh vô sản") từ lâu với Nhà hát Lớn, ký kết hợp đồng để từ đó có thể xúc tiến các hoạt động khác như mời các ca sĩ khách mời khác tham gia, lên chương trình, kế hoạch bán vé, sơ đồ chỗ ngồi, và nội dung chương trình trên áp phích quảng cáo. Một khi áp phích trưng ra, vé đã được bán thì ai cũng phải hiểu là hợp đồng đã có hiệu lực thì mới đến được bước đi này. Mọi sự chỉ còn chờ đến "giờ G", giờ của show diễn, của ca nhạc và đam mê.

Đùng một cái ngày 24.9.2022, tức là trước đêm biểu diễn có lẽ không đến 24 giờ, Nhà hát Lớn quăng cho một thông báo là bên Công ty Điện lực muốn cắt điện để bảo trì nhằm "đảm bảo an toàn" cho Nhà hát. Nếu lý do từ phía Công ty Điện lực, Nhà hát Lớn hẳn phải biết tôn trọng hợp đồng đã ký với ca sĩ Khánh Ly hoặc với công ty tổ chức biểu diễn đại diện cho ca sĩ Khánh Ly, để trả lời với Công ty Điện rằng họ không thể đột ngột thông báo cắt điện như vậy, làm hỏng cả kế hoạch kinh doanh của Nhà hát, phá vỡ hợp đồng của Nhà hát với bên thứ Ba, đồng nghĩa với việc Nhà hát sẽ bị bên thứ Ba kiện và đòi đền bù phá vỡ hợp đồng. Bằng cách đó, Nhà hát hoặc yêu cầu Công ty Điện lực dời lịch sửa chữa sang một ngày khác để không trùng với lịch biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly, hay bất cứ hợp đồng nào khác mà Nhà hát đã ký, hoặc yêu cầu Công ty Điện lực chịu bồi thường thiệt hại vì đã phá hỏng hợp đồng khiến Nhà hát đối mặt với đơn kiện của ca sĩ Khánh Ly, hay của công ty tổ chức biểu diễn. Đằng này, Nhà hát Lớn không làm như thế. Họ chỉ thông báo là do Công ty Điện lực có công văn yêu cầu cắt điện để sửa chữa, nên buổi biểu diễn ngày 25.9.2022 tại Nhà hát Lớn sẽ không thể thực hiện được, và cũng không hứa hẹn là sẽ đền bù bằng một buổi biểu diễn cũng vẫn tại Nhà hát vào một thời gian khác, và đền bù các thiệt hại khác mà việc huỷ buổi biểu diễn chỉ một ngày trước đêm diễn. Không. Họ chỉ yêu cầu ca sĩ Khánh Ly "thông cảm", một từ không có trong ngôn ngữ hợp dồng kinh doanh thương mại của bất kỳ quốc gia nào. Họ phủi tay, đổ riệt nguyên nhân huỷ buổi diễn cho Công ty Điện lực chịu. 

Hà Nội thì vậy.

Lại nghe loạt show của ca sĩ Khánh Ly còn bị nhất loạt huỷ tại Hưng Yên, Hải Phòng, và Huế. Không biết các tỉnh, thành kia thì lấy lý do gì. Không biết Khánh Ly đã động đến sợi lông nhạy cảm của "ông lớn bí ẩn ngồi sau rèm" nào.

Sau vụ này ắt hẳn chị Mai sẽ rất "nhớ mùa thu Hà Nội".