Saturday 31 August 2013

Gs. Ngô Bảo Châu nói về thi cử

Những ý kiến xác đáng của Gs. Ngô Bảo Châu về giáo dục và cách tổ chức thi cử.

Qua đó cho thấy, các nhà lãnh đạo, trong đó có các nhà lãnh đạo ngành giáo dục, và kể cả nhà báo về giáo dục, không hiểu được vấn đề nằm ở đâu. Sắp đến ngày Quốc khánh Việt Nam rồi, độc lập được 68 năm nhưng cho đến nay nhiều vấn đề có vẻ như vẫn mới, vẫn là 'lần đầu tiên', giống như múa võ trong phòng tối.

GS Ngô Bảo Châu: Thi không đảm bảo nghiêm túc thì nên bỏ

GS Ngô Bảo Châu cho biết ông đồng tình với việc nếu tổ chức cuộc thi mà không có khả năng bảo đảm sự nghiêm túc thì tốt nhất là không nên thi. Việc tuyển sinh ĐH nên bỏ thi chung.
GS Ngô Bảo Châu nói:
Trong số những lập luận bảo vệ cho việc giữ thi, tôi thấy có một số ý kiến cần phải xem xét.
Lập luận thứ nhất, phải thi học sinh mới chịu học. Điều này nghe qua thì có lý nhưng soi xét kỹ hơn thì thấy không ổn. Người ta vẫn kêu ca là học sinh học lệch, học theo kiểu luyện thi... Cách học để thi không tạo nên cái gì tốt đẹp cho nhân cách của học sinh, không giúp các em có năng lực gì mới, những năng lực có lợi cho cuộc đời của các em sau này.
Nếu xét chuyện học để phục vụ cho kỳ thi thì đó không phải lý do để giữ thi. Ngược lại, nếu bỏ thì có lẽ sẽ bỏ được nhiều việc vô bổ. Tôi nghĩ nếu giáo viên được chủ động trong việc dạy học, không bị áp lực thi cử thì dạy tốt hơn, dạy những gì thực sự có lợi cho sự phát triển nhân cách và tư duy của học sinh.
  GS Ngô Bảo Châu, thi tốt nghiệp, tuyển sinh
GS Ngô Bảo Châu: "Nếu tổ chức cuộc thi mà không có khả năng bảo đảm sự nghiêm túc thì tốt nhất là không nên thi".

Friday 30 August 2013

Thư giãn cuối tuần

Ngày nghỉ cuối tuần đến rồi, hơn nữa lại sắp đến ngày kỷ niệm Quốc khánh, xem mãi mấy tấm hình hiện thực không tươi đẹp ở xứ thiên đường thì nhức nhối quá. Hôm nay 'chiêu đãi' câu chuyện thú vị và những tấm hình một chàng đẹp trai đang xôn xao dư luận, vài ngày nữa mà chàng đến xứ thiên đường thì thể nào cũng náo loạn cả lên, và sẽ có nhiều em đòi hôn ghế, hay phát ngất đến xin chết vì chàng. Theo dantri:

Anh chàng “bị trục xuất vì đẹp trai” đến Việt Nam

Omar Borkan Al Gala, anh chàng từng gây xôn xao dư luận khi được cho là một trong ba người bị buộc rời khỏi một lễ hội văn hóa ở Ả Rập Saudi và trục xuất về nước vì “quá đẹp trai” sẽ đến Việt Nam.
 >>  “Kẻ bị đuổi khỏi lễ hội” chết mê ánh mắt đẹp của phụ nữ

Omar dự kiến ở đất nước hình chữ S từ ngày 11 đến ngày 13-9 và tham gia các hoạt động từ thiện, sự kiện văn hóa. Ban tổ chức chương trình ca nhạc, thời trang, giao lưu “Kết nối ước mơ” lên tiếng xác nhận họ đã mời được Omar Borkan Al Gala đến TP HCM. Đồng thời, Omar Borkan Al Gala cũng lên trang mạng xã hội Facebook để xác nhận thông tin rằng mình sẽ đi một vòng quanh các nước trong đó có Việt Nam.

Theo lịch trình dự kiến, Omar sẽ đến sân bay Tân Sơn Nhất vào rạng sáng ngày 11-9. Sau đó, anh Omar tham dự một buổi đấu giá từ thiện, đi thăm trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo, chụp ảnh bìa, giao lưu, ăn tối thân mật cùng bạn đọc và người hâm mộ… Tối 13-9, Omar có mặt tại Sân vận động Quân khu 7 cùng giao lưu với 14.000 khán giả và diễn thời trang trong chương trình “Kết nối ước mơ”. Một số ca sĩ nổi tiếng Việt Nam cũng tham gia gồm: Hồ Quỳnh Hương, Nhóm V Music, Văn Mai Hương, Noo Phước Thịnh… Vé chương trình được phát miễn phí.
 
Anh chàng “bị trục xuất vì đẹp trai” đến Việt Nam

Theo thông tin từ Facebook Omar, anh sẽ đi Mexico, Chile và Dubai. Sau đó, trai đẹp này sẽ ghé thăm các quốc gia khác là Nhật Bản, Việt Nam, London (Anh), Colombia, Ecuador.

Omar là nhiếp ảnh gia, người mẫu, diễn viên sinh năm 1990 đến từ UAE (Các Tiểu Vương quốc A Rập thống nhất, hiện sinh sống tại Vancouver-Canada). Sau khi được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới, anh đang có kế hoạch thúc đẩy sự nghiệp thời trang và dấn thân vào lĩnh vực phim ảnh. Anh cũng dự định ra mắt dòng thời trang riêng.
 
Theo
 
Theo M.Khuê
Người lao động


Thêm nữa nhé:

Thursday 29 August 2013

Hiện thực không tươi đẹp (10)

Chào Năm học mới, theo Mai Thanh Hải:

CHÀO NĂM HỌC MỚI

Hiện thực không tươi đẹp (9)

Chỉ còn vài ngày nữa là bắt đầu năm học mới.

Chào năm học 2013-2014, theo Mai Thanh Hải:

LỚP HỌC CŨ ĐÓN CHÀO NĂM HỌC MỚI

Hiện thực không tươi đẹp (8)

Lại Mai Thanh Hải:

XIN ÍT THÔI, CHỈ CÁI BÁT, TẤM KHĂN, CA NHỰA...

AABC - Cô giáo Ngọc, Hiệu trưởng Mầm non xã vùng cao biên giới chót vót Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) làm việc với mình và anh em Biên phòng Đồn Biên phòng 289 - Sì Lờ Lầu, cung cấp danh sách học sinh, cụ thể ở 10 điểm bản xa thăm thẳm của 2 xã Sì Lờ Lầu và Ma Ly Chải, đúng 450 đứa lít nhít từ 3 - 5 tuổi, toàn người Dao đỏ, Hà Nhì và người Mông...

Mãi khi về tới Hà Nội rồi, Ngọc mới gửi email cho mình, nội dung:

"Hôm rồi, em ngại quá, không dám xin thêm và cũng định xin chỗ khác, nhưng không được, nên mới gửi thư thế này. Nếu có thể được, AABC xin thêm cho các cháu học sinh trường Mầm non chúng em mỗi cháu 01 cái khăn mặt, 01 cái ca nhựa để uống nước , 01 cái bát con để ăn cơm. Em cám ơn anh và các anh chị AABC"...

Và mình lại xin ít bát con ăn cơm, khăn bông rửa mặt và cốc nhựa uống nước, cho 450 lít nhít Mầm non từ 2-5 tuổi, toàn xã Sì Lờ Lầu và Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu), đúng địa đầu vùng cao biên giới, giáp với mấy bản Trung Quốc nhìn được bằng mắt thường, toàn đủ đầy - béo tốt...

Mọi sự ủng hộ, xin xem: Tại đây

Hiện thực không tươi đẹp (7)

Theo Mai Thanh Hải:

ĂN UỐNG SAO ĐÂY?..

Ở Sì Lờ Lầu và Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu), tất cả bọn trẻ 3 cấp học đều ăn cơm trưa tại trường, riêng khối THCS thì ăn học ngủ nghỉ cả tuần ở trường, chả khác gì sinh viên nội trú hoặc bộ đội trong doanh trại, cuối tuần mới về nhà lấy gạo - hái củi.

Đến giờ ăn trưa, thấy các Tổ trưởng của học sinh THCS xúm quanh gian bếp giáo viên, mình tò mò ghé vào thăm mới biết: Các thầy cô thấy học sinh tiết kiệm tiêu chuẩn (hoặc do bố mẹ tiêu béng khoản tiền Nhà nước trợ cấp cho con đi học, vào rượu), đến bữa có khi chỉ cơm không với măng muối - cá khô, nên bảo nhau góp tiền mua rau củi, xoong nồi, mỗi trưa nấu 1 nồi canh rau lõng bõng, chia thêm cho học sinh dễ ăn cơm.

Mình nếm 1 muôi: "Mặn chát!"...

Thầy giáo chia canh thở dài: "Cũng muốn có thêm ít dầu ăn, mì chính cho nồi canh, nhưng khó quá!"...

Khổ! Bọn lớn THCS từ lớp 6 trở nên còn thế này, bọn lít nhít Mầm non và Tiểu học, ăn uống sao đây?.


Ở xứ thiên đường (3)

Theo Mai Thanh Hải:

NGHÈO KHÓ TỘT CÙNG, NUÔI 4 CON HỌC ĐẠI HỌC

SH - Khó ai ngờ rằng, cuộc sống mưu sinh của người bố cậu học trò Nguyễn Hữu Tiến - Thủ khoa 29,5 điểm ĐH Y Hà Nội lại vất vả, lam lũ đến vậy.

Những hình ảnh về cuộc sống lam lũ, khắc khổ đến tột cùng của người đàn ông có 4 người con đỗ Đại học, được chúng tôi ghi lại trong một ngày mưa bão tháng 8.

Nhìn những hình ảnh này, khó ai có thể nghĩ rằng, tại sao người đàn ông ấy có thể sống như vậy trong suốt 10 năm mưu sinh ở thành phố chỉ với một mong ước: “Cho con được học Đại học!”.
--------------------------------------------------------------------------

Hiện thực không tươi đẹp (6)

Nhìn những chủ nhân ông tương lai của đất nước với những túi nilon đựng cơm mà ứa nước mắt, theo Mai Thanh Hải.

CẶP LỒNG DÙNG ĐỂ ĐỰNG CƠM

Mai Thanh Hải - Trong danh mục "đồ dùng học tập", hỗ trợ cho học sinh Tiểu học các tỉnh miền núi - vùng cao biên giới, những người "hoạch định chính sách" hình như chỉ say sưa với phần HỌC mà quên bẵng là muốn học được, phải có ĂN.

Thế nên mới có chuyện: Đến nhiều điểm Trường, điện chiếu sáng không có nhưng vẫn được cấp phát... đàn điện tử chạy bằng điện.

Thế nên mới có chuyện: Ở nhiều điểm Trường, phụ huynh nhận tiền hỗ trợ bữa ăn trưa từ Nhà nước, tiêu phéng vào các việc khác và bữa trưa của con em mình, chỉ đơn giản là muôi cơm mang từ nhà buổi sáng, để nhếu nháo ăn trưa với măng ớt, muối tiêu...

Nhìn bọn trẻ xách đồ ăn trưa, mới thấy rõ ràng khái niệm "cơm đùm cơm nắm": Nhà nào có điều kiện hoặc nhà trường nào năng động huy động, thì bọn trẻ còn có cái cặp lồng đựng cơm, che bớt hình ảnh đói nghèo. Nơi nào khó khăn, bọn trẻ đựng đồ ăn trong đủ loại bao dứa, túi ni lông, giấy báo... cho đến lá rừng, rất nhem nhuốc, lấm láp và mất vệ sinh.

Hình ảnh này, mình chụp bọn trẻ mang đồ ăn đến điểm Trường Tiểu học Háng Gàng (Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái) và ngay khi nhìn thấy, bạn Khánh Hương Trịnh FB đã ngỏ ý tặng 40 chiếc cặp lồng, thêm bạn Thùy Dung Đào FB tặng 20 chiếc nữa, thế là 60/80 học sinh Mầm non - Tiểu học Háng Gàng khỏi phải đựng cơm trưa trong túi ni lông, bọc lá rừng, cho đỡ tủi thân...

Dẫu biết là chẳng đủ cho bao nhiêu con trẻ miền núi - vùng cao biên giới chưa biết đến vật dụng cặp lồng, nhưng ít nhất cũng vơi bớt xót xa, ở 1 điểm Háng Gàng!.
--------------------------------------------------------------------------------
Tìm hiểu về hoạt động của Chương trìnhhttp://aoambiencuong.com
Cập nhật mọi sự ủng hộTẠI ĐÂY
Cách thức ủng hộTẠI ĐÂY

Hiện thực không tươi đẹp (5)

Bài của Mai Thanh Hải '6 người có 5 cái thìa', nhưng quan trọng không phải là không có đủ thìa, mà là chỉ có nồi cơm và muối trắng và 6 chủ nhân tương lai của đất nước đang chụm đầu vào công phá

Ngày xưa, khi mình vẫn còn là một chủ nhân tương lai thì bát ăn cơm sắm sửa cho đời sống tập thể dần dần bị 'tuyệt chủng', nhưng mỗi đứa vẫn thủ cho mình 'vũ khí bất ly thân' là cái thìa để đến bữa còn chiến đầu. Gọi là 'bất ly thân' là không ngoa vì có thể để trong cặp, mà cũng có thể nhét túi quần sau, có bạn thì học tập một số thầy giắt thìa trên mái nhà tranh đến giờ đi ăn thì rút xuống nhét túi quần và đến nhà ăn nhúng vào thùng nước sôi để tráng. Dù vậy, cùng mỗi người một thìa chứ nếu 6 người mà chỉ có 5 thìa thì 'chiến đấu' dễ ảnh hưởng 'năng suất' lắm.

6 NGƯỜI CÓ 5 CÁI THÌA...

AABC - Có những cảnh nghèo, mà chỉ nhìn thấy chút thôi là rã người, không muốn nói thêm gì nữa, ngoài ý nghĩ: "Cùng đồng loại (chưa dám dùng từ "đồng bào") với nhau, sao khổ đến thế"?.

Như trường hợp này: Ông bố ốm chết, còn lại bà mẹ La Thị Tùng (ở xóm Cộp My, xã Quang Trung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng), nuôi 5 đứa lít nhít trứng vịt trứng gà (2 đứa lớn phải nghỉ học, đi làm thuê cùng mẹ để nuôi gia đình).

Đói khổ và thiếu thốn đến mức: Bữa trưa chính chỉ là nồi cơm, ăn với muối trắng và 6 người, nhưng chỉ có 5 cái thìa, thay nhau hì hụi xúc, cho tồn tại qua ngày...

Và hình như, chính những cảnh này - người này, để chúng mình cố gắng làm tốt hơn AABC, mọi người nhỉ?.
--------------
Cảm ơn Nhà báo Lê Bình, Ban Thời sự - VTV đã vận động doanh nghiệp, ủng hộ 200 chiếc áo rét cho chuyến lên với Sì Lờ Lầu - Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu), của Áo ấm Biên cương trong những ngày đầu năm học mới 2013-2014 tới đây.

(Hình: PV Hoài Phương - Đài PTTH Cao Bằng)

Friday 23 August 2013

Lượm lặt trên mạng


Trông ông béo tốt phương phi. Không biết tên ông, chức vụ của ông. Chỉ thấy ông đứng cạnh người đẹp thật đẹp. Mong ông làm được điều gì có ích cho đời, cho người dân đất nước ông.




Trần Độ

Bài của Vũ Thư Hiên, theo facebook Vũ Thư Hiên, do Huỳnh Ngọc Chênh dẫn lại.

TRẦN ĐỘ - NGƯỜI CỦA SỰ THẬT


  •  Vũ Thư Hiên
    (vài kỷ niệm vặt với Trần Độ)
    Tôi ra tù cuối năm 1976. Bận bịu với đủ thứ việc để kiếm ăn, hai năm sau tôi mới có dịp gặp lại Trần Độ. Ra khỏi cuộc chiến, với tư cách phó chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng MNVN, nghe nói anh rất bận, nào tham gia viết quân sử, nào tổng kết kinh nghiệm chiến tranh… Trong bữa rượu đạm bạc chỉ có ba người, ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, tên Oanh thì phải.
    Trần Độ có biết tôi vừa ở tù ra. Anh nhìn tôi thương hại, bảo:
    - Chú có làm gì sai thì Đảng mới bắt chú chứ.
    Tôi sững người. Vậy ra anh chẳng biết gì về vụ án nhóm "xét lại chống đảng" mà tôi bị người ta đính vào sao? Cái nhóm này không phải một tổ chức, chẳng phải một đảng, thậm chí cũng chẳng phải một nhóm, nhưng được người ta bịa ra, đặt tên rất kêu là “Nhóm tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”. Kỳ thật, một vụ án ầm ĩ như thế, nhiều cán bộ cao cấp bị khai trừ, bị bắt, bị bỏ tù, trong Đảng có báo cáo, rất nhiều người biết, mà anh lại không biết. Mà không phải mình anh không biết. Hơn chục năm sau (1988), khi tờ “Truyền thống Kháng chiến” của “Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ” ra đời ở Sài Gòn, tướng Trần Văn Trà kêu tôi tới nhà anh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (tên mới của đường Pasteur) để bàn chuyện tờ báo, tôi mới hiểu - thậm chí cả tướng Trần Văn Trà cũng chẳng biết gì về vụ này. “Hồi đó tôi đang lo đường vận chuyển vũ khí trên biến. – Trần Văn Trà nói - Có, tôi có nhận được một thông tin từ Ban tổ chức Trung ương, rất sơ sài. Chúng tôi bận tối tăm mặt mũi, chẳng ai để ý”.
    Khiếp thật. Thì ra ngay ở trong Đảng người ta cũng chia ra nhiều cấp, nhiều đối tượng trong việc nhận hoặc không cần được nhận thông tin. Tôi dùng chữ Đảng viết hoa ở đây để chỉ cái đảng độc tôn, cho tiện, chứ không phải với ý khác.
    Tôi cười buồn, nói với Trần Độ:
    - Em có nói gì bây giờ anh cũng sẽ nghĩ là em thanh minh. Tốt hơn hết là ta cạn với nhau chén rượu này, kèm một giao ước: “Anh sẽ xem xét sự việc bằng con mắt của mình, để rồi có kết luận”. Em chờ câu trả lời của anh trong bữa rượu sau. Anh hứa chứ?
    Anh gật đầu, cạn chén.
    Trần Độ hơn tôi đúng 10 tuổi. Tôi coi mình là đứa em của anh, không dám lắm lời.
    Rồi gần một năm sau mới có bữa rượu thứ hai.
    - Em lắng nghe câu trả lời của anh. – tôi nói.
    Anh lắc đầu, thở dài:
    - Một lũ chó má! Không thể ngờ.
    Nhiều thời gian trôi qua với rất nhiều sự kiện: anh chuyển qua công tác Đảng, và công tác dân sự: Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Phó Chủ tịch Quốc Hội, anh hoạt động tích cực trong những chức trách được Đảng giao phó, sau đó những tiếng xì xào trong nội bộ Đảng về những hành xử không đúng đường lối, không có đảng tính của anh (xúi giục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, toa rập với Nguyên Ngọc đưa ra bản “Đề dẫn” về văn nghệ sặc mùi chống Đảng vv…)
    Cũng vào thời gian đó, tôi biết anh khuyến khích nhiều người làm công việc tìm về cội nguồn các dòng họ. Chẳng bao lâu sau, tôi được một anh bạn ở Bộ Nội vụ cho tôi đọc một chỉ thị của bộ anh: “Bọn phản động đang dùng kế sách tìm về cội nguồn (nhận họ, họp họ) để hạ thấp vai trò của Đảng. Phải ngăn chặn việc này”. Anh Hoàng Minh Chính bình: “Hay! Trong các cuộc họp họ, anh bí thư Đảng vốn được coi là cao hơn hết trong mọi vai vế xã hội, thì nay có thể bị ông trưởng tộc quát: “Anh ra ngồi kia, đây là họp họ, không phải họp đảng hay chính quyền”!
    Văn Cao là người rất chăm chú theo dõi thời cuộc, nói: “Trần Độ thẳng quá, hỏng! Cao Biền dậy non, phí”!
    Tôi đồng ý với Văn Cao. Trần Độ được phong trung tướng cùng lúc với Lê Đức Anh, nhân vật sau này làm mưa làm gió trong chính trựờng, nếu biết xuôi dòng anh rất có thể sẽ lên cao nữa trong hệ thống quyền lực.
    Nhưng không ai có thể can ngăn Trần Độ. Anh không phải là nhà chính trị biết lui tới, biết náu mình chờ thời. Anh hành xử như một người thẳng thắn, chỉ biết một mực đấu tranh cho chân lý. Những phát biểu của anh lúc này lúc khác, chỗ này chỗ nọ, luôn làm chối tai người cầm quyền. Mà có phải anh chỉ phê bình sơ sơ chế độ toàn trị, từ chỗ nhỏ nhẹ, anh dần dần nói trắng ra ý muốn thay thế nó bằng chế độ dân chủ, tam quyền phân lập… Người ta theo dõi anh từng bước, nên những lời nói của anh, dù trong chỗ thân tình, đều được thu thập, báo cáo lên “trên”.
    Còn nhớ năm 1997 tôi ở thành phố Strassbourg, chung nhà với Nguyễn Chí Thiện. Một hôm, Trần Độ gửi cho tôi bài viết mới của anh, bảo tôi xem lại trước khi công bố. Tôi đưa anh Thiện cùng đọc. Thiện đọc, nói anh bất bình với một số câu chữ trong đó. Khi nói chuyện điện thoại với Trần Độ, tôi đưa ống nói cho Thiện, bảo nhà thơ cứ nói thẳng ý kiến của mình. Thiện bỗ bã: “Không hiểu sao anh vẫn còn có thể dùng những từ “giải phóng”, “Mỹ-nguỵ” trong bài viết, người đọc ở hải ngoại sẽ khó chịu, không hay chút nào”. Anh Độ cười hề hề: “Chết chửa, mình lỡ viết theo cách nói quen đấy, cậu đúng, sửa lại hộ mình nhá. Xem ra thói quen thật nguy hiểm, là một cái tật cần phải đấu tranh để loại bỏ”.
    Chuyện Trần Độ bị khai trừ Đảng năm 1999 thì ai cũng đã biết. Đảng cộng sản vốn không thích vạch áo cho người xem lưng cũng đã kiên nhẫn lắm với Trần Độ. Lẽ ra người ta phải khai trừ anh từ lâu.
    Một lần khác, ở Frankfurt am Main (CHLB Đức), trong cuộc trò chuyện điện thoại với Trần Độ vào năm 2001, có mặt một chú em rất hâm mộ bác Độ, chú này đòi được nói với bác vài câu: “Bác ơi, cái đảng của bác kỳ quá, ai lại chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ!”. Anh Độ cười lớn:”Hay, cậu nói rất hay. Chỉ sai một chút thôi, cái đảng ấy không phải của tôi. Cậu tên gì ấy nhỉ?”, “Dạ, cháu tên Cóc, Nguyễn Văn Cóc. Dễ nhớ lắm, bác ạ. Ở Đức này chỉ có mình cháu có cái tên xấu xí ấy thôi”. Anh Độ lại cười: “Xấu gì mà xấu, cậu ông Giời phán đúng lắm, cái đảng ấy toàn làm lộn ngược thôi!”.
    Anh nói anh bị đảng của anh khai trừ là may. Như thế, anh được rũ khỏi trách nhiệm “trước những vũng bùn mà cái đảng ấy đang chui vào một cách được gọi là sáng tạo”. Khai trừ anh ĐCS thêm một lần phô trương cái hẹp hòi của mình, không chịu nghe bất kỳ lời nói ngược nào. Hành hạ anh cho tới khi chết, cấm người đi đưa tang không được dùng chữ “Vô cùng thương tiếc”, ĐCS lại càng cho thiên hạ thấy nó tiểu nhân tới mức nào trong sự hằn thù.
    Đảng của anh khai trừ anh, bù lại anh được nhân dân đón anh vào lòng. Anh bị nhà cầm quyền căm ghét, bù lại anh được tình yêu thương của đồng bào. Anh được rất nhiều, mà không mất gì, nói cách khác, cái người ta cho là mất chẳng đáng gì với anh.
    Khi lâm bệnh, anh không cần dùng đến thuốc của nhà nước mà anh ngờ vực, đã có đồng bào gửi thuốc cho anh. Trong những người lo lắng cho anh tôi muốn kể hai người rất sốt sắng lo cho anh tới ngày cuối cùng là Tưởng Năng Tiến và Đinh Quang Anh Thái. Trong những bức thư hiếm hoi gửi cho tôi, anh không bao giờ quên nhắn tôi gửi lời cảm ơn hai bạn mà anh không biết mặt.
    Được tin anh mất, tôi không khóc nổi. Nước mắt chảy ngược vào tim. Tôi cảm được rằng mất mát này lớn hơn rất nhiều mất mát cho riêng tôi, đứa em yêu mến và kính trọng anh. Mất mát này là của cả dân tộc đang nhọc nhằn, vất vả đi tìm quyền sống, quyền làm người.
    Trong bức thư cuối cùng Trần Độ gửi cho tôi trước khi mất, anh dặn: “Giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi chế độ có thể kéo dài. Việc hàng ngày của ta, không được quên, là nâng cao dân trí. Dân trí được nâng cao bao nhiêu thì sự chuyển đổi sẽ thuận lợi bấy nhiêu. Thời cơ đến, việc mới thành. Chuẩn bị tốt thì thành tốt”.
    Thời cơ mà ta chờ đợi sẽ đến, bao giờ cũng bất ngờ, nhưng vẫn là quy luật. Như nó đã từng xảy ra cùng với sự kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa lại nền độc lập cho các nước thuộc địa. Như nó đã đến với sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
    Facebook Vũ Thư Hiên

Thả đỉa ba ba - Chớ bắt đàn bà - Phải tội đàn ông

Trên blog Nhã Thuyên:

Thả đỉa ba ba

22.08.2013
Khi bị đẩy tới chỗ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm điều mình muốn làm, điều mình đã ngập ngừng suốt bao lâu vì còn có những lựa chọn 2 lựa chọn 3 4 5, nghĩa là đến lúc không thoái lui được nữa hoặc sẽ chết đứng đó, câm nín mãi.
Nhốt hết cả tim ta vào một chỗ không đề.

Now I need a drink

Đọc reference về mnemonic trên wikipedia, có câu mnemonic này, chép lại đây tặng bạn Nhã Thuyên:

Now I need a drink, alcoholic of course, after the heavy lectures involving quantum mechanics.

Hãy quên đi nội dung câu này liên quan đến số Pi, và vì thế bạn Nhã Thuyên có thể tùy ý thay đổi một vài từ trong câu (ví dụ 'quantum mechanics', hoặc 'a drink'):

Now I need a drink (a curse etc) ... after the heavy lectures involving my MA dissertation.

Hiện thực không tươi đẹp (4)

Theo Mai Thanh Hải, cảnh ghi được ở Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Các nhà khoa học ở xứ Thiên đường nên có bài phân tích ăn lá bổ hơn ăn thịt, cá để tiếp nối truyền thống làm báo + khoa học phân tích ngô, khoai sắn bổ hơn gạo.

CƠM ĂN VỚI LÁ...

Mùa A Tếnh với cặp lồng cơm lá, trong lớp học
Mai Thanh Hải - Mùa A Tếnh, dân tộc Mông, năm nay 6 tuổi và bắt đầu vào học lớp 1, điểm Trường Tiểu học Háng Gàng (Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái). 

Nhà Tếnh cách điểm Trường 1 ngọn núi, đi bộ chừng gần 1 tiếng đồng hồ, buổi trưa không về được nhà ăn cơm trưa nên cứ mỗi sáng sớm trước khi đến lớp, bố mẹ lại xới cho 1 chút cơm, kèm theo nhếu nháo thức ăn, nén trong chiếc cặp lồng cũ, cho Tếnh lếch thếch xách đến lớp, ăn trưa ở lớp cùng các bạn.

Mở phần cơm của Tếnh, chỉ duy nhất mấy lá rau rừng, vị chua chua thay cho thức ăn...
Một học sinh Mầm non Háng Gàng cũng với món cơm lá.

Háng Gàng là bản đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, cách trung tâm xã Pá Hu 19km đường rừng (ngày nắng, chỉ người dũng cảm mới dám đi xe máy vào, với quãng thời gian 3 tiếng đồng hồ; ngày mưa, phải đi bộ trong vòng 6-7 tiếng) và 90% dân số của thôn thuộc diện hộ nghèo.

Mùa này, cái đói bắt đầu lấp ló ở những ngôi nhà người Mông chơ vơ giữa rừng xanh núi đỏ, nên có khi chả mấy lâu nữa, sẽ có không ít đứa trẻ phải ăn cơm với lá rừng, hòng lay lắt sống, học cái chữ viết hòng cải thiện tương lai...

Vẫn biết có rất nhiều chế độ chính sách, sự ưu ái dành cho con trẻ vùng cao biên giới, thế nhưng để chính sách thực sự là miếng cơm, hạt muối, giọt dầu, thì có lẽ những người làm chính sách nên đi đến tận những nơi xa tít mù tắp như Háng Gàng này, để xem thực sự vì sao những đồng tiền - cân gạo trợ cấp, cứu giúp đồng bào lại đến muộn đến vậy và có cách nào thực sự hữu hiệu, cho con trẻ lít nhít khỏi xoe mắt buồn rầu, khi trệu trạo nuốt miếng cơm khô trong túi ni lông, với duy nhất mấy miếng lá rừng đăng đắng, chua chua?..

Và liệu, người ta có thống kê nổi ở các địa bàn miền núi - vùng cao biên giới, có bao nhiêu học sinh phải ăn cơm với lá chua, với muối trắng, với măng đắng, với ớt cay?..

Wednesday 21 August 2013

Ở xứ thiên đường (2)

Mấy đôi dép dưới đây còn lâu mới được gọi là 'đôi dép đơn sơ'. Vẫn theo Mai Thanh Hải.

MẤY ĐÔI DÉP VÁ

AABC - Trong cuộc đời trẻ thơ của bọn lít nhít vùng cao biên giới, đứa nào có điều kiện lắm, cũng chỉ có được 1 đôi dép/ 1-2 năm, còn không, cứ chân trần mà diễn, trong mọi điều kiện địa hình - thời tiết.

Nhìn hình này, chụp tiết cuối hè đầu thu, thấy chân bọn trẻ còn đỡ.

Cữ mùa đông, những bàn chân này không chỉ thâm móng, đóng chai, choãi ngón (do thường xuyên leo dốc, gùi vác nặng, phải bấm chân trần vào vách đá, triền đất) mà còn nứt toác, máu chảy ròng ròng bởi phơi trong giá rét lạnh đến 0 độ, bị cước nặng...

Thế nên, bọn lít nhít sướng mê khi được tặng 1 đôi dép nhựa, dù mỏng hay dày, nhưng mới tinh khôi, ôm khít bàn chân để có thứ đi chạy tung tăng hoặc thay cho những đôi vá víu, chằng buộc, cà nhắc - cà tàng.

Nhìn chân bọn trẻ, có ai động lòng, dốc lòng cùng chúng mình sắm dép mới cho bọn lít nhít 2 xã Sì Lờ Lầu và Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu), với!.

2 xã có đến hơn 1.600 đứa, đang chân đất đến trường từ Mầm non cho đến THCS, cũng đang chờ có dép mới và mỗi đôi cũng chỉ 10.000 VND, mà thôi...
----------------------------
THÔNG TIN TRỢ GIÚP
- Cách thức ủng hộ: http://aoambiencuong.com/cach-ung-ho
- Cập nhật ủng hộ: http://aoambiencuong.com/archives/637
- Liên lạc với Ban Điều hành - Đại diện và địa chỉ nơi nhận vật dụng ủng hộ: http://aoambiencuong.com/ban-dieu-hanh-dai-dien

Hoạt động của AABC trên FB: https://www.facebook.com/AoAmBienCuong

(Hình: Hoài Phương)

Ở xứ thiên đường

Trong khi cảm phục ý chí muốn vươn lên của những người con và sự hy sinh quên mình của cha mẹ cho một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái, nhờ sự học hành (liệu học xong rồi thì có thật sẽ tốt đẹp hơn không thì chỉ có Trời mới biết, nhưng không phải vì thế mà không học và không đề cao sự học), nhưng không thể không nhìn thấy cái nghịch cảnh ống cống bênh cạnh những tòa nhà cao tầng.

HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA?..

Mai Thanh Hải - Một ống cổng nằm chỏng chơ, nghếch lên giữa ruộng, giữa bề bộn rác thải và đất bùn, bên trong là tấm giát giường và túi nilon rách đựng mấy bộ quần áo cũ; một chiếc quần đùi rách, chằng đụp vết vá to bằng nắm tay, phơi bên cạnh; 3 "ông đầu rau" được kê tạm bợ từ 3 viên gạch chỉ, nhặt từ công trường xây dựng bên cạnh; 3 can nhựa đựng nước sinh hoạt, tắm rửa hàng ngày; bộ bơm - vá - chữa xe đạp xe máy trị giá khoảng 300.000 VND... - Đó là gia tài, đồng thời là nơi "sống - chiến đấu - lao động" của ông Nguyễn Hữu Định (sinh năm 1961, ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, Ứng Hòa, TP. Hà Nội) từ nhiều năm qua, để kiếm từng đồng mỗi ngày, nuôi 4 đứa con đã và sắp học Đại học, suốt bao nhiêu năm qua, ngay cuối đường Lê Văn Lương, TP. Hà Nội.

4 người con của ông: Nguyễn Thị Huyền, SV năm cuối ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Thị Huy, SV Cao đẳng Xây dựng và 2 cậu con trai sinh đôi năm 1995 là Nguyễn Hữu Tiến (vừa là thủ khoa 29,5 điểm Trường ĐH Y Hà Nội, vừa đỗ ĐH Dược với số điểm 27) và Nguyễn Hữu Tiền (đỗ ĐH Bách khoa khối A 26 điểm và ĐH Y Hà Nội với số điểm 25).

Dĩ nhiên, ông Nguyễn Hữu Định cũng có vợ ở "hậu phương vững chãi" là bà Hoàng Thị Thanh, nhưng "người hậu phương" cũng phải lăn lộn "chia lửa" chả khác gì... "tiền tuyến": 1 mình chăm sóc 9 sào ruộng, đi vặt lông vịt thuê từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau, với thù lao 2.500 đồng/con...

Câu chuyện về vợ chồng nghèo đến không còn gì để nghèo này, được báo chí phát hiện thông qua việc cậu Thủ khoa Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến cao chưa đến 1m60, nặng chưa đủ 50 kg, nhận được yêu cầu từ BCH Quân sự huyện "có mặt ở nhà để nhận lệnh nhập ngũ".

Và cũng dĩ nhiên, trước khi phát hiện gia cảnh của gia đình, dư luận chia làm 2 phe: Đi học và đi bộ đội. Thế nhưng, khi câu chuyện về người cha của Tiến được phát lộ, những ý kiến "vào bộ đội tu dưỡng, rèn luyện" đa số đều dừng lại (trong đó có mình), nhường cho sự thương cảm, sâu sắc.

Có thể không thương cảm được không, khi người đàn ông này, buổi sáng chỉ uống nước sôi để nguội, nhịn ăn sáng và chi tiêu tằn tiện dưới mức 20.000 VND/ngày (tức là chỉ bằng 2/3 bát phở bình dân - tầm thường, có giá 30.000 VND bán ở vỉa hè Hà Nội?.

Có đau xót không, khi người đàn ông này phải chọn đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài mới mở, tít gần Thiên đường Bảo Sơn, lác đác xe cộ đi lại và hãn hữu lắm mới có người bơm vá xe, mà không dám mon men lên đoạn Lê Văn Lương không kéo dài, để hành nghề, bởi sợ bị "đồng nghiệp" đánh đập, Công an - Dân phòng đẩy đuổi, thu giữ, phạt tiền?..

Có chạnh lòng không, khi người đàn ông này, ở gần quê nhà đấy nhưng không dám về thăm 2 con trai, sợ miếng cơm - muôi canh trong mấy bữa của con ở nhà, bị bớt xén do thêm miệng ăn và ngay 2 con gái đang học ở Hà Nội, cũng ít dám đến, phần vì bố cấm, phần vì cũng tủi thân trước phận nghèo bố mẹ, giữa đô thị phồn hoa?..

Tất cả đều dừng lại trước cụm từ: Cùng quẫn nhưng Vĩ đại.

Cũng quẫn quá đấy chứ, khi cuộc sống thô sơ quá thời nguyên thủy, ngay trong lòng "Trái tim của cả nước"...

Vĩ đại quá đấy chứ, khi cùng quẫn đến thế nhưng vẫn nuôi cả bầy con ăn học đàng hoàng, không những thế còn học giỏi, vào hết Đại học, thậm chí là Thủ khoa của Trường Đại học danh tiếng nhất nhì toàn quốc, mà không một lời kêu ca oán thán trách móc, xin xỏ hỗ trợ từ người thân, xóm làng cho đến chính quyền... Tất cả chỉ cắn răng lại nhịn nhục, để nuôi con.

Bởi vì sự "Cùng quẫn nhưng Vĩ đại" đó, mà ngay từ khi những bài viết - hình ảnh về "người cha sống trong ống cống, nuôi 4 con học Đại học" được đăng tải (chủ yếu trên báo mạng và trang cá nhân), đã khơi dậy sự đồng cảm - chia sẻ trong toàn thể cộng đồng: Từ 1 học sinh cấp 2, vẫn mặc nguyên đồng phục, đeo khăn đỏ, tìm đến biếu vài trăm nghìn đồng tiền tiết kiệm cho đến 1 Doanh nhân có tiếng, tặng cả chục triệu đồng, giúp ổn định trước mắt; từ 1 nữ viên chức tằn tiện từng đồng lương, chở con đến tặng tấm Thẻ mua hàng cho đến 1 doanh nghiệp xin được nhận ông bố vào làm bảo vệ với mức lương 3.000.0000 VND tháng, giúp cả phần ở ăn; 1 phóng viên Truyền hình tập sự, xin ủng hộ cả nửa tháng lương cho đến 1 nhà hảo tâm, từ mãi tít miền Nam xa xôi, mong được giúp đỡ 2 tân sinh viên số tiền ăn ở mỗi tháng, cho đến khi ra trường...

Thế nhưng, cũng từ những thực tế đang diễn ra từ phút ở "ống cống" bây giờ, mới thấy rõ hơn bao giờ hết, cái gọi là "sự quan tâm - giúp đỡ" của chính quyền: Không 1 lời động viên, không 1 món quà, không một lời thăm hỏi, ngoại trừ ông Bí thư Đảng ủy xã rút ví cho riêng 2 tân sinh viên 500.000 VND và "vượt quyền", lệnh cho hệ thống loa truyền thanh trong xã phát lời biểu dương gia đình có 4 con vào Đại học, có 1 Thủ khoa Đại học lớn ở Thủ đô...

Người xưa có câu: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia".

Người ta cũng thường tự hào: "Thăng Long - Hà Nội là đất học, đất khoa bảng, chiêu hiền đãi sĩ".

Thế nhưng, với tất cả những gì diễn ra quanh câu chuyện "bố ở ống cống, mẹ nhổ lông vịt thuê nuôi 4 con học Đại học", dư luận có quyền đặt dấu hỏi về "hành động" của những người thường hay hô hào trên báo chí, truyền hình và Hội nghị về Khuyến học - Giáo dục.

Đất Ứng Hòa nguyên ở Hà Tây, không xa trung tâm Hà Nội, nên có thể chạy ù tý, về xem ngôi nhà tranh vách, lõm cả nền, để nhìn cậu bé được tạm gọi là thanh niên, chỉ cao hơn đứa trẻ học lớp 7 vài cm, có vác nổi khẩu AK-47, 3 cơ số đạn, 3 quả lựu đạn và quân tư trang, tổng trọng lượng 30 kg, bằng 2/3 trọng lượng cậu bé, khi hành quân dã ngoại?..

Ống cống xi măng ngoài bãi đất hoang, đối diện Khu Đô thị mới Dương Nội, ở cuối đường Lê Văn Lương kéo dài, lại càng gần hơn nữa, để rẽ xe biển xanh biển đỏ mới kính coong qua thăm người cha, đúng thật "người rừng" nơi phố thị, đang sống cuộc sống thời nguyên thủy, nuôi con...

Chuyện khuyến học và trọng dụng người tài, không chỉ dừng lại ở việc hô hào, tổ chức rình rang tặng quà nơi cụ Rùa Văn Miếu, mà rất cần những lời nói - hành động thực, đối với những gia đình thực, hoàn cảnh thực, công dưỡng dục - sinh thành thực...

Nếu quên điều này, chả chính thể nào giữ được người tài, nữa là đòi gọi "nguyên khí Quốc gia"...
--------------------------------------------------------------------------

Chiều ngày 12/8/2013, Nhà báo Lê Bình (Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam) đã đến tận nơi ông Nguyễn Hữu Định sinh hoạt và kiếm sống (vá xe, bơm xe và ở trong ống cống, cuối đường Lê Văn Lương - HN), trao số tiền 10.000.000 VND của Doanh nhân Trần Bắc Hà, giúp ông Định ổn định cuộc sống tạm thời, nuôi 4 con học Đại học (2 con gái đầu học ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, Cao đẳng Xây dựng Hà Nội, con trai thứ 3 là Nguyễn Hữu Tiến vừa là thủ khoa 29,5 điểm Trường ĐH Y Hà Nội, vừa đỗ ĐH Dược với số điểm 27; con trai út Nguyễn Hữu Tiền đỗ ĐH Bách khoa (khối A, 26 điểm); thi ĐH Y Hà Nội với số điểm 25 điểm).

Hình: Nhà báo Lê Bình (bên phải), trao quà của Doanh nhân Trần Bắc Hà cho ông Định và 2 con trai Tiến - Tiền.

Hiện thực không tươi đẹp (3)

Vẫn theo Mai Thanh Hải, bất chấp mọi khó khăn, cực khổ, thày và trò miền cao vẫn hăng say học tập trong những 'ngôi chuồng'.

"TRƯỜNG RA TRƯỜNG, LỚP RA LỚP"?..

Áo ấm biên cương - Bao lần dặn mình không được cáu giận, bức xúc trước mỗi chuyến lên vùng 
cao biên giới với tụi lít nhít học sinh hoặc bơ vơ thầy cô giáo. Thế nhưng, ít có chuyến nào không thốt lời... chửi bậy.

Ví như nhìn hình này, rất muốn chửi đám người nào đấy ngồi trong phòng lạnh dưới Thủ đô, nghĩ ra các loại khẩu hiệu kiểu như "Trường ra trường, lớp ra lớp", dán đầy khắp đâu đâu...

Bao nhiêu Chương trình - Dự án xây dựng, kiên cố Trường lớp học với số tiền hàng nghìn nghìn tỷ đồng, suốt bao nhiêu năm nay cứ kìn kĩn đưa lên miền núi, chả hiểu có đủ hoặc đến nơi không, mà năm học này, đến huyện miền núi biên giới nào, cũng gặp điểm "Trường Chị Dậu" nứa lá, tranh tre?..

Và hành trình của AABC trong mỗi chuyến, đều có vài chục mét vải bạt, vải nhựa hay đơn giản là tấm bạt pano - áp phích - quảng cáo xin từ dưới xuôi, mang lên các điểm Trường tranh tre để ngăn mưa, tránh gió cho các em trong những ngày đông buốt giá.

Vẫn biết chỉ mấy hôm là gió kéo rách bạt và chúng nó vừa học vừa run lẩy bẩy, nhưng ít nhất cũng tự an ủi lòng mình: "Bọn lít nhít đỡ được mấy ngày khỏi mưa gió, bớt mạng sống mong manh!"...
------
* Hiện tại, điểm Trường Mầm non Háng Gàng (xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), do Áo ấm biên cương tụi mình huy động kinh phí từ các nhà tài trợ trong và ngoài nước, đã được xây dựng xong.

Điểm trường là nhà lắp ghép, diện tích sử dụng 100 m2, gồm 3 gian (2 lớp học và 1 phòng ở giáo viên) mái tôn chống nóng, vách tôn ốp gỗ, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật xây lớp học và phù hợp điều kiện địa hình, khí hậu của địa phương.

Điểm trường sẽ được khánh thành đúng ngày khai giảng năm học mới, là niềm vui không chỉ cho 40 đứa trẻ tuổi Mầm non mà còn là niềm vui của những người Mông, bản xa tít đỉnh núi Háng Gàng.

Ai có lên chia vui với bọn trẻ, bao nhiêu năm từ khi thành lập nước, thoát khỏi lớp học tranh nứa xập xệ, dột nát, mưa gió, xem chúng nó cười vui thế nào, không nhỉ?..

Hiện thực không tươi đẹp (2)

Vẫn theo Mai Thanh Hải, dưới đây là cảnh thực một 'lớp học', do Hoàng Trường Giang, phóng viên báo Quân đội nhân dân, ghi được ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nhờ ơn ... ...


LỚP HỌC Ở KA LĂNG

Nếu không có chú thích, khối người không thể tưởng tượng nổi: Đây là 1 lớp học dạy trẻ con cấp Tiểu học ở xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).

Không còn gì để nói về "điều kiện học tập" của thầy và trò nơi vùng cao biên giới, bằng những tấm hình, thực đến mức không còn gì thực hơn, để so sánh, thế này.

Cũng là 1 kiếp người, sao cứ tủi khổ mãi thế và nhớ đến 1 câu than thở của Nhà thơ Văn Công Hùng: "Chúng ta chiến đấu - xây dựng bao nhiêu năm, mà đất nước vẫn còn những cảnh khổ cùng cực, thế này ư?"...

(Nguồn hình: PV Hoàng Trường Giang, Báo Quân đội nhân dân).

Hiện thực không tươi đẹp (1)

Hú vía, thoát khỏi cơn ác mộng thiên đường để quay trở về với hiện thực tươi đẹp.

Đây là hình ảnh thực, của hai đứa trẻ, con chị Mã Thị Trâu, dân tộc Mông, ở xóm Bản Nà, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng do phóng viên Tạ Hoài Phương, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Cao Bằng chụp cách đây 2 năm. Nhờ ơn ... ... dẫn theo Mai Thanh Hải.

"NGƯỜI RỪNG", KHÔNG Ở TRONG RỪNG

Áo ấm biên cương - Là người yếu tim hoặc có tiền sử bệnh tim, bạn không nên xem tấm hình, bởi bạn sẽ rất sốc và phải đau đáu câu hỏi: "Anh chụp từ năm có nạn đói Ất Dậu - 1945 hoặc xa hơn là thời... nguyên thủy?".

Không! Đây là những con người thật, hoàn cảnh thật và cuộc sống thật, ở địa phương của đất nước ta, rất thật:

2 đứa trẻ này là con chị Mã Thị Trâư (dân tộc Mông, ở xóm Bản Nà, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), được PV Tạ Hoài Phương - Đài PTTH Cao Bằng ghi trong ống kính cách đây 2 năm.

Chồng chị Mã Thị Trâư bỏ đi lấy người vợ khác từ năm 2010, để lại 3 mẹ con tự nuôi nhau trong hoàn cảnh cực khổ: Nương rẫy không có, đến cả trồng bắp ngô, củ sắn cũng phải nhờ đất của người em, hoặc hằng ngày đi làm việc giúp em chú, rồi đổi lấy bắp ngô để ăn cho qua bữa.

Hình chụp 2 đứa trẻ đang ăn trưa với món ăn truyền thống là... bã rượu được nấu bằng sắn (chứ không phải bằng gạo).

Dĩ nhiên, sau khi Truyền hình tỉnh phát hiện ra trường hợp khó khăn này, các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương đã góp tiền, dựng được 1 căn nhà cho 3 mẹ con ở, thay túp lều rách.

Thế nhưng không chỉ PV Tạ Hoài Phương, mà rất nhiều người ở Cao Bằng khẳng định: "Hiện tại, vẫn còn những trường hợp... rùng rợn hơn trường hợp này nhiều!".

Chẳng nói đâu xa, cách đây không lâu, ngay tại xã Mông Ân (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng), người ta đã phát hiện 3 bố con ông Sùng A Páo, sống trên hang đá tít rừng sâu. Dĩ nhiên, ngay sau đó chính quyền địa phương cùng với báo chí hớn hở tổ chức... "giải cứu", khiến 1 Giám đốc trung tâm Tình thương nhẹ dạ lên tận nơi đón về Hà Nội... dạy nghề. Dạy dỗ, kết quả ra sao chẳng biết nhưng bố con "người rừng" nằng nặc đòi về lại rừng, khiến nhà hảo tâm cũng chán, phải trả về địa phương...