Wednesday 31 July 2013

Nhã Thuyên (5): Phê bình chỉ điểm

Tiếp tục đề tài 'hot' luận văn thạc sĩ năm 2010 của Đỗ Thị Thoan (tức Nhã Thuyên), bài của Phạm Xuân Nguyên, do Quê choa đăng.

Phê bình chỉ điểm

Phạm Xuân Nguyên 

Đây là sự định danh một kiểu gọi là “phê bình văn học” của Nguyễn Văn Lưu đã được tôi nói lên tại diễn đàn của hai cuộc họp quan trọng. Cả hai cuộc tôi đều được mời dự chính thức và được phát biểu chính thức. Cuộc thứ nhất là hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học” do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 10/4/2012 tại hội trường Ban tuyên giáo trung ương.

Đến dự cuộc đó có các ông Trương Tấn Sang, Đinh Thế Huynh, và ngồi chủ trì là các ông Nguyễn Hồng Vinh, Đào Duy Quát, Hữu Thỉnh. Khi tôi phát biểu trong phiên thảo luận buổi chiều thì hai vị Chủ tịch nước và Trưởng ban Tuyên giáo trung ương đã không còn ngồi dự. Tôi đăng ký phát biểu và khi lên bục tôi đã mở đầu ý kiến của mình bằng cách nói ngay: bản tham luận “Kinh nghiệm phê bình qua một trường hợp văn học” của Nguyễn Văn Lưu đọc buổi sáng là lối phê bình chỉ điểm.

 Ông ta có quyền lấy trường hợp Nguyễn Huy Thiệp để khảo sát phê bình, nhưng cái lối tập hợp tư liệu các bài viết phê bình xoay quanh tác phẩm của nhà văn này rồi tổng hợp lại thành ra như một hệ thống có tổ chức phân công người định hướng tư tưởng, người viết bài... là có ý đồ xấu, là bóp méo sự thực đời sống văn học, là vu cáo những người phê bình có bài viết ủng hộ hiện tượng văn chương Nguyễn Huy Thiệp hành động như một “tổ chức”.

Cuộc thứ hai là hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ ba do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) trong các ngày 3-5/6/2013. Nguyễn Văn Lưu đọc bài viết phê phán bản luận văn “Vị trí kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) với những lời quy kết nặng nề.

Nhã Thuyên (4): Hy vọng gì...

Tiếp 'vụ' luận văn của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên). Bài của Nguyên Ngọc, theo blog của Thùy Linh, được Quê choa đăng lại.

Lời của (Giáo sư) Nguyễn Đăng Mạnh: Đảng khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ. Không sai.

Hy vọng gì...

 Nhà văn Nguyên Ngọc 

Mấy hôm nay dư luận xôn xao vụ luận văn thạc sĩ của chị Nhã Thuyên. Cái đất nước mình thật lạ: thỉnh thoảng, chẳng hiểu sao, lại lui về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa.

Nhân vụ này, tôi chợt nhớ anh Trần Độ, theo tôi là một người lãnh đạo văn nghệ giỏi và hay đến hiếm hoi từng có được trong suốt quá trình đời sống văn học nghệ thuật của ta trước nay.


Tôi xin kể một chuyện:

Hồi ấy, đầu năm 1979, tôi được điều về làm việc ở Hội Nhà Văn Việt Nam. Anh Độ bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương. Một hôm anh bảo tôi sang chỗ anh chơi, và hỏi về Hội Nhà văn tôi định làm những gì. Tôi nói với anh về ý định, về các kế hoạch trù tính của tôi, và kết luận: với những việc ấy, nếu làm giỏi thì trong mươi năm, dở hơn thì khoảng vài ba mươi năm, hy vọng sẽ nâng cao được mặt bằng chung lên một bước, và trên cơ sở ấy mong có thể xuất hiện một vài đỉnh cao mới…

Anh Độ ngồi im một lúc, rồi nói, châm rãi: Mình tán thành tất cả kế hoạch của cậu, đều đúng và cần thiết… Nhưng có điều mình nghĩ thế này cậu ạ, trong nghệ thuật thường vẫn vậy, muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới…, cậu nghĩ coi, có đúng không?…

Monday 29 July 2013

Bà Tửng Bà Tưng

Mình không theo dõi đầu đuôi cái chuyện Bà Tửng Bà Tưng này, nhưng cách hành xử của chính quyền đã vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do của công dân:, theo Hahien's blog:

Sở VH-TT-DL Hà Nội can thiệp trái pháp luật trong vụ “‘Bà Tưng”?

Bà tƯNGTheo Báo Thanh Niên, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ buổi biểu diễn của “bà Tưng”  dự kiến diễn ra tối 27.7 tại một quán bar.
Thế nhưng, cũng theo bài báo này thì để đề phòng khả năng “lách luật” khi “bà Tưng” vẫn “có thể xuất hiện, có một chỗ ngồi dễ thấy tại quán,… có thể không biểu diễn, nhưng vẫn có thể giao lưu một vài câu chuyện với khách tới đây“, ông Giám đốc Sở Tô Văn Động đã xác nhận một “đoàn liên ngành” đã “làm việc” với quán bar đó và sau cuộc “làm việc” đó thì “việc này hầu như không xảy ra” mặc dù chính bản thân ông cũng khẳng định “điều này không bị coi là phạm luật”.
Như vậy, với việc can thiệp để ngăn cản một hành vi không bị coi là phạm luật, “đoàn liên ngành” kia có phạm luật? Cụ thể là hạn chế quyền hợp pháp của công dân Lê Thị Huyền Anh (Bà Tưng)?
Mình không cổ xúy cho những hành động và phát ngôn lố lăng của Huyền Anh nhưng việc can thiệp của “đoàn liên ngành” nói trên để cô ta không thể “có một chỗ ngồi” hay không thể “giao lưu một vài câu chuyện với khách” tại một quán bar đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm là các cơ quan nhà nước có thể can thiệp nhằm ngăn cản hay hạn chế bất cứ hoạt động hợp pháp nào của công dân.  Không thể sợ không quản lý được thì can thiệp để ngăn cản, cấm đoán như trường hợp này.

Nhã Thuyên (3)

Dưới đây là dư luận tiếp theo về bản luận văn thạc sĩ đã được điểm 10 từ năm 2010, của học viên thạc sĩ Đỗ Thị Thoan, mà không hiểu vì sao bây giờ lại được mọi người 'moi' lên để đấu tố.

Ủng hộ bài này của Phạm Xuân Nguyên, vì tinh thần của nó là theo pháp luật, lấy pháp luật mà xử, và bài đăng trên báo Pháp luật:

http://phapluattp.vn/20130727094719507p0c1019/tu-mot-ban-luan-van.htm

Và bài này dưới góc độ học thuật của Trần Đình Sử:

http://trandinhsu.wordpress.com/2013/07/26/cuoc-phe-phan-luan-van-cua-do-thi-thoan-hay-la-su-xung-dot-ve-khung-tri-thuc-va-the-he/

Giáo sư Trần Đình Sử còn đi tiếp trong học thuật để bàn mở rộng hơn về 'ngoại biên hóa' trong văn học, tất nhiên nhân 'sự kiện' luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan:

http://trandinhsu.wordpress.com/2013/07/28/ngoai-bien-hoa-trong-tien-trinh-van-hoc-viet-nam-duong-dai/

và về cái gọi là 'phê bình văn học', một kiểu phê bình 'quan phương', bài đã đăng báo từ năm 2008, nay đưa lại trên blog cũng chỉ vì 'sự kiện Đỗ Thị Thoan':

http://trandinhsu.wordpress.com/2013/07/24/tinh-nhan-van-trong-phe-binh-van-hoc-hom-nay/

và:

http://trandinhsu.wordpress.com/2013/07/21/phe-binh-van-hoc-chuyen-nghiep-mot-cai-nhin-lich-su/

http://trandinhsu.wordpress.com/2013/07/17/phe-binh-kiem-dich/

Chung quy 'sự kiện Đỗ Thị Thoan', theo mình, là có những kẻ 'bảo hoàng hơn vua', sẵn sàng nhân bất cứ sự việc, sự kiện nào để bày tỏ ý thức chính trị trung thành của mình, đã tấn công không thương tiếc nhằm ghi công, lấy thành tích trước bất cứ sự việc, sự kiện nào mà trong thâm tâm chính quyền có thể không thích nhưng không ra lệnh cấm bằng văn bản.


Friday 26 July 2013

Nhã Thuyên (2)

Đăng lại đây bài của nguyenvanphu do blog của Hậu Khảo cổ đăng lại.

Về luận văn cao học của Đỗ Thị Thoan ( Nhã Thuyên) và những bài viết quanh chuyện này

Hận cá, chém thớt - NGUYỄN VẠN PHÚ
https://www.facebook.com/nguyenvanphu/posts/10201080775095190?comment_id=72926109&offset=0&total_comments=2&notif_t=feed_comment_reply

(về luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan)

Có lẽ nhiều người biết đến Hầu tước de Sade, một nhà văn Pháp sống ở thế kỷ 18, viết toàn tiểu thuyết dâm dục, miêu tả cặn kẽ chuyện làm tình, cảnh bạo dâm, khổ dâm còn ghê hơn nhiều truyện khiêu dâm chính cống. Nhưng dù muốn dù không người ta vẫn xem ông là nhà văn, thậm chí có người còn cho ông là tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực… 

Giả thử có một sinh viên cao học làm luận văn thạc sĩ về ông này, với luận đề “tình dục trong văn de Sade là biểu hiện nổi loạn của một người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan”. Có thể nào chê trách luận văn này tràn đầy những câu trích “trắng trợn” về tình dục? Có thể nào lên án người sinh viên cổ xúy cho lối sống phóng túng, bạo dâm? 

Những người phê phán luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan cũng rơi vào chỗ tương tự: thay vì ném sự phẫn nộ của họ vào nhóm Mở Miệng họ lại chĩa mũi dùi vào người nghiên cứu nó, tạo ra một tiền lệ chưa từng thấy: báo chí phổ thông, nhà phê bình văn học lại đi phê bình một luận văn thạc sĩ của một trường đại học. Bởi vậy họ không nói gì đến phương pháp luận, tính khoa học, cách thể hiện của luận văn, họ chỉ tìm những câu trích phục vụ cho việc phê phán nói trên.

Đáng sợ là những trường hợp, dù thú nhận chưa đọc luận văn nhưng cũng “hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn”. 

Nhã Thuyên

Không hiểu tự bao giờ bạn Nhã Thuyên follow cái blog 'vớ vỉn' không ai để ý này của tôi. Tôi không hề biết bạn Nhã Thuyên là ai (xin lỗi bạn Nhã Thuyên vì tôi hơi vô tình), gần đây vào blog bạn Nhị Linh, ở đây, ở đây mới biết tên thật của bạn là Đỗ Thị Thoan, và là giảng viên đại học (một lần nữa xin lỗi bạn Nhã Thuyên), và có vẻ như có một vụ ồn ào xung quanh Nhã Thuyên và luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên về thơ của nhóm Mở Miệng.

Mình cũng chưa có dịp được đọc nhiều thơ của nhóm Mở Miệng, nên không bàn về thích hay không thích ở đây. Vẫn theo Nhị Linh thì cảm tình của bạn ấy với thơ của nhóm Mở Miệng như thế này, tức là bạn Nhị Linh muốn ủng hộ bạn Nhã Thuyên trong cuộc 'đấu tố' này.

Mình chỉ đơn giản nghĩ, đây là một luận văn thạc sĩ, tức là một vấn đề thuộc về học thuật, tại sao tự nhiên lại thu hút sự quan tâm của nhiều người thế nhỉ, nhất là của mấy bạn trên các báo đầy chính thống như Nhân Dân hay Quân Đội Nhân Dân. Đất nước này, từ ngày chương trình đào tạo sau đại học mở rộng (post graduate, gọi chung cho thạc sĩ và tiến sĩ, chứ còn post-doc 'nội địa' thì hiếm lắm vì đã có học vị tiến sĩ là đi đâu cũng có thể đăng đàn nói về bất cứ vấn đề gì rồi, chẳng có ma nào dại mà sau khi có bằng tiến sĩ còn tiếp tục nghiên cứu nữa) thì nếu thống kê cũng phải có hàng chục ngàn luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, 'quốc nội' và 'quốc ngoại', thuộc đủ các chuyên ngành khác nhau, cả tự nhiên và xã hội, nhân văn. Có ai có bao giờ làm một cuộc đánh giá trong đống luận văn đó, đâu là tài liệu có giá trị, có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, cho tư tưởng, hay cho quốc kế dân sinh, và bao nhiêu phần trăm chỉ là các bài tập hoàn thành khóa học mà giá trị của chúng thật đáng ngờ và chỉ để xếp lên câc giá lưu trữ làm mồi cho mối, mọt.

Để cho công bằng, mình đề nghị hãy bới tung tất cả đống luận văn thạc sĩ và tiến sĩ các loại ấy lên, chỉ cần giới hạn ở các trường trong nước mà không cần xem xét các đề tài thực hiện tại các trường nước ngoài, và đánh giá đầy đủ, công bằng, đầy tinh thần phê phán, và chỉ cần giới hạn ở nội dung học thuật chứ không nhằm đả phá chính trị hay tư tưởng, xem các luận văn ấy có một chút giá trị gì không. Trong cuộc khảo cứu này không nên bỏ qua một trường nào cả, từ trung ương đến địa phương, kể cả các trường nằm trong quân đội, các tổ chức chính trị v.v., hay là một chuyên ngành nào, như triết học Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử đảng, xây dựng đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử, tâm lý học, giáo dục học, v.v.

Hãy làm việc đó, để có một nền khoa học đích thực và loại bỏ các thứ rác rưởi mạo danh khoa học, kiểu như đề tài tiến sĩ của một sĩ quan quân đội về phương án tắm cho bộ đội (tiểu đoàn hay trung đoàn) chẳng hạn..

Monday 22 July 2013

Khoa học Đồng Nai

Theo VTV, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đồng Nai đề xuất xây dựng Bảo tàng Khoa học với kinh phí dự kiến là bảy mươi triệu đô la Mỹ (US$ 70,000,000.00), tính theo tỷ giá chính thức hiện nay (US$ 1.00 = VND 21,246.00, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Vietcombank ngày 18.7.2013) sẽ tương đương VND 1,487,220,000,000.00, tức là gần một ngàn năm trăm (1,500) tỷ đồng Việt Nam.
Tọa lạc trên khuôn viên rộng 250,000 mét vuông, dự án sẽ sánh ngang tầm các bảo tàng khoa học tầm cỡ trong khu vực, tại Thượng Hải (Trung Hoa) và Seoul (Hàn Quốc).  Cơ sở cho con số 70 triệu đô-la Mỹ, theo ông Phạm Quang Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai là đầu tư cho một bảo tàng tương tự tại Thái Lan là 50 triệu đô-la Mỹ, bảo tàng Việt Nam/Đồng Nai thực hiện sau thì phải với quy mô lớn hơn. Cũng theo ông Sáng, bảo tàng khi hoàn thành sẽ thu hút 1,000,000 (một triệu) lượt khách thăm, mang lại 40 tỷ/năm, vì thế khả năng hoàn vốn sẽ cao (cứ theo tính toán của ông Sáng sẽ mất chừng 40 năm để thu hồi vốn). Ông Sang tính toán giống như kiểu 'tính cua trong lỗ' 'mỗi mà mỗi cua, có khi có mà còn có hai, ba cua nữa', trong khi thực tế bảo tàng tại Việt Nam là chỉ có chừng 300,000/năm, lấy đâu ra con số 1 triệu cho ông thu về 40 tỷ. Và xây bảo tàng xong rồi thì đưa cái gì vào để trưng bày đây, nếu xét thành tích về khoa học - công nghệ, của riêng tỉnh Đồng Nai, hay của cả Đồng Nai. Ông còn chưa xem gương Bảo tàng Phú Yên mới đầu tư 400 tỷ đã hư hỏng, (và không biết có bao nhiêu lượt người vào xem), hay Bảo tàng Hà Nội khai trương dịp kỷ niệm 1,000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), đến nay đã có bao nhiêu hiện vật trưng bày, và liệu mỗi năm thu hút được bao nhiêu khaach tham quan. Ông Sáng chắc cũng thấy dân Việt Nam có truyền thống 'thích' vào bảo tàng như thế nào, liệu số người vào bảo tàng Đồng Nai hay các bảo tàng khác có đông hơn số người đi chơi công viên Đầm Sen, hay khu du lịch Đại Nam của ông Dũng Lò Vôi (ý chết, gọi biệt danh vì không biết phải gọi ông là Huỳnh Phi Dũng, hay Huỳnh Uy Dũng cho đúng đây). Hay là nền khoa học - công nghệ Đồng Nai có những thành tựu đặc biệt mà cho đến giờ bà con quốc dân chưa biết chăng và ông Sáng sẽ làm mọi người bất ngờ khi số tiền 70 tỷ đô-la Mỹ đã tiêu xong!!!

Wednesday 17 July 2013

Vũ Xuân Tiến - một kỷ lục Việt Nam

BBC World News khoảng 17:23 giờ GMT, và sau đó, khoảng 18:03 giờ GMT ngày 17.7 (và chắc là còn nhiều lần phát sau nữa) đưa tin về chàng trai Việt Nam Vũ Xuân Tiến lập kỷ lục khi chạy 8 km theo chiếc xe bus chở đội Arsenal đang ở thi đấu hữu nghị tại Việt Nam.



Theo BBC, video clip có hình ảnh Vũ Xuân Tiến có hơn 20 triệu lượt người truy cập.

Thật 'tự hào' khi Việt Nam lại có một kỷ lục thế giới như vậy!!!!!!!!!!!!!

http://www.youtube.com/watch?v=7xK_5CpPLhw

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng (1)

Chiều 10.12.2012 Chính phủ, dưới sự của tọa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã họp và cuối buổi chiều cùng ngày Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, toàn văn như sau.

Sự việc bắt đầu ngày 5.1.2012, khi báo chí lần đầu đưa tin về một vụ cưỡng chế đất đai khi đối tượng chịu cưỡng chế đã chống lại bằng chất nổ và súng bắn đạn hoa cải, khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ công an bị thương, trong đó có người bị thương nặng, có người trong tình trạng nguy kịch (sự thực như thế nào xem thêm về sau sẽ rõ). Về phía chính quyền, huyện Tiên Lãng đã huy động "cán bộ chức năng" (các phòng ban có liên quan), đông đảo công an, và cả bộ đội biên phòng (trong khi quân đội chỉ là lực lượng vũ trang chỉ được sử được sử dụng để bảo vệ Tổ quốc trước ngoại xâm, và trong các tình huống cứu trợ trước thiên tai như lũ lụt, cháy rừng v.v.). Gặp sự chống trả, ông Đỗ Hữu Ca, Giám đốc công an Hải Phòng đã trực tiếp tham gia chỉ huy các lực lượng chức năng (có thể thấy khá đông đảo như ảnh trong bài), và rất kịp thời ngay buổi chiều 5.1 công an Hải Phòng đã có họp báo thông báo về sự việc.

Nhưng chỉ sang ngày hôm sau, tuy vẫn đưa tin về việc chống đối của ông Vươn, báo chí đã bắt đầu đưa ra một sự thật khác: đó là gia đình ông Vươn và những gia đình lân cận khác đã bỏ rất nhiều công sức, tiền của để khai phá, cải tạo khu vực đất được giao, thế mà từ năm 2004 (tức là cách đây 8 năm) chính quyền huyện đã đòi thu hồi trước thời hạn. Sự việc được gia đình ông Vươn và các hộ khác khởi kiện, kết thúc bằng kết luận hồi tháng 4.2010 của tòa án huyện theo hướng hòa giải là huyện cho người dân thuê lại một phần diện tích bị thu hồi, nhưng người đứng đầu ngành hành pháp của huyện đã bất chấp quyết định của tòa án mà ra quyết định vào tháng 11.2011 cưỡng chế thu hồi toàn bộ khu đầm.

Monday 15 July 2013

Tập Cận Bình: Tôi biết làm thế nào

Bài nói của Xi Jinping (Tập Cận Bình) chia sẻ những suy nghĩ của nhà lãnh đạo Trung Quốc, theo trang viet-studies.

Tập Cận Bình “Tôi biết làm thế nào?”  
            

          Tạp chí “Tiền Tiêu” ở Hồng Công số ra tháng 4/2013 đăng ghi âm phát biểu nội bộ vừa qua với cán bộ cấp cao Trung Quốc của Tập Cận Bình với nhan đề “Tôi biết làm thế nào?”, trong đó đề cập tới nhiều vấn đề nội bộ cũng như chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc mà ông cảm thấy nhiều khi rất khó xử trên cương vị này.

          Chúng tôi xin dịch nguyên văn làm tài liệu tham khảo.
        


           
Ngồi ghế Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước thực không dễ dàng

            Hôm nay tôi nói chuyện nội bộ, trao đổi, tâm sự với các đông chí chứ không phải phát biểu chính thức công bố ra bên ngoài. Tuy nhiên, thời đại thông tin nhanh nhạy hiện nay thì nhiều văn bản tài liệu nội bộ vẫn bị báo giới bên ngoài tiết lộ. Chẳng hạn trên mạng tin vừa qua đã đăng toàn văn cuộc trao đổi riêng của tôi với anh Đức Bình (Hồ Đức Bình, con trai Hồ Diệu Bang – ND).
           Tôi xin nói luôn không vòng vo rào trước đón sau. Chức Tổng Bí Thư (TBT) này không phải tôi cố ý giành giật lấy mà toàn đảng giáo phó cho tôi trách nhiệm này. Một lần, Đồng chí Hồ Cẩm Đào trước khi lên đường thăm Nhật Bản cũng từng nói: “Không phải tôi cố ý giành lấy chức Chủ Tịch Nước mà do toàn thể nhân dân cả nước bầu tôi”. Thực ra chức TBT cũng không phải tôi tự mình muốn làm mà cán bộ toàn đảng và quần chúng nhân dân bầu tôi làm, muốn để tôi làm. Nhận gánh trách nhiệm thực sự nặng nề, không dễ dàng. Thời thanh niên khi tôi về nông thôn sản xuất nông nghiệp ở Thiểm Tây đã thể nghiệm sâu sắc điều này. Gánh bằng đòn gánh trên vai thực sự không dễ dàng. Một bên nhẹ, một bên nặng đi không cân, nếu không giữ được thăng bằng thì bị ngã xuống mương nước. Chính vì vậy mà các đồng chí thông cảm với tôi, nên hiểu tôi.
Vì sao tôi một mặt phải nói làm việc theo pháp luật, pháp luật là trên hết, phải giữ sự tôn nghiêm của luật pháp. Nhưng mặt khác tôi vẫn phải nhấn mạnh  tinh thần cách mạng của Đ/C Mao Trạch Đông.  Lẽ nào tôi lại không hiểu cái đạo lý, sự mâu thuẫn giữa lý luận chuyên chính với trị nước bằng pháp luật.

Qua rồi ngày 21.6

Thú thật, không có thời gian đâu mà đọc các 'bài báo' mà trong bài dưới đây dẫn link.

Nhưng từ một 'bài báo' như thế mà nó xuất hiện nhan nhản trong đời sống hiện nay, Gs. Nguyễn Văn Tuấn đã chỉ ra bao nhiêu điều bất lương của 'nhà báo' này, đại diện cho biết bao 'nhà báo' khác hàng ngày tung nọc độc ra qua những bài tưởng chừng vô thưởng vô phạt.

Bài đăng trên blog của Mai Thanh Hải.

LÀM BÁO TỬ TẾ VÀ LÀM BÁO BẤT LƯƠNG

GS Nguyễn Văn Tuấn - Thoạt đầu tôi không để ý đến bài báo này (viết về "Tại sao gái miền Tây làm nghề nhạy cảm"), nhưng thấy PV Lê Ngọc Sơn đưa vào FB và thấy các bạn bàn luận tôi mới đọc qua cho biết.

Đọc xong tôi thấy đây là một bài báo có rất nhiều điểm đáng bàn.

Đáng bàn không phải vì sự thật (đúng ra là tính hư cấu) trong bài báo, mà là khả năng nhận thức của người viết bài báo.

Có nhiều câu chữ mang hơi hám khoa học nhưng thật ra là phi khoa học. Đáng lẽ toàn bộ bài viết phải gọi là “ngụy khoa học” thì đúng hơn.

Saturday 13 July 2013

Rỗi hơi

Bài của Mai Thanh Hải: Chính phủ ta vui tính thật, trong đó có những đề xuất không phải là vô lý, nhưng khó có tính khả thi, còn lại là khá nhiều 'đề xuất' thậm dở hơi, khiến ta phải đặt câu hỏi, phải chăng những người ấy hết việc để làm mà rỗi hơi dành thời gian đề xuất các 'chủ trương, chính sách' chỉ có thể nói là chết tiệt.




CHÍNH PHỦ TA VUI TÍNH THẬT...

CS4S - Những quyết định, đề xuất, phát ngôn được dư luận cho là khác thường, chỉ có ở Việt Nam và bắt nguồn từ những cán bộ công chức... vui tính, chỉ tạm thống kê từ năm 2012 đến nay.

2012:

1. Đóng thuế đẻ (2012)

2. Dạy tiếng Tàu trong trường tiểu học (2012)

3. Cấm doanh nghiệp vốn đầu tư từ Đài Loan treo cờ Đài Loan tại Việt Nam dưới mọi hình thức (công văn 2186/UBND-VX, 2012)

4. CMND ghi tên cha mẹ trong đó.(2012)

5. Thịt làm ra phải bán trong vòng 8 tiếng (2012).

Tuesday 9 July 2013

Quản lý báo chí tại Việt Nam - 3

Phần 3, bài của Đoan Trang.

Tự do báo chí kiểu Việt Nam (kỳ 3)


Bản tiếng Anh ở phía dưới. Scroll down for the English translation. 

Năm 2012, toàn thế giới có 71 nhà báo bị sát hại, trong đó nước có nhiều nhà báo thiệt mạng nhất là Syria với 29 trường hợp (*). Nếu loại trừ hai điểm nóng, trong tình trạng nội chiến và xung đột, là Syria và phần lãnh thổ Palestine do Israel chiếm đóng, thì nhà báo bị giết chủ yếu ở một số nước châu Phi, Mỹ Latin và Nam Á. Trong khu vực Đông Nam Á, Campuchia và Philippines mỗi nước cũng góp một vụ.

Việt Nam từ trước đến nay không có trường hợp nào nhà báo bị sát hại trong khi tác nghiệp hoặc vì nguyên nhân liên quan đến công việc. Chỉ có một thảm kịch, có thể coi như mưu sát bất thành, là vào ngày 4/7/1991, nhà báo Trần Quang Thành bị tạt axit vào mặt, gây bỏng nặng và tàn phế. Trước đó, ông đã bị xã hội đen đe doạ sẽ trả thù, và theo lời ông khẳng định với báo Người Việt năm 2011 thì “chỉ có công an tiết lộ cho chúng biết là tôi cung cấp tài liệu thôi”. Điều đáng nói là không một tờ báo trong nước nào đăng tin về chuyện của ông Thành, và vụ việc đến nay đã rơi vào quên lãng. 

Wednesday 3 July 2013

Phạm Viết Đào

Tiếp sau Trương Duy Nhất, đến ngày 13.6.2013, đến lượt Phạm Viết Đào, một nhà văn, một blogger bị bắt.



Nguyễn Thông, ngày 13.6 đã đưa lại tin chính thức của Thông tấn xã Việt Nam, không kèm bình luận, về việc này:

http://thongcao55.blogspot.com/2013/06/ong-pham-viet-ao-bi-bat.html

BBC Tiếng Việt cũng đưa tin về việc này cũng như một số thông tin cá nhân cũng như việc làm của ông Đào:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/06/130613_bat_blogger_pham_viet_dao.shtml

Trương Duy Nhất - Một góc nhìn khác


Trương Duy Nhất, nhà báo tự do, blogger chủ của trang Một góc nhìn khác, bị nhập kho ngày 26.5.2013.

Dưới đây là một số bài viết về anh.




https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/05/27/nua-ngay-voi-truong-duy-nhat-2/

https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/?s=duy+nhất

https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/06/04/nhat-ky-chu-nhat-26-thang-nam-truong-duy-nhat/

https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/06/04/nhat-ky-chu-nhat-26-thang-nam-truong-duy-nhat/

https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/06/11/lan-dau-tham-nuoi-truong-duy-nhat/

Lê Lựu

Từ ít ra là nửa năm nay thỉnh thoảng lại đọc tin về sự khốn cùng của Lê Lựu. Thú thật là không khoái những câu chuyện này, một ông già ở tuổi 70-80 không đếm xỉa gì đến sĩ diện và sẵn sàng để các phóng viên đào bới và đăng tải chuyện lục đục gia đình. Cũng như một vài truyện nghe được từ như người có việc 'giao dịch' với Trung tâm văn hóa doanh nhân gì gì đó của ông.

Chỉ đọc mỗi một quyển Thời xa vắng của ông, còn lại những gì khác của ông thì không đọc. Bời vì được biết cái mẩu tin về thành tích diệt ruồi là 'áng văn' đầu tiên được in của ông, rồi câu chuyện về ông sau khi đi Mỹ về thì đến đâu đâu cũng nói chuyện nước Mỹ. Không khoái.

Về Thời xa vắng, tác phẩm được coi là đáng kể nhất của ông, có nhiều yếu tố tự truyện, nó có thể hấp dẫn vì kể lại câu chuyện đời bế tắc của một người sống theo 'mọi sự sắp đặt của tổ chức, đoàn thể' cho thấy đời sống một thời tại vùng quê, từ đó có thể nhìn rộng ra vào nhiều cuộc đời, vào nhiều vùng quê trên đất nước Việt Nam khốn khổ thời đó. Nhưng về văn chương thì Thời xa vắng, dù là tác phẩm đáng kể nhất, ít có cống hiến về văn chương với lối hành văn kể chuyện lôi thôi, dài dòng, liên tưởng đến khi đọc Cát bụi chân ai, hay Chiều chiều cũng dây cà dây muống của Tô Hoài, nhưng Tô Hoài đây đã ở tuổi 70-80 nên hành văn kiểu ấy cũng còn có thể hiểu được, và Cát bụi chân ai hay Chiều chiều còn có giá trị của tư liệu, phản ánh một phần nào sự thật của một số nhân vật văn học sự hiện đại Việt Nam.

Xem bức ảnh sau đây khi ông già 80 mặc quần đùi để chụp ảnh đưa lên báo, lên mạng cho công chúng thì cũng thấy được con người của Lê Lựu.


Về Hồ Đức Việt (tiếp)

Tiếp theo bài Về Hồ Đức Việt, Hồ Anh Dũng, do trên mạng và báo chí chính thức đưa tin nhiều về lễ tang hay về con người khi sống của ông Việt, nên tập hợp lại và lưu tại đây.

Chỉ muốn có vài nhận xét là, con người chính trị của ông Việt như thế nào hãy để các đối thủ hay chiến hữu chính trị của ông đánh giá. Con người ngoài chính trị, thì bạn đồng thời hoặc đông học của ông có thể đánh giá thiện cảm hơn vì mấy chữ 'đồng' này.

Có điều, những gì mà Xuân Ba viết sẽ không còn tác dụng tìm hiểu con người khi ông còn sống và ở trong vòng quyền lực, một điều cần thiết cho những người quan sát. Đọc những điều viết về một con người khi người ấy đã chết, cho dù đúng sự thật hay còn có phẩn chưa chính xác, chỉ còn có đôi chút ý nghĩa với con mắt của sử gia, tuy nhiên trong con mắt sử gia, dù xét lịch sử đương đại Việt Nam, hay thời hiện đại (từ đầu thế kỷ 20, từ năm 1930, hoặc ít ra từ năm 1945) chưa nói đến cả lịch sử 2,000 năm của dân tộc, thì Hồ Đức Việt không phải là một nhân vật đáng xem xét, hay tốn nhiều giấy mực.

Đây là tiểu sử chính thức của ông Hồ Đức Việt:
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/630003/Ong-Ho-Duc-Viet-qua-doi-tpot.html

Về lễ tang của ông và con người ngoài chính trị của bạn cùng thời, cùng học, theo trang Nguyễn Trọng Tạo:
http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/06/01/ho-duc-viet-ve-voi-que-minh/
http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/06/01/le-tang-ong-ho-duc-viet/
http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/06/07/dam-tang-ton-vinh-ho-duc-viet/
http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/06/10/dem-noi-chuyen-voi-ho-duc-viet/

Về kỷ niệm về ông trước một sự cố, của nhà báo Xuân Ba, báo Tiền Phong:
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phong-su/630112/Tan-man-mot-thoi-Ho-Duc-Viet-tpp.html
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/630282/Mot-thoi-Ho-Duc-Viet-To-chuc---nghe-nhoc-nhan-tpp.html

Về Hồ Đức Việt, Hồ Anh Dũng

Nguyễn Thông đưa lại bài của Cầu Nhật Tân, Anh em nhà họ Hồ, đăng ngày 10.5 khi bằng cách nào đó họ có tin ông Hồ Đức Việt khó qua khỏi, trong khi truyền thông chính thức của nhà nước chưa có tin tức gì mà phải đợi đến sau khi ông chết (31.5) và sắp xếp xong Ban lễ tang thì truyền thông nhà nước mới chính thức đưa tin. Chỉ một ví dụ cũng cho thấy về mặt thông tin, truyền thông nhà nước đã 'thua' so với thông tin 'ngoài luồng'.

HỒ ĐỨC VIỆT
13/8/1947-31/5/2013
Về hai nhân vật Hồ Đức Việt và Hồ Anh Dũng mà Cầu Nhật Tân đề cập, chỉ muốn viết thêm vài chữ thế này.

Đây là hai anh em ruột, cháu nội của cụ Hồ Tùng Mậu, một nhà cách mạng tiền bối mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin cậy. Ông Hồ Đức Việt đã từng giữ chức Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn (TNCS HCM), một vị trí đảm bảo cho ông những chức vụ chính trị tiếp theo sau khi ông từ biệt tổ chức được coi là của thanh niên - những gì cho thấy về các người tiền nhiệm như Vũ Quang, Đặng Quốc Bảo, Vũ Mão (bài dưới đây cũng nhắc đến Vũ Mão), rồi Hà Quang Dự, Hoàng Bình Quân, hay sau này là Võ Thưởng. Sau này khi thôi làm 'thủ lĩnh' đoàn viên, thì con đường đi của ông khá vòng vèo trước khi nhận chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương đầy quyền lực: Bí thư Quảng Ninh, rồi Bí thư Thái Nguyên - có vẻ như người ta không tìm được vị trí thích hợp để trao cho ông, nên giao cho ông các 'nhiệm vụ tạm thời', kể cả là Chủ tịch (hay Tổng thư ký) của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Về Hồ Anh Dũng, không được rõ về quãng đời trước kia của ông. Chỉ biết về ông khi ông làm Tổng Giám đốc của Đài truyền hình Việt Nam VTV, kế nhiệm Phạm Khắc Lãm (anh trai của đạo diễn sân khấu Phạm Thị Thành, cả hai người là con của Phạm Khắc Hòe, Đổng lý văn phòng của triều đình Bảo Đại). Ấn tượng về TGĐ Hồ Anh Dũng chính là VTV đã 'khởi động cuộc chiến' chống xâm phạm đê điều và hành lang bảo vệ đê điều tại Hà Nội, hình như vì nguyên nhân đó hay những uẩn khúc khác mà một số vị mất chức, trong đó có Đinh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Khoái Hồ Anh Dũng từ dạo ấy, và cảm giác là ông này có vẻ khá thẳng tính (bộc trực).

Nhận xét về mấy nhân vật phụ, Vũ Mão hay Hữu Thọ, đều khá xác đáng. Không có gì đáng đề cao ở hai nhân vật này.

The Great Gatsby

Đồng thời mà cả hai bạn trên blog mà mình theo dõi thường xuyên, Nhị LinhHậu khảo cổ đều có entry về Gatsby vĩ đại.



Gatsby là một cuốn sách mà mình đọc đã lâu và rất thích. Tiếp theo đó mình đọc The Last Tycoon, cũng vô cùng thích thú. Vì thế, F. S. Fitzgerald nằm trong số tác giả cổ điển yêu thích của mình, mà mình có kế hoạch phải tìm đọc đầy đủ. Tuy vậy, dù đã có Fitzgerald Collected Short StoriesTender is the Night (Mình tạm dịch là Đêm mượt mà) từ lâu nhưng chưa bao giờ mình hoàn tất đọc hai quyển này. Nhưng gần đây mình cũng đọc quyển The Alabama Song, của một tác giả Pháp, chỉ vì sách lấy nhân vật chính là vợ chồng Fitzgerald, F. Scott và Zelda.

Nhờ hai entry nêu trên, hứng thú đối với Fitzgerald có thể sẽ trỗi dậy. Mình sẽ đọc lại The Great Gatsby, và sẽ tìm xem phim mà hai bạn đề cập. Cũng như chính thức chinh phục Collected Stories cùng Tender is the Night. Tại bởi vì cũng có nhiều bạn không thích The Great Gatsby, như bạn này, nên mình cần tìm đọc lại để xem lập luận của bạn ấy ra sao. Phải nói thêm là tuy không đọc bản dịch sau này của Trịnh Lữ, nhưng mình đã hơi ấn tượng xấu nên không tìm đọc bản dịch này nữa, chỉ vì bản dịch của Trịnh Lữ đã dùng ngôn ngữ thời thượng hiện nay khiến mình không thích ngay từ cái tên truyện trở đi Đại gia Gatsby. Hừ, đại gia cái gì chứ.

Monday 1 July 2013

Quản lý báo chí tại Việt Nam - 2

Bài của Đoan Trang, tiếp phần 2.



Tự do báo chí kiểu Việt Nam (kỳ 2)


Bản tiếng Anh ở phía dưới. Scroll down for the English translation.

Như đã nói trong bài trước, “hơn ai hết, Đảng – mà đại diện ở đây là bộ máy tuyên giáo và an ninh – ý thức được sức mạnh của sự bí mật. Công khai, minh bạch là tự làm mất mặt mình, tự giết mình”. Chính vì vậy, để bảo vệ chế độ, điều tối quan trọng là phải bảo đảm… bí mật, từ bí mật công tác đến an ninh quốc gia. Để làm được điều đó, nguyên tắc căn bản chỉ là “làm tốt công tác tư tưởng” và quản lý báo chí thật chặt chẽ, sát sao.

Quản lý báo chí tại Việt Nam -1

Bài của Đoan Trang, với tựa đề "tự do báo chí" thiết tưởng không phù hợp lắm, đúng ra đây là cái nhìn của người trong cuộc về quản lý báo chí thì đúng hơn.



Tự do báo chí kiểu Việt Nam (kỳ 1)


Bản tiếng Anh ở phía dưới. Scroll down for the English translation.

Theo Báo cáo công tác báo chí năm 2012, do Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn trình bày tại Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2013, “tính đến tháng 2/2013, số lượng cơ quan báo in trên cả nước là 812 với 1084 ấn phẩm. Trong đó, có 197 tờ báo in (84 báo Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể, 113 báo địa phương). Trong lĩnh vực thông tin điện tử, 336 mạng xã hội, 1174 trang thông tin điện tử tổng hợp. Cả nước hiện có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 02 đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, 01 đài của ngành (Đài Truyền hình KTS VTC); 64 đài phát thanh và truyền hình địa phương với 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình (99 kênh truyền hình, 73 kênh phát thanh) Về đội ngũ cán bộ báo chí, cả nước hiện có gần 17000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ, 19000 Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, sinh hoạt tại các chi hội, liên chi hội...