Tuesday 8 January 2013

Phan Khôi từ 1948-1954

Trên trang của Vương Trí Nhàn thấy có bài này về Phan Khôi, lưu lại làm tư liệu cho dễ tìm về sau.

Đáng lưu ý có đoạn dưới đây, tả cụ Phan khá oai hùng, bốc lửa.


Khoảng 1949, Hội Văn nghệ Việt Nam có phát động phong trào văn nghệ sĩ đầu quân, văn nghệ sĩ đi mặt trận và hoạt động này được phản ánh khá rõ nét trong bài báo của Thao Trường, bút danh của Nguyễn Huy Tưởng in trong số kép, ra các tháng 11-12/1949. Sau khi điểm qua hàng loạt nhân vật nổi tiếng "Nguyễn Đỗ Cung chìa thước vẽ cho anh em hoạ sĩ" "Đoàn Phú Tứ chân đất đi tìm hàng đóng dép" "Văn Cao trước hết muốn là một người cán bộ"... bài viết để một đoạn dài đặc tả Phan Khôi:
"Và quắc thước, nghiêm nghị, nhiệt thành, tôn trọng kỷ luật, đấy là cụ Phan Khôi. Cái ba lô nằm nghiêng trên lưng, áo tuýt xe lụa cũ, chiếc gậy bịt đồng thẳng như tấm lòng và lời nói của cụ..."
    Và đây, hình ảnh Phan Khôi ở giây phút long trọng nhất của buổi lễ xuất phát:
"Khi cụ bước lên bục, một cán bộ quân sự sợ cụ yếu, đỡ cụ. Cụ đẩy tay anh ra. Trong thâm tâm, cụ không muốn tuổi già được biệt đãi. Mắt cụ hơi ngơ ngác, nhưng trên khuôn mặt nghiêm khắc, hình như thoáng một nét cười.
- Tôi là một đoàn viên trong đoàn văn nghệ sĩ đi chiến dịch thế mà tôi được nói, là vì tôi nhiều tuổi. Già mà đi thì cũng lạ một chút.
Tôi chỉ xin giải thích thế này. Chuyến này tôi đi với ai? Tôi đi với đội viên. Chắc các đội viên sẽ lo ngại, cho là cái anh già này đi sẽ làm họ vướng víu. Vậy xin bộ chỉ huy nói với đội viên rằng tôi đi được, một ngày tôi đi được ba bốn chục cây số. Và tôi xin hứa rằng -- cụ dằn từng tiếng - trong khi đi, tôi sẽ không dám phiền bộ chỉ huy, không phiền một ông vệ quốc đoàn nào đưa tôi về.
    Mục đích của tôi đi chiến dịch là thế nào? Là nhìn sự thật mà viết (...) Còn như nhiệm vụ là một, kỷ luật sắt là hai, tôi chưa biết có chịu được không.
   Lời cụ đến đây, như từng nhát búa, mắt cụ long lanh:
   - Nhưng tôi muốn chịu.
   Cụ vác gậy về chỗ, chống gậy nhìn lên. Tiếng hoan hô như nước dâng. Trăm con mắt châu tuần vào cụ. Nhạc binh tấu bản nhạc Lên đường lập chiến công"
   Còn đây là những lời Chế Lan Viên kể về Phan Khôi. Trong một số Tin Văn nghệ , khi tường thuật hội nghị Ban chấp hành Hội Văn nghệ mở rộng họp trong các ngày 18 đến 20-3-1951 để chào mừng Đảng lao động Việt Nam ra mắt, Chế Lan Viên chép ra đầy đủ lời phát biểu của Phan Khôi, kèm theo nhận xét "Bác Phan đã nói những lời chân thành nhất". Rồi Chế Lan Viên viết tiếp:
"Tôi không được dự các buổi bác Phan lên đường đi chiến dịch năm nào, nhưng xem tả trong báo thì đó là một hình ảnh đẹp. Tôi tưởng hình ảnh bác Phan hôm nay ở giữa hội trường, râu dài, tóc trắng, nói lên những lời rung động cả tâm can hội nghị, tôi tưởng hình ảnh ấy còn đẹp hơn (...) Bác Phan ơi, bác đã già nhưng dường bác còn dài lắm, cây gậy của bác còn phải khoẻ mới chống nổi bác đấy, chứ chẳng chơi đâu."


Cuối đoạn trích trên là lời bình của Chế Lan Viên, không biết là sự thật thêm phần tâng bốc hay là mang tính tiên tri "cây gậy của bác còn phải khỏe mới chống nổi bác đấy, chứ chẳng chơi đâu" nếu dõi theo số phận của cụ Phan đến thời Nhân văn - Giai phẩm.

Vì, cũng hai con người đó (Chế Lan Viên và Phan Khôi) trong cơn xoay vần của tạo hóa thời sau Nhân văn - Giai phẩm đã thành ra thế này, đoạn trích dưới đây từ bài "TƯỞNG NIỆM VỀ PHAN KHÔI" của họa sĩ Trần Duy đã cho thấy cụ Phan đã khổ sở như thế nào còn Chế Lan Viên đã biến hóa ra sao. Họa sĩ Trần Duy chính là người làm Thư ký tòa soạn cho báo Nhân văn một thời, tuy khôn gọi tên đích danh Chế Lan Viên, nhưng đọc qua đoạn này thì ai cũng biết nhân vật này là ai.

...

Cũng từ dạo ấy tôi thấy sức khỏe của ông Phan Khôi sa sút. Có lúc thấy ông đi không vững. Có lúc thấy ông khó thở. Ông nói với tôi ông bị sốt thường xuyên, xin được đi khám bệnh nhưng không ai ký giấy giới thiệu.

Một buổi chiều tôi (Trần Duy) đến 51 Trần Hưng Đạo (trụ sở của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật và nhiều tổ chức hội về văn hóa, văn nghệ, nơi Phan Khôi một thời sống tại đây) thì gặp cảnh một quan chức có quyền lực quát đuổi vợ chồng ông ra khỏi số nhà 51 Trần Hưng Đạo:

Người này quát lên:

- Tống cổ thằng già khốn nạn này ra khỏi đây.

Vợ ông - bà Huệ ôm chăn màn, sách vở, ông Phan Khôi lảo đảo theo sau. Ra cổng gặp tôi, ông chào và nôi:

- Thôi, anh về đi... Buồn không cần thiết!

Đến buồn mà cũng không cần thiết, kể cả khi hắt bát nước đi vẫn biết là không hớt lại được.

Hôm sau tôi gặp lại vị quan chức hôm qua, nguyên là bạn học cùng tôi thời tiểu học ở Quy Nhơn, Bình Định, tôi hỏi:

.  Ăn ở đối xử với nhau như vậy có quá lắm không? Nhất là tầm tuổi ông Phan cũng ngang hàng cha chú chúng mình?

Ông bạn tôi cười nói:

- Cậu có biết chuyện lên đồng không? Người lên đồng nói những điều không do họ chịu trách nhiệm, họ nói những điều đến từ thế giới khác.

Và cũng nhân câu nói ấy, tôi nhớ có một nhà viết kịch (?) nói với tôi (Trần Duy) giai thoại về ông này. Nhà ông này có một cái tủ lạnh, lúc vắng ông có người mở tủ lạnh ra thì thấy trong tủ toàn là lưỡi. Có thể vì thế mà ông ta nói được bằng nhiều thứ lưỡi.

...


TRẦN DUY - Tưởng niệm về PHAN KHÔI

Thiết tưởng thế là đủ, chỉ muốn nói thêm về Chế Lan Viên, vì thế sau này dù ông ta có để lại DI CẢO mà nhiều người tán tụng, mình cũng không thể có chút cảm tình nào đối với Chế Lan Viên.

Còn dưới đây là bài của Vương Trí Nhàn.

Monday 7 January 2013

Appointment in Samarra - Hẹn gặp ở Samarra

Vừa đọc xong quyển "Hẹn gặp ở Samarra" của tác giả John O'Hara, bản dịch của Hồng Vân do NXB Văn hóa Sài Gòn (VHSG) xuất bản năm 2008.

Đây không phải là một tác giả mới, thời thượng vì John O'Hara (1905-1970) đã nổi danh từ những năm 1930. Đối với thị trường trong nước, đây cũng không phải là sách mới, vì VHSG in quyển này từ năm 2008, hay thuộc loại sách bán chạy, như H. Murakami.



Tuy nhiên, trước đó mình mới chỉ đọc một quyển của J. O'Hara, đó là đọc nguyên tác bằng tiếng Anh A Rage to Live. Phải nói thêm về quyển này, trong một lần ghé Hiệu sách THUẬT cùng một người bạn từ cách đây vài chục năm, khi sách ngoại văn còn là của hiếm khó kiếm, chỉ thỉnh thoảng nhặt được một vài quyển ở các hiệu sách cũ, mình mua một quyển gì đó còn bạn mua quyển A Rage to Live. Nhưng sau khi đọc xong bạn passé cho mình, hình như tâm lý bạn gái của bạn không thấy hợp với những mô tả về tâm lý của phụ nữ phương Tây (trong khi trong tủ sách nhà bạn mình lại thấy có quyển WHAT DO WOMEN WANT và một số ấn bản của PLAYBOY). Mình đọc thì thấy thích, nhưng quyển sách đã quá tã, đóng sách paperback theo kiểu Mỹ dùng keo gắn từng tờ vào gáy nhưng do keo kém nên đã rã ra từng tờ một, một quyển khác mà mình có cũng bị tình trạng sách rã rời là Webster's New World Dictionary 1971, một quyển pocket-size book tuy không rời ra từng tờ nhưng lại vỡ thành từng tập khiến mình phải kỳ công dùng dùi và loại dây đóng giày để "gia cố" lại. Đọc đã lâu nên không còn nhớ nhiều về câu chuyện hay cốt truyện, nhưng nhớ được một câu đại ý Irish are famous for being glib.

Về quyển Appointment in Samarra hay Hẹn gặp ở Samarra này, chỉ có thể nói đây là một quyển sách hay, rất đáng đọc (khi nào rảnh sẽ viết thêm mấy chữ để ghi nhận tại sao mình thấy nó hay), chứ sách ra đã lâu, chẳng bạn nào thèm nhờ nhận xét của mình làm review cho cuốn sách. Cần nói thêm là dịch giả Hồng Vân có một bản dịch thoát và đạt, khá sạch sẽ, tuy vẫn còn có thể có một số lỗi, hoặc cả lỗi in ấn, nhưng còn hơn nhiều quyển khác mà mình đọc cứ thấy tưng tức hoặc về lỗi khi dịch, lỗi kiến thức, hay lỗi typo (một trong những điển hình gần đây là bộ tiểu thuyết của một tác giả Thụy Điển Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa, và Cô gái chọc tổ ong bầu, do Trần Đĩnh dịch, mình đã đọc hai quyển đầu mà thấy tức anh ách. Mới đây có bản dịch Máu lạnh từ cuốn In Cold Blood của Truman Capote, nghe nói cũng của Trần Đĩnh dịch, mình hơi ngại khi lại cầm bản dịch của ông này dù có bạn đảm bảo khâu biên tập đã làm rất kỹ lưỡng để chau chuốt, chỉnh sửa lại bản dịch).

Sunday 6 January 2013

Diễn văn của Trưởng thôn


Diễn văn của trưởng thôn

Theo PhanAn

December 26th, 2012 § 2

Kính thưa làng!

Như vậy là một năm nữa đã trôi qua. Năm vừa rồi là (rút lịch từ túi quần ra xem) vâng năm rồi là hai nghìn mười hai. Thế nên chúng ta đang bước vào năm (rút bàn tính ra gẩy) à năm hai nghìn mười ba. Nhìn vào mắt làng tôi cũng thấy, tất thảy chúng ta đều rất là một sự ngạc nhiên đúng không ạ? Tại vì, nhờ vào cái phép mầu nào mà chúng ta còn sống sót đến giờ này, có phải không ạ? Thế thì (bỗng dưng cao giọng) anh nào ở gốc cây kia, trưởng thôn đang phát biểu trên này mà anh ngồi chơi tò he thế à, thật vô lễ! Muốn cắt sổ hưu không? Anh bảo gì, anh bảo anh có quyền tự do chơi tò he à? Tự do cái cục cứt! Cái dân không giáo dục được! (Hạ giọng) À tôi nói đến đâu rồi ấy nhỉ… à hôm nay nhân cái dịp là cuối năm, tôi xin đại diện làng nhìn lại năm rồi (rút lịch túi quần ra xem) tức là hai nghìn mười hai, đặng còn vạch ra hướng đi cho năm tới (rút bàn tính ra gẩy) chính là hai nghìn mười ba. Vâng năm rồi cái làng Vãi Chưởng… ủa quên cái làng Vững Chãi chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, có những thành tựu lớn, lại có những thành tựu vĩ đại, những sự kiện á là sáng ngời, tuy rằng có thể làng không được biết, vì nó thuộc về cái chủ trương, cái đường lối chính sách từ trên.

Tôi nói xí dụ như là phong trào xóa đói giảm nghèo. Làng ta năm rồi được bằng khen về xóa đói giảm nghèo, là tại vì sao? Vì sự linh động trong chính sách! Tôi đơn cử, Bốn Cụt trước đây là hộ đói vĩnh cửu, đói ngoan cố, vừa rồi cũng đã bỏ làng lên thành phố làm một cái nghề chân chính là nghề ăn mày, nghe nói một ngày y bò được hai mươi cây số đường nhựa. Bốn Cụt bỏ làng, thế thì làng ngại gì mà không bỏ Bốn Cụt? Tôi gạch tên Bốn Cụt ra khỏi danh sách hộ đói. Nên chi là năm rồi số lượng hộ đói của làng ta giảm triệt để. Xong rồi mới đây thôi thì tôi cũng tăng giá bán đèn cầy lên năm phần trăm. Là tại tôi biết làng ta đã hết nghèo đói, tăng như thế để lấy tiền xây cái nhà chồ mười một ngàn tỉ. Mụ vợ tôi rằng tăng giá đèn cầy trong khi đèn đóm như con cầy thế là không hợp lí. Thế thì tôi bèn bóp miệng mụ, tôi bảo cả cái làng này tao còn bóp hầu bóp họng được, mụ coi chừng đấy. Mụ im, còn chúng ta thì được thêm bảy ngàn tỉ đồng, phen này nhà chồ của chúng ta sẽ thành nhà chồ đẹp nhất huyện (phía dưới rộ lên tràng pháo tay, văng vẳng tiếng ú ớ của trưởng thôn phu nhân).

Friday 4 January 2013

PHẠM NGỌC THẢO

PHẠM NGỌC THẢO

Bài đăng nhiều kỳ trên báo THANH NIÊN, trang viet-studies của Gs. Trần Hữu Dũng đăng lại.

Không ngờ ông lại là một trong những người sáng lập tờ Bách Khoa.

(Bạn HHV có thể cần đính chính chi tiết: Năm 1946 ông Lê Duẩn đang ở đâu mà được cử "vào Nam" làm Bí thư Xứ ủy).





Đăng trên báo Thanh Niên từ ngày 20/12/2012 đến 26/12/2012

 

Phạm Ngọc Thảo - Oanh liệt trong thầm lặng

Hoàng Hải Vân

 1. Những giọt nước mắt của ông Mười Hương

“Trong lịch sử tình báo ta, câu chuyện ly kỳ như Phạm Ngọc Thảo là hãn hữu, nếu bỏ qua không nghiên cứu đến nơi đến chốn là thiếu trách nhiệm đối với công cuộc tích tụ kho tàng tình báo Việt Nam” (Lời tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí), nguyên Thủ trưởng Cơ quan tình báo Miền)

Tấm hình đăng kèm theo đây do nhà báo Chin Kah Chong của hãng tin Pan-Asia Newspaper Alliance (PANA News) của Nhật Bản chụp Phạm Ngọc Thảo mang lon đại tá quân đội Sài Gòn lúc chỉ huy cuộc đảo chính ngày 19.2.1965 lật đổ chính quyền Nguyễn Khánh. Ông Chin đã gửi tặng tấm hình cho chúng tôi trong dịp sang lại Việt Nam cách đây không lâu. Ông bảo ông đã hai lần gặp Phạm Ngọc Thảo, ông kể lại không khí của cuộc đảo chính mà ông trực tiếp chứng kiến hồi đó, nhưng ông không lý giải được về hoạt động của vị đại tá này dù ông rất ngưỡng mộ.


Cho đến nay, Phạm Ngọc Thảo vẫn còn là một bí ẩn khó có thể giải mã. Không phải vì xung quanh ông vẫn còn những bí mật quân sự, cũng không phải xung quanh ông có những điều “nhạy cảm” khó nói. Khó giải mã là do tầng tầng lớp lớp những biến cố lịch sử, những quan hệ, sự thiên biến vạn hóa của chiến lược, chiến thuật, kỹ thuật, nghệ thuật chiến tranh tồn tại trên chiến trường, trên chính trường và trong cuộc sống nhưng nằm ngoài sách vở và các bản tổng kết.