Monday 10 August 2009

sports clichés

Các nhà bình luận viên thể thao nhà mình cứ làm mình tức anh ách. Vì chỉ toàn nghe những clichés, hễ Hà Lan thì "cơn lốc màu da cam", Brazil thì "những vũ công samba", Bỉ thì "những con quỷ đỏ", Đức thì "cỗ xe tăng Đức" và v.v.

Sở dĩ bực mình là sáng nay VTV đưa tin thể thao lại nói "đội bóng xứ sương mù". Không hiểu trên thế giới có còn ai gọi U.K. hoặc England là "xứ sở sương mù" nữa không, nhưng "sương mù thành London" có lẽ đã "ăn chết" kể từ bài thơ của nhà thơ họ Chế và những bài giáo khoa địa lý từ xa xưa.

Còn nhiều clichés nữa của các 'bình loạn viên thể thao' thuộc và không thuộc VTV, có vẻ như họ cùng học nghề bình loạn từ chung một thầy.

Bực mình quá. Lại một sự lười nhác, và dốt nát nữa.

Friday 7 August 2009

"LẠ"

Đã một dạo không thấy từ "lạ" xuất hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông: bắt được một con chim "lạ", nay từ "lạ" lại xuất hiện trong một bối cảnh khác: "tàu lạ".

Phải nói là việc phát hiện thêm các loài mới hiện nay vẫn xảy ra, nhưng không phải là một hiện tượng phổ biến. Một con chim "lạ" đối với một người dân thường khi phát hiện ra nó, còn một nhà báo khi đưa tin chẳng thèm tìm hiểu ý kiến chuyên môn, tham khảo các học giả để xác định xem đó là loài chim gì mà chỉ chộp giựt để đưa ngay mấy dòng tin.

Ở đây có vấn đề về kiến thức chung, về tính chuyên nghiệp và cả sự lười nhác của nhà báo.

Đã có một thời chúng ta quen gọi "liệt sĩ vô danh", nhưng ai sinh ra cũng có một cái tên, nên ngày nay chúng ta đã phải đổi lại là "liệt sĩ chưa xác định được tên".

Còn cái vụ "tàu lạ" này thì hơi khó hiểu. Biển nhà mình chứ có phải ao nhà của ai đâu mà "tàu lạ" xâm phạm lại còn hành xử với ngư dân mình như thế được.

"TÁI HIỆN"

Dạo này nhà đài (ý tôi nói là VTV, nhiều kênh và nhiều vị) rất hay dùng từ "tái hiện".

VTV ngày 7.8.2009 nói đến việc "phục dựng", tức là bao gồm cả việc phục chế và xây dựng mới, một công trình ở Huế, thế mà cũng nói "tái hiện", thì không biết món nào là "tái" món nào là "hiện" ở đây.

Hay thường thấy khi các vị trên VTV hay bản thân nhà đài thường dùng chữ "tái hiện" để giới thiệu về một bộ phim, một quyển sách, ví dụ "bộ phim đã "tái hiện" một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc..." vân vân và vân vân. Làm phim mà để "tái hiện" lịch sử thì làm làm gì, đọc sách sử còn hơn.

Có thể thấy:

- sự nghèo nàn về ngôn ngữ, về vốn từ vựng của những người muốn "tái hiện" thường xuyên chữ "tái hiện".
- sự lười nhác trong tư duy của những người này; một sự lười nhác mà tôi sẽ còn có nhiều dịp quay trở lại.